tháng Tư, hồi ITro tàn của người phụ nữ nhường chỗ cho gương mặt già nua héo hon, xét đến cùng vẫn là nét ảm đạm suy tàn như nhau.
Dịch A Lam mỉm cười với giáo sư Reilly Ron: "Cháu mới từ ngày 32 trở về. Chúng cháu đã hạ cánh xuống hòn đảo của ngài, trông nó đẹp thật ạ..."
Tại thời điểm này, thế giới vẫn trong guồng quay bình thường: Bán cầu đêm đang ngủ, bán cầu ngày làm việc, chia sẻ cùng một bầu khí quyển.
Tin dữ đến, cũng là lúc La Thái Vân vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ trằn trọc. Kể từ khi ngày 32 xuất hiện, bà đã chẳng thể yên giấc vào mỗi cuối tháng, thường thì đến rạng sáng bà mới tranh thủ chớp mắt được vài tiếng (tới đây, mọi thứ về ngày 32 vẫn rất ổn định; chứ không thì bà đã thức trắng đêm).
Bà đến văn phòng trong tâm thế nhẹ nhõm, nhiệm vụ đã ngày càng dễ dàng hơn. Giờ đây, trọng tâm của ngày 32 là đảo Đập Lượng Tử – phạm vi quản lý đã nhỏ đi đáng kể.
La Thái Vân vừa mở cửa, tổ trưởng tổ Hóa-Lý ngày 32 đã theo sát vào trong.
Bà thoáng giật mình, không phải vì mới sáng ra đã gặp người nọ tò tò theo sau, mà trông hắn như thể đã nhiều ngày không ngủ, cặp mắt đỏ ngầu, gò má sưng húp, vẻ mặt xám xịt thể như ngày mai là tận thế.
"Giáo sư Lý, anh sao vậy? Làm gì thì làm, nhưng phải tranh thủ nghỉ ngơi chứ." La Thái Vân rót cho hắn cốc nước ấm. "Anh mệt tới vậy rồi, có việc gì để sau đi."
Giáo sư Lý ngước đôi mắt vô hồn đó lên: "Không còn
để sau được nữa, tổ trưởng La."
La Thái Vân lấy làm lo lắng, "Sao vậy? Sức khỏe của anh..."
"Loài người chúng ta, toang rồi chị ạ." Giáo sư Lý cười buồn. "Toang thật rồi. Chúng ta đều phải chết."
Với đôi tay run run, hắn đưa ra bản báo cáo được viết bằng chút lý trí cuối cùng. Đây quả thật là một bản tuyên ngôn ngày tận thế.
Manh mối sớm nhất đến từ các báo cáo thoạt nhìn vô thưởng vô phạt, ngày 32 khi ấy thực ra cũng chỉ mới xuất hiện đôi ba lần. Đại khái, ở một số vùng bỗng dưng xảy ra hiện tượng bức xạ bất thường, chẳng qua liều lượng cực thấp, không gây hại đến cơ thể người, thậm chí còn chẳng làm nên trò trống gì. Trên thực tế, hầu hết các khu đều chứa chất hoặc vũ khí phóng xạ, nên máy dò với độ chính xác cao mới được lắp đặt ở khắp mọi nơi. Và quả thật, mỗi lần rò rỉ đều gây hoang mang tập thể, song miễn là phát hiện kịp thời và bảo trì đúng cách, những mối nguy tiềm ẩn đó đều sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Ngày nọ khi máy dò báo động, một cậu nhân viên đã đi sàng lọc nguồn phóng xạ, nhưng kỳ lạ thay, mọi khả năng rò rỉ vẫn còn nguyên. Lần đầu tiên cậu ta chọn cách lờ đi, song khi bức xạ bất thường xuất hiện trở lại với lần thứ hai, mọi người không riêng gì cậu đã ngầm phát hiện một quy luật: tia bức xạ này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian trước sau ngày 32, dẫu rằng liều lượng hiệu dụng cực thấp. Viên tổng phụ trách bèn lật đật gửi báo cáo đến Tổ công tác, cuối cùng thì được bàn giao cho tổ trưởng tổ Hóa-Lý.
Giáo sư Lý nhíu mày, nếu nói ngày 32 phát ra tia bức xạ, vậy không lý nào máy dò bức xạ trong đại sảnh Tổ công tác lại im lìm. Hắn dám thề rằng máy dò nơi đây hoàn thiện hơn nhiều so với loại được bố trí ở địa phương, bất quá hiệu suất cũng phải ngang nhau.
