Chương 7
7
CÂU HỎI: Được nhà tâm lý học người Đức William Stern phát minh ra, hệ số gây tranh cãi nào lúc đầu được định nghĩa là thương số của tuổi trí tuệ một người chia cho tuổi thực tế của người đó, nhân với 100?
TRẢ LỜI: IQ
***
Tôi đi lên lầu đến phòng họp số 6, một thanh niên cao ráo cân đối đang bố trí bàn ghế trong phòng thi, độ khoảng ba mươi bàn, có bộ dạng lăng xăng của người làm việc văn phòng. Anh ta rõ ràng là lớn tuổi hơn tôi, hăm mốt hăm hai gì đó, cao và vừa vặn trong chiếc áo len dài tay có in tên trường đại học màu đỏ tía, da rám nắng, đẹp trai, vẻ điềm tĩnh, mái tóc ngắn màu vàng hoe hoe đỏ chải gọn gàng, kiểu tóc trông như vừa được đúc khuôn từ một miếng nhựa. Tôi nhìn anh ta một hồi qua tấm cửa kính. Anh ta trông như một phi hành gia, nếu nước Anh có phi hành gia, hoặc một Nhân vật Hành động không có vẻ đáng sợ. Điều làm tôi băn khoăn ở anh ta là tôi nhớ hình như đã thấy anh ta ở đâu rồi thì phải...
Anh ta đã nhìn thấy tôi, nên tôi bèn thò đầu vào phòng lịch sự hỏi, “Xin lỗi, đây có phải là phòng thi Thách thức Đại h...?”
“Đặt ngón tay lên chuông để trả lời, câu hỏi khởi động đầu tiên của cậu - cậu có thể đọc biển báo không?”
“Được.”
“Trên đó viết gì?”
“Phòng họp số 6, một giờ trưa.”
“Bây giờ là mấy giờ?”
“12 giờ 45.”
“Vậy tôi coi đó là trả lời cho câu hỏi của cậu được không?”
“Tôi cho là vậy.”
Thế là tôi ngồi chờ ngoài cửa và khởi động bằng cách lướt qua một số danh sách trong đầu; các vị vua và các nữ hoàng Anh, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, các đời tổng thống Mỹ, định luật nhiệt động, các hành tinh của Hệ Mặt Trời, chỉ để đề phòng thôi; kỹ thuật làm bài kiểm tra căn bản. Tôi kiểm tra thấy mình có mang theo một cây bút chì và bút bi, một miếng khăn giấy, một hộp kẹo Tic-Tac, và đợi những thí sinh khác xuất hiện. Sau mười phút tôi vẫn là thí sinh duy nhất có mặt ở chỗ này, thế là tôi ngồi đó nhìn săm soi cái gã ngồi ở bàn giáo viên trong khi anh ta phân loại và kẹp ghim các đề thi một cách khá nghiêm nghị. Tôi đoán anh ta chắc phải có vị trí khá cao trong ban tuyển chọn Thách thức Đại học, và hẳn đang choáng váng với thứ quyền hạn dễ khiến người ta say sưa này, nhưng tôi phải chiếm được cảm tình của anh ta nên đúng 12 giờ 58, không sớm hơn, tôi đứng lên bước vào phòng.
“Bây giờ vào được chưa?”
“Được. Cậu có thể bước vào. Có bao nhiêu người ở ngoài đó cùng với cậu?” anh ta nói, không thèm ngước lên nhìn.
“Ừm... không ai hay sao ấy?”
“Thật không?” Anh ta nhìn ra phía sau tôi, bởi vì rõ ràng là tôi không đáng tin. “Ôi ghét thật! Năm 1983 lại tái hiện.” Anh ta tặc lưỡi và thở dài, rồi ngồi lên mép bàn, cầm lấy một bìa kẹp hồ sơ, sau đó nhìn tôi từ đầu xuống chân dò xét, liếc nhìn khuôn mặt tôi, trước khi dừng lại điểm cách một bên mặt tôi ba mươi xăng ti mét, anh ta có lẽ thích nhìn chỗ đó hơn. “Này cậu, tôi là Patrick. Tên cậu là gì?”
“Brian Jackson.”
“Năm mấy?”
“Năm đầu! Mới đến hôm qua!”
Tặc lưỡi và thở dài. “Chuyên ngành?”.
“Ý anh là tôi đang học cái gì ấy hả?”
“Cậu nghĩ sao cũng được.”
