Khương Ninh nói muốn chuyển trường cho Khương Phàm, nhưng không ai trong nhà xem lời của cô là thật.
Con nhóc mười bốn tuổi này cứ nghĩ dễ như chơi. Cô có thể nghiêm túc đi học lớp phụ đạo đã là rất tốt rồi!
Còn Khương Phàm, tuy ngoài miệng đồng ý với chị mình, rằng sẽ thay đổi hoàn toàn, học tập đàng hoàng nhưng vừa nghĩ tới mấu chốt cơ bản của chuyện chuyển trường này không phải là thành tích của mình, mà là mấy cái thủ tục phức tạp, vậy mình trăm đắng ngàn cay nâng cao thành tích có ích lợi gì chứ? Cậu héo ngay, thế là có cớ tiếp tục ra net chơi game với mấy đứa học dốt trong lớp rồi.
Vừa thấy Khương Phàm choàng vai bá cổ đám người kia, lại còn là mấy tên côn đồ kéo Khương Phàm vào trường trung cấp nghề ở kiếp trước, Khương Ninh đau hết cả đầu. Kết cục bi thảm phải vào tù của Khương Phàm kiếp trước như dao găm đang lăng trì thần kinh của cô.
Chuyện chuyển trường này phải nhanh chóng lên kế hoạch thôi.
Hôm sau khi tan học, Khương Ninh đội mũ che nắng nhỏ, ngồi lên phà và cầm địa chỉ mà thầy Vương cho cô để đi tìm Âu Dương Bác.
Cô không dám chắc mình có thể gặp được Âu Dương Bác không. Vả lại, sau khi gặp được Âu Dương Bác, cô càng không biết liệu mình có nhờ được ông ấy ký giúp thủ tục chuyển trường không nữa.
Nhưng bất kể thế nào, cô quyết phải chữa ngựa chết thành ngựa sống. Cô không thể ngồi chờ chết như kiếp trước được.
Thời tiết khá oi bức, khi xuống phà thì cô hơi say sóng.
Khu nhà cũ của Âu Dương Bác khá vắng vẻ và yên tĩnh. Sau khi bắt một chuyến xe buýt xuống, Khương Ninh lại đi bộ thêm nửa tiếng nữa.
Nếu là Khương Ninh của kiếp trước, bây giờ thật sự cô đã quay về vì không chịu nổi rồi.
Thế nhưng, sống lại một đời, Khương Ninh không còn yếu ớt vậy nữa.
Cô móc vài đồng tiền lẻ trong ví tiền ra và mua một chai nước đá ở căn tin ngay cổng khu nhà, đoạn lấy nước đá chườm lên gương mặt nóng ran của mình, lúc này mới dễ chịu hơn đôi chút.
Khương Ninh nhớ Âu Dương Bác từng kể với mình, rằng mấy năm trước khi xuất ngoại, ông từng phải chăm sóc con trai bị bệnh nặng, đến mức kinh tế giật gấu vá vai, không mua nổi một chiếc xe, chỉ toàn đi xe đạp.
Tuy vậy, cô đợi cả buổi trời mà không thấy có ai đạp xe tới đây.
Khương Ninh không khỏi tự hỏi mình cứ đứng chờ ở đây thì rốt cuộc có thể chờ được người hay không.
Thấy một cô bé choai choai đang ôm cặp hết nhìn đông tới nhìn tây như đang tìm người, bác bảo vệ lo lắng cô là con nhà ai đi lạc, bèn cầm một cái quạt hương bồ ra ngoài: “Cô bé, con chờ ai hả?”
Khương Ninh phát hiện ra chỗ tốt của mười bốn tuổi rồi, đó là nếu có chuyện làm không được thì hoàn toàn có thể nhờ người lớn giúp.
Cô nhìn bác bằng đôi mắt đen láy, lập tức lộ ra chút hốt hoảng và tủi thân. Cô nói với bác bảo vệ: “Con tới tìm một thầy tên là Âu Dương Bác ạ. Thầy của bọn con là bạn của thầy ấy. Thầy bảo con sau khi tan học thì đến đưa tài liệu cho thấy ấy đấy ạ.”
Nói đoạn, Khương Ninh vỗ vào cặp của mình, rồi cho bác bảo vệ nhìn một góc bài thi.
“Sao không nói sớm trời, vào đi con.” Bác bảo vệ không mảy may cảnh giác với cô nhóc xinh xắn này.
Một cô bé nhỏ còn đang trong giai đoạn dậy thì, chẳng lớn là bao thì có ý xấu gì được chứ.
Bác mở cửa ra, nói: “Nếu bác nhớ không lầm, hôm nay thầy Âu Dương được nghỉ đó. Con ở đây không đợi được thầy đâu, đi lên lầu tìm cậu ấy đi.”
Khương Ninh thuận lợi vào được toà nhà đơn nguyên, vội vàng liên tục nói cảm ơn bác.
Cô bé nhỏ miệng ngọt, còn nhỏ tuổi đã hiểu được cách đối nhân xử thế rồi. Bác bảo vệ rất dễ chịu, cười nheo mắt cho cô đi lên.
