Có được một số tiền đủ để trang trải công việc, ông Hải ngay lập tức đi tìm thợ, mua vật liệu để chuẩn bị xây miếu. Dưới sự chỉ bảo của thầy Lã tất cả mọi thứ diễn ra rất chu toàn. Người dân xung quanh không khỏi ngạc nhiên khi mà trong lúc khó khăn thế này mà ông Hải lại đi xây miếu thờ phụng. Tuy nhiên cũng nhờ cái mồm đưa chuyện của bà Tằm thành ra người dân xung quanh ai nghe xong cũng phải cho điều đó là hợp lý.
Cái giếng nước bỗng dưng chuyển màu đen báo hiệu điềm xấu, tai ương sắp ập đến với gia đình bà Hoài. Hàng xóm ngán ngẩm lắc đầu :
— Làng này ngày xưa cũng đã có gia đình tán gia bại sản cũng chỉ vì nước giếng đổi màu đen đấy. Nhà Hải – Hoài mà không cẩn thận á, cũng lại thế cho mà xem.
Người khác nói :
— Đấy, thì thế nên là mới vội vàng đi mua đồ về xây đựng miếu mả gì để mà cúng kiếng kia kìa….Chẳng biết có được không chứ kỳ này là bao nhiêu tiền của đi tong hết rồi. Mà chắc gì đã toàn mạng….Nhớ chồng bà Thoan không, chết chìm dưới giếng mấy ngày sau mới nổi lên đấy.
Từ đó những màu sắc huyền bí, đáng sợ đến rợn người được truyền miệng nhau qua câu chuyện cái giếng càng được đẩy lên cao hơn. Nào là giếng nước ấy ngày xưa có người chết đuối, rồi nào là đất đó bị ma quỷ ám nên đến lúc mạt….Ác mồm hơn người ta còn đồn khi đào giếng có người bị chết mà nhà ông Hải đưa xác lên rồi phi tang trong vườn nên bây giờ hồn ma người đó về báo oán.
Dù rất tức giận nhưng thầy Lã luôn khuyên nhủ hai vợ chồng bà Hoài phải thật nhẫn nhịn kẻo hỏng việc lớn :
— Đời người sợ nhất là lời đàm tiếu của thiên hạ. Nhưng nếu biết cách không quan tâm thì tự nó sẽ biến mất, chớ nghĩ ngợi nhiều….Hãy cứ coi như đây là một sự giúp đỡ để không ai dám bén mảng đến đây.
Quả đúng như lời thầy Lã nói, những chuyện ma quỷ quanh cái giếng nhà ông Hải càng được thêu dệt thì người dân lại càng sợ hãi hơn. Những ngày sau đó chẳng thấy ai sang nhà ông Hải xin nước về dùng cả. Thầy Lã vẫn đang theo dõi từng ngày cái gò đất kỳ lạ kia, đã hai ngày trôi qua hình như cứ qua một ngày chỗ đất đó lại cao hơn một chút, ụ tròn to hơn như thể đất đang được nở ra. Sang đến ngày thứ 3, cũng là trong đêm ngày thứ 2. Thầy Lã thắp đèn dầu đi ra sau vườn, sờ tay vào ụ đất thầy Lã im lặng một hồi rồi bước vào bên trong nhà. Ông Hải tất nhiên cũng không hề ngủ, mấy ngày nay thầy Lã còn thức là ông Hải cũng thức để hầu thầy. Thấy thầy Lã bước từ sân sau vào ông Hải nhìn đồng hồ đã là 12h đêm, ông hỏi :
— Sao rồi hả thầy..?
Thầy Lã chép miệng vài cái rồi đáp :
— Sắp rồi, đất ấm lắm….Ta nghĩ chỉ trong rạng sáng ngày mai quá lắm là đến trưa mai đất sẽ nứt ra. Nếu như vậy may mắn mà đất nứt vào giờ Thiên ́t Quý Nhân ( từ 5h – 7h sáng ) thì sẽ là đại cát. Hoặc vào giờ Bát Lộc ( 11h – 13h ) cũng có thể xem là may mắn. Ngay khi mà đất nứt ra phải đưa ngay cái hũ đó xuống, sau đó tiến hành xây miếu. Xấy miếu xong sẽ hút nước ở dưới giếng lên.
