Cách thành Nam Xương ba mươi dặm về phía Nam, có một tiểu trấn tên gọi Cảm Giang. Trấn này có tên như vậy vì nó nằm ở bờ Đông sông Cảm. Cũng như hàng ngàn khu dân cư khác trong phủ Giang Tây, bách tính Cảm Giang sống bằng nghề gốm sứ. Vì vậy, ở đây lúc nào cũng có khói.
Nhưng đêm nay, ngoài những luồng khói tỏa ra từ hàng trăm lò gốm, còn có một làn khói lạ mịt mù. Không phải chỉ có khói mà còn có lửa nữa.
Khói lửa không bốc ra từ lò nung chén bát, mà từ những căn tiểu xá xinh đẹp trong một trang viện có tên là Liễu gia trang.
Trang chủ Kim Ưng Luân Kiếm Liễu Kính Trung, sau hai mươi năm làm Minh chủ võ lâm, đã quy cố hương ẩn dật nơi này.
Ông là người có tướng sát thê nên đã hai lần khóc vợ. Đến tuổi lục tuần, ông thoái xuất giang hồ, về cố quận cưới người biểu muội của mình là Liễu Phụng.
Đêm rằm tháng tám vừa rồi, Liễu Phụng đã lâm bồn, sinh ra một tiểu hài nhi. Liễu trang chủ vui mừng khôn xiết, đặt cho ái tử cái tên Liễu Kiếm Vân.
Hôm nay chính là ngày đầy tháng của Vân nhi. Trang chủ không mời khách lạ mà chỉ mở tiểu yến để gia nhân trong trang cùng chung vui.
Bốn mươi gia đinh, tỳ nữ trong trang đều là đệ tử của Kim Ưng Luân Kiếm. Trong những năm họ Liễu vẫn còn đảm nhận chức vụ Minh chủ, đám người này đã là những thủ hạ đắc lực. Khi ông về quy ẩn, họ cũng theo về, sinh cơ lập nghiệp ở Liễu gia trang. Võ công họ Liễu siêu quần bạt tụy nên bản lãnh bọn đệ tử đều đáng bậc nhất lưu.
Nhưng đêm nay, vì quá cao hứng, Liễu Kính Trung và bọn hảo hán trong trang đều say mèm. Chỉ có đám nữ nhân là còn tỉnh táo. Chính họ phát hiện ra trăm tên hắc y bịt mặt đã vây chặt Liễu gia trang và bắt đầu phóng hỏa.
Tiếng chuông báo cháy, hòa với tiếng vũ khí va chạm, đã đánh thức những người đang say ngủ.
Đại đệ tử của Kính Trung là Xuyên Vân Tiên Tử, dù là nữ nhân nhưng đã học được tám thành chân truyền Luân Kiếm. Nàng hối hả chạy vào hậu sảnh, tay và lưng trúng thương máu tuôn xối xả.
Liễu trang chủ kinh hãi hỏi :
- Trinh nhi! Bọn địch nhân là cao thủ phương nào mà chỉ vài hiệp đã đả thương được ngươi?
Tiên tử nghẹn ngào đáp :
- Sư phụ! Thập Nhị Phi Ma đích thân thống lĩnh hơn trăm thuộc hạ vây chặt bốn bề. Xin sư phụ mau đưa sư nương và công tử đào thoát, bọn đồ nhi sẽ liều chết mở đường máu.
Kim Ưng Luân Kiếm bật cười bi phẫn :
- Tử sinh hữu mệnh, lão phu sao có thể bỏ mặc mấy chục đệ tử thân yêu mà đào sanh cho được?
Liễu phụ nhân dù không biết võ công nhưng tính tình cương liệt. Bà nghiến răng nói :
- Tướng công bất tất phải lo cho thϊếp. Xin hãy bảo Kim Ưng đưa Vân nhi về Nam Lĩnh với sư phụ. Sau này nó sẽ trả hận cho chúng ta.
