Chương 4: Thiếu niên có đôi mắt kỳ lạ và thứ nữ Hầu phủ (4)

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ.

Chẳng mấy chốc Mộ Uyển đã mười bốn tuổi.

“Dì Hứa, ta ra ngoài đây.”

Mộ Uyển một tay cầm nón, tay kia xách một chiếc giỏ tre, hô lên với Hứa Hồng đang làm ở phòng bếp.

Hứa Hồng nghe thấy giọng cô thì lập tức đặt công việc trong tay xuống chạy ra ngoài. Bà nhìn thấy Mộ Uyển đã thay quần áo xong xuôi thì không nhịn được nói: “Tiểu thư, mấy ngày nay trên núi mưa mãi không dứt, người đừng lên núi nữa. Dù sao trong nhà cũng còn đồ ăn, còn cả lương khô mà lần trước tiểu Hầu gia gửi tới...”

Hứa Hồng còn muốn nói tiếp nhưng Mộ Uyển đã lắc đầu ngăn lại.

“Không sao đâu, dì đừng lo lắng, ta sẽ cẩn thận. Mấy ngày nay ta đều ở trong phòng, vô cùng buồn chán, muốn ra ngoài giải sầu.”

“Dì Hứa...” Mộ Uyển kéo tay bà, thấp giọng làm nũng: “Xin dì đấy, ta sẽ đi hái những loại rau rừng ngon về để dì nấu, được không.”

Nhìn thiếu nữ có đôi mắt sáng long lanh và hàm răng trắng đang làm nũng trước mặt mình, Hứa Hồng đành phải đầu hàng.

“Vậy ít nhất người cũng phải dẫn cả Tử Diệp theo.”

“Ôi, Tử Diệp còn đang may quần áo cho ta.” Mộ Uyển nghiêng đầu, đôi mắt phượng lấp lánh: “Dì yên tâm đi, tối đa hai canh giờ nữa ta sẽ trở về. Hơn nữa, ta đã quen thuộc với đường núi lắm rồi, mang Tử Diệp theo lại thành phiền phức.”

Hứa Hồng cuối cùng vẫn không lay chuyển được Mộ Uyển, đành phải đồng ý với nàng.

“Vậy tiểu thư phải chú ý an toàn, nếu thấy sắc trời không ổn thì phải về ngay. Thời tiết trên núi khó nói lắm, nếu cứ mưa như những ngày trước thì chỉ sợ sẽ xảy ra chuyện.”

“Ừ, ta biết rồi.”

Mãi đến tận khi bóng dáng Mộ Uyển biến mất trong tầm nhìn thì Hứa Hồng mới thu hồi ánh mắt lo lắng lại.

Năm đó, Mộ Uyển từ kinh thành đến biệt viện chỉ mang theo hai người hầu, chính là Hứa Hồng và Tử Diệp.

Hứa Hồng là bà vυ" của Mộ Uyển, khi bà đang mang thai tháng thứ tư thì chồng chết, tài sản trong nhà bị đám người thân táng tận lương tâm lừa sạch. Khi đó, con của bà mới chỉ tròn một tuổi, hai mẹ con ngủ ngoài trời, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Đúng lúc đó thì Mộ Tuân Ích và Lâm thị đang tìm bà vυ", Hứa Hồng biết thì dẫn theo con trai đến tận cửa để xin làm. Mặc dù bà không phải là người giỏi nhất, nhưng bởi vì Lâm thị đồng cảm trước những gì bà đã trải qua nên đã quyết định cho bà ở lại.

Bởi vì cảm kích ơn cưu mang của Lâm thị mà Hứa Hồng chăm sóc Mộ Uyển vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ. Con trai của Hứa Hồng vì bị ốm không qua khỏi nên đã bất hạnh qua đời.

Từ đó về sau, bà coi Mộ Uyển như con gái mình.

Mộ Uyển là một đứa trẻ tốt.

Từ một đứa bé còn bập bẹ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Hứa Hồng ở bên cạnh Mộ Uyển từ khi còn nhỏ, cũng có thể coi như là người chứng kiến sự trưởng thành của Mộ Uyển.

Lòng người dễ thay đổi, nhưng Mộ Uyển lại trước sau như một.

Ôn nhu, lương thiện, lạc quan.

