Sáng hôm sau, bọn quần hùng cáo biệt ra về. Tiễn họ xong, bọn Kiếm Vân cũng khởi hành thượng quan.
Chàng nghi ngờ Điện Tiền thái úy Quan Quý Hạ nên đi được vài dặm đã rẽ vào rừng cải trang, theo đường tắt đến Trinh Châu. Ba người không mang vũ khí nên dễ dàng giả dạng thường nhân. Kiếm Vân đóng vai một anh chàng công tử thế gia, đưa phu nhân lên Bắc Kinh du ngoạn. Còn Viên Long trở thành quản gia.
Tại bến đò Trịnh Châu ven sông Hoàng Hà, chàng để ý toán quân chăm chú quan sát những người mang vũ khí, dường như muốn tìm ai đó?
Hàn Phụng Hương đã được chân truyền phép dịch dung của Nan Đề lão nhân nên chẳng ai nghi ngờ chàng công tử mặt trắng kia lại là Liễu Kiếm Vân danh vang tứ hải.
Tổng cộng, họ mất tất cả mười ngày để đến Bắc Kinh. Họ mướn hai phòng thượng hạng trong Yên Kinh đại lữ điếm. Tắm gội, ăn uống xong, Viên Long đến Phân đàn Cùng Gia bang ở Bắc Kinh để liên hệ.
Đêm đến, Kiếm Vân âm thầm đột nhập Cấm thành. Từ ngày Công chúa bị bắt, việc canh phòng cực kỳ cẩn mật. Lực lượng thị vệ tăng gấp đôi, ngày đêm tuần tra. Đã mấy lần chàng suýt bị phát hiện nhưng pho khinh công “Kim Ưng Phiêu Phong” quán tuyệt thiên hạ về thuật nhào lộn trên không nên chàng đến điện Cần Chính một cách êm thắm. Chiều nay, Truy Phong Cái Viên Long đã đem về cho chàng sơ đồ Cấm thành, nhờ vậy chàng mới có thể biết đường vào. Nếu không, chỉ như lạc vào mê trận.
Chàng thản nhiên nhảy xuống vườn hoa nhỏ cạnh Ngự Thư phòng, ghé mắt nhìn qua khe cửa. Minh Thần Tông vẫn còn thức, ngài đang phê duyệt tấu chương từ các nơi gởi về. Có lẽ vì lo lắng, nhớ thương Công chúa nên long nhan tiều tụy, mắt thâm quầng.
Thấy phòng không có thái giám hầu cận, chàng gõ cửa khẽ gọi :
- Thánh thượng, thảo dân là Liễu Kiếm Vân, xin được vào bái kiến.
Hoàng đế giật mình, nhưng khí phách Thiên tử khác với thường dân, ngài nói vọng ra :
- Then cửa không gài, khanh cứ tùy tiện.
Chàng mở cửa nhảy vào, quỳ xuống ra mắt :
- Thánh thượng vạn tuế!
Lúc đi chàng đã xóa bỏ lớp hóa trang, Vĩnh Lịch nhận ra người tráng sĩ hôm trước, mừng rỡ xua tay :
- Miễn lễ!
Ngài nắm tay chàng dắt đến ngồi bên kỷ trà, vui vẻ hỏi :
- Sao khanh không để sáng mai vào chầu sớm mà lại nửa đêm đột nhập? Lỡ thị vệ phát hiện, khó tránh tội mất đầu.
Chàng nghiêm mặt nói :
- Thảo dân cũng hiểu như vậy, nhưng nếu có người biết thảo dân có mặt ở Bắc Kinh, e bọn gian tà sẽ đưa Công chúa đi xa, khó mà tìm được. Mong Thánh thượng lượng thứ.
Vịnh Lịch cau mày :
- Vậy ra khanh nghi ngờ trong cung có nội gián Mãn Châu hay sao?
- Khải tấu! Thảo dân tin chắc như thế.
Hoàng đế cười bảo :
- Nhân tâm nan trắc. Đời nào cũng có loạn thần tặc tử, hiền khanh lo xa như vậy cũng tốt. Liễu hiền khanh tướng mạo trung hậu, đường chính, lập công mà không đòi ân thưởng, trẫm rất quý mến. Do đón khi Công chúa thất tung, trẫm nghĩ ngay đến hiền khanh. Hãy vì trẫm mà cứu cho được Vĩnh Sương công chúa. Nếu thành công, dẫu khanh có muốn phong vương trẫm cũng không từ chối.
Kiếm Vân mỉm cười từ tạ :
- Muôn tâu! Thảo dân là kẻ áo vải trên giang hồ, không coi trọng lợi danh. Chỉ mong đem ba thước gươm trừ gian diệt bạo, giúp đỡ kẻ thế cô. Nay Thánh thượng cần đến, thảo dân xin xả thân để đền ơn tấc đất ngọn rau, chứ không mong vinh hoa phú quý.
