Những năm gần đây ba vẫn luôn ở chỗ của bác. Năm đó bệnh tật như vậy, tâm đau lại là nguyên nhân chính. Sang bên kia, hoàn cảnh sống đổi thay, lại có bác trai tôi bầu bạn cho nên rất nhanh liền khôi phục.
Khỏi bệnh rồi ba vẫn ở lại đó, hai năm rồi, mỗi năm tôi đều đi một chuyến đến thăm ông ấy. Cuộc sống của ba cũng không tệ, mỗi ngày đều dành thời gian nghỉ ngơi trên những cánh đồng cỏ bạt ngàn, có lúc sẽ cùng bác trai học trồng thứ này thứ kia. Đặc biệt là con gái của bác trai, con bé rất quý mến ba tôi, mỗi khi không phải đi học liền dính lấy ba tôi như cái đuôi vậy, nỗi đau mất vợ của ba tôi cuối cùng cũng vơi dần. Nhắc tới mẹ, ba sẽ mỉm cười thật tươi.
Tôi biết để quên cần phải có thời gian, tôi đợi…
Tôn Dập đi Mỹ rồi, ngày đó tôi bị biến cố trong nhà làm cho mệt mỏi vô cùng, một mình em lo liệu chu toàn việc của mình, lại mỗi ngày nấu cơm, để tôi mang những đồ ăn đầy đủ dinh dưỡng đó vào viện cho ba… Quãng thời gian ấy quả là em đã giúp tôi nhiều lắm, chỉ là tôi quá bận rộn mà bỏ quên em, giờ này nghĩ lại mới phát hiện, ngày đó nếu không có em yên lặng ở bên, có lẽ tôi đã ngã gục không chừng…
Đêm trước khi em đi, tôi ở bệnh viện đến khuya mới trở về nhà, em đã chuẩn bị đồ đạc xong cả, hai va li đầy đồ. Nhìn thấy đống hành lí tôi mới ý thức được em sắp rời đi rồi, vì thế càng thêm buồn khổ, nằm xuống cạnh em cũng không nói chuyện, càng không ngủ được.
Em đưa cánh tay vòng qua cổ tôi, cả hai trầm mặc thật lâu, cuối cùng em lên tiếng trước. “Hạo Nhiên, ngày mai em đi rồi.”
Tôi nói: “Ừ, anh biết.” Thế rồi cả hai lại rơi vào yên lặng…
Thật ra tôi rất quan tâm đến chuyện em đi, nhưng là giai đoạn đó thực sự quá gian nan khiến tôi có phần không chống đỡ được, cho nên nói ra lại là lời như thể không quan tâm em. Em mặc dù chưa từng trách, nhưng tôi biết trong lòng em, khẳng định là thấy mất mát. Nhất thời không biết trong lòng cảm thấy thế nào, tôi cố gắng khắc sâu thật kĩ bộ dáng của em, không biết bao lâu nữa mới có thể gặp lại…
“Dập, anh muốn nghe em hát.” Đột nhiên rất muốn nghe em hát, thật lâu rồi không có khi nào rảnh rỗi mà nghe em hát, có chút nhớ. Ánh mắt em sáng ngời, nhìn tôi một lúc sau đó mới chậm rãi hát.
“Tại sao đối một người rơi nước mắt, anh chẳng lẽ không hiểu đó là tình yêu? Chỉ có những giọt nước mắt rơi vì người mình yêu, mới là những gì đáng trân quý nhất. Một giọt cũng là yêu, tất cả đều là yêu… Tại sao đối một người rơi nước mắt, anh chẳng lẽ không hiểu đó là tình yêu? Nếu như không phải chia xa, có lẽ nước mắt đã không rơi nhiều đến vậy. Nước mắt, sẽ không rơi xuống…”
Tôi không nghĩ em sẽ hát một bài buồn như vậy, ca khúc này tôi từng nghe một nữ ca sĩ hát. Em dùng chất giọng hơi khàn của mình mà hát, từng lời lẽ như chạm đến phần sâu nhất trong lòng tôi, khóe mắt cay cay, nước mắt…
Sáng hôm sau tôi cùng em kéo hành lí tới trạm xe, tôi còn bận rộn cho nên chỉ tiễn em đến đó được thôi. Xa xa nhìn thấy chiếc xe buýt đang tới, chậm rãi dừng lại, em bất chợt đem chiếc khăn quàng vào cổ tôi.
