Chương 0: Văn án + Review

【Kẻ ác không nói nhiều thực tế hùng mạnh lính xuất ngũ công X đơn thuần thiện lương có chút ngớ ngẩn thầy giáo nông thôn thụ】

Giới thiệu bằng một câu: Ký sự vượt khó ở nông thôn của một thanh niên trắng mềm.

Chung Ý Thu có một đôi mắt đan phượng đẹp đẽ phong lưu, ai ngờ lại là tên nhóc lỗ mãng đầu óc có hố.(1)

Tiêu Minh Dạ có tiếng ngang ngược khắp làng trên xóm dưới, từ người già tám chục đến em bé một tuổi, thậm chí cả chó con mới sinh, vừa nghe thấy cái danh Tiêu nhị ca là ai cũng sợ.

Nhưng mà tên lỗ mãng Chung Ý Thu không sợ.

Cậu nhướng đôi mắt sáng ngời xinh đẹp của mình, đầy mặt nghiêm túc khıêυ khí©h:

“Anh cũng đâu phải là con thứ, vì sao lại gọi là nhị ca, là bởi anh tương đối nhị(2) hả?”

“Tối qua lúc ngủ anh sờ đùi tôi, có phải là muốn tìm vợ rồi không?”

Lần nào Tiêu Minh Dạ cũng muốn cạy đầu cậu ra lấp cho phẳng.

Nhưng Chung Ý Thu cũng có lúc đáng tin.

Không ngừng kiên trì khuyên nhủ thôn dân đưa con tới trường, bị mắng cho máu chó đầy đầu cũng không từ bỏ.

……

Đêm đó, gió bắc rít gào, tuyết lớn ngập trời.

Mơ thấy người đã đến, tiếng ngựa hí không thôi.(1) Tên nhóc lỗ mãng (bản gốc là tiểu nhị lăng tử 小二愣子) – phương ngữ phía Bắc TQ, ý chỉ những người lỗ mãng, tính cách bướng bỉnh, thích tranh cãi chuyện không đâu. Còn đầu óc có hố nói đơn giản là đầu óc không bình thường -) cho nên ở dưới ghi Tiêu nhị ca muốn lấp phẳng là lấp phẳng hố trong đầu ẻm, để ẻm bình thường lại.

Mắt đan phượng (丹凤眼) trông như dưới ảnh.Ký Sự Vượt Khó Ở Vùng Nông Thôn Của Thầy Giáo Tiểu Chung - Chương 0: Văn án + Review(2) Nhị (二) tiếng lóng có nghĩa là ngu ngốc, đơn giản dị thôi.

REVIEW: Đây làm bản review khá hoàn chỉnh và không spoil, các bạn có thể đọc tham khảo nhé.

Từ trước đến nay, gu đọc đam của tôi có thể gói gọn trong hai chữ não tàn. Ai nhờ tôi giới thiệu đam tôi cũng ưu tiên những bộ đơn giản dễ đọc dễ hiểu ít tình tiết ngoài lề mà chỉ tập trung vào tuyến tình cảm của cặp đôi chính. Vậy nhưng giờ chuyện đã khác rồi. Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một bộ đam gần như đi ngược hoàn toàn với tiêu chí chọn đam của tôi – Kí sự vượt khó ở nông thôn của thầy giáo Tiểu Chung.

Tiểu Chung là một bộ truyện dài và đồ sộ với dàn nhân vật phức tạp, cốt truyện vững chắc và tình tiết chồng chéo. Để tiện cho việc theo dõi, các bạn hãy cứ tưởng tượng rằng cả bộ truyện là một cây đại thụ với tình huống truyện là rễ cây, cốt truyện là thân cây, tình tiết truyện là những nhánh cây, nhân vật là lá cây,… Chà, Tái Tam Tư thực sự là một người nông dân cừ đấy.

Bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu với những rễ cây.

Kí sự vượt khó ở nông thôn được mở ra vào một ngày hè đổ lửa, khi Chung Ý Thu, một sinh viên năm hai nhưng đã thôi học, bạn thụ chính của câu truyện, bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời – trở thành thầy giáo ở một vùng nông thôn nghèo và hẻo lánh. Phần mở đầu này ẩn chứa khá nhiều uẩn khúc mà về sau khi đã đi được gần nửa chặng đường tôi mới nhận ra. Điều này cũng do ở chương 1, tác giả tập trung miêu tả cảnh chờ xe, chuyển chỗ ở của Chung Ý Thu là chính chứ không đề cập quá sâu vào lí do cậu tới đây. Duy chỉ có một chi tiết hé lộ rằng Chung Ý Thu có quá khứ không muốn nhắc đến, đó là khi thoáng nghe hỏi về lí do thôi học, cậu đã bộc lộ vẻ mất mát và buồn bã khiến người hỏi tinh ý dừng câu chuyện. Ban đầu khi mới đọc đến đây, tôi đã thực sự tin rằng bạn thụ chính của chúng ta đã gặp phải một tai nạn nào đó nên không thể tiếp tục theo học được nữa, về sau khi nguyên nhân chính thật sự được hé lộ, tôi mới nhận ra hồi ấy mình ngây thơ làm sao.

