Ngày hôm trước Tươi cùng hai người làm nữa trong nhà đi mua đồ để hôm sau mời thầy về cúng 49 ngày cho cô Điệp. Bà Hoài cùng mẹ cũng sốt sắng chuẩn bị, đã gần hai tháng trôi qua, mọi chuyện trong nhà cũng đã dần dần lắng xuống. Ông Hải tuy đau buồn nhưng dẫu sao ông Hải cũng là người biết suy nghĩ. Thấy vợ suốt thời gian qua ngày nào cũng quỳ trước gian thờ thành tâm tụng kinh, niệm phật. Có những hôm bà Hoài vừa quỳ vừa khóc lóc mong cô Điệp tha lỗi. Bà cũng kể cho chồng sự việc cái hôm mà ông Hải thấy xác cô Điệp rằng sáng sớm hôm đó cô Điệp cũng hiện về và nói không trách bà Hoài.
Thấy vợ ăn năn, hối lỗi thật sự nên ông Hải phần nào nguôi ngoai. Bởi tuy cô Điệp đã chết nhưng thực tâm bà Hoài sau đó cũng mong muốn ông Hải đón cô Điệp về sống chung. Chỉ tiếc là cô Điệp nghĩ quẩn mà gieo mình xuống sông chết trước đó rồi. Bà Hoài nói với chồng :
— Ngày mai là 49 ngày của cô ấy, mình cho phép tôi được tự tay làm đồ lễ để cúng cô ấy được không..? Mình cũng biết thời gian qua tôi cũng ân hận lắm rồi, mình có trách tôi thế nào tôi cũng chịu, nhưng xin mình hãy để tôi tỏ lòng thành với linh hồn của cô ấy.
Ông Hải khẽ đáp :
— Ừ, vậy bà nhớ lo liệu cho chu toàn. Người chết cũng đã chết rồi, giờ phải sống làm sao cho miệng đời bớt cay độc với mình đây này. Hi vọng linh hồn cô Điệp nơi suối vàng sẽ tha lỗi cho bà, và cho cả tôi nữa.
Sáng sớm ngày hôm sau, khi mà bên nhà ông Hải mọi người đã lịch kịch chuẩn bị, người chất bếp, kẻ múc nước, người quét dọn, sắp xếp đồ lễ thì ở bên kia đường đối diện nhà bà Hoài có một tiếng kêu thất thanh vang lên. Tiếng hét của một người đàn ông, hình như người đó đang phải chứng kiến hay gặp phải một chuyện gì đáng sợ lắm.
Mọi người dừng tay đổ xô ra bên ngoài, mở cổng lao ra đường, không chỉ có nhà ông Hải mà những nhà gần đó cũng đang chạy ra xem có chuyện gì. Tiếng hét phát ra từ nhà bà Tằm, phía nhà bà Tằm, cửa chính mở toang, chồng bà Tằm đang bò lê, bò lết ngoài sân không đứng lên được. Nhưng miệng vẫn đang gào thét :
— Cứu…Cứu….tôi với….Vợ….vợ….tôi….chết….rồi.
Vừa hét, tay ông ta vừa chỉ vào bên trong nhà, ông Hải chạy vội sang cùng mấy người đàn ông nữa, hai người đàn ông chạy sang tưởng chồng bà Tằm bị thương ở đâu nhưng không phải, trên người ông ta không có một vết thương nào cả ngoài đôi dép lào ướt đẫm máu đang nằm trong sân. Họ nhấc người chồng bà Tằm dậy tuy nhiên tứ chi ông ta bủn rủn không đứng được. Ông ta chỉ tay vào bên trong nhà ú ớ :
— Vợ….vợ….tôi….chết…rồi.
Ông Hải cùng một người nữa nhìn vệt máu kéo dài từ trong nhà ra đến ngoài sân thì cũng chột dạ, vết máu kéo lê có lẽ là do chồng bà Tằm kéo từ bên trong nhà kéo ra. Cả hai người nhìn nhau rồi gật đầu thống nhất đi vào trong nhà, khẽ đẩy cánh cửa chính sang hẳn một bên, ông Hải từ từ bước từng bước một vào trong. Cảnh tượng trước mắt khiến cho ông Hải suýt chút nữa phải đứng tim, người đi cùng ông Hải còn sợ đến nỗi phải bỏ chạy ra ngoài kêu cứu :
— Có….có người chết…..cô Tằm….cô Tằm….chết rồi.
