Đêm xuân qua đi.
Mặt trời vừa ló rạng, từng chùm nắng bình mình xuyên qua màn, phía sau màn trướng tình ý miên man. Như Ngọc bị ép tỉnh lại, nàng giống như cá lóc trên sông chật vật há miệng hít thở. Nàng nhẹ nhàng trở mình toan lấy đà ngồi dậy không ngờ vẫn đánh thức người bên cạnh. Vĩ Văn từ từ mở mắt, chàng xoay người nhìn Như Ngọc. Hiện trước mắt chàng là khuôn mặt trắng như bông bưởi nhưng lại thoáng vẻ mệt mỏi của nàng, dưới mí mắt còn có vành đen rõ ràng.
Trong lòng Vĩ Văn vui vẻ, đưa tay nắm một đoạn tóc của vợ, con mắt sâu thẳm đen nhánh như có sóng tình dạt dào tràn ra: “Trong người còn mệt mỏi không?”
Như Ngọc lười nhác trả lời: “Có ạ.”
Vĩ Văn cười cười, kéo chăn qua đắp ngang ngực cho nàng: “Vậy nàng nằm thêm một lát rồi hẵng dậy.”
Nàng chưa kịp trả lời, đã có tiếng chị Lan vọng vào từ bên ngoài vào: “Ông và cô đã thức chưa ạ?”
Như Ngọc bĩu môi: “Đấy, cũng không phải em muốn dậy sớm.”
Vĩ Văn cười cười nhìn cô vợ nhỏ ngáp ngắn ngáp dài, chàng lên tiếng ra hiệu cho người ngoài cửa bước vào. Chị Lan đã sớm chuẩn bị cùng một nhóm người hầu đi vào hầu hạ. Chị Lan nhanh lẹ mở cửa sổ cho vơi đi mùi vị hoan ái trong phòng rồi mang áo choàng lớn phủ lên người Như Ngọc. Kế đấy, chị đỡ nàng ra sau bình phong rửa mặt. Chị Lan thấy mấy dấu vết đo đỏ hồng hồng trên người nàng mà đau lòng, trong lòng âm thầm mắng chửi Vĩ Văn hai câu. Bên này, một nhóm khác cũng đang luôn tay luôn chân hầu hạ Vĩ Văn. Hai nhóm người im lặng làm việc, không ảnh hưởng đến công việc của nhau.
Ngày đầu tân hôn cần sửa soạn long trọng, đặc biệt một lát hai người phải vào cung gặp Thánh Thượng tạ ơn. Như Ngọc mặc váy áo bằng gấm rực rỡ thêu hoa mao lương hồng, cài trâm ngọc hình hoa sen với viên ngọc trai to tròn ngay chính giữa, khuyên tai hồng ngọc rủ tua vàng. Trước ngực đeo vòng cổ cá chép dưới đài sen, cổ tay đeo một cặp vòng mã não đỏ. Nhìn cả người từ trên xuống toàn màu nổi khiến Như Ngọc cảm thấy không thoải mái tí nào. Vốn dĩ ngày thường nàng chỉ chuộng các bộ xiêm áo có màu sắc nhẹ nhành thanh toát, chưa kể bộ váy hôm nay hết sức diễm lệ, tầng tầng lớp lớp như muốn đè bẹp nàng. Đó là chưa tính chuyện cả đêm qua nàng “chiến đấu” quá sức nên bây giờ toàn thân đau nhức, đưa tay là đau, nhấc chân cũng đau.
Vĩ Văn cũng mặc một thân y phục cầu kỳ, từ hai vai trở xuống đều là hoa văn cát tường bằng tơ bạc, đeo thắt lưng màu hổ phách khảm ngọc. Nhìn người chồng mới quen trước mặt, Như Ngọc thầm nghĩ quả là khí khái giàu sang ăn vào tận trong xương tuỷ, màu sắc rực rỡ như vậy cũng không làm chàng lu mờ.
Vĩ Văn xoay người thì thấy vợ đang nhìn mình, mỉm cười nói: “Nàng mặc như vậy trông rất xinh đẹp.”
Ánh mắt Như Ngọc cong cong như trăng lưỡi liềm:“Chàng cũng rất xinh đẹp.”
