Chương 37: Hồi thứ ba mươi bảy
Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt vào ra mắt xong, Nhạc Nguyên soái hỏi:
- Dọc đường giải lương gặp trở ngại gì mà mãi đến hôm nay hai tướng mới về?
Hai người đồng thanh nói:
- Chúng tôi có việc riêng xin Nguyên soái thứ tội.
Rồi đem hết việc đuổi hươu, gặp vợ đầu đuôi bẩm lại một hồi, Nhạc Nguyên soái nói:
- Lúc trước ta đã ra lệnh bỏ lệ cấm "lâm trận chiêu thân'' rồi, nay các ngươi làm vậy thì có tội chi đâu. Vậy hai ngươi phải ra mắt với các tướng mới về đầu để gây tình thân mật mới có thể cùng nhau sống chết một lòng trong việc bảo vệ sơn hà xã tắc.
Hai tướng tạ ơn rồi vào ra mắt với Trương Hiến và Đổng Tiên.
Sau đó mọi người ngồi vào bàn tiệc ăn uống vui say mãi đến canh khuya mới đi nghỉ.
Qua hôm sau Nhạc Nguyên soái giao cho hai đạo binh giữ kho rồi đóng cửa dinh trung, kéo đại binh đi đánh Thê Ngô sơn.
Đại binh kéo đến cách núi ấy chừng mười dặm thì an dinh hạ trại. Nhạc Nguyên soái tuyển một đội binh tinh nhuệ đến gần chân núi khiêu chiến.
Quân vào báo, Hà Nguyên Khánh vội mang giáp lên ngựa, xuống núi. Nhạc Nguyên soái trông thấy đối phương đầu đội lãng ngân khôi, mình mang kim tỏa giáp, hai tay cầm hai cái ngân chùy cưỡi ngựa tư phong, oai phong lẫm liệt, tướng mạo đường đường.
Nguyên soái thầm nghĩ:
"Nếu được người này quy thuận thì việc rước Nhị Đế về không khó chi".
Nghĩ đoạn, Nguyên soái lên tiếng hỏi:
- Ngươi có phải Hà Nguyên Khánh đó không?
Hà Nguyên Khánh nói:
- Đúng, còn ngươi có phải là Nhạc Phi không?
Nhạc Phi nói:
- Đã biết danh ta sao chưa hàng đi cho sớm?
Hà Nguyên Khánh đáp:
- Quả thật ngươi là Nhạc Phi sao? Ta có nghe ngươi đánh phá Thái Hồ thu phục Dương Hổ và Dư Hóa Long, ta lấy làm khâm phục nên cũng muốn đầu thuận đã lâu, song vì thủ hạ của ta có hai viên gia tướng không chịu đầu hàng nên ta đành phải ở đây.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Phàm đã làm tướng lại để cho thuộc tướng chuyên chế lại mình thì thân phận làm tướng chẳng hổ lắm sao?
Hà Nguyên Khánh nói:
- Ngươi chưa rõ vậy thôi, vì hai đứa thuộc tướng của ta chẳng phải như kẻ khác đâu. Chúng theo ta từ thuở bé cho đến bây giờ, một bước cũng không lìa nhau nên việc gì cũng phải tâm đầu ý hợp mới thi hành được.
Nhạc Nguyên soái hỏi:
- Hai tên thuộc tướng của ngươi ra thế nào? Hãy gọi chúng nó ra đây cho ta khuyến dụ, may ra có được chăng?
Hà Nguyên Khánh nói:
- Hai tên thuộc tướng của ta có sức mạnh, muôn người khó địch, e chúng nó không chịu nghe đâu.
Nguyên soái nói:
- Hãy cứ việc gọi chúng nó ra đây.
Hà Nguyên Khánh nói:
- Được lắm, nhưng ngươi có thấy nó, đừng sợ nhé?
Nhạc Nguyên soái nghe nói lấy làm lạ:
- Việc chi mà sợ?
Nhạc Nguyên soái nói vừa dứt lời, Hà Nguyên Khánh liền giơ hai trái ngân trùy lên cao và nói:
- Cặp ngân chùy này là hai viên thuộc tướng của ta đây, ngươi hãy hỏi thử chúng nó xem có chịu quy hàng không?
Nhạc Nguyên soái giận căm gan, lớn tiếng mắng:
- Loài thất phu, chớ có khoe tài, ngay đến trăm ngàn quân Phiên kia mà nghe đến danh ta là cắm đầu bỏ chạy, huống chi ngươi dù sao cũng chỉ là loài thảo khấu, bởi ta thấy ngươi cũng một tay anh hùng hảo hán nên muốn khuyên ngươi đi theo con đường chính nghĩa, chớ nên làm phản tặc hư danh. Vì vậy ta cố lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên bảo, ngờ đâu ngươi lại đám cả gan khua môi múa mỏ với ta. Hãy xem cây thương của ta đây.
Vừa nói vừa vung thương đâm tới, Hà Nguyên
Khánh vội múa chùy đỡ ra rồi nói:
- Nhạc Phi chớ khoe giỏi, nếu như ngươi thắng được ta thì ta đầu hàng ngươi, bằng không thì ta e cặp chùy của ta nó có thể vô tình chạm nhầm quý thể; khi đó thì tính mạng khó mà bảo toàn.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Hà Nguyên Khánh, đừng tự phụ, ngươi dám đánh với ta cho đủ trăm hiệp không?
Nhạc Nguyên soái vung thương đâm tới bằng thế tối độc, nhưng Hà Nguyên Khánh cũng không vừa. Thương đâm qua, chùy đỡ lại, chùy đánh thương ngăn. Hai tướng mạnh như hai con hùm dữ, nhanh như én liệng vườn xuân. Một đàng như kỳ lân xuất thế, một đàng giống sư tử gặp mồi ngon.
