Chương 12: Lời tiên đoán

Quân đội ư, ừ cũng là một nơi tốt. Đàn ông phải đi bốn bể, tay mang súng, vai gánh hành trang, miệng đếm một hai một hai, thời gian uốn nắn rèn đúc ra khí chất nam nhi đầu đội trời chân đạp đất.

Giả Quế Phương trăm dặn ngàn dò, sợ là một khi con trai rời khỏi đôi cánhchở che của mẹ thì bị gì oan khuất thua thiệt. Vương Thụ Dân thì cứ bình tĩnh như thường, chẳng ngại cực hay khổ. Ngày xưa cha ông trường chinh hai vạn năm, họ chịu được cớ gì mình lại không? Người xưa nói, không ăn khổ sao biết được mùi hạnh phúc.

Những tân binh thì được đội trưởng huấn luyện. Trong nhóm loại người gì cũng có, đúng với kiểu năm châu bốn bể đều là anh em. Có một cậu nhóc tên Hà Tiểu Binh, vừa nghe danh liền biết chẳng có tiền đồ to lớn gì, nhìn mặt là thấy chưa đủ tuổi, cằm còn chưa mọc cả lông măng. Sau khi hỏi han thì biết là do học không nổi cấp Hai, nhờ người ta sửa hộ khẩu, nâng tuổi lên, rồi xin vào quân ngũ, đi lính hai năm xong thì về nhà, được chính quyền lo cho công ăn chuyện làm, hoặc là tới xí nghiệp gia đình làm việc cũng được.

Còn có một người anh em tên Lý Ái Quân, từ trên núi xuống, nguyên danh Lý Cẩu Đản, nhưng đã tự đổi tên khi vào quân đội, tiếng phổ thông nói không rành lắm, được cái tính tình tốt bụng nhiệt tình, khuyết điểm duy nhất là ăn cơm hơi bị nhiều. Ngày đầu tiên tập huấn, một nhóm trai tráng ngồi xe mệt nhọc, thấy cơm thì ăn như quỷ đói, thế nhưng tới khi đồng chí Lý Ái Quân cầm đũa lên thì ai nấy cũng phải choáng váng nhìn, tới cả đội trưởng suýt rớt cả tròng mắt ra.

Lý Ái Quân vô cùng yêu mến với thức ăn, chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã giải quyết xong mười lăm cái màn thầu cùng một nồi cháo lớn, khiến các anh em còn lại chẳng ai được no bụng.

Vương Thụ Dân lần đầu được rửa mắt, thầm nghĩ quả nhiên là bộ đội, toàn là kẻ khác người.

Chỗ tập huấn đặt cạnh một bờ suối nhỏ ở Liêu Ninh, sinh hoạt hết sức gian khổ, phần ăn mỗi bữa còn chưa tới bảy đồng tiền, suốt ngày cháo rau dưa cải. Ăn uống nghèo nàn như vậy khiến Vương Thụ Dân nghĩ mình sắp sửa sánh bằng cư dân ở Châu Phi rồi. Có người anh em còn sửa lời quân ca thành "Anh là gốc cải ngọt đến từ đất xanh~~"

Bất quá, mấy lời than thở rền rĩ đó chỉ phát xuất từ miệng những cậu ấm chơi bời trác táng như Vương Thụ Dân thôi. Còn như Lý Ái Quân thì khác, Lý ta nhiều lần nói cho cả đội nghe về chuyện quê mình, nhà nhà dăm bữa nửa tháng cũng chẳng có lấy một bữa ăn no, cháo rau dưa cải có là gì? Có ăn rồi còn kén cá chọn canh, đây là hành vi chỉ có bọn thiếu gia chưa bao giờ biết khổ làm thôi.

À, nói vậy thì nhìn chung chỉ có mỗi mình đồng chí Lý Ái Quân là từng biết mùi cực khổ thôi.