Cho dù Trương thị có đối xử với nàng như thế nào thì nàng vẫn không oán không hận.

Từ nhỏ Mộ Uyển đã có một trái tim trong sáng, khi còn nhỏ, nàng luôn ở bên cạnh lão phu nhân chọc lão phu nhân cười ha ha. Lão phu nhân không ít lần khen ngợi cháu gái của mình thông minh lanh lợi. Nhưng sau khi lớn lên, Mộ Uyển cũng mơ hồ hiểu được những yêu hận tình thù của người lớn, thế nên đã học được cách thu liễm sự sắc sảo của bản thân, cam chịu không tranh với đời.

Cách làm này của Mộ Uyển vô cùng sáng suốt. Nếu như không phải bởi vì Mộ Uyển không tranh không đoạt thì sau khi Mộ Tuân Ích và Lâm thị tạ thế, lão phu nhân đau lòng không quản chuyện gì, Trương thị muốn dạy dỗ Mộ Uyển thực sự dễ dàng hơn bóp chết một con kiến.

Hiểu thì hiểu, nhưng mỗi lần nhìn Mộ Uyển như vậy, Hứa Hồng vẫn cảm thấy vô cùng đau lòng.

Là người hầu, theo lý mà nói thì không nên lắm mồm xen vào những chuyện này, nhưng có một lần Hứa Hồng nhìn thấy Mộ Uyển bởi vì khâu vá quà mừng thọ cho Trương thị mà mấy ngày không ngủ nổi hai canh giờ, đầu ngón tay trắng nõn bị đâm tóe máu thì bà thực sự không nhịn nổi nữa, buột miệng nói ra.

“Cô nương, người việc gì phải làm như thế chứ? Hầu phu nhân không quan tâm đến người, thế mà người còn vì làm quà chúc thọ mà khiến bản thân mình bị thương như thế này...”

Bởi vì Mộ Ứng Quyết chưa thành thân nên mặc dù đã được phong hầu nhưng xét theo quy tắc của Tĩnh triều thì vẫn gọi Trương thị là Hầu phu nhân, Mộ Ứng Quyết là tiểu Hầu gia.

“Dì Hứa, nói năng cẩn thận một chút.”

Mộ Uyển nhìn Hứa Hồng, thấp giọng nói: “Hầu phu nhân là đích mẫu, đây là chuyện ta nên làm.”

(Đích mẫu: mẹ cả)

“Vậy thì người cũng có thể bảo Tử Diệp thay người...”

“Dì Hứa!”

Mộ Uyển còn chưa khiển trách thì Hứa Hồng cũng biết mình đã nói những lời không nên nói, tự tát mình một cái.

“Là ta lắm lời, cô nương, người đừng tức giận.”

Mộ Uyển biết Hứa Hồng nói thế cũng vì tốt cho mình nên chỉ lắc đầu.

“Không, dì Hứa, ta biết dì đau lòng vì ta. Nhưng thật ra, có thể sống một cuộc sống bình ổn như thế này, Uyển Uyển đã cảm thấy may mắn lắm rồi.”

“Một bức tranh thêu, mấy ngày mệt nhọc, đổi lại được một năm yên bình, chẳng lẽ lại không đáng hay sao?”

Những lời này của Mộ Uyển hóa giải những bế tắc trong lòng Hứa Hồng.

Tiểu thư nhà bà quả nhiên đã nhìn rõ mọi chuyện.

Chỉ là cuộc sống thì cuộc sống, nhưng đối với nữ nhân mà nói thì điều quan trọng nhất vẫn là dựng vợ gả chồng.

Đây cũng là điều mà thời gian này Hứa Hồng lo lắng nhất.

Ở Tĩnh triều, thiếu nữ mười bốn đến mười sáu tuổi đã bắt đầu kết hôn rồi. Nhưng mấy năm gần đây, Trương thị lại chậm chạp không muốn đưa Mộ Uyển về kinh thành lo chuyện hôn sự, điều này khiến Hứa Hồng lo lắng không yên.

Nếu như Trương thị thực sự muốn động tay động chân đến chuyện nhân duyên của Mộ Uyển...

“Ông trời phù hộ, xin cho cô nương nhà chúng con tìm được phu quân, cả đời viên mãn.”

Hứa Hồng chắp tay hướng về phía đỉnh núi, dốc lòng cầu nguyện.