Quả thật anh hùng lại gặp anh hùng, người giỏi gặp kẻ tài. Hai tướng đánh nhau mãi đến giờ Mùi không phân thắng bại.
Hà Nguyên Khánh đưa hai quả chùy tréo nhau gài thương Nhạc Nguyên soái và nói:
- Bây giờ cũng đã sắp gần tối rồi, xin để mai giao chiến tiếp.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Cũng được, ta bằng lòng cho ngươi sống thêm đêm nữa, ngày mai phải đến sớm chịu chết.
Rồi cả hai liền gióng trống thu quân.
Khi Hà Nguyên Khánh về núi lại lén truyền mật lệnh.
- Ba quân hãy nghe lời ta chuẩn bị sẵn sàng đêm nay xuống núi đi cướp dinh Tống.
Nhạc Nguyên soái về đến dinh cũng tập hợp chư tướng lại nói:
- Ta xem Hà Nguyên Khánh đánh với ta đang hăng mà bỗng dưng hắn lại xin thu binh thì thế nào đêm nay hắn cũng kéo quân đến đây cướp trại ta. Thang đệ hãy dẫn bộ binh ra phía trước cửa đại dinh của ta mà đào hầm cho sẵn rồi để vỉ trải lớp đất mỏng lên nghi trang cho khéo léo, còn Trương Hiến và Mạnh Bang Kiệt thì dẫn binh mặc đồ đen tay cầm câu móc phục hai bên. Nếu bắt được Hà Nguyên Khánh chớ nên hại nó, nếu ai trái lệnh thì ta chiếu theo quân pháp mà xử.
Ba tướng tuân lệnh đi rồi, Nhạc Nguyên soái lại bảo Ngưu Cao và Đổng Tiên dẫn một ngàn binh ra mai phục giữa đường để chặn đường về của Nguyên Khánh và buộc cũng phải bắt sống chớ không được gϊếŧ chết.
Hai tướng đi rồi, Nguyên soái bí mật dời trung quân ra phía sau sắp đặt đâu đó xong xuôi đã sang đầu canh hai.
Quả nhiên khoảng canh hai Hà Nguyên Khánh dẫn một ngàn lâu la toàn mặc đồ đen, người ngậm tăm, ngựa cất lạc lặng lẽ đi xuống núi. Khi gần đến của dinh, Nguyên Khánh ngồi trên ngựa ngó vọng vào thấy trong dinh Tống vắng lặng, trống canh đánh loạn bậy không biết đã đến canh nào, đòn đuốc mập mờ không rõ, Hà Nguyên Khánh lẩm bẩm: "Nếu ta biết sớm dinh trại binh Tống như thế này thì ta bắt Nhạc Phi rồi".
Nói rồi nổ ba tiếng pháo làm hiệu lệnh, đèn đuốc đốt sáng như ban ngày. Hà Nguyên Khánh dẫn đầu, hét lên một tiếng long trời lở đất xông thẳng vào dinh trại. Bỗng bên trong một tiếng pháo nổ vang Hà Nguyên Khánh cảm thấy như đất sụp, cả người lẫn ngựa đều sa hầm.
Bên hữu Trương Hiến, bên tả Mạnh Bang Kiệt đều hô rập lên một tiếng xua quân mai phục xông ra. Nào câu liêm nào câu móc bủa xuống hầm kéo Hà Nguyên Khánh lên trói chặt cứng.
Bọn lâu la trông thấy chủ tướng mình bị bắt đua nhau vỡ chạy, lại bị Đổng Tiên và Ngưu Cao chặn giữa đường đón lại quát lớn:
- Chớ để Hà Nguyên Khánh chạy thoát.
- Bao nhiêu lâu la đều quỳ xuống nói:
- Chúa tôi đã bị bắt rồi, xin lão gia tha mạng.
Ngưu Cao nói:
- Vậy thì chúng bay phải theo ta trở lại, nếu muốn chạy về thì để cái đầu lại đây cho ta.
Ngưu Cao và Đổng Tiên dẫn cả bọn lâu la về dinh, chờ cho tới sáng mới vào phục lệnh.
Sáng hôm sau Nhạc Nguyên soái thăng trướng sớm lắm. Sau khi các tướng làm lễ, Trương Hiến và Mạnh Bang Kiệt dẫn Hà Nguyên Khánh vào nạp. Ngưu Cao và Đổng Tiên cũng vào phục lệnh. Còn Hà Nguyên Khánh vào đến trước trướng cứ việc đứng hiên ngang không biết sợ hãi gì cả.
Nhạc Nguyên soái mỉm cười nói;
- Đã là đại trượng phu một lời nói ra nên nhớ, vậy tướng quân nên quy thuận Tống triều cho rồi.
Hà Nguyên Khánh nói:
- ấy cũng bởi tại ta nghĩ cạn nên mới trúng lầm gian kế, nếu cần ngươi cứ việc gϊếŧ ta đi chứ ta không đầu hàng đâu.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Việc gϊếŧ chết ngươi trong hoàn cảnh này có khó chi đâu. Nhưng ta muốn vạch cho ngươi con đường sáng kẻo uổng đấng anh hùng đó thôi.
Hà Nguyên Khánh nói:
-Nhưng ta chưa phục thì ta không thể hàng được.
Nhạc Nguyên soái suy nghĩ giây lâu, rồi nói:
- Thôi được, ta sẽ cho ngươi toại chí.
Nói rồi truyền quân mở trói ra, đồng thời trả ngựa, đồ binh khí cùng số lâu la cho Hà Nguyên Khánh và nói:
- Tướng quân cứ tự tiện ra về, điểm lại binh mã rồi sẽ xuống đánh nữa với ta.