Vĩ Văn không nói gì thêm, cả người toát ra vẻ ôn nhu. Đợi nữ hầu cài xong cây trâm cho mình, Như Ngọc liền ngoan ngoãn đi đến đứng cạnh chồng. Khi hai người đứng cạnh nhau giống như đã quen biết nhau từ lâu chứ không phải là đôi phu thê lần đầu gặp mặt. Chị Lan và những người hầu khác im lặng dọn dẹp. Có người lớn mật ngẩng đầu nhín lén Như Ngọc mấy cái, nghĩ thầm phu nhân xinh đẹp như vậy, chắc lão gia yêu thích lắm đây.
Chiếu theo thông lệ, ngày thứ nhất sau cưới đôi phu thê sẽ dập đầu lạy người thân trực hệ. Sau đó nhận mặt thân thích các chi và đến nhà từ tổ nhập tên họ vào gia phả, thời gian rảnh rỗi ở giữa thì dùng cơm. Bởi vì tình huống của Như Ngọc có chút đặc biệt, nên nàng và Vĩ Văn sẽ vào cung tạ ơn rồi mới về lại phủ Quốc công.
Vội vàng ăn xong bữa sáng cho kịp giờ, Như Ngọc cùng Vĩ Văn ngồi lên xe ngựa hướng về phía hoàng cung. Xe đi ngang qua đường phố tấp nập, tiếng cười nói cùng mùi thức ăn phảng phất vào tận trong xe. Trái ngược với vẻ náo nhiệt bên ngoài, bầu không khí trong xe có phầm ảm đảm hơn. Như Ngọc vốn là người không thích nói chuyện, đặc biệt với người lạ mới tiếp xúc không lâu. Ban nãy nàng cố gắng lắm mới có thể biểu hiện ra dáng vẻ thân quen với Vĩ Văn, dù sao cũng đang ở nhà chồng, nàng cũng không thể chưng ra bộ mặt “xin chớ lại gần” được.
Thẳng một đường đến cửa cung, Như Ngọc xuống xe liền nhìn thấy một thái giám đứng chờ sẵn. Người đó vừa thấy phu thê hai người bước xuống là nhanh chóng đi đến chào hỏi và dẫn đường.
Sau khi lên ngôi, Thánh Thượng đã cho xây dựng thêm nhiều công trình mới dựa trên hoàng cung hiện có. Vậy nên đứng từ xa sẽ thấy rất nhiều quan binh và thợ lành nghề đang tất bật làm việc. Tuy bận rộn là vậy nhưng không ảnh hướng đến không khí trang nghiêm của nơi đây. Đi theo hướng dẫn của vị thái giám nọ, phu thê hai người hết rẽ bên trái rồi rẽ bên phải, đến khi Như Ngọc cảm thấy mồ hôi lớn mồ hôi bé thi nhau chảy ướt áo trong thì mới đến nơi. Trên đường đi, có nhiều lần nàng đuối sức tụt lại phía sau, những lúc như vậy Vĩ Văn luôn đi chậm một nhịp cố ý chờ nàng.
Lần đầu được diện Thánh nên Như Ngọc không biết làm gì cho phải, nàng chỉ dám bắt chước theo động tác của Vĩ Văn. Lúc quỳ trước đại điện, đến thở nàng cũng không dám thở. Vì không được phép nhìn thẳng long nhan nên Như Ngọc chỉ thấy thoáng qua dáng vẻ của Thánh Thượng nhưng nàng cảm thấy ngài chính là một vị tiền bối thông tuệ, không vội vàng nhưng rất quyết đoán. Trước đó nàng từng nghe nói ngài có thân thể cường tráng, da trắng, mắt sáng, nét mặt trang nghiêm, có sắc diện. Nay được gặp trực tiếp thì đúng là như vậy. Nhiều năm lưu lạc bên ngoài đã tạo cho ngài một thân thể rám nắng vì dãi dầu, bao bọc lấy đó là khí thái của bậc đế vương.