Kính Trung gật đầu, ông hú lên lảnh lót. Con thần ưng lông vàng to lớn, đang chặn đánh bọn hắc y, nghe gọi vội bổ xuống, đứng trược cửa phòng đợi lệnh.
Họ Liễu không kịp sang thư phòng lấy bút mực, ông xé bạch bào, dùng ngón tay chấm vào máu trên người Xuyên Vân Tiên Tử, viết vội mấy chữ :
- Sư phụ! Đồ nhi bị bọn Phi Ma tấn công. Xin gởi Kiếm Vân.
Lá huyết thư được cột vào chân đứa bé. Liễu Phụng quấn chặt hài nhi, bỏ vào vuông lụa dầy sẫm màu, cột lại.
Kính Trung cố nén thương tâm, dặn dò Kim Ưng :
- Ưng nhi, ngươi mau đưa công tử về núi Ngọa Long. Hãy bay thật nhanh vì Vân nhi còn quá nhỏ.
Thần ưng quác lên, tỏ vẻ hiểu ý. Liễu trang chủ buộc chặt mối khăn lụa vào chân chim. Thần ưng vỗ cánh bốc thẳng lên cao bay về hướng Tây.
Liễu Kính Trung quắc mắt bảo đệ tử :
- Trinh nhi! Ngươi đã thọ thương, có ra mặt cũng chẳng ích gì. Ta giao sư nương cho ngươi, hãy cố dùng pho khinh công Xuyên Vân đưa nàng đào thoát.
Tiên tử lúc này đã được Liễu Phụng băng bó xong. Nàng cúi đầu nhận lệnh, cõng sư nương trên lưng, chạy về phía sau trang.
Lúc này ngọn lửa đã cháy lan đến hậu sảnh, nhưng nhờ đám đệ tử Kim Ưng liều chết chống chọi nên bọn hắc y chưa xông vào được. Đã có hơn mười người hy sinh.
Liễu Kính Trung an bài xong hậu sự, xách kiếm lướt ra phía sân trước.
* * * * *
Sáng ra, dân chúng Cảm Giang kéo đến thì thấy Liễu gia trang chỉ còn là một đống tro tàn. Hàng trăm xác chết cháy đen không thể nào nhận diện được.
* * * * *
Nhắc lại, Kim Ưng mang Kiếm Vân bay một mạch đến Nam Lĩnh. Tiếng khóc oa oa của đứa bé dưới chân làm nó sốt ruột, vỗ mạnh đôi cánh.
Chiều hôm sau nó đã đến đỉnh núi Ngọa Long. Nơi mà hai mươi năm trước nó đã rời xa để theo Liễu Kính Trung vùng vẫy giang hồ. Kim Ưng lão nhân, sư phụ họ Liễu chính là người chủ đầu tiên của nó.
Nam Lĩnh là rặng núi thấp ở biên giới phía Bắc hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, cũng là đường chia nước giữa lưu vực sông Trường Giang và Tây Giang. Phía Nam dãy núi chính là vùng đất Miêu Cương. Vì vậy, toàn bộ vùng Nam Lĩnh rừng rậm bạt ngàn, hoang dã. Cọp, beo, rắn rít rất nhiều.
Kim Ưng đáp xuống trước một thạch thất trên sườn núi. Kiếm Vân vẫn khóc nhưng giọng nó khản đặc và yếu ớt. Đã gần một ngày không sữa mẹ, đứa bé chẳng còn hơi sức mà gào thét nữa.
Thần điêu quác lên mấy tiếng, không thấy chủ nhân bước ra, nó lại gần, dùng mỏ đẩy cửa. Nhưng chẳng thấy bóng người, bụi bặm phủ đầy, màng nhện giăng mắc khắp nơi.
Kim Ưng thất vọng, vỗ cánh bay lên cao. Nó chợt nhận ra một mái tranh ẩn hiện dưới khu rừng thưa nơi chân núi. Thần ưng lao xuống, đậu trước sân quác liên hồi.
