Ngày hôm qua, có Hà Anh ở lại ăn cơm cùng gia đình, bà Ngọc vui lắm, lại không ngờ bà Yến dù nhà có khách vẫn không thu bớt tính tình. Từ lúc làm dâu tới giờ, bà Ngọc vẫn biết mình không được lòng mẹ chồng nên rất cố gắng chiều theo ý bà, mong bà hồi tâm chuyển ý, thế nhưng mọi công sức đều vô dụng. Không chỉ trong nhà, mà trước mặt người ngoài, bà Yến cứ kiếm chuyện chì chiết bà Ngọc, như muốn để cho mọi người biết bà Ngọc được làm dâu trong gia đình này là phúc đức lắm, nhưng không vì vậy mà thân phận cao hơn được bao nhiêu! Kẻ thấp kém vẫn mãi là kẻ thấp hèn mà thôi!
Bà Ngọc nhịn nhục đã quen rồi, thầm may mắn bà Yến đã không gây sự với Hà Anh là tốt rồi.
Con trai bà xuất thân tốt, luôn có nhiều người để ý, nhưng trước giờ bà Ngọc không có cảm tình lắm với mấy cô gái theo đuổi con trai mình. Chỉ có Hà Anh làm bà đặc biệt vừa lòng, hơn nữa, con bà còn thích người ta, thương ai thương cả lối về, càng nhìn Hà Anh bà Ngọc càng thấy thích.
Nào ngờ, tối đó Chí Thành cho bà Ngọc hay lúc Chí Thành và Hà Anh sang nhà thờ tổ gọi bà Yến, Hà Anh đã bị bà Yến nặng lời. Bà Ngọc nghe vậy thì buồn lắm, nếu vì vậy mà con trai để lỡ mất Hà Anh thì đúng là khóc không ra nước mắt. Thế là, chủ nhật hôm sau, nhân dịp ông Lê Minh Hưng, chồng bà ở nhà, bà Ngọc đã kể đầu đuôi cho ông nghe.
– Mẹ đã nói như vậy à?
Bà Ngọc gật đầu, bà thân là con dâu, bị mẹ chồng khó dễ thì thôi, đằng này bà Yến còn đi gây sự với khách khứa, còn là cô gái nhỏ tuổi như vậy, thật là xấu hổ.
Ông Hưng cũng biết tính nết của mẹ mình, nhưng ông cũng bất lực không biết làm cách nào để bà thay đổi.
Nhà họ Lê giàu có mấy đời, nhưng khi ông Tân, ba của ông Hưng mất, sản nghiệp trong gia đình bị nhiều người dòm ngó, không ít người ngán chân, ra tay trong bóng tối khiến cơ nghiệp chao đảo, muốn sụp đổ. Ông Hưng lúc đó tuy đã có một thời gian làm quen với công việc, nhưng mọi chuyện xảy ra quá dồn dập, quá bất ngờ khiến ông không kịp trở tay. Vào lúc nguy nan trập trùng, may có bà Yến ra mặt, thu xếp mọi chuyện, giúp nhà họ Lê giữ vững cục diện, nếu không hậu quả thế nào ông Hưng không dám nghĩ tới.
Cũng vì nguyên do đó, nên ông Hưng luôn kính nể mẹ mình, hễ công ty có chuyện gì khó khăn, không giải quyết được, ông đều hỏi ý kiến của bà Yến. Cho tới bây giờ, dù đã có tuổi, nhưng thói quen kia vẫn không thay đổi. Thế nên, địa vị của bà Yến trong nhà rất vi diệu, không ai có đả động.
Ông Hưng cũng biết giữa mẹ mình và vợ có nhiều khúc mắc, nhưng ông không thể trở mặt với bà Yến, nên chỉ có thể để vợ mình chịu thiệt thòi.
Hiện tại, nghe bà Ngọc phàn nàn, ông Hưng thật cảm thấy phiền nhiễu.
– Thôi, tính mẹ đã vậy rồi, có nói cũng không thay đổi được gì, bà bớt va chạm với mẹ là tốt rồi. Còn cô gái kia… nếu nó thật muốn làm con dâu nhà này thì cũng sớm nên biết tình hình, mà hiện giờ giữa nó và Chí Thành đã có cái gì đâu…
Bà Ngọc nghe ông Hưng nói thế thì tức lắm, muốn cãi lại lại không biết nói cái gì. Bởi lẽ, đó đúng là yêu cầu đầu tiên phải chấp nhận khi bước chân vào nhà họ Lê làm dâu, chính bà cũng như vậy mà.
