Chương 1

“ Trong cuộc sống chúng ta thường nghe đến cái “ Nghiệp “ mà mỗi người phải gánh. Nghiệp của kiếp trước chưa trả hết thì kiếp sau phải trả. Đôi khi “ Nghiệp” được hình thành ngay trong cuộc sống hiện tại, những lầm lỗi gây ra trong một gia đình sẽ bị báo ứng vào con cái, anh chị em, người thân của họ với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nói đơn giản “ Nghiệp “ chính là khi bạn mắc lỗi và tai ương sẽ giáng xuống đầu chính những người thân của bạn.

Con người sống thường không biết, không chú ý hoặc không quan tâm đến cái “ Nghiệp “ của mình. Họ sống ích kỷ, sống chỉ biết bản thân và họ quên mất một điều : Cho dù họ có chết đi thì “ Nghiệp “ vẫn còn.

Không chỉ thế, nếu gây Nghiệp Chướng quá nặng thì hậu quả sẽ không phải chỉ một người gánh chịu mà còn là rất nhiều người và đáng sợ hơn nó sẽ còn kéo dài cho đến nhiều đời kế tiếp. “

Đó là những lời nói của anh Huấn nói với tôi trong cuộc nói chuyện cách đây một tháng. Và hôm nay, khi đứng bên trên huyệt mộ nhìn người ta đang thòng dây thừng đưa quan tài anh xuống dưới cái hố mới được đào cách đây một ngày, trời thì mưa rả rích. Tháng 7 mưa ngâu, hay người ta còn gọi là Mưa Thất Tịch. Nhưng giữa nghĩa địa hoang vắng, nổi lên những nấm mồ lạnh lẽo, nhiều ngôi mộ đã phủ rêu xanh, nước ve trắng đã chuyển sang màu ố đen kịt. Tiếng gào khóc thảm thiết của mẹ anh Huấn như xé tan cái bầu không khí u ám, đau thương đến tột cùng này. Bởi đây là đứa con trai thứ 3 của bà Hoài được đưa xuống mồ trong 6 năm qua.

“ Kịch…kịch..”

Nền đất bùn khá trơn bởi trời mưa nên vất vả lắm người ta mới đặt được chiếc quan tài nằm ngay ngắn đúng vị trí của huyệt mộ đã được đào sẵn. Cũng chẳng có ai đi đưa ngoài những người thân trong gia đình anh Huấn, tôi đúng ra cũng bị vợ bắt ở nhà bởi vì không chỉ riêng vợ tôi mà cả làng này đều rùng mình hoảng sợ khi anh Huấn qua đời. Cái họ sợ không phải là cái chết của anh Huấn, mà đã 6 năm nay, cách 2 năm một lần cứ vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch, một người con của bà Hoài lại chết. Dân làng gọi đó là Trùng Tang. Nhưng không đi sao được khi mà nhà tôi với nhà anh Huấn chỉ cách nhau đúng một giậu mồng tơi. Trong số 4 người con của bà Hoài thì anh Huấn là người thân với tôi nhất, có lẽ cũng do tuổi của anh Huấn là trẻ nhất so với những người còn lại.

Bà Hoài có cả thảy 4 người con, ba trai, 1 gái. Chồng bà Hoài đã qua đời cách đây cũng khá lâu. Ba người con trai lần lượt sinh năm 1972, 1975, 1980, còn người con gái sinh năm 1977. Anh Huấn là con út, anh hơn tôi 10 tuổi nhưng vì gần nhà nên từ bé tôi đã rất thân với anh. Bà Hoài năm nay cũng đã trên 80 tuổi, nếu phải nói ở đây ai là người bất hạnh nhất thì chính là bà Hoài. Sống đã gần hết cuộc đời, mái tóc của bà Hoài giờ đây bói không ra một sợi tóc đen. Nhưng bà đã chứng kiến cái chết của chồng, rồi cái chết của ba cậu con trai. Nhìn tấm lưng còng cúi rạp, phủ phục trên nền đất bùn, bàn tay bà Hòa túm chặt những khóm cỏ giày xéo trong đau đớn tuyệt vọng tôi thấy bà Hoài thật đáng thương.