Để nhận xét thì đây là một tình huống truyện mới nhưng không lạ, đồng thời cũng khá tương xứng với nhan đề truyện: Kí sự vượt khó. Toàn bộ câu truyện là một hành trình, vậy thì mở đầu câu truyện chính là điểm bắt đầu của hành trình rồi còn gì.

Lần theo bộ rễ chắc khỏe ấy, ta có một cốt truyện đồ sộ và đa chiều như thân cây đại thụ hai người ôm không xuể. Cốt truyện này đã đáp ứng được đặc trưng lớn nhất của thể kí là tính chân thật, hay đặt trong bản chất là một trường thiên tiểu thuyết thì đó chính là giá trị hiện thực. Tái Tam Tư đã phản ánh chân thực, đầy đủ và tỉ mỉ từng sự việc nhỏ nhặt diễn ra trong khoảng thời gian đầu Chung Ý Thu về nông thôn, nhưng điều này không có nghĩa là tác giả để cho truyện trở nên lan man tủn mủn. Cái tài của Tái Tam Tư là cái tài kể truyện, mỗi sự việc xảy ra trong hơn một năm ấy đều được tác giả sắp xếp và nhào nặn lại có lớp lang, có trình tự. Mỗi sự việc nhỏ tựa như một gợn sóng lăn tăn, hấp dẫn sự chú ý của người đọc, đồng thời dẫn dắt người đọc đến với những cơn sóng to hơn, thậm chí là những cơn sóng thần đang chờ đợi phía sau. Cốt truyện của Tiểu Chung hấp dẫn tôi đến độ nó đã khiến tôi phải say sưa theo dõi, không bỏ lỡ một dòng nào ngay cả khi hai nhân vật chính còn chưa nảy sinh tình cảm với nhau. (Được rồi, không bỏ lỡ dòng nào cũng vì tôi phải beta nữa ==)

Quay trở lại với giá trị hiện thực, Tiểu Chung lấy bối cảnh chính là nông thôn Trung Quốc những năm 90. Nếu như khi viết về Bá Vương Biệt Cơ, tôi liên tưởng bối cảnh của tác phẩm với thời kì “văn nghệ minh họa” của Việt Nam, thì ở đây, tôi xin phép được liên tưởng thời kỳ này của Trung Quốc với nông thôn Việt Nam thời của những “Ma làng”, của những “Bí thư tỉnh ủy”. Đó là thời kỳ con người ta, vì cái nghèo mà trở nên mông muội và nhiều định kiến đến đáng ngạc nhiên. Dường như không chỉ một mà có vô vàn bóng ma nào đó đang trùm phủ lên vùng quê tưởng chừng như yên ả này. Đó là bóng ma trọng nam khinh nữ của Trương Quốc Ngôn, bóng ma mê tín dị đoan của hầu hết người dân, bóng ma đói khổ, bóng ma bạo hành của Lưu Thanh Hồng,… Đọc truyện, bạn sẽ nhiều lần phát cáu đến mức chỉ muốn thò tay qua màn hình móc mắt mấy nhân vật phản diện, hay rưng rưng xót xa cho số phận hẩm hiu luẩn quẩn của những người dân ở tầng đáy xã hội.

Thú nhận nhẹ một chút là có thể khi đọc cảm xúc của bạn sẽ được đẩy lên cao hơn tôi, vì tuy rất muốn hiểu và thông cảm cho số phận bất hạnh của nhân vật trong truyện, song không hiểu sao sau rất nhiều cố gắng tôi vẫn không làm được. Dường như sự quan tâm của tôi không đặt ở những đối tượng này. Đây không phải lỗi của tác giả, bởi ngay từ cấp ba khi đọc các tác phẩm về người nông dân tôi đã khó lòng cảm nhận hoàn toàn nỗi khổ của họ. Ngược lại, tôi thường dễ dàng thấu hiểu những đớn đau của người nghệ sĩ và những người dân thành thị hơn. Bạn nói tôi phù phiếm thì tôi cũng đành chịu. Nói tóm lại, nếu bạn cũng giống tôi thì Tiểu Chung chưa chắc đã là một cốt truyện mà chúng ta đang tìm kiếm, song nếu bạn thuộc tuýp người còn lại thì đây là một cốt truyện đáng để dành thời gian đấy.