Thánh Thượng dặn dò đôi câu, và cho phép hai người lui xuống. Sau khi từ hoàng cung trở về, Như Ngọc cùng chồng về lại phủ Quận công. Trước tiên, cả hai tiến vào từ đường thắp hương cho gia tiên tiền tổ. Từ đường là một gian nhà lớn trang nghiêm tịch mịch, giữa nhà đặt bàn thờ tế cao tám, chín bậc, bài vị đặt mỗi tầng từ dưới lên trên cao tám, chín tấc, có tới mười bảy, mười tám tầng. Nhìn những hàng bài vị chi chít, Như Ngọc không khỏi cảm thấy nể phục.
Mẹ Hằng, mẹ ruột của Vĩ Văn, đã đứng đợi ở đây từ trước. Bà vừa nhìn thấy vợ chồng liền ôn hòa cười nói: “Hôm qua chắc là mệt lắm rồi, hai đứa nhanh đến dâng hương rồi còn đi dâng trà.”
Dưới sự hướng dẫn của mẹ Hằng, hai người cung kính quỳ xuống trên đệm khấu đầu, thành tâm cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ độ trì và cuối cùng đặt hương vòng lêи đỉиɦ vạc. Xong xuôi, Như Ngọc thoáng thấy sắc mặt chồng có chút mệt mỏi, trên trán đọng vài giọt mồ hôi. Không nghĩ nhiều nàng liền lấy ra khăn tay trong người đưa cho chàng. Vĩ Văn hơi bất ngờ nhưng cũng mỉm cười nhận khăn của vợ.
Mẹ Hằng hết sức hài lòng nhìn biểu hiện của hai con. Trước đó bà luôn lo lắng sợ rằng con trai mình sẽ lạnh nhạt với nàng dâu mới. Giờ tận mắt thấy được, bà cũng yên tâm phần nào: “Đi thôi hai con, mọi người đang chờ đấy.”
Cả đoàn người nhanh chóng đi về gian nhà chính, dọc đường đi chỉ có mẹ Hằng nói mấy chuyện vụn vặn trong nhà. Như Ngọc là con dâu mới gả đến, không biết nói gì cho phải nên đành im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng đáp lại mấy câu. Giống với vợ mình,Vĩ Văn đi ở phía sau không nói gì nhiều.
Đi khoảng thời gian một chén trà, đoàn người cuối cùng cũng đến nơi. Bên trong phòng đã chật kín người ngồi, ở ghế chủ vị là Quận công. Tuy đã hơn sáu mươi tuổi nhưng quanh ông vẫn toả ra khí khái trang nghiêm của bậc lão thành. Vị trí đầu tiên bên trái của Quận công là cha chồng nàng, lần lượt bên dưới là các bác, các chú và anh em các chi. Thấy hai hàng người đồng loạt đứng dậy chuẩn bị chào hỏi, bất giác cả Như Ngọc lẫn Vĩ Văn cùng thở ra một hơi dài.
Cả hai làm xong hết thảy mọi thủ tục là vừa khéo tới giờ ăn trưa. Chỉ một buổi sáng mà tổng bước chân nàng đi còn nhiều hơn cả năm cộng lại. Hết đứng lên, quỳ xuống dâng trà, Như Ngọc mệt đến nỗi chân đi không vững. May thay có Vĩ Văn đỡ một bên cho nàng, nếu không chắc nàng chịu không nổi đến giờ cơm. Sau khi hỏi han qua lại mấy câu, tất cả nam nhân trong phòng lần lượt đi theo Quận công ra gian ngoài dùng cơm, chỉ nữ quyến là ở lại.
Trước khi đi, Vĩ Văn khom người nói nhỏ với Như Ngọc: “Tôi đi trước, nàng ăn cơm ngon miệng.” Dù mặt không biểu cảm nhưng tình cảm thân thiết trong lời nói không từ nào diễn tả được. Mẹ Hằng quay đầu dặn dò nữ hầu, giả bộ không nghe thấy gì. Một vài người khác thì che miệng cười khúc khích.
Người hầu đã quy củ bưng đồ ăn lên, đặt ngay ngắn trên bàn xong xuôi, mọi người lần lượt ngồi xuống ghế. Như Ngọc len lén ngẩng đầu nhìn xung quanh, trước mắt thấy tất cả đều bình thường, mẹ chồng hoà ái dễ gần, chị dâu đoan trang hiền lành, em dâu hoạt bát thân thiện. Bầu không khí thân thích vô cùng hài hòa ấm áp. Nàng nghĩ bụng nếu cuộc sống sau này cũng được như vậy thì tốt biết mấy.