Từ sáng sớm tới chiều tối chỉ có mỗi một báo cháo trắng mà phải chạy việt dã năm ngàn mét, hại các tân binh chạy xong đều bủn rũn tay chân mình mẩy, chỉ hận là sao không long hết tứ chi ra cho rồi. Dần dần, Vương Thụ Dân cũng hiểu ra vì sao mặt mày đội trưởng lúc nào trông cũng như táo bón vậy, cả ngày ngoài bới móc ra thì cũng chỉ là bới móc.

Cả đám lính mới đều chịu không nổi, nhịn riết muốn nổi khùng.

Năm đầu đi lính áo quần lúc nào cũng ngai ngái mùi chua, giặt hoài chẳng phai hương, nội y ngoại trừ ngủ thì chẳng đời nào được cởi xuống.

Đương nhiên, vấn đề này Vương Thụ Dân chỉ than van cho mình Tạ Nhất nghe. Những khi gọi điện về nhà, tới cả Vương Đại Xuyên cậu ta cũng không hé môi than khổ lấy nửa lời, bao giờ cũng cười ha hả bảo bộ đội tốt lắm, ăn uống ngon lành bổ dưỡng.

Cha mẹ tuy còn trẻ, nhưng Vương Thụ Dân đã học được kỹ năng chỉ kể chuyện tốt không nói chuyện xấu cho họ nghe. Đôi lúc nghĩ lại thấy may mắn, may mắn là mình có Tạ Nhất làm bạn từ bé, có gì khổ sở cũng có thể kể cho đối phương nghe. Người kia trước nay chỉ toàn im lặng lắng nghe, quá lắm thì không mặn không nhạt mà đáp, "Ai biểu cậu chọn con đường này, ngu thì chịu đi!"

Lúc ấy Vương Thụ Dân sẽ cười khúc khích lên. Thật ra cậu ta không hề hy vọng mình sẽ được an ủi vuốt ve khi than vãn thế này. Đường đường là đàn ông con trai, đầu quân bảo vệ tổ quốc, làm dáng làm eo thế này thì coi sao được.

*

Thoáng một cái liền hết hai năm, nói thiệt chứ chẳng ngoa. Nhắm mắt mở mắt liền thấy bóng câu qua cửa. Hai năm trước Vương Thụ Dân nghĩ, khi nào xuất ngũ liền được người ta xếp cho công ăn chuyện làm, làm một chức nhàn nhã trong cơ quan nào đó, sớm sớm chiều chiều thong thả, rồi qua hết một đời như ba mẹ cậu ta. Thế nhưng hai năm sau thì Vương ta lại không muốn rời khỏi quân ngũ.

Bắc Tân là một nơi phồn thịnh. Xe cộ đông đúc nhà cao ốc l*иg lộng. Một nơi bé tí lại chật ních người với người, ai cũng vội vàng đi lại, thời gian như để lại ấn ký trên gương mặt của mỗi người. Đàn ông thì bụng càng ngày càng bự. Đàn bà thì nếp nhăm mỗi lúc một dày. Ngày ngày quanh đi quẩn lại toàn chuyện thức dậy đi làm, ngồi xe về nhà, rồi vội vàng đi siêu thị mua thức ăn.

Vương Thụ Dân nghĩ, lẽ nào cam nguyện trôi qua một đời như thế?

Cậu ta gọi điện cho Tạ Nhất, đầu dây bên kia im lặng một lúc lâu mới đáp, "Nếu cậu muốn ở lại trong quân đội thì cứ ở đi, mà tôi nghe nói là còn phải thi tuyển gì đó đúng không? Nếu cậu cần thì cứ nói, tôi gửi tài liệu sang cho cậu tham khảo. Đề thi vào trường quân đội dễ hơn là thi lên đại học."