Chuyện người chết hàng ngày có lẽ rất bình thường bởi vì ngày nào chẳng có người chết. Nhưng chuyện một gia đình có đến 4 người đàn ông đã chết, trong đó ba cậu con trai lần lượt chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, xong còn mất trùng một ngày thì chắc hẳn nó là một câu chuyện được chú ý. Dân làng ngay từ cái chết của người con trai thứ 2 của bà Hoài đã truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về cái mảnh đất mà gia đình bà Hoài đang ở. Những câu chuyện thoạt nghe qua có vẻ sẽ không ai tin, nhưng nó là sự thật. Bởi nếu là người dân bên ngoài đồn tôi cũng chẳng tin, nhưng những điều mà tôi sắp kể cho các bạn sau đây lại được chính một người trong gia đình bà Hoài kể lại. Người đang nằm trong quan tài bên dưới cái huyệt đang dần bị phủ kín kia, anh Huấn.

Truyện Ma :

#Nghiệp_Chướng

#Chap1 : Trùng Tang – Gia Đình Mà Đàn Ông Phải Chết.

Trở về nhà với bộ quần áo đã ướt sũng nước mưa, chẳng hiểu vì sao lúc đưa anh Huấn ra đồng thì trời chỉ mưa lâm thâm, đúng chất mưa ngâu tháng 7. Nhưng khi nấm mồ chôn anh Huấn được những người nhận nhiệm vụ chôn cất đắp lên những xẻng đất cuối cùng thì trời nổ sấm chớp, sét đánh rầm trời. Ngay sau đó một cơn mưa rào trút xuống, mọi người sợ hãi bởi đồng không mông quạnh sét xẻ dọc trời thế kia, nếu không may vô phúc bị đánh chết thì trong đám ma lại có đám ma.

Hầu như những người ở đó đều bỏ chạy, chỉ riêng bà Hoài vẫn một mình phủ phục bên nấm mồ mới đắp của con mặc cho thiên nhiên đang ra sức dọa nạt. Càng mưa to bà Hoài lại càng gào thét đến rũ rượi, cô con gái duy nhất còn lại của bà cũng ôm chầm lấy mẹ mà khóc nức nở. Trong tiếng sấm động, mọi người chỉ nghe thấy bà Hoài gào lên đúng một câu :

— MÀY VỪA LÒNG CHƯA, CON QUỶ CÁI.

Đang lặng người suy nghĩ thì tôi giật mình khi bất chợt vợ tôi đứng đằng sau hỏi :

— Anh về rồi à..? Không thay quần áo đi mà còn đứng đấy..?

Chắc có lẽ đang quá mải mê nghĩ đến chuyện của anh Huấn mà mặc dù đó là tiếng vợ, ngày nào tôi cũng nghe nhưng sao hôm nay giọng nói đó cũng khiến tôi nổi da gà. Tôi quay lại đáp :

— Ờ..ờ…anh mới về, anh thay ngay đây.

Vợ tôi hỏi :

— Mà lúc vào nhà anh đã đốt lửa bước qua ba lần chưa đấy.?

Tôi thở dài gật đầu, vợ tôi là một người rất tín. Mà chắc cũng không chỉ riêng vợ tôi như vậy, hôm nay khi biết tôi quyết định đi đưa anh Huấn ra đồng vợ tôi không đồng ý. Nhà có con nhỏ, không biết nghe ai hay tìm hiểu ở đâu mà vợ tôi bảo :

— Anh ở nhà đi, hôm trước viếng sang thắp hương rồi thì thôi. Lại còn đi theo ra đồng chôn cất làm cái gì..? Rồi…rồi chẳng may có làm sao mẹ con em biết trông cậy vào ai..?

Tôi nhíu mày đáp :

— Em làm sao thế, dù gì cũng là hàng xóm sát vách. Chưa nói đến chuyện anh với anh Huấn thân nhau có khi còn chẳng kém anh em ruột thịt là bao mà chỉ nói đến việc bác Hoài còn một thân một mình là nhà mình cũng phải sang giúp rồi. Mà nói là giúp chứ làm được gì đâu. Nghĩa tử nghĩa tận, sống còn chả cho nhau được cái gì thì chết đi đưa đám một chút đâu có sao.

Biết tính tôi đã quyết làm gì thì không thay đổi được, cuối cùng vợ tôi cũng không nói gì nhưng cô ấy đi vào trong lấy ra một tập giấy báo cũ rồi nhét ở bên ngoài cửa ra vào, quay lại cô ấy nói với tôi :

— Thế thôi, anh đi thì cứ đi. Nhưng đi xong về phải đốt lửa rồi bước qua ba lần rồi mới được vào nhà. Mà đây cho thêm củ tỏi vào túi, chứ lúc sống anh với ông ấy suốt ngày ngồi nói chuyện, đánh cờ rồi uống rượu với nhau sợ ra đến đó lại theo về tận nhà đấy.