Hoàng đế xúc động, nắm chặt tay chàng phán :
- Trẫm có được một bầy tôi trung thành như khanh quả là đại phúc.
Chàng nghiêm nghị nói :
- Thánh thượng đã có lòng tin yêu, thảo dân xin phơi bày gan ruột, nếu lời trung ngôn nghịch nhĩ Thiên tử, thảo dân dẫu chết cũng không dám oán.
Minh Thần Tông cười độ lượng :
- Khanh cho ta là vị hôn quân hay sao?
- Thảo dân không dám, nhưng sau mấy tháng điều tra, thảo dân đã phát hiện Điện Tiền thái úy Quan Quý Hạ là kẻ đại gian thần. Trên thì lừa dối, xiểm nịnh thánh hoàng, dưới thì đè nén bá quan, tham lam vô độ. Lão ta cấu kết với Mãn Châu qua bọn thương nhân người Mãn. Trong vụ bắt cóc Công chúa, chắc chắn có bàn tay lão nhúng vào.
Minh Thần Tông biến sắc hỏi lại :
- Khanh đã nắm được bằng cớ gì chưa?
Chàng dâng lên cho ngài tờ hoa tiên :
- Muôn tâu! Đây là tên tuổi của những thương nhân người Mãn thường lui tới dinh Thái úy và cả ngày giờ gặp gỡ.
Triều luật Đại Minh nghiêm cấm các đại thần giao du với người ngoại bang. Vậy mà, tổng cộng trong ba tháng qua, họ Quan đã gặp gỡ đến mười hai lần. Trong đó, gã lái buôn Tề Nhã Xích có bốn lần.
Vĩnh Lịch thở dài, trầm ngầm một lúc rồi phán rằng :
- Trẫm nhớ đến lúc khanh lao mình vào bụng kình ngư để cứu lê dân nên hiểu rằng khanh không có cớ gì để lừa dối trẫm. Một người không tiếc mạng sống, không ham phú quý mà trẫm còn nghi ngờ thì hóa ra chỉ là lão hôn quân hay sao? Vì vậy, trẫm đặt cơ đồ vào tay khanh, cứ tùy nghi hành sự. Dù hoàng thân quốc thích hay đại thần cũng chẳng dung tha, nếu họ có tội.
Ngài trở lại án thư, viết mật chỉ phong cho chàng chức Điện Tiền đặc sứ. Hoàng đế lấy thanh cổ kiếm dài chừng hai gang tay, trầm giọng bảo :
- Đây là thanh Ngư Trường kiếm mà Kinh Kha thời Chiến Quốc đã sử dụng. Cũng là bảo kiếm tùy thân của Thái Tổ hoàng đế. Khanh hãy cầm lấy mà trừng trị loạn thần tặc tử, tạo phúc cho lê thứ.
Kiếm Vân quỳ xuống nhận kiếm và mật chỉ. Quyết định xong một việc lớn lao, Vĩnh Lịch nghe nhẹ cả người, hoan hỉ bảo :
- Bây giờ khanh đã là đặc sứ, chức vụ cao quý nhất triều, không được xưng là thảo dân nữa và trẫm muốn mời hiền khanh vài chung ngự tửu.
- Hạ thần tuân chỉ!
Vua tôi uống rượu, đàm đạo vui vẻ, tương đắc. Đến giữa canh ba, chàng đã nắm được tình tiết vụ bắt cóc, bàn kế sách xong, chàng cáo thoái.
Phụng Hương và Viên Long đang nóng ruột chờ đợi, thấy chàng về đến vô cùng mừng rỡ. Phụng Hương nũng nịu bảo :
- Muội chỉ sợ đại ca bị bọn thị vệ bắt mất rồi.
Chàng mỉm cười, kể lại mọi việc. Thì ra hôm ấy bách tính Bắc Kinh đổ xô đến chùa nghe Thiên Vô thiền sư thuyết pháp. Bọn thị vệ hộ tống Công chúa đến cổng chùa, nàng xuống kiệu cùng hai cung nữ hầu cận vào đại điện. Nhưng lúc tan buổi lễ họ không thấy ba người đi ra. Cửu Môn đề đốc được báo tin, kéo hai ngàn thị vệ đến lục soát khắp nơi mà không tìm ra. Thiên Vô thiền sư và hai trăm tăng lữ trong chùa bị giam vào thiên lao để tra xét. Kiếm Vân đã khuyên hoàng đế thả họ ra vào sáng mai.
Quan Ngự Tiền Đới Đao Chu Tứ là cháu ruột của Thánh thượng nên có thể tuyệt đối tinh tưởng. Gã có vóc dáng tương tợ như chàng nên Kiếm Vân sẽ hóa trang thành Chu Tứ để tiện bề hành động.
Sáng hôm sau, ba người đến khu rừng nhỏ cạnh chùa Quang Tế để gặp Chu Tú. Gã được hoàng đế triệu kiến đêm qua để dặn dò nên đã có mặt chờ sẵn. Sau lưng gã là năm thị vệ thân tính, cũng là con cháu trong hoàng tộc.