Cả xóm ầm ỹ xôn xao, bà Hoài bỗng dưng nổi da gà, trong nhà bà Tằm lúc này chỉ còn đúng một mình ông Hải đứng chôn chân nhìn cái xác của bà Tằm đang lủng lẳng trên một sợi dây thừng treo vắt ngang qua xà nhà. Kinh hãi hơn khuôn mặt bà Tằm lúc này đang hướng ra bên ngoài cửa chính, miệng của cái xác như bị ai đó dùng dao cắt hai đường bắt đầu từ hai bên mép xẻ tận cho đến mang tai, cái miệng của bà Tằm lúc này đang ngoác rộng ra, phần cằm khẽ chuyển động mỗi khi sợi dây thừng đong đưa theo những cơn gió lùa vào. Máu chảy từ trên xuống ướt sũng nền nhà, đen xì, nhơ nhớp. Dưới chân cái xác là một cái ghế và một con dao đẫm máu, sắc lẹm. Đôi mắt của bà Tằm trợn ngược toàn lòng trắng, mặt mũi tím thâm, hai bàn chân trắng ởn.
Nhưng còn một điều đáng sợ hơn chính là lý do vì sao máu lại có thể chảy lênh láng ra nhiều như thế, đó là vì bộ quần áo cũng như tóc của bà Tằm vẫn còn đang ướt sũng nước. Nước chảy xuống hòa vào máu khiến cho máu lan ra khắp nơi, nhìn bà Tằm cứ như trước khi treo cổ chết thì đã có ai đó nhúng cả người xuống nước rồi mới treo lên vậy. Cái xác cứ lủng lẳng, đung đưa theo gió, trong một thoáng ông Hải giật mình bởi từ phía bên trong gian nhà nơi kê chiếc giường ngủ của vợ chồng bà Tằm hình như vừa có bóng một ai đó, bóng một người phụ nữ với mái tóc dài, mặc áo bà ba…..Tuy nhiên nhìn lại ông Hải không thấy gì khác ngoài cái giường trơ trọi.
Cái chết của bà Tằm khiến dân làng hoảng sợ, qua thẩm tra chồng bà Tằm thì được biết tối hôm trước hai vợ chồng đi ngủ, đến 1h đêm lúc chồng bà Tằm khát nước do ban ngày uống nhiều rượu thì vẫn còn thấy vợ mình nằm bên cạnh, thậm chí khi ngủ bà Tằm còn ngáy. Nhưng sáng sớm nay tỉnh giấc, sờ ngang không thấy vợ đâu, chồng bà Tằm nghĩ vợ dậy sớm, nhưng lúc đi ra gian ngoài ông ta mới giật mình khi đang ngái ngủ bước đi, ông ấy đụng vào một vật gì đó. Dụi mắt nhìn lên thì ông ta hoảng sợ khi nhận ra có một cái xác đang treo lơ lửng ngay giữa nhà mình, hoảng hốt mở bung cửa chính để chạy ra ngoài thì chồng bà Tằm bị trượt ngã, ánh sáng ngoài trời hắt vào bên trong khiến ông ta nhận ra người treo cổ lơ lửng giữa nhà kia chính là vợ của mình. Kinh hoàng hơn là ngoài cái xác đẫm máu thì khuôn mặt của bà Tằm đã bị cắt đến đầy ghê rợn. Mọi người hỏi trước đó bà Tằm có biểu hiện gì không thì ông chồng đều lắc đầu, thậm chí hôm qua bà Tằm còn rất vui vẻ vì chồng đi làm về đưa hết tiền lương. Thế cho nên bà Tằm mới cho ông ấy đi uống rượu cả buổi tối.
Nhìn cái ghế với con dao, hơn nữa trong nhà chỉ có hai vợ chồng, nếu không phải là ông chồng ra tay giết vợ thì chỉ còn lại nguyên nhân duy nhất đó là bà Tằm tự sát. Nhưng tự sát bằng cách treo cổ đã đành, tại sao lại còn phải dùng dao cắt miệng mình đầy đau đớn như vậy, một con người bình thường dám đủ liều lĩnh để dùng dao cắt chính miệng của mình hay sao..?
Mặc cho mọi người đồn đoán ra sao thì vẫn có những người nhìn cái xác của bà Tằm mà tự hiểu ra vấn đề, một trong số đó chính là bà Hoài. Bà Hoài không dám nhìn cận cảnh cái xác, nhưng nghe ông Hải kể lại thì bà Hoài đã hình dung ra được hình ảnh đó như thế nào, bà Hoài run rẩy nói với chồng :
— Không…không lẽ….là do…cô ấy.
