Chương 1: Nhất Dạ

Ráng chiều điểm bóng tàn canh. Khói trắng và những đám mây hồng đào lững lờ trôi dần về cuối chân trời, nhường lại không gian cho bóng tối ngự trị.

Màn sương huyền hoặc cứ từ từ bay ngang, lả lướt trong không gian, thực chẳng khác chi một kiều nữ dụ hoặc mê người, câu dẫn bước chân người lữ khách dè dặt tiến vào cõi vô định.

Giữa trống vắng và vô tận thời không, bóng hình người cứ chầm chậm bước đi, đột ngột dừng chân đứng lại bên đầm trăng vắng lặng.

Triệu Quang Phục sắc diện tuyệt đối ngưng đọng, ánh mắt hướng về một nơi xa xăm, cái nhìn bao quát, tựa như muốn trông ra thấu suốt cõi trần ai.

Chàng đứng trầm lặng một lúc, cho tâm ý tìm đến sự bình lặng, để có thể an nhiên mà đối diện với những thử thách gian lao vẫn đang đợi chờ mình phía trước.

Mọi biến cố đã xảy ra được một thời gian, nhưng vẫn còn hiển hiện rất rõ nét trong ký ức.

Hằn in thấu tận tâm khản Triệu Quang Phục là những hình ảnh của binh đao khói lửa, của chém gϊếŧ hung tàn.

Người chết và người sống, kẻ thắng và kẻ thua.

Trải dài theo thời gian, vẫn còn đó lòng căm thù sâu sắc, rồi nỗi thống hận lũ giặc xâm lăng. Cũng không thiếu những đau thương và mất mát khi những người chiến hữu, những người anh em thân thiết vẫn kề vai sát cánh bên mình đột ngột ngã xuống nơi xa trường.

Mọi hình ảnh phác thảo trong ý thức như hình thành nên một mặt gương kỳ quái.

Mặt gương ấy, phản chiếu lại những vết chân đã bước của quá khứ, mờ mịt xoá đi lớp bụi phủ lên những hình ảnh của thực tại, mải miết rảo tìm kiếm bức tranh của tương lai vẫn còn đương vẽ dang dở.

Tất cả xoáy tròn trong vòng quay bất tận không hồi kết, để đến chặng cuối của hành trình, đưa Triệu Quang Phục quay trở lại với trận quyết sống mái cùng giặc thù tại hồ Điển Triệt. Một trận đấu đầy anh dũng và oai hùng của Tổ quốc thân yêu.

Ấy phải biết toàn bộ con dân Vạn Xuân quốc đã dồn tận sức, tận lực quyết chiến. Bất quá, do tương quan lực lượng đem so với giặc Lương thực sự chênh lệch không nhỏ, nên cuối cùng những người nghĩa sĩ dù rất anh dũng chiến đấu cũng đã bị kẻ thù phương bắc tàn hại thê thảm.

Cả đoàn quân sau thất bại ngày ấy đã phải mau chóng rút chạy về phương nam. Để cả chiến trường đỏ lửa và đô thành của những chiến tích oai hùng nằm lại sau lưng.

Các tướng lĩnh nắm vai trò quan trọng trong quân đều đã lần lượt qua đời. Tất cả những người bọn họ, nếu là may mắn không dính phải trọng thương sau những trận chiến ác liệt, cũng lần lượt trúng phải bạo bệnh mà bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Trình Đô, Tam Cô đã tử nạn trong trận thủy chiến trên sông Tô Lịch.

Lão tướng Phạm Tu và phụ thân của Quang Phục, tướng quân Triệu Túc phải chết thảm dưới tay bầy lang sói khi thành Long Biên thúc thủ.

Viên tướng trẻ Lý Phục Man trúng phải tên độc trong khi rút lui, cuối cùng đã ốm chết trên đường lui binh.

Biết bao nhiêu danh tướng đã lần lượt hi sinh anh dũng.

Chỉ còn lại chính Triệu Quang Phục là người duy nhất còn sống, là người duy nhất vẫn còn giữ được trong mình một ý chí kiên định, một sức mạnh bền bỉ.

Kiên định và bền bỉ để có thể bám trụ đến cùng.

Kiên định và bền bỉ để có thể sát cánh bên Lý Nam Đế trong những thời khắc hiểm nghèo nhất, đến tận những giờ phút cuối cùng, trước khi người thủ lĩnh vĩ đại lâm chung.

Lại nhắc qua một chút những chuyện cách đó không lâu. Khi Triệu Quang Phục mới gia nhập Vạn Xuân quân cùng với người cha Triệu Túc, chàng vẫn là một trong những người lính có tuổi đời còn khá trẻ. Ngay từ những thời gian đầu đã phải đối mặt với không ít những thử thách gian nan.