Nghe vợ nói cũng có cái đúng, tôi thì chưa nhìn thấy ma quỷ bao giờ cả, nhưng mà những chuyện tâm linh tôi được nghe không phải là ít. Mà cái tính đã không được gặp thì bao giờ cũng tò mò. Chẳng vậy mà mỗi lần anh Huấn kể về câu chuyện của gia đình anh, tôi nghe mà nhớ như in từng chữ. Cách đây hai tuần, khi mà hai anh em đang nhâm nhi chén rượu, bỗng nhiên anh Huấn hỏi tôi :

— Chơi với anh từ bé, có chuyện gì anh cũng kể cho mày hết rồi. Thôi thì ngồi uống rượu với mày hôm nay rồi anh đi.

Tôi ngạc nhiên hỏi :

— Anh tính đi đâu làm ăn à..? Hay là tính đi đâu cưới vợ..?

Anh Huấn rót rượu rồi uống một ực hết cả chén, anh nhìn tôi bằng ánh mắt u buồn, không giống như anh thường ngày, khi mà tôi trêu anh cưới vợ thì anh sẽ cười rồi nói làm gì có ma nào thèm lấy. Nhưng ngày hôm ấy anh khẽ trả lời :

— Ừ, mày nói đúng một cái….Anh chuẩn bị đi với vợ.

Tôi tưởng thật hỏi lại :

— Thật hả anh..? Thế cũng tốt, anh hơn em cả chục tuổi mà em giờ có cả con rồi, anh thì vẫn cứ một mình. Cưới vợ đi anh ạ.

Anh Huấn bất chợt đặt cái chén xuống rồi đứng lên, nhìn tôi anh Huấn cười :

— Ừ, cũng đến lúc rồi.

Nói xong anh Huấn bỏ về, từ hôm đấy trở đi không thấy anh Huấn sang nhà tôi nữa. Phải hai hôm sau tôi mới biết anh Huấn bị bệnh, ốm nằm liệt giường, mọi người đến thăm nom, cũng đưa lên viện khám nhưng rồi cũng chẳng ai đoán được nguyên nhân. Chỉ có bà Hoài là khóc từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng anh Huấn chết vào ngày 10/7 âm lịch. Chết mà không bệnh tật gì, chỉ biết lúc nằm trên giường lúc tỉnh lúc mê, lúc mở mắt anh Huấn chỉ nhìn mẹ rồi chỉ về phía cuối giường bảo là có mọi người ở đây đầy đủ.

Bà Hoài mỗi khi nghe con trai nói vậy thì gào thét, bà khươ tay vào khoảng không phía cuối giường liên mồm nói :

— Làm ơn tha cho nó, tôi chỉ còn nó mà thôi….Các người bắt nó đi làm gì, các người cút đi…..Cút đi.

Chắc mọi người sẽ thắc mắc tại sao gia đình mà tất cả những người đàn ông đều phải chết như vậy, ba cậu con trai cứ cách 2 năm lại chết một người như thế mà người nhà không tìm cách cúng vái, giải hạn, giải nguyền….Nếu như nói trong làng ai là người mời thầy, mời sư về nhiều nhất thì cũng chính là gia đình bà Hoài, sau cái chết do tai nạn của người con trai cả là bà Hoài đã nhờ thầy về cúng vái, làm lễ rồi. Nhưng ông thầy chẳng hiểu tại sao đang làm lễ thì lăn đùng ra sùi bọt mép, nhang thắp không cháy, quả trứng luộc đặt trên cái đĩa bỗng dưng chuyển màu đen kịt. Chẳng ai bảo ai tất cả bỏ chạy, lúc đó anh Huấn còn sống, chính anh Huấn phải bế ông thầy đặt ra ngoài đường, phải rất lâu sau thầy mới tỉnh, lúc tỉnh lại thầy còn không dám lấy cả đồ nghề mà chạy ngay lập tức. Câu chuyện này là do chính anh Huấn kể.

