Chương 42: Câu Chuyện Quá Khứ

Sau hôm đó đến nay đã là ba ngày thông, đêm nào ông Hải cũng nằm mơ thấy một giấc mơ giống hệt nhau. Trong giấc mơ ông Hải nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ nghèo nàn, trước sân nhà là những đứa trẻ đang nô đùa với nhau. Trong mơ ông Hải còn nhìn thấy một người phụ nữ cắp cái giỏ đi chợ về, nhưng bên trong giỏ chỉ có mấy củ khoai hà. Nhìn thấy người phụ nữ, đám nhóc chạy ùa ra đón rồi chúng chia nhau những củ khoai hà, đắng ngắt. Ánh mắt người phụ nữ trong ngôi nhà đó nhìn lũ trẻ có một nỗi buồn mang mác. Không ai thấy nhưng thi thoảng người phụ nữ lại đưa tay lên khẽ lau đi những giọt nước mắt chỉ chực rơi xuống. Rồi đột nhiên, khung cảnh trong giấc mơ thay đổi, xung quanh ông Hải lúc này chỉ còn là một mảnh đất khô cằn, đen tối. Mùi xú uế từ đâu bốc lên khiến cho ông Hải giật mình lùi lại, nhưng rồi ông cảm giác mình vừa đụng trúng một thứ gì đó dưới chân.

Đưa mắt nhìn xuống, ông Hải hét toáng lên khi mà nằm dưới đất chính là xác một đứa trẻ, mặt mũi đã teo tóp lại, chân tay chỉ còn da bọc xương, kinh hoàng hơn khi mà ông Hải bắt đầu nhìn thấy nhiều hơn là một xác chết.

“ Một…hai…..ba….bốn…”

Những cái xác đang nằm rải rác trên mặt đất đầy ghê rợn, mặc dù sau đó tỉnh lại và biết chỉ là mơ nhưng ông Hải có cảm giác như mình chỉ vừa trở về từ ngôi nhà đó. Mọi thứ rất thật, nếu chỉ là một giấc mơ bình thường thì không sao, đằng này sau buổi chiều tối ấy, đã ba đêm ông Hải mơ cùng một giấc mơ. Nhìn sang bên vợ thấy bà Hoài vẫn còn đang ngủ, lúc này mới là 4h sáng. Ông Hải nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, ông cố nghĩ xem ngôi nhà trong giấc mơ đó là ai, người phụ nữ và những đứa trẻ đó là ai, và tại sao họ lại đến đây, tại sao họ lại xuất hiện trong giấc mơ của ông. Ông Hải chắc chắn rằng ông chưa từng gặp họ bao giờ, nhưng chẳng hiểu sao ông Hải thấy có điều gì rất quen thuộc, ít nhất là ông Hải đã từng được nghe về họ ở đâu đó rồi.

Lay người vợ ông Hải khẽ gọi :

— Này…này, dậy đi tôi hỏi cái này…?

Bà Hoài còn đang ngái ngủ, trở mình quay sang bên chồng bà Hoài đáp :

— Gì đấy, trời sáng rồi hả ông…? Sao ông dậy sớm thế, ngủ chút nữa đi.

Ông Hải thở dài :

— Nào đã sáng đâu, tôi lại vừa mơ thấy ác mộng. Có chuyện này tôi muốn hỏi bà..?

Bà Hoài tỏ vẻ khó chịu :

— Mơ mộng là chuyện bình thường, có gì đâu mà ông lo sợ thế.?

Ông Hải tiếp :

— Nhưng giấc mơ này ba hôm nay tôi đều thấy, đó chẳng phải là điều kỳ lạ sao.?

Bà Hoài tỉnh ngủ vội vàng hỏi :

— Ông….ông mơ thấy gì mà ba ngày liên tiếp thế hả..? Có phải lại mơ thấy điềm báo tìm thấy vàng như hồi đó không..?