Hà Nguyên Khánh dẫn lâu la trở về núi Thê Ngô trong lòng tức giận nói:
- Không dè ta trúng nhằm gian kế làm cho chúng nó cười ta, nay ta biết lo kế chi bắt cho được Nhạc Phi để rửa cái hận này cho được?
Hôm sau Nhạc Nguyên soái gọi Trương Dụng vào dinh hỏi:
- Núi Thê Ngô sơn này còn có đường nào đến đó được nữa không?
Trương Dụng đáp:
- Phía sau núi này cũng có một con đường nhỏ có thể đi thông lên đó được, nhưng đường đi có một cái khe nước, tuy không sâu mấy song gập ghềnh khó đi lắm.
Nhạc Nguyên soái nó:
- Nếu có đường thì kế ta sẽ thành công rồi.
Liền sai Trương Dụng, Trương Hiến, Đào Tấn, Giả Tuấn, Vương Tín và Vương Nghĩa dẫn bộ bịnh ba nghìn, mỗi người đều sắm một cái bao đựng đấy cát, trong mình lại bọc thuốc cháy theo, chờ đến canh hai đem bỏ cát xuống lấp khe lại xua quân qua tuốt lên phía sau núi đánh thẳng vào trại rồi nổi lửa làm hiệu.
Sáu tướng nhận lệnh đi ngay. Nhạc Nguyên soái lại viết một cẩm ngang, đoạn gọi Trương Hổ và Nguyễn Lương vào trướng dặn dò:
- Cứ theo trong thư ấy mà làm, việc quá cơ mật không thể nói bằng miệng được.
Hai tướng nhận lệnh ra đi, Nhạc Nguyên soái lại gọi Cảnh Minh Sơ, Cảnh Minh Đạt vào trướng rồi cũng giao cho một bức nữa và dặn xem theo kế trong giấy mà làm theo.
Nhạc Nguyên soái xếp đặt vừa xong, thì có quân vào báo:
- Hà Nguyên Khánh đang ở trước dinh khiêu chiến.
Nhạc Nguyên soái liền dẫn chư tướng phát pháo xuất quân. Hai bên giáp trận, Nhạc Nguyên soái bèn gọi:
- Hà tướng quân, hôm nay ta phải quyết một trận cho biết tài cao thấp chứ?
Hà Nguyên Khánh nói:
- Ta cũng quyết liều với ngươi một trận để rửa hờn.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Trong cuộc giao chiến với ngươi hôm nay ta hứa rằng nếu ta cho một đứa tiểu tốt vào trợ lực thì ta không phải là kẻ hảo hán. Hãy giục ngựa lại đây.
Hà Nguyên Khánh liền xốc tới vung chùy đánh mạnh, Nhạc Nguyên soái cũng vung thương đón đánh.
Cặp ngân chùy của Nguyên Khánh che đầu đỡ cổ như một bức tường thành kiên cố, nhảy qua tránh lại nhanh không thể tưởng tượng được, chốc chốc lại giáng xuống nhiều quả chùy như sét bổ. Còn Nhạc Nguyên soái cây lịch tuyền thương, hữu đâm tả đỡ như phượng múa rồng bay. Hai tướng đánh nhau cho đến tối mà vẫn không thấy hơn thua. Nhạc Nguyên soái lấy thương hất cặp chùy ra và nói:
- Hà tướng quân, trời đã tối rồi, nếu ngươi muốn đánh nữa hãy truyền quân đốt đèn đánh tới sáng, bằng mệt mỏi hãy về an dưỡng tinh thần ngày mai sẽ đánh.
Hà Nguyên Khánh cả giận nói:
- Nhạc Phi, chớ tự phụ! Ta quyết đánh với ngươi cho đủ ba đêm ba ngày.
Nói rồi hai bên đều sai quân đốt đèn lên đánh tiếp cho đến canh ba, bỗng nghe trên núi Thê Ngô có tiếng quân la ó om sòm, lửa chảy chất ngọn lên lưng trời. Nhạc Nguyên soái nhảy ra ngoài kêu Hà Nguyên Khánh bảo:
- Trên núi ngươi, lửa dậy kia kìa, hay lo về dập lửa cho mau.
Hà Nguyên Khánh nhìn lên sơn trại thì quả nhiên trên núi lửa cháy rần rần, tiếng quân reo dậy đất, trong lòng thất kinh. Rồi một bọn Tống tướng nói:
- Sao Nguyên soái không thừa cơ hội này mà bắt quách hắn cho rồi?
Nhạc Nguyên soái nói:
- Không nên cứ để cho Hà tướng quân về chữa lửa.
Rồi quay lại nói với Hà Nguyên Khánh:
- Hà tướng quân hãy về đi cho mau.
Hà Nguyên Khánh liền quay ngựa chạy về núi, nhưng chạy không được bao xa bỗng thấy lâu la trên núi hớt hải chạy xuống báo:
- Nguy to rồi Đại vương ơi! Trương Dụng nó dẫn binh đi phía sau núi đánh vào cướp trại rồi nổi lửa đốt bốn phía, chúng tôi ngăn cản không lại phải bỏ chạy xuống đây, xin Đại vương liệu định.
Hà Nguyên Khánh biến sắc mặt, nghiến răng mắng:
- Trương Dụng quả là đứa súc sinh, ta có thù oán chi với hắn mà hắn cướp sơn trại của ta?
Bọn đầu mục nói:
- Bây giờ sơn trại đã mất rồi, phía sau lại có quân Nhạc Phi đuổi riết thật nguy cấp, chi bằng trở về Nhữ Nam tâu với Đại vương rồi cử hết binh trong tay đem đến đây báo thù chắc là hay hơn hết.
Hà Nguyên Khánh đáp.
- Nói như vậy là chí lý.