Ông Hải thắc mắc :
— Bà nói gì, do ai…? Mà bà biết ai gây ra chuyện này à..?
Bà Hoài giật mình lắc đầu nguầy nguậy :
— Không…không….tôi có biết…gì đâu….hai tháng nay ông thấy…đấy….tôi….tôi có bao giờ nói chuyện….với nhà nó đâu..
Ông Hải cũng thấy đúng, từ hôm đám ma cho cô Điệp ông thấy vợ mình không còn giao du với đám bà Tằm nữa. Ông Hải nói :
— Nhưng sao mà nó lại chết một cách dã man vậy nhỉ..? Nghĩ lại thôi mà giờ tôi còn nổi hết cả da gà.
Bà Hoài im lặng không nói, nhưng trong đầu bà cũng tưởng tượng ra hình ảnh mồm của bà Tằm bị rạch đến tận mang tai. Bà Hoài rùng mình nghĩ ngay đến chuyện đó tượng trưng có việc từ cái mồm của bà Tằm nên cô Điệp mới phải gieo mình xuống sông tự vẫn. Chi tiết toàn thân bà Tằm ướt sũng nước càng khiến cho suy nghĩ của bà Hoài là đúng. Hôm nay là 49 ngày của cô Điệp, nếu nghĩ kỹ lại thì nguyên nhân khiến cho cô Điệp phải chết chính là do bà Tằm và hôm nay trong ngày 49 của cô Điệp, bà Tằm đã chết một cách đầy ghê rợn. Dù có không tin thì bà Hoài cũng phải tin bà Tằm chết chính là do cô Điệp hiện hồn về báo oán.
— Ối giời ơi….Cái…cái gì đấy. – Bà Hoài giật nảy người nhảy dựng lên khi bị một cái chạm khẽ vào vai từ đằng sau.
— Mày làm sao thế hả con..? Kệ chuyện nhà người ta đi, lo mà vào làm cơm cúng kia kìa. Làm cái gì thì phải bảo chúng nó mới biết mà làm chứ. Cứ đứng ngây người ra đây.
Mẹ bà Hoài vỗ vai con khẽ nói, bà Hoài thót tim vì đó chỉ là mẹ mình. Bà Hoài đáp :
— Mẹ làm con hết cả hồn, đây thì con cũng đang định xuống đây. Mà mẹ ơi, ma quỷ có giết được người không ạ..?
Mẹ bà Hoài nhìn con thấy hơi là lạ, nhưng bà vẫn trả lời :
— Ma quỷ thì không trực tiếp giết được người, nhưng mẹ từng nghe nói hồn ma có thể nhập vào người khác để giết người hoặc sai khiến chính người bị nhập. Mà sao tự nhiên mày lại hỏi chuyện ma quỷ..?
Bà Hoài lạnh gáy vội nói lảng đi :
— Thì con hỏi vậy thôi, tại người chết bên kia nghe chồng con tả sợ lắm.
Đi ra đằng sau chuẩn bị đồ cúng, bà Hoài không ngừng suy nghĩ về cái chết của bà Tằm, mọi thứ diễn ra quá nhanh và đáng sợ. Bà Tằm đã chết, có khi nào người tiếp theo sẽ chính là bà Hoài, bởi bà Hoài đã đuổi cô Điệp đi, bà Hoài cũng góp phần không nhỏ trong cái chết của cô Điệp. Càng nghĩ càng sợ, 11h trưa, khi mà mọi thứ đã được bày biện xong xuôi, trớ trêu thay bên nhà bà Hoài đang làm cơm cúng thì bên kia đường nhà bà Tằm thì người ta cũng đang đưa thi thể bà Tằm xuống để điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Bà Hoài ở bên này quỳ xuống nghe bà thầy cúng khấn vái, làm lễ. Cứ thi thoảng bà Hoài lại ngước mặt lên nhìn di ảnh của cô Điệp mà toát mồ hôi lạnh. Bức ảnh chân dung đen trắng với đôi mắt u buồn cứ như thể đang xoáy sâu nhìn thẳng vào tâm can của bà Hoài. Điều đó khiến cho bà Hoài có phần hoảng loạn, nhất là khi bà thầy xin đài đến 3 lần đều không được. Cầm cái đĩa đựng tiền đài trên tay, bà thầy cúng đăm chiêu một lát rồi thở dài nhắm mắt nói :
— Chắc có lẽ cô ấy chết oan nên còn nhiều vương vấn. Đợi một lát rồi gia chủ thắp cho cô ấy nén hương, thành tâm cầu khẩn, nói cô ấy đừng lưu luyến cõi trần, sớm đi đầu thai chuyển kiếp. Lần đầu tiên trong đời tôi làm lễ cúng mà xin đài đến 3 lần mà không được đấy. Thôi thì xin cô ấy thêm một lần nữa, lần này không được nữa thì phải đợi đến 100 ngày sau tiếp tục làm lễ.