Ông Hải gạt đi :

— Không, vàng ở đâu mà vàng…Tôi mơ thấy mình đi đến một ngôi nhà nghèo lắm, trong nhà đó có một người phụ nữ và những đứa trẻ con. Trước khi tỉnh dậy tôi thấy đám trẻ trong ngôi nhà đó đều chết cả. Mà hình như trên đường đi đến ngôi nhà ấy tôi thấy có gì đó quen thuộc.

Bà Hoài hỏi tiếp :

— Sao ông lại nằm mơ thấy chúng nhỉ..!?? Này, hay là ông giấu tôi có con riêng bên ngoài phải không..!?

Ông Hải định gắt ầm lên nhưng do con bé Thanh vẫn còn đang ngủ nên ông chỉ đáp lại :

— Bà đừng có mà ăn nói hàm hồ, chuyện nảy không phải đùa đâu. Mà bà nhớ kỹ lại xem trong làng này có nhà nào như vậy không..!? Trong mơ tôi còn thấy trước cổng nhà họ có một cây lộc vừng, mà nhiều hoa lắm, đỏ rực luôn.

Bà Hoài ngán ngẩm thơ dài :

— Tôi không biết đâu, ông nằm mơ xong giờ lại hỏi tôi thì làm sao mà tôi biết được. Thôi, hãy còn sớm, ngủ chút nữa đi. À mà mỗi lần sinh con ra đều có lộc, không biết đẻ đứa nữa ra gia đình mình có ăn lên làm ra như trước không nhỉ..!? Tuy giờ vẫn không phải là khó khăn nhưng cứ thế mãi cũng không ổn.

Để mặc cho vợ ngủ tiếp, ông Hải cố gắng lục lại trí nhớ xem mình đã từng thấy những người trong giấc mơ ở đâu hay chưa. Tuy nhiên theo ông Hải được biết thì trong làng này chắc chắn không có nhiều nhà mà có cây lộc vừng đẹp như vậy. Định bụng đợi trời sáng ông Hải sẽ đi hỏi một vòng quanh quanh xem có ai biết về ngôi nhà đó hay không. Nghĩ như vậy nên sau khi ăn sáng xong, ông Hải đi ra ngoài hỏi han về giấc mơ mấy ngày hôm nay ông gặp phải.

Hỏi qua vài người tuy nhiên kết quả ông Hải nhận được chỉ là những cái lắc đầu không biết, hoặc có người mách cho ông Hải vài ba nhà có cây lộc vừng nhưng khi đến nơi thì những ngôi nhà đó đều không giống với hình ảnh trong giấc mơ. Đang lang thang trên đường thì ông Hải chợt thấy một thằng nhóc tầm tuổi con trai lớn của ông đang nghịch một quả bóng bưởi. Thấy ông Hải thằng bé nhặt quả bóng bưởi lên rồi bỏ chạy. Chẳng hiểu sao lúc đó ông Hải cũng chạy đuổi theo nó một cách vô thức. Thằng bé dẫn ông Hải chạy vào trong một cái ngõ nhỏ, ông Hải không lạ gì nơi này, đây chính là hợp tác xã của làng. Chỉ có điều lúc này thằng nhóc đã biến đi đâ mất. Tuy gọi là hợp tác xã nhưng hai năm nay nơi này không còn hoạt động, không ai rõ lý do làm sao, nghe đâu ba trong số 6 người đứng ra thành lập cái hợp tác xã này đều đã chết. Chính vì vậy những người còn lại không đủ lực để tiếp tục duy trì. Cho nên mới thành lập từ năm 1976 mà đến nay nơi này đã bỏ hoang, chẳng ai còn nhớ đến nó nữa.

Đang đứng nhìn những cây bàng đỏ lá, ông Hải chợt nghe thấy những tiếng cười đùa của trẻ con đang vọng ra rất gần nơi này :

“ Hi hi hi….Nghịch bẩn lát nữa mẹ về mẹ không cho đồ ăn đâu đấy nhé..”

“ Anh bôi bẩn lên người em rồi…Bắt đền em đi..”

