Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Bộ truyện Nhạc Phi nhằm đề cao lòng yêu nước của người dân Trung Hoa, đồng thời cũng bóc trần bộ mặt thật của các triều đại phong kiến thối nát, ươn hèn. Cũng như nhiều bộ sử trung ~ ung Quốc lúc ấy,  …
Xem Thêm

Chương 18: Hồi thứ mười tám
Mấy ngày sau tên gia nhân mang thư trở về bẩm với Tông Trạch.

- Con đi suốt ngày đêm không nghỉ nhưng khi đến Thang Âm huyện trao thư thì được biết Nhạc Phi đang cơn bệnh nặng, anh em xúm xít bên giường săn sóc thuốc men chẳng ai chịu xa Nhạc Phi nên cùng từ chối cả, bất đắc dĩ con phải về đây phục lệnh.

Tông Trạch nghe qua than vắn thở dài hồi lâu và nói:

- Sao Nhạc Phi lâm bệnh trong lúc này? Thế thì trời kia muốn dứt nhà Tống rồi.

Khi Ngột Truật kéo quân đến sông Hoàng Hà an dinh hạ trại xong bèn phi ngựa chạy men theo mé sông để xem địa thế.

Ngột Truật thấy nước sông chảy quá mạnh không thể nào đưa quân qua sông được, cần phải đóng thuyền bè gấp mới có thể tiến quân như ý muốn.

Nghĩ rồi Ngột Truật trở về dinh cho đòi hai nguyên soái là Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ đến bảo:

- Hai ngươi phải lập tức truyền lệnh cho quân sĩ mang tiền qua phủ Hà Giang mua gỗ ván và mọi vật liệu về thuê thợ mộc đến đóng thuyền cho thật nhiều để đưa quân sĩ qua sông, sớm ngày nào hay ngày nấy.

Còn bên dinh Tống hàng ngày Lý Can đều cho binh sĩ đi do thám tình hình bên dinh Phiên xem địch quân động tĩnh thế nào để kịp thời ứng phó. Lý Can được tin quân Phiên canh phòng rất nghiêm ngặt nên sộ quân Phiên dùng thuyền nhỏ sang do thám bèn sai Trương Bảo lãnh vài mươi chiếc thuyền nhỏ chèo dọc theo ven sông để tuần phòng.

Trương Bão tuần tiễu ven sông Hoàng Hà vẫn nghe nói binh Phiên đông lắm, có đến năm sáu mươi vạn nhưng trong lòng nghi hoặc không tin, ngặt vì cứ đi lại bên này sông không thấy tận mắt, Trương Bảo nghĩ thầm:

- Để bữa nào ta lén qua sông đột nhập vào dinh Phiên xem có phải binh lính của chúng đông đảo như lời người ta đồn đại không?

Rồi một hôm trời tối ngửa bàn tay không thấy Trương Bảo dẫn mười mấy đứa thủy thủ xuống một chiếc thuyền con bí mật vượt sông.

Qua đến bờ bên kia Trương Bảo tìm chỗ cây rậm rạp giấu thuyền vào đó rồi nhẹ nhàng nhảy phóc lên bờ.

Thường thường Trương Bảo chỉ dắt trong lưng một cây đoản đao, hôm nay chàng lại xách theo một cây côn sắt to tướng, men theo bờ sông thẳng đến dinh quân Phiên.

Đến nơi vào khoảng canh năm, quân Phiên đang ngủ mê man. Trương Bảo rón rén đến gần nắm cổ một đứa, bụm miệng, cặp nách chạy dông đến chỗ rừng rậm mới vứt xuống để hỏi tin tức. Ngờ đâu sức Trương Bảo quá mạnh, chỉ kẹp sơ một chút mà tên lính Phiên ấy hộc máu chết tự lúc nào rồi!

Trương Bảo lấy làm tức giận, vội chạy trở lại bắt một đứa khác. Tên này bị chộp thình lình hoảng vía toan la lên nhưng chợt thấy đoản đao đã kề bên cổ, hắn cứng lưỡi lại toàn thân run lẩy bẩy.

Trương Bảo khẽ nói:

- Mi hãy đi cùng ta ra ngoài kia ta hỏi chút việc, bằng la lên ta gϊếŧ chết ngay.

Dứt lời Trương Bảo ôm ngang eo tên lính chạy thẳng ra bên rừng vắng vẻ để xuống hỏi:

- Mi hãy cho ta biết trong dinh quân Phiên có bao nhiêu binh mã?

Tên lính Phiên đáp:

- Thưa lão gia, nghe nói độ năm sáu chục vạn.

