Bởi vì Vĩ Văn đã ra riêng từ lâu nên sau ngày lại mặt, Như Ngọc sẽ dọn về tư gia của chàng ở. Suốt mấy ngày liền nàng bận rộn sắp xếp đồ đạc và làm quen với chỗ ở mới nên chưa có thời gian thăm thú ngôi nhà rộng lớn này. Tân hôn đã qua gần một tuần, thế nên hôm nay Như Ngọc kiên quyết phải bắt Vĩ Văn nói rõ mọi chuyện trong phủ cho nàng nghe để nàng dễ bề quán xuyến.
Vì đã nghe nàng nói từ trước nên sau khi dùng xong bữa sáng, chàng liền dẫn vợ đi dạo xung quanh nhà, tự mình nói từng chuyện một.
Toàn bộ phủ đệ của Vĩ Văn được chia thành hai khu, gồm nhà trước và nhà phụ. Nhà trước là nơi đàn ông xử lý công việc cũng như tiếp đón khách khứa. Phía trước là cổng lớn sơn thϊếp đỏ, có cửa nhỏ ở hai bên, đi từ cổng vào là thấy con đường lát đá vuông trơn nhẵn nối thẳng đến chính viện. Đằng trước chính viện đặt hai vạc đồng lớn, bên trên viện treo một tấm biển viết ba chữ: Quan Triều viện. Bên trong viện có năm gian phòng rộng lớn và nhiều phòng nhỏ khác, chính giữa là phòng nghị sự, hai bên là thư phòng ngoài ra còn có phòng trà, phòng vẽ tranh,…Ngoài ra, phía sau Quan Triều viện có một chái nhà với hai cửa hông, một cửa thông đến hành lang dẫn ra phòng nghị sự nhỏ để tiếp gia quyến và nữ chủ nhân dùng làm nơi xử lý công việc, cửa còn lại nối đến hành lang thông ra nội viện.
Đi một vòng Quan Triều viện, Như Ngọc cảm thấy quả đúng là danh xứng với thực, từ trong ra ngoài chính viện đều rộng lớn khí thái, bài trí tráng lệ. Đây chính là “Thanh khu thiên kỵ tật, Khí quyển vạn sơn lai.” [*]
[*] Hai câu thơ trong bài Tiền Đường quan triều của Thi Nhuận Cương. Dịch nghĩa: Tiếng rầm rầm như nghìn ngựa chạy. Thế cuốn muôn trung núi
Qua một hành lang gấp khúc đi tiếp vào trong, là nội viện. Nội viện hay còn được gọi là Di An viện, đây là nơi nghỉ ngơi của chủ nhân. Di An viện là một toà nhà lớn thứ nhì trong phủ, bao gồm ba gian phòng lớn và các phòng nhỏ lẻ khác. Ba gian lớn này có một gian chính để nghị sự, hai gian bên cạnh là phòng ngủ riêng. Tiếp đó, đi qua một hành lang lát đá trắng là thư phòng nhỏ của Vĩ Văn.Lấy Di An viện làm trung tâm, tả hữu hai bên đều có ba bốn viện nhỏ khác nhau. Những chỗ này để cho thê thϊếp và người thân của chủ nhân cùng ở, hiện tại đang để trống.
Đối diện Di An viện là một vườn hoa đầy hương sắc, ở giữa là một hồ nước nhỏ với các chỏm núi giả trong lòng hồ. Vĩ Văn dẫn vợ đi loanh quanh một vòng rồi dừng lại trước hồ nước, sóng nước lăn tăn, mặt hồ trong vắt tĩnh mịch.