Tôi đã nóng nảy: “Em làm gì hả, mau quàng đi, anh không lạnh!”
Đám người đông đúc chen lên phía trước, em cũng bị cuốn theo dòng người ấy, xa tôi. Em có quay đầu lại nhìn tôi…tôi vẫn ngơ ngác đứng một chỗ, nhìn chiếc xe đi xa cho đến khi khuất hẳn. Thế rồi mới phát hiện ra, còn chưa kịp nói lời hẹn gặp lại.
Chiếc khăn đó tôi vẫn dùng, đó là một chiếc khăn lông cho nên thật ấm áp. Mùi hương của em lưu trên đó cũng không thể giữ lại được lâu, mỗi lần vùi mặt vào tấm khăn choàng đó, tôi cố sức hít hà một chút hương vị của em còn lưu lại. Nhưng, như thế thì có ích gì đâu, người đã không còn bên cạnh tôi. Chiếc khăn, cũng chỉ là đồ vật mà thôi.
Chúng tôi ở hai phía của địa cầu, chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại và mạng internet. Nhưng chỉ nghe được tiếng mà không gặp được em, tâm tình tôi cực kì thống khổ. Mỗi lần nghe giọng em khàn khàn trong điện thoại, nói “Em vẫn khỏe.” khiến tôi phát điên muốn ôm em thật chặt, không để em đi nữa. Tôi rõ ràng là yêu em, nhưng em lại không ở bên cạnh tôi được, nhớ tới những ngày tháng ở bên nhau liền cảm thấy đó như thể mộng, hiện tại đã quá xa vời…
Những tháng ngày cô độc ấy, tôi quẳng mình vào công việc, mà thật ra hiện tại vẫn thế, hết giờ hành chính sẽ tiếp tục làm thêm giờ, chẳng còn thiết về nhà. Mà nói là “nhà” cũng không hẳn, không có ai ở đó đợi tôi trở về, không có tiếng nói cũng chẳng có hơi ấm, đối với tôi mà nói, “nhà” đó là nơi che mưa che gió, không có tình cảm…
Một năm rưỡi sau đó, bởi vì công việc làm tốt cho nên tôi thăng chức.
Một buổi trưa, tôi đột ngột nhận được điện thọai từ một số máy lạ, nhưng trong điện thoại là chất giọng thân thuộc của em, nhưng nghe rất vô lực. “Hạo Nhiên, em về rồi.”
Tôi nhất thời không kịp phản ứng, hồi lâu mới vội vã hỏi: “Em đang ở đâu?”
“Bệnh viện.”
Tôi xin nghỉ, tức tốc tới bệnh viện mà em bảo…
Em đang nằm trên giường bệnh truyền nước biển, ánh mắt đang nhìn ra cửa. Trông thấy tôi, đôi mắt thoáng chốc hồng lên, không lên tiếng, chỉ nhìn tôi thật lâu, khóe miệng nhếch lên một chút, coi như là mỉm cười…
Cổ họng tôi khô khốc một trận, đi tới giường nhìn em thật kỹ. Em gầy đi nhiều, hơi thở khó nhọc, cánh mũi từng đợt từng đợt hít thở khó khăn, tựa như sinh mệnh của em cũng yếu ớt là thế. Cách tay em để dưới lớp chăn mỏng màu trắng, lúc này khẳng khiu chỉ còn lại da bọc xương.
Đã có chuyện gì xảy ra? Tại sao lại thành như vậy? Trước khi đi rõ ràng em còn tốt lắm…
Chúng tôi cứ yên lặng nhìn nhau như vậy, ánh mắt phức tạp, hỗn độn. Lúc này một người đàn ông trung niên đi vào, em mới nói. “Ba em.”
Tôi quay lại nhìn, cúi chào, sau đó ba em đưa tôi ra ban công phòng bệnh nói chuyện.