Trương Bảo lại hỏi:

- Dinh Ngột Truật ở phía nào?

- Thưa lão gia, chúa công tôi an dinh cách đây hơn ba mươi dặm.

- Chỗ mi ở đó là dinh của ai?

- Thưa đó là dinh của một tướng tiên phong tên Hắc Phong Cao.

- Còn dinh của ai ở kế bên?

- Thưa đó là dinh của hai nguyên soái Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ. Hai người này vâng lệnh chúa công đến đó đốc thúc thợ mộc đóng thuyền cho chóng.

Thế là Trương Bảo biết cả những điều muốn biết nên cười gằn nói:

- Ta cám ơn ngươi.

Dứt lời Trương Bảo giáng cho hắn một côn trúng ngay đỉnh đầu bể não chết tươi.

Trương Bảo vung côn sắt chạy xông vào dinh Hắc Phong Cao la hét om sòm, vung côn đánh đập tơi bời khiến quân Phiên đang ngủ không biết đầu đuôi ra sao cả, vừa bàng hoàng đứng dậy đã bị đoản côn vụt chết ngay.

Quân Phiên hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài hết. Trương Bảo rút đoản đao cắt một số đầu quân Phiên cột xung quanh mình rồi chạy thẳng đến mấy trại đóng thuyền gần đó.

Đến đây Trương Bảo thấy thầy thợ đông đảo, kẻ nấu cơm người nấu nước lăng xăng ăn uống để khởi công cho sớm. Chàng nhảy bổ vào, đoàn thợ hoảng kinh đạp nhào trên lò bếp chạy bán sống bán chết. Đứa nhanh chân thoát khỏi, đứa quýnh cẳng phải bỏ mạng.

Trương Bảo đánh gϊếŧ một số thầy thợ, còn bao nhiêu chạy trốn hết. Sẵn có lửa trong bếp chàng nổi lửa đốt hết mấy trại đóng thuyền, ngọn lửa bốc lên cao đỏ rực một vòm trời. Bấy giờ Trương Bảo mới chịu chạy đến chỗ giấu thuyền hối thúc quân lính chèo nhanh sang bên kia sông.

Tướng tiên phong Hắc Phong Cao đang ngon giấc trong trướng bỗng nghe quân sĩ cấp báo, bèn giật mình chỗi dậy nai nịt chỉnh tề cầm binh khí xông ra. Nhưng chẳng thấy giặc đâu cả chỉ thấy quân mình nhớn nhác và một số tử thi nằm ngổn ngang dưới đất.

Hắc Phong Cao giận lắm nhưng không biết làm sao, phải truyền lệnh đem chôn các tử thi ấy.

Nguyên soái Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ vẫn còn đang mê man trong giấc nồng, bỗng nghe quân canh trại đóng thuyền chạy vào phi báo:

- Bẩm soái gia, có một thằng Nam man rất hung tợn, nửa đêm xông vào trại đánh chết thợ mộc rất nhiều, lại phóng hỏa đốt mấy trại đóng thuyền cháy rụi rả rồi, lại nghe nói hắn cũng xông vào dinh tiên phong gϊếŧ rất nhiều quân sĩ, cắt lấy một mớ thủ cấp cột vào lưng dông xuống thuyền chạy qua sông rồi!

Hai tên nguyên soái Long, Hổ vừa nai nịt binh khí vừa hỏi tên quân báo:

- Hắn dẫn quân theo nhiều hay ít? Hắn đi được bao lâu rồi?

Tên quân bẩm:

- Bẩm soái gia, nó qua chỉ có một mình, nó cũng vừa xuống thuyền sang sông chưa lâu lắm đâu.

Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ vội điểm quân kỵ mã chạy bay đến mé sông Hoàng Hà nhưng chẳng thấy tăm hơi gì cả, trời còn tối chỉ thấy sương tỏa mịt mờ, nước chảy như cắt. Hai Phiên soái đứng nhìn ngơ ngác, trong lòng căm giận sục sôi lên nhưng không biết làm sao phải dằn lòng trở về dinh.

Sáng sớm hai tướng Phiên chạy đến chỗ Ngột Truật báo lại những điều xảy ra trong đêm hôm. Ngột Truật lập tức truyền quân sĩ cất lại trại, một mặt sai người qua phủ Hà Giang mộ thêm thợ mộc, mua gỗ ván đem về đóng thuyền gấp.

Trương Bảo làm náo loạn quân Phiên trong đêm hôm nên rất khoái chí. Sáng sớm chàng đem thủ cấp quân Phiên đến báo công với nguyên soái Lý Can.

