- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Người Ở Bên Tay Trái Tôi
- Chương 36
Người Ở Bên Tay Trái Tôi
Chương 36
Tôi gặp lại Trịnh Dương ở bên cạnh sân bóng rổ trong trường —— Vì đài phát thanh đến Học viện Nghệ thuật làm chương trình về việc chọn nghề của sinh viên đại học, Trịnh Dương nghiêm trang ngồi trên ghế đá phỏng vấn khách mời.
Trong cơn gió xuân, chàng trai điển trai mặc áo sơ mi trắng, sạch sẽ, khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng.
Sau khi chương trình kết thúc, anh bắt tay từng khách mời để cảm ơn.
Tôi đứng cách đó không xa, lặng lẽ quan sát.
Lúc đang định lên chào, Trịnh Dương quay đầu lại, cũng nhìn thấy tôi.
Anh ấy vẫy tay chào, nụ cười trong sáng đơn thuần.
Anh vẫn là chàng trai tựa như ánh dương.
Sau khi vào đại học, anh không còn là thiếu niên trầm tĩnh của ba năm trước nữa mà trở thành người lúc nào cũng tỏa nắng và tự tin khi đứng trước mặt bạn.
Lúc anh đi tới, đằng sau là những ánh mắt tò mò chú ý của mấy cô gái.
Nụ cười vẫn dịu dàng như thế: “Lâu rồi không gặp, cô bé, dạo này đang bận gì thế?”
Tôi nghiêm túc đáp: “Chăm chỉ học tập, ngày ngày tiến về phía trước ạ.”
“Ồ? Ha ha, đừng chém nữa, đang bị bạn nam nào theo đuổi và phải trốn tránh khắp nơi hả?” Anh ấy híp mắt cười.
“Làm gì có, có mà anh nhiều hoa đào ấy.” Tôi mím môi.
“Thật à, em đâu chịu làm bạn gái anh, hoa đào ở đâu ra?” Anh giả bộ nhìn đông nhìn tây.
Đột nhiên đáy lòng dâng lên nỗi xúc động nho nhỏ —— Trịnh Dương, anh không thể đứng đắn chút được à? Giờ đâu giống lúc trước.
“Sao không nói gì vậy cô bé?” Anh cúi người, nghiêm túc nhìn vào mắt tôi: “Hửm, không vui à?”
“Không có.”
“Thế sao không nói lời nào, chẳng giống em tí gì.”
“Ai thèm giống anh già còn không đứng đắn, anh không thể nói chuyện tử tế được hả, giờ anh là người đã có người yêu rồi đó, sao vẫn nói năng không đúng mực gì cả.” Tôi trừng mắt lườm anh một cái: “Con gái hay ghen lắm, cẩn thận họa vào thân.”
Anh ngây ra một lúc, muốn nói gì đó song lại bị ngắt lời.
“Hai người ở đây hả, tối nay cùng nhau đi ăn đi.” Lâm Tạp đi tới, lúm đồng tiền xinh như hoa.
Tôi lắc đầu ngay: “Tối tớ có hẹn với Uyển Đình rồi.”
“Ồ…” Lâm Tạp gật đầu: “Vậy chúng tớ đi trước nhé.”
Tôi cũng gật, cười vẫy tay chào rồi xoay người đi trước.
Đi được đoạn xa rồi quay lại, tôi thấy bọn họ sóng vai nhau đi tới hướng cổng trường.
Chàng trai điển trai và cô gái xinh đẹp tựa như bức tranh dưới ánh nắng chiều.
Thật ra đến cả tôi cũng không tin rằng trên thế giới này có tình bạn khác giới thuần túy và vĩnh cửu.
Bởi vì một ngày nào đó, mỗi người đều sẽ có tình yêu và gia đình thuộc về riêng mình nên sẽ có rất nhiều thứ cần cố kỵ và để ý.
Tình bạn đẹp nhất là ký ức sinh động khi ta còn trẻ để khi nhớ lại nó có thể đi theo ta cả đời.
