Bà Hoài đang bế con thì nghe thấy tiếng cổng mở. Ông Hải đã đi chợ về, vẻ mặt lấm lét tránh sự dòm ngó của hàng xóm. Trên tay ông Hải nào là hoa, quả, vàng mã, gà…đủ những thứ mà vợ dặn. Bà Hoài vội chạy ra đỡ cho chồng, đóng cổng lại ông Hải hỏi vợ :
— Ở…ở…nhà có …xảy ra chuyện…gì không..?
Bà Hoài đáp :
— Không có gì, mình vào nhà nhanh rồi phụ tôi giết gà chuẩn bị làm lễ. Phải thành tâm vào, mà ra chợ có bép xép với ai không đấy.?
Ông Hải lắc đầu nói :
— Mình dặn tôi như thế sao tôi còn dám nói, người ta cũng thắc mắc tại sao hôm nay lại mua đồ lễ, đâu có phải mùng 1 hay ngày rằm gì đâu.? Tôi phải nói là nhà có cúng đấy.
Bà Hoài gật đầu ưng bụng với chồng lắm, hai ông bà đi vào trong nhà. Ông Hải thì đun nước, cắt tiết gà, bà Hoài thì bày biện đồ cúng lên chiếc bàn gỗ cũ kỹ đặt ngay cạnh cái giếng. Con gà sau khi được luộc xong được đặt ngay ngắn chính giữa chiếc bàn, nhang khói đã được thắp đầy đủ. Bà Hoài với ông Hải quỳ ngay chiếc thành giếng. Ông Hải cứ mỗi lần thấy vợ khấn xong thì lại lạy theo một lần. Cúng xong bà Hoài nói với chồng :
— Tôi cũng chỉ biết khấn vậy thôi, cái lễ này chỉ mong sao quỷ thần nơi đây chứng giám cho lòng thành của vợ chồng mình. Trước mắt vậy, giờ để đây đến khi nhang cháy quá nửa tuần hãy ra dọn. Giờ ông vào nhà tôi bàn chuyện này.
Ông Hải đi theo vợ vào bên trong nhà, cậu con trai hôm nay trộm vía hay sao mà ngủ ngon lành. Hai vợ chồng bà Hoài ngồi trên hai chiếc đòn nhỏ, bà Hoài làm mặt lo lắng nói với chồng :
— Ban nãy ông đi tôi chợt nhớ lại câu chuyện ngày xưa mà bà thầy bói cạnh nhà kể. Cũng liên quan đến việc nhận được vàng như nhà mình thế này. Hung cát thế nào chưa thể biết được, nhưng chắc chắn một điều đất nhà mình có quỷ, có thần. Chuyện này không phải chuyện đùa, tôi sẽ đi hỏi han xem có ai biết thầy nào xem được địa lý, đất đai cũng như tướng mệnh không..? Nếu có ông phải đi gặp người ta một chuyến, nhưng cũng phải cẩn thận vì nhỡ may gặp phải ông thầy không có tâm lại sinh họa.
Ông Hải cau mặt gắt vợ :
— Đã đi nhờ thầy nhưng lại sợ người ta biết, thế mình muốn tôi làm cách nào bây giờ.
Suy nghĩ một lúc bà Hoài hỏi :
— Thế mấy cục đá ban nãy mình nhặt dưới giếng lên đâu..?
Ông Hải chỉ tay ra phía sân rồi đáp :
— Thì toàn đá nên tôi đáp ở sân kia kìa…Vàng đâu mà giữ.
Bà Hoài tém nước bọt nói với chồng trong lo lắng :
— Chết thật, sao ông lại đáp đi. Kể cả nó có là đá nhưng là đá dưới cái giếng kỳ lạ. Ông đáp đi như thế mang tội, nãy ông đáp đi mấy cục thì nhặt hết lại vào đây.