Lý Can trông thấy giật nẩy người, nạt lớn:

- Sao ngươi dám cả gan trái quân lệnh, một mình qua sông mạo hiểm như vậy? Rủi sơ sẩy bị bắt, ngươi chết đã uổng mạng mà lại mất oai khí của quân ta nữa. Ấy chính là tội vi phạm quân lệnh chớ không phải công cán chi đâu. Nếu lần sau để xảy ra chuyện tương tự ta sẽ không dung đấy.

Trương Bảo cúi đầu làm thinh rồi đi ra ngoài nói lẩm bẩm:

- Không công cán cũng được miễn là gϊếŧ lũ Phiên nô một đêm cũng đủ sướиɠ tay rồi. Thôi bây giờ lo đi làm nhiệm vụ tuần thủ sông Hoàng Hà.

Thời gian trôi qua, nếu chẳng có việc chi khác thường xảy đến thì với tài phòng thủ của Lý Can và Tông Trạch tại bờ sông Hoàng Hà, Ngột Truật không thể nào đưa quân qua sông nổi. Nhưng lòng trời đã định cho giang san nhà Tống phải nghiêng ngửa, sinh linh Trung Nguyên phải chịu một phen binh lửa, khốn khổ tiêu điều nên trong lúc xuân sang mà gió bấc đột nhiên thổi lên cuồn cuộn suốt ngày đêm không ngớt, lạnh lẽo thấu xương.

Quân Phiên là dân miền Bắc nên quen khí lạnh, thế mà đã mặc khôi giáp bằng lông cừu còn run rẩy huống hồ quân Trung Nguyên sống trong xứ ôn đới nay lại gặp phải thời tiết lạnh lẽo lạ thường như vậy làm sao chịu nổi? Vì vậy quân Trung Nguyên bị nứt da, chết cóng rất nhiều.

Suốt ngày đêm gió bấc vẫn thổi vi vu, mưa phùn lắc rắc mây che vần vũ,lạnh đến teo gan héo ruột làm cho nước sông Hoàng Hà đóng băng lại dày trên hai thước.

Ngột Truật ngồi trong ngưu bì trướng thấy khí trời lạnh lẽo khác thường, ước chừng lạnh hơn giữa mùa đông bên Phiên quốc bèn hỏi quân sư:

- Nghe nói khí trời Trung Nguyên ôn hòa lắm, sao nay lại lạnh dữ vậy?

Quân sư Hấp Mê Xi nói:

- Lẽ thường thì phía bắc lạnh lẽo, phía nam ấm áp, hơn nữa từ khi tôi được biết đến giờ chưa từng nghe Trung Nguyên lạnh dữ như thế này. Hay là trời giúp cho chúa côgng đây cũng nên.

Ngột Truật nghe nói lấy làm lạ:

- Trời lạnh thấu xương tại sao quân sư lại bảo là trời giúp? Hấp Mê Xi nói:

- Trong lúc này trời lạnh chừng nào thì tốt chừng ấy. Tôi đã từng xem sử Trung Nguyên có đoạn chép về sự tích Quách Ngạn Oai dấy binh muốn thâu đoạt thiên hạ của Lưu Trí Viên. Khi đại binh kéo đến sông Hoàng Hà không thể qua sông được đột nhiên khí trời lạnh lẽo một cách lạ thường đến nỗi nước sông đóng băng lại. Quách Ngạn Oai nhờ đó xua binh qua sông đánh lấy kinh thành. Biết đâu hôm nay lòng trời chẳng giúp chúa công? Xin chúa công hãy sai quân thăm dò nước sông xem thử thế nào, nếu quả nước đã đóng băng thì phải lập tức xua quân qua, được như vậy thì lấy Biện Lương dễ như trở bàn tay.

Ngột Truật nghe nói lập tức sai quân cưỡi ngựa chạy thẳng ra sông xem thì chỉ một khắc sau quân về báo là nước đã đặc cứng rồi.

Ngột Truật cả mừng vội hạ lệnh cho tướng sĩ lập tức đạp băng vượt qua sông Hoàng Hà, nếu ai trễ nải thì chém đầu.

Năm mươi vạn quân Phiên, tướng nào binh nấy rầm rộ ké nhau vượt sông rất dễ dàng. Lúc ấy quân Tống đang lạnh cóng run lẩy bẩy xúm xít cho ấm, bỗng thấy quân Phiên kéo đến đông như kiến thì kinh hồn hoảng vía, mạnh ai nấy chạy.

Trương Bảo thấy vậy xông vào dinh kề vai cõng Lý Can chạy như bay nhắm Biện Lương thẳng tiến, còn Tông Trạch thấy quân mình đã rã rời nên cũng bỏ dinh chạy thẳng về Biện Kinh.

