-Dù sao cũng đã đến, hôm nay cậu Thăng ở lại đây dùng bữa tối với mọi người rồi hãy về. - Chú Phú chân thành lên tiếng mời.
Cô Thương cũng phụ họa theo:
-Đúng đó, hôm qua Phương nó không chịu ăn, nhất quyết xin về đi ăn với bạn, giờ nghĩ lại chắc người bạn đó là cậu Thăng đây. Cậu và Phương ăn xong rồi về cũng không muộn.
Phục Thăng quay qua nhìn Ngọc Phương, thấy cô bé nhún vai, đôi môi nở một nụ cười ngây thơ vô số tội. Hay ghê, cô bé này tội chưa xử hơi bị nhiều, nhưng miệng mình giờ đã bị quăng cục xương "đừng hỏi" vào rồi nên Phục Thăng lâm vào thế khó. Hỏi thì bị nói là tra khảo, còn không hỏi thì cứ tức anh ách trong lòng. Nhìn anh bạn chung nhà gắng gượng ngồi vào bàn ăn, cố làm ra vẻ mặt thật tự nhiên, Ngọc Phương cũng cảm thấy buồn cười. Suốt cả bữa ăn, cô cứ ngồi tủm tỉm cười.
Dù chỉ mới gặp lần đầu, nhưng không hiểu sao chú Phú lại thấy rất quý mến Phục Thăng. Chú vừa gắp đồ ăn cho anh vừa nói:
-Con ăn đi, thật ra khi nhận Phương vào đây làm, chú cũng hơi áy náy vì công việc này so với con bé hơi....
-Không có gì đâu chú, làm việc gì cũng hay, miễn sao tiền kiếm ra không vi phạm pháp luật là được. - Phục Thăng vừa trả lời vừa cười cười nhìn Ngọc Phương.
Ngọc Phương giật mình đánh thót, nhưng vẫn giữ bình tĩnh như không, nét mặt không đổi sắc, thản nhiên gắp thức ăn. Bữa tối cuối cùng cũng kết thúc, Phục Thăng tạm biệt mọi người rồi dắt Ngọc Phương ra về.
Dắt xe ra đường, anh đội chiếc nón cho Ngọc Phương rồi lên xe. Cô nhanh nhẹn ngồi lên yên sau, hai tay vòng ra trước ôm lấy bụng anh, đoạn dúi mặt vào lưng Phục Thăng chợp mắt. Mũi cô ngửi được mùi hương đàn ông của Phục Thăng, không quá nồng và đặc biệt rất dễ chịu đối với cô.
-Mệt lắm sao ? - Phục Thăng ngoái đầu nhìn lại hỏi.
Vẫn nhắm nghiền mắt, Ngọc Phương thều thào:
-Ừ, mệt lắm, hôm nay làm nhiều nên hơi đuối sức.
-Có chuyện gì muốn nói với anh không? - Phục Thăng cười cười.
-Tạm thời chưa muốn nói, em mệt, chở em về nhà đi. - Ngọc Phương nói như không ra hơi.
Phục Thăng biết tỏng cô nàng này đang giả vờ để né tránh. Từ lúc gặp cô đến giờ, chưa bao giờ thấy nàng ta mệt mỏi, huống chi còn đủ sức sút bay cả cánh cửa gỗ. Anh rồ ga cho xe chạy, được một quãng, Phục Thăng nói vọng về phía sau:
-Em từng ăn kem chưa ?
Ngọc Phương vừa nghe đến đó , vội vàng mở mắt, tỉnh như sáo sậu chồm lên đáp:
-Chưa bao giờ ăn món đó, chở em đi ăn nha.
Phục Thăng cười khanh khách:
-Ừ, giờ mình đi ăn rồi về, nghe tới ăn khỏe liền luôn ha.