Liền dẫn hết bọn lâu la nhắm Nhữ Nam đại lộ chạy thẳng. Chạy đến khi trời sáng ra bỗng Hà Nguyên Khánh la lên:
- Nguy tai! Chắc ta phải chết tại đây rồi. Không biết cái cầu này ai phá sập mất như vậy, phần thì thuyền bè không có, làm sao qua được?
Trong lúc nguy cấp, bỗng nghe tiếng pháo nổ vang, một đội thuyền nhỏ xông ra, đao thương sáng ngời, phía trước mũi thuyền có Dương Hổ và Nguyễn Lương cầm đầu kêu lớn:
- Hà tướng quân, tôi vâng lệnh Nhạc Nguyên soái ở đây đã lâu rồi, xin tướng quân xuống thuyền theo tôi để cùng đồng tâm hiệp lực bảo vệ giang sơn nhà Tống.
Bọn lâu la thấy thế kinh hồn lạc phách, còn Hà Nguyên Khánh thì quay ngựa chạy dài theo mé sông.
Khi chạy đến Bạch Giang khẩu thì phía trước là nước mênh mông không thấy thuyền bè chi hết, phía sau quân Tống đuổi theo đã gần đến.
Hà Nguyên Khánh lẩm bẩm:
- Qua sông không được lại không còn đường nào để rẽ chạy, chi bằng trở lại đánh với Nhạc Phi một trận liều sinh tử cho xong.
Bỗng nghe lâu la reo lên:
- Bên phía rạch nhỏ có hai chiếc thuyền câu kia kìa.
Hà Nguyên Khánh liền giục ngựa chạy tới, kêu:
- Ông chài ôi! Hãy đến cứu ta cho mau, ta là Hà Nguyên Khánh làm Nguyên soái tại Thê Ngô sơn, ngươi đưa ta qua sông ta sẽ đền ơn nhiều vàng bạc.
Lão chài nghe kêu vội chống thuyền ra khỏi rạch, lại giơ tay ngoắc chiếc thuyền kia, gọi lởn:
- Em ơi, hãy đem thuyền lại đây đón Hà lão gia.
Hai chiếc thuyền chèo vào bến một lượt rồi kêu:
- Hà lão gia hãy xuống thuyền cho mau!
Hà Nguyên Khánh nói:
- Thuyền ngươi nhỏ quá, làm sao chở con ngựa được?
Lão chài nói:
- Đến nước này mà lão gia còn kể đến ngựa được sao. Lão gia to lớn thế kia thì hãy xuống thuyền tôi, còn hai trái chùy nặng kia phải bỏ vào thuyền em tôi cho nó chở, chứ qua sông qua nước đâu có dễ gì?
Cực chẳng đã Hà Nguyên Khánh phải bỏ ngựa rồi xuống thuyền, còn hai trái ngân trùy thì bỏ qua thuyền kia, hai chiếc thuyền vừa chống ra khỏi bờ thì Nhạc Nguyên soái theo vừa kịp, bao nhiêu lâu la và đầu mục đều quỳ xuống xin hàng. Hà Nguyên Khánh thấy thế lấy làm xót xa nghĩ thầm:
"May vì số ta chưa hết nên mới gặp hai ông chài này cứu vãn duy có con ngựa để cho chúng bắt thật uổng quá".
Hà Nguyên Khánh thoáng thấy vội kêu ông chài hỏi:
- Sao em của ngươi nó lại chèo thuyền trở lại?
Ông chài nói:
- Ối thôi không xong rồi, em tôi là tay cờ bạc, chắc nó thấy hai trái chùy của lão gia đúc bằng bạc quý giá nên sinh lòng bất lương muốn đem đi bán đấy.
Hà Nguyên Khánh nói:
- Hãy gọi nó lại đây cho mau, ta sẽ thưởng nhiều tiền bạc.
Ông chài nói:
- Lão gia nói sai rồi, của sẵn trước mặt không lấy lại còn tìm đâu xa?
Hà Nguyên Khánh lại nói:
- Thế thì ngươi cũng đồng mưu với nó chứ gì?
Ông chài lại nói:
- Nói như thế lại càng sai nữa, ta nói thật cho ngươi biết ta đây không phải ông chài ông lưới gì cả, mà chính là Đô Thống Cảnh Minh Sơ và em ta kia là Cảnh Minh Đạt vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đến đây bắt người. Hà Nguyên Khánh nghe nói tái mặt liền đứng phắt dậy cố dùng quả đấm hạ sát Cảnh Minh Sơ, nhưng chưa kịp trở tay Cảnh Minh Sơ đã nhảy ùm xuống nước.
Anh em họ Cảnh xuống nước như hổ về rừng, như rồng ra biển, còn Hà Nguyên Khánh mà xuống nước dù có mạnh đến đâu cũng kể như vô dụng.
Chỉ trong chớp mắt, Cảnh Minh Sơ đã lật úp chiếc thuyền ôm chặt Hà Nguyên Khánh đem vào bờ trói lại nạp cho Nhạc Nguyên soái.
Nhạc Nguyên soái vừa trông thấy, vội bước xuống ngựa mở trói cho Hà Nguyên Khánh và nói:
- Thật ta có lỗi với tướng quân lắm, chẳng biết hôm nay tướng quân đã bằng lòng chưa?
Hà Nguyên Khánh nói:
- Ấy cũng là quỷ kế chứ tài giỏi gì mà khoe, có gϊếŧ ta thì gϊếŧ phắt đi, ta không phục đâu.
Nhạc Nguyên soái nói.
- Vậy thì ta trả chùy và ngựa cho ngươi. Hãy về đi rồi kiểm binh mã đến đây đánh tiếp với ta.
Hà Nguyên Khánh không nói năng gì cả, cứ việc xách chùy lên ngựa ra đi.