Rồi ai cũng sẽ có hạnh phúc riêng —— Ba tôi nói mẹ tôi là một nửa hình tròn ba tìm kiếm đã lâu, bọn họ đến bên nhau để tạo nên một hình tròn viên mãn.
Vậy, một nửa hình tròn kia của tôi giờ đang ở nơi nao?
Không thể nói cho mọi người biết rằng: Thật ra cái cô Đào Oánh bàn chuyện tình yêu, tình thân, tình bạn trong chương trình kia đến giờ vẫn còn độc thân.
Cuối tuần, tôi lại đến trường Hành Tri.
Vừa vào cổng đã trông thấy Đoạn Tiểu Lâm ôm một chồng trang phục múa đi tới phòng luyện tập, tôi đuổi theo giúp đỡ, em ấy ngẩng đầu, mỉm cười nhìn tôi.
Có lẽ do đã đủ ăn ý nên không cần em ấy nói tôi đã tự động trả lời “Không có gì”.
Em ấy mỉm cười rồi kéo tôi tới xem mình tập luyện.
Trong căn phòng luyện tập to như vậy, giáo viên hướng dẫn không ngừng ra hiệu theo điệu nhạc, Tiểu Lâm nhẹ nhàng như một chú chim, nhảy và xoay tròn, trên trán lấm tấm mồ hôi, đẹp đến nỗi không thể hình dung được bằng lời.
“Hình như mấy đứa nhỏ rất thích em.” Lúc tôi đang nhập tâm, bên cạnh đột nhiên vang lên tiếng nói chuyện.
Tôi quay đầu lại, thấy hiệu trưởng trường Hành Tri đang đứng ngay bên cạnh và cũng đang chăm chú nhìn kỹ thuật nhảy điêu luyện của Đoạn Tiểu Lâm.
Hiệu trưởng Thẩm chưa tới 40 tuổi, thầy đeo mắt kính, ánh mắt trống trải và an yên.
Thầy là một nhân vật vô cùng truyền kỳ, từng nghe người ta nói gia đình thầy rất giàu có, trước khi người cha qua đời đã để lại cho thầy sản nghiệp khổng lồ và một phần quỹ từ thiện.
Năm ấy thầy cùng lắm chỉ mới tốt nghiệp thạc sĩ, vừa phải lo cho gia nghiệp vừa bận chiêu mộ người tình nguyện tham gia vào quá trình đưa quỹ từ thiện vào hoạt động.
Năm năm sau, trong cái nhìn kinh ngạc của mọi người, khi sự nghiệp đang lên như mặt trời ban trưa, thầy dứt khoát từ chức, để vợ mình làm chủ tịch tập đoàn, còn thầy thì toàn tâm toàn ý lập nên trường học Hành Tri, đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng.
Khi đó có nhiều người nói thầy đang làm màu.
Nhưng thầy không giải thích gì, cố gắng tránh sóng gió truyền thông rồi rút khỏi vòng luẩn quẩn mình đã từng quen thuộc.
Có lẽ do thói quen nghề nghiệp, tôi đột nhiên rất muốn hỏi thầy ấy một vấn đề: “Thầy Thẩm, thứ lỗi cho em mạo muội, có rất nhiều người giàu có hoặc người nổi tiếng đều hoặc ít hoặc nhiều tham gia vào việc từ thiện, có thể có người làm vậy để sao tác, cũng có người làm vì thật lòng tốt bụng, vậy thầy thì sao ạ? Tại sao thầy nguyện bỏ ra rất nhiều công sức cho trường Hành Tri vậy ạ?”
Thầy ấy liếc nhìn tôi thật sâu rồi mỉm cười: “Em đang phỏng vấn hả?”
Tôi cũng cười: “Chắc vậy ạ.
Thầy Thẩm có muốn chia sẻ câu chuyện thanh xuân của mình cho chúng em không ạ?”
Thầy bật cười rồi nói: “Vợ tôi tên là Đoạn Nhã Kỳ.”
Tôi ngây ra một lúc, bỗng thấy hơi khó hiểu.
