Chương 1
– Cái thứ đã tịt đẻ rồi còn lười thối thây ra ấy chứ. Nó mà được một phần như con dâu nhà chị thì đã tốt. Tôi cũng vô phúc mới có thứ con dâu như vậy.
Tiếng mẹ chồng Niên ở dưới nhà nói oang oang với bà hàng xóm, vọng cả vào căn buồng của cô. Cô ngồi lặng lẽ ở giường thở dài mấy cái rồi mới bước ra ngoài. Niên và Đăng lấy nhau đến nay cũng hơn bốn năm nhưng chưa có một mụn con nào. Nhiều lúc cô cũng nghĩ không biết kiếp trước mình ăn ở thế nào mà đến kiếp này ông trời lại không cho cô nổi một đứa con. Còn nhớ ngày cưới, mẹ chồng cô nhất định không cho cô đi vào cửa trước với lý do cô mồ côi mẹ. Niên hiền nhưng không ngu tới mức cô không biết rằng các cụ ngày xưa hay vì chửa trước mới bắt con dâu đi cửa sau chứ chẳng ai vì cái lý do mồ côi mẹ mà bắt đi cửa sau như vậy. Cũng may mấy bà thím của Đăng nói mãi, cộng thêm việc Đăng quỳ xuống cầu xin mẹ chồng cô mới chấp nhận để cô đường hoàng bước vào nhà bà.
Niên làm may ở một xí nghiệp gần nhà, dù đồng lương không phải quá thấp nhưng đối với mẹ chồng cô cũng chưa bao giờ là đủ, bà luôn cho rằng cô lấy Đăng là trèo cao bởi Đăng ít nhất cũng làm phó quản đốc của công ty than. Thực ra Niên biết bà ghét cô từ trước khi cưới vì sở dĩ bà thích chị Hà làm kế toán ở uỷ ban xã, gia đình rất có điều kiện và theo bà là môn đăng hộ đối với nhà bà. Thế nhưng đáng tiếc Đăng lại nằng nặc lấy Niên, điều này càng làm cho bà căm ghét Niên vạn phần.
Sáng nay cũng như mọi ngày, Niên dậy từ rất sớm để quét sân, quét nhà xong mới vào gấp quần áo trong buồng vậy mà mẹ chồng cô vẫn chì chiết bên ngoài. Khi cô vừa bước ra còn chưa kịp chào bà hàng xóm một câu mẹ chồng cô đã nguýt dài bỏ đi.
Niên quen rồi, hồi đầu về cô còn buồn nhưng giờ cảm giác đó đã chai sạn cả lại. Phận đàn bà không đẻ được cô càng không dám cãi lời chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng tất cả mọi tủi nhục. Hôm nay là thứ bảy cô được nghỉ, nhưng thực lòng cô lại không thích ngày nghỉ chút nào. Đăng đi công tác trên tỉnh mấy ngày khiến cô càng thấy thời gian dài đằng đẵng. Cô xách làn ra chợ, vừa đi vừa nhìn trời, nhìn đất. Giá mà cô có một đứa con, chỉ cần một đứa con thôi có lẽ cuộc đời cô đã khác. Bốn năm dài hơn cả một thập kỉ, việc mẹ chồng đày đoạ cũng không khổ tâm bằng việc cô không thể sinh cho chồng một đứa bé. Có mấy lần cô tìm hiểu khoa học hiện giờ đã có thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, nhưng mỗi lần nói đến việc này cả nhà chồng cô đều gạt đi. Đến ngay cả việc cô muốn lên tỉnh thăm khám cũng bị mẹ chồng cô ngăn cản, cấm đoán. Bà suốt ngày có bài ca
– Ngày xưa các cụ đẻ sòn sòn như gà ấy có ai làm sao? Tôi cũng đẻ ra được thằng Đăng với con Hiền giỏi giang chăm chỉ. Chị khỏi cần đi khám cho tốn tiền, bao nhiêu thuốc bắc uống còn chẳng ăn ai nữa là khám rồi uống mấy cái thuốc tây vào người chỉ tổ tốn tiền. Nhà này cũng không thừa tiền để chị làm vài ba cái việc thất đức ấy, có con hay không cứ phải tự nhiên. Thụ tinh thụ tiếc cái gì cũng không phải con mình.
