Nguồn: https://www.zhihu.com/.../section/1231939559996006400...
Kết quả giám định ADN cho thấy, việc báo án của Ngô Huy và Vũ Thiên Tứ là chính xác, hộp sọ thu được từ lò hỏa táng không phải của Lê Tiểu Long. Hơn nữa, lỗ thủng trên trán nạn nhân được chứng thực là do đạn bắn ra từ súng của một cảnh sát vũ trang. Kết hợp hai kết quả này lại, có thể khẳng định, người bị xử bắn không phải Lê Tiểu Long.
Vụ án tử tù bị thay thế này đã gây náo loạn cả hệ thống an ninh công cộng và ngành tư pháp của thành phố Sở Nguyên. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thành phố Sở Nguyên và thậm chí là cả tỉnh Tùng Giang chưa từng xảy ra trường hợp nào tương tự. Vụ án tử tù bỏ trốn thì đương nhiên là đã có, song vụ việc tử tù bị thay thế để xử bắn, giám ngục lại không mảy may nghi ngờ như này thì chưa ai gặp bao giờ.
Vụ án lần này có hai điểm mấu chốt, một là tên tử tù đã trốn thoát, hai là cái chế.t của người vô tội, hơn nữa cái chế.t này lại do chính cơ quan hành pháp gây ra.
Quan trọng hơn, Lê Tiểu Long là một tên sát nhân cố chấp hiếm gặp, nợ má.u đầy mình, sau khi hắn ta vượt ngục, không biết là sẽ gây thêm những vụ án kinh thiên động địa đến mức nào.
Những người trong nhà tù Nam Lĩnh đang gặp nguy hiểm.
Thường trực Thành ủy đã cho họp khẩn về vụ việc này. Trước thực tế cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kỹ thuật Sinh học Châu Á sẽ được tổ chức tại Sở Nguyên trong tương lai gần, để duy trì ổn định an ninh xã hội, Ban thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Cục Công an giải quyết vụ án này trong vòng 20 ngày và bắt giữ Lê Tiểu Long, kẻ đang chạy trốn khỏi án tử hình. Tất cả những người có liên quan đến vụ việc này, bất kể họ là ai và cấp bậc cao đến đâu, đều phải được điều tra đến cùng và không có vùng cấm.
Khâu Thu, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Thành ủy, phụ trách điều tra vụ án và chịu trách nhiệm về sự phối hợp giữa các ban ngành. Còn cụ thể điều tra, vẫn là Thẩm Thư, đội phó đội cảnh sát hình sự chuyên phụ trách những công việc hàng ngày của Đội.
Thẩm Thư lại bắt đầu những chuỗi ngày tự ngược đã bản thân, mất ăn mất ngủ vì phá án.
Không có gì bất thường trong buồng giam của Lê Tiểu Long. Trần, tường, sàn gỗ nhựa đều bình thường. Tay Lê Tiểu Long kia dù võ nghệ cao cường đến đâu, cũng không thể thăng thiên độn thổ, tàng hình chạy thoát.
Hơn nữa, cơ sở vật chất cũng như hệ thống phòng thủ của nhà tù Nam Lĩnh vô cùng hoàn hảo. Nếu hắn muốn trốn thoát khỏi nhà tù, thì cần phải vượt qua bốn cánh cửa. Đầu tiên là cánh cửa sắt ở buồng giam tử tù, sử dụng loại khóa chống khoan 6 hạt, sau khi kiểm tra, ổ khóa không hề bị hư hỏng. Cánh cửa thứ hai và thứ ba phải quẹt thẻ mới mở được, ngoài ra, ở cánh cửa thứ ba còn sử dụng hệ thống “Ưng nhãn”, tức là nhận diện giác mạc để mở khóa. Cánh cửa cuối cùng là cửa nhà tù, luôn được canh gác bởi cảnh sát có vũ trang. Trong trường hợp bị nhốt sau tầng tầng lớp lớp cánh cửa như này, nếu không có sự trợ giúp của nhân viên nội bộ trong nhà tù, Lê Tiểu Long không thể tự mình thoát ra được.