Kiếm Vân xóa lớp hóa trang, họ Chu nhận ra chàng mừng rỡ chạy đến bái kiến :
- Tiểu tướng ra mắt Điện Tiền đặc sứ.
Năm gã thị vệ cũng vòng tay chào. Chàng và Chu Tú đã gặp nhau trên bờ Bắc Hoàng Hà, ngày chàng gϊếŧ kình ngư. Gã là đệ tử tục gia của Thiên Vô thiền sư trụ trì chùa Quảng tế, đã có thời gian lăn lộn giang hồ nên vẫn tự coi mình là người võ lâm. Tính tình họ Chu thẳng thắng, hào sảng và trung liệt. Gã đã được nghe danh Kiếm Vân nên vô cùng ngưỡng mộ. Chàng kể rõ kế hoạch của mình. Chu Tú vui vẻ bảo :
- Tiểu tướng sẵn sàng đóng vai thị vệ hầu cận cho Đặc sứ.
Hàn Phụng Hương mở bọc đồ nghề, hóa trang cho Kiếm Vân. Nửa khắc sau, chàng đã giống họ Chu như hai giọt nước. Gã và bọn thị vệ trợn mắt khâm phục.
Nàng lại hóa trang cho dung mạo Chu Tú khác đi, gã sẽ theo sát Kiếm Vân để nhắc nhở chàng những thiếu sót, vì chàng không thuộc mặt bá quan và cũng chẳng am tường triều lễ.
Họ Chu cởi bỏ bộ y phục đang mặc cho Kiếm Vân. Còn gã, Phụng Hương, Viên Long biến thành thị vệ cho chàng.
Cả bọn nhìn nhau cười thích thú.
Kiếm Vân trầm giọng bảo năm gã kia :
- Đây là sứ mạng cực kỳ bí mật và nguy hiểm, các ngươi phải tuyệt đối giữ kín và cẩn trọng. Nếu thành công, bổn sứ sẽ tâu với Hoàng thượng hậu thưởng cho.
Chín người ra khỏi khu rừng, vòng đến cửa chùa.
Quảng Tế tự là ngôi chùa gỗ đồ sộ và tuyệt đẹp, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ sáu, đời vua Minh Thành Tổ. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Trung Hoa.
Gã đội trưởng thị vệ, thuộc hạ Cửu Môn đề đốc vòng tay chào. Kiếm Vân lạnh lùng nói :
- Thánh thượng có lệnh cho anh em về nghỉ ngơi, không cần canh giữ nơi này nữa.
Gã mừng rỡ rút quân ngay. Tám người vào đại sảnh xem xét. Chu Tú chỉ cho chàng vị trí mà Công chúa và hai cung nữ hầu cận đã ngồi.
Trong buổi thuyết pháp, các thiện nam ngồi bên tả, tín nữ bên hữu, cách nhau bằng lối đi chính giữa rộng chừng nửa trượng. Công chúa là người mộ đạo nên có chỗ ngồi riêng ở hàng đầu.
Chàng ngắm nghía cảnh vật trong đại điện, quay lại hỏi họ Chu :
- Buổi thuyết pháp kéo dài bao lâu và Công chúa có đi vệ sinh gì không?
- Bẩn đặc sứ! Thiền sư chẳng bao giờ nói quá một canh giờ. Hai tiểu tăng đứng hầu đã xác định Công chúa không hề rời chỗ.
- Có phải toán thị vệ hộ tống đứng ngay cửa tín nữ chờ đợi chứ không để ý lối ra của bọn nam nhân?
- Thưa phải! Tiểu tướng đã hỏi rõ.
- Đã xác định được lai lịch những người quỳ gần Công chúa chưa?
- Thưa có! Năm người ngồi ở hàng trên đã bị tra hỏi. Cả nam lẫn nữ là một trăm người. Đây là danh sách của họ.
Chàng xem kỹ phần nam nhân, thấy có đến ba người ngồi ở hàng đầu là người của phủ Điện Tiền thái úy.
Chàng hỏi Chu Tú :
- Túc hạ biết gì về ba người này?
Gã gãi đầu đáp :
- Họ là gia nhân tâm phúc của Thái úy nên đuợc gạt ra ngoài vòng nghi vấn. Chỉ biết họ là bà con xa của họ Quan, mới vào phủ bốn tháng trược.
Chàng gật đầu hài lòng :
- Ta hiểu rồi! Giờ này buổi chầu sớm chắc đã xong, chúng ta trở về cung gặp Thánh thượng.
* * * * *
Trong buổi chầu sáng hôm sau, Vĩnh Lịch hoàng đế vui vẻ phán :
- Sau trận cuồng vũ ba tháng trước, mùa màng của bách tính Hà Nam bị thiệt hại nặng nề. Quan Thái úy hãy thay mặt trẫm, mang năm mươi vạn lạng bạc xuống đấy chẩn tế.
