Tể tướng kể:
- Ngày xưa, nhà vua nọ có một hoàng tử rất mê săn bắn. Vua cho phép con
trai mình thỉnh thoảng được giải trí cách ấy, nhưng ra lệnh cho tể tướng bất
kỳ lúc nào hoàng tử đi săn tể tướng cũng phải đi theo và để mắt trông chừng
chàng.
Một hôm, trong một cuộc đi săn, hoàng tử say mê đuổi theo một con
hươu, và nghĩ rằng tể tướng vẫn chạy theo mình.
Vì hăng máu, hoàng tử phóng ngựa chạy lâu và xa quá. Đến nỗi cuối cùng
thấy còn lại mỗi một mình. Khi dừng lại, hoàng tử nhận ra mình đã nhầm
đường, chàng muốn quay trở lại để tìm vị tể tướng đã không theo kịp, nhưng
quanh quẩn một hồi, chàng bị lạc hẳn. Trong khi đang chạy quanh quẩn tìm
đường, chàng chợt bắt gặp một thiếu phụ ăn mặc khá sang trọng đang khóc
lóc thảm thiết.
Chàng gò cương dừng ngựa, hỏi thiếu phụ là ai, tại sao ngồi một mình
chốn này, và có cần được giúp chăng.
Thiếu phụ đáp:
- Em là công chúa con vua một xứ thuộc Ấn Độ. Em đi dạo về nông thôn,
nhưng nhỡ ngủ quên, ngã xuống và con ngựa chạy mất, em đang không biết
rồi ra sao đây.
Hoàng tử thương hại mời thiếu phụ lên ngựa ngồi sau lưng mình. Thiếu
phụ nhận lời.
Lúc đi ngang qua một táp lều, thiếu phụ xin xuống ngựa một chốc có việc
cần, hoàng tử dừng ngựa và cho thị xuống. Hoàng tử cũng xuống ngựa, cầm
cương ở tay và tiến đến táp lều. Chàng ngạc nhiên biết bao khi nghe người
đàn bà nói:
- Các con đâu, hãy mừng đi, mẹ dẫn về cho các con một chàng trai khôi
ngô béo tốt đây này.
- Đâu, đâu hở mẹ? chúng con phải ăn thịt nó ngay, chúng con đang đói
đây. – Nhiều tiếng nhao nhao trả lời người đàn bà.
Không cần nghe nhiều hơn, hoàng tử đã hiểu mình đang gặp tai họa lớn.
Hóa ra thiếu phụ tự xưng là công chúa con một ông vua thuộc Ấn Độ ấy là
một mụ phù thủy. Mụ thường la cà những nơi vắng vẻ, tìm trăm phương
ngàn kế lừa bắt và ăn sống những người qua đường. Hoảng hốt, chàng vội
vàng nhảy tót ngay lên ngựa. Mụ phù thủy xuất hiện ngay lúc đó. Thấy đã
hỏng việc, thị vờ hỏi:- Chớ sợ hãi! Anh là ai? Anh tìm gì? Hoàng tử đáp:
- Tôi đang bị lạc, tôi đang tìm đường.
- Nếu anh bị lạc, anh hãy cầu Thượng đế. Người sẽ giải thoát anh khỏi lúc
khó khăn.
Thế là hoàng tử ngước mắt lên trời, khấn: “Lạy Thượng đế tối thiêng
liêng, xin hãy giải thoát cho con khỏi mụ phù thủy này.”
Nghe câu khấn, người đàn bà chui tạt vào lều, và hoàng tử vội vã thúc
ngựa chạy.
May mắn làm sao, chàng tìm lại được đường, trở về cung an toàn lành lặn,
và kể lại cho vua cha nỗi hiểm nghèo mình vừa trải qua do lỗi của viên tể
tướng bất cẩn. Nhà vua nổi giận lôi đình, sai xử giảo tể tướng ngay tức khắc.
Kể xong, tể tướng nói tiếp với vua Hy Lạp:
- Tâu bệ hạ, xin trở lại chuyện thầy thuốc Đubăng. Nếu bệ hạ không dè
chừng mà cứ một mực tin lão thì sẽ nguy to. Tôi được nguồn tin chắc chắn
báo cho biết đó là một tên gián điệp được các kẻ thù của bệ hạ phái đến đây
để tìm cách hại ngài. Lão đã chữa lành bệnh cho bệ hạ, ngài nói vậy ư? Ai
dám bảo đảm chuyện đó? Có thể lão chỉ chữa bệnh bên ngoài nhưng thật ra
là không. Biết đâu thứ thuốc ấy với thời gian sẽ chẳng có công dụng độc hại?