Nhắc đến cái hũ, hôm trước ông Hải có đi cùng với thầy Lã vào bên trong hầm, đến nơi giếng nước ngọt, đứng trước cái giếng ông Hải không khỏi bàng hoàng khi nhận ra miệng giếng đã biến thành hình bát giác, xung quanh miệng giếng được thầy Lã chăng rất nhiều dây đỏ có gắn những lá bùa, rất rất nhiều, nhưng ông Hải còn kinh sợ hơn khi mà thầy Lã đứng trước giếng lẩm nhẩm đọc những câu chú vô cùng khó hiểu thì dưới mặt nước nổi lên một cái hũ sứ màu trắng.
Vẫn như lần trước, thầy Lã bảo ông Hải lấy tro từ những bát hương đem theo. Sau khi vớt cái hũ lên, ông Hải được lệnh bỏ tro vào bên trong đồng thời dùng máu của chính mình điểm chỉ lên lá bùa mà thầy Lã đã chuẩn bị trước đó. Tất cả được cho vào cái hũ, lúc mở hũ ra bên trong hũ ông Hải nhìn thấy hình như là xương cốt của con người. Nhìn trận đồ với những lá bùa giăng chằng chịt nơi cái giếng ông Hải đã hiểu ra vì sao mà sau khi thầy Lã từ trong hầm trở ra lại mệt mỏi đến kiệt sức như vậy.
Ông Hải vừa ôm cái hũ ra ngoài thì bên trong hầm những lá bùa cũng tự động cháy rụi, cái hũ mà thầy Lã nói chính là cái hũ sứ màu trắng đó. Vốn tò mò nên ông Hải bèn hỏi :
— Thưa thầy, con thắc mắc đã hai hôm nay đó là trong cái hũ đó đựng cốt của ai vậy ạ..?
Thầy Lã khẽ nói :
— Đó là cốt của thần giữ của, cốt của trinh nữ sau khi chết bị thầy bùa cho vào hũ yểm lại rồi chôn dưới bia đá đen. Phải rất tốn công, tốn sức ta mới tìm được nó đó. Đó chính là phần quan trọng nhất, do vậy ta mới nói nếu tìm được bia đá đen thì mọi chuyện sẽ thành. Lý do mà khi quay trở ra ta lại mất hết pháp lực đó là lúc trong hầm ta đã phải thanh tẩy xương cốt của thần. Chắc anh cũng nhìn thấy cốt trong đó có màu trắng rồi hả, lúc tìm được cốt thì nó có màu đen. Còn tại sao lại phải chôn hũ cốt ngay dưới gò đất chắc anh cũng đã hiểu. Chôn cốt của thần ở long mạch sẽ giúp nhà anh vượng phát hơn. Tuy nhiên sau này cho đến đời sau anh phải căn dặn con cháu chú ý đến địa thế nơi này. Mọi chuyện muốn thay đổi thì phải xem xét thật kỹ lưỡng.
Ông Hải kính cẩn nghe lời, cả đêm hôm ấy cho tới tận sáng, ông Hải không dám ngủ. Ánh đèn dầu le lói sau vườn chỗ gò đất, ông Hải túc trực ở đó để đợi điều kỳ lạ sắp xảy ra. Trời đêm khá lạnh, qua 12h đêm cái cảm giác rờn rợn bắt đầu xuất hiện. Xung quanh tối om chỉ có mỗi ánh sáng yếu ớt phát ra từ cây đèn dầu. Sợ đến đau cả tim mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi vào miệng hầm tạo ra những âm thanh như ai đó đang khóc.
— Ai đấy….
Ông Hải bất chợt quay lại không dám hét to bởi lại một lần nữa như có ai vừa khẽ sờ vào đầu ông. Nhưng đằng sau chỉ là mấy cây bưởi quen thuộc, sợ đến run cả người nhưng vì nhìn vào bên trong thấy bóng thầy Lã vẫn đang ngồi dưới ánh đèn dầu, bóng của thầy đổ vào bức tường phần nào khiến cho ông Hải thấy yên tâm. Nhưng bất chợt ông Hải nghe thấy :
“ Oe….oe….oe…Oa….oa….oe….”
Tiếng trẻ con khóc vọng ra từ bên trong nhà, ông Hải khẽ lẩm bẩm :
— Thằng nhóc lại quấy rồi, không biết có kinh động đến thầy không đây.?
