- 🏠 Home
- Linh Dị
- Đô Thị
- Ngôi Làng Cổ Mộ
- Chương 3: Sương mù
Ngôi Làng Cổ Mộ
Chương 3: Sương mù
Cả tối hôm ấy nhà tôi lại lúi húi dọn dẹp nốt cho xong. Cái gì dùng thì lôi ra, cái gì không dùng thì cất đi. Nhà vệ sinh cũng phải lau dọn kĩ để cả nhà còn tắm rửa sau đó nghỉ ngơi. Dù cố gắng lau dọn rất kĩ nhưng tôi vẫn cảm giác có những mảng bụi bẩn ở khắp không gian.
Dưới cầu thang tầng 1, không gian ngập trong bóng tối u ám. Tôi vẫn không thể hiểu bố mẹ để trống nó làm gì và những chất nhầy màu vàng rải khắp ngôi làng là cái gì.
Hai ngày cuối tuần tôi phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nốt. Đến thời điểm này thì mọi thứ cũng ổn ổn sơ sơ. Vào tối thứ 7, tôi đổ chiếc thùng các tông đựng đồ cũ của tôi ra để dọn lại. Hôm chuyển nhà do vội vàng quá tôi cũng chỉ biết vơ thêm đống đồ đang dùng ở trên giá vào chiếc thùng cũ đó rồi bê đi cả thảy.
Khi sắp xếp dần mọi đồ lên giá, nhìn xuống dưới đáy thùng tôi nhặt lên một cuốn sổ tay nho nhỏ đã sờn cũ. Mở cuốn sổ ra, tôi nhận ra nét vẽ nghuệch ngoạc và vài dòng chữ sai chính tả tùm lum. Đầu sổ có ghi: H và T- sổ tâm sự. Bên trong cuốn sổ chỉ là những lời tâm sự ngô nghê của hai đứa trẻ. Hôm nay tớ được mua kem cho ăn, tớ bị ngã xước đầu gối...kèm theo những bức tranh minh họa trông rất hay.
Hóa ra hồi bé tôi có một người bạn tên là T mà tôi chẳng thế nhớ nổi là ai. Hay là một cậu bé nào đó nhỉ, liệu cậu bé còn nhớ tới tôi? Tôi ngồi tưởng tượng ra mà cười khúc khích một mình.
Bố tôi đã sơn sửa lại tầng 2 và tầng 3, trông căn nhà đỡ vẻ hoang tàn và bụi bặm hẳn. Riêng tầng 1 ông cứ để mặc nó không động tới. Tôi lân la tới hỏi bố: "Bố ơi sao nhà mình để trống tầng 1 ạ? Hay con để tủ sách với bàn học xuống dưới ấy được không? Trên phòng con chật quá?" Bố tôi gắt: "Không! Con cứ coi như nhà này chỉ có 2 tầng đi. Mặc kệ tầng một nhớ chưa, cũng đừng ở đấy nhiều."
Sau khi bố tôi sơn sửa lại tường xong thì những bức tường thành triển lãm tranh của cái Nhi. Nó treo hết những bức tranh mà nó vẽ lên, những bức tranh mà nó thấy là đẹp nhất. Nhi rất lười học, nó chỉ thích vẽ. Bố mẹ tôi sau này còn nghĩ tới việc cho nó học trường Mỹ thuật. Thế nhưng giờ gia cảnh thế này, cũng không biết cho nó theo ngành đó được hay không nữa.
Sáng thứ hai tôi đi học ở trường mới. Mẹ tôi đã xin chuyển được công việc lên chi nhánh ngân hàng ở Hòa Bình. Vậy nên mẹ đèo tôi và Nhi đi học. Bố tôi ở nhà để sửa sang nốt và chờ xin việc ở thành phố để trang trải cuộc sống. Từ một cô gái có cuộc sống khá đầy đủ, nay phải sống chật vật thế này, tôi vô cùng tủi thân. Trên con đường tới trường, gió sớm thổi vào mắt tôi cay xè. Nhìn thấy ngôi trường cấp 3 của Huyện từ xa, tôi đã thấy chán nản. Ngôi trường sơn tường vàng có 2 tầng, trông lụp xụp hơn nhiều ngôi trường cũ của tôi.
Tôi bước vào lớp, giới thiệu bản thân mình một cách ngượng nghịu rồi đi xuống chỗ cô chỉ ở bàn thứ 5. Tất cả mọi người xung quanh đều trông rất giản dị, không son phấn như bọn bạn cùng lớp cũ của tôi. Các bạn gái thì buộc tóc đuôi ngựa hay thả xõa.
