Chương 9
Luân Đôn
Chúng tôi đã gửi hồ sơ đến các thành viên trong ủy ban xét giải Walssh. Tôi đã gắn xi phong bì và Walter, người hẳn là do lo ngại tôi từ bỏ vào phút cuối, đã gần như giật chiếc phong bì khỏi tay tôi, bảo đảm với tôi là hắn thích tự mình ra bưu điện gửi hơn.
Nếu hồ sơ dự tuyển của chúng tôi được chọn – ngày nào chúng tôi cũng chờ đợi câu trả lời – thì một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi vấn đáp quy mô lớn của chúng tôi. Từ khi hắn thả cái phong bì đó vào hòm thư đối diện lối vào của Học viện, Walter không rời khỏi cửa sổ phòng làm việc của hắn nữa.
- Dù sao anh cũng không định theo dõi người đưa thư như theo dõi đối tượng tình nghi đấy chứ?
- Tại sao lại không nhỉ? Hắn đáp, vẻ bồn chồn.
- Tôi nhắc để anh nhớ, Walter, là chính tôi mới phải thuyết trình trước công chúng, đừng ích kỷ như thế và ít ra hãy để cho tôi quyền được căng thẳng.
- Anh á? Bị căng thẳng á? Tôi thích được chứng kiến chuyện đó đấy!
Việc đã tạm xong, những buổi tối có Walter bên cạnh cũng thưa dần. Ai nấy đều lấy lại nhịp sống của mình trước đây, và tôi thú nhận là vắng hắn tôi cũng cảm thấy nhớ. Các buổi chiều tôi làm việc tại Học viện, chuyên chú vào một vài công việc cho qua thời gian, trong lúc chờ đợi người ta giao cho tôi một lớp ngay khi vào năm học mới. Vào cuối một ngày buồn chán khi mưa đã ngừng rơi, tôi kéo Walter tới khu phố Pháp. Tôi tìm một cuốn sách của một trong những bạn đồng nghiệp lỗi lạc người Pháp, Jean-Pierre Luminet nổi tiếng, và tác phẩm này chỉ có bán trong một hiệu sách xinh xắn nằm trên phố Bute.
Khi rời khỏi Frend Bookshop, Walter thiết tha rủ tôi bằng mọi giá phải vào trong một quán rượu mà theo hắn là có phục vụ món hàu ngon nhất Luân Đôn. Tôi không tìm cách tranh luận thêm và chúng tôi ngồi vào một bàn không xa bàn của hai phụ nữ trẻ đẹp hấp dẫn. Walter không hề để ý tới họ, trái ngược hẳn với tôi.
- Đừng có tầm thường như thế chứ, Adrian!
- Gì kia?
- Anh nghĩ là tôi không nhìn thấy anh chắc? Anh lộ liễu đến mức các nhân viên trong quán này dã cá cược xong xuôi rồi đấy.
- Cá cược chuyện gì?
- Về khả năng anh tự chuốc vào thân những lời lẽ hắt hủi khi tán tỉnh hai cô nàng kia, người vụng về như anh ấy mà.
- Tôi không hề có ý định nào như anh đang nói, Walter ạ.
- Và lại còn đạo đức giả nữa chứ! Anh đã thực sự yêu chưa, Adrian?
- Đây là một vấn đề khá là riêng tư.
- Tôi đã thổ lộ cho anh vài điều bí mật, giờ đến lượt anh đấy.
Tình bạn không thể xây đắp nếu thiếu đi những dấu hiệu của sự tin cậy, mà tâm sự chuyện riêng tư chính là dấu hiệu đó; tôi thú nhận với Walter là đã từng phải lòng một phụ nữ trẻ và đã tán tỉnh người đó cả một mùa hè. Chuyện đó cách đây đã lâu lắm rồi, khi tôi vừa mới tốt nghiệp ra trường.
- Ai trong hai người chủ động nói lời chia tay?
- Vì cô ấy!
- Tại sao?
- Walter, rốt cuộc thì chuyện ấy can hệ gì tới anh?
- Tôi muốn hiểu anh rõ hơn. Hãy thừa nhận là chúng ta đang xây dựng một tình bạn đẹp đi, việc tôi biết những chuyện loại này rất quan trọng. Chúng ta sẽ không bàn mãi về vật lý thiên văn và càng không phải về thời tiết. Chính anh đã năn nỉ tôi đừng có đậm chất Anh như thế, không phải thế sao?
- Anh muốn biết chuyện gì?
- Sao nhỉ, để bắt đầu thì tên cô ấy là gì?
- Rồi sau đó?
- Tại sao cô ấy lại bỏ anh?
- Tôi cho là vì chúng tôi còn quá trẻ.
- Tầm phào! Lẽ ra tôi phải đoán chắc rằng anh sẽ đưa ra cho tôi một lý do thống thiết như thế.