Quan Quý Hạ mừng rỡ nhận chỉ. Phát chẩn là công việc béo bở, lão nhủ thầm rằng sẽ kiếm được không dưới hai mươi vạn lượng.
Ngay trưa hôm ấy, cờ lọng rợp trời, sáu mươi thị vệ hộ tống Thái úy và xe chở bạc xuôi Nam.
Trời vừa sụp tối, một bóng đen từ hoàng cung lướt nhanh như bay thoát ra, biến mất trong phủ Thái úy nằm ngay cửa Cấm thành. Đương nhiên, quân thị vệ đuổi theo và vây chặt phủ đệ họ Quan.
Ngự Tiền Đới Đao Chu Tú dẫn theo bảy thủ hạ xăm xăm bước vào cổng. Gã lạnh lùng tuyên bố với viên Tổng quản :
- Bổn tướng phát hiện thích khách xâm nhập Hoàng cung, truy đuổi theo thì thấy rõ hắn chạy vào đây. Tổng quản hãy triệu tập tất cả những người trong phủ lên đại sảnh để công việc được dễ dàng.
Đỗ tổng quản tái mặt chạy vào gọi mọi người. Tổng cộng có đến sáu trăm người. Chu Tú khóa chặt cửa sảnh, giao cho hai ngàn thị vệ canh giữ rồi xua quân lục soát. Họ Chu vào thẳng khu hậu viện, mở tung tất cả các phòng ốc nhưng không phát hiện được gì.
Gã suy nghĩ một lúc, quay lại mở cửa đại sảnh bảo Đỗ tổng quản :
- Không tìm thấy thích khách nhưng bổn tướng phải lấy danh sách những người trong phủ để trình lên Hình bộ Thượng thư.
Gã bảo thủ hạ lấy bàn ghế đặt ngay cửa. Người bên trong sẽ bước ra khai danh tánh, tuổi tác, quên quán.
Thư ký là một tên thị vệ vóc người nhỏ bé, bàn tay thon nhỏ, trắng trẻo.
Chu Tú tuyên bố :
- Nếu có ai bị câm hay không biết tiếng Bắc Kinh, nhờ Đỗ tổng quản khai báo giùm.
Họ Đỗ mau mắn nói :
- Bẩm tướng quân, quả thật có một người câm, hắn tên gọi Quan Tứ, quê ở Sơn Đông, hắn là cháu họ xa của Thái úy.
- Tốt lắm! Cho gã ra trước!
Đỗ tổng quản quay vào gọi lớn :
- Quan Tứ ra đây!
Đó là một hán tử thấp đậm, to ngang, mắt nhỏ. Gã vừa bước đến trước bàn thì Chu Tú ôm bụng rêи ɾỉ :
- Úi chà! Sao tự nhiên bụng ta lại đau thế này. Chắc chiều nay ăn phải món lạ. Thị vệ đâu? Mau đóng cửa lại, chờ bổn tướng ra mới tiếp tục truy xét.
Tên thị vệ cao lớn mời cả Đỗ tổng quản vào trong rồi khóa chặt cửa lại. Chu Tú ôm bụng rời ghế, nhưng khi đi ngang gã câm, Chu Tú vung chỉ điểm nhanh rồi vác gã chạy vào một phòng ở xa đại sảnh. Bảy gã thị vệ thân tín cũng đi theo sau.
Chu Tú quẳng gã câm xuống sàn, ngồi xuống ghế trầm giọng nói :
- Bổn quan biết ngươi là cao thủ Mãn Châu trà trộn vào kinh, và cũng biết rõ Thái úy là người cấu kết với bọn ngươi. Là người học võ, chắc ngươi cũng hiểu rõ tác dụng của thủ pháp Phân Cân Thác Cốt. Nếu thật thà khai báo, ta hứa sẽ tâu với Thánh thượng tha chết và ban cho năm ngàn lượng bạc để định cư ở Trung Thổ.
Tên thị vệ cao lớn phiên dịch lại bằng tiếng Mãn. Nhưng gã câm vẫn giả đò không hiểu, ú ớ huyên thiên.
Chu Tú cau mày, điểm nhanh mười bốn huyệt đạo và tháo rời các khớp xương tay chân của gã. Thủ pháp này cực kỳ tàn độc nhưng vô cùng hữu hiệu. Chỉ nửa khắc sau, mồ hôi gã câm toát ra như tắm, mặt tái xanh, mắt như muốn lồi ra ngoài. Nếu xương quai hàm không bị khóa, gã đã cắn lưỡi chết cho xong. Gã không chịu nổi, gật đầu ra dấu sẽ khai.
Chu Tú giải huyệt, trả các khớp xương về chỗ cũ. Gã câm mở miệng nói bằng giọng lơ lớ, trọ trẹ :
- Ngươi hứa sẽ bảo vệ Đa Tứ này an toàn chứ?
Chu Tú gật đầu :
- Ta lấy danh dự của một người trong hoàng tộc Đại Minh hứa với ngươi. Bây giờ hãy nói cho ta biết Công chúa hiện ở đâu?