Dọc đường Tông Trạch gặp Trương Bảo đang cõng Lý Can bèn hợp đoàn cùng về triều bảo tấu.

Ngờ đâu trong lúc lộn xộn, có kẻ đã phi ngựa thẳng về Biện Lương cấp báo rồi, nên khi Lý Can và Tông Trạch mới về đến ngoài thành đã thấy khâm sai đệ chiếu chỉ ra tuyên bố:

- Lý Can và Tông Trạch bỏ Hoàng Hà mà chạy giặc, tội đáng chết, song vì nghĩ công bảo giá nên chỉ cách chức cho trở về quê làm dân, các ấn triện phải nạp cho khâm sai đem về triều phục chỉ.

Hai người cúi đầu lạy tạ thánh chỉ rồi giao ấn triện cho khâm sai đem về triều.

Tông Trạch nói với Lý Can:

- Dầu sao cũng là ơn sâu của thiên tử.

Lý Can cắt ngang nói:

- Ơn huệ gì mà bảo rằng sâu với nông? Ấy chẳng qua là quỷ kế của bọn gian thần, quyết chặt bớt vây cánh của nhà vua. Hôm nay chúng ta nỡ lòng nào ở lại chốn Biện Lương này để chứng kiến cái cảnh bán nước cầu vinh của chúng, nỡ lòng nào nhìn giang san gấm vóc này lọt vào tay rợ Phiên? Thôi chúng ta hãy về quê cho chóng để khỏi chướng tai gai mắt.

Tông Trạch đáp:

- Lời ngài nói chí lý lắm.

Rồi Tông Trạch sai công tử Tông Phương vào thành đem hết gia quyến trở về quê. Lý Can cũng sai Trương Bảo vào thành đem gia quyến ra.

Tông Trạch và Lý Can chia tay rồi ai nấy trở về cố hương.

Lúc ấy vua Khâm Tông nghe tin quân Phiên kéo gần đến thành Biện Lương bèn hạ chỉ cho chư tướng cố thủ thành trì chờ cho kẻ hào kiệt bốn phương dấy binh cần vương đánh lui giặc.

Khi ấy Ngột Truật xua binh qua khỏi sông Hoàng Hà chém gϊếŧ quân Tống không chừa một tên, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông.

Đến lúc quân nhà Tống bị đánh tan tác thì gió bấc cũng vừa im bặt, bầu trời quang đãng như thường, nước sông Hoàng Hà lại chảy cuồn cuộn như xưa. Thật quả nhiên là trời giúp Ngột Truật vậy.

Ngột Truật quay nhìn sang bên kia sông thấy còn mấy đạo quân chưa kịp qua sông, liền sai lấy hết thuyền bè sang chở qua hết. Đoạn truyền lệnh cho Mã Đề Đốc, nguyên soái Hắc Phong Cao lãnh năm ngàn binh đi tiên phong, nguyên soái Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ cũng lãnh năm ngàn quân kéo xốc tới Biện Kinh, cách thành chừng hai mươi dặm mới an dinh hạ trại.

Quân thám tử thấy thế chạy về phi báo, vua Khâm Tông liền triệu hết văn võ bá quan phán hỏi:

- Nay binh Ngột Truật đã qua khỏi Hoàng Hà kéo đến kinh thành, các khanh có cach gì làm cho chúng lui binh?

Trương Bang Xương quỳ tâu:

- Hạ thần đã truyền hịch khắp các nẻo cần vương để mang binh đến đánh với Ngột Truật, chẳng ngờ Lý Can bất tài để cho Ngột Truật qua sông quá gấp. Bây giờ chúng đã đến kinh thành rồi xin chúa thượng phải sắm lễ vật cho nhiều để cầu hòa. Chờ cho chúng rút binh qua khỏi Hoàng Hà, chúa thượng sẽ điều động binh mã các nẻo về chận đánh cho một trận tơi bời. Chúa thượng sẽ khôi phục lại Trung Nguyên chẳng khó chi.

Khâm Tông nói:

- Từ xưa đến nay đã có ông vua nào cầu hòa như vậy không?

Bang Xương đáp:

- Ngày xưa Hán gả Chiêu Quân, Đường dâng công chúa, nay chẳng qua bệ hạ chỉ ngộ biến tòng quyền, cứu cấp cho qua thời gian ngắn thế thôi. Vậy bệ hạ hãy nghe theo hạ thần dâng cho chúng vàng ròng một xe, gấm vóc ngàn cây, mỹ nữ năm chục ả, ca đồng năm chục đứa, trâu, heo, dê, rượu các loại đừng thiếu sót. Nhưng ngặt một nỗi chẳng biết có vị trung thần nào chịu đi cầu hòa cho bệ hạ không?