Ánh mắt thầy lẳng lặng nhìn theo bóng dáng đang xoay tròn trong phòng luyện tập: “Tiểu Lâm là con gái tôi.”
Lòng tôi như bị đυ.ng trúng.
Tôi sửng sốt nhìn cô bé đang nghiêm túc luyện tập theo động tác của cô giáo, trán em mồ hôi chảy ròng ròng, họa lên không trung một tia sáng mảnh dẻ, như có thể phản chiếu ánh mặt trời.
Mơ hồ nghe thấy giọng thầy hiệu trưởng: “Tôi đã bàn bạc với vợ, nếu có con gái sẽ để nó theo họ mẹ, nếu là con trai thì theo họ tôi.
Là đứa con đầu lòng của chúng tôi, lúc Lâm Lâm sinh ra, tôi từng nghĩ mình là người hạnh phúc nhất thế giới.
Nhưng không ai ngờ năm Lâm Lâm 5 tuổi, một trận bệnh nặng khiến màng nhĩ của con bé phát sinh biến chứng, sau đó con bé bị điếc hoàn toàn, không bao giờ là Lâm Lâm trước đây nữa.”
“Chúng tôi có lỗi với con bé, cả hai vợ chồng đều bận rộn, đến khi phát hiện con bé bị bệnh thì đã không còn kịp rồi.” Thầy khẽ thở dài: “Cũng bắt đầu từ ngày đó, tôi đột nhiên nhận ra sự nghiệp thành công nhưng người tôi yêu quý nhất lại tổn thương vì nó, tất cả những thứ chúng tôi có được đâu còn ý nghĩa gì nữa?”
“Tôi không thích đối diện với truyền thông vì tôi không hy vọng câu chuyện của Lâm Lâm bị phơi bày ra ánh sáng.
Đời này nếu như con bé phải đứng dưới ánh đèn sân khấu thì chỉ có một khả năng duy nhất đó là dựa vào chính năng lực của mình, để vũ đạo của mình được mọi người công nhận.” Giọng thầy dịu dàng và trầm ổn: “Mặc dù con bé không nghe thấy nhưng nhiều năm qua, tôi và vợ luôn cố gắng khiến con bé biết, chỉ cần có hy vọng, chỉ cần cố gắng, tất cả mọi người sẽ giống nhau.
Với một người lười biếng, tai hay miệng cũng chẳng có giá trị gì nhiều; Với một người lạc quan thì dù có mất đi âm thanh, thế giới vẫn vô cùng dễ nghe.”
Tôi vô cùng chấn động vì những lời này.
Tôi bỗng nhớ đến Nhạc Triết đề cập, vô thức hỏi: “Tiểu Lâm có xem TV không ạ?”
Thầy ngạc nhiên nhìn tôi: “Đương nhiên là có, nếu không sao quen biết em được?”
“Những chương trình nào em ấy có thể xem được ạ?”
“Cũng không nhiều lắm.” Thầy cười khổ: “Thật ra Kênh Giáo dục cũng có bản tin dùng ngôn ngữ ký hiệu nhưng như muối bỏ biển mà thôi.”
Dừng một chút, thầy nói: “Chúng tôi đang lo không biết có nên mời một vài giáo viên ngôn ngữ ký hiệu về hay không, lúc đi học sẽ dùng ngôn ngữ ký hiệu phiên dịch các chương trình trên TV để khiến bọn trẻ có thể hiểu được sự thay đổi của thế giới bên ngoài.”
“Nhắc tình trạng dùng từ thiện để làm màu…” Thầy chuyển chủ đề, “Tôi thừa nhận quả thật cũng có, nhưng nói thì nói thế, là cha của một cô gái khuyết tật, tôi cảm thấy kết quả quan trọng hơn mục đích.
Bởi vì dù có làm màu thì chịu dùng từ thiện chứ không phải mấy chuyện xấu xa gièm pha khác cũng đáng để tôn kính rồi.”
Tôi bất giác gật đầu.
