- 🏠 Home
- Linh Dị
- Việt Nam
- Nghiệp Chướng
- Chương 32: Cỏ Héo
Nghiệp Chướng
Chương 32: Cỏ Héo
3 ngày sau tại một quán ăn khá đông, nhưng ông Hải đã đặt riêng một phòng nhỏ để chờ đợi 3 vị khách người Trung Quốc. Không chậm lấy một giây, đúng giờ hẹn họ có mặt tất nhiên họ còn xách theo mỗi người một chiếc túi khá to bên trong đựng gì thì chắc hẳn ông Hải cũng biết. Đó chính là Tiền, rất nhiều Tiền, tuy nhiên họ cũng không vội vàng khi mà chưa biết được rằng thứ mà ông Hải nói có phải là thật hay không.? Đồ ăn được phục vụ đưa lên đã đầy đủ, cánh cửa được chốt lại, chẳng ai thèm quan tâm xem những món ăn nóng hổi trên bàn kia có ngon hay không bởi vì họ đến đây với mục đích khác, người Trung Quốc kia ra hiệu cho hai người đi cùng đặt cả ba chiếc túi lên trên bàn rồi đồng loạt mở ra. Những xấp tiền giấy bạc được đặt ngay ngắn bên trong ba chiếc túi như những viên gạch chồng lên nhau ( Nghe các cụ kể lại là rất rất nhiều tiền, người kể lại là tiền tính bằng bao. Mình không rõ mệnh giá đồng tiền những năm 1975 nên không thể viết chi tiết. Chỉ biết số tiền mà những người Trung Quốc mua lại hai viên gạch vàng là rất lớn ) khiến cho ông Hải phải hoa mắt. Cả đời chưa bao giờ ông Hải nhìn thấy nhiều tiền đến như vậy. Người Trung Quốc nhìn ông Hải nói :
— Chỗ tiền này có giá trị mua được 500 cây vàng. Giá như ông chủ đồng ý đổi vàng lấy vàng thì sẽ dễ tính hơn. Nhưng ông chủ muốn tiền mặt nên chúng tôi cũng khá vất vả để chuẩn bị đủ số tiền này. Tiền đã có, vậy thứ đồ mà ông chủ nói với chúng tôi đâu ạ.?
Ông Hải còn đang sửng sốt trước số tiền mặt quá lớn nên có phần choáng. Lôi trong cái túi cũ rích đã sờn cả vải ra ông Hải đặt lên trên bàn nuốt nước bọt đáp :
— Đây, đây chính là hai viên gạch vàng có khắc biểu tượng con Hạc. Các vị có thể cầm lấy kiểm tra.
Tấm vải đỏ được mở ra, ánh vàng lóe lên khiến ba người Trung Quốc run run đôi bàn tay từ từ tiến lại gần chỗ ông Hải. Họ chảy nước mắt ròng ròng khi mà chưa chạm vào, chỉ mới nhìn thấy trên bề mặt viên gạch vàng ở chính giữa có hình con Hạc sải đôi cánh rộng, bên dưới biểu tượng có ba chữ 百 鹤 家 . Ngay lập tức họ quỳ xuống lạy rồi cứ thế khóc, chính vì sợ người bên ngoài nghe thấy lại nghĩ xảy ra chuyện gì nên ông Hải phải đứng ở gần cửa để canh chừng. Lát sau lau nước mắt đứng dậy họ cầm hai viên gạch lên một cách đầy kính trọng. Người Trung Quốc nhìn ông Hải nói trong vui mừng khôn siết :
— Cảm ơn, cảm ơn ông chủ…..Đây đúng là vàng của Bạch Hạc Gia, thật không thể ngờ ngay cả những tiền nhân của chúng tôi cũng không có những thứ quý giá này mà chúng tôi lại tìm được. Đây là bằng chứng cho thấy, tổ tiên của Bạch Hạc Gia thật sự là những người giàu có và quyền lực. Nhìn hai viên gạch vàng này xem, cách đây 300 năm nó chính là biểu tượng của hạnh phúc, của sự trong sạch, thanh liêm, cao quý mà tổ tiên chúng ta muốn gửi đến người trong thiên hạ.