***

Nói đến thành công của một cốt truyện dày dặn và tròn trịa, ta không thể không nhắc đến một hệ thống nhân vật đồ sộ được xây dựng tỉ mẩn. Trong tương quan so sánh với hình ảnh cái cây, tôi nghĩ hệ thống nhân vật của Kí sự du lịch chính là những chiếc lá, đơn giản vì nó… nhiều và luôn đan cài, gắn bó với nhau. Tuy nhiên, nhân vật trong Tiểu Chung đa dạng hơn hẳn những chiếc lá. Họ có tính cách, có cuộc đời, có lối sống của riêng mình, họ có thể khiến người đọc nảy sinh cảm xúc yêu, ghét, căm hận, thương cảm,… chứ không chỉ là những người xa lạ lướt qua rồi chìm nghỉm trong bức phông nền do tác giả dựng lên. Chính vì thế, tôi tin là bên cạnh cặp đôi chính, rồi bạn cũng sẽ thích thêm một đến hai nhân vật trong Tiểu Chung cho mà xem.

Tôi thực sự cảm thấy nể tác giả ở khâu xây dựng nhân vật bởi việc này đòi hỏi một trí tưởng tượng phong phú và bút lực ít nhất phải ở mức vững vàng. Mặc dù tôi biết Tái Tam Tư đã chia sẻ bộ truyện này bao gồm những truyện mà cô đã chứng kiến, nhưng ngay cả khi có nguyên mẫu ngoài đời thì việc phác thảo một dàn nhân vật đồ sộ và đặt họ ở đúng nơi họ phải ở như vậy cũng không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, việc xây dựng một dàn nhân vật phụ quá có cá tính cũng đã đẩy Tái Tam Tư vào thế khó, khi mà việc này đòi hỏi tác giả phải chăm chút cho nhân vật chính gấp năm, gấp mười lần để nhân vật chính không bị lu mờ trước dàn nhân vật phụ. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy Tái Tam Tư làm việc này chưa được tới cho lắm. Đành rằng tác giả dành rất nhiều đất diễn cho Tiêu Minh Dạ và Chung Ý Thu – cặp đôi chính của truyện – cũng như dồn rất nhiều bút lực để xây dựng tính cách cho hai nhân vật này sao cho thật đặc biệt, thật ấn tượng, song tôi tin là nếu truyện đổi sang một nhân vật chính khác được lấy từ dàn nhân vật phụ, Lục Tử chẳng hạn, thì mức độ ấn tượng về nhân vật chính của tôi có lẽ cũng không hề kém cạnh so với những gì tôi cảm nhận được ở Tiêu Minh Dạ hay Chung Ý Thu.

Tiêu Minh Dạ và Chung Ý Thu là một cặp đôi khá truyền thống trong làng đam mỹ, truyền thống từ ngoại hình cho đến tính cách. Anh công là lính xuất ngũ về làm thầy giáo, cao to kiệm lời, cuộc đời trải qua nhiều biến cố, em thụ là một chàng trai thành phố trắng trẻo tuấn tú, tuy cũng đã vấp phải sóng gió đầu đời nhưng nhìn chung thì tính tình hãy còn sáng sủa và thẳng thắn lắm. Cả hai gặp và nảy sinh tình cảm sau những tháng ngày sống và làm việc chung. Nói đến tình cảm của Chung Ý Thu và Tiêu Minh Dạ, tôi cảm thấy đây cũng là thứ gì đó khá… truyền thống. Anh nhận ra tình cảm trước rồi kín đáo quan tâm em từ những điều nhỏ nhặt, con em thì đi từ ngưỡng mộ, cảm thông đến yêu thương. Tất nhiên truyền thống không xấu, vấn đề nằm ở cách kiến giải tình cảm của tác giả vẫn còn có phần nhàm chán và đơn giản, trong khi tình cảm là thứ gì đó phức tạp hơn thế, nhiều cung bậc cảm xúc hơn thế và đặt trong hoàn cảnh của hai nhân vật chính, tôi nghĩ là tuyến tình cảm hoàn toàn có thể phát triển sâu sắc hơn thế. Tất nhiên có thể là tôi đang quá khắt khe (bị Long Thất chiều hư ở khâu tình cảm này rồi nên giờ nhìn tác giả nào cũng thấy chưa đủ T.T), bởi khi đọc tôi vẫn thấy có rất nhiều phân đoạn cảm động về tình cảm của hai nhân vật chính, chỉ là cái cảm giác lâng lâng bay bổng, ngưỡng mộ vô ngần thì vẫn chưa thấy đâu mà thôi.