- Trong nhà bếp của phủ có mật thất, ta sẽ dẫn ngươi đi.
- Khoan đã, trong phủ, ngoài ngươi còn bao nhiêu cao thủ Mãn Châu nữa?
- Hai mươi người! Họ cùng ta đến đây được bốn tháng.
- Tốt lắm! Số còn lại của lực lượng nội gián Bắc Kinh đóng quân ở đâu?
- Trong một trang viện của Thái úy, cách cửa Đông thành mười dặm có hai trăm người.
- Người lãnh đạo tối cao của bọn ngươi là ai?
- Công chúa Nộ Nhĩ Thanh Hoa, con gái Đại vương tử Nộ Nhĩ Cáp Xích.
- Nàng hiện ở đâu?
- Không rõ, Công chúa võ nghệ siêu phàm, lại giỏi thuật hóa trang, đi khắp nơi điều động thủ hạ.
Thấy đã tạm đủ, chàng bảo một tên thị vệ dưới quyền cởi y phục trao cho gã tù binh. Gã hăng hái dẫn Chu Tú, tức Kiếm Vân đi giải cứu Công chúa.
Vào đến bếp, gã bấm vào nút bí mật trên bàn thờ Táo Quân, sàn bếp hiện ra một khung cửa cầm, có bậc thang đi xuống.
Chàng theo sát Đa Tứ. Quả nhiên, cuối hầm là một gian phòng có đủ giường chiếu, bàn ghế. Ba thiếu nữ đang ngồi rầu rĩ bên ngọn bạch lạp.
Kiếm Vân bước đến thi lễ :
- Tiểu tướng chậm cứu giá khiến Công chúa chịu nhiều khổ cực.
Nhận ra Ngự Tiền Đới Đao Thị Vệ, Vĩnh Sương mừng rỡ :
- Chu khanh quả là người tài trí mới tìm được chỗ này. Ta sẽ tâu với phụ vương ân thưởng.
Hai cung nữ mừng như sống lại, dìu Vĩnh Sương lên thang.
Ra đến ngoài, Kiếm Vân bảo tên thị vệ cao lớn :
- Túc hạ âm thầm hộ tống Công chúa hồi cung, tuyệt đối không để người ngoài biết.
Gã chính là Chu Tứ thực, lấy áo choàng thị vệ đưa Công chúa và hai cung nữ rồi đưa họ về cung.
Kiếm Vân trở lại khách sảnh, bắt giữ toàn bộ hai mươi tên nội gián, đem về thiên lao. Năm trăm thị vệ ở lại giám sát, còn bao nhiêu tiến thẳng ra phía Đông thành.
Cách Quan gia trang một dặm, ba ngàn thị vệ xuống ngựa, áp sát vào, Kiếm Vân thấy vòng vây đã khép chặt, ra lệnh đốt đuốc. Chàng quát vang như sấm :
- Bọn gian tế Mãn Châu, nếu không muốn chết thì mau buông vũ khí quy hàng.
Nhưng chúng đều là những võ sĩ kiêu dũng, được tuyển lựa cẩn thận nên đâu dễ khuất phục. Kiếm Vân đốc thúc thuộc hạ tràn vào, chàng như mãnh hổ vung thanh Ngư Trường kiếm sắc bén tung hoành giữa đám cao thủ Mãn Châu. Quả là danh bất hư truyền, thần vật thời Xuân Thu chém sắt như chém bùn, chặt bay tất cả vũ khí mà nó chạm vào. Chưa đầy nửa canh giờ, hơn trăm tên đã mạng vong. Đến cuối canh ba chỉ còn sót lại ba mươi tên, bọn chúng khϊếp đảm trước ban lãnh của Kiếm Vân, quỳ xuống chịu trói.
Đoàn quân thị vệ tận mắt chứng kiến Chu đới đao hiển lộng thần công, dũng mãnh như thiên tướng nên đồng thanh hoan hô vang dội.
Kiếm Vân cho quân lục soát, thu thập tài sản và tang chứng rồi dẫn mọi người về Cấm thành.
Cửu Môn đề đốc là biểu thúc của Chu Tú, đứng đợi ở cửa cung, mừng rỡ hỏi :
- Hiền điệt đã diệt gian tế chưa? Lần này ngươi lập đại công, tất sẽ thăng quan tiến chức. Mau vào cung, Thánh thượng đang chờ.
Minh Thần Tông đang ngồi trò chuyện với Công chúa ở Ngự Thư phòng, thấy chàng vào, ngài hân hoan phán :
- Liễu hiền khanh phá án như thần, chỉ nửa ngày đã cứu được Công chúa. Trẫm mang ơn khanh rất nhiều, trẫm miễn lễ, mau ngồi xuống đây.
Chàng vòng tay tạ ân rồi an tọa, Vĩnh Lịch rót ngự tửu, cười bảo :
- Hiền khanh hãy cùng trẫm cạn chén để mừng Công chúa thoát nạn.