“Mấy năm nay tôi thường xuyên bận rộn công vụ nên ít khi về nhà. Người trong phủ từ quản sự đến người hầu đều là chọn từ phủ Quận công, không có tội quan, chỉ là bán thân từ nhỏ. Nàng nên nhìn qua một lượt, kẻ nào tay chân không sạch sẽ thì bán hết đi. Còn có một ít nữ hầu,” Vĩ Văn dừng một chút, tựa như đang cân nhắc từ ngữ, “Là mẹ và mấy thím đưa tới. Trước khi thành thân, thỉnh thoảng tôi có ghé phòng bọn họ. Giờ cưới nàng rồi, nếu nàng cảm thấy khó chịu vậy thì không cần giữ lại. Về phần sổ sách chi tiêu trong phủ, tôi sẽ bảo anh Lâm đưa tới cho nàng”
Như Ngọc khom người, ngắm nhìn khóm hoa cúc trước mặt: “Anh Lâm là Tô quản gia đấy ạ?”
Vĩ Văn ngẩng đầu nhìn khắp vườn hoa, nói: “Nếu có chỗ nào không rõ, nàng cứ hỏi anh ta không thì hỏi thẳng tôi cũng được.”
Đây là lần đầu tiên chàng nghiêm túc quan sát từng ngóc ngách ngôi nhà của mình. Không ngờ có nhiều chỗ lạ lẫm như vậy.
Vĩ Văn chỉ tay vào hồ nước nhỏ ở đối diện, hơi suy nghĩ rồi nói: “Ta không thích núi giả ở giữa hồ kia lắm. Nàng hãy sai người đến tu sửa lại cho đẹp, thả thêm mấy con cá con rùa gì đấy. Tốt nhất là xây một cái chòi nhỏ bên cạnh để khi nào rảnh rỗi tôi sẽ ra đấy câu cá. Nếu nàng không thích mấy cây hoa này thì cứ trồng loại nào nàng thích đấy.”
Như Ngọc dời mắt khỏi những bông hoa bé xinh và nhìn theo hướng tay của chàng: “Vâng. Chàng muốn nuôi cá gìạ?”
Vĩ Văn không nghĩ nhiều, nhanh chóng đáp: “Nuôi cá nào ăn được ấy. Chứ cá cảnh thì câu lên thả xuống nước thì lại mất vui.”
Như Ngọc nghiêng đầu, suy tư giây lát: “Em hiểu rồi ạ.”
Sau đấy, hai người men theo đường đá nhỏ dạo một vòng quanh vườn hoa rồi dừng lại trước cổng nhỏ. Phía sau cổng nhỏ chính là nhà phụ. Thông thường, chủ nhân hiếm khi bước chân ra nhà phụ vì đó là nơi ở của đám tôi tớ trong phủ. Đi vào từ cổng nhỏ này sẽ thấy mấy dãy phòng nhỏ là chỗ ở dành cho người hầu, đi thẳng xuống là phòng bếp, lùi ra sau là phòng chứa xe ngựa và nhà kho. Một số người hầu thấy chủ nhân đột nhiên xuất hiện ở đây thì ngạc nhiên lắm, vội vàng cúi thấp đầu hành lễ, và nhanh chóng đi khỏi.
Hai người không đứng lại trong chốc lát rồi cất bước đi tiếp, vừa đi vừa nói chuyện: “Nếu tôi nhớ không nhầm, ở chính viện có mấy phòng trống lâu ngày không có người dùng. Khi nào rảnh rỗi nàng hãy cho người quét dọn cho sạch sẽ, trang trí đẹp một chút. Nhỡ có khách đến chơi còn có chỗ mà nghỉ ngơi.”
Như Ngọc ôn nhu nói: “Vâng.”
Vĩ Văn khựng lại một chút, chợt để ý nãy giờ mình nói hơi nhiều mà Như Ngọc đi bên cạnh chưa nói được bao nhiêu: “Nàng không còn gì để hỏi à?”
Như Ngọc hơi giật mình khi nghe chàng hỏi vậy, nàng khẽ liếc mắt ra sau, thấy chị Lan và Kim Xuân đang ở tút đằng sau thì mới nhỏ giọng nói: “À vâng, những gì chàng vừa nói em đều đã nắm rõ. Chỉ là có một chuyện, Tô quản gia ấy ạ?”
Lông mày của Vĩ Văn hơi nhếch hơn, hứng thú nhìn nàng: “Ừ, hắn ta thì sao?”