Cả ba người Trung Quốc quỳ xuống trước mặt ông Hải lạy ba lạy rồi mới đứng lên, họ nói :
— Số tiền này liệu có đủ để chúng tôi mua lại hai viên gạch vàng này không ạ..? Ông chủ cứ nói đừng ngại, tiền với chúng tôi so với thứ này không là cái gì cả, nếu như ông chủ muốn thêm chúng tôi sẽ đưa thêm.
Ông Hải xua tay đáp :
— Đủ rồi, không giấu gì ba vị, đúng ra cách đây hai năm khi nhà chúng tôi bắt đầu mở tiệm vải. Khi ấy khó khăn tôi cũng đã muốn đem chỗ vàng này đi bán, thậm chí còn muốn nung chảy để chia nhỏ nó ra cho tiện giao dịch. Nhưng không hiểu sao ngay từ lần đầu nhìn thấy biểu tượng con Hạc được khắc trên vàng tôi đã có một cảm giác rất lạ. Nó như mách bảo tôi hãy cố gắng chờ đợi, rồi sẽ có một ngày có người đến tìm. Chính vì vậy mà suốt hai năm qua tôi vẫn chôn dưới đất, cho đến ba ngày trước gặp các vị ở tiệm vải như một sự sắp đặt của ông trời. Tiền, vàng đúng là rất đáng quý, nhưng nhìn các vị có tâm với hai viên gạch vàng này như vậy tôi càng thấy trân trọng hơn. Vật tổ của các vị nay được hoàn lại đúng với chủ của nó là điều đáng mừng. Số tiền mà các vị đem đến đã là quá đủ, tôi không dám đòi hỏi hơn. Chỉ mong sau này các vị chiếu cố đến tiệm vải cũng như xưởng may của chúng tôi là tôi cảm tạ lắm rồi.
Ông Hải cũng cúi đầu cảm kích trước ba người Trung Quốc. Nghe những lời chí lý từ ông Hải ba người Trung Quốc vội chạy đến cảm ơn ông Hải và không quên cam đoan họ sẽ giúp đỡ chuyện làm ăn của ông. Người Trung Quốc đại diện hay nói chuyện với ông Hải khẽ giấu hai người còn lại len lén đưa cho ông Hải một viên ngọc màu tím rất đẹp, ông ta khẽ nói :
— Viên ngọc này tôi tình cờ mua được trong một lần đánh hàng sang Tây Vực. Tuy được người bán nó nói viên ngọc có khả năng ổn định oán khí nơi người sở hữu nó sinh sống. Có thể đó chỉ là hư cấu nhưng màu sắc của nó đẹp, hơn nữa đeo nó bên mình tôi cũng luôn thấy thoải mái. Nay tặng lại cho ông chủ như một lời cảm tạ của riêng tôi. Mong ông chủ nhận cho.
Ông Hải nhìn viên ngọc thì thích mắt lắm, cũng là lòng thành của người Trung Quốc kia, hơn nữa nếu đúng viên ngọc có tác dụng như lời người Trung Quốc nói chẳng phải quá tốt hay sao. Nhận lấy viên ngọc ông Hải cúi đầu cảm ơn, mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp, phải vất vả với cảnh giác hết mức có thể ông Hải mới quay trở về nhà với một cái bao tải màu đen bên trong đựng toàn tiền là tiền. ( Lý do mà ông Hải cho vàng vào túi cũ sờn với đổ tiền từ vali ra bao là có mục đích cả nhé, miễn thắc mắc ). Chưa kịp mở cổng thì ông Hải giật bắn cả người bởi giọng nói đằng sau :
— Bác Hải đi đâu về đấy..? – Bà Tằm hàng xóm hỏi.
Ông Hải quay lại đáp mặt toát cả mồ hôi :
— Ơ…ơ….Cô Tằm đấy hả, tôi mới ở tiệm vải về. Có chuyện gì không cô..?
Bà Tằm nhìn nhìn vào cái bao chỉ chỏ :
— Ủa, bác vác cái bao gì mà nặng thế…?
