Chương 1: Hai Chúng Tôi

Mùa Hè năm 2000, TP Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang

Hôm nay là một ngày nắng đẹp trời, tôi và em gái vẫn đang chơi trò bán đồ hàng ưa thích của hai đứa ở phía sau nhà. Cái nắng hè oi ả chiếu xuyên qua những tán cây vẫn không làm giảm sự hứng thú của chúng tôi với trò chơi.

Vì buổi trưa nào hai đứa cũng trốn đi chơi nên da của chúng tôi đen nhẻm, đứng dưới nắng chiều mồ hôi nhễ nhại, cộng thêm chiếc quần thủng mông, chằng chịt những mảnh vá khiến chúng tôi trở nên thật bẩn thỉu và bụi bặm. Cứ đến gần chiều tối là sẽ nghe tiếng mẹ gọi về nhà, thực sự hai đứa tôi chẳng thích về nhà chút nào. Vì về nhà không vui...

Hai chị em tôi vừa về đến cửa nhà đã nghe tiếng mẹ quát hai đứa đi tắm rửa rồi ăn cơm. Chúng tôi răm rắp làm theo mà chẳng dám ho he một tiếng nào. Vì chúng tôi sợ bị ăn đòn. Ngày nào cũng thế, ngồi vào mâm cơm tôi và em gái cứ lặng lẽ ăn, trái tim nhỏ bé của chúng tôi cứ giật thon thót khi có một tiếng động hơi lớn một chút. Tôi nhìn bố uống rượu rồi trách mắng mẹ, ánh mắt chỉ dám vụиɠ ŧяộʍ nhìn lướt qua chứ không dàm nhìn thẳng, hôm nay mẹ chẳng nói gì, chỉ có tiếng chửi rủa của bố, từ khi tôi có nhận thức, tôi chưa từng thấy bữa cơm nào yên ổn, lúc nào cũng có tiếng quát tháo, trách móc, chửi rủa.

Ngày nào bố cũng trách mắng mẹ không kiếm đủ tiền cho bố uống rượu, đánh bài. Tôi nhớ năm tôi 8 tuổi, một lần bố rất nặng tay đánh mẹ thâm tím mặt mày, tóc của mẹ bết dính toàn là máu, tôi thấy một vết rách lớn trên đầu mẹ, đáng sợ lắm, tôi bảo mẹ đi viện nhưng mẹ chỉ ôm tôi vào lòng rồi nói mẹ không còn tiền, tôi biết mẹ có tiền, nhưng mẹ để tiền mua sữa cho em, mua đồ ăn cho cả nhà. Mẹ ôm tôi khóc, còn tôi chỉ tròn xoe mắt nhìn những vết máu loang, mà ngửi mùi tanh tanh trong không khí. Lạ kì thay tôi lại chẳng khóc.

Ngày đó, trong tâm trí non nớt của tôi không thể hiểu nổi vì sao mẹ có tiền nhưng lại không đi đến bệnh viện, chẳng phải mọi người ốm đau, thương tích đều đến viện hay sao?

Sau này lớn lên một chút, tôi mới biết không phải mẹ chẳng muốn đi bệnh viện, mà là vào viện phải có rất nhiều tiền, tiền của mẹ còn phải dùng vào rất nhiều thứ, mọi thứ từ ăn uống, tiền học và mọi chi phí trong nhà đều dựa vào đồng tiền ít ỏi của mẹ có được từ việc đi dọn vườn, cấy lúa thuê, và rồi tôi cũng ý thức được nhà tôi rất nghèo...

Cái nghèo cứ đeo bám mãi thế, cho đến khi tôi 12 tuổi, em gái tôi 6 tuổi mà nhà tôi vẫn vậy. Thời gian có thể trôi còn ngôi nhà mái ngói của chúng tôi vẫn không chút thay đổi chỉ có xác xơ và tiêu điều đi theo năm tháng.

Chẳng mấy chốc mà mùa hè trôi qua, chúng tôi lại đi học, tôi cũng chẳng thích đi học chút nào...

Năm nay tôi lớp 7, đầu năm học mẹ đã xin được ở nhà người quen mấy chiếc quần bò cũ của con gái nhà ấy không mặc vừa nữa cho tôi, vậy còn đỡ hơn mặc quần rách đi học. Tôi không còn mặc quần vá mông đi học nữa nên lũ bạn tôi sẽ thôi đi những trò trêu ngẹo ấu trĩ suốt những năm tháng cấp 1. Những ngày lớp 2, lớp 3 tôi sẵn sàng lao đầu vào đánh nhau với bất kì đứa nào gọi tôi là con quần rách. Sau này lớn hơn thì tôi trở nên im lặng và lì lợm trước những lời trêu ghẹo của chúng nó.



Mặc dù là con gái nhưng tôi không phải là đối tượng để lũ con trai bắt nạt vì tôi không yếu thế và sẵn sàng đấm chảy máu mồm đứa nào dám trêu ghẹo tôi. Nhưng có điều khiến tôi lo ngại hơn là em gái của mình, năm nay Thanh Hà vào lớp 1, nó thật ngoan và biết nghe lời.

Nó không giống tôi không có cái nét tinh nghịch đáng có ở cái lứa tuổi của nó. Rồi nó cũng sẽ bị mẹ bắt mặc lại những chiếc quần vá chằng chịt của tôi đi học, nó sẽ chẳng dám cãi lời hay khóc lóc mè nheo đòi hỏi một chiếc quần mới đâu. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt run sợ của Thanh Hà mỗi lần nghe thấy tiếng quát tháo khi say của bố, những lần nó giật mình thon thót khi bố gọi nó lại gần. Chắc hẳn nó sợ bố lắm, nó sợ bị đánh, nên nó ngoan ngoãn đến đáng thương, ngoan đến đau lòng.

Ngày đầu tiên của năm học mới, tôi đưa Thanh Hà đi học, tôi đã phải nghỉ một buổi học của mình để đi cùng nó.

Chắc nó bỡ ngỡ lắm khi đến nơi và trông thấy bạn bè cùng lớp nó đều có bố mẹ đưa đi học. Nó cứ tròn xoe mắt ngó khắp nơi, tay thì không quên nắm tay tôi thật chặt, nó dùng cái giọng nót nớt run run hỏi tôi:

“Chị ơi, sao các bạn lại được bố mẹ đưa đi học hả chị, sao mẹ không đưa em đi học”

Tôi nhìn nó một lát, trông cái ánh mắt mong chờ của nó, tôi không dám nói lên sự thật rằng nếu mẹ đưa nó đi học, thì vào tháng sau ở một ngày nó đó có nguy cơ là cả nhà sẽ phải nhịn đói một bữa.

Và nếu mẹ không đi làm đồng nghĩa với việc chúng tôi chẳng có gì. Tôi thở một hơi thật dài, chẳng buồn quát nó như mọi khi nữa, tôi nhẹ nhàng bảo nó rằng mẹ bận và nó đã có tôi.

Rồi nó cũng nghe theo mà im lặng chẳng nói thêm gì, tiếp tục tròn xoe mắt khám phá sân trường và cột cờ.

Tiếng trống trường tập trung rộn rã, tôi đưa em mình vào hàng. Nhìn cái ánh mắt ngơ ngác, lạ lẫm của nó khi nhìn học sinh xếp thành từng hàng, từng hàng trên sân tường, tôi bất giác mỉm cười rồi tự hỏi không biết ngày trước tôi có từng thế không nhỉ? Quá lâu để tôi có thể nhớ được.