Khương Ninh đứng trước cửa nhà của Âu Dương Bác, không ngờ sẽ thuận lợi vậy. Cô lập tức nhón chân lên ấn chuông cửa.
Một lát sau, cửa được mở ra từ bên trong.
“Âu Dương.” Nhìn người đàn ông mới chỉ hơn ba mươi tuổi trước mặt, Khương Ninh mừng mừng tủi tủi.
Lần cuối cùng họ gặp nhau trong kiếp trước là sau một bữa lẩu với người đại diện, rồi tạm biệt nhau ở sân bay. Nhưng thật chẳng ngờ khi gặp lại lần nữa, mình bỗng dưng trở thành một phiên bản nhỏ của chính mình rồi.
Âu Dương Bác râu ria xồm xàm, vừa mở cửa ra chợt thấy có một cô bé con chỉ lớn hơn hạt đậu chút ít, tự nhiên gọi mình là Âu Dương một cách như đã thân quen lắm.
Ông: “... Cô bé con, con là?”
Khương Ninh bỗng nhận ra rồi vội vàng sửa miệng: “Thầy Âu Dương, con là học sinh của thầy Vương lớp A3 năm hai của trường Hằng Sơ.”
“À, vào đi, có gì không bé con?” Âu Dương Bác đi tới rót một ly nước cho Khương Ninh, ý bảo Khương Ninh đổi giày.
Chờ rót nước xong quay lại, ông thấy cô bé đã thay giày xong và đang ngồi trên ghế sofa.
Âu Dương Bác: “...” Đây cũng không phải là thân quen thôi đâu! Bước vào nhà người xa lạ, dù gì cũng phải cảnh giác chút xíu chứ! Kể cả đối phương là giáo sư đi chăng nữa!
Con bé này thật sự làm người ta lo lắng quá.
Khương Ninh lập tức đi thẳng vào vấn đề nói rõ lý do mình đến.
Quả thật cô sợ nhất là không gặp được Âu Dương Bác, nhưng một khi gặp được, cô cảm thấy ông sẽ giúp mình. Là bạn tốt quen biết nhiều năm, Khương Ninh hiểu rất rõ Âu Dương Bác là một người tai mềm.
Âu Dương Bác vừa nghe giọng nói như bà cụ non của cô bé, bèn bật cười: “Nhà con sao lại để cho một đứa nhỏ lớn chừng hạt đậu như con chạy lung tung ra ngoài thế hả? Con lại còn thật sự tìm đến đây nữa cơ đấy.”
“Con không dám giấu giếm ạ. Ba con nɠɵạı ŧìиɧ, còn mẹ con bận bịu lo việc buôn bán, nên không còn thời gian trông nom em trai con, bởi vậy con đành phải làm thay thôi ạ.” Khương Ninh ăn ngay nói thật, thái độ rất chân thành: “Chú có thể xem bài thi trước kia của nó, thành tích hồi đó của nó thật sự không tồi đâu, là một mầm non tốt lắm đấy ạ.”
Dĩ nhiên cũng vì cô rất hiểu Âu Dương Bác, biết người này sống hơi tình cảm, có lẽ do con trai của ông bị bệnh nặng nên ông luôn không thể chịu đựng được khi chứng kiến những đứa trẻ khác phải chịu khổ.
Cô đặc biệt lựa lời để Âu Dương Bác sinh ra đồng cảm với mình: “Chú ơi, có thể rót thêm cho con ly nước không. Con đi phà tới nên hơi say sóng đấy ạ.”
Quả nhiên, cô vừa thốt ra lời này, Âu Dương Bác bèn quan sát cô từ trên xuống dưới và tỏ vẻ hơi không đành lòng.
Ông vội xoay người đi rót thêm nước cho Khương Ninh.
Vì gọi người bạn cũ năm xưa một cách buồn cười là chú, Khương Ninh cảm thấy ớn lạnh, bèn xoa xoa cánh tay nổi đầy gai ốc của mình.
Âu Dương Bác suy tư một hồi rồi nói: “Đây cũng không phải chuyện gì khó khăn. Con khá may mắn đấy, vì bây giờ danh sách vừa khéo còn dư chỗ.”
“Nhưng vấn đề là em trai con phải đích thân nâng cao thành tích lên, bằng không dù chú có giúp được thì cậu bé đó cũng không chuyển được đâu. Thêm nữa, ngoài thủ tục chỗ chú ra, con còn phải chạy ít nhất tận hai ba nơi đấy, đóng học phí chọn trường linh tinh rất phiền phức đó.”
Khương Ninh nhanh chóng đáp: “Không sao ạ, con chạy thêm vài lần cũng không có gì to tát cả đâu ạ.”
“Con mới mười bốn tuổi thôi đấy!” Âu Dương Bác cau mày: “Không được, con gọi phụ huynh của con đến đây đi.”
“Con đã nói về tình hình trong nhà con rồi ạ.” Khương Ninh nhìn ông bằng ánh mắt tội nghiệp như thỏ.