Khâm Tông vội nhìn hai bên văn võ bá quan hỏi:

- Có ai dám mang lễ vật sang dinh Phiên không?

Vua hỏi luôn mấy lần vẫn không thấy ai lên tiếng, Trương Bang Xương lại tâu:

- Hạ thần tuy bất tài song cũng xin đi thử một phen xem sao.

Khâm Tông mừng rỡ nói:

- Thái sư đã hết lòng với triều đình thật xứng đáng bậc trung thần.

Nói rồi truyền chỉ sắm lễ vật giao cho Trương Bang Xương.

Trương Bang Xương mang lễ vật đến dinh Phiên quân, thấy lính vào báo, nguyên soái Hắc Phong Cao vội truyền lệnh cho vào.

Sau khi Trương Bang Xương giập đầu bái kiến, Hắc nguyên soái hỏi:

- Tên Nam man kia, có phải hoàng đế của ngươi sai ngươi đến đây dâng lễ vật không?

Truơng Bang Xương đáp:

- Vâng chính chúa thượng sai tôi mang lễ vật sang đây để cống hiến, vậy xin nguyên soái cho tôi được ra mắt chúa công để dâng nạp.

Hắc nguyên soái nghe nói vùng nạt lớn:

- Hãy đem hắn ra chém quách cho ta.

Kẻ tả hữu vâng lệnh áp tới, Trương Bang Xương năn nỉ:

- Xin nguyên soái bớt cơn nóng giận để tôi dâng nạp ngay.

Nói rồi mang tờ ghi lễ vật hai tay dâng lên cho Hắc nguyên soái.

Hắc nguyên soái xem xong đổi giận làm vui nói:

- Trương Bang Xương, ngươi hãy bình thân, giao lễ vật lại đây cho ta về đi để ta tâu giùm lại với chúa công ta cho.

Trương Bang Xương lại nói:

- Tôi còn một việc cần bẩm với chúa công.

- Có việc gì ngươi cứ nói ra, ta sẽ tâu giùm cho ngươi cũng được.

Bang Xương trịnh trọng nói:

- Xin nguyên soái tâu cho chúa công biết rằng có tôi là Trương Bang Xương đến đây để dâng giang san nhà Tống cho người, trước tiên tôi làm cho hao tài tốn của nhà Tống trước đã.

Hắc nguyên soái cười ha hả nói:

- Ồ tưởng việc gì chứ việc ấy ta biết cả rồi, ngươi hãy về đi để ta tâu lại với chúa công ta cho.

Trương Bang Xương từ tạ ra khỏi dinh Phiên đi thẳng về triều phục chỉ.

Nói về Hắc Phong Cao xem thấy lễ vật rất nhiều lại thêm mỹ nữ ca đồng, vàng ròng gấm vóc, động lòng tham nghĩ rằng:

- Ta giúp Ngột Truật thâu đoạt giang san nhà Tống, công ấy to lớn biết bao nhiêu, nay ta có lấy của hắn bấy nhiêu lễ vật cũng chưa đáng công.

Nói rồi thu hết lễ vật, truyền tướng sĩ nhổ trại kéo rốc qua phía Tây Sơn trở về nước.

Quân sĩ phi báo cho Ngột Truật hay, Ngột Truật nghĩ thầm:

- “H8ác Phong Cao theo ta thâu đoạt Trung Nguyên, chỉ nay mai này là chiếm đoạt thiên hạ của nhà Tống, ta sẽ hậu thưởng cho y xứng đáng. Hôm nay chẳng biết duyên cớ gì y lại bỏ về như vậy?”.

Nghĩ xong liền truyền lệnh cho binh mã tiến thêm trăm dặm nữa mới hạ trại.

Quân Tống vội chạy vào triều phi báo:

- Nay quân Phiên chẳng biết vì sao đã áp gần chỉ cách thành độ năm dặm nữa, hay là chúng muốn công thành chăng?

Khâm Tông nghe báo kinh hãi hỏi Trương Bang Xương:

- Hôm qua đã đem lễ vật cầu hòa, tại sao hôm nay địch quân lại xáp tới thành ta làm chi vậy?

Trương Bang Xương nói:

- Hạ thần thiết tưởng tướng Phiên quá đông mà lễ vật ta quá ít nên chúng chia nhau không đủ, thành thử chưa chịu hòa đó. Vậy xin bệ hạ hãy dâng thêm lễ vật nữa thì chúng sẽ lui khỏi Hoàng Hà.