Vì sự kiện này, giáo sư Lý đã đặt trọng tâm vào chỉ số bức xạ trong ngày 32 kế tiếp. Hắn cũng bổ sung nhiều loại máy dò tiên tiến (bao gồm cả dòng máy được đề cập trong báo cáo) và tăng cường nhân lực túc trực cho từng máy, tiếc rằng mọi chỉ số đều ổn định.
Càng lạ lùng chính là, sau ngày 32 lần đó, ngoại trừ địa phương đưa ra báo cáo đầu tiên, họ còn nhận được nhiều báo cáo phát hiện bức xạ dị thường từ những nơi khác: cũng xuất hiện vào khoảng trước sau ngày 32, với liều lượng không đáng kể. Giáo sư Lý ngay giữa đêm bảo họ tức tốc mang máy dò tới đây, và hắn đã hoàn toàn ngạc nhiên, khi máy dò bức xạ của họ giống hệt với loại mà mình vừa thêm vào trong đợt này.
Xem xét lần lượt năm bản báo cáo, giáo sư Lý rút ra một kết luận rằng: những nơi này đều là trung tâm quân sự đầu não quốc gia. Song nói đi cũng nói lại, nếu không phải trung tâm quân sự thì làm sao có máy dò phóng xạ nào đủ tiên tiến để phát hiện ra hiện tượng bất thường. Nhưng vấn đề là, không chỉ mỗi năm trung tâm quân sự đó được trang bị máy dò cấp cao, ngay tại chính Tổ công tác Ngày 32 cũng có mà?
Tại sao chỉ năm nơi này phát hiện? Chẳng nhẽ liên quan đến vị trí địa lý? Nhưng tọa độ của năm vị trí không gần nhau, mà lại phát hiện trong cùng một thời gian?
Nếu không mang tính bảo mật cấp S, giáo sư Lý và trạm quản lý bức xạ của năm nơi đã sớm phát hiện tất cả đều nằm trong kế hoạch tiêu hủy; và ở ngày 32, chúng đã trở thành mớ hỗn độn sau đợt công phá của Châu Yến An.
Và nếu có thể hiểu tường tận nội dung kế hoạch, họ cũng sẽ thấy rằng hiện tượng bức xạ dị thường chỉ được phát hiện khi Châu Yến An và Dịch A Lam đã loại bỏ hoàn toàn căn cứ trong ngày 32.
Chính cam kết bảo mật vì an ninh quốc gia đã dẫn đến tình trạng thiếu thông tin, để rồi vô hình trung lại là trở ngại lớn nhất cho việc vạch trần sự thật về ngày 32.
Ngoài ra, tia bức xạ này có liều lượng hiệu dụng thấp, vô hại, và không phải tất cả các khu vực trong kế hoạch rà phá đều được phát hiện (lý do chính là những nơi này chỉ được trang bị các thiết bị phát hiện bức xạ, và chỉ phát cảnh báo khi nồng độ đạt ngưỡng nhất định; không có máy dò cho ra chỉ số chính xác), nên sau tất cả, nó không đánh động mấy đến nhiều người, chỉ có mỗi nhà nghiên cứu chú ý.
Mãi đến mùa đông, khi số lượng địa điểm phát hiện hiện tượng bức xạ dị thường đã tăng lên con số sáu, và khi năm trạm thu phát đầu tiên báo cáo rằng liều lượng mà họ phát hiện mỗi lần thoạt trông rất thấp, nhưng lại đang dần tăng lên với tốc độ siêu chậm sau mỗi ngày 32, thì e rằng nếu không phát hiện sớm, hay nếu không tìm ra nguyên lý, liều lượng hiệu dụng rồi sẽ phát triển đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Một trong những địa điểm phải kể đến là Trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí Không quân Tây Bắc, viên phụ trách đã báo với kỹ sư trưởng Tống Duệ, và khi nhận ra hiện tượng bức xạ dị thường không xuất hiện trong ngày 32 đầu tiên, mà trong ngày 32 sau khi Dịch A Lam và những người khác tới đây, ông mới hay nó có liên quan đến kế hoạch tiêu hủy.