Vĩnh Sương nũng nịu nói :
- Phụ hoàng không cho hài nhi uống với sao?
Minh Thần Tông cười khà khà, rót cho nàng. Uống xong, nàng bảo Kiếm Vân :
- Mong Liễu tráng sĩ cho ta được diện kiến chân mục. Ta cũng phải biết mặt ân nhân của mình chứ?
Lời nói của nàng cũng là thánh chỉ, Kiếm Vân đành xóa bỏ lớp hóa trang, để lộ dung mạo anh tuấn, hiên ngang.
Công chúa cười khúc khích, đảo đôi mắt phượng, vòng tay nói :
- Vĩnh Sương bái tạ ơn cứu mạng.
Chàng hốt hoảng đáp lễ, rồi thưa :
- Hạ thần không dám. Đó chỉ là bổn phận của bầy tôi.
Vĩnh Sương công chúa là trưởng nữ của Vĩnh Lịch hoàng đế, tuổi vừa đôi chín. Nhan sắc cực kỳ kiều diễm nhưng tính tình hào sảng, thẳng thắn, tinh nghịch. Công chúa đã từng nghe vua cha kể về chiến tích diệt kình ngư của chàng, nên từ lâu vẫn thầm ngưỡng mộ. Nay thấy ân nhân mặt mũi tuấn tú, khí phách anh hùng, lòng xuân nữ xuyến xao, nhìn chàng không chớp mắt.
Kiếm Vân báo cáo lại toàn bộ cuộc tra xét phủ Thái úy và trận chiến Quan gia trang. Hoàng đế căm giận vỗ bàn :
- Trẫm sẽ bảo Cửu Môn đề đốc đuổi theo bắt tên phản tặc họ Quan.
Kiếm Vân mỉm cười :
- Thánh thượng an tâm, sáng mai sẽ có người đem lão về đây nạp mạng.
Vĩnh Lịch hài lòng khen :
- Liễu hiền khanh tài trí chẳng thua Võ Hầu thuở trước. Sáng mai nhớ vào chầu.
Chàng hỏi mượn chiếc gương đồng của Vĩnh Lịch, hóa trang như cũ rồi cáo biệt. Công chúa lưu luyến tiễn chàng đến tận cửa điện Cần Chính.
* * * * *
Sáng ra, chàng cùng đám thị vệ đến cửa Ngọ Môn chờ đợi. Quả nhiên, Hắc Lư đạo trưởng ngất ngưỡng trên lừa đen, họ Quan bị trói gô, vắt ngang lưng lừa.
Kiếm Vân bước đến chào :
- Thúc tổ, Vân nhi bái kiến, mời người vào chầu Thánh thượng.
Đạo trưởng cười ha hả, nắm họ Quan ném cho chàng rồi bảo :
- Lão đạo ta không quen nghi lễ, hẹn gặp lại!
Dứt lời, lão quay lừa đi thẳng, Thái úy mếu máo nói :
- Chu đới đao còn hờ gì nữa mà không cởi trói cho bổn quan?
Chàng không đáp, xách lão vào cung. Bá quan văn võ đều biết đêm qua thị vệ bao vây phủ Thái úy bắt thích khách. Nay thấy Ngự Tiền Đới Đao mang lão vào không khỏi xôn xao.
Chàng đặt họ Quan xuống trước bệ rồng, cởi trói cho lão. Quan Quý Hạ vội sửa sang y phục, quỳ xuống tâu :
- Khải tấu Thánh thượng! Lão thần vừa ra khỏi thành trăm dặm đã bị hai lão già quái dị bắt trói đem về kinh. Lòng thật chẳng hiểu tại sao?
Minh Thần Tông lạnh lùng phán :
- Lạ nhỉ? Sao họ lại đưa khanh về cung? Hay là họ biết Công chúa đã được cứu thoát nên đưa khanh về triều để dự tiệc mừng?
Thái úy run bắn người, há hốc miệng khi thấy Công chúa bước ra, ngồi xuống cạnh long ngai.
Lão cố trấn tĩnh tung hô :
- Lão thần vui mừng khi được thấy Công chúa vạn an!
Vĩnh Sương ranh mãnh nói :
- Đúng ra ta phải cảm ơn khanh đã tiếp đãi nồng hậu, nhờ vậy, sau hơn tháng ở trong phủ, ta không hề gầy đi chút nào. Có điều căn hầm của ngươi nóng nực quá, lần sau nhớ mở thêm lỗ thông hơi cho thoáng mát.
Bá quan ồ lên kinh hãi, không ngờ Thái úy là hung thủ bắt cóc Công chúa.
Quan Quý Hạ biết mình khó thoát chết, dập đầu lạy van :
- Lão thần biết tội, xin Thánh thượng nghĩ đến công lao mấy chục năm tận tụy mà tha mạng.
