Chương 12

CHƯƠNG 12.



Buổi thiền kết thúc, sau khi xả thiền xong, Phương cùng hai thầy Nhất Nguyên, Nhất Quang bước ra cửa phòng, cả ba cùng ngồi xuống dưới thềm phòng thiền với Hạ và Vy, không phân trên dưới, cứ thế mà rót nước trà cho nhau uống. Riêng thầy Đại Trí ở lại thực hiện nốt các nghi thức rồi mới ra sau, ngồi xuống cạnh những người trẻ tuổi.

Từ dạo Phương bị bệnh đến nay, ngày nào Hạ cũng đọc sách về phật giáo, bùa chú và tất cả những thứ liên quan tới chuyện tâm linh, trấn yểm, nên thành ra kiến thức của Hạ về lĩnh vực này hơn hẳn Phương, thậm chí một số điều khi không có ở chùa, không hỏi được thầy thì Phương lại hỏi Hạ.



Nhà Hạ khó khăn lắm. Bố thì nay đây mai đó, chơi bời trác tác, cờ bạc lô đề gái gú, chẳng mấy khi có nhà, nhà chỉ có mẹ Hạ là chính, quanh năm tần tảo nuôi các con ăn học. Mẹ Hạ năm nay ba sáu tuổi, người nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng có nụ cười tươi, cô lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Mẹ Hạ làm đủ thứ việc từ công nhân, dọn vệ sinh, giúp việc, rồi chăn nuôi lợn, làm thịt lợn bán… nói chung là những việc không tên, ai nhờ gì thì giúp đó, tần tảo quanh năm nuôi Hạ ăn học, rất là vất vả. Sau Hạ vẫn còn một em gái, được cái là hai anh em Hạ học đều rất giỏi, lại rất ngoan ngoãn hiếu thuận nên mẹ Hạ cũng yên lòng nhiều.

Tính Hạ từ nhỏ đã sôi nổi, ngang bướng, không chịu thua kém người khác, có chí tiến thủ rất cao. Một đặc điểm nữa là ngoài những phẩm chất tốt đẹp đó, Hạ còn rất thông minh, thích tìm tòi mọi thứ, tuy học hành cũng chỉ thuộc hạng xoàng xoàng nhưng bù lại, kiến thức khác của Hạ lại phong phú hơn những người cùng tuổi. Hạ xuất thân nghèo khó và mang trong mình tinh thần nghĩa hiệp rất cao, một phần có lẽ cũng do ảnh hưởng từ việc quá mê truyện kiếm hiệp, binh pháp từ nhỏ, nó có sức khỏe tốt, to cao hơn bạn bè nên cũng hay đứng ra bênh vực những đứa yếu ớt hay bị đám du côn trong trường học bắt nạt. Những lần Hạ ăn đòn oan cũng chẳng ít, nhưng đối với nó thì việc đó cũng chẳng hề gì.

Từ nhỏ Hạ và Phương đã đi đâu cũng có nhau, yêu thương quý mến nhau như anh em trong nhà, tình như ruột thịt. Lần này bạn gặp chuyện như thế, Hạ cũng không tránh khỏi buồn phiền, giờ đây ngồi bên bạn mà cứ ngỡ như ngồi với người khác, nhìn hình dung tiều tụy, xơ xác của Phương mà Hạ chẳng cầm được lòng, thương bạn lắm mà chẳng biết làm sao…giá như đó là một thằng du côn người trần mắt thịt mà dám hành hạ làm Phương lo sợ đến nông nỗi ấy, thì Hạ chẳng ngắn gì mà xông vào một trận sống mái với nó rồi ra sao thì ra, nhưng đây lại là một thế lực mà Hạ không thể làm gì nổi, nên đành ngồi trơ mắt mà để nó hành hạ bạn mình sống không bằng chết, Hạ xót thương căm phẫn, nghĩ đến bạn mà nhiều khi nước mắt chỉ muốn trào ra…

Hạ nhìn sang Vy, bắt gặp ánh mắt của Vy cũng vừa đưa sang nhìn mình, rồi như cùng luồng suy nghĩ, cả hai lại hướng về Phương thương cảm…



5 rưỡi sáng, Phương ăn sáng với chị Hương, xong xuôi cả thì hai chị em ra ngoài hè của dãy trọ ngồi để đợi Hạ qua rủ đi học.

