Tôi xúc động nắm lấy bàn tay chắc nịch đầy những vết chai sạn của bố. Bàn tay này đã từng ôm ấp hai chị em tôi mỗi khi bố đi xa trở về, cũng chính đôi tay này đã vất vả làm lụng để kiếm từng đồng tiền nuôi hai chị em ăn học. Tôi nợ bố mẹ nhiều quá, nợ một cuộc đời, nợ những giọt mồ hôi nước mắt, nợ tình yêu thương, nợ sự chăm sóc lo lắng, nợ cả những vất vả mỗi ngày, nợ nhiều, nhiều lắm. Thế mà đến giờ tôi vẫn chưa thể làm được gì cho bố mẹ tôi, vẫn cứ loay hoay tìm con đường đi đúng đắn cho mình, và giờ lại bị mang một niềm oan khuất khó nói. Làm sao tôi dám nói ra, làm sao tôi nỡ để bố mẹ tôi phải lo lắng vì tôi thêm nữa, bố mẹ đã chịu đựng đủ rồi. Tôi không muốn bố mẹ tôi vướng vào chuyện của tôi để bị người ta dùng những lời lẽ không ra gì làm tổn thương, tôi sẽ đau lòng lắm.
“Bố, con yêu bố!” Tôi thốt ra một câu mà tôi đã từng muốn nói từ rất lâu mà chưa có cơ hội.
Bố nở một nụ cười mãn nguyện, như một loại tự hào nào đó của bố về đứa con gái vô dụng này. Nụ cười của bố làm tôi nhìn rõ hơn những nếp nhăn quanh khóe miệng, vết chân chim hằn sâu nơi đôi mắt cũng tố cáo tuổi tác cùng nỗi vất vả của một đời người.
“Bố cũng vậy, bố yêu cả gia đình mình.”
Tôi nhào đến ôm chặt lấy bố, áp mặt vào l*иg ngực rộng và ấm của bố. Bố cũng ôm lấy tôi, vỗ nhè nhẹ lên vai như một sự động viên âm thầm. Tôi vừa khóc vừa nghe tiếng nhịp tim đập trầm ổn của bố để nhận ra tình yêu thương của bố sao mà ấm áp đến thế. Bố tôi vốn không phải người giỏi thế hiện tình cảm, chị em tôi chỉ có thể nhìn thấy nó qua cử chỉ, hành động của bố hay đôi khi chỉ là một câu nói rất khô khan nhưng sự quan tâm lại đong đầy. Bây giờ tôi chỉ cần gia đình tôi cứ mãi như thế này thôi, không đòi hỏi gì khác nhưng sao mọi thứ cứ không chịu yên, sao cứ dồn ép khiến tôi mệt mỏi thế này?
“Mẹ về!” Bo từ trong nhà chạy ra gọi to. Chắc thằng bé thấy tôi đang ôm ông ngoại của nó nên cứ đứng nhìn với một vẻ rất lạ lẫm. Tôi mỉm cười trong dòng nước mắt nhìn Bo, bố tôi thì đưa tay ra vẫy vẫy. Bo thấy vậy, lăng xăng chạy lại ôm ông ngoại. “Ông ngoại ơi, Bo cũng thích ôm ông.”
Bố tôi ngửa đầu cười: “Ông cũng thích ôm Bo của ông.”
Mẹ tôi từ ngoài vườn ôm rổ rau mới hái đi đến bể nước, thấy mấy ông cháu đang ôm nhau thì trêu đùa: “Ông ngoại mới có thêm đứa cháu gái hả?”
Bố tôi vẫn cười khà khà. Bo nghe tiếng bà ngoại múc nước liền cun cút chạy đến: “Bà ngoại rửa rau, Bo cũng rửa.”
Tôi đứng dậy, nghiêm chình nạt Bo: “Con đừng có động đến chậu nước của bà, nghe chưa Bo? Lại chuẩn bị ướt hết quần áo bây giờ.”
“Bo rửa rau cho bà ngoại, không phải nghịch nước đâu mẹ.” Thằng bé chống chế.
“Được rồi, mẹ Vân không cần mắng Bo của bà nữa. Để bà dạy Bo rửa rau.” Mẹ tôi vẫn luôn bênh vực Bo như thế.
“Nhà mình hôm nay vui thế ạ?” Tuyên ôm quả bóng dắt xe vào sân.
“Mới đi đá bóng về hả Tuyên?” Tôi hỏi.
“Vâng, mệt quá!” Rồi Tuyên chạy đến nhấc bỗng Bo khỏi chậu nước khi nó đang làm nước bắn tung tóe. “Bo của cậu lại nghịch nước phải không?”
Tuyên dụi dụi cằm vào bụng Bo làm thằng bé cười khanh khách: “Bo rửa rau. Cậu ơi!”
“Rửa rau hay nghịch nước?”
“Bà ngoại ơi! Cứu Bo” Bo chuyển sang cầu cứu bà.
Bố tôi đang uống chè, thấy vậy nhắc Tuyên: “Đi tắm đi Tuyên, còn ăn cơm, đừng trêu cháu nữa.”
Tuyên đùa với Bo thêm một lát rồi mới chạy đi tắm. Tôi đứng trên sân nhà, nhìn mặt trời đang lặn dần, những tia nắng nhạt ngập vàng sân gạch đỏ hòa quyện với tiếng cười nói giòn tan của cả gia đình. Hạnh phúc chỉ đơn giản có thế thôi.