Bóng người bay vυ"t trong sương đêm, ánh kiếm loá lên dưới trăng sáng vằng vặc, phát thành hàng trăm ánh hào quang kỳ ảo.
Lưỡi kiếm được múa trên không trung, cuộn xoáy theo hơi thở của gió ngàn, khiến cho thảm lá rừng dày đặc cùng nhau thức dậy, bốc khỏi mặt đất, cùng với kiếm và người làm thành những điệu vũ cuồng nộ. Cuộn tất cả lên, xoáy tít trong không gian.
Ánh quang chợt loé, chợt tắt, bóng hình người cũng trải bước trên hư không.
Ta là ai ?
Vẫn một câu hỏi không đổi ấy vang mãi, vang mãi.
Ta là ai ?
Tiếng hú vang vọng trong đêm dài, thân ảnh lại tiếp tục bay vυ"t vào vô tận, triển khai những tuyệt kỹ thượng đỉnh, miệng vẫn không ngớt hỏi : “ Ta là ai ? “
Nhưng không ai có thể trả lời câu hỏi ấy cho người. Chỉ có những âm tiếng vọng lại từ khe núi, làm thành một điệp khúc vô tận đeo đuổi bước chân.
...
Trong ánh lửa đỏ rực, phảng phất hiện lên hình ảnh một đạo binh.
Một đạo binh bạo ngược và hung tàn.
Chúng đi qua nơi nào, cỏ cây, đồng ruộng ở nơi đó bị tàn phá.
Chúng đi đến đâu, những tiếng khóc ai oán, lầm than, những oan hồn vất vưởng lại đi theo lên đến đó.
Chúng còn có thể là ai khác, ngoài lũ giặc Lương – những con ác quỷ tàn bạo đến từ phương bắc !
Giờ đây, chúng đang đốt phá một thôn làng, ra sức tàn hại đến dân lành vô tội.
Tiếng gươm chém gϊếŧ, tiếng la thét vang thấu tận trời xanh. Sắc đỏ của máu và của khói nám đã cùng lúc vẽ nên một bầu trời u ám.
Lẫn trong khói lửa, có những người dân chạy nạn ngã xuống vũng máu. Lại có những người khác chết ngạt trong đống đổ nát của nhà cửa. Một thiếu phụ cố gắng ôm đứa con còn đỏ hỏn bỏ chạy, mà cũng không thoát khỏi những mũi tên oan nghiệt của kẻ thù.
Toàn không gian tràn ngập sự kinh hoàng. Hình ảnh thực và ảo đan xen lẫn nhau, khiến khó ai đủ sức phân biệt nổi. Tưởng như chính bản thân mình cũng đang phải đứng trong bão lửa, nếm trải những tư vị kinh hoàng ấy.
Tất cả mọi thứ đột ngột xoáy tròn, càng lúc càng nhanh. Vòng xoáy sâu hun hút đi vào vô tận, cuốn trôi mọi đau thương, cuốn trôi luôn cả những tang tóc bi ai theo nó đi vào. Kích động đến tận cùng tâm thức và mọi giác quan của người đang soi xét.
Xoáy sâu vào trong lòng người.
Cơn ác mộng cứ đến rồi lại đi.
Triệu Quang Phục không ngừng toát mồ hôi, bàn tay bấu chặt vào thành chiếc giường gỗ, chính trong lúc mọi sự căng thẳng đang đi đến cao trào, kinh dị hét lên một tiếng mà choàng tỉnh dậy. Tưởng như bản thân vẫn đang trong cơn mê muội chưa thể dứt ra.
Chàng vội bật dậy, thở hổn hển nhìn khắp xung quanh mình.
Căn lều vắng lặng, yên ả, chẳng có chút thanh âm dù chỉ là một ngọn gió nhẹ hiu hiu thổi.
Trấn tĩnh lại, tự hỏi mình rằng đó chỉ là một cơn ác mộng không hơn không kém thôi sao ? Thực thế chăng ?
Con tim thì tự trấn an, nhưng lí trí lại kịch liệt phủ nhận mọi ý niệm. Kịch liệt phản đối, thẳng thừng buông ra một lời nói không. Chẳng phải sao ? Đó chính là những hình ảnh đến từ dự cảm, những hình ảnh đã, đang và sẽ xảy ra.