Chủ nhân căn mao xá là một cặp vợ chồng tiều phu tuổi độ tứ tuần, sống bằng nghề đốn củi và bẫy thú rừng. Người chồng họ Cổ, người ta vẫn gọi là Cổ Tam Lang.
Phu thê họ Cổ đang chuẩn bịu ăn cơm chiều, nghe tiếng chim ưng lảnh lót, vội chạy ra xem thử.
Nhận ra con chim ưng lông vàng to lớn, cả hai giật mình kinh hãi. Nhưng Cổ Tam Lang thường ngày vào rừng đốn củi vẫn thường gặp mãnh thú nên kịp trấn tĩnh.
Kim Ưng cúi xuống, dùng mỏ tháo nút vuông lụa khỏi chân tả, ngậm lấy bọc vải, bước đến trước mặt họ Cổ. Tam Lang quan sát nhận ra thần điêu rất thông linh. Gã hỏi nó :
- Phải chăng linh điểu muốn giao bọc vải này cho chúng ta?
Kim Ưng gục gặt đầu, quác lên vài tiếng. Tam Lang ngồi xuống mở vuông lụa, thấy trong đó là một tiểu hài nhi đỏ hỏn. Gã mừng rỡ ẵm lên trao cho vợ :
- Trời ban cho chúng ta một bé trai kháu khỉnh. Nhưng dường như nó đang mệt lả vì đói khát, nàng mau cho nó uống nước, còn ta sẽ ra sau vắt sữa dê.
Kim Ưng thấy tiểu chủ đã có người chăm sóc, nó vỗ cánh bay đi kiếm ăn.
Cổ Tam Lang và Cổ thị lấy nhau đã mười mấy năm mà vẫn chưa có con. Nay được một đứa con trai, lòng vui mừng khôn xiết.
Cổ thị dù chưa hề nuôi con, nhưng bản năng bà mẹ vẫn tiềm tàng. Cho hài nhi uống nước ngay, nàng nhanh nhẹn tháo lớp khăn và tả lót đã ướt đẫm vì phân và nướ© ŧıểυ, lấy khăn nhúng nước ấm lau sạch.
Tam Lang đã đem chén sữa dê vào đến. Cổ thị cho bé uống từng giọt. Lát sau Kiếm Vân hồi tỉnh, nó bật khóc oe oe. Cổ thị vội bế vào lòng vỗ về và cho nó uống thêm sữa.
Từ đó, Kiếm Vân được vợ chồng họ Cổ nuôi dưỡng. Trong lá huyết thư, Liễu trang chủ ghi độc hai chữ Kiếm Vân chứ không có ghi họ. Vì vậy, Cổ Tam Lang đã lấy họ mình đặt cho đứa bé.
Kim Ưng vẫn lưu lại vùng rừng núi Tần Lĩnh để bảo vệ tiểu chủ. Sáng sớm, nó đảo một vòng để tìm bắt thú rừng đem về cho phu thê họ Cổ. Kim Ưng là con vật to lớn, dũng mãnh, sải cánh vươn ra rộng hơn trượng. Sau nhiều năm theo Luân Kiếm vào sanh ra tử, chiến đấu hàng trăm trận với các cao thủ giang hồ, nó đâu coi bọn hổ báo ở Nam Lĩnh ra gì.
Số nai, hươu, thỏ, chồn mà Kim Ưng bắt được đã biến Tam Lang thành người nổi tiếng, mỗi lần gã đem ra thành bán.
Ban đêm, Kim Ưng ngủ ngay trên cây cạnh nhà. Năm Vân nhi lên bốn tuổi, thần điêu suốt ngày quấn quít, vui chơi với tiểu chủ. Vân nhi thích được cỡi trên lưng con chim ưng để nó bay là đà trên bãi cỏ trước nhà. Cổ thị sợ con té ngã, lấy da nai làm thành vòng cổ chim ưng để Vân nhi giữ chặt. Càng ngày, chim ưng càng bay cao hơn. Phu thê họ Cổ rất lo sợ nhưng Vân nhi nhất quyết không chịu bỏ trò chơi thích thú ấy, nó lăn ra khóc lóc, khiến hai người phải chịu thua.