Tối đó tôi quay lại trường học, dựa trên những thông tin thu thập được ở trường Hành Tri, tôi đã dành cả buổi tối để làm một bản kế hoạch chương trình.
Mặc dù biết mình còn non và thiếu chuyên nghiệp, ba ngày sau tôi vẫn đưa cho đạo diễn Lý, chú ấy ngạc nhiên khi nhìn thấy bản kế hoạch, nhìn tôi chằm chằm trong ba giây và hỏi: “Cháu không hối hận chứ?”
Tôi lắc đầu.
Vẻ mặt chú rất tha thiết: “Đào Oánh, cháu chỉ là một sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, chắc cháu biết nền tảng của cao cỡ nào, rating của Kênh Giáo dục thấp hơn nhiều, chú nghĩ mình không cần phải nói nhiều về điều này nữa.”
Tôi gật đầu, nhìn thẳng vào mắt chú: “Đạo diễn, em gái cháu là người khuyết tật.”
Đạo diễn ngây người, chỉ câu này thôi là đủ hiểu.
Nháy mắt ấy, trong đầu tôi ngập tràn hình ảnh nụ cười của Hạ Uyển Đình, Đoạn Tiểu Lâm và rất nhiều đứa nhỏ khác ở trường Hành Tri.
Tôi luôn nhớ ý định ban đầu của mình khi chọn trở thành người dẫn chương trình cách đây không lâu đó là mang lại niềm vui cho người khác, và tôi thì nhận được niềm vui từ điều đó.
Một người khỏe mạnh đã có quá nhiều lý do và cơ hội để vui vẻ.
Nhưng đối với một người khuyết tật, thế giới của họ có thể chỉ vỏn vẹn trong một tấc vuông bầu trời.
TV, radio và Internet là những nền tảng giúp họ giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Nếu họ muốn chiến thắng chính mình, họ cần ai đó nói cho họ biết —— Bạn có thể, bạn có thể, bạn không khác gì những người khác!
Mà tôi nghĩ mình muốn làm điều này, có lẽ cũng chỉ có thể làm được như thế.
Ba ngày sau, đạo diễn Nhâm của Kênh Đời sống tới tìm tôi nói chuyện, nói xong thì thở dài: “Đào Oánh, thật ra cháu cũng biết nếu bọn chú cố tình không thả thì cháu cũng không đi được.
Bởi vì cháu đã ký hợp đồng với đài truyền hình tỉnh 5 năm, trong 5 năm này cháu từ chức tức là vi phạm hợp đồng, không từ chức sẽ phải tuân theo sắp xếp.
Nhưng chú vẫn quyết định sẽ để cháu đi.”
Chú ấy dừng một lúc rồi trịnh trọng nhìn tôi: “Chú đã xem bản kế hoạch của cháu, mặc dù nếu xét theo góc độ chuyên nghiệp, bản kế hoạch này vẫn còn non nớt, không có gì xuất sắc, nhưng chú có thể nhìn thấy sự nhiệt tình và tấm lòng lương thiện của cháu.
Đào Oánh, cháu còn trẻ, tương lai sẽ có rất nhiều sóng gió nằm ngoài khả năng chịu đựng của cháu, khi người khác đã công thành danh toại mà cháu lại chẳng có tiếng tăm gì thì hãy nhớ lời chú nói hôm nay —— Tâm hồn phong phú càng bền lâu, càng quý giá hơn những vinh quang sớm nở tối tàn nhiều, cho nên nếu đã lựa chọn thì quyết không hối hận.”
Tôi ngây người nhìn vào mắt đạo diễn rồi gật đầu.
Lúc xoay người ra ngoài, tôi mới cảm giác được sự ẩm ướt nơi đáy mắt.
Một tuần sau, tôi đưa tin trên Kênh Giáo dục, chính thức trở thành MC chương trình, Hạ Uyển Đình trở thành đối tác ngôn ngữ ký hiệu của tôi.
***
Việc tôi rời khỏi là tin tức lớn nhất của quý này.
