Chương 4: Ghé chơi nhà bạn (3)

Đúng mười một giờ năm phút thằng Hiếu đi học về tới là cơm nước đã dọn sẵn trên mâm. Thằng nhóc nhổ giò, mới học lớp ba nhưng cao muốn gần bằng mẹ nó, da nó đỏ ửng do đi nắng nhiều, bộ dáng nhanh nhẹn. Chân tay da thịt nó chắc nụi, về mới tới cổng đã oang oang gọi mẹ.

Nhìn mâm cơm bốc khói, lại ngó quanh quất không thấy ai, Hiếu đoán mẹ nó chắc còn ở dưới bếp. Nghĩ vậy nó quăng cái cặp nặng trịch xuống đất xong chạy ù xuống kiếm mẹ. Chẳng ngờ dưới bếp không chỉ có mẹ nó mà có thêm một người lạ hoắc nữa.

“Mới về tới đã la làng la xóm rồi.” Mẹ Hiếu tuy mở miệng ra là trách móc nhưng nụ cười treo trên môi lại cố ý cho thấy cô không có vẻ gì là tức giận.

Thằng nhóc biết tổng mẹ nó chỉ nói cho có thôi liền chu môi ra nũng nịu, giọng nhão nhẹt.

“Tại người ta nhớ mẹ quá chứ bộ.”

Yến nghe xong thì bật cười. Giống ai mà khéo nịnh thế không biết. Lại nhớ ra thằng con mình từ nãy tới giờ chưa chào bạn cô, mới nhắc nhở.

“Đây là bạn học cũ của mẹ, giờ là cô giáo dạy trường cấp ba. Con qua chào cô một tiếng đi con.”

Hiếu nghe hai chữ cô giáo thì hoảng hồn. Dù không phải cô dạy nó nhưng không hiểu sao lại tự nhiên cảm thấy mặt người kia nghiêm nghị quá. Nó không dám làm càng nữa, ngoan ngoãn đi qua chào cô. Bộ dạng lấm lét như thể nó mà nói sai cô giáo liền ăn thịt không bằng.

Ngọc Châu sao lại không nhìn ra bộ dạng này của thằng nhỏ. Cô mỉm cười nói câu chào con với giọng dịu dàng nhất có thể. Thế nhưng thằng nhóc đứng gần cô mà tưởng như đứng kế bếp than của mẹ nó, như không cũng toát mồ hôi hột.

Hoàn thành nhiệm vụ xong lập tức lấy cớ lên phòng khách xem ti vi. Sau đó ba chân bốn cẳng biến mất dạng. Yến thấy một màn này không khỏi lắc đầu.

“Bình thường ở nhà nó quậy lắm, còn ở lớp nó nhát hích hà. Chắc sợ cô giáo oánh.”

Dù biết không phải đứa nào cũng bày trừ cô giáo như thằng Hiếu nhưng Ngọc Châu không khỏi nghĩ rốt cuộc trong mắt mấy đứa nhỏ một người giáo viên có hình tượng như thế nào. Tại sao nhiều đứa chỉ cần nghe danh cô giáo đã đủ khiến tụi nó sợ hãi ra mặt.

Có trách thì trách các bậc phụ huynh cứ hễ con không nghe lời là lấy cô giáo ra dọa cho chúng sợ. Nào là “Mày không ăn coi chừng tao méc cô giáo đánh cho một trận” hay “Con mà không chịu làm bài tập vô lớp thế nào cô cũng phạt cho coi”. Lâu ngày thành ra cô giáo so với ông kẹ kẻ tám lạng người nửa cân, trẻ con nghe tên dù không rõ hình dáng mặt mũi thế nào đã run lẩy bẩy. Rồi lại hỏi sao có đứa đi tới trường gặp cô giáo xong gào khóc đòi về.

Ngọc Châu cảm thấy cô đúng là không có duyên với trẻ con. Dù là giáo viên nhưng tụi con nít thấy cô đều tránh như tránh tà. Học sinh cấp ba đỡ hơn vì tụi nó cũng lớn hết rồi.

Nhắc tới con trẻ tâm trí Ngọc Châu lại đem chuyện hôm qua diễu lại một vòng. Những kí ức tưởng đã qua rồi đột nhiên trở nên vô cùng sống động, cảm giác chân thực như thể đang diễn ra trước mắt.

Anh ta nắm cổ tay cô, siết chặt. Cảm giác đau nhói truyền tới khiến cô không khỏi nhăn mày.

Trong lòng Ngọc Châu ngập tràn sợ hãi. Cô vùng vẫy muốn thoát thân nhưng mọi nỗ lực dường như vô ích. Sức lực người đó như voi còn sức cô chỉ như con kiến, không cách nào chống cự nổi.

Thế nhưng dù cho là kiến cô cũng phải cố vùng vẫy!