- Nhưng anh thì biết gì về chuyện đó, theo tôi được biết thì anh đâu có ở đó!
- Tôi mong anh trung thực đưa ra cho tôi những lý do thực sự của cuộc chia tay giữa anh và...
- Người phụ nữ này?
- Tên đẹp đấy!
- Người đẹp.
- Rồi sao nữa?
- Rồi sao nữa hả Walter? Tôi vặc lại với điệu không buồn che giấu nỗi bực tức của mình nữa.
- Tất cả chứ sao! Hai người gặp nhau thế nào, chia tay thế nào rồi sự việc diễn ra giữa hai thời điểm này.
- Bố cô ấy là người Anh, mẹ cô ấy người Pháp. Cô ấy sống tại Paris nơi bố mẹ cô ấy đã từng sống lúc sinh chị gái cô ấy. Một cuộc ly dị, rồi bố cô ấy trở về Anh. Cô ấy đến thăm bố nhân tiện tranh thủ một chương trình trao đổi đại học cho cô ấy trải qua một học kỳ tại Học viện Hoàng gia Luân Đôn. Bấy giờ tôi đang làm giám thị tạm thời để cải thiện thu nhập và trang trải việc làm luận văn.
- Một viên giám thị tán tỉnh một nữ sinh viên... tôi không khen ngợi anh đâu.
- Vậy thì tôi ngừng kể đây!
- Ôi không, tôi đùa đấy, tôi thích câu chuyện này, anh kể tiếp đi!
- Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên trong hội trường nơi cô ấy đang trải qua kỳ thi, cùng với hơn một trăm sinh viên khác. Cô ấy đang ngồi sát cạnh lối đi nơi tôi sải bước trong lúc giám sát, tôi nhìn thấy cô ấy đang giở tài liệu.
- Cô ấy gian lận trong kỳ thi?
- Tôi không rõ, tôi không bao giờ có thể đọc được mẩu giấy đó viết gì.
- Anh không tịch thu mẩu giấy đó ư?
- Không kịp!
- Làm sao lại thế được?
- Cô ấy biết đã bị tôi bắt gặp, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, và không hề vội vã, cô ấy cho mẩu giấy vào trong miệng nhai rồi nuốt.
- Tôi không tin lời anh đâu!
- Anh nhầm. Tôi không biết điều gì xui khiến mình, lẽ ra tôi phải thu bài làm của cô ấy rồi đuổi cô ấy ra khỏi phòng thi, nhưng tôi lại cười và chính tôi rời khỏi hội trường, thật là quá lắm phải không?
- Rồi sao đó?
- Sau đó, khi gặp tôi tạit hư viện hay trong một hành lang, cô ấy nhìn chòng chọc vào mặt tôi rồi công khai lờ tôi đi. Một ngày đẹp trời, tôi nắm lấy cánh tay cô ấy rồi kéo cô ấy tách khỏi đám bạn đi cùng.
- Đừng có nói với tôi là anh đã thương lượng để giữ im lặng đấy nhé?
- Anh coi tôi là hạng người nào? Chính cô ấy mới là người thương lượng!
- Sao kia?
- Cô ấy đã nói với tôi nguyên văn thế này, trong khi tôi đặt câu hỏi cho cô ấy, là nếu tôi không mời cô ấy đi ăn trưa, cô ấy sẽ không bao giờ nói tại sao cô ấy lại cười mỗi khi nhìn thấy tôi. Thế nên tôi mời cô ấy đi ăn trưa.
- Và chuyện gì đã xảy ra?
- Bữa trưa tiếp tục bằng một buổi đi dạo rồi vào cuối buổi chiều, cô ấy đột nhiên từ biệt tôi. Không một tin tức nào về cô ấy nữa, nhưng một tuần sau, khi tôi đang tìm tài liệu cho luận văn của mình tại thư viện, một phụ nữ trẻ đến ngồi trước mặt tôi. Tôi không hề để ý đến người đó, cho đến khi những tiếng nhai của người đó rốt cuộc đã thực sự làm phiền tôi; tôi ngẩng đầu lên, định yêu cầu người đó nhai kẹo cao su khẽ khàng hơn, chính là cô ấy, đang nuốt đến tờ giấy thứ ba. Tôi thú thật với cô ấy là tôi quá ngạc nhiên, tôi đã nghĩ là không gặp lại cô ấy nữa! Cô ấy trả lời tôi rằng nếu tôi không hiểu cô ấy đang có mặt ở đó là vì tôi, thì cô ấy sẽ lại đi ngay lập tức, và lần này thì là đi hẳn.
- Tôi ngưỡng mộ người phụ nữ này! Rồi chuyện gì xảy ra?
- Chúng tôi đã ở bên nhau suốt buổi tối rồi phần lớn thời gian của mùa hè. Phải nói đó là một mùa hè rất đẹp.