Khâm Tông không biết làm sao đành phải sắm sửa lễ vật như trước rồi sai Trương Bang Xương đi một lần nữa.

Tên gian thần ấy lãnh lễ vật lui ra khỏi ngọ môn liền đi thẳng sang dinh quân Phiên.

Quân Phiên vào phi báo, Ô Quốc Long nguyên soái lập tức cho vào. Trương Bang Xương quỳ mọp dưới đất thưa:

- Hôm nay tôi đến xin dâng lễ vật lên chúa công, đồng thời có việc cơ mật muốn tâu với người.

Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ xem qua lễ vật rồi bảo:

- Ta chẳng phải là chúa công. Hôm trước những lễ vật ngươi đem đến, Hắc nguyên soái đã thu hết và đi về nước rồi, nguyên soái ấy có dâng một tí gì cho chúa công đâu? Nay những lễ vật này chúng ta sẽ dâng giùm cho ngươi, ngươi hãy về thành mà đợi tin lành.

Trương Bang xương vui vẻ lạy tạ về triều phục chỉ.

Trương Bang Xương ra khỏi dinh, Ô Quốc Long và Ô Quốc Hổ bàn nhau. Ô Quốc Long nói:

- Hèn chi Hắc nguyên soái về nước cũng phải, bọn ta từ ngày dấy binh đến nay công lao không ít. Nay những lễ vật này có thu riêng cũng xứng đáng. Vậy chúng ta cũng thu hết rồi về nước cho sớm.

Ô Quốc Hổ nói:

- Tính như vậy thì gọn biết bao nhiêu.

Rồi truyền lệnh ba quân nhổ trại kéo vòng sang phía đông đi thẳng về đại Kim quốc.

Quân sĩ chạy vào báo với Ngột Truật:

- Không biết vì lý do gì hai ông nguyên soái họ Ô nhổ trại đi về hết rồi.

Ngột Truật cau mày:

- Lạ thật! Thôi để ta tự thân kéo binh đến tra xét xem sao?

Quân Tống lại hớt hải chạy vào triều phi báo:

- Bây giờ quân của Ngột Truật lại xông đến sát thành đóng trại.

Vua Khâm Tông lại hỏi Trương Bang Xương:

- Nay chúng nó còn đến nữa là sao vậy?

Trương Bang Xương tâu:

- Thần đến dâng lễ hai phen, nhưng chưa hề giáp mặt Ngột Truật. Vậy nay bệ hạ phải sắm sửa lễ vật cho thần đi một phen nữa may ra có giáp mặt Ngột Truật mới có thể cầu hòa được.

Khâm Tông sa nước mắt nói:

- Thái sư đã mang đi hai lần lễ vật quá nhiều, nay bảo trẫm phải dâng nữa thì biết lấy gì dâng đây?

Trương Bang Xương nói:

- Nếu bệ hạ chẳng nghe lời kẻ hạ thần thì ngày sau có bề gì xin chớ quở trách.

Khâm Tông nói:

- Vậy thì phải sai người ra ngoài mua thêm ca đồng và mỹ nữ mới đủ.

Trương Bang Xương lắc đầu:

- Nếu đi mua ngoài dân gian thì thần e không vừa ý Ngột Truật, chi bằng cứ việc chọn lựa trong cung mới xong.

Khâm Tông không biết làm sao nên phải tự mình đi điểm tra cung nữ, sắm lễ vật cho đầy đủ như hai lần trước để rồi cũng sai Trương Bang Xương đi nữa.

Chuyến này Trương Bang Xương đi thẳng đến dinh Phiên, quân canh gác rất nghiêm ngặt. Bang Xương thưa với viên quan Bình Chương tỏ việc muốn vào ra mắt Ngột Truật để dâng lễ vật cầu hòa.

Viên quan Bình Chương chạy vào báo:

- Có một tên Nam man xưng là thừa tướng nhà Tống đến xin ra mắt chúa công để dâng lễ vật cầu hòa.

Ngột Truật vội hỏi quân sư:

- Tên thừa tướng Trương Bang Xương ấy là trung thần hay kẻ gian nịnh?

Hấp Mê Xi đáp:

- Hắn là đứa gian thần đệ nhất của triều đình nhà Tống. Ngột Truật nói:

- Thế thì bắt nó xé thịt cho rồi.

Hấp Mê Xi can:

- Không nên đâu chúa công ạ, vì lúc này là lúc ta đang cần dùng đứa gian thần ấy nên phải nuôi dưỡng nó, lúc nào được thiên hạ rồi sẽ gϊếŧ nó cũng chẳng muộn.