Chư tướng thấy vậy thắc mắc, hỏi:
- Đã hai phen Nguyên soái không chịu gϊếŧ Hà Nguyên Khánh là nghĩa gì?
Nhạc Nguyên soái nói:
- Chư đệ chưa rõ, xưa Gia Cát bảy lần bắt, bảy lần tha Mạnh Hoạch mà rồi Nam man chẳng dám phản nữa. Nay bổn soái chẳng gϊếŧ Hà Nguyên Khánh là muốn cho hắn một lòng thần phục đến đầu hàng ta.
Nói đến đây Nguyên soái quay lại nói với Thang Hoài:
- Bây giờ Thang đệ hãy nghe lời ta làm như vậy... như vậy
Thang Hoài vâng lệnh đi ngay.
Khi Hà Nguyên Khánh ra đến Bách Giang khẩu không thấy thuyền bè gì cả không làm sao qua sông được, phần thì trong lòng vừa xấu hổ, vừa buồn bực.
Hà Nguyên Khánh nghĩ thầm:
"Chính Tào Thành cũng không phải đối thủ của Nhạc Phi, nay ta phải xin đi đầu xứ nào đây? Thôi, hãy tự vẫn cho xong." Bỗng thấy một tướng quân xuất hiện nói:
- Hà Tướng quân chớ làm vậy! Nhạc Nguyên soái lòng mến Hà tướng quân nên sai chúng tôi theo hộ vệ tướng quân, vậy xin tướng quân hãy đợi tôi đi tìm thuyền đưa tướng quân qua sông.
Thang Hoài còn đang nói chuyện lại thấy Ngưu Cao dẫn mấy đứa tùy tùng mang thức ăn đến và nói:
- Tôi vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đem thức ăn đến cho Hà tướng quân, vì biết Hà tướng quân khó nhọc cả đêm e đói khát chăng.
Vừa nói vừa bưng mâm rượu thịt để trước mặt Hà Nguyên Khánh rồi đứng sang một bên.
Hà Nguyên Khánh thấy vậy hai dòng nước mắt chảy ròng nói:
- Tội tôi đáng chết nhưng đã hai phen Nhạc Nguyên soái không gϊếŧ, lại lo lắng cho tôi như vậy, nay tôi tình nguyện quy hàng.
Nói rồi liền theo Thang Hoài và Ngưu Cao đến ra mắt Nhạc Nguyên soái nói:
- Tôi quả là kẻ có tội, nến Nguyên soái sẵn lòng dung thứ tôi xin quy hàng.
Nhạc Nguyên soái vội vàng xuống ngựa đỡ Hà Nguyên Khánh dậy mà nói:
- Tướng quân không nên nói vậy. Hễ là tôi hiền thì phải chọn chúa mà thờ. Chúng ta đều là đại trượng phu, hơn nữa, lúc này là lúc lập công danh, tướng quân về đây với mục đích là hiệp với ta phò giang sơn nhà Tống để đón Nhị Đế về triều. Được như vậy danh tiếng của tướng quân sẽ được ghi trong sử xanh.
Nói rồi gọi kẻ tả hữu đem y giáp ra cho Hà Nguyên Khánh thay, rồi dẫn quân về Trà Lang quan an binh, lại sai bọn lâu la Thê Ngô sơn mới đầu hàng thay đổi y phục quân Tống và giao cho Hà Nguyên Khánh nhận lãnh.
Sau đó bày tiệc ăn uống và kết nghĩa anh em, một mặt dâng biểu về triều báo tin vui. Nguyên soái còn sai người đi thám thính tin tức Tào Thành.
Binh Tống nghỉ được vài ngày bỗng có chỉ của vua đến. Nhạc Nguyên soái mở cửa ra tận bên ngoài rước thánh chỉ vào mở ra xem mới hay tại Hồ Quảng Động Đình hồ có quân thủy khấu là Dương Ma tàn ác, nhiễu hại dân lành nên vua đòi Nguyên soái Nhạc Phi phải đem đại binh qua đó tiễu trừ.
Nhạc Nguyên soái vừa mới tiễn khâm sai ra về bỗng thấy quân thám tử về báo:
- Tào Thành và Tào Lượng đã bỏ Nhữ Nam dẫn binh trốn mất hết rồi, không biết đi đâu.
Nhạc Nguyên soái hỏi Hà Nguyên Khánh:
- Tướng quân có biết hai anh em họ Tào đi trốn đâu không?
Hà Nguyên Khánh đáp:
- Anh em họ Tào không có can đảm nên nghe tôi đầu Nguyên soái rồi, chúng liệu thế không xong nên mới bỏ trốn trước, chúng nó bà con rất nhiều ở Tương Hồ và Dự Trực, thế nào cũng qua đó chiếm sơn trại làm giặc.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Thế thì cũng không đáng lo Tào Thành cho lắm.
Nói rồi truyền ba quân nhổ trại kéo qua Hồ Quảng.
Cách vài hôm sau, đại binh đi đến Bàng Châu có quan Tổng binh trấn thủ tại châu ấy dẫn hết quan viên ra thành nghênh tiếp. Nhạc Nguyên soái dẫn quân vào thành ngồi giữa phủ đường nói với quan Tổng binh:
- Ngài có biết Dương Ma ở đâu không?
Quan Tổng binh đáp:
- Dương Ma cả ngày ở ngoài thành đốt phá cướp giật của dân chúng, nhưng khi hắn hay tin đại binh Nguyên soái gần đến liền bỏ trốn đi đâu mất hết đã hai hôm nay rồi.
Nhạc Nguyên soái bèn truyền an dinh hạ trại và sai người đi thám thính tin tức Dương Ma.
Bọn Ngột Truật hay được tin Nhạc Phi đã kéo đại binh qua đóng tại Bàng Châu để chinh phục thủy khấu, hắn lập tức cùng quân sư Hấp Mê Xi nghị kế.