“Văn học Anh.”
“Chúa ơi, thêm một người nữa! Thế thì ít ra cậu cũng không hoàn toàn phí phạm ba năm trong đời cậu.”
“Xin lỗi, tôi...”
“Chuyện gì đã xảy ra cho tất cả các nhà toán học, đó chính là điều tôi muốn biết. Tất cả các nhà hóa sinh? Tất cả những kỹ sư cơ khí? Không nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế đang chuẩn bị xuống dốc; mọi người đều biết phép ẩn dụ là gì, nhưng chẳng ai có thể xây dựng một nhà máy điện cả.”
Tôi bật cười, xong nhìn lại xem anh ta có phải đang đùa không, nhưng anh ta không đùa. “Tôi có chứng chỉ A khoa học!” tôi nói, tỏ ra cảnh giác.
“Thật à? Môn gì?”
“Vật lý và Hóa học.”
“Thế thì cậu đây rồi! Một Anh chàng Phục hưng! Định luật thứ ba về chuyển động của Newton là gì?”
Ồ, anh bạn, anh phải cố gắng hỏi khó hơn thế chứ...
“Phản lực có cùng độ lớn và ngược chiều với lực tác động,” tôi trả lời.
Phản ứng của Patrick cũng có cùng mức độ và ngược chiều giống như vậy; một cái nhíu mày khó chịu thoáng qua, trước khi anh ta quay lại nhìn vào cuốn sổ ghi chép.
“Trường?”
“Gì cơ?”
“Tôi hỏi ‘trường gì?’ Tòa nhà to. Xây bằng gạch, có giáo viên trong đó ấy...”
“Tôi hiểu câu hỏi, nhưng chỉ lấy làm lạ là tại sao anh muốn biết?”
“Thế thì thôi, Trotsky[1], cậu đã nói rõ ý cậu rồi. Cậu có đem bút theo không? Tốt. Giấy làm bài đây, và một phút nữa tôi sẽ ở cùng cậu.” Khi tôi chọn chỗ ngồi gần cuối phòng thì hai người nữa đến từ phía sau. “À, kỵ binh!” Patrick nói.
[1] Trotsky là một nhà lý luận cách mạng Bôn sê vích và Mác xít, bị đưa ra khỏi Đảng Cộng sản và trục xuất khỏi Liên Xô sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh của cánh tả đối lập chống lại các chính sách và sự thăng tiến của Joseph Stalin trong những năm 1920 cũng như tình trạng quan liêu ngày càng tăng tại Liên Xô nhưng thất bại.
Đồng đội tiềm năng đầu tiên, một cô gái Trung Quốc, gây ra một chút xáo động, vì cô ấy hình như có một con gấu trúc bám trên lưng. Nhìn kỹ và gần hơn thì mới phát hiện ra đó không phải là con gấu trúc bằng xương bằng thịt mà là một cái ba lô được thiết kế độc đáo! Tôi cho là nó thể hiện một sự hài hước hơi kỳ quặc, nhưng một cuộc thi kiến thức tổng quát cao cấp, nghiêm túc này. Dù sao đi nữa, nghe từ cuộc nói chuyện của cô với Patrick thì tôi biết cô tên là Lucy Chang, sinh viên năm hai, học khoa Y, và vì vậy có thể có lợi thế hơn tôi khi gặp những câu hỏi về môn khoa học đó. Tiếng Anh của cô khá lưu loát, mặc dù cô nói nhỏ đến không ngờ, với trọng âm lướt kiểu người Mỹ. Thế luật chơi cho người nước ngoài thì sao đây?
Thí sinh kế tiếp là một gã đô con, giọng oang oang, người vùng Manchester, mặc đồng phục quân đội màu xanh ô liu, mang giày bốt to nặng, đeo bên hông một ba lô nhỏ màu xanh kiểu Không lực Hoàng gia Anh với biểu tượng của Phong trào Đấu tranh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân viết bằng bút dạ quang, chẳng ăn nhập gì cả. Patrick phỏng vấn anh chàng một cách lịch sự miễn cưỡng, giống như hạ sĩ quan chỉ huy nói với hạ sĩ, và hóa ra đó là Colin Pagett, sinh viên năm ba khoa Chính trị, đến từ Rochdale. Anh chàng đảo mắt quanh phòng, gật đầu chào, sau đó chúng tôi im lặng ngồi chờ và nghịch bút, cả ba ngồi cách xa nhau như định luật hình học cho phép, đợi mươi, mười lăm phút, cho đến khi hoàn toàn chắc rằng không còn người nào xuất hiện nữa. Nàng đâu nhỉ? Nàng đã nói là sẽ ở đây mà. Ngộ ngỡ có gì xảy ra với nàng thì sao?