Ông Hải mở cổng cho cái bao tải vào bên trong cổng rồi lau mồ hôi trả lời :
— Ôi dào, vải vụn, vải thừa ở tiệm mang về nhồi cái gối ấy mà cô. Thôi tôi vào nhà đây, chào cô Tằm nhé.
Bà Tằm đang định hỏi mở bao ra xin ít thì ông Hải đã chốt cổng khóa lại, bà Tằm gọi với :
— Lần sau có vải thừa gì bác cho em xin ít nhé, gối nhà em cũng xẹp lắm rồi.
Ông Hải gật gật cái đầu rồi xách bao tải tiền vào bên trong nhà. Bà Hoài đứng ngồi không yên từ sáng sớm tới bây giờ, nhất là nghe tiếng mụ Tằm bên ngoài bà len lén nhìn qua khe cửa sổ lại càng nóng ruột hơn.
Vào đến nhà lúc này chỉ có bà Hoài với cậu con trai nhỏ, hỏi khe khẽ vợ là mẹ đâu thì bà Hoài nói mẹ đã dắt cậu lớn đi sang hàng xóm chơi vì ở nhà nó nghịch khiến cho em không ngủ được cứ quấy khóc. Đóng kín cửa chốt lại ông Hải đặt bao tiền lên trên giường rồi ôm chầm lấy vợ :
— Mình ơi, tiền đây, tiền đây…Chỗ tiền này mua được cả mấy cân vàng đấy. Toàn là giấy bạc mệnh giá lớn, giàu to rồi, giàu to rồi.
Thấy chồng sung sướng quá bà Hoài vội ngăn lại, cũng bởi vác cả một số tiền cực nhiều trên đoạn đường về ông Hải vừa mừng vừa sợ. Sợ vì bị cướp, thế nên ông Hải tính toán kỹ lưỡng trước khi đi ông cho vàng vào cái túi cũ kỹ để ngụy trang, không quên đem theo cái bao màu tải màu đen để đựng tiền. Cướp giật có nhìn thấy chắc cũng đến mà nản. Chuẩn bị kỹ thế mà vẫn lo sợ, nay về đến nhà bao nhiêu kìm nén được bung ra khiến ông Hải hơi quá khích, bà Hoài cau mặt :
— Tai vách mạch rừng, ông khe khẽ cái mồm thôi. Dạo gần đây là tôi thấy con Tằm nó hay soi mói nhà ta lắm đấy. Đâu, mở ra tôi xem nào.
Ông Hải mở cái bao ra, bà Hoài đứng chôn chân một chỗ. Quá nhiều tiền, một số tiền quá lớn có lẽ làm cả kiếp cũng không thể nào mà kiếm được. Vậy là nỗi lo lớn nhất của cả hai vợ chồng đã được giải tỏa, không những vậy còn được giải tỏa một cách vô cùng hợp lý, vừa hợp lòng người lại hợp cả ý trời.
Ngày hôm sau ông Hải làm mấy mâm cơm thắp hương tổ tiên, làm lễ tạ ơn thần giữ của, cũng không quên đồ cúng vái nơi những ban thờ đá. Mọi chuyện xomg xuôi, tinh thần phấn chấn, cũng là lúc ông Hải lên kế hoạch xây nhà. Vào cái năm đó một ngôi nhà hai tầng được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp là một niềm mơ ước, một thứ xa xỉ mà chỉ có những ông chúa, bà quận, địa chủ cực giàu mới làm được. Ngôi nhà khang trang, rộng rãi, bề thế được hoàn thiện trong ánh mắt ngưỡng mộ của người đời. Người đi qua không biết thì nhìn ngôi nhà trầm trồ thán phục về sự giàu có của gia chủ, người sống ở đây lâu năm thì vẫn còn thắc mắc tại sao mà cái nhà này nó lại giàu nhanh đến như vậy. Khen cũng nhiều mà điều dèm pha cũng không phải là ít. Nhưng vợ chồng bà Hoài vẫn cứ ngày một giàu có hơn, cuộc sống của gia đình bà Hoài thay đổi, nhà cao, cửa rộng, công việc thuận lợi.
