Chuyển ngữ: Sắc - Cấm Thành
Đào Ấu Tâm là một cô nhóc cực kỳ phiền phức, từ khi bắt đầu hiểu chuyện, Hứa Gia Thời đã biết rõ điều này.
Cậu không thích vận động, chỉ thích nghe âm nhạc và học tập.
Đào Ấu Tâm cứ như bị mắc chứng tăng động, cả ngày cứ trèo lên trèo xuống xung quanh ghế sofa, sau này còn học được nhảy nhót. Mỗi ngày mẹ Đào đều lo sợ một ngày nào đó chiếc ghế sofa nhà mình sẽ bị con gái đạp cho sập xuống.
Cơn giày vò của ba Đào mẹ Đào kéo dài đến năm cô nhóc ba tuổi, cuối cùng cũng có thể đưa cô nhóc cá không ăn muối cá ươn này vào trường mầm non, thế là nỗi đau khổ vì bị Đào Ấu Tâm tra tấn được chuyển sang cho Hứa Gia Thời.
Mỗi buổi sáng, cậu phải cùng Đào Ấu Tâm đi học.
Khi Đào Ấu Tâm vẫn đang ngủ nướng trên giường, tiếng chuông cửa của nhà họ Đào vang lên.
Bé trai mặc áo thun polo sọc xanh trắng, chân đi giày thể thao màu trắng kiểu dáng nhi đồng, đeo ba lô màu xanh da trời đứng trước cửa, hô một tiếng: “Cháu chào dì Cầm.”
Tên thật của mẹ Đào là Phó Dao Cầm.
Sau đó, Phó Dao Cầm sẽ dựng đầu con gái từ trên giường dậy, mặc quần áo chải đầu vệ sinh răng miệng cho cô bé, cuối cùng đè đầu cô nhóc không thích đi học đến trước cửa, cưỡng chế đeo cặp sách màu hồng lên lưng cô bé.
Cặp sách, quần áo và giày của hai đứa đều do hai bà mẹ cùng nhau đi shopping lựa chọn, cùng thuộc một nhãn hàng, chia thành hai màu hồng nhạt và xanh lam, các bạn nhỏ cùng trường mầm non đều lầm tưởng hai đứa là anh em, thế nên các bạn nhỏ thường xuyên thắc mắc: “Sao các cậu không cùng họ? Các cậu không phải là anh em ruột hả?”
Mỗi lần như vậy, Hứa Gia Thời sẽ lạnh lùng phản bác: “Không phải.”
Nếu cậu có một cô em gái mà cả ngày chỉ biết ăn uống rồi nhảy nhót, đến bây giờ vẫn chưa học được mấy con chữ thì cậu sẽ đề nghị nhét cô em gái này vào bụng mẹ rồi đẻ lại lần nữa.
Cuộc sống như vậy cứ kéo dài suốt một năm, hai đứa cũng từ lớp mầm lên lớp chồi.
Trên trường mầm non, phiền phức vẫn không giảm bớt được bao nhiêu.
Khi xếp hàng đi vệ sinh trên trường mầm non, nam sinh nữ sinh sẽ đứng xếp hàng sát vào hai bên tường, cô giáo sẽ dẫn đường trước hàng, còn Đào Ấu Tâm đứng sau hàng quấy rối.
Tranh thủ lúc cô giáo không chú ý bên này, Đào Ấu Tâm chạy từ hàng nữ sinh sang hàng nam sinh, lén lút kéo tay Hứa Gia Thời: “Anh Gia Thời, em không muốn đi tiểu.”
Khuôn mặt nhỏ của Hứa Gia Thời lạnh lùng: “Con gái con đứa ăn nói lịch sự vào.”
Khuôn mặt trắng nõn của Đào Ấu Tâm ngẩng lên nhìn cậu bé, hỏi với vẻ ngây thơ vô tội: “Lịch sự là loại bánh gì ạ?”
Hứa Gia Thời: “…”
Cuối cùng, cô bé bị giáo viên xách cổ đưa về hàng nữ sinh.
Chẳng qua Đào Ấu Tâm sẽ không chịu yên phận ngay lập tức. Cô bé khoe với cả lớp rằng “anh Gia Thời sẽ bao tớ ăn bánh đấy nhé”, chọc cho một đám con nít thèm thuồng chạy đến chỗ ngồi của Hứa Gia Thời, hỏi: “Hứa Gia Thời, cậu có thể cho tớ xem bánh của cậu được không?”
Mặc dù nói là “xem” nhưng thực tế là đang xin ăn chực một cách uyển chuyển.