Ngồi kế bên tôi là một bạn nam có mái tóc dài và khá bù xù. Cổ tay áo cậu ta đen sì. Cậu ta đang dùng chiếc dao lam khắc khắc đυ.c đυ.c thân chiếc bút chì 2B. Tôi chẳng muốn nói năng gì. Học được 2 tiết thì lớp ra chơi. Mọi người xúm lại quanh tôi để hỏi chuyện.
"Này, cậu từ Hà Nội chuyển về à?"
Tôi khẽ mỉm cười gật đầu.
"Bảo sao trông xinh xắn thế. Học dưới ấy tốt thế mà phải chuyển lên à?"
"Cậu giờ ở đâu thế?" Lũ bạn nhao nhao. Họ thân thiện hơn tôi tưởng.
"Tớ ừm...ở thôn...à làng Thổ Hà...".
Nghe thấy tôi nói thế, đám đông chợt trở nên im lặng. Họ nhìn nhau.
"Thế...thế à?" Một đứa con gái lên tiếng. "Cái làng sương mù trên núi đấy á?"
"Ừ chắc thế, tớ mới tới nên cũng không rành lắm..." tôi nói.
Một thằng con giai tỏ vẻ bí hiểm: "Ê, ê cái làng đấy có đầy ma. Hahaa..."
"Im đi Thành! Chưa chi đã dọa người ta." Đứa con gái bên cạnh đập vào vai thằng Thành.
"Không phải có ma đâu, bị nguyền rủa thì có..." thằng Thành lại nói tiếp
"Không tin á, cậu hỏi thằng bên cạnh mà xem. Đúng là có duyên. Cùng làng lại ngồi cùng nhau luôn. Ha ha...Ê, Hiếu!"
Thằng con trai lập dị ngồi bên cạnh tôi mới ngước lên không nói gì rồi lại cúi xuống cặm cụi tiếp.
"Đấy, nó ở cái làng đấy nên mới thành ra thế đấy." Thằng Thành cười cợt. "Không thích gái xinh thì đổi chỗ cho tao đê..."
Đoạn nó quay sang tôi nháy mắt: "Nhà tớ ở ngay trong huyện này thôi, hôm nào qua nhà tớ chơi nhé".
"Cậu đừng nghe nó." Cô bạn nhỏ nhỏ lùn lùn đứng kế bên bảo tôi: "Có gì cứ hỏi tớ nhé. Tớ là Hoa."
"Cảm ơn cậu!" Tôi chỉ biết cười. May quá, tôi đã rất sợ việc mình sẽ không hòa hợp được với trường lớp mới.
Giờ ra chơi hết, đứa nào về chỗ của đứa đấy. Những lời nói của thằng Thành cứ lởn vởn trong đầu tôi trong suốt những tiết học còn lại. Ngôi làng mình ở có ma á? Nghe thế kinh chết đi được.
12 giờ tan lớp, tôi định bắt xe buýt về. Khi bước ra khỏi cổng trường, tôi thấy thằng Hiếu, thẳng bạn ngồi bên cạnh đang dắt chiếc xe đạp ra từ trong bãi xe. Nó cũng đi về hướng làng tôi thật thì phải.
Tôi bắt xe buýt ở gần trường. Cũng phải mất gần một tiếng xe buýt mới tới điểm dừng gần nhà tôi. Từ điểm dừng xe lên đến làng cũng phải đi bộ mất hơn một cây số ngang qua con đường quanh co lần đầu tôi đặt chân đến đây. Trong lòng tôi có chút sợ hãi khi nhớ tới lời thằng Thành buổi sáng nay nhưng chẳng còn cách nào khác cả, tôi đành lúi húi bước lên trên con đường quanh co đầy đất cát phía trước. Đằng xa xa, ngọn núi to phía sau ngôi làng đã đứng bóng.
Bỗng vèo một cái, một chiếc xe đạp lướt nhanh qua tôi, leo lên sườn dốc. Bóng dáng gầy gầy ấy đạp xe một cách nặng nhọc. Tôi nhận ra đó là Hiếu. Nó về cùng lúc với tôi.
