Như Ngọc dành trọn ba ngày để xem hết sổ sách, ban đêm cũng không được ngủ yên vì còn phải kiêm luôn nhiệm vụ làm ấm giường cho người kia. Vậy nên tới hôm gặp mặt người làm, quầng thâm dưới mắt nàng đã đáy hơn đáy nồi. Chị Lan phải thoa một tầng phấn dày mới có thể làm khuôn mặt nàng tươi tắn hơn.
Ngay khi quản sự triệu tập hết tất cả người hầu và cho bọn họ đứng thành từng hàng ngay ngắn trên sân, Như Ngọc mới từ trong phòng khoan thai bước ra. Vừa thấy nàng, toàn bộ người đang đứng đồng thanh dập đầu hành lễ, Như Ngọc có hơi chói tai nhưng vẫn điềm đạm mỉm cười gọi tất cả đứng dậy. Nàng được chị Lan đỡ ngồi xuống chiếu, tì một tay lên gối dựa, phong thái sang trọng không thua kém bất kỳ ai. Sau đấy, thị Mận nhanh chóng bưng trà bánh đặt trên chiếc bàn con trước mặt nàng. Như Ngọc phất tay cho thị lui ra, và nâng mắt nhìn phía dưới sân đã đứng đầy người, tất cả đều đứng thành hàng nghiêm chỉnh.
Nàng đảo mắt nhìn một vòng, cất tiếng nói: “Tôi gả sang đây được nửa tháng có lẻ. Mắt thấy sắp đến trung thu, đây lại là lễ lớn trong năm nên quyết định gặp mặt các chú các cô một lần. Trước để làm quen, sau là để phân công công việc hòng chuẩn bị cho trung thu sắp tới.”
Như Ngọc nói đến đây thì ngừng một chút, thấy người bên dưới không có phản ứng gì nhiều thì phe phẩy chiếc quạt cói trong tay, chậm rãi nói: “Chúng ta tuy là người một nhà, nhưng năm rộng tháng dài khó tránh khỏi xích mích. Vậy nên có nhiều chuyện cần phải nói rõ ngay từ đầu. Hôm nay tôi đứng ở đây, thay mặt lão gia nhắc nhở tất cả một câu, con người sống ở trên đời, quý nhất ở hai chữ thành thật. Nếu trong nhà có điều gì khuất tất, các người có thể trực tiếp nói với tôi để tôi kịp thời xử lý. Hy vọng sẽ không có ai vì cái lợi trước mắt mà đạp đổ đi bát cơm của mình. Hãy nhớ lấy điều đó.”
Phu nhân trẻ tuổi, tao nhã, dáng người cao ráo mảnh khảnh. Khuôn mặt không giận tự uy, trong ánh mắt đầy vẻ uy nghiêm, đám người dưới đều không dám coi khinh.
Như Ngọc ở trên cao nhìn xuống, ngữ khí điềm đạm: “Tôi đã chỉnh lại công việc của một số người, một số khác vẫn làm công việc như cũ nên sau khi kiểm tra thông tin xong xuôi, các người hãy đến chỗ quản sự của mình để biết bản thân đã được phân phó công việc gì.”
Đám người đứng dưới nhanh chóng làm theo lời nàng nói, một đám nháo nhào cả lên. Có người vui mừng vì được thăng chức, có người hậm hực vì bị mất chức, trong đó gay gắt nhất phải là ba người hầu ngủ của Vĩ Văn. Bọn họ vừa nghe thấy mình bị đuổi khỏi nhà thì chạy ngay đến trước mặt nàng, khóc lóc.
Nữ nhân áo hồng, Quỳnh Nga lên tiếng đầu tiên: “Phu nhân không thể đuổi chúng tôi đi được. Ngày thường lão gia yêu thương chúng tôi nhất, cô không nói không rằng tự ý đuổi chúng tôi đi nhất định sẽ làm ông khó chịu.”
Nữ nhân áo cam, Tuệ Nhi nói: “Chúng tôi theo hầu ông bao nhiêu năm qua, không có công lao cũng có khổ lao. Phu nhân không thể nói đuổi là đuổi được.”