Cuối cùng, Patrick Phi Hành Gia thở dài, đứng lên từ sau cái bàn và phát biểu, “Được rồi, chúng ta hãy bắt đầu nhé? Tên tôi là Patrick Watts, từ Ashton-Under-Lyme đến, học Kinh tế, tôi là đội trưởng của đội Thách thức Đại học năm nay”... coi nào, ai đang nói vậy nhỉ?... “Khán giả trung thành của chương trình này có thể nhận ra tôi là thí sinh đã tham gia vòng thi đấu năm ngoái.”
Đúng rồi, chính vì thế mà tôi biết anh ta. Tôi nhớ đã xem cái tập quan trọng đó cực kỳ cẩn thận vì tôi đang điền đơn gửi cho Hội đồng Tuyển sinh Đại học, và tôi muốn biết tiêu chuẩn như thế nào. Tôi nhớ dạo đó tôi nghĩ họ là một đội khá thảm hại, và Patrick rõ ràng vẫn còn mang nặng vết thương lòng, vì anh ta nhìn xuống sàn, khuôn mặt tỏ vẻ hổ thẹn khi nhắc đến việc đó. “Rõ ràng, đó không phải là một màn trình diễn hoàn mỹ” - họ bị đánh bại hoàn toàn ngay từ vòng đầu, nếu tôi nhớ không lầm, trước một đối thủ cũng nhẹ ký - “nhưng chúng tôi rất hy vọng vào cơ hội năm nay, đặc biệt với quá nhiều... đầu vào... đầy hứa hẹn.”
Cả ba đưa mắt nhìn quanh phòng, nhìn nhau, và nhìn dãy bàn trống trơn.
“Thôi được rồi! Thế thì, không chần chừ gì nữa, các bạn hãy vượt qua bài kiểm tra này nào. Bài thi viết, bốn mươi câu hỏi, bao gồm nhiều chủ đề đa dạng, tương tự như những chủ đề chúng ta sẽ phải gặp trong cuộc thi. Năm ngoái chúng ta đặc biệt yếu về lĩnh vực khoa học” - anh ta nhìn vào tôi - “và tôi muốn chắc rằng lần này chúng ta không quá thiên về nghệ thuật...”
“Và một nhóm gồm bốn người, đúng thế không?” gã người Manchester nói to.
“Đúng vậy.”
“Nếu thế thì chắc rồi... chúng ta là một đội.”
“À, đúng vậy, nhưng cần đảm bảo là chúng ta đạt đến một chuẩn mực tương xứng.”
Nhưng Colin không chịu để yên. “Tại sao?”
“Thì, nếu chúng ta không đạt đến mức đó... chúng ta sẽ lại thua.”
“Sao nữa?”
“À, nếu chúng ta lại thua... nếu chúng ta lại thua...” và miệng Patrick giờ đây không sao diễn đạt nên lời nữa, cứ mở ra khép lại giống hệt con cá thu đang hấp hối. Anh ta cũng mang khuôn mặt y như vậy trên đài truyền hình quốc gia năm ngoái, khi cố gắng rồi bị thất bại khi trả lời một câu hỏi hoàn toàn đơn giản về các hồ nước ở Đông Phi: cũng cái nhìn kinh hãi ấy, trong khi mọi thành viên khác trong nhóm đều biết câu trả lời, sẵn sàng trả lời thay anh ta; hồ Tanganyika, Tanganyika, đồ đần.
Ngay lúc đó anh ta bị phân tâm bởi tiếng động ở cửa - một lô những khuôn mặt con gái đang cười toe toét ép lên cửa kính, một tràng cười đang cố kìm lại, một vụ xô đẩy, và nàng bị những bàn tay vô hình đẩy vào phòng, rồi nàng chỉ đứng chết trân ở đó, cười khúc khích, cố gắng lấy lại bình tĩnh, nhìn xung quanh căn phòng và nhìn bốn người chúng tôi.
Tôi thề, trong khoảnh khắc đó tôi nghĩ mọi người sắp sửa đứng lên hết.
“Ối! Xin lỗi mọi người nhé!”