“Cậu là Hạo Nhiên? Trước tôi có nghe nó nói về cậu, một người bạn.”
Đứng đối diện với người đàn ông cao chừng vai mình, trong lòng tôi chợt cảm thấy khó tả. Đây là ba em, người giúp em chữa bệnh, cũng là người gây cho em bao sợ hãi. Tôi hận ông ấy vì khiến em tổn thương, thế nhưng nhìn thấy dáng vẻ vì em mà nghiêm túc tìm bác sĩ giỏi lại không khỏi mềm lòng. Dù sao Tôn Dập cũng là con của ông, có lẽ, ông ấy cũng đã cảm thấy hối hận…
“Tôn Dập…xảy ra chuyện gì vậy ạ? Tại sao đột nhiên lại bị như vậy?” Tôi vội vội vàng vàng hỏi chuyện quan trọng nhất.
“Nó ở bên Mỹ đột nhiên ngất xỉu, được bạn học đưa đi bệnh viện, bác sĩ bên đó nói tình hình khá nghiêm trọng, cần phải làm phẫu thuật.” Ba em từ từ nói, đôi mắt hướng về phía đâu đó, thở dài. “Ở bên kia nó có một mình cũng không tiện, tôi đã hỏi xem làm phẫu thuật trong nước có được không, kết quả được, hơn nữa tỉ lệ thành công cũng rất cao. Bệnh viện Bắc Kinh, Thượng Hải đều không tồi.” Ông ấy dừng lại, nhìn tôi. “Nhưng là, Tôn Dập nhất quyết muốn làm bên đó.”
Qua bả vai của người đàn ông này, tôi nhìn vào phía trong phòng qua lớp cửa kính, Tôn Dập cũng đang nhìn tôi, ánh mắt vô cùng mềm mại. Tôi nhịn không được cảm thấy đau đớn, Tôn Dập của tôi, em lại một lần nữa trải qua cơn sinh tử, lại một lần nữa chịu đựng đau đớn kịch liệt. Tôi không chịu thay cho em được, thậm chí ngay cả chia sẻ cũng không được, chỉ nhìn em cô độc đối diện…
Ba em lại nói: “Mau vào xem tình hình nó một chút đi, dường như không ổn lắm. Hệt như mẹ nó ngày trước, ngày mai còn phải làm kiểm tra.”
Tôi đã đi gặp giám đốc xin nghỉ phép, mỗi năm ở công ty, tôi có một tháng nghỉ phép, nhưng từ trước tới nay chưa lần nào dùng đến. Thế nên khi xin nghỉ, rất nhanh liền được phê chuẩn.
Sáng ngày hôm sau, tôi mang thật nhiều đồ ăn mà em thích đến bệnh viện. Trước tiên phải bồi bổ cho em đã…
Vừa tới cửa, tôi thoáng nghe thấy em và ba đang to tiếng trong phòng bệnh. Tiếng của em không lớn, lại ngắt quãng, nhưng hết sức kiên định. “Con đã quyết định rồi, ba cũng không thể cản!”
“Không được!” Ba em gần như gầm lên. “Hiến tặng thân thể? Con nghĩ lại xem, con có thể sống! Mà không sống cũng không tặng cái gì hết, phải được chôn vào phần mộ của dòng họ!”
Từng từ ba em nói, tôi nghe không thiếu một chữ, em muốn hiến tặng…em,…muốn…di thể…
Tôi chỉ biết em phải chịu đựng thống khổ, chưa từng nghĩ đến ngày em sẽ ra đi mãi mãi, chưa từng ý thức rằng em sẽ chết, đúng hơn là không dám nghĩ. Thời gian xa em, cuộc sống không có em đã đủ khốn khổ, đều lấy đi của tôi mọi nhẫn nại, càng không tưởng tượng nếu em chết, tôi sẽ như thế nào. Thế giới này không có em, tôi sống vì lẽ gì đây?