Nữ nhân áo xanh, Hồng Hạnh gật đầu liên tục: “Đúng, đúng. Không thể đuổi được.”
Như Ngọc đã lường trước được chuyện này, nàng phất tay kêu Kim Xuân bưng một cái khay, bên trên là ba túi vải đựng đầy tiền. Như Ngọc cười nói: “Số tiền tôi cho các cô đủ để các cô mở một cửa hàng buôn bán nhỏ. Nếu các cô chê ít thì tôi cho mỗi người thêm một phần thế nào?”
Quỳnh Nga hơi sững người, không ngờ Như Ngọc lại nói như vậy: “Phu nhân, chuyện này không liên quan đến tiền bạc, cho dù cô có cho nhiều hơn nữa cũng không thể lay chuyển được chúng tôi.”
Hồng Hạnh vẫn gật đầu, khuôn mặt có phần ngu ngơ nói: “Đúng, đúng. Không liên quan đến tiền bạc.”
Chỉ có Tuệ Nhi quỳ bên cạnh, trong mắt thoáng do dự không nói gì.
Như Ngọc không tức giận, nàng lại kêu Kim Xuân cầm thêm mấy túi tiền, dùng mắt thường có thể thấy túi sau to hơn túi trước: “Các cô hầu hạ phu quân bao nhiêu năm qua, đã biết rõ tính tình của chàng, cũng biết nếu ở lại chưa chắc đã được nâng lên làm thϊếp, chi bằng cầm khế ước và chút tiền này ra ngoài sinh sống. Tuệ Nhi, tôi biết cô vẫn còn cha mẹ và mấy đứa em ở quê, lại biết nấu ăn ngon. So với việc ở đây nhìn sắc mặt người khác sống qua ngày, sao cô không về quê mở một hàng ăn nhỏ rồi gả cho một người chất phát thật thà. Lúc đấy, cô vừa có thể làm chủ bản thân, vừa có thể phụng dưỡng cha mẹ già.”
Quỳnh Nga thấy Tuệ Nhi đang dao động thì vội vàng nói: “Tuệ Nhi! Cô đừng nghe cô ta xúi bậy, ở quê có thể so bì với ở đây sao!”
Như Ngọc không để ý cô ta, nàng quay sang nhìn Hồng Hạnh nói: “Cô Hạnh, ngày đó cô bị bọn buôn người bắt cóc rồi bán cho nhà thổ, chứ thực ra cô cũng chưa từng nguyện ý đi làm người hầu. Bao nhiêu năm qua vẫn luôn đau đáu tìm người nhà của mình nhưng bị kẹt trong cái nhà này nên không làm gì được. Bây giờ cô được tự do rồi, trên tay có tiền hoàn toàn có thể đi tìm người nhà của mình. Nếu cô cần, tôi có thể nhờ người hỗ trợ cô.”
Tâm trạng Quỳnh Nga càng gấp gáp hơn, không đợi Hồng Hạnh lên tiếng đã nói: “Hồng Hạnh, không phải cô nói cha mẹ mình vẫn luôn trọng nam khinh nữ, từ nhỏ đã không quan tâm cô sao! Ở đây vừa có ăn vừa có mặc, lại có lão gia yêu thương, cô còn trở về nơi đó làm gì!”
Hồng Hạnh cúi đầu, lí nhí đáp: “Nhưng bọn họ vẫn là cha mẹ ruột của tôi… Lão gia có thực sự yêu thương chúng ta đâu, một năm ngài ghé phòng tôi chưa tới ba lần…”
Quỳnh Nga bị nghẹn họng, tức tối chỉ tay vào hai người kia: “Cô! Cô! Các cô đừng để ả ta lừa gạt!”
Chị Lan nghe thế liền quát: “Hỗn xược, ai cho cô gọi phu nhân như vậy!”