Lúc này ông Hải mới đề cập đến chuyện số vàng của thầy Lã gửi để làm việc thiện :
— Này mình, nhà cũng đã xong, con cái cũng cứng cáp hết cả rồi. Tôi tính chỗ tiền tương đương với 200 cây vàng kia đã đến lúc thực hiện lời hứa với thầy rồi đó.
Bà Hoài suốt thời gian vừa qua đã cố tình lảng đi việc này, bởi xây xong ngôi nhà cũng đã tiêu tốn của bà Hoài gần trăm cây vàng. Số tiền mà ông Hải đem về có giá trị của 500 cây vàng kia đã hao hụt một phần không nhỏ, nay ông Hải lại còn tính đem phân nửa số tiền còn lại để đi làm việc thiện. Điều này khiến bà Hoài cảm thấy khó chịu, nhưng biết tính chồng nên bà Hoài không dám cãi, bà Hoài nói :
— À, vâng…Thì mình cũng phải để tôi thư thư một vài bữa nữa. Nhà cửa mới xây xong, khách khứa rồi công việc còn bề bộn. Để vài hôm nữa tôi sẽ làm như lời mình nói. Vẫn để riêng phần của thầy sang một bên chứ có tiêu đến đâu mà minhg lo.
Ông Hải gật đầu :
— Ừ, đấy là tôi nhắc vậy….Dẫu sao tiền đó không phải là của mình, giữ trong nhà chỉ thêm lo lắng. Đem làm nhanh cho thanh thản đầu óc mình ạ, mấy hôm nay tôi cũng nằm mơ thấy thầy Lã suốt ấy. Chắc thầy có ý nhắc nhở mình rồi, bà liệu liệu mà làm đi nhé.
Bà Hoài vâng dạ nhưng trong đầu suy nghĩ :
“ Tiền trong nhà mình mà cứ bảo không phải của mình, đúng là sĩ diện hão. Dẫu sao thì ông thầy cũng lấy đi một viên gạch rồi chứ có phải không đâu. Đúng là không thể hiểu được, xây nhà xong cũng mất một khoản lớn giờ mà đem phân nửa chỗ tiền còn lại đi cho người ngoài chịu sao nổi.”
Nhìn thấy mẹ đang bế cháu trong nhà, bà Hoài khẽ mỉm cười. Bà quên mất trước khi xây nhà bà đã có tính hết kế hoạch vấn đề này. Mấy tháng qua bận rộn cứ nghĩ chồng sẽ quên nên bà không nhớ đến. Nay thì đúng là phải dùng đến cách này, thà như vậy còn hơn. Đợi ông Hải đi ra ngoài, bà Hoài gọi mẹ vào trong buồng riêng rồi đóng cửa lại thủ thỉ :
— Mẹ này, con có cái này muốn nhờ mẹ.
Mẹ bà Hoài đáp :
— Cha bố nhà chị, có chuyện gì mà chị còn chưa nhờ đến tôi nữa không mà cứ làm như bí mật, sao có cái gì nữa….Con chị giờ cứng rồi, tôi cũng đang tính nói chuyện với chị là để tôi về quê đây. Ở đây chẳng quen được ai, chẳng biết nói chuyện với ai, mà bố chị ở nhà cũng nóng ruột lắm rồi.
Bà Hoài mỉm cười nói :
— Vâng, vâng…con biết thời gian qua mẹ rất vất vả. Thế cho nên là hôm nay con muốn có chuyện này bàn với mẹ. Nhưng mẹ phải giữ bí mật đấy, tuyệt đối không được nói với ai.
Mẹ bà Hoài thấy con gái nói có phần nghiêm trọng, bà gật gật đầu rồi ghé sát tai lại nghe con gái nói thầm. Nghe xong bà giật nảy người lên hét toáng :
— Cái gì cơ, nhiều….nhiều thế á….Mà ở đâu ra mà lắm vậy được….
Bà Hoài vội ngăn mẹ lại :
— Trời ạ, đã bảo là bé mồm giữ bí mật. Mẹ đừng lo, không phải tiền ăn trộm, ăn cắp gì đâu. Là tiền con buôn bán mấy năm nay tích cóp được, nay con muốn cho anh chị em trong nhà mỗi người một ít, cho bố mẹ một ít để phòng thân. Số còn lại ông bà giữ giúp con, giúp cháu sau này chúng nó lớn lên còn có của để dành.