- Thế còn sự chia ly?
- Hay chúng ta giữ lại đoạn này đến một tối khác hả Walter?
- Đó là chuyện tình duy nhất của anh sao?
- Dĩ nhiên là không, có cả Tara, quốc tịch Hà Lan và lúc bấy giờ đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ ngành vật lý thiên văn, tôi sống cùng cô ấy gần một năm. Chúng tôi hết sức hòa hợp, nhưng cô ấy nói tiếng Anh bập bõm và tiếng Hà Lan của tôi chưa tốt, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Sau đó có Jane, một nữ bác sĩ xinh đẹp, hết sức cổ hủ và bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải chính thức hóa mối quan hệ giữa chúng tôi. Cái ngày cô ấy dẫn tôi đến giới thiệu với bố mẹ cô ấy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt cuộc tình của chúng tôi. Sarah Apleton, cô ấy thì làm việc trong một hiệu bánh, một bộ ngực đáng mơ ước, bộ hông xứng dáng với một bức họa của Botticelli nhưng khung giờ làm việc rất khó hình dung. Cô ấy thức dậy khi tôi đi ngủ và ngược lại. Thế rồi, hai năm sau, tôi đã cưới một đồng nghiệp, Elizabeth Atkins, nhưng cả cuộc hôn nhân đó cũng không suôn sẻ.
- Anh đã từng kết hôn sao?
- Đúng thế, trong vòng mười sáu ngày! Tôi và vợ cũ đã bỏ nhau khi đi trăng mật về.
- Hai người đã mất chừng ấy thời gian để nhận ra rằng người này không được tạo ra dành cho người kia!
- Nếu chúng tôi đi nghỉ tuần trăng mật trước khi thành hôn, tôi đảm bảo với anh rằng tòa án sẽ khỏi phải xử lý đống giấy tờ bề bộn vô dụng ấy.
Lần này thì tôi đã vắt kiệt Walter và tước đi của hắn toàn bộ mong muốn tìm hiểu thêm về quá khứ tình cảm của tôi. Vả lại cũng chẳng có thứ gì to tát để biết, trừ phi cuộc sống nghề nghiệp của tôi quan trọng hơn phần còn lại và tôi đã chu du khắp thế giới suốt mười lăm năm gần đây, mà không thực sự bận tâm về chuyện đõ lại nơi nào đó, và càng không bận tâm đến một cuộc gặp gỡ thực sự. Sống với một cuộc tình không phải là mối bận tâm lớn nhất của tôi.
- Và hai người chưa bao giờ gặp lại nhau ư?
- Có chứ, tôi đã gặp Elizabeth trong hai hay ba bữa tiệc cocktail do Học viện Khoa học tổ chức. Vợ cũ của tôi đi cùng với chồng mới của cô ấy. Tôi đã kể với anh là chồng mới của cô ấy cũng là bạn thân trước đây của tôi chưa nhỉ?
- Chưa, anh chưa kể cho tôi nghe chuyện đó. Tôi không nói về cô ấy, mà về cô sinh viên của anh kia, người đầu tiên trong danh sách xứng đáng với danh sách của một Casanova ấy.
- Tại sao lại là cô ấy?
- Thì thế đấy!
- Chúng tôi chưa từng gặp lại nhau.
- Adrian, nếu anh thổ lộ cho tôi biết tại sao cô ấy bỏ anh, tôi sẽ thanh toán hóa đơn bữa ăn này!
Tôi gọi anh bồi đang đi ngang qua, nhờ mang ra cho chúng tôi thêm mười hai con hàu nữa.
- Sau khi học kỳ trao đổi đại học kết thúc, cô ấy quay trở lại Pháp để học nốt chương trình. Khoảng cách vẫn thường làm tàn úa những mối quan hệ đẹp đẽ nhất. Một tháng sau khi rời đi, cô ấy trở lại thăm bố; sau khi đã vẫy một chiếc ô tô chở khách, một chuyến phà và cuối cùng là một chuyến tàu, chuyến đi kéo dài mười tiếng đồng hồ khiến cô ấy mệt lử. Ngày Chủ nhật cuối cùng chúng tôi ở cùng nhau không tình tứ chút nào. Buổi tối khi tôi tiễn cô ấy ra ga, cô ấy đã thú nhận với tôi là nên dừng lại ở đó thì hơn. Như thế chúng tôi sẽ chỉ giữ lại những kỷ niệm đẹp. Tôi đọc được trong ánh mắt của cô ấy rằng có đấu tranh cũng chẳng ích gì, ngọn lửa đã bị thổi tắt rồi. Cô ấy rời xa tôi, và không chỉ rời xa về mặt địa lý. Thế đấy Walter, giờ thì anh biết cả rồi đấy và tôi thực sự không biết tại sao anh lại cười hồn nhiên như thế.