- Nay Nhạc Nam man đã đem binh đi dẹp giặc đường xa rồi, chúng ta phải nhân cơ hội này đi đánh lấy Kim Lăng mới được.
Hấp Mê Xi nói:
- Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Bây giờ chúa công hãy mời thái tử lãnh binh mười vạn đi đánh Hồ Quảng.
Ngột Truật lấy làm lạ, hỏi:
- Nhạc Nam man ở Hồ Quảng, sao lại sai thái tử qua đó làm gì?
Hấp Mê Xi nói:
- Thái tử qua đó đừng đánh với nó làm gì, hễ nó giữ đông thì ta đánh tây, mà giữ nam thì ta đánh bắc, làm như vậy tức là cầm chân Nhạc Phi không cho hắn dời khỏi Hồ Quảng. Một mặt Chúa công sẽ sai nhị Hoàng tử lãnh mười vạn binh đi lấy Giang Tây làm cho bốn phương tám hướng cứu nhau không kịp. Lúc bấy giờ Chúa công sẽ cử đại binh đi lấy Kim Lăng, chắc chắn là thành công, không biết chúa công nghĩ sao?
Ngột Truật nghe nói khen hay rồi triệu mời Thái tử và hai vị hoàng tử vào phát cho mỗi người một vạn quân, ai đi đường nấy, còn bản thân Ngột Truật dẫn hai mươi vạn quân, nhắm Kim Lăng thẳng tiến.
Lúc bấy giờ Tông Lưu Thú đang bảo vệ Kim Lăng, đã nhiều phen dâng biểu xin Khương Vương dời đô về Biện Kinh để lo khôi phục Tống Triều, ngặt vì Khương Lương không chịu nghe theo. Nay có tin Ngột Truật dẫn năm đạo quân tiến đánh Kim Lăng còn Nhạc Phi thì mắc phải lo dẹp giặc Hồ Quảng. Tông Lưu Thú trong lòng lo lắng quá đến nỗi bệnh cũ trở lại, hộc máu qua đời.
Lúc Ngột Truật kéo quân đến Trường Giang cho quân đi tìm thuyền khắp nơi tập trung về để đưa quân qua sông. Lúc ấy Trường Giang Tổng binh là Đỗ Sung thấy Ngột Truật binh thế rất mạnh liền than thầm:
- "Nay Tông Lưu Thú đã chết, Nhạc Nguyên soái thì mắc lo ở Hồ Quảng, trong triều chỉ còn bọn nịnh thần đánh sao lại Ngột Truật. Hơn nữa, Ngột Truật có tuyên bố rằng, hễ tôi nhà Tống mà đầu hàng thì phong vương vị vì thế ta nên dâng phắt cái thành này để được hưởng cuộc sống giàu sang".
Nghĩ rồi sai quân dựng cờ hàng lên trên thành, rồi bơi chiếc thuyền con đến ra mắt Ngột Truật, nói:
- Tôi là Trường Giang Tổng binh họ Đỗ tên Sung đến dâng Trường Giang và nghênh tiếp Chúa công qua sông.
Ngột Truật mừng rỡ tiếp đãi tử tế và phong Đỗ Sung làm Tiền Giang Vương. Đỗ Sung tạ ơn và nói:
- Con tôi là Đỗ Kiệt làm chức Tổng binh ở tại Kim Lăng đang giữ cửa Phụng Đài. Chúa công đốn đó hãy kêu nó mở cửa rước Chúa công vào thành không cần phải đánh cho hao binh, tổn tướng.
Ngột Truật nói:
- Thế thì hay biết bao. Vậy thì ngươi hãy bảo con ngươi đầu hàng ta, ta sẽ phong vương vị.
Nói rồi bảo Đỗ Sung làm hướng đạo dẫn đại binh nhằm Phụng Đài môn thẳng tiến.
Nói về vua Cao Tông đang ăn uống với Hà Hương bỗng thấy các quan đại thần chạy vào kêu lên:
- Chúa công ơi! không xong rồi, Đỗ Sung đã dâng Trường Giang cho Ngột Truật lại dẫn giặc đến Phụng Đài môn, con của nó là Đỗ Kiệt đã mở cửa thành rước giặc vào rồi, xin Chúa công hãy chạy cho mau.
Vua Cao Tông hoảng kinh hồn vía không biết nên theo ai, liền chạy theo bọn Lý Can, Vương Uyên, Triệu Đảng, Sa Bỉnh, Điền Trung và Đô Khoan.
Bảy chúa tôi, chạy thẳng ra Thống Tế môn trốn tránh.
Khi Ngột Truật qua khỏi Phụng Đài rồi, không thấy một ai ngăn trở, vội đi thẳng vào đến cửa Nam môn, bước tới Kim giai thấy có một mỹ nhân quỳ đón, nói:
- Phải chi Chúa công đến sớm chừng một giờ thì bắt được Khương Vương rồi, nay Khương Vương cùng bảy đại thần đã trốn khỏi thành chạy đi mất rồi.
Ngột Truật hỏi:
- Ngươi là ai?
Hà Hương đáp:
- Thϊếp chính là con gái của Trương Bang Xương, thứ phi của Khương Vương tên là Hà Hương.
Ngột Truật xoe tròn đôi mắt, quát lớn:
- Nghĩa vợ chồng đứng đầu trong đạo ngũ luân, tại sao mi không có một tý nhân nghĩa, vô liêm sỉ đến thế? Con người phụ bạc như vậy còn để sống làm gì?
Nói rồi vung búa xốc tới chém Hà Hương đứt làm hai đoạn rồi truyền quân gìn giữ Kim Lăng cho mình đi bắt Khương Vương, lại bảo Đỗ Sung đi trước dẫn đường đuổi theo.