Mẹ bà Hoài lo lắng :
— Nhưng..nhưng mà….thằng Hải có biết chuyện này không..? Nhỡ đâu nó không chịu thì sao..?
Bà Hoài chép miệng lắc đầu trả lời mẹ :
— Thế mẹ nghĩ anh ấy đồng ý cho đi số tiền lớn vậy á..Con đã nói rồi, tiền này là tiền của con dành dụm làm ăn được, nay con muốn báo hiếu bố mẹ, giúp đỡ anh chị em trong nhà mình. Mẹ không muốn thì thôi vậy….
Mẹ bà Hoài kéo tay con gái lại suýt xoa :
— Thôi, thôi…Mẹ biết rồi, mẹ chỉ hỏi thế thôi….Chứ mày mà nghĩ được như thế mẹ mừng lắm. Không giấu gì con, bọn nó ở quê cũng cứ đánh tiếng bảo sao cái Hoài giàu thế mà chẳng thấy cho ca anh chị em chút nào. Mẹ cứ phải nói giờ con đi làm dâu, tài sản là của chồng chứ con sao được quyền quyết định. Nay thấy con nghĩ được thế này mẹ cảm động lắm con ạ.
Vừa nói mẹ ba Hoài vừa khóc, bà Hoài dặn thêm :
— Thôi thôi mẹ đừng khóc nữa, mà cho ai thì cho cũng phải dặn không được nói là tiền của con. Mẹ nhớ chưa, nhất quyết là không được nói với ai về chuyện này, mẹ cứ lẳng lặng về quê là được. À mà mẹ xem ở quê có đứa nào chăm chỉ, nhanh nhẹn, biết chăm sóc trẻ con thì đưa lên đây cho con một đứa để giúp việc. Tìm người làng mình cho nó dễ mẹ ạ.
Mẹ bà Hoài đồng ý luôn, bà đáp :
— Được rồi, cái này đơn giản mẹ lo được. Gần nhà mình có cái Tươi con nhà bà Mùi, mẹ thấy nó chăm chỉ lắm. Để mẹ về bảo nó lên đây làm giúp việc cho mày. Chứ giờ tìm người ngoài nhỡ may mất mát gì không biết đường nào mà lần con ạ. Cứ người gần nhà, cùng làng cho yên tâm.
Bà Hoài nói :
— Vâng, thế cũng được mẹ ạ….Vậy ngày kia, con sẽ đi lên chùa, mẹ đi cùng con. Con sẽ đưa tiền cho mẹ mang về quê nhé. Nhớ là phải giữ bí mật, tuyệt đối giữ bí mật.
Hai mẹ con bà Hoài bàn tính xong xuôi thì cùng nhau bước ra khỏi phòng, nhà rộng, thoáng mát, phía vườn sau bỗng nhiên thổi vào một cơn gió lạnh buốt mặc dù bây giờ đang là 1h trưa. Dù cho xây nhà mới nhưng riêng khu vườn và cái giếng ở sân sau ông Hải tuyệt đối không dám sửa sang một chút gì cả. Bởi ông vẫn nhớ lời thầy Lã dặn không được tùy tiện thay đổi, nhưng với bàn tay thiết kế của kiến trúc sư người Pháp, khu vườn lại rất hòa hợp với ngôi nhà.
Tuy nhiên có một điều mà không ai nhận ra, không đúng hơn phải nói là chưa ai nhận ra : Ở góc vườn, những khóm cỏ xanh đang bắt đầu héo úa. Chúng dần ngả màu vàng cháy, bên dưới những chiếc lá cây rơi xuống, cũng chẳng ai biết được rằng mặt đất màu nâu màu mỡ bấy lâu nay bắt đầu xuất hiện những đốm đen xạm. Nhưng có lẽ vẫn chưa một ai nhận thấy điều thay đổi vô cùng nhỏ nhặt ấy cho đến một hôm……..
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Việt Nam
- Nghiệp Chướng
- Chương 32: Cỏ Héo