Ở bên ngoài giới có rất nhiều tin đồn khác nhau về chuyện này, trong đó có hai tin đồn nổi hơn, một cái nói tôi phạm lỗi nên bị “biếm vào lãnh cung”, một cái nói tôi bị người thân của vị lãnh đạo nào đó chèn ép cho nên chỉ có thể từ bỏ vị trí MC chương trình hay này.
Nhất thời có rất nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt tràn ngập đồng tình và thương hại, đương nhiên có cả hả hê khi thấy người gặp họa, tất cả đều nằm trong dự đoán của tôi.
Nhưng có rất nhiều thứ tôi không ngờ tới.
Sau khi biết tin tôi “chủ động từ bỏ”, những ánh mắt đồng tình, thương hại và hả hê biến thành nghi ngờ: Đào Oánh chủ động từ bỏ á? Sao cô ta tốt bụng thế? Cao thượng thật hay giả vờ cao thượng vậy?
Tôi không nói gì —— Tốt bụng còn cần lý do sao? Hay cao thượng không đáng tin nữa?
Cuối cùng cũng nhớ đến lời của Bạch Cư Dị mà Adrian từng nhắc tới: Đường khó đi, không phải do sông, không phải do núi, mà do lòng người phức tạp.
Khoảng thời gian đó, ít nhiều cũng có bạn bè giúp tôi vượt qua.
Một mình Trịnh Dương ôm đồm gần hết công việc chuẩn bị trước chương trình chỉ vì muốn Lâm Tạp dành ra chút thời gian để bầu bạn với tôi; Nhạc Triết thường xuyên trợ giúp tôi trong tổ chuyên mục, tan làm sẽ đi ăn cùng tôi, luôn nhắc nhở tôi “Tiếp tục kiên trì, thanh giả tự thanh”; Còn có Hạ Uyển Đình, em không nói lời nào, chỉ dùng đôi mắt trong veo như nước nhìn tôi, nói cho tôi biết “Em và các bạn học đều rất thích chị, chúng em mãi mãi ủng hộ chị”…
Mà đêm đến, Adrian sẽ trò chuyện cùng tôi.
—— Rốt cuộc không còn thấy bạn trong nữa rồi, tôi nhớ quá.
Rời khỏi nơi ấy, tất nhiên tôi rất luyến tiếc.
Vốn tưởng sẽ không buồn như vậy.
Cô bé à, bạn còn nhỏ, chờ đến khi lớn rồi bạn sẽ biết trên thế giới này có rất nhiều chuyện phức tạp, chỉ khi chúng ta giữ được tấm lòng sạch sẽ mới có được sự yên lặng chân chính.
Nhưng cuộc sống ở rất phong phú, bởi vì tôi nhận thấy rất nhiều thiếu sót của bản thân và hóa ra tự mình học hỏi lại là một quá trình thú vị đến thế.
Đúng vậy, cuộc sống là của chính bản thân mình, cứ làm những gì mình thấy vui vẻ là được, người khác nói gì cứ mặc kệ họ.
Đúng rồi, bạn có định thi nghiên cứu sinh không?
Chưa nghĩ đến, có vẻ giờ vẫn còn sớm.
Bánh không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, cơ hội chỉ ưu ái những người có chuẩn bị.
Học nghiên cứu sinh toàn học lý thuyết thôi, nghe có vẻ khó và không thực tế.
Tôi nghĩ học nghiên cứu sinh không chỉ là học sâu về kiến thức chuyên ngành mà quan trọng hơn là bồi dưỡng thói quen và kỹ năng học tập, đương nhiên bao gồm cả cách suy nghĩ nữa.
Nhưng thạc sĩ chuyên ngành Phát thanh dẫn chương trình quá ít.
Có thể thử những ngành liên quan được mà, đạo diễn hoặc quản lý truyền thông gì đó.
Đổi chuyên ngành à?
Đổi chuyên ngành khác có gì không tốt? Học thêm ít tri thức, không bị người ta gọi là bình hoa nữa.
Nghe bạn nói có vẻ chuyên nghiệp thế? Bạn học ngành gì vậy?