-Giả sử anh được người khác mời một món ăn chỉ dành cho vua chúa thì dù đang bệnh, anh cũng sẽ cảm thấy khỏe ngay. - Ngọc Phương nói liên tù tì một hơi, khác xa với giọng điệu như cá đớp bong bóng ban nãy.
Phục Thăng cười đáp:
-Kem mà là món cho vua với chúa gì chứ, chỉ có trẻ con mới mê thứ này.
Ngọc Phương cười, im lặng không nói gì. Thật ra đúng như lời Ngọc Phương nói, "Kem" là một món ăn chỉ dành cho vua chúa. Thời xưa ngay cả những người giàu có cũng chưa chắc ăn được kem. Trong thời kỳ của đế quốc Ba Tư, người ta đã biết đổ nước ép nho đậm đặc lên bát chứa đầy tuyết để dùng. Đây là loại thực phẩm thường được sử dụng trong những ngày nắng nóng. Tuyết từ mùa đông được lưu trữ trong những buồng ngầm gọi là "yakhchai" và sau đó được mang ra sử dụng dần khi mùa đông kết thúc. Ngoài ra ngay trong mùa hè, người dân vẫn có thể khai thác băng tuyết từ dãy núi Ecbatana gần đó.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy một người cụ thể nào có công phát minh ra kem. Theo những ghi chép được phát hiện và lưu trữ đến ngày nay cho thấy, nguồn gốc của kem có từ những năm 200 trước Công nguyên, khi người Trung Quốc cổ đại tạo ra món ăn từ gạo trộn với sữa sau đó được làm lạnh bằng cách đóng gói và vùi trong tuyết. Bấy giờ là thời Thương dưới sự trị vì của vị vua đầu tiên là Thiên Ất. Ông đã chiêu mộ hơn 90 "người đàn ông băng" để trộn một hỗn hợp gồm bột, long não và sữa trâu với nước đá.
Người Trung Quốc cũng được ghi nhận là chế tạo máy làm kem đầu tiên. Họ dùng một chậu chứa đầy hỗn hợp si rô, sau đó đóng gói chậu lại và vùi vào trong tuyết và muối.
Một trong số những loại thực phẩm có hình thức giống kem được chế tạo từ thời Alexander Đại đế, một người rất ưa thích tuyết trộn với mật ong. Có ghi chép lại rằng, hoàng đế Nero Claudius Caesar từ Rome cũng từng cho người tới những dãy núi để thu thập băng tuyết về sau đó trộn với nước trái cây tạo nên một hỗn hợp tương tự như kem trái cây ngày nay. Đây chính là những hình thức kem đầu tiên của con người. Tuy nhiên, bấy giờ kem chỉ phù hợp với tầng lớp quý tộc, vua chúa vì không phải ai cũng có điều kiện gởi người đi thu thập băng tuyết từ những đỉnh núi cao.
Món kem này là món để lại ấn tượng cho Ngọc Phương vô cùng sâu sắc. Vì nghĩa phụ Trương Phúc Loan của cô từng than thở rằng, trong cõi trời nam này món ngon vật lạ nào lão cũng đã từng nếm qua. Duy chỉ có món kem là có muốn cũng không được, vì ngày xưa không có cách nào bảo quản được nước đá và tuyết để đem đến được Đàng Trong.
Vì thế vừa nghe Phục Thăng nói đến chữ "kem", Ngọc Phương liền hào hứng bỏ luôn lớp ngụy trang ảo não nãy giờ. Xe chạy vòng vèo qua nhiều con đường, cuối cùng dừng lại tại một tiệm kem và cà phê khá lớn nằm ở ven sông. Gió thổi từ bờ sông vào l*иg lộng, không khí khá trong lành. Dọc bờ sông được kê những chiếc bàn và ghế gỗ xinh xắn, mỗi bàn có một chiếc dù lớn che phủ bên trên. Ngọc Phương nhìn biển hiệu của quán:
-"CÀ PHÊ & KEM NGỌC PHƯƠNG"