Nàng nói hơi lắp bắp, chân nàng dường như hơi loạng choạng. Nàng không nghĩ sẽ làm bài thi trong tình trạng say xỉn thế này chứ?
“Xin lỗi, em có đến trễ lắm không?”
Patrick lấy tay vuốt mái tóc phi hành gia, liếʍ môi và trả lời, “Hoàn toàn không. Vui vì em đã tham gia... em...?”
“Alice. Alice Harbinson.”
Alice. Alice. Dĩ nhiên, nàng là Alice. Nàng còn có thể là ai khác chứ?
“Được rồi, Alice. Nào... ổn định chỗ ngồi đi...” Và nàng nhìn quanh, cười với tôi, rồi bước đến ngồi ở ngay bàn sau tôi.
***
Mấy câu hỏi khởi động khá dễ; về hình học cơ bản và một vài câu về các thành viên Hoàng gia Anh thật sự làm chúng tôi thấy nhẹ nhõm, nhưng thật khó tập trung vì Alice đang phát ra tiếng động giống như nghẹt mũi ở bên vai tôi. Tôi quay lại nhìn nàng, và không còn nghi ngờ gì nữa, nàng đang khom người trên đề thi, mặt đỏ bừng, người rung lên vì cố nén cười. Tôi quay lại làm bài tiếp.
Câu hỏi số 4. Istanbul cổ xưa có tên là gì trước khi được gọi là Constantinople?
Dễ ợt. Byzantium.
Câu số 5. Khí heli, neong, argong và xenon là bốn khí thuộc nhóm “khí trơ”. Hai khí còn lại là gì?
Không biết. Hay là kripton và hidro? Kripton và hidro.
Câu số 6. Thành phần chính của nước hoa tỏa ra từ Alice Harbinson là gì, và tại sao mùi thơm đó lại dịu nhẹ quá chừng như vậy?
Một loại đắt tiền, hương hoa dịu nhẹ. Có lẽ là Channel No 5 chăng? Kết hợp với một lượng nhỏ xà bông Pears, và thuốc lá Silk Cut, và rượu nhẹ...
Thôi đủ rồi. Tập trung nào.
Câu số 6. Bà Thatcher nắm ghế nào trong Nghị viện?
Dễ ợt. Tôi biết câu trả lời, nhưng tiếng động lại phát ra. Tôi quay người nhìn và lần này bắt gặp ánh mắt nàng, nàng nhăn mặt, miệng nói “Xin lỗi...” và ra dấu sẽ không làm ồn bằng cách lấy tay đưa ngang miệng giống như đang khóa một cái dây kéo tưởng tượng. Tôi hé miệng mỉm cười khi nghiêng đầu ra sau như muốn nói, này, ôi dào, đừng bận tâm, tớ không thấy phiền gì đâu, rồi quay lại bài thi. Phải tập trung. Tôi thảy một viên Tic-Tac vào miệng và đưa mấy ngón tay lên bóp trán. Tập trung nào, tập trung nào.
Câu số 7. Màu môi của Alice Harbinson có thể miêu tả đúng nhất bằng từ...?
Không chắc nữa, không thấy rõ. Màu gì được nhắc trong bài thơ bốn mươi câu của Shakespeare ấy. Màu hoa hồng Damask hay màu đỏ san hô hay gì đó tương tự như vậy? Có lẽ tôi nên nhìn thêm một cái nữa. Không. Đừng. Đừng nhìn. Chỉ nên tập trung. Thấp đầu xuống.
Câu 8, 9 và 10 cũng xong, nhưng sau đó là một loạt câu hỏi vật lý và toán học vừa khó vừa ngớ ngẩn liên tiếp, và tôi bắt đầu hơi lúng túng, bỏ qua hai hay ba câu mà tôi không hiểu nhưng cố gắng làm một câu về ty thể.
“Suỵt...”
Câu số 15. Năng lượng được giải phóng do sự ôxy hóa các hợp chất của quá trình trao đổi chất qua màng tế bào, được chuyển hóa thành chất ATP[2]...
[2] ATP (adenosine triphosphate): hợp chất hóa hữu cơ - nuclêôtít.
“Suỵttttt...”