Một người bạn của tôi đang học tiến sĩ về truyền thông tại Đại học Truyền thông Trung Quốc nên thường tán gẫu về mấy cái này.
Nếu bạn quan tâm, tôi sẽ giúp bạn thu thập tài liệu.
Cảm ơn nhé.
Đột nhiên khách sáo thế.
Tôi không biết nên báo đáp bạn như thế nào cả.
Hay thật, còn “báo đáp” nữa, định vượt lửa qua sông à?
Ha ha, thật ra không phải không thể.
…..
Một giờ đêm chúng tôi mới logout.
Tôi chưa bao giờ thể hiện sự cảm kích của mình đối với Adrian, nhưng trong lòng biết mình luôn có một người bạn như vậy ở bên, mỗi khi tôi cần sự ủng hộ và cổ vũ, anh luôn có mặt.
Nhưng cũng may, nhờ sự cố gắng của mọi người, lúc hè đến, rating chương trình đã bước vào giai đoạn ổn định.
Đây là một tin tốt, vì nó có nghĩa là chương trình mới vốn bị xem nhẹ của chúng tôi đã có nhóm khán giả cố định của riêng mình và đang bắt đầu tiến vào cuộc đua lành mạnh; nhưng đó không phải là tin tốt, bởi vì khi rating của chương trình tăng lên, tất cả hoạt động tương tác, gây quỹ từ thiện, đăng ký tình nguyện viên đều được thực hiện trong kỳ nghỉ hè.
Mọi người trong tổ chuyên mục phải huy động hết nhiệt huyết của mình và chạy tới chạy lui, đúng là “sinh mệnh chưa thôi, chiến đấu chưa ngừng”.
Cuối cùng, thậm chí tôi còn không được nghỉ hè, chỉ có thể liên lạc với người thân thông qua những cuộc điện thoại.
Tai bà ngoại càng ngày càng lãng, bình thường tôi toàn phải nói lớn vào micro của điện thoại, nhưng như thế lại khiến bà bị hét inh cả đầu, mà nói nhỏ bà lại không nghe thấy.
Ba năm, dường như bà ngoại đã già đi rất nhanh.
Lần về quê gần nhất là về đợt tết Nguyên đán, bà ngoại đã đợi sẵn ở cổng sân từ ngày 28 tháng Chạp, chờ Tiểu Đào của bà về.
Ngày đầu tiên chờ, vẫn chưa thấy về.
Hôm sau nhiệt độ không khí giảm đột ngột, bà quay về phòng dọn ghế dựa ra ngồi trước cửa sổ, mắt đăm đăm nhìn cổng sân.
Lại chờ thêm ngày nữa nhưng vẫn chưa thấy người về.
Ngày thứ ba là đêm 30, nhà nhà bắt đầu gói sủi cảo, bà cũng gói.
Cuối cùng, ngay trước khi sủi cảo ra khỏi nồi, bà trông thấy Tiểu Đào yêu quý của bà đẩy cửa ra mỉm cười với bà.
Bà già đi nhanh quá, nhưng tôi chẳng có cách nào nói cho bà biết rằng sáng 30 chúng tôi vẫn phải tiến hành chỉnh sửa và tổng duyệt lần cuối cho chương trình đặc biệt về tết Âm lịch và phần l*иg tiếng của tôi vẫn đang bận xử lý hậu kỳ.
Nhưng may là chương trình tết Âm lịch cuối cùng cũng thuận lợi phát sóng, tất cả hàng xóm trong sân lục tục tới nhà tôi để chúc mừng vô cùng chân thành:
“Tiểu Đào xinh quá, con gái 18 tuổi thay đổi nhiều.”
“Tiểu Đào trên TV biết ăn nói thật, có tiền đồ, giỏi lắm.”
“Cho thằng Tiểu Thịnh nhà chúng ta theo cháu học được không? Tiểu Thịnh, lại đây chào chị nào.”
…..
Bà ngoại mừng đến độ cười tít cả mắt.
Chỉ có ông Đinh nói: “Chắc Tiểu Đào vất vả lắm hả cháu?”