Kiếm Vân là đứa bé hiếu động, gan lì, hầu như không biết sợ là gì. Năm lên mười tuổi đã theo Tam Lang vào rừng đốn củi, bẫy thú và chứng tỏ năng khiếu bẫm sinh của một chàng thợ săn. Tam Lang đã làm cho ái tử một cây cung nhỏ. Chỉ sau hai tháng, Vân nhi đã trở thành tay thiện xạ, trăm phát không sai. Nó thường lén rủ Kim Ưng vào rừng săn thú, đem về khá nhiều dã vị. Cổ Tam Lang la mắng thì nó cười bảo :
- Phụ thân yên tâm, trong khu rừng núi nầy, không có con mãnh thú nào địch lại Kim Ưng.
Tam Lang lắc đầu chịu thua. Cổ thị trước đây là tỳ nữ cho một gia đình trưởng giả, nhờ vậy nàng biết chữ. Thấy con trai đã đến tuổi học hành, nàng ra sức dạy dỗ. Không ngờ Vân nhi cực kỳ thông tuệ lại có tinh thần hiếu học, chỉ hơn năm đã thuộc hết mấy ngàn mặt chữ. Cổ Tam Lang phải xuống núi, vào trấn tìm mua sách cũ cho y học.
Một trưa nọ, Vân nhi đang ngồi vắt vẻo trên nhánh đào, Kim Ưng từ trên cao đáp xuống, ríu rít gọi tiểu chủ. Vân nhi cười hỏi :
- Ưng nhi định rủ ta đi chơi phải không?
Kim Ưng gật đầu, Vân nhi rón rén chạy vào lấy cung tên, cố không để Cổ thị phát hiện.
Đã lâu rồi Vân nhi không còn cưỡi lên lưng chim ưng vì nó sợ làm người bạn thân yêu phải mệt mỏi. Nhưng lần này, Kim Ưng lại ra hiệu cho tiểu chủ ngồi lên lưng. Vân nhi đành phải chiều ý.
Kim Ưng vỗ cánh bay về phía Đông. Lát sau, nó hạ cánh xuống một khu rừng rậm rạp trên đỉnh núi cuối cùng của rặng Nam Lĩnh.
Dưới gốc cây cổ thụ to lớn, trên thảm lá mục dày đặc là một loài cây lạ, chỉ cao bằng đầu người, thân lá tím thẫm. Vân nhi thích thú hít lấy mùi thơm tỏa ra từ tám quả lạ vàng óng đang lủng lẳng trước mắt. Kim Ưng quác lên, bảo Vân nhi hái lấy. Kiếm Vân biết Kim Ưng là linh điểu, có thể phân biệt quả có độc hay không. Vì vậy nó yên tâm bước đến hái một trái ăn thử, quả nhiên ngon ngọt phi thường.
Ăn xong năm trái, Vân nhi bảo Kim Ưng :
- Ưng nhi, còn lại ba trái là phần của ngươi đấy.
Thần ưng lắc đầu, Vân nhi cười bảo :
- Té ra ngươi đã ăn trước một quả rồi phải không?
Thấy linh điểu gật đầu, Vân nhi ăn nốt ba trái còn lại. Đang định lên lưng chim trở về thì nó nghe bụng nóng như lửa đốt, huyết mạch toàn thân căng phồng. Vân nhi lăn lộn trên thảm lá khô, luôn miệng rên xiết. Cuối cùng, nó ngất đi. Kim Ưng vẫn thản nhiên đứng chờ đợi. Một canh giờ sau, Vân nhi tỉnh lại, nghe cơ thể sung mãn lạ thường. Một luồng sinh lực mới mẻ tạo cho nó cảm giác hưng phấn, khỏe khoắn.