Nhưng sau đó một quãng ngắn, chàng cũng đã sớm khẳng định được đảm lược của mình, thông qua những quân công đoạt được, rồi những lần làm đại soái điều binh khiển tướng giành được thắng lợi trên chốn xa trường, trở thành một chiến tướng dũng mãnh bên cạnh Lý Nam Đế.

Không chỉ có vậy, ngay cả những bận Vạn Xuân quân phải thua trận rút lui, Triệu Quang Phục cũng đã năm lần bảy lượt thống suất đạo quân bọc hậu, không ít lần chặn đánh và phá được những mũi tiến kích hiểm ác của giặc Lương, thủ vệ cho tất cả những người khác có thể thoát hiểm an toàn.

Nhắm mắt xuôi tay, Lý Nam Đế cuối cùng đã có được sự tin tưởng nhất định, để có thể ủy thác sự nghiệp còn dang dở cho Triệu Quang Phục. Ông ta lập tức sắc phong chàng, từ vị trí của một tướng quân lên thành tổng tư lệnh chỉ huy cả đại quân.

Đó quả thực là một vinh dự lớn nhất dành cho viên tướng trẻ.

Chỉ hiềm có một nỗi, bước lên nắm giữ quyền lực chưa được bao lâu, tin vui chưa thấy đến, điềm xấu đã về đến tận cửa ngõ trước nhà.

Điềm xấu đang nói tới, chính là chỉ đến cuộc xâm lăng đến từ phương bắc nơi xa.

Nhà Lương ở mãi tận Trung Nguyên đã trải qua vô vàn những cuộc chiến tranh lớn nhỏ trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng vừa qua. Hết giao chiến với các vương quốc phương bắc của Hồ tộc, lại phải dồn hết nhân lực và quốc khố vào những cuộc chinh phạt các thuộc quốc phương nam. Đất nước của họ vì chiến tranh liên miên mà sau một thời gian dài đã trở nên cực kỳ hoang phế điêu tàn. Lương Vũ Đế cảm thấy tình hình bất ổn, vốn đã định đình chỉ lại những cuộc viễn chinh mãi ngoài biên ải để tập trung quốc lực vào việc trọng yếu trước mắt là phòng thủ nơi biên giới phía bắc, cũng như chấn hưng lại quốc gia. Nào có ngờ được, chính lúc đó lại đột nhiên được trình lên một bức thư của các thái thú An Nam gửi về từ phương xa, cho vua tôi nhà Lương hay được cái tin động trời : “ Lũ giặc cỏ An Nam “ vẫn chưa tính chấm dứt chuyện chống đối; tên “ phản tặc “ Lý Bí còn chưa yên nghỉ xanh cỏ trên mồ thì đã sớm có một tên “ phản tặc “ họ Triệu khác ngang nhiên giong trống mở cờ chống lại Lương triều.

Lương Vũ Đế đọc xong thư, vô cùng tức giận, trong chốc lát cảm thấy toàn bộ quốc thể đang bị tiểu quốc phương nam kia lăng nhục, không còn lí gì để tâm đến tình hình chính sự và các vấn đề trọng yếu trước mắt. Y từ quá giận mà thành suy xét mọi thứ kém sáng suốt, đã sớm thảo ra một phong chiến thư, phái thêm một đạo quân hùng mạnh từ Kiến Khang thẳng tiến, tăng cường quân lực cho sĩ tốt vẫn đang đóng tại An Nam, chuẩn bị cho một cuộc đàn áp mới của mình, để dạy cho lũ “ loạn dân “ một bài học vì dám chống lại “ Thiên triều “.

Triệu Quang Phục vừa mới trở thành chủ soái, ngay lập tức đã bị đặt vào một tình thế nước sôi lửa bỏng như vậy, cố nhiên cũng gặp không ít khó khăn trong mọi dự toán của mình.

Chàng đã phải suy tính đến hàng trăm phương kế đối phó với giặc Lương.

Thoạt nghe trong thiên hạ có những lời sấm rằng tại Nhất Dạ sắp có thần nhân giáng thế, Triệu Quang Phục liền tạm rời bỏ quân doanh của mình, vượt mọi gian nan tìm đến nơi này hòng đưa được người đó về phò trợ cho cuộc kháng chiến.

Hành bước dặm trường, trải bao khó nhọc gian khổ, cuối cùng đã đến được nơi cần phải đến. Tưởng chừng “ khổ tậm cam lai “ , nhưng qua một thời gian ở đây rong ruổi đi tìm kiếm khắp chốn, chỉ thấy được một không gian tuyệt đối vắng lặng hoang vu, không một bóng người sống.

Lời đồn đại trong dân gian hoàn toàn không đúng, quả thực đã làm uổng công phí sức cho chuyến đi dài này.