Nhà vua Hy Lạp, vốn cũng hơi trì độn, không đủ sáng suốt để nhận ra ác ý
của tể tướng, cũng không đủ kiên quyết để giữ ý kiến ban đầu của mình. Lời
tể tướng làm vua nao lòng.
- Tể tướng à, – vua nói – ông có lý đấy, có lẽ lão cố tình đến đây để hãm
hại ta thật. Lão ta chỉ cần dùng đến một thứ hương liệu nào đó trong các loại
thảo mộc của lão cũng đã đủ làm việc ấy. Vậy ta phải làm gì bây giờ?
Thấy nhà vua đã ngả theo ý mình, tể tướng nói:
- Tâu bệ hạ, phương sách tốt nhất để tinh thần bệ hạ được thanh thản, tính
mạng bệ hạ được an khang, là ngay lập tức cho triệu lão đến, và khi lão vừa
tới nơi, bệ hạ hãy ra lệnh chém đầu.
- Đúng thế, ta tin rằng chỉ có làm như vậy mới có thể phòng ngừa âm mưu
của lão.
Nói xong, vua gọi một viên quan hầu, sai đi tìm thầy thuốc. Ông này
không biết có chuyện gì, vội vã tới ngay hoàng cung. Vừa thấy mặt ông, vua
hỏi:
- Mi có biết tại sao ta cho đòi mi đến đây hay không?
- Tâu bệ hạ không. Tôi đang chờ bệ hạ phán bảo.
- Ta đòi mi đến để sai gϊếŧ chết mi cho khuất mắt ta.Không thể nào diễn tả được sự ngạc nhiên của thầy thuốc Đubăng khi
được nghe mình bị tội chết:
- Tâu bệ hạ, tại sao ngài hạ lệnh gϊếŧ tôi? Tôi đã làm gì nên tội?
- Ta được nguồn tin chắc chắn cho biết mi là một tên gián điệp, mi được
phái tới triều đình ta để mong ám hại ta. Để phòng ngừa, ta phải gϊếŧ mi.
Quay lại phía đao phủ lúc ấy đang có mặt, vua phán:
- Hãy chém đầu nó, hãy gϊếŧ chết tên khốn nạn đã luồn vào tận đây hòng
hại ta!
Thầy thuốc hiểu ra chính những ân huệ, những của cải vua ban cho ông đã
làm cho ông có nhiều kẻ thù, và ông vua yếu đuối đã tin nghe những lời xúc
xiểm. Ông hối hận đã chữa khỏi bệnh phong cho vua, song hối hận giờ đây
có ích gì.
- Vậy bệ hạ thưởng công cho tôi bằng cách ấy ư? Vua không muốn nghe
nữa. Một lần nữa vua ra lệnh cho đao phủ khai đao. Thầy thuốc đành phải
chuyển sang van xin:
- Hỡi ôi, tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy đoái thương cho tôi được sống. Thượng
đế sẽ kéo dài tuổi thọ của ngài. Xin chớ bắt tôi phải chết, e rằng Thượng đế
cũng sẽ bắt ngài phải chết theo.
Vua Hy Lạp đã không xót thương, còn quát:
- Không, không, tuyệt đối không, mi phải chết! Nếu không mi sẽ có cách
tinh vi để hãm hại ta y như mi đã chữa cho ta khỏi bệnh vậy.
Thầy thuốc Đubăng nước mắt như mưa tiếc là mình đã làm ơn cho một kẻ
bất nghĩa, và đành chịu chết. Đao phủ bịt mắt, trói tay ông và sắp sửa rút
dao.
Các triều thần lúc ấy có mặt đều đem lòng thương hại, xúm lại xin tha cho
thầy thuốc tội chết. Không những vua không lay chuyển, mà còn cất lời trách
mắng họ nặng nề, đến nỗi không ai dám nói nữa.
Thầy thuốc bị bịt mắt, quỳ gối, sẵn sàng chờ lưỡi đao oan nghiệt nhưng
vẫn cố gắng một lần cuối cùng:
- Bệ hạ đã bắt tôi phải chết thì ít ra ngài cũng cho tôi được phép quay về
nhà sửa soạn phần mộ, vĩnh biệt gia đình, chia của làm phúc, và giao phó các
cuốn sách thuốc quý của tôi cho những người biết cách sử dụng. Trong số
sách ấy có một cuốn tôi muốn được tặng bệ hạ. Đó là một cuốn sách rất quý,
rất đáng được cất giữ trong kho tàng của ngài.
- Cuốn sách mà mi nói đó quý ở chỗ nào? – Vua hỏi.