Tôi không bước vào phòng bệnh mà chạy vào phòng vệ sinh kế đó, đem mọi đau khổ trở thành nước mắt chảy ra ngoài. Thật lâu sau đó, rửa mặt thật kĩ, đôi mắt đã không còn đỏ, mới lấy dũng khí đi gặp em…
Em đang ngồi dựa trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, bộ dáng dịu dàng ấy càng khiến tâm tôi đau nhức. Cố nặn ra một nụ cười, dùng chất giọng bình thường nhất có thể, tôi bảo em: “Chào buổi sáng, Tôn Dập, em đã ăn sáng chưa? Xem anh mang gì đến cho em này.”
Em mở mắt, mê man nhìn tôi, không biết em suy nghĩ gì, ánh mắt hơi hồng hồng, sửng sốt mấy giây, đưa ống tay áo lên xoa xoa khóe mắt, vội vàng mỉm cười. “Hạo Nhiên, anh đến sớm vậy, em phải kiểm tra máu rồi mới ăn.”
Tôi gật đầu một cái, giả bọ không trông thấy sự lúng túng của em, đem đồ ăn để trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường bệnh.
“Oa, nhiều đồ quá. Anh cũng biết em rất thích mà.”
“Ba em đâu?” Tôi nhìn quanh phòng, đây là phòng cấp cứu riêng, cũng là phòng bệnh luôn. Có lẽ ba em đã tốn không ít tiền để cho em chữa trị trong một môi trường như vậy.
“Ông ấy đi lấy sổ khám bệnh, rất nhanh quay lại thôi.”
Vừa dứt lời cửa liền đẩy ra, nhưng người tới là y tá chứ không phải ba em.
“Giường số 39, Tôn Dập.”
“Vâng.” Em mau chóng đáp lời nữ y tá.
“Phải lấy máu. Vẫn chưa ăn gì chứ?”
“Vẫn chưa.”
Y tá nhanh nhẹn mở túi y tế ra, em vén tay áo lên, để lộ ra cánh tay gầy gò. Y tá dùng một sợ dây mềm buộc trên cánh tay em, tôi đứng một bên mờ mịt nhìn. Cô y tá cầm lên một cái kim tiêm, mau chóng lấy máu em, từng giọt máu đỏ thẫm được lấy ra. Tôn Dập chăm chú nhìn vào cánh tay mình, an tĩnh…
Chỉ chốc lát là lấy máu hoàn tất, y tá rút mũi kim tiêm ra khỏi em, tôi thở phào nhẹ nhõm, bàn tay vô thức nắm chặt đã toát ra một lớp mồ hôi mỏng.
Thế nhưng vừa rút ra, y tá lại một lần nữa cắm cây kim tiêm vào da em, trong lòng tôi cả kinh, lên tiếng: “Những thứ này, phải làm nhiều vậy sao?”
Y tá chăm chú với công việc của mình, chỉ ừ mộ tiếng.
Tôi nhìn em, cả người tôi đã cứng đờ rồi, vẫn cố mỉm cười một chút. Trời mới biết trông tôi khó coi thế nào.
Những lần sau tương đối khó khăn, em mỗi lần đều hít vào một hơi thật mạnh, y tá vẫn bình tĩnh điều chỉnh mũi kim, một hồi rút ra lại đẩy tới một chút. Tôi gắt gao nhìn chỗ da thịt em bị hành, cảm thấy thực khủng khiếp. Kim kia là đâm vào da thịt người, như thế nào có thể động nhiều vậy…
Tôn Dập từ từ rũ mi mắt xuống, từ đầu tới cuối nhíu mày một cái cũng không.
Lần thứ ba lấy máu còn phiền toái hơn, vô luận y tá có điều chỉnh thế nào thì máu vẫn chảy ra rất ít, cánh tay trắng nõn của em giờ chuyển sang một màu tím tái, tôi biết nó cũng mất đi cảm giác rồi. Cánh tay yếu gầy như thế, có bao nhiêu máu để lấy đây…
Y tá lau mồ hôi, không thể làm gì khác đành rút cây kim ra, cõi lòng tôi cũng rơi bộp xuống đất. Y tá đi vòng sang bên kia giường, dùng bông khử trùng cánh tay bên kia…
“Này này, vẫn phải lấy tiếp sao?” Tôi vội vàng hô lên.