Lúc nói chuyện với nhau, Vương Thụ Dân hồ như chẳng thể nhớ nổi dánh người mảnh gầy và đôi mắt tươi tắn hàm sắc hoa đào của cậu bạn thơ ấu kia. Tạ Nhất càng lúc càng ít nói, ngữ khí cũng bình tĩnh ôn hòa, giọng nói thì trầm thấp đáng tin, hệt như một người đàn ông vậy. Rời nhà ra tỉnh học, lẽ nào thật sự biến một cậu bé nhanh chóng lớn lên, không riêng gì quân đội, mà còn là trường học nữa.

*

Kỳ thi Cao đẳng Đại học rơi vào mùa hè tháng Bảy, lòng người cứ miên man lo nghĩ, phiền não hơn cả tiếng ve râm ran trên những hàng cây ven đường. Phố sá dường như cũng bị nắng hun nóng, tỏa ra những lớp khói mỏng mảnh thỉnh thoảng cuộn lên, tựa như bụi mù sa mạc.

Một lễ thành niên đầy khắc nghiệt.

Ba năm nỗ lực, thành bại trong một giờ.

Phía bên ngoài trường thi phụ huynh đứng bu đông như mối, người cầm dù, người cầm chai nước khoáng mát lạnh. Ai nấy cũng mỏi mắt hy vọng trông ngóng vào hai cánh cổng khép kín. Giáo viên chủ nhiệm vất vả lắm mới đưa cả lớp vào trường, xếp cho mọi người đứng thành một vòng tròn, vì người quá đông nên phải đứng nghiêng sang một bên, cùng chung lòng bắt tay nhau hô, "Ban Tư nhất định thi tốt!"

Một tiếng hét nhất tề vang lên, khiến người lớn đứng ngoài cổng trường phải nhón chân lên nhìn mấy bận. Đến cả người chẳng hòa hợp với đám đông như Tạ Nhất cũng tham gia vào, mọi người chẳng cần biết thân hay quen miễn chạm mặt liền vươn tay vỗ vai nói với nhau một câu "Cố gắng lên!"

Lúc còn học trung học thấy các anh chị phổ thông thì thầm nghĩ chẳng biết tới bao giờ mình mới bằng họ, đến khi lên cấp Ba rồi thì lại thấy thời gian trôi đi như mắc cửi, chỉ tiếc sao tháng ngày không chầm chậm trôi qua, thế nhưng tới lúc ngồi trong trường thi rồi thì tâm tình bình tĩnh đến lạ.

Thi xong, Tạ Nhất về phòng ngủ tổng vệ sinh lần cuối, thu dọn hành trang về nhà. Lúc sắp xếp vật dụng thì thấy tấm ảnh nhét dưới đáy ba lô, hình hai cậu thiếu niên đứng vai kề vai, miệng nở nụ cười rực nắng. Đó là hồi tốt nghiệp cấp Hai, một bạn nhà giàu trong lớp tài trợ chụp ảnh cho mọi người. Là tấm ảnh duy nhất Vương Thụ Dân và Tạ Nhất chụp cùng nhau.

Có người từng bảo, khoảng cách xa sinh ra cái đẹp, cự ly gần nảy sinh cái tình. Thế nhưng từ đây đến đó cự ly đã kéo dài mãi ra mà cảm tình vẫn chẳng thể phai nhạt, ngược lại càng mạnh mẽ sinh trưởng.

Nhĩ xanh tôi hái, hái hoài

Giỏ tre nghiêng nắng rớt ngoài bên hiên

Nhớ anh tôi nhớ trường miên

Giỏ kia bỏ lỡ giữa viền chiêm bao.