Hứa Gia Thời – người con trai thích sự yên tĩnh, ghét ồn ào – cứ thế bị các bạn nhỏ dây dưa suốt một buổi sáng.
Đến buổi trưa, chuyện phiền phức hơn nữa lại kéo đến.
Buổi trưa, phòng học được kéo rèm, tắt hết đèn, tất cả các bạn nhỏ đều nằm trên giường. Có bạn nhỏ ngoan ngoãn nghe lời cô giáo, nhắm mắt lại ngủ trưa ngay, cũng có bạn nhỏ châu đầu ghé tai thì thầm nói chuyện riêng, hơn nữa giọng càng ngày càng to.
Đào Ấu Tâm chính là đứa nổi bật nhất trong đám.
Cô Lý không còn cách nào khác, đành phải tìm đến Hứa Gia Thời – người duy nhất có thể đánh bại cô nhóc quậy phá: “Gia Thời, đành phải nhờ em giúp cô một tay vậy.”
Hứa Gia Thời mở mắt ra, xoay người đối diện với Đào Ấu Tâm: “Em còn nói thêm một chữ nữa thì anh sẽ mách dì Cầm, tuần này không cho em ăn kem ly.”
Đào Ấu Tâm vội vàng bịt miệng, hoảng sợ lắc đầu nguầy nguậy nhìn cậu bé.
Hứa Gia Thời chỉ vào mắt cô bé: “Nhắm mắt lại.”
Đào Ấu Tâm nhắm mắt lại. Chốc lát sau, cô bé âm thầm mở mắt ti hí.
Mở mắt quá hẹp không thấy rõ ràng, cô bé lại mở to hơn một chút, bất ngờ đối diện với ánh mắt theo dõi của Hứa Gia Thời.
Đào Ấu Tâm sợ đến nỗi nhanh chóng bịt mắt lại: “Em ngủ rồi.”
Bịt mắt mà quên bịt miệng, một câu khiến bạn nhỏ bên cạnh cười ầm lên. Một lát sau, cô giáo mới lại lần nữa kêu bọn trẻ im lặng.
Buổi chiều tan học, các bạn nhỏ ngồi xếp hàng trong phòng học chờ phụ huynh đến đón về nhà.
Đào Ấu Tâm cầm một cuốn truyện cổ tích, nghiêng đầu tựa vào vai Hứa Gia Thời: “Anh Gia Thời, anh bao em ăn bánh đi.”
Hứa Gia Thời nâng cằm cô bé với vẻ mặt vô cảm: “Em không thể ăn thêm.”
Cô bé chớp mắt, lông mi vừa đen vừa dài như bàn chải nhỏ: “Tại sao ạ?”
Hứa Gia Thời quay sang quan sát cô bé từ trên xuống dưới, khuôn mặt tròn trịa, bàn tay mũm mĩm giống hệt em bé trong tranh tết dán trong nhà bà nội mỗi khi ăn tết: “Em đã mập lắm rồi, không thể mập thêm nữa.”
Đào Ấu Tâm hoảng sợ nhìn cậu, há miệng òa khóc thật to.
Lúc ba Đào đến trường mầm non đón hai bạn nhỏ về nhà sau khi tan làm, bỗng nghe thấy con gái mình buông lời đe dọa Hứa Gia Thời: “Em phải tuyệt giao với anh!”
Dứt lời, cô bé khóc đến mức nước mắt nước mũi tèm lem đầy mặt, nhào lên ôm chân ba mình. Một lát sau, cô bé nhận thấy có người đang kéo cặp sách hình thỏ con của mình.
Cô bé ngoảnh đầu nhìn lại, đó là Hứa Gia Thời.
Đào Ấu Tâm dụi đôi mắt ướt nhòe nước mắt, nấc một tiếng vì khóc quá nhiều, nói bằng giọng trẻ con non nớt mơ hồ: “Nếu anh không bao em ăn bánh thì em sẽ không tha thứ cho anh dễ dàng đâu.”
Hứa Gia Thời bình tĩnh giơ tay chỉ vào người đàn ông cao lớn hơn chúng rất nhiều, nhắc nhở cô bé: “Đây là ba anh.”
Đào Ấu Tâm “ừm” một tiếng, cố gắng ngẩng cổ lên, thấy người đang bị mình ôm chân là một ông chú đẹp trai mặc áo sơ mi, thế là cô bé xoay người đổi sang ôm chân của một ông ba khác rồi khóc tiếp.
Cô nhóc cứ gào mãi nhưng không rơi một giọt nước mắt nào.