Vẻ mặt Như Ngọc vẫn không thay đổi, nàng ung dung nói tiếp: “Cô Nga, cô còn nhớ má Mai ở ngõ Tịch Khê chứ? Tôi đã cho người liên hệ với má rồi, chiều tối nay má sẽ phái người sang đón cô về. Cô ở chỗ nào thì về lại chỗ đấy đi! Được rồi, nếu các cô không còn gì để nói thì nhanh chóng về xắp sếp đồ đạc, trong ngày mai phải rời khỏi đây.”
Quỳnh Nha có mẹ cũng là kỹ nữ, từ khi còn nhỏ cô ta đã được dạy dỗ để trở thành kỹ nữ. Trong đó má Mai chính là bà chủ của kỹ viện chỗ cô ta ở. Ngay tại buổi đấu giá đêm đầu tiên của Quỳnh Nga, một người bạn thân thiết của Vĩ Văn đã mua đứt cô ta rồi tặng lại cho chàng. Như Ngọc suy tính một hồi, cuối cùng quyết định đem khê ước bán thân của Quỳnh Nha bán lại cho má Mai rồi lấy tiền đó cho cô ta. Một công đôi chuyện, con người ấy mà nếu không có địa vị thì cũng chỉ như món đồ bị người ta bán qua bán lại mà thôi.
Ba người bọn họ nghe Như Ngọc nói tới như vậy cũng biết không thể làm gì, đành im lặng đi về phòng dọn dẹp hành lý.
Như Ngọc cầm ly trà lên uống một ngụm, hơi lớn tiếng nói với người dưới: “Tất cả đã xem qua bảng phân chia công việc mới rồi, có ai còn có thắc mắc nào không? Nếu có thì nói luôn một thể, hôm nay không nói thì từ ngày mai, ai làm sai cứ theo gia quy mà xử lý.”
Tròng mắt bà Hậu xoay chuyển vài lần, quyết chí phân bua cho mình: “Thưa phu nhân, tôi là quản sự phụ trách chuyện thu mua nguyên liệu nấu ăn trong nhà. Cả đời tôi chưa làm ra chuyện xấu gì, tại sao cô lại cắt chức của tôi?”
Vốn bà Hậu cùng các quản sự khác không thật sự muốn nắm quyền, vượt mặt chủ nhân. Chỉ là bọn họ có nhiều lòng tham hơn người thường, vừa muốn ăn vừa không muốn làm. Hồi trước Tô Lâm quản lý sổ sách, có nhiều chuyện mập mờ nhập nhằng, y sẽ nhắm mắt làm ngơ. Dù sao y còn phải làm việc cho Vĩ Văn, không còn tâm trí đâu mà để ý chuyện sổ sách. Cứ như vậy bọn họ mới có thể dễ dàng đổi trắng thay đen, tự ý lấy tiền công thành tiền riêng.
Lúc nghe tin lão gia cưới vợ, bọn họ đi nghe ngóng khắp nơi, biết được Như Ngọc chỉ là một đứa con gái quan tứ phẩm, tình tình hiền lành nhỏ nhẹ nên cả bọn đinh ninh Như Ngọc chỉ như con mèo nhỏ, nhút nhát không làm lên cơm cháo gì. Nhưng nay Như Ngọc mới gả sang được hai tuần đã làm ra động tĩnh lớn như vậy. Bây giờ bà Hậu mà không lên tiếng phủ đầu trước, e rằng thời gian sau này tất cả sẽ khó sống.
Như Ngọc thu nụ cười lại, nàng xoay xoay chiếc vòng trên tay, nhướng mày nhìn bà Hậu. Bà Hậu không phải dạng vừa, thấy Như Ngọc đang nhìn mình thì trừng mắt nhìn lại. Như Ngọc cười thầm, đúng là cậy già lên mặt mà. Trời cao có mắt, không uổng phí công sức nàng theo mẹ học cách quản gia bấy lâu, cuối cùng nàng cũng tìm được lỗi sai trong đống sổ sách đó. Mà người sai nhiều nhất lại là bà Hậu này đây.
Bầu không khí rơi vào yên lặng, đám người hầu đều chờ nàng nói tiếp.
Như Ngọc dời mắt khỏi bà Hậu, nhìn một vòng quanh sân, nói: “Chưa làm ra chuyện xấu gì? Bà chắc chưa?”