Lấy ví dụ để so sánh một chút cho vui nhé. Mọi sự so sánh ở đây đều là khập khiễng nhưng tôi thấy hai chuyện này đặt cạnh nhau khá thú vị, đó là chuyện anh công nấu ăn cho em thụ. Trong Tiểu Chung, Tái Tam Tư chỉ miêu tả đơn giản là mỗi ngày Tiêu Minh Dạ lại nấu một món mới cho Chung Ý Thu khiến cậu thích vô cùng; nhưng ở “Các nguyên soái đồng loạt đòi ly hôn”, Long Thất lại kể rằng, Lục Ly đã nấu những món ăn của các nước khác nhau cho Tạ Kiến Vi, mà sau này khi ngồi nối vị trí của những nước đó trên bản đồ, ta được hình trái tim.

Rõ ràng là đặt trong bối cảnh nông thôn Trung Quốc những năm 90 thì nấu các món ăn của những quốc gia khác nhau là điều không tưởng, bạn cũng đừng nghĩ theo hướng đấy. Điều tôi muốn nói ở đây là gì? Đó là cùng một hành động thể hiện tình cảm, Long Thất có sự phát triển ý cao hơn và tỉ mỉ hơn so với Tái Tam Tư. Tất nhiên được cái nọ thì mất cái kia, Long Thất cũng sẽ không thể viết những bộ truyện nặng về tình tiết như vậy, nên chuyện này có lẽ là tùy gu mọi người.

***

Sau khi đi hết những yếu tố bên trong truyện, hãy đến với phần mà tôi thích mổ xẻ nhất ở một văn bản – lối viết. Đối với tôi, Tái Tam Tư là một tay bút được: lời văn mượt mà, hơi văn dài, hiếm thấy sự đứt gãy trong một câu văn hay giữa các câu văn. Ưu điểm nổi trội của tác giả này còn là khả năng chuyển cảnh trơn tru, không gây hẫng cho người đọc. Chuyển cảnh ở đây không chỉ là chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia mà đôi khi còn là chuyển từ ngoại cảnh vào tâm cảnh. Đây mới là thử thách đối với một tác giả, bởi nếu chỉ đơn giản là chuyển cảnh từ nhà đến trường thì chúng ta đều đã làm từ những năm lớp sáu rồi.

Tuy nhiên, nhận xét công bằng thì văn chương của Tái Tam Tư vẫn còn là văn phong của một học sinh giỏi văn chứ chưa thể xếp vào hàng lão làng mâm trên bởi lối viết thiếu tinh giản, thiên về so chữ thị tài, tầm chương trích cú. Đôi khi những đoạn tác giả viết rất đơn giản nhưng lại chạm được vào lòng tôi hơn là những trường đoạn kể lể dài dòng. Không những thế, vấn đề này còn được thể hiện rõ hơn trong cách miêu tả của tác giả. Ban đầu khi nghe quảng cáo Tái Tam Tư viết rất nhiều hình ảnh so sánh, tôi cũng háo hức được đọc, nhưng đọc rồi thì lại thấy có phần hụt hẫng vì những liên tưởng thiếu tính sáng tạo nằm la liệt khắp truyện. Tôi mong ở những bộ truyện sau Tái Tam Tư sẽ có thể cắt bớt những hình ảnh so sánh, tập trung rèn luyện bút pháp miêu tả của mình để tăng sức gợi và đặt những hình ảnh so sánh thật đắt ở những điểm then chốt của truyện, nếu vậy thì tổng thể bộ truyện sẽ được nâng tầm lên rất nhiều.Ký Sự Vượt Khó Ở Vùng Nông Thôn Của Thầy Giáo Tiểu Chung - Chương 0: Văn án + ReviewKý Sự Vượt Khó Ở Vùng Nông Thôn Của Thầy Giáo Tiểu Chung - Chương 0: Văn án + ReviewMột vài câu văn tôi khá tâm đắc trong truyện

Vì là một tác giả mạng nên tôi cũng sẽ không đi sâu phân tích thêm làm gì bởi tôi thấy ngoài kia còn kha khá tác giả mạng viết dở hơn thế này nhiều, và nếu như chỉ là một người đọc bình thường thì tôi thấy văn phong thế này là quá ổn rồi, bạn không cần nghĩ ngợi gì thêm đâu.

***

Tựu trung lại thì Kí sự vượt khó ở nông thôn của thầy giáo Tiểu Chung là một bộ truyện khiến tôi rất ấn tượng. Tôi không thể nói rõ là mình thích hay ghét, cũng như là có đọc đi đọc lại nhiều lần hay không, nhưng quả thực bộ truyện này đã thành công in một dấu ấn vào lòng tôi, khiến tôi có một cái nhìn mới về đam mỹ.