Niên nghe mẹ chồng nói xong cũng chỉ biết thở dài vào trong. Ở cái làng quê này việc thụ tinh được coi là thất đức, nếu không có con tự nhiên được cũng không bao giờ được can thiệp. Vài lần Niên nói với Đăng mong anh nói để mẹ anh hiểu nhưng anh đều gạt đi với lý do anh cũng thích có tự nhiên. Thực lòng mà nói chính cô cũng còn muốn có tự nhiên chứ đừng nói là Đăng hay mẹ chồng cô, vả lại… số tiền kia quá lớn, Niên có tìm hiểu cũng biết mình chẳng bao giờ có cơ hội mà làm. Nhưng Niên khao khát lắm có một đứa con của mình. Bốn năm rồi, sao cô không nhận ra đến ngay cả chồng cô cũng bắt đầu nản dần.
Niên đi chợ về mẹ chồng cô cũng ăn sáng xong. Sáng cô nấu ít cháo để đấy, thế mà vừa vào đến sân bà đã bĩu môi nói:
– Cháo thì loãng như nước, thứ con dâu vụng thối vụng nát. Mà chị mua gì đấy? Cá có tươi không vậy? Bao nhiêu tiền?
– Cá tươi mẹ ạ, còn bơi trong chậu.
– Bao nhiêu tiền đống đấy
– Dạ… tám mươi ngàn cả hành mùi, cà chua, với rau nữa ạ.
Nghe đến đây bà bỗng tru tréo lên:
– Tám mươi ngàn? Chị nghĩ tiền của con trai tôi làm ra là giấy hay sao mà chi tiêu hoang phí thế? Bản thân chị làm ra mấy cái đồng bạc còn không đủ sống, chị cũng phải biết thương chồng chị chứ. Mình nó nuôi mấy cái miệng ăn, tám mươi ngàn chưa kể gạo, muối, đường… chị thừa tiền quá cơ.
Niên nghe xong, cúi gằm mặt, mấy hôm nay ở nhà chỉ ăn quanh đi quẩn lại toàn thịt, bố chồng cô cũng nói ngán tận cổ nên cô muốn đổi bữa một chút. Vậy mà mới mua con cá về mẹ chồng cô đã khó chịu, nấu gì bà cũng chê, mua gì bà cũng không hài lòng, cô thực sự không biết phải làm thế nào nữa. Mẹ chồng cô thấy cô không đáp thì hắt cả chén trà lên người cô quát lớn:
– Chị bị câm à? Không biết nói gì à?
Nói? Nói gì bây giờ? Niên bặm môi mãi mới thốt được lời:
– Con… con xin lỗi…
– Đúng là vô phúc vô phận rước quả báo về nhà. Loại không có mẹ nên cũng không biết sống sao cho phải lối, bố chị cũng không biết dạy chị sống ra sao ạ? Mà từ bố đến con toàn loại không ra gì.
Nghe đến đây tim Niên bỗng thắt lại, đây không phải lần đầu tiên bà sỉ nhục cô, gia đình cô nhưng lần này quả thực cô thấy bà quá đáng rồi. Cô ngước mắt lên nhìn bà đáp lại:
– Mẹ, mẹ ghét con cũng được, mẹ chửi mắng con cũng không sao, nhưng mẹ đừng nói bố con như vậy. Từ nhỏ bố con đã một thân một mình gà trống nuôi con, tuy bố con không giàu sang, nhưng bố con sống đàng hoàng…
Còn chưa dứt lời mẹ chồng cô đã gào lên:
– Cái loại con dâu mẹ chồng nói một câu cãi lại mấy câu. Bố chị đàng hoàng, vậy ý chị là gia đình tôi không đàng hoàng. Gớm bố chị mà đàng hoàng đã không vô phúc có đứa con gái không biết đẻ như chị.
Mặt Niên bỗng dưng nóng bừng, chưa bao giờ cô thấy cay đắng, tủi nhục như bây giờ. Người ta vin vào cái cớ cô không đẻ được để sỉ nhục cả bố cô. Cô đang nhìn bà định lên tiếng thì bên ngoài đã có tiếng mở cổng của Đăng. Anh vừa kéo valy vào vừa hỏi:
– Sao mới sáng mà đã ầm ĩ thế? Em lại cãi lại mẹ à?