Khuôn mặt Như Ngọc hơi ngượng ngùng, nhỏ nhẹ nói: “Tuy mới quen biết không lâu nhưng em cảm thấy Tô quản sự là một người tốt. Chàng xem, chị Lan cũng đã có tuổi, không ấy…”
Không hiểu sao từ lần đầu tiên gặp Tô Lâm, nàng đã cảm thấy người này và chị Lan rất hợp tính với nhau. Nàng không thể giải thích được tại sao mình lại nghĩ như vậy, chỉ đơn giản là nàng thấy thế mà thôi. Đối với nàng, chị Lan không chỉ là một nữ hầu chăm sóc mình từ khi còn đỏ hòn, chị còn là người thân duy nhất còn sót của nàng. Nàng không chắc cuộc sống hôn nhân của mình có hạnh phúc hay không nhưng từ tận đáy lòng, nàng luôn hy vọng chị Lan sẽ được hạnh phúc bên người mình yêu thương.
Vĩ Văn gật gù, chàng thấy ý tưởng này không tồi: “Tôi hiểu rồi. Nàng cứ quan sát thêm một khoảng thời gian nữa, nếu hai người họ thật sự có ý thì ta sẽ đánh tiếng thử.”
Tô Lâm đã đi theo chàng nhiều năm mà vẫn luôn lẻ bóng, nếu giờ có người đồng ý nâng khăn sửa túi cho hắn thì cũng tốt. Nhưng trước tiên cần phải điều tra nữ hầu này đã, Vĩ Văn thầm quyết định trong lòng. Chỉ là chàng không biết, chính nhờ quyết định này của mình mà chàng đã khám phá ra một bí mật to lớn.
Hai người nói thêm vài câu, dù sao Vĩ Văn ít khi ở nhà nên có nhiều chuyện giải thích không được rõ ràng.
Như Ngọc hỏi mấy câu đều không có đáp án chính xác, bĩu môi nói: “Rốt cuộc chàng có biết chút gì không đấy?”
Vĩ Văn bị nói thế thì cảm thấy buồn cười, hai mắt chàng cong cong nhìn nàng: “Vậy nàng biết được bao nhiêu đây?”
Hai mắt Như Ngọc ánh lên vẻ tinh nghịch, nàng chỉ tay lên trời nói: “Không nhiều lắm, ví như em biết sắp đến giờ cơm trưa rồi ạ.”
Không để ý thì thôi mà vừa nhắc tới là cả Vĩ Văn lẫn Như Ngọc đều cảm thấy nóng bức, mồ hôi tuôn ra sau lưng. Đúng thôi vì giờ này mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, ánh nắng dần trở lên gay gắt.
Vĩ Văn cười giòn hai tiếng, vô cùng sảng khoái nhìn cô vợ nhỏ của mình, chân mày giãn ra: “Haha. Nàng biết nhiều thật đấy.”
Vĩ Văn dừng lại một chút, để ánh nắng chiếu rọi thân mình, môi mỏng hơi nhếch lên: “Từ ngày mai tôi sẽ lên triều như thường nên mọi chuyện trong nhà đành nhờ nàng quán xuyến. Nàng không cần quá căng thẳng làm gì, thong thả xử lý từng việc một là được.”
Như Ngọc cúi thấp đầu, nhẹ giọng đáp lời: “Vâng. Tất cả đều nghe chàng.”
Buổi sáng nói chuyện với Vĩ Văn, buổi chiều Như Ngọc liền kêu người cầm sổ sách đến để nàng kiểm tra.
Trước mặt nàng bây giờ là ba rương sổ sách, đây là toàn bộ ghi chép tài sản từ khi Vĩ Văn phân phủ ở riêng đến nay. Các sổ sách này đều được phân chia rõ ràng theo từng năm, và mỗi rương đều có chú thích riêng. Một rương là về chi tiêu và nhân sự trong nhà, một rương là doanh thu và tình hình hoạt động của các cửa hàng dưới tên Vĩ Văn, rương còn lại là số lượng các điền trang ở ngoại thành. Tạm thời Như Ngọc không chú ý đến các sản nghiệp của chồng, nàng kêu chị Lan mở rương thứ nhất ra để nàng kiểm tra.