Chưa kể, trước mỗi cánh cửa đều được lắp đặt camera. Đoạn video quay lại cho thấy, trong vòng một tháng sau khi Lê Tiểu Long bị nhốt vào tù, không hề xuất hiện hành động khả nghi nào trong nhà giam, cũng không có nhân viên khả nghi nào ra vào nhà giam cả.
Tất cả nhân viên của nhà tù Nam Lĩnh đều bị liệt vào danh sách tình nghi. Cục Tư pháp của tỉnh tạm thời phái hai Sở trưởng đến tiếp nhận vị trí quản giáo trưởng và chính ủy nhà tù Nam Lĩnh.
Vào ngày đầu tiên lập chuyên án, Thẩm Thư đã xem đi xem lại những thước băng ghi hình. Đây là đoạn tư liệu hoàn chỉnh, không bị thiếu bất cứ đoạn nào, từng khoảng thời gian, từng góc độ, từng nhân viên ra vào, đều được quay lại hết. Cán bộ Phòng thông tin của Bộ công an cũng đã kiểm tra và xác nhận, đoạn ghi hình này chưa từng bị chỉnh sửa.
Lê Tiểu Long có thực sự bốc hơi vào không khí? Còn cái người chế.t thay kia từ đâu mà đến? Tại sao người đó lại can tâm tình nguyện chế.t thay cho tên tử tù?
Cựu quản giáo Chung Ái Dân và cựu chính ủy nhà tù Vũ Văn Thừa đều bị thẩm vấn. Cả hai đều khai là không biết. Nhiệm Đức Hóa, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 của nhà tù Nam Lĩnh, người phụ trách việc tử hình, cũng nói rằng ngoại hình của người thay thế rất giống với tên tử tù kia, hơn nữa hắn ta còn nhiều ngày không cạo râu, dáng người tiều tụy, lúc nào cũng cúi gằm đầu, bị gông cả hai chân hai tay, nên không có ai dám lại gần mà quan sát hắn, lúc đưa cơm cũng chỉ đứng cách một cánh cửa sắt rồi đẩy cơm vào. Ai mà ngờ lại có ngày tên tử đó biến mất một cách bí hiểm giữa nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt đến thế?
Trên thực tế, một vài quản giáo của nhà tù đang phải chịu áp lực rất lớn, hơn nữa họ cũng tỏ thái độ bán tín bán nghi với sự thật là Lê Tiểu Long được chuyển đi nơi khác.
Trong lúc thẩm vấn Chung Ái Dân, Thẩm Thư hỏi: “Các anh làm cách gì để bố trí tử tù nào ở phòng giam nào?”
Chung Ái Dân đáp: “Thông thường thì không có quy luật, nhà tù Nam Lĩnh có tổng cộng 21 buồng giam tử tù, các trang thiết bị đều giống nhau, cho nên khi tù nhân được áp giải vào, chỉ cần tìm một buồng giam trống là được.”
Thẩm Thư hỏi: “Sau khi tử tù được giam, các anh có cho thay đổi các phòng với nhau không?”
Chung Ái Dân đáp: “Trừ khi có tình huống đặc biệt, không thì ai phòng nào ở nguyên phòng đó. Trong thời gian 1 tháng chờ thi hành án, Lê Tiểu Long chưa từng được đổi phòng.”
Thẩm Thư hỏi: “Việc tử tù được giam ở buồng nào, có những ai biết?”
Chung Ái Dân đáp: “Những người biết chỉ giới hạn trong những cảnh ngục, trung đội trưởng, đại đội trưởng, giám ngục trưởng và chính ủy. Do thời hạn tạm giam của Lê Tiểu Long không ngắn, nên khá nhiều người biết việc này.”
Càng lúc Thẩm Thư càng thấy vụ án này có nhiều điểm khúc mắc.
Anh ta lệnh cho Hứa Thiên Hoa đến điều tra buồng giam của Lê Tiểu Long.