Bà Hoài mặt tái nhợt đi, chưa bao giờ nhìn một bức ảnh mà bà Hoài cảm thấy rờn rợn như bây giờ. Đứng trước di ảnh của cô Điệp bà Hoài cảm tưởng như dù cho bà Hoài có quay đi đâu thì ánh mắt trong bức ảnh vẫn chăm chăm nhìn về phía bà. Thầy cúng nói bà Hoài thắp nhang xin cô Điệp, trước mặt cả nhà gồm mẹ, chồng và người ở, bao diêm không hề bị ướt, nhưng bà Hoài cứ hễ quẹt diêm định châm nhang thì y rằng diêm bị tắt mặc cho trong nhà lúc này không hề có gió. Bà Hoài hai tay run rẩy quẹt diêm nhưng phải đến chục lần không được.
Thầy cúng nhìn thái độ của bà Hoài khẽ hỏi nhỏ :
— Cho tôi hỏi, lúc cô ấy còn sống bà chủ có làm gì mắc lỗi với cô ấy không..?
Câu hỏi khiến bà Hoài sợ rơi cả bao diêm xuống nền nhà, lóng ngóng nhặt lên bà Hoài không may chạm vào cái bát đang xếp trên bàn khiến nó rơi xuống vỡ toang. Mọi người có mặt ở đó càng sửng sốt khi mà bà Hoài nghe tiếng bát vỡ thì vội bỏ chạy ra xa miệng nói lớn :
— Đừng, đừng giết tôi…
Có lẽ ở đây chỉ có ông Hải và Tươi là hiểu rõ nguyên nhân, ông Hải thấy vậy thì vội vã chạy lại đáp :
— Dạ thưa cô, để tôi thắp nhang được không ạ..?
Bà thầy cúng gật đầu :
— Ừ, vậy ông chủ làm đi…Lần này mà không được nữa thì gay go đấy. Ông chủ nhìn những mảnh vỡ của cái bát kìa, chúng đều hướng mũi nhọn ra phía ngoài cửa. Đây rõ ràng không phải điềm lành.
Ông Hải nhìn xuống nền nhà, quả nhiên đúng như lời bà thầy cúng nói. Lấy bình tĩnh ông Hải rút ba nén nhang, tất cả hồi hộp chờ xem ông Hải có quẹt được diêm cháy hay không. Nhưng chưa vội quẹt lửa, ông Hải chắp tay im lặng trong đầu tự nhủ :
“ Điệp ơi, anh biết em chết không nhắm mắt vì nỗi oan ức mà những người còn sống đã gây ra cho em. Kể cả việc mụ Tằm kia phải chết anh thấy cũng đáng, nhưng em sống là người hiểu biết, hiền lành, nay thác đi anh mong em hải lượng hà sa mà tha cho Hoài. Hoài cũng đã biết sai, ăn năn hối lỗi, bản chất của Hoài không xấu, chỉ vì nghe theo lời bịa đặt của người đời mà gây ra lầm lỗi với em. Em có thiêng chắc cũng biết khi tỉnh ngộ Hoài đã hiểu ra và một lòng muốn em về đây sống cùng cả gia đình. Chỉ tiếc em đã ra đi trước một bước, rất khó để mong em tha thứ nhưng anh xin em hãy buông bỏ để siêu thoát, để được đầu thai, nếu có kiếp sau anh và Hoài xin được làm thân trâu ngựa để chuộc lại lỗi lầm của kiếp này đã gây ra cho em.”