Núi xa tôi muốn lên vì

Ngựa nay đang bệnh há bì nương cao

Bình vàng tôi rót rượu đào

Say rồi chẳng thấy dạt dào tương tư.*

(Trên là quyển nhĩ 1 và dưới quyển nhĩ 2, trong Chu Nam – Quốc Phong – Kinh Thi. Quyển nhĩ là một một loại rau nhĩ, lá có hình như tai chuột. Thiệt tình là phải lao tâm khổ tứ với cái đoạn này ;__;)

*

Nguyện vọng thứ nhất của Tạ Nhất là một trường Đại học ở thành phố phía Nam, cách nhà xa vạn lý, nghe đâu bốn mùa xuân ấm vắng mặt đông hàn, vườn trường tứ phía có cỏ hoa giăng lối.

Tạ Nhất muốn rời thành phố này, rời khỏi những kí ức có dính dáng đến Tạ Thủ Chuyết, đến một nơi chẳng người biết cậu là ai.

Nỗi tự ti che lấp đó, riêng mình Tạ Nhất hiểu.

Một tháng đợi chờ kết quả tưởng chừng như dài hàng thế kỉ. Đám học trò trong thời gian chờ đợi chẳng biết làm gì ngoài việc bốc lịch đếm từng giây, vừa mong vừa sợ ngày có kết quả.

Suốt thời gian đó Tạ Nhất đều chăm chỉ đi làm, cậu bây giờ đã thành niên, muốn tìm việc làm cũng dễ hơn so với hồi còn bé. Mỗi ngày đều là một lịch trình dài đăng đẵng, sáng ra công trường phụ hồ, chiều lau dọn ở Mcdonald, tối thì làm vệ sinh ở tiệm Karaoke.

Cứ thế trải qua một tháng, có người sầu có người vui.

Ông trời cuối cùng cũng chịu mở mắt một lần, ngày có giấy báo thi, Tạ Nhất ngồi xe đò mất một tiếng đồng hồ lội lên Nhất Trung. Giáo viên chủ nhiệm ngồi chờ ở phòng giáo viên, đưa cho cậu một cái phong bì màu đỏ sậm, vui mừng khôn xiết mà kéo tay cậu nói liên miên một hồi.

Trường mà Tạ Nhất thi đậu là một trường hạng trung, không danh tiếng gì mấy, chuyên về y và dược, thế nhưng với Tạ Nhất mà nói thì kết quả thế này là được rồi.

Học sinh trong số hai mươi sáu hạng đầu đều đậu vào trường có danh, Tạ Nhất đứng hàng hai mươi bốn, trước sau nhịp độ ổn định, thành tích lẫn nguyện vọng đều đạt thành như sở nguyện.

Chủ nhiệm biết tình cảnh nhà Tạ Nhất, trước khi đi thì thở dài, vỗ vai khích lệ, "Tạ Nhất, cô chỉ có thể đưa em đi tới đây, con đường sau này phải do em tự bước. Con người sống trên đời, không thể cứ tranh hơn hiếu thắng, khi nào cần thì phải biết nhún nhường. Thế nhưng tuyệt đối không được cúi đầu. Tinh thần không thể như cái can nước bị thủng được!"

Tạ Nhất cúi đầu đáp, "Em hiểu ạ!"

Chủ nhiệm ngừng một lúc, lại nói, "Sau này tới học ở nơi xa nhà như thế, hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng em phải nhớ, dầu có ra sao cũng không được từ bỏ. Nếu có lần đầu bỏ cuộc ắt sẽ có lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần nữa... Con gái cô học tâm lý học, nó bảo đây là hiệu ứng domino... Nhớ nhé, chỉ có mình mới hiểu được mình thôi. Cô biết em là một người tài giỏi, có tiền đồ."

Tạ Nhất trước nay chưa từng nghe ai nói thế với mình, nên ngạc nhiên ngước đầu nhìn mãi người cô giáo già trước nay mang tiếng khó tính.

Chủ nhiệm lại cười bảo, "Thật đấy, cô sống từng tuổi này, chưa bao giờ nhìn lầm ai. Em chắc chắn sẽ có tương lai xán lạn. Em hãy nhớ lời hôm nay, mười năm nữa em quay lại đây, để xem lời cô nói đúng không.