Đó là một căn phòng rộng tầm 5m vuông. Trong phòng, ngoài một miếng đệm mυ"ŧ, một cái bồn cầu thì không còn thứ gì khác. Tường và trần đều là kết cấu bê tông cốt thép, dày tới 80cm, bề mặt tráng xi măng. Mặt sàn bằng gỗ nhựa, bên dưới có cốt thép, dưới cốt thép còn một lớp xi măng.
Hai bên và phía sau buồng giam là những phòng giam khác, phía trước là hành lang, hai đầu hành lang đều có cảnh ngục đứng gác. Phía trên không có công trình nào, bên ngoài nhà tù được bao bởi hàng rào sắt khổng lồ, đèn chiếu ban đêm cũng vô cùng sáng.
Thẩm Thư cầm chiếc búa nhỏ gõ vào trường và trần, kiểm tra thật kĩ mọi ngóc ngách. Đến cuối cùng ngừng tay lại, nói với Hứa Thiên Hoa: “Cậu báo với quản giáo và chính ủy rằng tôi muốn tháo sàn gỗ nhựa trên mặt đất để kiểm tra.”
Sàn của nhà tù Nam Lĩnh mới được tu sửa năm ngoái. Mới đầu là sàn composite, sau này hệ thống nhà tù ở tỉnh Tùng Giang tiến hành nhân đạo hóa việc quản lý, nghe nói sàn gỗ nhựa có ưu điểm chống nước, chống sơn bám, bảo vệ môi trường nên những nhà tù có điều kiện kinh tế đều thống nhất sử dụng loại sàn có giá không hề rẻ này. ‘Doanh nghiệp Sâm Mỹ’ nhờ độc quyền sản xuất sàn gỗ nhựa mà thu được món tiền lớn từ vụ này.
Quản giáo Hoàng Bảo Toàn nghe nói Thẩm Thư muốn gỡ sàn gỗ nhựa ra, vội vã chạy đến buồng giam, nói: “Sàn gỗ dù to dù nhỏ cũng là một công trình, tháo gỡ phải mất phí, tôi chỉ tạm thời quản lý nhà tù Nam Lĩnh, không muốn tiêu tiền một cách bừa bãi, anh có chắc là sau khi tháo gỡ sàn ra sẽ tìm được manh mối không? Chả nhẽ Lê Tiểu Long lại bản lĩnh đến mức đào một đường hầm để trốn thoát?”
Thẩm Thư đáp: “Tôi không dám chắc sẽ tìm được manh mối, bất kể như vậy, vẫn cần phải tháo gỡ để kiểm tra, chỉ cần có một chút hoài nghi thì tuyệt đối không được phép bỏ qua, đó là quy tắc cơ bản của điều tra hình sự.”
Hoàng Bảo Toàn thấy ngữ khí của Thẩm Thư có vẻ rất cương quyết, đành phải đồng ý.
Hứa Thiên Hoa tìm trên đường hai người công nhân sửa chữa để họ đến tháo dỡ sàn.
Bên dưới sàn toàn là cốt thép, dưới cốt thép là một lớp xi măng. Trên nền xi măng dưới tấm nệm, xuất hiện một vòng tròn hoàn chỉnh, viền hình tròn có một vết cắt gọn gàng.
Thẩm Thư cúi người xuống, dùng tay lắc lắc cái vòng tròn bằng bê tông ấy, rất nặng, chỉ có thể lay động nhẹ. Vết cắt rất hẹp, không thể nhét tay vào được, Thẩm Thư bảo hai người công nhân kia mang dụng cụ nhét vào vết cắt ấy, bốn người hợp lực lại để cạy cái vòng xi măng đó lên.
Bên dưới là một nền đất mềm, ẩm thấp.
Thẩm Thư nói với Hứa Thiên Hoa: “Cậu trả tiền công cho hai người họ, rồi báo cho đội hình sự phái người đến hiện trường điều tra. Lê Tiểu Long đã chui đường hầm để tẩu thoát.”
Vì đường hầm đã bị chôn lấp, Thẩm Thư không thể đợi cho người đào lại từ đầu, nên đã lệnh cho đội hình sự ở lại bảo về hiện trường, còn anh ta dẫn theo Hứa Thiên Hoa ra bên ngoài nhà tù để tìm lối ra của đường hầm.