“ Oe….oe…oe…..oe…”
Tiếng khóc vẫn chưa dừng lại, ông Hải định đi vào trong xem con ra sao nhưng do thầy Lã đã dặn chỉ trong đêm nay đến ngày mai gò đất sẽ nứt. Sợ bỏ vào trong chẳng may lại bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng nên ông Hải vẫn cố ngồi lại. Cái võng đã được ông Hải mắc ở hai cái cây ngay phía sau lưng để dự phòng lỡ như có mỏi còn có chỗ nằm chứ ngồi không mãi thế này sao mà chịu nổi.
“ Oe….oe….oe…..Oa….oa…”
Càng lúc thằng bé càng khóc to hơn, ông Hải tặc lưỡi bấm bụng chạy vào xem con làm sao tiện mắng luôn bà Hoài không hiểu dỗ con kiểu gì mà để nó khóc mãi thế. Vừa đi vào trong ông Hải vừa làu bàu :
— Đêm hôm rồi còn khóc, mà được cả con mẹ không biết chăm con…Cứ để nó khóc to thế thì làm sao mà thầy tập trung được.
Bước vào buồng trong ông Hải thấy trong nhà im ắng, chẳng có tiếng khóc nào cả. Soi đèn dầu vào cạnh màn thì ông Hải thấy cả vợ lẫn con đang ôm nhau ngủ ngon lành. Gian ngoài thầy Lã vẫn đang ngồi đó soi đèn đọc một quyển sách toàn là chữ Nho. Ông Hải không dám làm phiền thầy nên không hỏi, vả lại nghĩ bụng chắc vợ mới dỗ được con nên nó ngừng khóc.
Nhớ lại nhiệm vụ đang canh chừng gò đất, ông Hải lại cầm đèn dầu đi ra sau vườn. Không khí trong nhà ấm áp bao nhiêu thì bước ra đến vườn sau lại lạnh lẽo bấy nhiêu. Cái lạnh của trời đêm mùa thu đã lạnh rồi, nhưng cái cảm giác gai góc, rờn rợn bởi cây cối im lìm, đôi chút khẽ rung rinh cành lá, hay những thứ vô tri như cái chum đựng nước, đống rơm ở góc vườn….chẳng hiểu sao lúc này những thứ đó cứ lập lờ trong ánh đèn dầu yếu ớt phát ra khiến chúng như đang thay đổi hình dạng thành những thứ quái quỷ không thể nhìn rõ.
“ Oe….Oe….Oe..”
Lại là tiếng khóc của trẻ con, nhưng khác với lần trước lần này nó phát ra ngay phía đằng sau lưng ông Hải. Không chỉ có thế, ông Hải còn nghe rõ như có người đang hát ngay sát tai ông những lời hát ru lạnh băng, âm u đến rùng rợn :
“ Ả…à…ơi….Ả….à….ời….con ơi…con….ngủ…cho….ngoan…hi….hi….hi….Ả…à….ơi….hi…hi…hi..”
Ông Hải muốn hét lên nhưng ông không hét được, cổ họng ông cứng đơ. Tiếng trẻ con khóc, tiếng hát ru đang phát ra ngay sau lưng ông nơi mà ông mắc cái vòng để ngả lưng. Chân tay sợ đến bủn rủn không nhúc nhích được ông Hải chẳng biết phải làm thế nào khi mà tiếng dây võng bắt đầu vang lên :
“ Cọt…kẹt….Cọt….kẹt…”
Thêm vào đó trong ánh đèn dầu, in xuống mặt đất phản chiếu cái bóng ở phía sau là hình một người phụ nữ tóc dài, tay đang bế con đung đưa theo chiều võng.
“ Hi….hi…hi….hi….hi…hi…”
Tiếng cười đó cứ vọng ra trong bóng tối nơi giữa khu vườn. Một bàn tay vừa đặt lên vai ông Hải khiến ông ngồi bệt ra đất, mồ hôi mồ kê toát ra rũ rượi :
— Tha….tha…cho….tôi…..Tôi….xin…cô..
Đáp lại ông Hải là giọng nói quen thuộc :
— Đừng có sợ….Tôi đây, thầy Lã đây mà.