Những tiếng cười cứ văng vẳng trong đầu ông Hải, nhưng ở nơi bị bỏ hoang này làm gì có ai. Nghĩ bụng chắc có lẽ có một vài đứa trẻ đang chơi ở đây nên ông Hải dạo quanh một vòng để tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không thấy một ai. Mặt trời đang dần lên cao, mới chỉ là buổi sáng mà nắng đã rất gay gắt. Không tìm được câu trả lời thích hợp, ông Hải toan đi về thì gặp ngay một ông lão đang cầm cái sào tiến lại gần. Ông Hải mở lời chào :

— Chào cụ, cụ đi đâu thế ạ.

Ông lão nhìn ông Hải gật đầu đáp lại :

— Chào anh, tôi đi cất mấy cái vó ở mương kia kìa. Mà anh đi đâu sao lại đứng đây..?

Người làng quê, có khi hai người chẳng quen biết nhau nhưng câu chuyện làm quà lại dễ nói chuyện. Thấy ông cụ đã lớn tuổi, nghĩ bụng có lẽ ông cụ sẽ biết được điều gì đó nên ông Hải đánh bạo hỏi :

— Dạ, thưa cụ, không giấu gì cụ, tôi đang đi tìm một ngôi nhà có cây lộc vừng, cây lộc vừng đó đến mùa nở hoa đẹp lắm, đỏ kín cả cây luôn. Cụ có biết trong làng này có cây lộc vừng nào như vậy không ạ..?

Ông cụ chống cái sào xuống đất rồi vỗ vỗ vào đầu sau đó chỉ tay về cái chuồng bò trống không của hợp tác xã rồi đáp :

— Chính là ở đây chứ đâu nữa, nhưng đấy là chuyện của 4 năm về trước rồi, khi ấy ở đây còn chưa phải là hợp tác xã, chỗ cái chuồng bò kia nếu tôi nhớ không nhầm thì ngày trước ở đó có một cây lộc vừng, đẹp lắm. Nhà tôi ở ngay gần đây, sau này làm hợp tác xã nên họ thu lại đất, làm lại hết rồi.

Ông Hải tròn mắt ngạc nhiên, ông Hải hỏi tiếp nhưng giọng khá run :

— Cụ…cụ…cho tôi hỏi thêm….Có phải cây lộc vừng đó nằm trước cổng của một ngôi nhà không ạ..?

Ông cụ gật đầu :

— Đúng rồi, trước ơ đó là nhà của cô Chín, cô ta cũng tầm tầm tuổi anh đấy, bố mẹ mất sớm, một mình cô ta sống ở đó. Nhưng hình như bỏ xứ đi đâu mấy năm nay rồi, kể ra thì cũng tội nghiệp lắm, thấy bảo bị mấy người xây cái hợp tác xã này đòi lại đất. Không cho ở nữa nên phải đi, mà nguyên nhân là do bố mẹ vay nợ người ta, không trả được nên bán đất. Sau đó cả hai người tự tử, để lại cô con gái một mình, chẳng chồng con gì.

Ông Hải toát mồ hôi hột, nuốt nước bọt ông Hải lẩm bẩm :

— Sao lại không có con, rõ ràng mình thấy trong nhà đó có nhiều trẻ con mà.

Ông cụ dường như đã nghe thấy nên lập tức hỏi lại :

— À, ra vậy…Vậy anh có phải là bạn của cô Chín không..? Chắc là bạn nên đên đây tìm nhà phải không..?

Ông Hải còn đang lúng túng thì ông cụ tiếp tục :