Nhà tù Nam Lĩnh nằm ở ngoại ô thành phố, chiếm trọn một cung đường. Phía trước và bên trái là nơi giao cắt của hai con đường rộng, phía sau là hào phòng hộ, phòng giam tử tù nằm ở bên phải nhà tù, sát với một bên của hào phòng hộ. Nếu đào một đường hầm ở phía bên kia con đường chính, phải xuyên qua đường và đi qua gần hết nhà tù, khối lượng công việc quá lớn. Khả năng cao nhất là đào ở phía bên phải nhà tù.
Thẩm Thư quan sát xung quang khu vực bên phải nhà tù, thử tìm ra lối ra của đường hầm. Chỗ này sát với đường đi, toàn là những hàng quán, có hàng ăn, tiệm hoa, quầy lưu niệm, tiệm bánh sinh nhật và quán net. Do người đi đường ít, việc kinh doanh khá ảm đạm, có ba cửa tiệm đã phải đóng cửa khóa ngoài, hai cửa tiệm treo tấm bảng to đùng ghi dòng chữ “Cho thuê” kèm theo số điện thoại của chủ nhà, còn tiệm kia không cả ghi bất kì phương thức liên lạc nào.
Thẩm Thư và Hứa Thiên Hoa đến thăm dò từng cửa tiệm một với tư cách là khách hàng, nhưng đều không phát hiện điều gì bất thường. Cuối cùng, mọi sự chú ý của họ đều dồn vào ba cửa hàng đang đóng cửa kia.
Thẩm Thư gọi vào số điện thoại được ghi trên cửa, lấy danh nghĩa của đội hình sự, yêu cầu họ nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp điều tra.
Còn cửa tiệm không để lại số điện thoại kia thì không có cách nào liên hệ được. Thẩm Thư đến những cửa tiệm liền kề đó để dò la tin tức, nhưng họ đều nói là không có số của chủ nhà. Ông chủ của một tiệm bánh sinh nhật trong đó đã nói: “Nhà này tìm được người cho thuê rồi, nên chủ nhà mới gỡ số điện thoại trên cửa xuống.”
Thẩm Thư hỏi: “Tại sao cho thuê rồi mà không kinh doanh gì cả?”
Chủ tiệm bánh cho hay: “Hình như đang cho sửa sang lại suốt, tôi nhìn thấy có người đi vào căn nhà đó mà.”
Thẩm Thư hỏi: “Người đó trông như thế nào?”
Chủ tiệm bánh đáp: “Là hai người đàn ông, tầm ba bốn mươi tuổi, tôi không nhớ rõ bộ dạng của họ, họ không mấy khi ra ngoài, cũng không nói chuyện với người khác, tôi chỉ nhìn thấy đúng hai lần từ xa.”
Thẩm Thư hỏi: “Bọn họ không thuê thợ đến sửa chữa à?”
Chủ tiệm bánh nói: “Tôi không trông thấy thợ, dù sao thì cái tiệm bé tẹo, tự mình tu sửa cũng được, cho đỡ tốn kém ấy mà, toàn là người kinh doanh nhỏ lẻ với nhau.”
Thẩm Thư hỏi: “Anh biết ai có thể liên hệ được với họ không?”
Chủ tiệm bánh trả lời: “Cái này tôi không biết, tôi không quen chủ nhà đó, các anh đến hỏi người khác xem sao.”
Sau một hồi dò hỏi khắp con đường, chúng tôi vẫn không tìm thấy bất kì ai có thể liên lạc được với chủ căn nhà đó. Thẩm Thư liền yêu cầu Cục thành phố ban lệnh khám xét nhà, để anh có thể vào bên trong để điều tra.
Sau khi mở cửa, hiện ra trước mắt là khung cảnh căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ, không một hạt bụi. Nền nhà được lát bằng những viên gạch xanh hình vuông với chiều ngang và chiều dọc khoảng nửa mét, xếp khít lại với nhau, vô cùng ngay ngắn. Nhìn bên ngoài thì không thấy bất cứ điểm gì khác thường.