Vân nhi ôm cổ thần ưng thủ thỉ :
- Chúng ta về thôi.
Trưa hôm sau, Kim Ưng lại rủ tiểu chủ đi chơi. Lần này nó đưa Vân nhi đến căn thạch thất của Kim Ưng lão nhân trên sườn núi. Khu vực này có nhiều hổ báo nên trước đây Cổ Tam Lang đã cấm ngặt ái tử.
Mưa gió và mối mọt đã hủy hoại cánh cửa gỗ, chỉ một cái đập cánh của thần ưng đã khiến nó bung ra rơi xuống đất, tan thành những mảnh gỗ mục nát.
Kim Ưng khệnh khạng bước vào trong. Vân nhi tò mò theo sau. Thấy còn hai cánh cửa sổ, Vân nhi mở ra cho sáng sủa. Chúng cũng cùng số phận với cánh cửa chính.
Ánh dương quang ập vào, soi sáng gian nhà đá. Nhưng ngoài chiếc thạch án ở cuối và chiếc giường đá bên tay phải, không còn vật dụng nào khác.
Thấy mảnh tường đá trên hương án có nét khắc mờ mờ vì bụi phủ. Vân nhi nhảy lên phủi sạch để xem cho rõ. Năm chữ Kim Ưng môn Tổ đường khiến nó thắc mắc, quay xuống hỏi thần ưng :
- Có phải nơi này có quan hệ với Ưng nhi hay không?
Kim Ưng gục gặc chiếc đầu oai vệ. Vân nhi nhảy xuống tròn mắt nhìn thần ưng mổ vào một nút bí mật trước thạch án. Một khuôn cửa đá nhỏ hiện ra, linh điểu thò đầu vào trong lôi ra một gói vuông vức, trao cho tiểu chủ. Trong ấy chỉ có một quyển sách dầy và một phong thư. Tất cả đều ố vàng, cũ kỹ. Văn nhi mở phong thư :
“Liễu Kính Trung đồ đệ!
Đã đến kỳ hẹn với Liêu Đông Tôn Giả, sư phụ phải lên đường đòi lại lệnh phù cho bổn môn. Chuyến đi này, lành ít dữ nhiều, nếu ta có mệnh hệ nào, đồ đệ hãy cố khổ luyện võ công, tiếp tục sứ mạng khôi phục bổn phái. Nếu không, ta chẳng thể ngậm cười nơi chín suối.
Kim Ưng lão nhân di bút.”
Văn nhi dù mới hơn mười tuổi nhưng thiên bẩm thông tuệ, tinh minh. Nó nhíu mày hỏi thần ưng :
- Ưng nhi muốn ta học võ công trong quyển kinh này ư?
Linh điểu gật đầu.
* * * * *
Bảy năm sau, Kiếm Vân đã trở thành một chàng trai tuấn tú. Đôi mày kiếm xếch ngược đến tận chân tóc và nhãn thần sáng như sao. Chiếc mũi cao thẳng, vành môi đỏ như son nổi bật trên nước da trắng hồng. Chàng cũng đã luyện xong quyển bí kíp Kim Ưng mật lục.
Không hiểu vì thời gian hay vì tác dụng của cây lạ năm nào, Kim Ưng vẫn khỏe mạnh và bộ lông đã đổi sang màu trắng bạch, óng ánh sắc kim.
Cổ Tam Lang và Cổ thị đã bước vào tuổi lục tuần, tóc chớm bạc nhưng vẫn còn tráng kiện. Họ sung sướиɠ bàn việc tìm vợ cho ái tử.
Bỗng một hôm, Kiếm Vân mời song thân ngồi xuống bàn rồi cung kính nói :
- Thưa phụ mẫu, hài nhi có tâm sự chất chứa đã bao năm. Nay dám mong phụ mẫu gỡ rối dùm.
Cổ Tam Lang cười ha hả đáp :
- Có gì con cứ giải bày, cần chi phải lộ vẻ nghiêm trọng như vậy?
