Chương 5: Quyển 2 – Dứt Nghi

QUYỂN 2 – DỨT NGHI

Quy y Tam bảo rồi, trên đường tu hành, cần đoạn trừ nghi hoặc (là một trong các phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến) trong tâm, chỉ những người chứng quả dự lưu Tiểu thừa (Bồ-tát sơ địa trở lên, mới có thể triệt để đoạn nghi). Nghi sẽ khiến chúng ta vô phương phát sinh thiện pháp, trong “Duy Thức Luận” nói: Nghi là sao? Là đối với chân lý hay do dự nghi ngờ gây chướng ngại nghiệp thiện, khiến các điều lành chẳng thể phát sinh.

Sám văn:

Do chúng sinh, hạnh nghiệp bất đồng nên quả báo trổ không giống nhau. Do nghiệp thiện ác hỗn tạp, nên quả báo có sai khác muôn vàn. Do không rõ điều này nên mới loạn khởi nghi ngờ.

Giải thích:

Có nhân ắt có quả, có cảm có ứng. Do chúng ta chẳng hiểu Phật pháp nên hành vi nghiệp tạo luôn chẳng thanh khiết, vì thiện ác lẫn lộn cho nên quả báo có nặng nhẹ. Giống như làm ruộng mà bạn gieo đủ thứ hạt giống lẫn cỏ tạp, thì tương lai sẽ thu hoạch lộn xộn.

Có một cư sĩ nọ, quy y Tam bảo đã lâu rồi nhưng vẫn còn ăn tam tịnh nhục, chẳng biết ngày xưa Phật cho ăn tam tịnh nhục là phương tiện tạm hóa độ những người chưa kịp thích ứng để có thể bỏ thịt ngay, song đây không phải là pháp cứu cánh.



Nếu cư sĩ này đột nhiên sinh bệnh, hoặc xảy ra nhiều điều nghịch ý bất lợi thì đối với Phật giáo sẽ sinh nghi, hoàn toàn chẳng biết là: Do ông chưa dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường nên bị quả như thế.

Còn có cư sĩ nọ, trong nhà đột nhiên bị cướp, bị mất những vậy quý, tâm cũng sẽ sinh nghi. Ông không hề biết là: Do bởi quá khứ ông tham chiếm đồ của quốc gia hoặc lấy của người làm của mình. Những ai tuy đã quy y Tam bảo, nhưng tâm tham chưa đoạn, tất nhiên sẽ có tổn thất cực lớn đang chờ họ ở tương lai. Vì mùa xuân gieo một hạt, mùa thu gặt vạn hạt, chiếu theo nguyên tắc: “Trồng một sẽ thu được vạn”, thì việc gieo ác cũng đồng như vậy.

Xin ví dụ: Nếu bạn làm cho nhà nước, khi cần đi nhà xí bạn tiện tay vơ lấy mấy tờ giấy in trắng sạch trong văn phòng đem làm giấy vệ sinh. Do đây là vật bạn không có quyền lạm dụng, nhưng bạn lại tự tiện lấy xài, tiêu hoang làm lãng phí của công, đương nhiên cách hành xử này sẽ bị xếp vào lỗi trộm! Nếu bạn thường làm như vậy, ắt phải chiêu lấy ác báo là: Sẽ có một ngày bạn bị mất trộm như: mất xe đạp, xe máy, hoặc những đồ quý khác! Nhân tuy nhỏ song quả hại rất lớn!

Đến khi đó thì bạn lại trách Phật pháp không bảo vệ bạn ư? Phải biết rõ là nhất cử nhất động của bạn, mỗi một niệm khởi thiện ác… chư Phật, Bồ-tát đều biết hết, thấy hết!

Còn nữa, có người mặc dù không ra tay sát sinh, gϊếŧ vật. Nhưng ở ngay nơi nhà bếp nhà mình họ vẫn đích thân lột da xẻ thịt, chặt đầu vật… để chưng, quay, nướng, rán… vậy thì trong tương lai sẽ có lúc họ gặp các tai họa đột ngột như: Gãy chân, tét xương… hay nội tạng đau phải đi phẫu thuật. Không chỉ tốn tiền thuốc thôi đâu, họ còn phải dâng phong bì, năn nỉ các bác sĩ, hộ lý nơi bệnh viện nhận giùm và chiếu cố giúp cho, lại còn phải van xin bác sĩ: “Làm ơn cầm dao mổ xẻ mình giùm”. Đây không phải là Phật không chúc phúc, mà do bạn tự làm tự chịu.

Phật giáo dạy người tự đoạn ác tu thiện để chính họ lìa khổ được vui, chứ chẳng hề làm ô dù che chở cho người tạo ác. Phàm những ai đã quy y Phật giáo, tất phải lấy giới làm thầy, nếu như ngôn hạnh trái ngược, thiện ác hỗn tạp, lập tức ác báo ắt sẽ đeo theo. Lúc ác báo ập đến, họ chẳng biết tỉnh ngộ sám hối, lại còn trách Phật không gia hộ. Lẽ nào như thế?