Đi đến đâu dân chúng cũng tưởng Đỗ Sung theo bảo giá nên chỉ rõ nẻo chạy của Khương Vương. Vì vậy Đỗ Sung dẫn Ngột Truật đuổi theo Khương Vương gần kịp. Còn chúa tôi Khương Vương đã chạy hết hơi.
Chạy một ngày một đêm mới đến Câu Dung, Lý Can nói:
- Xin Chúa công hãy cởi cái áo long bào, mặc đồ thường vào cho dễ trốn, kẻo Ngột Truật nó biết được tông tích thì nguy.
Khương Vương khen phải, vội thay đổi y phục rồi chạy qua Bình Giang. Khi đốn huyện Hải Điểm có quan huyện Lộ Kim hay tin thánh giá ty nạn đến đó vội ra thành nghênh giá.
Chúa tôi vào đến cổng huyện đường, Vương Uyên hỏi Lộ Kim:
- Nay thánh giá muốn qua Lâm An không biết đường từ 'đây đến đó xa hay gần?
Lộ Kim nói:
- Đường đi tuy không xa lắm, song có quân Kim đóng tại sông Trần Đường, quan Tiết Đạt sứ ấy đã bỏ thành chạy rồi, nếu Thánh thượng qua đó e không có người bảo giá chi bằng ở đây đợi binh cần vương thì hay hơn.
Vương Uyên nói:
- Huyện này hẹp nhỏ ở sao cho tiện?
Lộ Kim nói:
- Tuy ở đây đất hẹp song quân cũng được mấy trăm, nơi đây lại có một người hào kiệt ẩn danh. Nếu Thánh thượng triệu người ấy đến đây cũng đủ ngăn được giặc.
Cao Tông nói:
- Anh hùng hào kiệt nào lại đến ẩn chốn này?
Lộ Kim nói:
- Người ấy là một tay hảo hán trên Lương Sơn Bạc lúc trước, tên Hồ Giêng Chước có sức mạnh địch muôn người, nên tôi nhắm y đủ sức bảo giá.
Vương Uyên nói:
- Hồ Giêng Chước là một trong ngũ hổ tướng, quả thật anh hùng, song người ấy đã già rồi không biết sức lực nay thế nào?
Cao Tông nói:
- Vậy thì khanh hãy đi triệu người ấy đến đây.
Tri huyện lãnh chỉ đi ngay, còn ở trong huyện nha lại lo dọn tiệc ăn uống.
Vương Uyên nói:
- Cứ theo ngu ý thì chúa tôi chúng ta lo chạy đi là hơn, khi nào đến được Hồ Quảng gặp Nhạc Phi thì mới hết lo.
Cao Tông nói:
- Mấy bữa rày trẫm chạy đã mệt mỏi quá, thôi để đợi Hồ Giêng Chước đến đây sẽ thương nghị.
Còn đang bàn luận thì Lộ Kim đã về tâu:
- Bẩm Chúa thượng, Hồ Giêng Chước đã đến.
Cao Tông truyền chỉ dẫn vào, Hồ Giêng Chước vào kiến giá, Cao Tông hỏi:
- Khanh đã dùng cơm chưa?
Hồ Giêng Chước đáp:
- Thần vừa tiếp được thánh chỉ vội đi ngay chưa kịp dùng cơm.
Vua liền sai dọn cơm cho Hồ Giêng Chước, ăn xong, đã nghe quân báo:
- Quân Kim đã đến ngoài thành rồi.
Cao Tông thất kinh, nhưng Hồ Giêng Chước vẫn bình tĩnh, đáp:
- Xin Chúa công hãy leo lên thành mà xem, nên tôi thắng được thì Chúa công ở đây mà đợi quân cần vương, bằng không thắng nổi thì xin Chúa công hãy thừa cơ ra ngoài thành chạy qua Lâm An.
Cao Tông gật đầu rồi dắt bầy tôi lên thành thị sát.
Bỗng thấy Đỗ Sung đứng dưới thành, kêu:
- Tứ Hoàng tử Đại Kim Quốc truyền lệnh cho binh tướng trong thành biết rằng, hễ ai bắt được Khương Vương đem nạp thì được phong tước vương, nếu để đợi ta phá thành rồi dù gà chó cũng không tha, lúc ấy có ăn năn cũng không kịp.
Vừa nói đến đây, bỗng cửa thành mở rộng, một vị lão tướng xông ra quát lớn:
- Tên thất phu kia, ngươi là ai mà dám ép buộc vua ta?
Đỗ Sung nói:
- Ta là Trường Giang Vương đây, còn ngươi là ai?
Hồ Giêng Chước cười khanh khách, nói:
- Té ra mi là thằng gian tặc dâng Trường Giang cho
Ngột Truật đó sao? Đừng chạy đi đâu cả, hãy xem cây roi của ta đây này.
Vừa hét vừa vung roi nhằm ngay đầu Đỗ Sung đánh xuống, Đỗ Sung cũng vung kim đao đón đánh. Hồ Giêng Chước tránh sang một bên nhằm ngay yếu huyệt ngang hông Đỗ Sung đánh trúng một roi ngã nhào xuống ngựa, quân Phiên xem thấy thất kinh bỏ chạy tán loạn. Hồ Giêng Chước không thèm đuổi theo, nhảy xuống ngựa cắt lấy thủ cấp Đỗ Sung đem vào kiến giá.
Cao Tông mừng rỡ khen:
- Khanh thật là thần tướng, nếu trẫm được về kinh thì trẫm sẽ phong quan chức cho rất trọng.
Nói rồi truyền quân sĩ đem thủ cấp Đỗ Sung treo lên làm lệnh.