Ông Hải làu bàu :
— Rõ rách việc, đáp đi hai cục….Còn đâu ở dưới giếng thấy là đá lại thả xuống. Sân nhà toàn đất có đá đâu nên nó vẫn nằm kia kìa. Để tôi ra nhặt lại…
Ông Hải đứng dậy ra sân sau tìm kiếm, nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy một cục đá tròn tròn duy nhất. Gãi đầu gãi tai đi loanh quanh mấy vòng thì cũng chỉ thấy một cục. Sợ vợ cằn nhằn, ông Hải cầm cục đá đi vào nói :
— Có một cục thôi, chắc nãy tôi nhớ nhầm. Chứ đá thì làm gì có chân mà chạy đi đâu.
Lấy vải bọc cục đá lại cẩn thận bà Hoài thủ thỉ vào tai chồng :
— Nếu tìm được thầy, vào gặp thầy ông không được nói gì cả. Chỉ cần mở mảnh vải bọc cục đá này ra cho thầy nhìn, thầy mà phán đúng về cục đá thì đó chính là người có tầm am hiểu, còn nếu thầy mà không biết gì thì thôi, ông cầm cục đá đi khỏi đó ngay.
Nghe vợ nói cũng hợp lý, nếu thầy nào mà tinh thông tướng số, nắm rõ địa lý , long mạch thì chỉ cần nhìn cục đá mà ông mò được dưới giếng nên chắc hẳn sẽ phát hiện điều bất thường. Còn ông nào mà hỏi mang cục đá đến đây làm gì thì là loại thầy chẳng biết gì. Ông Hải vỗ tay cái đét, nhưng rồi lại thu mình lại do sợ con tỉnh giấc :
— Hay, hay….mình nói đúng, vậy mình hỏi thăm xem thầy ở đâu có tiếng tôi đi một chuyến. Biết đâu sau chuyện này nhà mình lại phất..
Bà Hoài lắc đầu ngán ngẩm :
— Họa hay phúc còn chưa biết được đâu, đàn ông các ông vô lo vô ưu, cứ thấy của là sáng mắt lên. Ăn của thiên thì cũng phải trả cho địa hết, ăn không làm sao được. Chơi với quỷ thần là con đường dẫn đến địa ngục đấy.
Ông Hải từ sáng đã phải tận mắt chứng kiến những sự việc mà dù không tin ông cũng phải tin cái gọi là ma quỷ, thần thánh là có thật. Rùng mình nổi gai ốc ông Hải lắp bắp nói :
— Thôi thì sao cũng được, mà nhang chắc cháy hết rồi, đi ra xem dọn dẹp đồ lễ để còn đi làm việc. Mà nhà hết nước uống rồi phải không..? Lát bà lấy tôi hai cái thùng để tôi đi vào giếng trong lấy nước.
Gọi là giếng trong bởi vì trên mảnh đất nhà ông Hải có hai cái giếng, một cái thì nằm ở sân sau, cái còn lại cũng không thể gọi là giếng, bởi nó nằm trong một đường hầm. Cái hầm này tôi cũng biết bởi ngày nhỏ nhà tôi cũng sang bên đấy gánh nước về uống suốt bao nhiêu năm. Tôi nghe kể đó là hầm mà ngày xưa giặc Pháp đào để trú quân trong đó. Hầm được đào sâu vào trong lòng núi, nhưng cả đoạn hầm được chia ra làm nhiều ngách nhỏ, hầm được đổ bê tông rất kiên cố. Trong một ngách của đường hầm đi vào đến đường cụt thì ở đó có một cái miệng giếng, gọi là giếng cũng không đúng vì nó khá nông. Tuy nhiên ở trong cái giếng nhỏ ấy nước lúc nào cũng đầy ắp. Kiểu như ngày xưa khi đào hầm thì người Pháp đào trúng mạch nước. Chẳng biết thực hư có đúng không nhưng cái giếng đó mọi người nói là do người Pháp cho lựu đạn nổ thành hố chứa nước. Đến đời tôi cái giếng đó nước vẫn nhiều không bao giờ cạn. Nước ở trong đó ngọt lắm, nhưng phải kể thật khi mà bước chân vào hầm thì nó lạnh buốt, lạnh đến cóng người mặc cho bên ngoài trời nóng.