Chiếc xe đạp dần vượt xa ra khỏi tầm mắt của tôi. Tôi có hơi mừng khi nhận ra Hiếu trên chiếc xe đạp ấy nhưng khi nó đi xa dần thì tôi lại cảm thấy hơi sợ hãi. Giờ tôi lại phải đi một mình trên con đường quanh co heo hút như thế này ư? Nhưng đó chỉ là ý nghĩ, tôi vẫn kiên nhẫn bước về nhà.
Những ngày sau của tôi trôi qua vẫn cùng 1 nhịp sống như thế. Cuộc sống ở đây có đôi chút buồn tẻ và bức bí bởi vì chúng tôi không được ra ngoài chơi sau 6 giờ nhưng nó lại khá yên bình. Tôi đã gần như hòa nhập được với các bạn cùng lớp. Tuy chỉ mỗi Hiếu là tôi chẳng nói chuyện được với nó quá ba câu.
Sau hôm đó, tôi ngồi trong một nhóm những bạn nữ đang bàn chuyện rôm rả thì Thư cất tiếng hỏi tôi: "Này, cậu ở đấy gần một tháng rồi, đã gặp "thứ gì" chưa?"
"Thứ gì cơ?" Tôi tròn mắt.
Thư cất lời: "Ma ấy?"
Tôi gạt phắt đi: "Hâm à, làm gì có..."
"Thế à, tớ nghe được nhiều câu chuyện về cái làng đấy lắm..."
"Chuyện gì cơ?"
"Nhiều lời đồn có một người từng nhìn thấy cả một đoàn sư đi trong sương mù, đông lắm luôn, mà sau lại chẳng thấy một ai cả, cũng chẳng ai nhìn thấy cả..." Thư nói
Con bé Nga cũng chêm vào: "Này, mọi người nghe về Kẻ hỏi đường chưa?"
Đám bạn nhao nhao lên: "Tao biết.." đứa thì "Chưa nghe bao giờ, kể đi..." còn tôi thì im lặng. Ở cái làng đó thì lạ lắm sao mà ai cũng bàn tán?
Nga tỏ vẻ kì bí: "Kẻ hỏi đường là một người đàn ông không có mặt, hay đứng ở các ngã tư trong làng Thổ Hà ý. Ai đi qua sẽ bị ông ta hỏi: "Có biết đường về nhà không?". Nếu bảo Không sẽ trốn được 1 lần, sau đó là lần 2, còn lần thứ 3 sẽ bị ông ta bắt đi...Trả lời không bao giờ được nhìn vào mắt ông ta, không sẽ phát điên đấy."
"Khϊếp, sợ thế, thế còn nói có thì sao???" Hà hỏi.
"Thì ông ta sẽ theo mình về nhà chứ sao haha..." Nga cười đáp.
"Nghe đã thấy điêu rồi..." cả đám cười phá lên
Cuối buổi học ngày thứ hai đầu tuần, thằng Thành huých huých vai tôi:
"Ê, ê. Đi sinh nhật tớ nhé, xong ra hồ chơi?"
"Tớ phải về nhà trước 6 giờ" Tôi đáp.
"Thì tan học xong đi luôn. Đi nhé, đông bạn lớp mình đi lắm. Cậu có thể về trước 6 giờ." Giọng thằng Thành chắc nịch làm tôi có nhiều phần lung lay. Mới vào trường lớp mới, tôi cần thêm sự hòa nhập và đây quả là một cơ hội tốt. Có khi lời dặn dò của mẹ tôi chỉ là lo cho an toàn tính mạng của tôi khi trời tối xuống thôi, không có gì cả. Tôi sẽ cố gắng về sớm, chẳng may có muộn hơn tí cũng chẳng sao đâu. Nghĩ vậy tôi liền gật đầu đồng ý.
Bữa tiệc sinh nhật cũng khá vui. Bọn bạn lớp tôi nghịch như quỷ, bôi hết bánh kem vào mặt nhau rồi hát hò. Tôi cũng bị chúng nó lôi vào đám hỗn độn. Tôi thấy mọi người ở đây thật hồn nhiên và thân thiện chứ không kiểu cách như lớp học cũ của tôi ở Hà Nội. Mặc dù tôi vẫn còn nhớ đám bạn cũ nhưng lớp học mới này cũng không tệ.
Sau khi ăn uống chán chê, lũ chúng tôi kéo nhau ra hồ gần nhà thằng Thành để ngồi chơi. Ngồi trên bãi cỏ, trêu chọc nhau không hết chuyện. Giờ vừa ra hè, trời sáng rất lâu. Tôi mải chơi đùa mà quên chẳng để ý đến giờ giấc.