Nhà họ Lê giàu xụ, chỉ có người khác muốn bám vào nhà họ Lê, chứ nhà họ Lê không cần phải dựa vào ai nên cũng không quá quan trọng gia thế của con dâu trong nhà, chỉ cần con trai nhà họ thích, đều có thể lấy về. Nhờ vậy mà bà Ngọc xuất thân gia đình gia giáo, dù không giàu có cũng được thuận lợi gả tới. Thế nhưng, đó cũng là một phần nguyên do khiến bà Yến không vừa lòng với bà Ngọc.
Biết tranh cãi vấn đề này không có kết quả, bà Ngọc đổi đề tài:
– Anh có biết vì sao mẹ không thích ăn cá không? Mẹ đó giờ chỉ ăn thịt, giờ lớn tuổi lại đau hàm không nhai được, thế mà chứ khăng khăng không chịu ăn cá, đã vậy mỗi ngày còn ăn một đống đồ ngọt nữa…
Bà Yến không thích ăn cá là một, điểm đặc biệt thứ hai là mỗi ngày đều phải có bánh kẹo mang tới nhà thờ tổ. Không ai biết bà Yến lấy nhiều bánh kẹo như thế làm gì, dù bà có thích ăn thì một mình bà sao ăn được nhiều như thế. Nhưng hễ có người nhắc tới thì bà lại đùng đùng nổi giận, như chạm vào vẩy ngược của bà ta vậy.
Vấn đề này không chỉ bà Ngọc mà chính ông Hưng cũng lấy làm khó hiểu.
– Trước kia, lúc cha còn sống, mọi người trong nhà đều ăn chung một bàn, vẫn có đủ thịt, cá bình thường…
Cái chứng ghét cá của bà Yến dường như về sau mới phát tác.
Ông Hưng nhớ tới một chuyện cũ, lẩm bẩm:
– Thậm chí, trong nhà còn có người rất thích ăn cá nữa kìa. Một bữa mà không có cá thì không thèm ăn cơm.
Bà Ngọc ngạc nhiên quá đỗi, liền hỏi:
– Là ai vậy? Em đó giờ chưa từng nghe nói tới.
Ông Hưng có vẻ trầm ngâm, mãi mới cất tiếng nói:
– Là…
…
Chiều chủ nhật hôm đó, Hà Anh mua một ít quà bánh đi đến khu ven sông, kh u vực tập trung những gia đình nghèo trong thành phố. Những căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo với những con người khắc khổ, trên mặt lúc nào cũng nặng nề, lo toan cho cuộc sống, có thể hình ảnh tươi sáng nhất chính là những đứa trẻ đen đúa đang chạy trên đường đùa giỡn nhau. Nhưng chẳng biết nó có thể giữ được sự hồn nhiên đó đến khi nào.
Hà Anh như đã quen đường, một mạch đi đến một căn nhà lụp xụp cuối đường, từ xa đã trông thấy một người đàn bà đã già đang ngồi thẩn thờ trước cửa nhà.
– Chào bà, cháu tới thăm bà đây, còn mang bánh kẹo cho bà này!
Hà Anh lên tiếng nói và đặt túi quà vào tay bà già kia. Bà ta ngơ ngác nhìn Hà Anh hồi lâu, như không nhận ra cô là ai, Hà Anh kiên nhẫn nói:
– Cháu là Hà Anh.
Bà lão liền ồ một tiếng, nhanh miệng bảo:
– Sao cháu nói đi làm thêm? Bà nói rồi, làm gì làm đừng có đi ở đợ cho nhà giàu.
Hà Anh cười cười, biết bà lại nhầm lẫn mình và cháu gái, chậm rãi giải thích:
– Cháu của bà là chị Linh, còn cháu là Hà Anh.
Bà lão vẫn nghệch mặt không hiểu.
Bà tên Tuyền, bị bệnh đãng trí nặng, hiện đang sống cùng cháu gái, một người phụ nữ tên Linh. Bà Tuyền lúc tỉnh, lúc mê, có khi không biết gì mà bỏ nhà đi lang thang khiến người nhà phải tìm kiếm khắp nơi. Hà Anh quen bà đã được hai năm, cũng mấy lần giúp tìm bà về.