Viên phụ trách bèn báo lên phỏng đoán của Tống Duệ, giáo sư Lý cũng dựa vào nó mà đưa ra yêu cầu được biết mọi hành động của Người 32 trong Tổ công tác với La Thái Vân (*). Để rồi sau cùng hắn phát hiện, vị trí và thời gian mà họ công phá hoàn toàn trùng khớp với thời điểm xảy ra tia bức xạ.
(*) Chi tiết từng xuất hiện trong chương 80.Giáo sư Lý bèn đề xuất tiến hành nghiên cứu song song với kế hoạch rà phá, nên đã nắm được các địa điểm bí mật sẽ bị tiêu hủy trong ngày 32. Trước khi đến chu kỳ mới, giáo sư Lý cũng cung cấp máy dò bức xạ cho nhiều căn cứ thiếu phần cứng. Và quả nhiên, hiện tượng dị thường này được phát hiện vào khoảng thời gian xuất hiện ngày 32.
Thoạt tiên, họ đinh ninh những quả bom đã gây ra sự phơi nhiễm chất phóng xạ, rồi lượng nhỏ bức xạ này bằng cách nào đó gây ảnh hưởng đến thế giới thực. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghiên cứu, họ xác định tia bức xạ này không giống với những loại đã biết, cũng chẳng thuộc về vật liệu hay vũ khí phóng xạ chứa trong từng nơi.
Giáo sư Lý đành thẳng tay bố trí một loạt máy dò bức xạ tại nhiều nơi khác nhau như dãy phố trung tâm, vùng ngoại ô, công trường xây dựng, lòng đất, đáy sông, v.v. Thực ra cũng có một số bức xạ bất thường được phát hiện với các giá trị khác nhau, song nhìn chung đều tương đối thấp.
Giáo sư Lý vẫn chẳng hiểu; và mãi đến khi tổng kết từng điểm khác nhau của các vị trí, hắn mới phát hiện ra một hiện tượng thú vị. Những nơi có bức xạ dị thường đều mang một đặc điểm: rất
khác so với cùng một khu vực trong ngày 32, điển hình là những căn cứ quân sự được đưa vào kế hoạch rà phá. Trong ngày 32, kho lưu trữ thông tin bị định dạng, toàn bộ tòa kiến trúc bị đánh bom; nhưng trong thế giới thực, mọi thứ hãy còn nguyên vẹn.
Một ví dụ khác là công trường nơi bức xạ xuất hiện. Giáo sư Lý đã chọn đo lường tại một công trường chỉ vừa bắt đầu xây dựng sau ngày 32, tức rằng mặc dù khung tòa nhà đã hình thành, nhưng trong thế giới ấy, nó vẫn là một mảnh đất đầy cỏ dại.
Bức xạ cũng được phát hiện ngay con sông khô cạn khi vào đông, nhưng lại đầy nước trong mùa hè (ngày 32 đang vào hạ).
Từ đó có thể suy ra, sự khác biệt giữa cùng một khu vực vào ngày 32 với thực tế là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bức xạ bất thường.
Cần lưu ý, không phải nơi nào chưa phát hiện bức xạ cũng giống với ngày 32. Phát hiện, tức do sự khác biệt; nhưng chưa phát hiện, cũng chẳng đồng nghĩa là chúng giống nhau.
Thế giới thực những thay đổi từng phút từng giây, khí hậu không nơi nào giống hệt như bảy tám tháng trước. Tỷ dụ như Tổ công tác mà họ sinh hoạt hàng ngày, mặc dù tất thảy các tòa nhà đều được xây dựng trước ngày 32, vốn dĩ đã dùng làm Viện nghiên cứu Vật Lý, nhưng sau đó lại được bàn giao khẩn cấp cho Tổ công tác. Rồi họ dần dần lấp đầy tòa nhà bằng nội thất, thiết bị điện và những dụng cụ thực nghiệm. Chẳng qua trong ngày 32, toàn bộ nơi này vẫn là những tòa nhà bỏ trống.
Rõ ràng đã có sự khác biệt giữa hai thế giới, thế vì sao lại không xuất hiện bức xạ?
Rốt cục, sự khác biệt này mang ý nghĩa và có bản chất như thế nào?
Một từ khóa, hay nói chính xác là khái niệm, bỗng lóe lên trong đầu giáo sư Lý.
Entropy [1].
Entropy là khái niệm vật lý do một nhà toán học đề xuất, được định nghĩa như là đơn vị đo lường mức độ "hỗn loạn" trong một hệ.