- Hài nhi bất hiếu muốn biết thân thế mình có gì bí ẩn hay không?
Cổ thị sa lệ bảo :
- Kiếm Vân đã đến tuổi trưởng thành, ông hãy cho con biết sự thật đi.
Tam Lang gật đầu, bước vào phòng trong lấy ra một túi vải, ông đổ những vật ấy ra, ngài khăn tã, còn có lá huyết thư và bọc châu báu. Kiếm Vân đọc thư, hiểu ngay cố sự. Chàng nghẹn ngào hỏi :
- Vậy chính là Ưng nhi đã đưa hài nhi đến đây?
Cổ thị lau nước mắt bảo :
- Ngày ấy ngươi còn đỏ hỏn, chỉ chừng tháng tuổi.
Tam Lang lộ vẻ tiếc nuối :
- Trong thư không viết họ nên ta cũng chẳng biết ngươi ở họ gì?
Kiếm Vân suy nghĩ một lúc, sụp xuống lạy chín lạy :
- Hài nhi chịu ơn dưỡng dục của phụ mẫu mười tám năm, suốt đời vẫn coi mình là người họ Cổ. Sau này có con trai sẽ tiếp tục nối dõi tông đường họ Cổ. Nhưng mối thù của nhà họ Liễu cũng chẳng thể quên. Mong song thân cho hài nhi được lên đường điều tra thân thế.
Cổ thị cúi xuống đỡ chàng lên, ôm chặt lấy khóc ròng :
- Sinh dưỡng đạo đồng, chúng ta dù đứt ruột cũng chẳng dám ngăn con tìm về nguồn cội. Nhưng đường đời chông gai hiễm trở, con phải cẩn thận mới được.
Kiếm Vân an ủi bà :
- Mẫu thân đừng lo, thân thể hài nhi cứng như sắt thép, chẳng ai làm hại được đâu.
Nói xong, chàng bước đến bên lò sưởi giữa nhà, thò tay vào bốc lấy một cục than hồng thật lớn, đem đến trước mặt song thân cười bảo :
- Phụ mẫu xem này, lửa hồng còn không đốt được da thịt hài nhi.
Hai người trợn mắt ngạc nhiên. Cổ thị sợ hãi :
- Vân nhi có mau bỏ xuống đi không?
Chàng cả cười, bóp nát cục than hồng thành muôn tia lửa nhỏ. Để song thân an tâm hơn, vận thần lực nhổ bật gốc cây đào già.
Cổ Tam Lang hài lòng :
- Thôi đủ rồi, với bản lãnh ấy chúng ta cũng bớt lo lắng, nhưng phải nhớ câu mãnh hổ trước mặt không bằng độc xà sau lưng.
Cổ thị thắc mắc :
- Nhưng làm sao con biết được cố hương mình ở chốn nào mà tìm?
Kiếm Vân kính cẩn đáp :
- Một là hài nhi sẽ đi theo Kim Ưng. Hai là dùng danh tự của tiên phụ mà hỏi thăm
Tam Lang lắc đầu :
- Không đuợc! Chẳng may hỏi lầm kẻ thù thì sao? Hoặc giả Kim Ưng có mệnh hệ gì thì mất đi đầu mối. Kim Ưng thông linh hiểu được tiếng người, sao không đọc tên các địa phương cho nó nghe thử?
Kiếm Vân mừng rỡ, rú lên gọi thần ưng. Linh điểu xà xuống chờ lệnh. Kiếm Vân vuốt ve nó rồi bảo :
- Mẫu thân ta sẽ đọc tên các nơi, nếu Ưng nhi nhận ra đâu là nhà của Liễu Kính Trung thì gật đầu.
Cổ thị thong thả đọc từng tên phủ. Khi nghe đến từ Giang Tây, nó gật đầu lia lịa.
Sáng hôm sau, Tam Lang dẫn Kiếm Vân xuống núi, đến huyện thành Nam Dương bán mấy viên ngọc.