Trước kia mỗi khi có khách đến nhà, ai nấy đều nói nói nàng phúc lớn, vừa được Thánh Thượng ban hôn vừa được gả vào nhà hiển hách. Lúc đó Như Ngọc không nghĩ gì nhiều, cũng không cảm thấy kiêu ngạo. Tuy cả thành đều biết đến danh tiếng Trung Đức Quận Công nhưng chức vị này lại không được truyền thừa cho thế hệ sau. Nên dù cha chồng nàng là con cả, cũng không được kế thừa tước vị. Chưa kể, Vĩ Văn dù được xếp vào bảng “thanh niên toàn năng thế hệ mới” nhưng khi so sánh với những nam nhân tuấn kiệt khác thì có phần lép vé hơn, ngoại trừ chiều cao. Như Ngọc đã cao lắm rồi, không ngờ Vĩ Văn còn cao hơn nàng cả một gang tay. Nếu xét mỗi chiều cao, hai người này thật sự rất xứng đôi, nàng thì 4 thước 1 tấc, chàng thì 4 thước 3 tấc 8 phân. [*]
[*] Tính theo quy định: 1 thước bằng 40cm, 1 tấc bằng 4cm, 1 phân bằng 4mm thì 4 thước 1 tấc xấp xỉ 164cm; 4 thước 3 tấc xấp xỉ 175,2cm.
Ba ngày sống ở phủ Quận công nàng không tiện chú ý xung quanh, ai đời con dâu mới về nhà chồng lại ngó nghiêng khắp nơi. Cho đến hôm lại mặt, hai vợ chồng vừa xuống xe liền thấy cả nhà anh Mẫn đi tới. Như Ngọc liếc nhanh qua chiếc xe lừa nhỏ bé của anh hai, lại nhìn chiếc xe ngựa được chạm khắc tinh xảo của mình. Đúng là “có chút” khác biệt.
Vĩ Văn không để ý nhiều chuyện như vậy, chàng cúi người chào hỏi với anh Mẫn rồi đứng yên lặng một bên. Như Ngọc được chị Lan đỡ xuống xe, cười tươi vui vẻ chào hỏi anh chị, và đoàn người nối đuôi nhau đi vào trong nhà.
Đầu tiên, hai người đi đến nhà chính bái lạy cha mẹ. Tại sảnh đường, cha Hưng và mẹ Dung đã ngồi ngay ngắn trên ghế, đôi vợ chồng trẻ cung kính quỳ xuống lạy ba cái. Kế đấy Vĩ Văn ở lại nói chuyện cùng với cha và hai anh, nữ quyến thì dời vào phòng trong nói chuyện.
Mới có ba ngày trôi qua mà Như Ngọc gầy hẳn đi, mí mắt hiện ra quầng xanh đen nhàn nhạt, lớp phấn mỏng không thể che giấu được vẻ mặt uể oải của nàng nhưng cũng lộ ra nét phong tình quyến rũ của nữ nhân. Sống tới từng này tuổi, hiển nhiên mẹ Dung biết tại sao con gái mình lại ra nông nỗi này. Bà nhíu mày, bắt chị Lan kể đầu đuôi mọi chuyện. Chị Lan không nể nang gì mà trực tiếp tố cáo Vĩ Văn mấy đêm qua đã “mạnh bạo” thế nào, con gái người ta mới lớn mà không biết thương hoa tiếc ngọc gì cả! Như Ngọc cười cười, nũng nịu dựa vào người mẹ ra vẻ mình không sao. Dù sao cũng là chuyện riêng của con gái, mẹ Dung không tiện bình phẩm gì chỉ đành nhắc nhở chị Lan chăm sóc Như Ngọc chu đáo hơn.
Mãi đến đầu giờ Mùi, bầu trời nhuộm một màu vàng óng hai vợ chồng mới đứng dậy cáo từ ra về. Vĩ Văn thoáng thấy vẻ mặt của vợ có phần rầu rĩ hơn ban sáng nhiều, chàng muốn khuyên nhủ mấy câu nhưng không biết nói gì nên đành im lặng.