Giọng ông ấm áp, ánh mắt hiền hòa.
Sống mũi tôi bỗng cay xè, xuýt nữa thì rơi nước mắt.
Nhưng tôi đã không còn là Tiểu Đào yếu đuối mít ướt ngày xưa nữa rồi.
Tôi thấy cay mũi là vì: Sự cố gắng của tôi suy cho cùng là hy vọng người nhà cảm thấy tự hào về tôi, nhưng khi tôi có được hết thảy thì khoảng cách của tôi với bà ngoại càng xa hơn.
Chỉ mình tôi tự hiểu, bây giờ tôi nên ở bên bà nhiều hơn.
Trong kỳ nghỉ hè, Học viện Nghệ thuật bình thường vốn chẳng mấy sôi động càng trở nên vắng vẻ hơn, chỉ có tôi và Lâm Tạp phải ở lại khu nhà dành cho sinh viên vì công việc.
Do có ưu thế “dân bản xứ”, Trịnh Dương rất hay quay về trường học sau đó hối lộ thím gác cổng tầng một để chạy lên tầng ba.
Mỗi khi tiếng bước chân của con trai vang lên trên hành lang trống trải, tôi và Lâm Tạp thường nhìn nhau cười rồi mở cửa phòng ngủ ra.
Trịnh Dương không bao giờ đi tay không, lần nào qua cũng xách theo hai quả dưa hấu, nhìn tôi và Lâm Tạp mang chúng đi rửa, bổ ra làm hai, dùng thìa xúc một miếng to rồi bỏ ngay vào miệng.
Trịnh Dương nói: “Hai đứa như hai con mèo ăn no thỏa mãn ấy.”
Lúc nói những lời đó, giọng anh mang theo sự cưng chiều không thể kiềm chế.
Nhất thời tôi chợt có ảo giác rằng: Trịnh Dương vẫn là Trịnh Dương ngày xưa.
Là thiếu niên từng nói với tôi rằng đừng lo lắng, đừng sợ hãi, là người thắp sáng ngọn nến sinh nhật 18 tuổi của tôi, là người cùng tôi ngâm bài …
Nhưng chỉ chớp mắt cái, tôi ngẩng đầu lên, biết đó chỉ là ảo giác của mình.
Và cũng chỉ trong một cái chớp mắt, tôi có thể nhìn thấy: Lâm Tạp xúc một thìa dưa hấu và đưa nó đến trước mặt Trịnh Dương.
Trịnh Dương xua tay nói “Anh không ăn đâu”, sau đó đưa tay ra, rất đỗi tự nhiên lau vết nước dưa hấu dính trên má Lâm Tạp đi.
Không khí nhuốm đầy vị ngọt ngào của dưa hấu.
Tôi cúi đầu múc dưa, dời mắt lên tay trái đang cầm thìa của mình.
Vẫn là tay trái ha.
Phảng phất nhớ tới cậu bạn đẹp trai và giọng điệu trầm thấp của cậu: “Đào Oánh, phía bên trái của cậu hoặc là không thể có ai ngồi, hoặc phải là một người cả đời cam tâm tình nguyện cúi đầu nhặt đũa.”
Cậu ấy tên là Trương Dịch.
Cậu ấy là một gốc cây bạch dương cao ngất, là người từng cho tôi sự quan tâm tốt đẹp nhất vào năm 16 tuổi, cũng cho tôi sự tổn thương khắc cốt ghi tâm.
Nhưng thời gian đã xa quá rồi, xa đến nỗi tôi đã quên mất sự tổn thương đó, chỉ còn nhớ những khoảnh khắc ấm áp và tốt đẹp.
Bởi nếu không phải vì trưởng thành, tôi sẽ không ý thức được sự ngây ngô của những năm tháng đó.
Tôi đã sớm tha thứ cho cậu ấy rồi.
Chỉ tiếc là cậu ấy cứ trốn tránh mãi, không chịu xuất hiện trước mặt tôi.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Người Ở Bên Tay Trái Tôi
- Chương 36