Mẹ về quê đã hai ngày nay, chắc phải tầm ba, bốn hôm nữa mẹ mới lên lại. Đó đã là việc thường đối với Phương, vì mẹ tuy là con gái nhưng lại không ở với chồng, không phải lo công việc bên đàng nội, mà nhà bên ngoại ngoài mẹ ra cũng chỉ toàn các dì các bác gái, chỉ có một cậu trai em mẹ thì cậu lại hay đi làm ở xa, mẹ lại ở gần nhà ông bà ngoại nhất, chỉ cách có hơn mười cây số, khoảng hai tiếng đi xe đạp là về đến, nên việc nhà ông bà ngoại có dù lớn dù nhỏ, mẹ đều tham gia góp công góp sức, lần này có lẽ ở quê lại có việc giỗ họ hay đám xá gì đó nên mẹ về, Phương còn nhỏ, lại là cháu ngoại, lại còn bận việc học hành nên những việc như vậy ở quê Phương cũng ít khi phải có mặt tham gia.

Mỗi lần mẹ vắng nhà, việc lo ăn uống của Phương lại do chị Hương xung phong đảm nhiệm, chị tốt tính lắm chẳng bao giờ so đo thiệt hơn với ai, mẹ cũng thương chị Hương nhiều, coi chị như con gái… phần vì tính cách chị xởi lởi chan hòa, phần vì thương phận gái lẻ loi, lại nghèo khổ cùng cảnh.

Nhà chị Hương nghèo, ở vùng huyện Phước Sơn, Nam Thuận, là một vùng chỉ thuần về cày cấy, nông nghiệp, cuộc sống của dân vùng ấy đều nghèo cả…chị là cả, sau chị còn một đàn em thơ ba đứa nữa, đều còn đang nhỏ, mẹ mất sớm, minh bố chị làm nghề ruộng dãi nắng dầm sương gà trống nuôi con, vất vả mãi, đắn đo mãi mới quyết định cho chị đi lên thành phố theo học đại học. Nhìn chú thương lắm mới ngoài 40 mà đã như ông cụ 60 tuổi rồi, chú thấp hơn cả chị Hương, lưng còng đi, mái tóc muối tiêu, sợi bạc còn nhiều hơn sợi đen, tay chân chú đen nhẻm, gầy nhưng gân guốc rắn rỏi màu của một người đàn ông quen với việc nông nghiệp… Phương vẫn còn nhớ như in ngày chú từ Phước Sơn lên thành phố thăm chị, tay chú xách cái làn bên trong có con gà trống to và dăm đùm thịt lợn, một hộp muối vừng to để chị ăn sáng, tay kia chú cầm nải chuối xâu bằng dây lên, nhìn hai bố con ôm nhau mà người ta cứ ngỡ như hai ông cháu, vì chị Hương được trời cho nhan sắc, chị quá là trẻ trung trông chỉ như đứa con nít lớp chín, lớp mười, lại trắng xinh. Bố chị nói ngày còn ở nhà, công việc nhà chị làm chẳng thiếu gì, cái gì cũng biết hết, nhà không có mẹ, chị thay mẹ chăm sóc các em, quán xuyến việc học các em, lo bệnh cho bố mỗi khi trở trời, chợ búa cơm nước tảo tần, nấu cám heo, chở phân bò trồng rau…thậm chí còn dắt trâu ra đồng làm chẳng hề kém đám trai làng, ai làm gì chị cũng làm được hết… nhưng lạ lắm dù chị dầm mưa nắng cỡ nào nhưng cứ vào nhà một ngày, cứ nghỉ một buổi ruộng không ra, là chị lại trắng lại như thế, vẻ đẹp của chị dường như bất chấp cả sự khắc nghiệt của cái nắng miền trung du.

Thật là,

Hồng nhan chịu kiếp khổ

Cảnh một nắng hai sương

Thân liễu đời vùi dập

Vẫn mạnh mẽ can trường.