- Chả vì cái gì cả, đồng đảng của tôi đáp.
- Tôi đang kể với anh là tôi bị bỏ rơi như thế nào còn anh thì cười bò ra, mà chẳng vì cái gì ư?
- Không, anh vừa kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến người ta mê mẩn, và nếu tôi không nài nỉ, anh đã thề sống thề chết rằng toàn bộ chuyện này chỉ là quá khứ, đúng không?
- Dĩ nhiên! Thậm chí tôi còn không biết liệu mình có nhận ra cô ấy hay không. Chuyện xảy ra đã mười lăm năm rồi, Walter ạ, và chuyện tình đó chỉ kéo dài có hai tháng! Chuyện làm sao có thể khác đi được?
- Tất nhiên là thế rồi, Adrian, làm sao có thể khác đi được? Nhưng anh hãy trả lời câu hỏi nhỏ này: làm thế nào anh có thể kể cho tôi cuộc tình không đáng kể này, đã chôn vùi từ mười lăm năm nay, mà không nói lộ ra dù chỉ một lần tên của người phụ nữ ấy nhỉ? Từ khi thổ lộ với anh chuyện cô Jenkins, tôi cảm thấy mình, nói thế nào nhỉ, hơi nực cười, sao nhỉ, giờ thì hoàn toàn không còn như vậy nữa rồi!
Hai cô gái ngồi bàn bên cạnh đã rời khỏi quán từ lúc nào chúng tôi không hề hay biết. Tôi nhớ là buổi tối hôm ấy, Walter và tôi đã ngồi đến lúc quán đóng cửa, chúng tôi đã uống đủ rượu vang để tôi từ chối lời mời của hắn và chia đôi hóa đơn thanh toán với hắn.
Ngày hôm sau, trong khi cả hai chúng tôi đến Học viện với một cổ họng khô rang và cái đầu ong ong vì rượu, chúng tôi nhận được thư thông báo hồ sơ dự tuyển của chúng tôi đã được lọt vào vòng kế tiếp.
Walter quá mệt, đến nỗi hắn thậm chí không thể thốt ra nổi một tiếng thét vui mừng cho xứng với tin vui ấy.
Paris
Keira xoay chìa trong ổ khóa với tốc độ chậm nhất có thể. Ở vòng xoay cuối cùng, ổ khóa phát ra một tiếng động khủng khϊếp. Cô khép cửa ra vào căn hộ lại với chừng ấy cẩn trọng và rón rén đi dọc hành lang. Ánh bình minh đã chiếu sáng văn phòng làm việc nhỏ của chị cô. Trên một chiếc cốc nhỏ, một chiếc phong bì có đề tên và đóng dấu bưu điện Anh quốc đang chờ. Tò mò, Keira bóc niêm và thấy một lá thư thông báo là mặc dù hồ sơ ứng viên của cô nộp muộn nhưng đã khiến các thành viên trong ủy ban xét tuyển chú ý. Keira đã được mời đến Luân Đôn ngày 28 tháng này, để trình bày công trình nghiên cứu của mình trước đại hội đồng của Quỹ Walsh.
- Đây là cái thứ gì vậy không biết? Cô nói thầm trong khi nhét là thư vào lại phong bì.
Jeanne xuất hiện trong chiếc váy ngủ, tóc tai rối bù; cô vừa vươn vai vừa ngáp dài.
- Max sao rồi?
- Chị nên ngủ lại đi thôi, Jeanne, trời hãy còn sớm lắm!
- Hoặc muộn rồi, chuyện đó còn tùy. Buổi tối vui không?
- Không, thực sự là không ạ.
- Vậy thì tại sao em còn qua đêm với anh ta?
- Bởi vì em lạnh.
- Mùa đông tồi tệ nhỉ?
- Được rồi, thế đủ rồi đấy, Jeanne, em đi ngủ đây.
- Chị có một món quà cho em.
- Một món quà á? Keira hỏi.
Và Jeanne chìa ra một chiếc phong bì cho em gái.
- Là cái gì thế ạ?
- Mở ra đi, em sẽ thấy.
Keira thấy một tấm vé Eurostar cùng với phiếu thanh toán trước cho việc ăn ngủ hai đêm tại khách sạn Regency Inn.
- Đó không phải khách sạn bốn sao, nhưng Jérôme đã đưa chị tới đó và trông nó rất đẹp.
- Và món quà này có liên quan gì tới lá thư em nhìn thấy trong phòng khách không?