Mùi ẩm mốc, mùi rêu, mùi đá núi bốc ra khiến cho tôi ngày nhỏ sợ không bao giờ dám chui vào hầm một mình nếu như không có người lớn đi cùng. Mỗi lần gánh nước là phải người cầm đuốc, người gánh thùng đi cùng với nhau. Cái giếng ở sân sau thì khi tôi nhận thức được sự việc thì đã không còn. Còn cái hầm bên trong có giếng nước ngọt ấy thì chính tôi đã được cảm nhận. Chẳng nói gì ngày đó mà đến bây giờ miệng hầm vẫn còn. Chỉ là chẳng ai dám sang nhà bà Hoài mà gánh nước về uống nữa. Cái hầm nhà bà Hoài cũng là một điều đặc biệt để dân làng bàn tán về những chuyện đau thương xảy ra với gia đình bà.
Người thì nói ngày xưa giặc Pháp ở trong đó. bộ đội ta ban đêm đột nhập vào rồi cứ thế cắt cổ từng người một. Xác chết trong cái hầm đó nhiều không đếm hết được. Họ nói đất đó nghịch, động phải long mạch thành ra tai họa ập đến. Nhìn vào cửa hầm thôi cũng đủ khiến người ta run sợ. Đấy là những câu chuyện được người làng thêu dệt nên những năm gần đây.
Quay trở lại cái thời mà gia đình bà Hoài vẫn ngày ngày ghánh nước từ giếng trong ra ngoài uống. Xóm làng cũng sang xin nước không phải ít, ngày đó ai cũng khen nhà bà Hoài may mắn, chuyện nước non sinh hoạt không phải suy nghĩ. Trong khi người ta phải đi mua nước, đi chở nước cách đó cả chục cây số thì nhà bà Hoài chỉ cần đi vào hầm gánh nước ra là dùng.
Bà Hoài trả lời chồng :
— Cũng hết rồi, mà mình để tôi soi đèn cho mà gánh. Trong đó trơn mà tối lắm.
Ông Hải xua tay :
— Gớm mà nữa, đi vào đó nhiều đến thuộc đường rồi. Mình trông con, tôi đi một mình cũng được.
Hai vợ chồng đi ra ngoài miệng giếng chuẩn bị thu xếp đồ cúng, chưa ra đến nơi đã thấy tiếng vo ve của ruồi nhặng bu đầy vào mâm đồ cúng đặt trên bàn. Bà Hoài mặt tái nhợt đi chỉ tay về phía mâm cúng hỏi chồng :
— Lúc…lúc…đi…chợ…Mình mua…gà….sống….đúng chứ…?
Ông Hải vẫn chưa nhìn ra điều gì, thấy vợ hỏi ông trả lời :
— Cô này bị ấm đầu à..? Con gà tôi mang về còn sống giãy đành đạch lúc cắt tiết. Giờ lại còn hỏi mua gà sống à..? Chẳng lẽ mua gà chết về làm lễ.!
Bà Hoài nuốt nước bọt chỉ tay vế phía con gà đặt giữa mâm cũng nói với giọng run run :
— Mình nhìn kia kìa, con gà…con gà chuyển màu tím thâm, chỗ thì tái nhợt như bị ngâm nước lâu ngày. Ruồi..bọ…nó đang…bâu kín…kia…kìa..
Ông Hải tròn mắt nhìn theo hướng tay vợ chỉ, quả nhiên tiếng vo ve là của những con ruồi đang bu kín trên mình con gà lễ.
Khi mà hai vợ chồng còn đang hoang mang tột độ không biết chuyện gì đang xảy ra thì bên trong nhà tiếng trẻ con khóc vang lên inh ỏi. Là cậu con trai đầu lòng của hai ông bà Hoài – Hải, thay vì điệu cười giòn giã, khanh khách như lúc sớm. Bây giờ nó đang khóc ré lên như bị ai đó đánh đập, trêu ghẹo. Sợ hãi bao trùm lên ngôi nhà, chẳng ai bảo hai hai vợ chồng chạy thục mạng vào bên trong nhà xem con trai làm sao…..khi mà càng lúc thằng bé càng khóc mỗi lúc một to hơn.