Vái ba vái, ông Hải lấy bao diêm quẹt lửa, lửa cháy không tắt, ba cây nhang được đốt cháy đỏ rực. Cắm nhang vào bát hương ông Hải gọi vợ đến trước di ảnh của cô Điệp quỳ lạy. Một làn gió nhẹ từ bên ngoài thổi vào mang theo một mùi hương quen thuộc, mùi hương của hoa nhài mà cô Điệp rất thích, cô Điệp thường hay dùng hoa nhài để ủ thơm tóc mỗi khi gội đầu. Cơn gió mang theo mùi hương thơm thoang thoảng khiến cho không gian trong ngôi nhà trở nên dễ chịu, mọi người ai nấy cũng thanh thản sau cơn gió lạ. Bà Hoài nghe văng vẳng bên tai một giọng nói từ trong không trung vọng lại :
“ Em…không….trách…chị…đâu..”
Leng keng…Leng keng.
Tiếng tung đài xin quẻ của bà thầy cúng được gieo xuống cái đĩa nhỏ, quẻ tốt. Bà thầy cúng vái ba vái rồi ngẩng đầu lên khẽ nói :
— Xong rồi, cô ấy đã chấp nhận lời thỉnh cầu của gia chủ.
Làm lễ xong bà thầy trước lúc ra về được ông Hải đi theo kính thêm một phần lễ mọn, ra đến cổng bà thầy nhìn xung quanh rồi khẽ nói với ông Hải :
— Tôi chỉ là thầy cúng, không biết nhiều về chuyện ma quỷ, âm binh. Nhưng không khí trong nhà ông chủ với ngoài cổng này có gì đó rất lạ. Hình như ma quỷ đang lảng vảng quanh đây nhưng không vào được bên trong, chính vì vậy âm khi ở trước cổng khá là nặng. Hoặc có thể do ở đây mới có người chết nên tôi cảm thấy như vậy. Tốt nhất ông chủ nên cẩn thận, để lâu sẽ có hại.
Ông Hải cúi đầu cảm ơn bà thầy cúng, cũng đã đầu giờ chiều. Không khí càng ảm đạm hơn khi mà phía đối diện nhà bà Tằm những tiếng khóc than vẫn đang vang lên một cách đầy bi thương. Nghĩ đến sáng nay nhìn thấy xác bà Tằm mà ông Hải vẫn còn rùng mình. Không phải ông không nghĩ đến cô Điệp mà là ông cố giấu đi để vợ không sợ hãi đến hoảng loạn vì ông biết bà Hoài đang khủng hoảng.
Vậy là lo việc cúng lễ cho cô Điệp cũng đã xong, giờ là lúc ông Hải và bà Hoài phải quay lại với công việc, vì xưởng may gần đây làm ăn không được tốt. Do cái chết của cô Điệp khiến cho ông Hải cũng như mọi người đều hoang mang. Mấy tiệm vải cũng đã đóng cửa suốt gần hai tháng qua. Chuyện làm ăn đang có dấu hiệu đi xuống, nếu không nhanh chỉnh đốn thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Dù vẫn còn buồn nhưng ông Hải cũng phải dẹp mọi chuyện đã qua sang một bên để tiếp tục.
“ Vù….ù…..ù…”
Một làn gió nhẹ khẽ thổi vào tóc ông Hải, cơn gió đó cứ như đang quấn quanh lấy ông Hải. Tất nhiên làn gió đó có mùi thơm của hoa nhài. Ông Hải bỗng cảm nhận thấy như có ai đó vừa khẽ chạm vào phía sau lưng của mình. Ông giật mình quay lại, làn gió biến mất, phía sau ông không có ai cả, nhưng nước mắt ông Hải cứ thế rơi xuống giống như vừa nhìn thấy một bóng hình quen thuộc, ông Hải khẽ nói :
— Điệp, cảm ơn em vì tất cả.
Ông Hải lặng lẽ bước vào trong nhà, trong số người ngồi bên sân nhà bà Tằm khóc than từ sớm đến giờ. Chẳng hiểu họ đã ở đó từ bao giờ, hay có ai nhìn thấy họ hay không, nhưng ngồi trong góc sân dưới gốc cây nhãn râm mát là ba mẹ con ăn xin nọ, người mẹ hai tay vẫn ẵm cái bọc vải, còn cậu con trai nhỏ ngồi cạnh nắm tay mẹ. Ngồi bên sân nhà bà Tằm nhưng những đôi mắt của họ lại chỉ chăm chăm nhìn về phía nhà ông Hải.
“ Đừng khóc…đừng khóc….con ơi….Chúng ta….chưa…vào…được…đâu…”