Lão chủ nhân tiền trang là một lão già nhỏ bé mặt gian xảo như mặt chồn. Đôi mắt lão láo liên đánh giá cha con họ Cổ là bọn quê mùa ngốc nghếch nên định trả rẻ.
Kiếm Vân nhãn quang sắc bén, nhận ra vẻ thiếu thành thực của lão. Chàng đặt bàn tay hữu lên mặt quầy, quắc mắt bảo :
- Nếu lão có tà ý thì sẽ như chiếc quầy gỗ mục này.
Dứt lời, bàn tay chàng vàng rực như ánh hoàng kim, ngập sâu vào lớp gỗ đen bóng. Lão chủ kinh hãi chắp tay vái lia lịa :
- Xin đại vương yên tâm, tiểu nhân là người trung thực, quyết không dám trả rẻ dù chỉ một phân.
Lát sau, hai người trở về với bốn ngàn bảy trăm lượng bạc trong túi. Cũng như lúc đi, Kiếm Vân cõng Cổ Tam Lang chạy nhanh như gió. Tam Lang thích thú cười ha hả :
- Nhớ lại vẻ mặt của lão chủ nhân tiền trang, ta không nén nổi cơn tức cười.
Đến gần sơn trấn, chàng đặt phụ thân xuống. Cổ Tam Lang hăm hở gõ cửa một tòa nhà xinh xắn treo bảng bán.
Cái giá một ngàn hai trăm lượng làm hài lòng cả chủ và khách. Chủ cũ là một bà lão hom hem đang định về sống với con trai gần đấy. Bà vui vẻ gọi người dọn ngay đồ đạc.
Chiều hôm đó, Kiếm Vân về núi cõng Cổ thị ra nhà mới. Mua sắm những vật dụng cần thiết, mãi đến gần nửa đêm mới hoàn tất.
Sáng ra, Cổ thị đi chợ sớm, sắp tiệc tống hành. Kiếm Vân không biết uống rượu, chỉ ba chung mặt đã đỏ hồng, trông như xuân nữ. Cổ Tam Lang vỗ đùi cười khà khà :
- Vân nhi anh tuấn như vậy, tất sẽ vướng vào lưới tình sớm đấy.
Cổ thị vào trong lấy ra một gói giấy dài cho ái tử :
- Sáng nay ta ghé vào lò rèn trong trấn, hỏi mua cho con một thanh kiếm. Lão họ Trương nhăn mặt bảo lão chỉ biết rèn dao, búa, cuốc, xẻng chứ không rèn kiếm. Nhưng cuối cùng, lão vào nhà lấy ra thanh kiếm cũ này và nói là vật truyền gia từ đời tổ phụ, phải đúng trăm lượng mới bán. Ta đành cắn răng mua đại, chứ chẳng lẽ để con không vũ khí tùy thân?
Kiếm Vân cảm động đỡ lấy, mở bọc vải ra xem. Chiếc vỏ bằng đồng đã rỉ sét nhưng hoa văn chạm trỗ rất tinh xảo. Chàng rút kiếm, nghe hơi lạnh tỏa vào mặt, lưỡi kiếm không sáng ngời nhưng cũng chẳng han rỉ, chỉ một màu bạc mờ mờ. Chuôi kiếm bằng sừng đen nhánh, khắc chìm hai chữ: Tuệ Kiếm.
Chàng múa thử thấy rất vừa tay, mừng rỡ cảm tạ Cổ thị :
- Đội ơn mẫu thân đã ban cho bảo kiếm!
Cuối giờ Thìn, chàng khăn gói lên đường. Cổ Tam Lang bắt chàng phải đem theo ngàn lượng bạc và nửa túi châu báu.
Kiếm Vân không biết cưỡi ngựa nên chỉ dựa vào đôi chân đi mãi về hướng Đông. Linh điểu đi theo dẫn đường, đôi lúc xà xuống, bắt những con thỏ rừng chia sẻ cho tiểu chủ.