Trong hệ khép kín, entropy đại diện cho mức "lộn xộn" hoặc "tính bừa". Có thể dùng một phép so sánh để đơn giản hoá như sau: trong căn phòng khép kín, nếu mọi thứ được sắp xếp có trật tự, giá trị entropy sẽ thấp; còn nếu hỗn loạn, giá trị entropy sẽ cao.
Entropy không có tính bảo toàn, đại lượng này không thể giảm mà chỉ tăng hoặc không đổi trong hệ kín, và cuối cùng là đạt tới trạng thái entropy "cực đại", tức trạng thái "hỗn loạn" và "mất trật tự" nhất trong hệ.
Vũ trụ là một hệ kín cỡ lớn, giá trị entropy sẽ luôn tăng lên, đồng nghĩa trật tự đang dần sụp đổ và đi đến hủy diệt.
Sự khác biệt lớn nhất giữa thực tế nơi bức xạ dị thường xảy ra và ngày 32, chính là entropy. Căn cứ quân sự đang hoạt động nề nếp trật tự trong thế giới thực, tức entropy thấp; mặt khác ở ngày 32, căn cứ đổ nát, thông tin bị mất, khắp nơi hỗn loạn bừa bộn, entropy sẽ cao. Với Tổ công tác khẩn cấp, dãy tòa nhà bỏ trống trong ngày 32 hiển nhiên có trật tự – entropy thấp; thế giới thực, mặc dù thêm vào "điều kiện" nhưng tính trật tự vẫn được bảo toàn, và mặc dù entropy hơi khác với ngày 32 nhưng nhìn chung vẫn thấp.
Tuy nhiên entropy là đại lượng cho hệ kín và hệ cô lập, song các khu này rõ là hệ mở, Trái Đất cũng là một hệ mở, luôn trao đổi năng lượng với thế giới bên ngoài.
Nhưng riêng hai hệ kín cực lớn giống nhau – vũ trụ song song yếu và vũ trụ hiện tại – sẽ có một cơ chế vật lý nào đó để lượng hóa entropy bên trong chúng; và trong quá trình chồng chất rồi biến đổi, bức xạ sẽ được tạo ra do lượng lớn sự khác biệt về giá trị entropy tại các vùng nhất định.
Theo lý thuyết, entropy sẽ không ảnh hưởng
trực tiếp đến con người. Dẫu sống trong một hệ cực kỳ hỗn loạn, điều khiến anh ta cảm thấy bất tiện chỉ là không thể sử dụng năng lượng hiệu quả, dẫn tới thiếu nhiệt, thiếu động năng, thiếu năng lượng cơ thể. Tựu trung, entropy không thể, cũng như không đủ khả năng tấn công
trực tiếp con người.
Một hiện tượng thực tế có thể giúp ta hiểu rõ như sau: Chim non không bị giật khi đứng trên dây diện cao thế, vì nó mang kích thước nhỏ, khoảng cách giữa hai móng vuốt lại ngắn, hiệu điện thế bé, nên cường độ dòng điện đi qua cơ thể chim cũng nhỏ; trái lại, đối với loài chim lớn như đại bàng hay con người, ắt bị giật ngay.
Cũng như vậy, chúng ta sống trong một vũ trụ với entropy không ngừng biến động, và vì kích thước quá nhỏ so với vũ trụ nên entropy sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng sự tồn tại của vũ trụ song song yếu cũng giống như thêm một dây khác để tạo thành dòng diện, khiến entropy giữa hai vũ trụ xuất hiện "hiệu điện thế", đâm ra gây hại cho những sinh linh bé nhỏ.
Do đó, giáo sư Lý đã đặt tên cho bức xạ bất thường do ngày 32 gián tiếp gây ra là
Bức xạ chênh lệch Entropy.Liều lượng hiệu dụng của Bức xạ chênh lệch Entropy được phát hiện cho đến nay vẫn còn rất thấp, sẽ không gây hại cho cơ thể con người.
Nhưng cái đáng nói ở đây, rằng entropy luôn luôn thay đổi. Nhất là trên Trái Đất, hoạt động của con người sẽ khiến khu vực có entropy thấp trở thành entropy cao, và những nơi có entropy cao cũng sẽ làm giảm giá trị entropy thông qua sản xuất công nghiệp; hoa cỏ cây lá cũng đang hấp thụ năng lượng, thải năng lượng và tiêu thụ năng lượng mọi lúc, tất cả đều đang góp phần cho quá trình biến đổi entropy.