Mãi tới khi một đứa trong nhóm hỏi: "Tối nay có đi ăn nữa không?" thì tôi mới sực nhớ ra mình cần phải về nhà. Giờ này về nấu cơm cũng đã là muộn, mẹ tôi sẽ mắng tôi chết mất. Tôi vội hỏi giờ đứa bên cạnh. 5 giờ 15 phút. Chết rồi, từ đây về nhà tôi phải gần 1 tiếng.
Tôi chào mọi người rồi chạy vụt đi. Ai đấy đều ngơ ngác nhưng thằng Thành gạt phắt đi: "Hoài nó phải về nhà ấy mà, kệ đi, ê lũ con trai, đi đánh điện tử không?"
Tôi đợi xe buýt nất 10 phút mới có chuyến. Trong lòng tôi lo ngay ngáy, lo vì sợ mẹ mắng là phần nhiều. Mẹ tôi tan sở lúc 5h, cũng tầm 6h kém là mẹ tôi đã có mặt ở nhà rồi. Tôi còn không có điện thoại di động, điện thoại tôi cũng đem bán để lấy tiền trang trải rồi, chẳng có cách nào liên lạc với mẹ để xin phép.
Ngoài trời vẫn sáng nhưng mặt trời đã dần lặn, để lại những vệt loang màu cam trên nền trời. Khi tôi xuống xe buýt ở bến gần nhà, trời đã nhuộm 1 màu xanh tím.
Tôi gần như chạy về phía ngôi làng. Cảnh vật hai bên đường mờ mờ ảo ảo. Sương mù đang xuống, đang xuống rất dày như mọi ngày.
Khi tôi tới khu nhà đầu tiên đầu làng thì sương mù đã xuống đặc, tôi gần như không nhìn thấy gì xung quanh. Lúc này tôi có chút hoảng loạn vì nhà tôi nằm khá sâu trong làng. Lần đầu tiên tôi đi lẫn trong sương mù thế này quả thật không quen.
Tôi cứ mò mẫm đi trong sương mù theo thói quen và trí nhớ...Rẽ trái...rồi lại rẽ phải...Xong rồi phải đi đâu nữa? Những dấu mốc mà tôi thường nhớ để đi về nhà đã bị che mờ bởi lớp sương mù dày. Trời thì cứ tối dần, tôi sợ gần như đến phát khóc.
Tôi cuống lên chạy lại ngôi nhà ngay bên đường làng, đập cửa xin sự giúp đỡ, nhưng đợi mãi không có phản hồi gì. Tôi đập cửa mấy nhà liên tiếp như thế cũng không có chút gì khác. Người dân đi đâu hết rồi? Tôi tưởng sau 6h đa số mọi người ở nhà chứ? Những chiếc đèn l*иg cũng biến mất trong sương. Tôi lại chạy đi tiếp.
Hình như phía trước tôi có người. Tôi thấy nhấp nhô ở trong sương mù bóng người đi đằng trước. Tôi chạy lại gần và gọi. "Bác ơi...bác ơi...cháu là con bố Hải...cháu không nhìn thấy đường về..."
Nhưng lại gần, tôi nhận ra đó là cả một đoàn người. Phải gần tới 100 người. Họ đang mặc cái gì thế? Những tấm áo nâu sồng và cái đầu trọc lốc. Họ là một đoàn sư.
Tôi nói khá to nhưng dường như chẳng ai nghe thấy. Họ cứ chậm rãi đi về phía trước, tay mần tràng hạt, tiếng nam mô càng lại gần càng rõ.
"Các bác...các thầy ơi..." Giọng tôi bé dần. Lời kể sáng hôm trước của con Thư làm tôi gai người. Đám người đi lẫn vào trong sương mù. Họ dường như chẳng để ý đến tôi. Bất chợt một người phía cuối đoàn quay lại. Đó là một vị sư có nước da tai tái. Gương mặt của ông ta không phải mặt người. Đó chỉ là một gương mặt với hai mốc mắt đen sì không có tròng mắt.
Tôi hét lên kinh hãi rồi bỏ chạy ngược lại. Từng cơn run rẩy bao phủ khắp người tôi. Tôi bật khóc. Khi đã cảm thấy mình chạy đủ xa, tôi ngồi thụp xuống ôm mặt và khóc. Làm sao tôi có thể về nhà được đây?
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Đô Thị
- Ngôi Làng Cổ Mộ
- Chương 3: Sương mù