Nhưng dù có thế nào, chị vẫn chỉ là một đứa con gái hai mươi tuổi xuân, cái tuổi mà sinh viên đại học thơ mộng yêu đương, mang trong mình bao ước mơ đẹp thì chị lại trăm mối lo nghĩ, dù có mạnh mẽ cỡ nào chị cũng chỉ là một cô gái mà thôi…

Bên ngoài chị luôn vui cười hồn nhiên, nhưng có ai biết đâu những đêm chị lại ra sau dãy trọ, ôm nước mắt khóc tủi thân

Khi bỗng nhiên ở quê có việc, chị khóc…

Khi nghe tin bố đau ốm, chị lại khóc…

Mỗi kì thi đến không có tiền đóng, chị cũng khóc, bị hàng xóm đồn làm đĩ, bị bọn con trai trêu ghẹo, chị cũng khóc …

Có lần Phương khát nước, nửa đêm dậy uống nước chẳng thấy mẹ đâu, cửa nhà thì mở, Phương vùng dậy chạy đi tìm thì nghe tiếng thút thít phía sau nhà, Phương bước ra thì nhìn thấy chị Hương đang rúc đầu vào lòng mẹ Phương mà khóc, mẹ khẽ xoa tóc chị mà chẳng nói năng gì. Đó là sự đồng cảm của những người phụ nữ, những người phụ nữ Việt Nam đẹp đẽ từ trong tâm hồn sâu thẳm…

Rồi cậu lặng lẽ trở vào giường…từ ngày đó trở đi, Phương thương yêu chị nhiều hơn, xem chị như chị gái, có chuyện vui buồn gì cậu đều kể chị nghe, chị cứ khúc khích cười mãi…

Ngoài công việc phục vụ cho nhà hàng, chị Hương còn làm thêm ở quán hát, làm tay vịn rót bia cho khách, nhiều hôm bị khách sàm sỡ, chị tủi thân về cứ ôm lấy Phương mà khóc, Phương cũng chẳng hiểu công việc đó là gì nhưng thấy chị như thế, nhiều khi cậu cũng mạnh dạn bảo chị nghỉ đi nhưng chị không nghỉ, chị nói làm ở đó kiếm được nhiều tiền, tiền học tiền trọ rồi còn tiền gửi cho bố nuôi các em…bất chấp ai đồn đại gì chị cũng mặc, cứ thế, cứ thế…

Bao nhiêu tủi hờn uất ức, chị đều mang về xóm trọ, nơi có Phương, có mẹ…



“Sau Phương lớn có cưới chị Hương không?”- bỗng nhiên chị quay sang nhìn Phương cười.

“Chị điên à, mới sáng ra nói vớ vẩn gì đấy.”

Phương bối rối quay đi tránh cái nhìn của chị. Phương chưa lớn nhưng cũng không còn nhỏ nữa, cậu cũng đã bắt đầu có những rung động sâu thẳm bên trong lòng. Phương biết chị đùa nhưng cũng rất bối rối.

“Nói thật mà, nhìn chị nè…”

“Hâm à.”

Phương gạt đi nhưng chị nhanh tay áp vào má Phương, quay đầu Phương về phía mình.

Bỗng nhiên…

Một bóng mờ nhìn không rõ nhân dạng đang trùm phía sau lưng chị…

Phương giảng hốt giật mình ngồi lùi lại, mặc chị Hương tiu nghỉu.

Rồi một giọng nói ma quái vang lên từ sâu thẳm bên trong Phương:

“Quỷ Tột khốc…quỷ Tột khốc*…”

(*Quỷ sai nơi âm ti đi bắt các hồn đã hết dương thọ.)

Tai Phương lùng bùng, cậu dụi mắt lia lịa rồi định thần nhìn lại, chỉ thấy mình chị Hương đang ngồi, môi bĩu ra có vẻ giận hờn, bóng đen phía sau không thấy đâu cả.

Phương ráo hoảnh nhìn quanh như phản xạ, rồi bình tâm lại, cậu biết rằng quanh đó chẳng có ai, cũng biết giọng nói từ đâu chẳng cần tìm nữa…

Nhưng rồi nó lại vang lên:

“Quỷ tột khốc đến xem mặt…nay mai là chết thôi…”

Phương nhìn lại chị, bóng đen lồ lộ phía sau chị, thậm chí còn lộ ra hình tay người đang quàng qua cổ chị. Phương kinh hãi rụng rời, cậu lao tới ôm chầm lấy chị, giật chị về phía mình rồi cứ ôm khư khư không rời, mặc cho chị còn đang ngơ ngác.

Bóng đen như ẩn như hiện, lấp loáng mập mờ lại chẳng thấy đâu nữa.

Một luồng điện chạy dọc toàn thân Phương, cậu tê tái bàng hoàng.

Giọng nói ma quái oan nghiệt lại vang lên:

“Quỷ sai bắt hồn…quỷ sai bắt hồn, có khôn đừng hòng giữ mạng…”

Thật là,

Nơi xóm nghèo, phận gái mang tâm sự

Hết mệnh dương, quỷ sứ chẳng tha người