Tôi tớ cả phủ tổng cộng chỉ có bốn mươi mốt người, cộng thêm bốn người nàng đưa từ nhà mẹ sang thì tổng là bốn mươi năm. Tính ra số lượng như vậy đúng là hơi ít so với một phủ đệ rộng lớn như này. Như Ngọc tạm thời chia người hậu ra làm hai nhóm: một nhóm do Vĩ Văn tự mình sai người mua từ bên ngoài về, một nhóm là do mẹ chồng, chị chồng của nàng đưa tới. Tất cả những người này đều không phải tội quan.
Ngoài ra, Vĩ Văn có ba người hầu ngủ, một người mua từ kỹ viện, hai người được chọn từ người hầu trong nhà. Đây đều là chủ ý của mẹ chồng, hiện tại cả ba chưa có con, cũng không có tiền sử sảy thai. Như Ngọc rất hài lòng với ghi chép này, dù là ở nhà dân thường hay nhà quan thì chuyện con đích con thứ đều rất phiền phức.
Như Ngọc ngồi một mình trong phòng chăm chú đọc từng quyển một. Lát sau, chị Lan cầm theo điểm tâm đi vào: “Phu nhân, em xem cũng lâu rồi mau nghỉ ngơi ăn chút bánh đi.”
Nàng nhẹ nhàng gập quyển sách lại, giơ tay day nhẹ hay bên thái dương. Chị Lan thấy thế thì hỏi: “Sao vậy em? Sổ sách có vấn đề gì à?”
Như Ngọc lắc đầu, cầm miếng bánh bỏ vào miệng: “Sổ sách không có vấn đề, nhưng không có vấn đề mới là vấn đề.”
Chị Lan thắc mắc: “Là sao? Tại sao không có vấn đề lại là vấn đề.”
Như Ngọc cắn thêm miếng bánh nữa: “Các số liệu được ghi chép quá đẹp, đẹp đến nỗi không hề tìm thấy một nỗi sai. Trong nhà chưa từng có nữ chủ nhân, mẹ chồng cũng không quản vậy mà người làm từ trên xuống dưới đều nghiêm túc làm việc, không khai khống, không cắt xén tiền công? Chị nghĩ xem, là do phu quân quản gia quá tốt hay do bọn họ xử lý quá gọn gàng đây?”
Chị Lan chần chừ một lúc rồi nhỏ giọng: “Chắc do ông quản gia nghiêm?”
Như Ngọc khẽ cau mày: “Hừ! Em không tin mình không tìm ra điểm đáng nghi nào.”
Chị Lan nghe thế thì cười cười, biết bản tính hiếu thắng của nàng lại nổi lên: “Nhất định sẽ tìm ra mà. À, ban nãy Tô quản gia nhờ chị hỏi em khi nào em có thể gặp mặt các quản sự trong nhà, và mấy cô hầu của lão gia cũng muốn gặp em đấy.”
Thần sắc Như Ngọc thản nhiên, không nhanh không chậm nói: “Chị nói lại với Tô quản gia, ba ngày sau tập hợp hết người làm trong nhà ở ngoài sân để em nói chuyện. Còn về phía mấy hầu ngủ kia thì không gặp, em tính đưa cho bọn họ chút bạc rồi tiễn ra khỏi nhà.”
Chị Lan hơi ngẩn người, lo lắng nói: “Em muốn đuổi hết bọn họ đi. Làm như vậy có chọc giận bà lớn hay không, dù sao cũng là người bà đưa vào. Chưa kể, em vừa mới gả sang đây, đuổi hết đi thì sẽ mang tiếng khắt khe.”
Như Ngọc thấp giọng: “Càng là người do mẹ đưa đến, em càng phải đuổi đi. Sau này nếu phu quân muốn nạp thϊếp, cũng phải từ chính tay em chọn. Khắt khe thì đã sao, còn hơn là để bọn họ trèo lên đầu lên cổ em ngồi.”