Giặc Lương đang đến, chúng đang quay lại để tiếp tục tàn hại Vạn Xuân quốc.
Chúng đang tiến đến rất gần, và cơn ác mộng kia hoàn toàn có thể là cơn ác mộng của chính những người dân yêu nước bị giặc tàn hại.
Đó không phải là một cơn ác mộng, mà rất có thể chính là sấm mộng báo trước một tương lai bất định.
Triệu Quang Phục lau lấy mồ hôi, chìm vào suy nghĩ rất lung. Chàng đột nhiên nắm chặt cả hai bàn tay của mình.
Tự nghĩ về bản thân mình, trong suốt thời gian qua, vì quá chuyên tâm vào việc tiếp thu kiếm pháp, đã chút nữa quên đi chuyện quan trọng nhất trước khi đến Dạ Trạch.
Chàng đến đây là để truy cầu “ thần nhân “ trong lời đồn của dân gian, để người đó trở thành chủ soái của Vạn Xuân quân đoàn, đứng ở ngôi cao đề ra những sách lược đúng đắn cho công cuộc kháng chiến.
Nửa tháng đã qua đi như thoi đưa, tuy chưa tìm ra được kế sách gì hay, nhưng lại vô tình học được một món võ công thượng thừa từ một cao nhân lạ mặt để đem về truyền dạy cho toàn quân, coi như được mất bù đủ.
Kiếm pháp theo thời gian cũng tiến bước rất gần tới một cảnh giới mới. Ấy cũng đã hết thời hạn tĩnh tại tu tâm tại đầm Nhất Dạ. Triệu Quang Phục chẳng được phép nấn ná ở đây lâu hơn nữa, khi vẫn còn Vạn Xuân quân rất ngóng trông về sự trở lại của chàng. Lại thêm cả giặc Lương cũng đã hành binh đến rất sát địa giới rồi. Chàng cần phải sớm quay về chuẩn bị.
Dù muốn dù không, Triệu Quang Phục cuối cùng cũng đã đi đến quyết định dứt khoát, sẽ nói lời chia tay với Chử lão.
Hai người qua một thời gian gắn bó lâu dài cũng có được tình thâm nghĩa trọng, gắn bó với nhau không kém mấy những người bạn vong niên, đến khi chia tay cũng có đôi chút bịn rịn khó dứt.
Trước khi Triệu Quang Phục đi, Chử lão còn níu áo lại mà rằng :
- Sau này phải nhớ quay lại đây với ta đấy.
Bộ dạng của Chử lão lúc này đây thực không khác gì một tiểu hài tử cố sức níu giữ người bạn nhỏ sắp đi xa của nó, khiến cho bản thân Triệu Quang Phục dù cũng đang tiếc nuối trước giờ khắc chia phôi mà cũng suýt chút nữa phải bật cười thành tiếng.
Chàng phải giương kiếm trỏ bóng mặt trời mà thề, Chử lão mới để cho người bước đi.
Triệu Quang Phục lấy lại mọi y trang của mình, dắt ngựa cất bước trên thảm cỏ xanh ướt đẫm hơi sương, nhìn lại đầm Nhất Dạ một thời huyền sử. Chàng chẳng biết tự lúc nào đã mang một thứ tình cảm đặc biệt với nơi đây, một thứ tình cảm gần như đối với quê hương thứ hai. Khó mà tưởng đến chuyện chỉ một quãng thời gian ngắn vô tình tìm đến nơi đây lại để lại một sự lưu luyến sâu đậm như vậy.
Tự hỏi liệu có còn ngày quay lại nơi này không, và đó là khi nào ?
Câu trả lời hãy nằm lại ở quãng thời gian trước mắt. Triệu Quang Phục xoay chiến mã, thúc ngựa thẳng tiến phóng bước vào tương lai.
Chàng ngoái đầu lại nhìn theo bóng hình lặng yên chạy ngược về sau của Chử lão, khẽ lẩm nhẩm :
- Tạm biệt sư phụ ! Hẹn ngày sau nếu có thể đánh bại giặc Lương sẽ quay về chốn này tìm lại người.