- Có, xét theo một cách nào đó, nhưng chị đã kéo dài thời gian lưu trú để em có thể tận hưởng Luân Đôn ít lâu. Em không nên bỏ lỡ viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên với bất kỳ lý do nào, Tate Gallery mới rất thần diệu, và em cần phải tới dùng bữa tại nhà hàng Amoul trên phố Formosa. Chị thích chỗ đó vô cùng, hết sức xinh xắn, những món bánh ngọt, xa lát của nó, còn món gà nấu chanh nữa chứ...
- Jeanne này, lúc này mới là sáu giờ sáng, món gà nấu chanh đó, giờ thì em không dám chắc...
- Em sẽ nói cảm ơn chị vào lúc nào đó hay chị phải buộc em nuốt chiếc vé tàu này?
- Thế còn chị, chị sẽ giải thích cho em nội dung của lá thư và âm mưu của chị, hay chính em sẽ buộc chị phải ăn chiếc vé tàu này!
- Pha cho chị một tách trà đi, một lát bánh mì phết mật ong, năm phút nữa chị sẽ gặp em trong bếp, và đây là một mệnh lệnh từ chị gái em, người sẽ đi đánh răng ngay bây giờ, nhanh nào!
Keira đi lấy thư triệu tập của Quỹ Walsh rồi đặt nó ở chỗ để thấy nhất trước tách trà đang bốc khói và lát bánh mì phết đã nướng giòn.
- Rõ ràng là một trong hai chúng ta cần phải đặt lòng tin vào em! Jeanne vừa bước vào bếp vừa càu nhàu. Chị đã làm những gì em hẳn phải làm nếu em đánh giá mình cao hơn nữa. Chị đã xục xạo trên Internet và lập ra một danh sách đầy đủ các tổ chức có khả năng hỗ trợ về tài chính cho công việc khảo cổ của em. Chị đồng ý với em là ôs lượng những tổ chức này không nhiều. Ngay cả tại Bruxelles họ cũng không có việc gì để làm cả. Rốt cuộc, trừ khi em muốn dành ra hai năm để điền vào hàng kilômét mẫu khai in sẵn.
- Chị đã viết cho Nghị viện châu Âu vì em gái chị ư?
- Chị đã viết cho tất tật mọi người! Vả lại hôm qua, bức thư này đã đến với em rồi. Chị không biết liệu câu trả lời của họ là đồng ý hay không đồng ý, nhưng ít ra họ đã cất công hồi đáp.
- Jeanne này?
- Đồng ý, chị đã mở phong bì và dán lại ngay sau đó. Nhưng với công sức mà chị đã bỏ ra, chị cho chuyện này cũng liên quan đến mình một chút.
- Và xuất phát từ nguồn tư liệu nào mà Quỹ này quyết định giữ lại hồ sơ dự tuyển của em thế?
- Theo những gì chị được biết về em, chuyện này sẽ khiến em lên cơn cuồng loạn ngay, nhưng chị mặc kệ. Lần nào chị cũng gửi luận án của em đấy. Chị sẵn có nó trong máy tính cá nhân, tại sao lại không gửi kèm theo nhỉ? Nói cho cùng, em đã công bố nó rồi cơ mà, đúng không?
- Nếu em hiểu đúng thì chị đã qua mặt em, chị đã gửi công trình của em đến một loạt các tổ chức vô danh và...
- Và chị mang lại cho em hy vọng ngày nào đó được quay trở lại cái thung lũng Omo chết tiệt của em! Em sẽ không cự nự thêm chứ?
Keira đứng dậy và choàng tay ôm Jeanne.
- Em ngưỡng mộ chị, chị là nữ hoàng của những kẻ phá đám, ngang bướng hơn một con lừa, nhưng chị là người chị mà em sẽ không đánh đổi với bất kỳ ai khác trên đời!
- Em có chắc là em đang ổn không? Jeanne hỏi và nhìn Keira kỹ hơn.
- Không thể ổn hơn được!
Keira ngồi xuống cạnh bàn bếp và đoc jlá thư triệu tập đến lần thứ ba.
- Em phải thuyết trình nghiên cứu của mình! Nhưng em biết kể với họ cái quái gì bây giờ?
- Thì em vẫn có chút ít thời gian để soạn thảo dự án của mình và học thuộc lòng nó cơ mà. Em sẽ phải nói với các thành viên ban giám khảo trong khi nhìn thẳng vào mắt họ; nếu cầm giấy mà đọc thì em sẽ thiếu sức thuyết phục. Em sẽ nổi bật, chị biết mà.
Keira nhảy dựng lên và bắt đầu đi đi lại lại trong bếp.
- Đừng có bắt đầu để sự rụt rè trước nơi đông người thắng được mình. Nếu em muốn, tối nay đi làm về, chị sẽ đóng vai ban giám khảo và em sẽ diễn tập với chị.
- Đi cùng em đến Luân Đôn đi, nếu chỉ có một mình em sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì đâu.
- Không được, chị có quá nhiều việc phải làm.