Còn quân Phiên thua chạy trở lại báo với Ngột Truật:
- Trường Giang vương rượt theo Khương Vương đến một cái thành kia bị một lão già Nam man đánh chết rồi.
Ngột Truật cả giận kéo quân đến thành la lớn:
- Hãy đem Khương Vương ra đây cho mau.
Cao Tông đứng trên thành trông thấy Ngột Truật liền khóc òa lên, chỉ cho Hồ Giêng Chước thấy và nói:
- Ngột Truật là thằng này đây, chính nó đã bắt Nhị Đế về đất Bắc, quả là kẻ thù số một của trẫm đấy.
Hồ Giêng Chước nói:
- Xin chúa thượng chớ bi thương, hãy lo sắm sửa cho sẵn, hễ tôi ra đó mà thua hắn thì chúa công phải thoát ra trước, chạy thẳng qua Hồ Quảng tìm Nhạc Phi, rồi sẽ lo khôi phục lại.
Nói rồi xách roi lên ngựa xông ra, kêu lớn:
- Ngột Truật có ta đến đây, đừng hòng bức chúa ta.
Ngột Truật nhìn viên lão tướng tóc bạc trắng mà gương mặt còn trẻ, tướng mạo đường đường, khí tượng oai phong. Ngột Truất khen thầm, hỏi:
- Lão tướng quân là ai xin nói tên họ cho tôi biết.
Hồ Giêng Chước nói:
- Ta là ngũ hổ thượng tướng nơi Lương Sơn Bạc thuở trước, tên là Hồ Giêng Chước, ngươi hãy lui binh cho mau thì ta dung tính mạng, bằng chống lại thì chết không kịp ngáp.
Ngột Truật nói:
- Ta cũng từng nghe nói danh Lương Sơn Bạc từ lâu, nghe nói một trăm linh tám người kết nghĩa anh em xem như ruột thịt, người nào cũng anh hùng oai võ nhưng ta chưa tin, nay thấy tướng quân thì rõ ràng tiếng đồn chẳng sai, ngặt vì lão tướng quân như vậy mà còn bị tôi gian hãm hại, nay ta khuyên lão tướng hãy quy thuận theo ta thì ta phong Vương cho để hưởng giàu sang trong lúc tuổi già.
Hồ Giêng Chước nổi giận, nói:
- Ngày trước ta với Tống Công Minh đi chinh phạt Đại Tiêu, cây roi của ta đây gϊếŧ không biết bao nhiêu tướng giặc. nay mi là thằng mọi Phiên chớ khua môi múa miệng, hãy xem cây roi của ta đây.
Vừa nói vừa vung roi nhắm ngay yếu huyệt của Ngột Truật đánh tới. Ngột Truật vung búa đón đánh, hai tướng đánh nhau hơn ba mươi hiệp. Ngột Truật nghĩ thầm:
- "Lão già này quả thật anh hùng, nếu lão còn trẻ thì chắc chắn ta không thể địch nổi".
Hai người lại tiếp tục đánh thêm mười hiệp nữa, vì Hồ Giêng Chước đã già nên sức đã mòn, mệt thở hổn hển ngăn chống không nổi nữa, liền quay ngựa chạy dài.
Khi Hồ Giêng Chước chạy vừa đến Điếu kiều thì rủi thay cây cầu này lâu năm bị mục nên hai chân trước con ngựa bị lọt xuống khe ván ném lão tướng xuống đất, Ngột Truật nhảy tới chém xả một búa đứt làm hai đoạn.
Chúa tôi đứng trên thành thấy vậy vội vã lên ngựa phóng ra khỏi thành chạy như dông. Còn Ngột Truật chém chết Hồ Giêng Chước rồi gò ngựa lại cất tiếng than:
- Thật ta có lỗi lắm, vì khi người còn trai trẻ ở Lương Sơn trại oai danh lừng lẫy mà nay người đã già rồi ta lại gϊếŧ làm chi? Thôi để khi nào lấy được nhà Tống ra sẽ dựng bia tặng người trung nghĩa.
Than thở rồi truyền quân chôn cất cho tử tế.
Lúc ấy trong thành dân chúng đều phải mở rộng cửa nghênh tiếp Ngột Truật. Ngột Truật vào thành hỏi:
- Khương Vương ở đâu?
Mọi người quỳ xuống, đáp:
- Khương Vương cùng một bọn đại thần chạy ra thành trốn mất rồi.
Ngột Truật liền truyền quân sĩ không được nhiễu hại dân chúng rồi dẫn đại binh nhắm mé sông Tiền Đường rượt theo.
Chạy độ mười dặm, Ngột Truật thấy xa xa có bảy bóng người chạy phía trước. Còn Cao Tông đang chạy bỗng nghe phía sau quân Ngột Truật theo gần kịp, chúa tôi đều kinh hồn hoảng vía, liệu bề hết phương trốn thoát, dầu có mọc cánh cũng khó bay, chỉ còn chờ bó tay chịu trói mà thôi.
Đang lúc nguy cấp, bỗng thấy một chiếc thuyền xăm xăm đi tới. Các quan đại thần đồng thanh kêu:
- Ai ở dưới thuyền hãy ghé vào đây cứu giá.
Dưới thuyền nghe tiếng vội ghé thuyền vào bắc ván lên bờ. Cao Tông và các đại thần vội vàng dắt ngựa xuống thuyền. Trên bờ quân của Ngột Truật đã đuổi sát, dưới thuyền mọi người vội rút ván, thuyền vừa chèo ra khỏi bờ thì Ngột Truật vừa đến.
Ngột Truật gọi lớn:
- Ai điều khiển con thuyền kia, hãy ghé lại đây cho mau, ta trọng thưởng!
Nhưng con thuyền như không thèm đếm xỉa đến tiếp tục chạy thẳng một lèo.