Ngột Truật khen phải liền cho vào.

Trương Bang Xương vào đến Ngưu bì trướng quỳ mọp dưới đất tâu:

- Tôi là Trương Bang Xương xin vào yết kiến chúa công.

Ngột Truật hỏi:

- Trương lão nhi đến đây có việc gì không?

Trương Bang Xương nói:

- Lúc tôi chưa gặp được chúa công tôi đã dự định làm một kế làm cho nhà Tống hao tài tổn sức. Đã hai phen tôi đem lễ vật đến đây đều bị mấy vị thu hết, nay đem lễ vật đến nữa tính đã ba phen rồi.

Ngột Truật vội lấy tờ ghi các lễ vật xem qua rồi nói:

- Lễ vật quý giá như vậy hèn chi binh mã của hai tướng ấy kéo về nước hết cũng phải.

Hấp Mê Xi kề tai nói nhỏ với Ngột Truật:

- Chúa công nên phong cho hắn một chức vương để làm vừa lòng hắn thì có lo chi chẳng lấy được giang san nhà Tống.

Ngột Truật gật đầu rồi gọi Trương Bang Xương bảo:

- Ta phong cho ngươi làm chức Sở Vương, ngươi hãy đầu hàng ta gấp đi.

Trương Bang Xương cúi đầu tạ ơn. Ngột Truật lại nói:

- Hiền khanh, nay ngươi đã làm bề tôi cho ta rồi, vậy ngươi hãy lập một kế chi để ta thâu tóm thiên hạ của nhà Tống?

Trương Bang Xương nói:

- Nếu như chúa công muốn thâu tóm hết thiên hạ nhà Tống thì phải làm cho chúa Tống tuyệt hậu đi mới được.

Ngột Truật hỏi:

- Khanh nói thế nghĩa là gì?

Trương Bang Xương tâu:

- Nay chúa công hãy sai một viên quan đi với hạ thần đến ra mắt Tống chúa để đòi một vị thân vương làm con tin. Nếu bằng lòng như vậy chúa công mới chịu lui binh. Trong lúc ấy hạ thần sẽ lấy lời lợi hại gạt vua Tống, chắc chắn vua Tống phải đem thái tử dâng cho chúa công. Chừng ấy chúa công muốn gì mà không được?

Ngột Truật nghe nói trong lòng giận dữ, nghiến răng nghĩ: “Tên gian thần này quả hiểm độc thật”.

Nhưng bề ngoài Ngột Truật giả vờ khen:

- Kế ấy hay lắm, thôi để ta sai tả thừa tướng Hấp Mê Cang và hữu thừa tướng Hấp Mê Cường đi với ngươi, còn những ca đồng kỹ nữ ta chẳng dùng, ngươi hãy đem về đi.

Trương Bang Xương cùng tả hữu thừa tướng Kim Phiên đem ca đồng kỹ nữ vào triều Tống. Hấp Mê Cang và Hấp Mê Cường còn đứng ngoài ngọ môn, Trương Bang Xương đã vào quỳ tâu:

- Ngột Truật chẳng dùng ca đồng và kỹ nữ, chỉ nài cho được một vị thân vương làm con tin mới chịu lui binh. Nay bệ hạ muốn thi hành kế ấy tất nhiên phải đưa điện hạ đến Kim Phiên làm con tin, rồi âm thầm điều động binh mã các xứ đến cho mau gϊếŧ sạch quân Phiên cứu điện hạ về triều. Bằng không thì thiết tưởng quân Phiên đông lắm chúng sẽ đánh phá kinh thành, lúc đó vàng đá cũng tiêu tan không còn ăn năn kịp nữa.

Vua Khâm Tông còn đang suy nghĩ, Bang Xương lại tiếp:

- Việc đã gấp rút xin bệ hạ hãy liệu định cho mau.

Khâm Tông nói:

- Thế thì Trương tiên sinh hãy mời Phiên sứ ra nơi Kim Đình quán dịch chờ đợi, để trẫm hỏi ý phụ vương đã rồi sẽ quyết định dứt khoát.

Trương Bang Xương dịu giọng khẽ tâu:

- Việc này rất hệ trọng, có thể nói là việc mất còn của giang sơn nhà Tống, thế mà bệ hạ còn đi hỏi ý Thái Thượng Hoàng. Thế nào Thái Thượng Hoàng lại chẳng thương con xót cháu. Nếu người không bằng lòng thì việc lớn của bệ hạ hỏng mất, bệ hạ hãy liệu lấy, đừng vì chút tình cảm nhỏ nhen mà làm hỏng cả việc đại sự.