Anh của anh Huấn chết vì ngã xuống con lạch trong làng. Con lạch đó trước đây cũng có một đứa trẻ con bị chết do chơi nghich với bạn rồi ngã xuống, bố mẹ đi làm nên không phát hiện được, chỉ đến khi về nhà không thấy con đâu mới cuống cuồng đi mò sông thì tìm được thi thể của con mình. Anh trai anh Huấn cũng chết ngay ở đoạn lạch đó. Cả người cả xe máy đều rơi xuống nước, cả nhà anh Huấn đều biết anh cả không uống rượu, nên dân làng đồn say rượu đi xe ngã xuống lạch chết thì chỉ có người dân là tin, còn gia đình anh Huấn không tin điều đó. Khi xác anh trai anh Huấn được đưa lên bờ cả thân người cứng đơ, người vớt xác nói đầu anh ta ( so về tuổi thì tôi phải gọi là chú ) cắm sâu xuống bùn, hai chân hướng thẳng lên trên, cứ như người ta cầm cả cái xác cắm xuống vậy. Mắt, mũi, mồm, lỗ tai của anh trai anh Huấn bị bùn dưới lạch lấp kín. Lúc đưa lên bùn còn đóng đặc quánh bên trong những bộ phận trên khuôn mặt. Không nhờ chiếc xe thì cũng chẳng ai biết đó là con trai cả của bà Hoài.

Nghĩ là bị đứa trẻ chết dưới lạch bắt đi nên bà Hoài mới thuê thầy về cúng kiếng, ai dè ông thầy cũng bỏ của chạy lấy người. Câu chuyện Trùng Tang vẫn chưa được ai bàn tán, cho đến khi hai năm sau, cũng vào ngày 10/7, cậu con trai thứ hai của bà Hoài tự dưng treo cổ chết trong phòng, nguyên do vì đâu cũng chẳng ai biết. Hai người anh của anh Huấn đều đã lấy vợ, nhưng chỉ duy nhất ông anh cả là có con, người còn lại có vợ nhưng cưới đâu độ được 3 tháng thì treo cổ chết. Anh ta treo cổ chết ngay trong phòng mà người vợ cả đêm không hay biết gì, sáng hôm sau tỉnh dậy sờ ngang không thấy chồng đâu, dụi mắt nhìn quanh thì chị vợ hoảng hồn khi chồng mình đã treo cổ chết từ bao giờ. Đáng sợ hơn anh ta treo cổ ngay giữa cái xà nhà giữa giường ngủ của hai vợ chồng, đôi bàn chân tím ngắt, lạnh cóng của anh ta đong đưa trước mặt người vợ, gương mặt đã chuyển màu thâm đen với cái lưỡi lè ra đỏ lòm khiến chị vợ chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh rồi ngất xỉu.

Đến lúc này, người ta mới lục lại cái chết của người con trai cả, và khi họ nhớ ra rằng cách đây 2 năm cũng vào ngày 10/7 âm lịch….Cậu lớn nhà bà Hoài đã chết, 2 năm sau cũng chính ngày 10/7 âm lịch cái chết của cậu hai bắt đầu dấy lên một câu chuyện ma quỷ trong cái gia đình mà những người đàn ông đều phải chết này. Người đời gọi đó là Trùng Tang, người trước chết đi vẫn còn mang Nghiệp chưa trả hết, không được làm lễ cầu siêu nên linh hồn đi lang thang, khi quỷ sứ bắt được sẽ tra khảo xem lúc sống còn gánh những Nghiệp gì, nếu chưa hết Nghiệp sẽ phải khai tên tuổi người thân trong nhà để tiếp tục bắt đi những người hợp vong tiếp tục trả Nghiệp.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là lời đồn từ miệng những người trong làng, còn thực tế câu chuyện của gia đình anh Huấn không chỉ đơn giản là như thế. Tôi không biết tại sao anh Huấn lại kể cho tôi những thứ mà có lẽ người ta hay nói : Sống để bụng, chết mang theo.

Hoặc có thể là do anh Huấn biết trước được cái số mệnh của mình, anh cần một sự chia sẻ, một sự thông cảm, anh muốn giãi bày. Hoặc có thể là do anh muốn tôi biết để mà tránh, để mà sống sao cho đúng.

Thay quần áo xong bước vào phòng, vợ tôi chắc có lẽ vẫn còn giận bởi tôi không nghe lời cô ấy. Nhưng nỗi buồn mất đi một người anh, một thời bạn thân thiết khiến tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để mà quan tâm. Lấy laptop ra bên ngoài phòng khách, châm điếu thuốc nhớ lại từng chi tiết trong câu chuyện mà anh Huấn kể, chẳng hiểu sao tôi mở máy rồi bắt đầu gõ những tiếng :

“ Lạch…cạch….cạch…cạch…”

Năm 1973, sau khi bà Hoài sinh cậu con trai đầu tiên được một năm thì một sự việc xảy đến có lẽ là đã thay đổi cuộc đời của tất cả những thành viên trong gia đình bà. Khi đó cả gia đình vui sướng vì cho rằng quý tử đầu lòng mang lại may mắn, tài lộc nhưng rồi cũng chính từ đây bi kịch của một gia đình bắt đầu…