- Em xin chị đấy, Jeanne, đi cùng em nhé.
- Keira, chị không có tiền, chị đã tiêu hết sạch tiền trong tài khoản vào việc mua vé tàu và đặt phòng khách sạn cho em rồi.
- Chẳng có lý do gì để chị chi trả chuyến đi này cho em cả, em sẽ tìm ra cách nào đó.
- Keira, em là em gái chị và như thế đủ để chị góp một phần nhỏ giúp em thành công. Đừng tranh luận nữa và hãy mang lại cho chị niềm vui bằng cách giành lấy giải thưởng này.
- Giá trị giải thưởng là bao nhiêu ạ?
- Hai triệu bảng Anh.
- Đổi ra Euro là bao nhiêu ạ? Keira hỏi, mắt trợn tròn kinh ngạc.
- Đủ để trả lương cho một ê kíp quốc tế trọn vẹn, tiền đi lại cho mỗi người, đủ mua và thuê các đồ dùng dụng cụ mà em hằng mơ để xáo trộn hết đất đai trong thung lũng Omo.
- Em sẽ không bao giờ thắng được giải thưởng này đâu! Chuyện đó là không thể.
- Đi ngủ lấy vài tiếng đi, lúc thức dậy hãy tắm vòi sen cho thật sảng khoái và bắt tay vào công việc ngay. Cũng nên nghĩ đến việc nói với anh chàng Max của em là em sẽ không thể gặp anh ta trong một khoảng thời gian. Đừng nhìn chị như thế. Chị không sắp đặt toàn bộ chuyện này để tách anh ta khỏi em đâu. Ngược lại với hình dung của em, chị không thủ đoạn đến mức ấy đâu.
- Em thậm chí còn chưa từng có ý nghĩ đó.
- Ôi, có chứ! Giờ thì biến đi nào.
Trong những ngày tiếp theo, Keira giam mình trong căn hộ của chị gái cô, trải qua phần lớn thời gian trước màn hình máy tính, tỉ mỉ trau chuốt những lý luận của mình, bổ sung tư liệu bằng những bài báo đã được các đồng nghiệp cùng ngành khảo cổ trên toàn thế giới công bố.
Như đã hứa, mối tối khi từ viện bảo tàng về đến nhà, Jeanne lại bắt tay vào việc ôn luyện cho em gái. Mỗi khi bài diễn văn không đủ sức thuyết phục, mỗi khi Keira nói ấp úng hoặc sa đà vào giải thích quá chuyên môn đối với Jeanne, cô chị đều bắt Keira phải trình bày lại từ đầu. Và những buổi tối đầu tiên đều bị xen ngang bởi những cuộc tranh luận giữa hai chị em.
Keira nắm chắc bài nói của mình rất nhanh, chỉ còn việc đưa vào đó phong thái trình bày sao cho lôi cuốn được người nghe.
Buổi sáng, ngay khi Jeanne rời khỏi căn hộ, Keira bắt đầu đọc thuộc lòng trong lúc dạo bách bộ quanh phòng khách. Bà gác cổng của chung cư, vào cuối giờ sáng một ngày nọ khi ghé qua để giao cuốn sách mà Keira đặt mua, cũng dự phần vào cuộc ôn luyện. Ngồi thoải mái trên tràng kỷ, tay cầm tách trà, bà Hereira lắng nghe bản tóm tắt đầy đủ lịch sử của hành tinh chúng ta, từ kỷ Tiềm Cambri đến kỷ Phấn trắng chứng kiến sự xuất hiện của những cây trồng có hoa đầu tiên, cả một thế hệ côn trùng, những loài cá mới, những loài cúc đá hóa thạch, như những miếng bọt biển, và đầy rẫy những loài khủng long đã quyết định từ nay trở đi sẽ tiến hóa trên đất liền. Bà Hereira vui sướиɠ khi biết được rằng chính vào thời kỳ đó, trong các đại dương xuất hiện những con cá mập đầu tiên, hình dạng giống với lũ cá mập chúng ta thường thấy ngày nay. Tuy nhiên, điều thú vị nhất không phải ở chỗ đó, mà đúng ra là sự xuất hiện của những động vật có vυ" đầu tiên thai nghén con của chúng trong những cái túi có nhau, giống như sau này con người vẫn làm.
Bà Hereira thiu thiu ngủ ngay giữa kỷ thứ ba, đâu đó giữa thế Cổ Tân và thể Thủy Tân. Khi mở mắt ra, bà liền hỏi mình đã ngủ lâu chưa với vẻ hơi ngại ngùng. Keira nói để bà yên tâm, giấc ngủ ngắn của bà chỉ kéo dài ba mươi triệu năm chứ mấy! Và buổi tối, cô hết sức tránh nhắc về cuộc viếng thăm diễn ra trong ngành với Jeanne, càng không hé nửa lời về phản ứng của công chúng đầu tiên với bài diễn văn.