Bà Hậu hơi rùng mình: “Vâng.”
Bà ta tự an ủi bản thân đã kịp thời xoá sạch sẽ mọi dấu vết rằng trước khi Như Ngọc gả sang đây.
Như Ngọc hơi nhíu mày, trong giọng nói mang theo vài phần tức giận: “Nhân hậu sao đến nỗi yếu hèn; giàu mạnh sao dẫn đến thôn tính? [*] Ngay cả chuyện cắt xén tiền lương thực hàng ngày cũng dám làm thì có chuyện gì mà bà không dám cơ chứ?”
[*] Một câu trong Đình thí đối sách của Phan Đình Phùng.Bà Hậu giật mình, hốt hoảng, trừng mắt nhìn thẳng vào Như Ngọc: “Không! Tôi không có làm chuyện đó, phu nhân đừng hòng đổ oan cho tôi!”
Như Ngọc không nói gì, nàng cầm lấy quyển sách ở trên bàn ném xuống trước mặt bà Hậu: “Bà có biết với tội danh này nếu lên công đường sẽ bị xử bao nhiêu hèo không, chưa kể còn làm cho phu quân mất mặt! Ai cho bà cái lá gan đó hả!”
Bà Hậu run rẩy cầm quyển sách lên, chỉ lần nhìn nhanh mấy trang đầu là bà ta biết bản thân mình không thoát được kiếp nạn này. Trong lòng ngập tràn sợ hãi, không biết từ đâu mà Như Ngọc tìm ra được. Đầu óc bà Hậu xoay chuyển một hồi, nhanh chòng quỳ rạp xuống đất liên tục dập đầu xin tha: “Tôi biết lỗi rồi, tôi biết lỗi rồi. Xin cô tha tội…”
Như Ngọc ngồi lại xuống chiếu, cầm ly trà trên tay thong thả thưởng thức, cử chỉ đoan trang, nhã nhặn. Bên dưới bà Hậu vẫn dập đầu không ngừng, trên trán đã bắt đầu rỉ máu.
Khuôn mặt Như Ngọc có chút uể oải, lười nhác nói: “Bà Hậu, tôi hỏi bà một câu, nếu bà trả lời đúng thì xem như chuyện hôm nay chưa từng xảy ra. Nếu trả lời sai, cả nhà bà nhanh chóng cút xéo khỏi đây.”
Bà Hậu nghe thế liền ngừng lại, tay chân vẫn còn run lẩy bẩy, không dám ngẩng đầu nhìn nàng.
Như Ngọc nhướng mày hỏi, sau đó đảo mắt nhìn quanh sân, để ý vẻ mặt của từng người: “Tôi hỏi bà, trong nhà này ai là người cao quý nhất?”
Bà Hậu môi run run: “Đương nhiên là lão gia.”
Như Ngọc hỏi: “Vậy còn tôi?”
Bà Hậu thất thần trả lời: “Phu nhân là vợ của lão gia.”
Như Ngọc chậm rãi ngẩng đầu, phóng tầm mắt vào đoàn người bên dưới, nở một nụ cười xinh đẹp: “Đúng vậy. Tôi gả sang đây, trên có thánh chỉ ban hôn, dưới có bà mối đến hỏi, tam thư lục lễ không thiếu điều gì. Các người có phục hay không thì từ giờ trở đi tôi chính là đương gia chủ mẫu của nhà này, lời tôi nói chính là mệnh lệnh. Nếu các người không nghe theo thì tự giác cầm lấy hành lý cút khỏi đây.”
Như Ngọc nói xong đã không còn ai dám chống đối. Tất cả người hầu đều âm thầm ngưỡng mộ nàng trong thời gian ngắn đã nắm rõ tình hình, giải quyết từng người đâu vào đấy. Lại có người khác nghiến răng không phục, cư nhiên bị nàng vạch trần. Bên này, Kim Xuân âm thầm ghi nhớ từng nét mặt, cử chỉ và lời nói của Như Ngọc để Thưa báo sự việc đặc sắc này cho chủ nhân.