Entropy trên Trái Đất nom như nồi nước sôi, hết "nồi" này đến "nồi" khác.
Và vào ngày 32, khi dân số giảm đi đáng kể, khi dòng thời gian chênh lệch quá mức, khi hành vi hủy diệt của vài người vẫn đang tiếp tục diễn ra, chênh lệch entropy giữa hai vũ trụ rồi sẽ ngày một lớn lên.
Giáo sư Lý đã thiết lập một mô hình dựa trên dữ liệu được thu thập từ nhiều Bức xạ chênh lệch Entropy trong các thời điểm khác nhau, và phát hiện ra rằng liều lượng hiệu dụng của nó đang tăng theo cấp số nhân và cùng với dòng phát triển của thời gian, ngày càng có nhiều khu vực xuất hiện Bức xạ chênh lệch Entropy. Giờ đây, tia Bức xạ này có thể được phát hiện trên bất kỳ con đường nào sau mỗi ngày 32. Với những nơi có chênh lệch entropy lớn, chính phủ hẳn nên sơ tán người dân khỏi khu vực đó ngay lập tức, kẻo bị ảnh hưởng bởi tia Bức xạ.
Theo ước tính của hắn, chỉ khoảng bốn hoặc năm chu kỳ ngày 32, Bức xạ chênh lệch Entropy sẽ đủ sức gây ra thiệt hại chết người cho nhân loại. Hay nói cách khác, là cho toàn cầu.
Hóa ra, vũ trụ song song yếu chưa bao giờ là "kho tài nguyên" mặc ta xâu xé.
Mà nó, chính là "cái kết dịu dàng nhất" do Thần Chết ban tặng.
///
Tác giả có chuyện muốn nói:Định nghĩa Entropy thực ra phức tạp lắm, nào đơn giản như tôi đã nói. Tôi nhớ có một cuốn sách dùng ví dụ về căn phòng để giải thích, sinh động cực kỳ. Tôi tìm hoài chẳng thấy, đành dựa theo trí nhớ và cách hiểu của mình để đưa ra một ví dụ đơn giản. Đại khái như trên, yêu cầu của tác phẩm chỉ dừng lại ở "sự khác biệt giữa trật tự và mất trật tự". Hy vọng nó không làm các bạn khó hiểu.;
[1] Trong nhiệt động lực học, entropy nhiệt động lực (hay gọi đơn giản là entropy) là một đơn vị đo nhiệt năng phát tán, hấp thụ khi một hệ vật lý chuyển trạng thái tại một nhiệt độ tuyệt đối xác định. Trong cơ học thống kê, entropy được định nghĩa như là một đơn vị đo lường khả năng mà một hệ có thể rơi vào trạng thái độ trong một tình trạng, nó thường được gọi là "sự lộn xộn" hay "tính bừa" (randomness) thể hiện trong một hệ.
Tính không bảo toàn của Entropy: Đại lượng này có thể tăng một cách đột ngột trong một quá trình không thuận nghịch. Thật vậy, theo định luật hai nhiệt động lực học, entropy của một hệ cô lập (isolated system) không thể giảm, mà chỉ có thể tăng hoặc giữ nguyên giá trị trong trường hợp quá trình biến đổi là thuận nghịch.
Ở góc nhìn vĩ mô, các ngôi sao (Mặt Trời), các hành tinh, thậm chí các hệ Mặt Trời (bao gồm cả ngôi sao & các hành tinh) và các thiên hà (gồm vô số các hệ Mặt Trời khác nhau) cũng chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Thực tế là, giới khoa học, nhờ vào việc đo đạc các chuyển động này nên đã phát hiện ra rằng càng ngày các thiên hà càng di chuyển ra xa nhau hơn, theo những cách hỗn loạn hơn. Đây chính là tiền đề giúp họ đưa ra thuyết Big Bang – được cho là khởi điểm của vũ trụ.
Theo thuyết lượng tử, Entropy khi không có sự quan sát, tác động nó mang tính chất sóng (hỗn mang, mất trật tự); còn Negentropy (chắc dịch là phản entropy) khi có sự quan sát, tác động nó là hạt (nề nếp, ngay hàng, có kỷ luật, có trật tự).
Hết chương 100