Triệu Quang Phục giờ đang đứng giữa đầm nước bao la, nhìn xuống mặt nước mà hỏi đến một phương kế có thể đối phó với giặc, hỏi đến hồi kết của cuộc chiến.

Những hình ảnh cứ thay nhau cùng lắng dần suống mặt nước xanh thẳm, nhưng câu trả lời ấy chẳng hiện lại cho người.

Chẳng phải quá khó để nhận thấy, thế quân hiện tại đã sẵn yếu hơn, lại thêm cả số lượng binh sĩ cực kỳ ít ỏi nếu đem so với trăm vạn quân mã mà địch nhân đang có. Tinh thần cũng chẳng khá hơn chút nào, đương xuống dốc rất mạnh sau những thất bại liên tục trong thời gian gần đây, cũng như sự ra đi của Lý Nam Đế. Vốn ai ai cũng có thừa kiên nhẫn để quyết chiến đến cùng với giặc thù, nhưng thực sự lực bất tòng tâm. Quân địch mạnh sắp đến trước mắt mà sĩ tốt trong tay lại chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt.

Tương lai như bị phủ trùm bởi một tấm màn vô định. Người thủ lĩnh cũng chẳng thể nghĩ nổi đến một phương kế nào hay cho quân mình.

- Phụ thân, người liệu có thể nghĩ ra được cao kiến nào đó giúp cho nhi tử lúc này chăng ?

Trong thoáng chốc, từ ý thức của Triệu Quang Phục, hiện hữu lại bóng hình người quá cố.

Triệu Túc, người cha già đáng kính của chàng - người chiến binh dũng mãnh nơi xa trường ! Đó là người đã dìu dắt chàng biết bao năm qua, cũng là người đã giúp chàng những lời khuyên xác đáng mỗi khi đứng trước một quyết định hệ trọng.

Một trận quyết chiến, người năm ấy đi đến phương xa, giờ chẳng còn tìm nổi đường về được nữa. Chiến mã xuất chinh ngày trước, giờ cũng đã thất tung tận phương trời nào.

Phụ tử ly biệt vì chiến tranh, giờ chỉ còn lại một người còn sống sót đứng tại nơi này, tiếp tục nhìn về những hình ảnh của ngày xưa, tiếp tục phải đau đầu với trăm mối lo toan cùng những vướng bận, khó khăn của tương lai.

...

Triệu Quang Phục đang trầm lặng suy ngẫm, bỗng thoáng một cái rùng mình. Đầm Dạ Trạch hôm nay, chẳng hiểu sao mà rét căm căm đến lạ.

Vẫn một nơi ấy thôi, nhưng sao càng về đêm tối, cái lạnh càng tăng lên. Lạnh đến độ cắt da cắt thịt, tưởng như thấu buốt đến tận xương tủy.

Cái lạnh lẽo này, ấy vẫn chưa được người ta thấy đến một lần.

Tự hỏi gió lạnh, hay chính lòng người đang cảm thấy lạnh lẽo đây ?

Triệu Quang Phục ngưng thần đứng nhìn đầm nước, cảm thấy một màn sương mờ ảo đang bao kín hết ý thức của mình, khiến cho bản thân chàng vào lúc này chẳng thể nghĩ ra nổi dù, chỉ là một ý niệm sáng suốt.

Chàng đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn là vô lực trong việc dứt mình được khỏi những âu lo. Hết nỗi lo về quân lương, lại đến nỗi lo về chiến sự. Rồi nỗi lo về kẻ thù. Tinh thần vẫn chẳng lúc nào an tĩnh nổi. So với những trận đánh lớn nhỏ đã từng tham gia trong quá khứ, thực sự lần này đương gặp phải vô vàn khó khăn.

Nhà Lương đã tiếp tục để Trần Bá Tiên, một viên tướng cực kỳ xảo quyệt và nham hiểm, kẻ từng đánh bại Lý Nam Đế tại hồ Điển Triệt làm thượng tướng thống soái toàn đại quân xuất chinh.

Quân giặc nam tiến lần này có đến hàng trăm vạn thạch quân, đông như kiến, bạo tàn còn gấp trăm lần những tên thái thú nắm quyền cai trị trước đây, hễ thấy người là gϊếŧ, đi đến đâu làm cho đồng cỏ tươi xanh cháy trụi đến đó.

Nghĩa binh Vạn Xuân có chưa đến hai vạn người, so cả về tài lẫn lực, thực chẳng khác nào châu chấu đá voi.

Liệu có cơ hội nào cho một chiến thắng của quân mình không ?

Triệu Quang Phục vừa bước đi vừa trầm lặng suy ngẫm. Tự thấy thật chẳng dễ để cho nổi một câu trả lời.

Chàng thở dài khẽ khàng.

Bước tiếp. Tiến dần vào cõi mông lung.

Vô định ...