– Hà Anh, em tới thăm bà à.
Đúng lúc chị Linh về, cất tiếng chào hỏi.
– Dạ chị, em mới tới.
– Lần nào đến cũng quà cáp này nọ tốn kém quá, em tới chơi là vui rồi.
– Có bao nhiêu đâu chị, để bà có cái nhâm nhi thôi mà.
Chị Linh nhìn bà Tuyền thở dài, không biết thương cho số phận của bà Tuyền hay của mình.
– Bà dạo này thế nào chị, có khá hơn chút nào không?
– Em thấy đó, càng lúc càng lẫn lộn, chị lại không có tiền cho bà đi khám.
– Lúc nãy em nghe bà kể chuyện đó, bà có hay nói chuyện hồi xưa không chị?
– Nói lung tung hết, mà chẳng câu nào ăn nhập câu nào, nghe có hiểu gì đâu!
Hà Anh nghe vậy thì không hỏi nữa, lặng lẽ nhìn bà Tuyền.
– Chị có công việc thì làm đi, cứ để em ngồi chơi với bà một lúc.
– Ừ, vậy em ở đây nha! Chị đi làm cơm, chút nữa ở lại ăn chung luôn đi!
– Dạ, làm phiền chị quá!
– Có phiền hà gì đâu.
Chị Linh đi rồi, Hà Anh ngồi xuống bên cạnh bà Tuyền, lên tiếng dò hỏi:
– Bà có nhớ chuyện hồi xưa không? Lúc bà còn làm trong nhà họ Lê đó.
Bà Tuyền nghe tới nhà họ Lê liền rùng mình.
Hai năm nay, lúc nào cũng như vậy, mỗi khi nhắc tới nhà họ Lê, bà Tuyền liền câm như hến, cái gì cũng chịu nói, nên Hà Anh mãi không tra được cái gì, thế nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Tìm một người đã từng liên quan đến nhà họ Lê đời trước không phải dễ, mất biết bao công sức, Hà Anh mới tìm được một người là bà Tuyền.
Bà Tuyền từ nhỏ đã làm người hầu trong nhà họ Lê, một mạch suốt mấy chục năm, hơn mười năm trước, bà Tuyền đột ngột phát bệnh, không làm việc được nữa mới được chị Linh rước về ở cùng tới giờ.
– Bà có biết một cô gái rất xinh đẹp, thích mặc áo vàng, trên tóc còn có cái kẹp bằng vàng hình con bướm không?
Bà Tuyền vẫn lãng tránh câu hỏi của Hà Anh.
Cô biết hành động của cô đối với bà Tuyền là độc ác, nhưng cô không thể dễ dàng bỏ qua cơ may tìm hiểu bí mật của nhà Lê. Không thể!
– Cô ta rất thích ăn cá! Cực kỳ thích…
Bà Tuyền mãi vẫn không trả lời, Hà Anh không khỏi thất vọng.
Hà Anh có linh cảm hồn ma ngốc kia là mắc xích quan trọng giúp cô tìm tới sự thật, trong nhà thờ tổ kia ngoại trừ chôn giấu thân xác của hồn ma kia còn che giấu bí ẩn gì nữa hay không?
Nào ngờ, bà Tuyền, người vẫn luôn im lặng kia chợt mở miệng nói:
– Là… bà Ba Xuyến!
Bà Ba Xuyến?
– Bà ta là ai?
– Là… vợ ba của ông Tân…
– Tại sao bà ta lại chết?
Bà Tuyền run rẫy lắc lắc đầu, không dám nói. Hà Anh thử mấy lần cũng không làm bà Tuyền nói thêm được, có chút hụt hẩng, nhưng dù sao hôm nay cũng đã có thu hoạch đáng kể so với trước kia.
Nào ngờ, bà Tuyền nãy giờ vẫn né tránh Hà Anh bỗng nhiên nắm chặt lấy tay của cô, sợ hãi cảnh báo:
– Đừng tới gần nhà đó. Nó… sẽ không tha cho cô đâu…
Nó?
– Nó là ai?
Bà Tuyền đã buông tay, ngồi co ro một góc, thế nào cũng không nói thêm nữa.