Mẹ chồng cô đặt chén trà xuống bàn thở dài:
– Anh xem xét mà dạy lại vợ anh đi, tôi cũng là phận bề trên mà nói gì chị ta cũng xoen xoét xoen xoét cãi lại.
Từ trước đến nay mẹ chồng Niên vẫn vậy, cứ có con trai về bà tỏ ra là người bị hại. Niên biết lúc này có nói gì cũng chẳng có ích nên cuối cùng đành im lặng. Đăng cũng không nói gì nữa mà kéo valy vào buồng, Niên cũng xuống bếp nấu ăn. Khi đang chuẩn bị dọn cơm cô nghe tiếng Đăng và mẹ chồng rì rầm trên nhà, không biết họ nói gì mà cô gọi mấy lần cả hai người mới xuống ăn cơm. Bố chồng cô hôm nay đi ăn đám giỗ làng bên, cô ngồi ăn cơm mà lòng bỗng thấy lạnh buốt.
Tối hôm ấy hai vợ chồng nằm ngủ cạnh nhau, mấy ngày Đăng đi vắng Niên có rất nhiều chuyện muốn tâm sự, giãi bày. Thế nhưng vừa đặt mình xuống anh đã ngủ, cô nằm bên cạnh thấy cô đơn vô cùng. Bốn năm nay cô biết thân phận mình không đẻ được nên chưa bao giờ đòi hỏi anh thứ gì. Có điều càng ngày cô bỗng cảm thấy cuộc hôn nhân này sao mong manh quá, cảm giác mơ hồ ấy càng lúc càng rõ rệt. Đăng… hình như cũng không còn như xưa nữa rồi.
Sáng hôm sau khi Niên dậy sớm quét sân nhà rồi nấu ăn sáng cho cả nhà mới phát hiện mẹ chồng cô đi đâu từ sáng sớm. Mãi đến buổi trưa, nấu xong cơm trưa mới thấy bà về. Khi Niên đang định ra gọi bà ăn cơm, đột nhiên cô phát hiện trên tay bà đang bế một đứa trẻ được ủ trong chăn. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra mẹ chồng cô đã bế vào nhà rồi oang oang:
– Ông Quốc đâu, thằng Đăng đâu, cả con Niên nữa ra đây tôi có chuyện muốn nói.
Khi mọi người ra đông đủ mẹ chồng cô mới bắt đầu cất lời:
– Chả là sáng nay đi sang làng bên chơi, lúc đi qua bìa rừng thấy thằng bé này bị bỏ rơi, hình như mới bị bỏ thôi, trên người còn bức thư của mẹ nó để lại. Nhà mình giờ cũng không có cháu, tôi thấy tội quá thôi thì mang nó về nuôi lấy phúc lấy phần, biết đâu nuôi nó rồi thằng Đăng lại có con thì sao.
Niên nhìn đứa bé trên tay mẹ chồng cô, áng chừng nó phải hơn một tháng rồi, gương mặt rất bụ bẫm đáng yêu. Bố chồng Niên trước nay nghe vợ nên cũng không ý kiến gì, Đăng nhìn Niên khẽ hỏi:
– Niên, hay vợ chồng mình nuôi đứa bé này nhé. Mẹ gặp dù sao cũng là cái duyên, vợ chồng mình chưa con cái nuôi cho vui cửa vui nhà.
Đứa bé thật sự rất đáng yêu, gần hai mươi tám tuổi Niên chưa biết làm mẹ là gì. Nhìn thấy nó bỗng dưng trong cô lại trỗi dậy thứ bản năng của người đàn bà. Cô đưa tay chạm lên má nó, mùi hơi sữa vẫn còn vương vấn. Nhà này mẹ chồng cô và Đăng quyết thì cô đâu dám cãi, nhưng lúc này cô cũng thật lòng muốn chăm sóc nó. Có điều không hiểu sao trong chuyện này cô cứ có một linh cảm gì đó rất mơ hồ. Mẹ chồng cô từ trước tới nay… đâu phải người thích làm phúc đức gì cho cam? Nhưng rồi cô khẽ gạt đi, bốn năm nay nói sao thì nói ông bà vẫn cứ khao khát có đứa cháu để bế là chuyện thường tình mà. Cô nhìn Đăng, khẽ gật đầu.
---------
Chuyện rất thực tế. Thương cho một kiếp người.