Minh Thần Tông cười nhạt :
- Tội bắt cóc Công chúa có thể tha, nhưng tội thông đồng với ngoại bang, chứa chấp gian tế Mãn Châu chẳng thể bỏ qua.
Quan Hồng Lô ngự sử bước ra, trình bày tang chứng và bản cung của các tên gian tế đang bị giam ở thiên lao.
Quần thần phẫn hận, đứng ra khải tấu, đòi tru di tam tộc họ Quan.
Kiếm Vân trong lúc lục soát phủ Thái úy, thấy có mấy chục tiểu đồng thơ dại. Chàng không nhẫn tâm để chúng chết oan, nên quỳ xuống thưa :
- Khải tấu Thánh thượng. Hạ thần xin long nhan khai ân, chỉ chém một mình Quan Quý Hạ, tịch biên gia sản, đuổi vợ con thân quyến của lão về quê, suốt đời không được thi cử, tham chính. Như vậy, càng làm sáng tỏ lòng nhân đức biển trời của Thiên tử.
Minh Thần Tông lạnh lùng bảo :
- Triều luật Đại Minh đã rõ ràng, nhưng nếu khanh dám đem công lao hạn mã của mình ra, đổi lấy mạng gia quyến họ Quan thì trẫm sẽ chuẩn tấu.
Kiếm Vân khẳng khái thưa :
- Hạ thần không dám xin ân thưởng bất cứ điều gì.
Công chúa nhìn chàng với vẻ khâm phục. Vĩnh Lịch vỗ long án, quắc mắt hỏi quần thần :
- Chư khanh có hiểu nổi hành động của Chu đới đao hay không? Chính Chu khanh là người giải thoát Công chúa, tiêu diệt nội gián Mãn Châu và khám phá ra tội phản quốc của Quan Quý Hạ. Thế mà hắn lại đem công lao của mình đổi lấy tính mạng đàn bà, con trẻ dòng họ Quan? Nếu là các khanh, có ai dám làm như vậy không?
Bá quan đồng thanh đáp :
- Chúng thần không dám trái thánh ý.
Vĩnh Lịch gật đầu :
- Chư khanh thông minh lắm. Thế các khanh có nhớ trận mưa bão ba tháng trước, kình ngư xém chút nữa đã đập vỡ đê Hoàng Hà? Người hiệp sĩ thần dũng vô song ấy đã chui vào miệng kình ngư, chém nát trái tim của nó để giải cứu cho trăm vạn lê dân hai bờ sông. Khi trẫm muốn ân thưởng thì họ Liễu không xin gì cho mình cả. Hành động của họ Chu đới đao hôm nay có khác gì họ Liễu chăng?
Quần thần chưa lần nào nghe Thánh thượng dài dòng hùng biện như thế, họ ngơ ngác cố đoán được thánh ý.
Hoàng đế nói với vẻ bí ẩn :
- Trẫm hỏi chư khanh, nếu Liễu tráng sĩ ở cương vị Chu đới đao hôm nay, chàng ta có làm như họ Chu không?
Bá quan đua nhau động não, cố tìm cách trả lời. Hữu thừa tướng Lý Hà là bậc lão thành, đã mấy chục năm làm quan nên thuộc làu thủ đoạn đọc tâm can thánh chúa. Lão vuốt râu, e hèm rồi nói :
- Muôn tâu, theo ý lão thần, họ Liễu cả thân mình còn dám liều thì tiếc chi chút vinh hoa phú quý? Chu đới đao học theo gương họ Liễu cũng tốt, nhưng chỉ sợ vẽ phượng thành gà. Nếu quan Ngự Tiền muốn nổi danh, xin dùng phương thức khác.
Minh Thần Tông bật cười :
- Khéo nói lắm! Ai phượng ai gà, Liễu hiền khanh hãy cho họ diện kiến đi.
Chàng lạy tạ, đứng lên, xóa lớp hóa trang, trở thành chàng hiệp sĩ hôm nào. Chàng vòng tay nói lớn :
- Giang hồ áo vải Liễu Kiếm Vân bái kiến bá quan.
Họ giật mình mừng rỡ, xúm lại hỏi han. Hữu thừa tướng khôn ngoan, phục xuống tung hô :
- Thánh thượng anh minh thần cơ diệu toán, chúng thần vô cùng kính phục.
Lão là quan đầu triều nên mọi người phải làm theo.
Vĩnh Lịch nghiêm mặt phán :
- Liễu hiền khanh đáng mặt lương thần, trẫm chuẩn tấu không tru di tam tộc họ Quan.
Lão Thái úy lóp ngóp lạy tạ long ân, rồi quay sang lạy sát đất :
- Liễu tráng sĩ là bậc đại nhân, đại nghĩa. Lão phu kiếp sau xin làm thân khuyển mã đáp đền.
Hai giáp sĩ bước đến lột áo mão, lôi lão xuống thiên lao chờ chém.
Kiếm Vân quỳ xuống dâng trả Ngư Trường kiếm :
- Loạn thần đã trị xong, thảo dân xin hoàn lại bảo kiếm để trở lại giang hồ.