Vua Khâm Tông hứa chịu nhưng cũng vào cung tỏ cùng phụ vương:

- Nay Ngột Truật nó nài cho được một thân vương ở làm con tin mới chịu lui binh.

Huy Tông nghe tâu, sa nước mắt nói:

- Như vậy chắc là kế của gian thần rồi, song đã đến nước này con có cưỡng cũng chẳng được! Vậy con hãy sai em con là Triệu Vương đi mới được.

Huy Tông cho đòi Triệu Vương vào An Lạc cung vừa khóc vừa nói:

- Vương nhi, con có hay việc gì không? Nay Phiên quân nó hung hăng đến thế, Vương huynh con đã ba phen dâng lễ cầu hòa nhưng Ngột Truật vẫn nài cho được một vị thân vương ở làm con tin mới chịu lui binh. Nay cha muốn sai con đi mà lòng không nỡ nên chưa biết nên liệu sao đây?

Vị điện hạ này chính tên là Hoàn mới mười lăm tuổi, một người hiếu thảo ít ai bì, nên thấy cha mình rầu rĩ vội thưa:

- Phụ Vương chớ nên thương tiếc con. Đây chỉ vì việc đại sự của quốc gia, chớ nên vì tình cảm mà làm hỏng cả việc lớn, vả lại tổ tông ta khai sáng giang san chẳng phải là dễ. Chi bằng để con qua bên dinh Phiên giả làm con tin, chờ binh mã các tỉnh kéo đến gϊếŧ hết giặc Phiên cứu con về cũng không sao.

Huy Tông nghe nói vậy cực chẳng đã phải ra ngự triều, nhìn hai bên văn võ phán hỏi:

- Nay Triệu Vương muốn qua dinh Phiên làm con tin, không biết trong các khanh có ai dám theo bảo hộ Điện hạ không?

Vừa dứt lời, tân khoa trạng nguyên Tần Cối bước ra tâu:

Thần xin theo bảo hộ Điện hạ.

Huy Tông vui vẻ đáp:

- Nếu được khanh đi theo thì hay biết chừng nào,. Lúc nào về triều trẫm sẽ phong quan chức cho.

Thượng hoàng lui giá về cung, các quan cũng bãi triều.

Sau đó Trương Bang Xương, Tần Cối cùng hai tên Phiên sứ dắt Triệu Vương qua bên dinh Phiên.

Trong lúc chia tay, Triệu Vương chẳng nỡ xa cha vùng khóc rống lên, hồi lâu mới cắn răng nuốt lệ ra khỏi ngọ môn lên ngựa thẳng đến dinh Phiên.

Trương Bang Xương, Hấp Mê Cang và Hấp Mê Cường vào trước còn Tần Cối thì bảo hộ Triệu Vương đứng ngoài cửa dinh chờ đợi.

Trương Bang Xương vào dinh ra mắt. Ngột Truật hỏi:

- Việc ấy ra sao?

Bang Xương chưa mở miệng, Hấp Mê Cang đã nói:

- Quả thật Sở Vương tài cán ít ai bì, đã làm Nam man hoàng đế phải nghe lời đưa em trai đến làm con tin, lại có một tên trạng nguyên tên là Trần Cối theo đến nữa, cả hai còn đang đứng ngoài dinh đợi chỉ.

Ngột Truật nói:

- Thế thì hãy bảo chúng vào đây.

Ngờ đâu dưới trướng có một tướng Phiên tên là Bồ Lư Ôn mặt mày dữ tợn nghe bảo ra gọi vào, hắn tưởng bảo ra bắt đem vào vội chạy ra ngoài dinh trợn mắt hỏi:

- Ai là tiểu điện hạ?

Tần Cối trỏ Triệu Vương bảo:

- Vị này là điện hạ đấy.

Bồ Lư Ôn liền xap lại bắt Triệu Vương kẹp nách chạy vào dinh. Tần Cối thấy thế chạy theo gọi lớn:

- Chớ nên làm dữ điện hạ ta sợ.

Bồ Lư Ôn vào đến trước trướng buông Triệu Vương xuống ngờ đâu Triệu Vương sợ quá tắt thở rồi.

Tần Cối bước vào thấy thế hỏi:

- Tại sao lại làm cho điện hạ ta chết như vậy?

Ngột Truật quay sang hỏi Hấp Mê Xi:

- Người này là ai? Hấp Mê Xi tâu:

- Người này là tân khoa trạng nguyên Tần Cối. Xin chúa công cho giữ nó lại không cho nó về Trung Nguyên.

Ngột Truật nói: Phải đấy, có lúc ta sẽ dùng đến nó!

Thêm Bình Luận