Từ cửa sổ nhà này, Thẩm Thư có thể nhìn thấy bức tường của nhà tù Nam Lĩnh. Anh ta nhớ lại vị trí căn buồng giam giữ tên tử tù Lê Tiểu Long, vẽ ra trong đầu một đường thẳng ảo, dùng mũi bàn chân vẽ lên nền gạch xanh một hình tròn có bán kính 1m rồi nói: “Có lẽ là ở đây.”
Hứa Thiên Hoa lại ra phố để tìm thợ sửa chữa. Hai người thợ vừa mới kiếm được một món tiền ở trong nhà giam ban nãy vội xum xoe chạy tới chào hỏi. Hứa Thiên Hoa khua tay, ra hiệu cho họ tiếp tục chờ công việc khác. Hứa Thiên Hoa cố tình chạy qua hai ngã tư nữa để tìm hai người thợ khác.
Nạy những viên gạch xanh trên nền nhà ra, bên dưới là lớp đất nén, vẫn còn dấu tích của sự ẩm ướt, chứng tỏ mới bị đào xới lên không lâu.
Thẩm Thư và Hứa Thiên Hoa gần như đồng thanh nói: “Chính là chỗ này.”
Hai người thợ nhìn họ một cách khó hiểu.
Thẩm Thư rút ra 20 tệ trả cho họ, nói: “Xong rồi, các anh đi đi.”
Sau khi họ rời đi, Thẩm Thư hỏi Hứa Thiên Hoa: “Khoảng cách này tầm 200 đến 300m, theo cậu, nếu hai người cùng hợp sức lại để đào hầm, cần ít nhất bao lâu mới xong?”
Hứa Thiên Hoa trả lời: “Nhìn vào lối ra vào, có thể thấy đường hầm này không quá rộng, chiều ngang chỉ có thể chứa một người, nếu hai người hợp sức, một người đào hầm một người xúc đất, với công cụ trong tay, thì phải nửa tháng mới xong.”
Thẩm Thư gật đầu nói: “Khu vực này lắm đất sỏi, khiến độ khó càng gia tăng, nhưng cùng lắm 20 ngày là đào xong. Khó ở chỗ là phải đào đúng hướng. Diện tích phòng giam tử tù rất bé, dưới lòng đất tối tăm, chỉ cần đào chệch một li là đi một dặm, không khéo lại đào sang phòng giam khác cũng nên. Ngoài ra, việc họ biết được Lê Tiểu Long được giam ở phòng nào, nhất định phải có nội ứng, điều này không cần bàn cãi.”
Hứa Thiên Hoa đáp: “Vậy thì vụ án này lại càng phức tạp, số người liên quan là rất đông.”
Thẩm Thư nói: “Chúng ta thật may mắn khi có người nhận ra Lê Tiểu Long đã được thay thế để hành quyết, nếu không thì hắn có thể sẽ mãi nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn đường hầm kia trải qua năm tháng, sẽ mất dần dấu tích.”
Hứa Thiên Hoa đáp: “Thẩm đội trưởng, tôi có cảm giác, đằng sau vụ án này là một âm mưu gì đó rất lớn.”
Thẩm Thư cười nói: “Tôi với cậu thật hiểu ý nhau, vụ án này mới được triển khai, quá trình phá án đằng sau nhất định sẽ còn quanh co hơn nhiều.”
Thẩm Thư phát hiện ra, Hứa Thiên Hoa thật giống với mình của mười năm về trước, luôn tràn đầy nhiệt huyết phá án. Mỗi một vụ đại án, hàng trăm sợi dây thần kinh trải khắp cơ thể đều trở nên hưng phấn, hơn nữa, luôn có một trực giác cực mạnh đối với từng vụ án. Những phẩm chất này dường như là bẩm sinh, mặc dù kinh nghiệm có thể đạt được thông qua học tập và thực tiễn, nhưng có một số phẩm chất thì không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực mà có…