Vĩnh Lịch lắc đầu :
- Quân vương bất hí ngôn. Trẫm đã ban cho khanh, chẳng bao giờ thu lại. Hiền khanh mãi mãi là Điện Tiền đặc sứ của Đại Minh. Khanh có điều kiện chu du khắp nơi, hãy thay mặt Thiên tử mà làm sáng danh Minh Triều. Nơi nào có tham quan, ác bá, cứ thẳng tay trừng trị.
Kiếm Vân tạ ơn rồi lui ra, bá quan rủa thầm chàng ngốc không biết nhân cơ hội này kiếm lấy tước hầu, tước bá.
* * * * *
Mười một ngày sau, bọn Kiếm Vân về đến Lạc Dương. Chén rượu tẩy trần đắng như mật vì những tin tức xấu. Một tổ chức thần bí mới xuất hiện trên giang hồ, chúng lén lút tập kích các nhân vật danh tiếng trong võ lâm. Nhất là đệ tử, hoặc những người có liên quan đến các phái bạch đạo. Chúng hành sự cực kỳ thận trọng và tàn độc, không một nạn nhân nào sống sót để cung cấp đầu mối.
Chỉ biết một điều rằng chúng rất đông, vì có nhiều vụ huyết án xảy ra trong cùng một thời điểm, cách nhau hàng mấy trăm dặm. Không khí khủng bố đè nặng trên tâm trí hào kiệt bốn phương. Họ nơm nớp lo sợ đến nỗi đi đâu cũng tập hợp thành đoàn.
Sanh ý các tiêu cục rất thịnh vượng, vì giờ đây họ phụ trách cả việc bảo vệ những trang viện. Các phái bạch đạo tổn thất hàng trăm đệ tử nên hạn chế việc hạ sơn.
Riêng Cùng Gia bang đã có đến sáu Phân đàn bị phá hủy. Hy sinh gần hai trăm bang chúng.
Kiếm Vân cau mày hỏi Chấp Pháp trưởng lão :
- Tư Mã trưởng lão có cao kiến gì về việc này?
Lão hấp háy cặp mắt nhỏ bé nhưng sáng quắc đáp :
- Lão phu cho rằng bọn chúng chính là lực lượng nội gián Mãn Châu. Nhưng vấn đề nan giải là tìm ra sào huyệt của chúng. Xét những vụ tập kích vừa rồi, rõ ràng là chúng có mặt ở khắp các tỉnh.
Chàng gật đầu hỏi Cầu Nhiệm Cái :
- Lạn trưởng lão có nắm chắc rằng quân Kim Long bang không ra khỏi Sơn Đông chứ?
- Đúng vậy! Lão phu đã đến tận nơi thị sát.
- Phản ứng các phái thế nào?
- Họ án binh bất động, chờ Bang chủ về đến mới tính chuyện phản công.
Mười ngày sau có hai người khách xuất hiện, đó là Thiên Nhất thần tăng và Vô Trần đạo trưởng. Kiếm Vân ra tận cửa đón chào.
Vô Trần đạo trưởng cười khà khà nói :
- Hôm qua nhận được thư, bần đạo cùng Thần tăng lập tức lên đường.
Thấy họ đều cải trang làm lái buôn, chàng hài lòng :
- Nhị vị Chưởng môn cẩn thận như vậy là rất tốt. Xin mời an tọa.
Thiên Nhất hỏi :
- Bang chủ đã nhận được thiệp mời khách thọ của Trung Nguyên Đại Tài Thần chưa?
- Thưa có! Cũng chính vì việc này mà tại hạ mời nhị vị đến đây.
Bốn vị trưởng lão Cùng Gia bang lần lượt có mặt. Chàng hỏi Cầu Nhiệm Cái :
- Lạn trưởng lão ước đoán xem Ngũ sư thúc của bổn tòa sắp đến chưa?
Lạn trưởng lão chưa kịp trả lời thì Phiêu Phong thư sinh Hoàng Đình Phổ đã có mặt. Lão cười bảo :
- Lão phu đến trễ, xin tự phạt ba chung trà.
Mọi người đều đã biết nhau nên không cần giới thiệu. Họ Hoàng vòng tay chào rồi an tọa.
Vô Trần đạo trưởng cất tiếng :
- Nghe nói Liễu bang chủ đã giải cứu được Vĩnh Sương công chúa và tiêu diệt bọn nội gián Mãn Châu ở Bắc Kinh. Nhưng có biết thêm gì về tổ chức của bọn chúng không?
- Thưa có! Người cầm đầu lực lượng Mãn Châu xâm nhập Trung Nguyên là Công chúa Nộ Nhĩ Thanh Hoa, tuổi mới đôi mươi nhưng võ công siêu phàm, cơ trí tuyệt luân. Dưới tay nàng còn hơn ngàn thủ hạ bản lãnh cao cường, thiện dụng loan đao.