Thứ Tư tiếp theo, Jeanne xin lỗi em gái, cô được mời ăn tối và không thể vắng mặt. Keira đã quá kiệt sức, và ý nghĩ thoát được buổi diễn tập khiến cô khoái trá. Cô xin Jeanne đừng áy náy về chuyện đó và hứa sẽ tự ôn luyện, chính xác như thể chị gái vẫn đang có mặt. Ngay khi nhìn thấy chị gái leo lên một chiếc taxi, Keira bèn chuẩn bị cho mình một đĩa phô mai, nhảy lên tràng kỷ trong phòng khách và bật tivi lên. Một cơn giông đang đến gần, bầu trời Paris đã chuyển sang màu đen, Keira cuốn chiếc chăn choàng quanh vai.
Tiếng sấm đầu tiên dữ dội đến mức khiến cô giật mình. Tiếng ầm ì thứ hai kéo theo một đợt cắt điện trên phạm vi toàn thành phố. Keira mò mẫm tìm một chiếc bật lửa trong cảnh tranh tối trnah sáng nhưng không tìm ra. Cô đứng dậy và tiến lại gần cửa sổ. Luồng sét dội vào cột thu lôi của một tòa nhà cách nơi cô đang đứng vài khối nhà. Tại thực địa, nhà khảo cổ đã thu được một kinh nghiệm khiến cô thông thạo mọi điều về những cơn giông, những hiểm họa của chúng, những cơn giông này có cường độ mạnh hiếm thấy. Cô nên tránh xa khung cửa kính thì hơn, cô lùi lại đúng một bước và bàn tay cô máy móc đặt lên sợi dây đeo cổ. Nếu chiếc mặt dây chuyền này đúng là có thành phần hợp kim, như Ivory đã suy luận, thì việc thách thức quỷ dữ khi giữ nó lại bên mình là không nên chút nào. Trong khi cô cởi nó ra, một tia chớp rạch toang bầu trời. Tiếng sét dội khắp căn phòng nơi Keira đang đứng, và bỗng nhiên, trên bốn phía tường vẽ nên hàng triệu điểm sáng nhỏ phát ra từ chiếc mặt dây chuyền cô đang cầm ở đầu ngón tay. Hình ảnh kỳ dị bất động trong vài giây, trước khi mờ nhạt dần. Run rẩy, Keira quỳ gối để nhặt lại sợi dây đeo cổ mà cô đã đánh rơi, cô nhặt lấy sợi dây mảnh rồi đứng dậy để nhìn qua cửa sổ. Ô cửa kính đã nứt rạn. Nhiều tiếng sấm khác nối tiếp nhau, cơn giông cuối cùng cũng rời xa. Người ta vẫn có thể nhìn thấy bầu trời sáng lên phía đằng xa, một cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống.
Ngồi co rúm trên tràng kỷ, Kiera khó khăn lắm mới trấn tĩnh lại được. Bàn tay cô tiếp tục run lẩy bẩy. Cô đã cố gắng trấn tĩnh, tự nhủ rằng mình là nạn nhân của một ảo giác nhưng vô ích, không gì có thể thực sự thuyết phục cô và một cơn khó ở xâm chiếm cô. Điện đã sáng trở lại. Keira chăm chú quan sát chiếc mặt dây chuyền, cô vuốt ve bề mặt của nó, nó vẫn còn tỏa ra hơi ấm. Cô đưa nó lại gần một bóng đèn, và dù kích thước nó nhỏ bé như thế nhưng không thể quan sát thấy một lỗ nào bằng mắt thường.
Cô thu mình dưới tấm chăn choàng và cố tìm hiểu hiện tượng kỳ lạ vừa xảy ra. Một giờ sau, cô nghe thấy tiếng ổ khóa cửa ra vào xoay vòng. Jeanne đã về.
- Em ko ngủ à? Em đã ngắm cơn giông này sao, điên thật đấy! Chân chị ướt sũng. Chị sẽ pha cho mình một tách trà, em có muốn uống một tách không? Sao em không nói gì thế? Em ổn chứ?
- Ổn ạ, em nghĩ thế, Keira trả lời.
- Đừng nói với chị là một nhà khảo cổ học vĩ đại như em lại sợ giông bão đấy nhé?
- Tất nhiên là không ạ.
- Vậy thì tại sao trông mặte tái mét thế kia?
- Em chỉ hơi mệt thôi, em đợi chị về rồi đi ngủ đây.
Keira ôm hôn Jeanne rồi đi về phòng ngủ, nhưng chị gái cô gọi giật lại.
- Chị không biết có nên nói với em chuyện này không... Max cũng có mặt ở bữa tối hôm nay đấy.