— Đấy không phải là con của cô Chín đâu, toàn là trẻ mồ côi, trẻ lang thang cô ấy nhặt ngoài đường đem về nuôi đấy. Năm đó mới kháng chiến xong, dân còn nghèo, rồi người chết vì bom đạn, kẻ thì bỏ mạng nơi chiến trường. Cha mẹ chết đi để lại con cái bơ vơ, lang thang, cơ nhỡ…..Lúc đó đến cái miệng ăn của bản thân còn không lo nổi, ấy vậy mà nó ( cô Chín ) chẳng hiểu nghĩ gì lại đi dắt những đứa trẻ vạ vật ngoài đường ấy về nhà, rồi nuôi chúng nó. Trong khi bản thân nó còn đang mang nợ của bố mẹ chưa trả được. Nghĩ tội lắm, chính vì nó tốt nên quanh đây tôi nhớ mỗi nó. Tôi còn nhớ cái hôm mà nó bị người ta đòi đất, đòi nhà, mấy mẹ con nó đứng nheo nhóc bên dưới gốc cây lộc vừng mà khóc như mưa. Nhìn khổ sở lắm, khốn nỗi tôi cũng nghèo nên chẳng thể giúp được. Mà đâu, buổi sáng sớm trước ngày nó bị đòi nhà, chẳng hiểu đứa mất dạy nào đẻ con ra không nuôi mà lại quẳng ngay trước cửa nhà nó. Đến buổi trưa, nó tay thì bế đứa trẻ con còn đỏ hỏn, khát sữa nó khóc không dỗ được, mấy đứa lớn hơn thì đứng nắm tay mẹ cũng tu tu khóc. Khi đó tôi có lại gần hỏi mấy mẹ con tính sao thì nó nói sẽ bỏ đi vào miền Trung tìm người họ hàng. Nhưng tôi biết nó nói vậy thôi, chứ tôi ở đây từ đời ông bà nó, làm gì có họ hàng nào trong đó. Nhìn mấy mẹ con nó dắt tay nhau đi mà đau lắm anh ạ.

Vừa kể ông cụ vừa nhìn xung quanh cái hợp tác xã bỏ không rồi cay đắng nói tiếp :

— Đấy cho đáng đời cái lũ khốn nạn, xây cái hợp tác xã này lên cuối cùng cũng có làm ăn được gì đâu. Một số thằng bị báo ứng chết bất đắc kỳ tử, âu cũng là quả báo. Cây lộc vừng mà anh tìm chúng nó đào gốc bán cho nhà nào trên tỉnh, giàu lắm. Nhân quả, báo ứng hết….Nếu anh đến đây tìm cô Chín cũng như tìm cây lộc vừng thì bây giờ ở đây chẳng còn gì nữa đâu. Mấy năm nay tôi cũng không thấy nó về làng lần nào, chẳng biết còn sống hay đã chết, hay đang lưu lạc ở đâu. Đúng là đời, kẻ giàu làm ác thì càng giàu, còn người nghèo sống nhân hậu thì ông trời bạc đãi.

Trước khi ông cụ bỏ đi, ông Hải gọi với hỏi thêm một câu :

— Cụ ơi, cụ cho tôi hỏi vậy thời điểm mà cô Chín bị đòi nhà để phải bỏ đi là lúc nào ạ..?

Ông cụ quay lại trả lời :

— Không nhớ rõ chính xác nhưng hình như là tầm giữa năm 1975. Thôi, chào anh nhé….

Ông Hải sững người vì ông Hải vừa nhớ ra khoảng thời gian đó chính là lúc ông Hải bán được hai viên gạch vàng, xây nhà và sau đó là đưa số tiền 200 cây vàng để bà Hoài đi làm việc thiện như lời thầy Lã dặn. Trí nhớ của ông Hải lúc này bỗng dưng quay trở về một cách rõ mồn một. Ông Hải nổi da gà, lạnh toát sống lưng khi mà ông vừa chợt nhớ ra, tại sao ông lại thấy người phụ nữ ông gặp trong mơ và những đứa trẻ kia rất quen thuộc. Đó là bởi vì ông đã từng biết đến họ và người nói cho ông biết về họ không ai khác chính là vợ ông, bà Hoài.

Trong đầu ông Hải lúc này chợ lóe lên một suy nghĩ, một giả thiết đầy kinh hoàng nhưng nó lý giải cho tất cả mọi sự việc đã diễn ra trong quá khứ, cũng như giờ đây đang tái hiện lại ở thực tại, trên đường quay trở về nhà ông Hải tự nhủ :

“ Tốt nhất là bà không giống như những gì tôi đang nghĩ…”