Nàng rướn người lên phía trước cái bàn, mắt mở to, cố gắng chuyển cho tôi vật gì đó trong bàn tay nắm chặt. Tôi canh lúc Patrick không để ý, liền đưa tay ra sau, và cảm thấy nàng đang nhét một tờ giấy nháp nhỏ vào bàn tay khum khum của mình. Patrick ngước lên nhìn, tôi liền nhanh nhẹn chuyển sang cử chỉ duỗi tay ra, cánh tay giơ qua đầu, và khi nguy hiểm không còn rình rập, tôi mở tờ giấy ra. Nội dung thư là, “Người lạ thân mến, vẻ đẹp kỳ quái của anh thu hút em. Phải mất bao lâu nữa thì em mới có thể cảm nhận được môi anh áp vào môi em đây?”
Hay, chính xác hơn là, “Này học gạo! Giúp tớ với! Tớ rất NGỐC và lại XỈN mất rồi. Làm ơn cứu tớ khỏi bị bẽ mặt HOÀN TOÀN. Đáp án cho câu 6, 11, 18 và 22 là gì? Câu 4 là Byzantium, đúng chứ? Cám ơn cậu nhé, hồi âm sớm, kẻ đần ngồi sau lưng cậu:X:X:X. Tái bút: Xì tớ với thầy giáo xem, sau nay tớ sẽ cho cậu biết tay.”
Nàng đang yêu cầu tôi chia sẻ kiến thức tổng quát với mình, và nếu đó không phải là hành động mời gọi thì tôi không biết đó là gì nữa. Dĩ nhiên gian lận trong một kỳ thi là một điều tệ hại, và nếu là người nào khác thì còn lâu tôi mới dính vào, nhưng đây là trường hợp ngoại lệ nên tôi mau mắn kiểm tra lại các câu hỏi, sau đó lật mặt sau tờ giấy và viết: “Câu 6 là Finchley, câu 11 có lẽ là ‘Stones of Venice’ của Ruskin, câu 18 có lẽ là thí nghiệm con mèo của Schrodinger, còn câu 22 thì tớ không chắc; Diaghilev chăng? À mà đúng rồi, câu 4 là Byzantium.”
Tôi đọc đi đọc lại nội dung vài lần. Nó quá khô khan nếu so với một lá thư tình, và tôi muốn nói điều gì đó khıêυ khí©h và kí©h thí©ɧ hơn chứ không phải viết “Em đáng yêu quá”, nên tôi nghĩ một hồi, hít một hơi thật sâu, rồi viết: “Mà nè, cậu nợ tớ đấy! Cà phê lần tới nhé? Chúc cậu điều tốt đẹp nhất, Học gạo!”... sau đó trước khi kịp đổi ý, tôi xoay ghế và để lại lời nhắn lên bàn cô ấy.
Câu số 23. Cá voi thuộc phân bộ Mysteciti có một cơ cấu ăn đặc biệt được gọi là...?
Tấm sừng hàm.
Câu số 24. Thể thơ nào của Pháp được Corneille và Racine vận dụng, mỗi câu thơ có 12 âm tiết, phần vần đặt ở âm thứ sáu và âm cuối?
Thể thơ Alexandrine.
Câu số 25. Nhịp tim tăng, đổ mồ hôi lạnh và cảm giác phấn chấn thường là triệu chứng của tình trạng cảm xúc gì?
Thôi nào, cúi đầu xuống, tập trung nào, đây là cuộc thi Thách thức, nhớ chưa hả?
Câu số 25. Khối mười hai mặt có bao nhiêu đỉnh?
À, mười hai mặt, nghĩa là có mười hai mặt phẳng, nghĩa là nếu tách rời nó ra thì có 12 nhân 4, bằng 48, nhưng phải trừ số góc chung thì sẽ là, cái gì, 24 cơ à? Tại sao lại những 24? Vì mỗi đỉnh là chỗ giao nhau của ba mặt phẳng? 48 chia 3 là 16. 16 đỉnh? Không có công thức cho bài toán này ư? Nếu mình vẽ nó ra thì sao nhỉ?
Và khi tôi đang cố gắng vẽ một khối mười hai mặt theo kiểu tách rời kết cấu thì một cục giấy nhỏ được lốp qua đầu tôi và bay lướt trên mặt bàn. Tôi chộp cục banh giấy đó lại trước khi nó rơi khỏi cạnh bàn, mở ra và đọc, “Được thôi. Nhưng phải hứa là không có nhảy nhót gì đâu đấy.”
Tôi mỉm cười với mình, và làm bộ điềm tĩnh bằng cách không quay đầu lại, bởi vì rốt cuộc tôi chính là như vậy, một gã khá điềm tĩnh, và quay lại với việc tách rời kết cấu của khối mười hai mặt.