- Không, chị không cần nói với em chuyện này đâu; hẹn ngày mai gặp nhé Jeanne.
Còn một mình trong phòng ngủ, Keira lại gần cửa sổ. Điện trong các tòa nhà chung cư đã sáng nhưng phố phường vẫn chìm trong bóng tối. Những đám mây dã biến mất, vòm trời hiện ra rực rỡ hơn bao giờ hết. Keỉa tìm chòm sao Đại Hùng. Khi còn nhỏ, bố cô vẫn thường chơi đùa bằng cách dạy cho cô cách xác định vị trí của ngôi sao này hay chùm sao nọ; Tiên Hậu, Thiên Vương và Tiên Vương là những chòm sao cô yêu thích nhất. Kiera nhận ra hình dạng những chòm sao Thiên Nga, Thiên Cầm và Vũ Tiên, và đúng lúc cô hướng về vòm trời phương Bắc để tìm chòm Mục Phu thì mắt cô lại trợn tròn lên đến lần thứ hai trong buổi tối.
- Không thể thế được, cô thì thào, mặt áp vào mặt kính.
Cô vội vàng mở cửa, tiến ra ban công và vươn cổ nhìn, như thể vài centimét này có thể đưa cô lại gần những vì sao.
- Ôi không, không thể thế được, chuyện này điên rồ hết sức! Hoặc là chính mình đang điên rồi.
- Nếu em bắt đầu nói một mình thì dù thế nào em cũng đang đi đúng hướng rồi đấy.
Keira giật mình, Jeanne đang đứng ngay cạnh cô; chị gái cô chống khuỷu tay vào lan can ban công rồi châm một điếu thuốc.
- Chị hút thuốc rồi sao?
- Chị hút rồi. Cho chị xin lỗi chuyện ban nãy, lẽ ra chị nên im miệng mới phải. Nhưng nhìn thấy điệu bộ vênh vác của anh ta khiến chị căng thẳng thần kinh. Em có nghe chị nói không đấy?
- Có, có ạ, Keira đáp bằng một giọng lơ đễnh.
- Vậy thì chuyện người Neadertal đều bị lưỡng giới có thật không?
- Có thể, Keira trả lời, mắt vẫn chăm chú nhìn vào các chòm sao.
- Và họ sinh sống chủ yếu bằng sữa khủng long, nhưng cần phải dạy cho họ cách vắt sữa chúng?
- Chắc là thế...
- Keira!
Keira giật nảy mình.
- Gì thế ạ?
- Em không nghe lấy một lời nào của chị. Cái gì đang khiến em xáo động vậy?
- Không có gì ạ, em đảm bảo với chị đấy, chúng ta vào bên trong đi, trời lạnh rồi, nhà khảo cổ học trả lời và quay vào phòng.
Hai chị em ngủ trên chiếc giường lớn của Jeanne.
- Em không nói nghiêm túc về chuyện người Neandertal đấy chứ? Jeanne hỏi.
- Dân ở Neandertal thì sao ạ?
- Không có gì, quên chuyện này đi. Chúng ta cố ngủ đi thôi, Jeanne đáp rồi trở mình.
- Vậy thì chị ngừng ngọ ngoạy liên tục như thế đi!
Một thoáng yên lặng ngắn ngủi rồi đến lượt Keira trở mình.
- Jeanne này?
- Chuyện gì nữa?
- Cảm ơn vì tất cả những gì chị đã làm.
- Em nói thế để chị cảm thấy tội lỗi gấp đôi về chuyện của Max đấy à?
- Một chút thôi à.
Ngày hôm sau, ngay khi Jeanne rời khỏi căn hộ, Keira vội ngồi vào trước máy tính, ns áng hôm đó, những nghiên cứu của cô khác xa với công việc thường ngày. Cô bắt tay vào tìm kiếm các bản đồ dạng đơn giản của bầu trời trên Internet. Trong khi cô làm việc, mỗi chữ cái cô gõ trên bàn phím đều cùng lúc hiển thị trên màn hình của một máy tính khác đặt cách đó hàng trăm kilômét, mỗi thông tin cô tra cứu, mỗi địa chỉ web cô đăng nhập đều được ghi lại. Đến cuối tuần, một người thao tác máy tính ngồi bên bàn làm việc riêng tại Amsterdam đã in ra một hồ sơ về công việc mà cô đã hoàn thành. Hắn đọc lại tờ giấy cuối cùng ra khỏi máy in và bấm một số điện thoại.
- Thưa ông, tôi nghĩ là ông sẽ muốn đọc bản báo cáo mà tôi vừa hoàn thành.
- Về chuyện gì? Người đối thoại với hắn hỏi.
- Cô ả chuyên gia khảo cổ người Pháp.
- Lát nữa đến gặp tôi tại văn phòng, giọng nói dặn qua điện thoại trước khi gác máy.