Vùng vẫy thì may ra còn đường sống, nếu buông xuôi thì đến một tia hi vọng cũng chẳng còn. Nghĩ thế cô lại càng cố sống cố chết tìm cách thoát thân.

Hai người giằng co hồi lâu, không biết từ lúc nào đã xô đẩy nhau đến sát cửa ra vào. Bởi không muốn gây sự chú ý nên cô cố kìm nén không la lên. Cô chưa từng nghĩ đến, người đàn ông cùng cô trải qua bao năm tháng, có lúc lại trở nên điên cuồng như vậy.

Là cô phụ lòng anh. Là cô biến anh thành người như bây giờ.

Túng quá làm liều, tình huống tới bước này cô chỉ còn cách dùng hết sức bình sinh đẩy người ra phía sau, trong khi bản thân theo quán tính hướng về phía trước.

Ngã đập đầu vào thành cửa.

Cơn chấn động truyền tới thần kinh rồi lan ra khắp cơ thể làm cô say sẩm mặt mày. Cố gắng loạng choạng đứng dậy, giữ một tia tỉnh táo cuối cùng.

Ngọc Châu rời đi, không một lần ngoảnh lại.

Cô thất thần nhìn nồi canh chua cá linh bông so đũa thơm ngào ngạt đặt chính giữa bàn. Bốc khói nghi ngút. Yến xởi lởi mời cô dùng cơm, đôi đũa nhanh nhẹn gắp miếng cá vào chén Ngọc Châu. Sau đó lại gắp một miếng khác vào chén thằng Hiếu, không quên dặn nó ăn rau nhiều vô.

Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh nhiều, sáng nay đi chợ thấy cá tươi roi rói Yến cầm lòng không đặng mà mua về một mớ. Cá linh nhỏ nhỏ vừa ăn, thịt béo ngậy. Bông so đũa hái ngoài vườn, tươi mơn mởn, bỏ vô canh ăn giòn giòn, vị nhẫn nhẫn.

Thằng Hiếu thừa hưởng ở cha nó không chỉ khuôn mặt mà còn giống y như đúc cả thói quen ăn uống. Nó tự nhận là đàn ông con trai đương nhiên thích ăn thịt, nay ăn cá nó đã không mấy mặn mà rồi, lại còn cố tình bị ép ăn rau thành ra mặt nó chầu quạu y như cái bánh bao chiều.

Nhưng khi liếc sang cô giáo ngồi đối diện, thấy cô mặt lạnh tanh, còn chau mày nữa chứ! Thằng Hiếu liền hốt hoảng đem miếng cá cùng phần cơm nhai vội nhai vàng rồi nuốt xuống.

Hiếu ăn cơm nhanh tới mức người ta tưởng nó nuốt trọng không kịp nhai. Xong xuôi chưa kịp rửa miệng nó đã chạy ra tót ra ngoài cổng, nói với lại.

“Con qua nhà bạn Tường chơi nhe mẹ, chiều tối mới dìa.”

Yến chưa kịp trả lời thì thằng nhỏ đã nhanh như thỏ phóng mất tăm mất tích.

Ngọc Châu lúc này hơi đâu mà để ý thằng Hiếu, cũng không nhìn tới bàn đồ ăn trước mặt. Lòng cô quẩn quanh chuyện tối qua, suy nghĩ như cơn sóng hết đợt này đến đợt khác kéo tới.

“Nãy bà kể chồng bà tới kiếm. Vậy rồi sau này bà có tính theo ổng về không?” Yến vừa gấp miếng rau vừa như vô tình hỏi. Chuyện nhà Ngọc Châu không vui, cô dù sao cũng là người ngoài nên không tiện nói ra nói vào. Bạn cô nếu đã không muốn nói rồi thì dù là ai cũng cạy không ra. Nghe phong phanh hai người cãi nhau, giờ còn đang ly thân.

Từ lúc nghe chuyện tới nay cũng mấy tháng trời rồi, giờ chồng Ngọc Châu tìm tới chắc là muốn làm hòa?

“Tui cũng biết nữa.” Ngọc Châu lắc đầu, tỏ vẻ bất lực.

Yến và Ngọc Châu có nhiều cái trùng hợp. Trong đó bao gồm cả chuyện lấy chồng cùng năm.

Trước khi cưới hai cô còn nói giỡn đã có duyên như vậy sau này con nếu là một cặp trai gái sẽ làm bà mối cho hai đứa. Biết đâu thật sự kết thành thông gia, thành người một nhà. Ai có ngờ đâu giờ con Yến đã học lớp ba rồi mà Ngọc Châu con đầu lòng còn chưa có. Đúng là.

Có võng mà chẳng có đòn

Có chồng mà chẳng có con để bồng

Dù sao con cái là cái duyên, mà cái duyên ấy lại không tìm tới bạn cô. Nghe kể nhà chồng vì chuyện cô không thể sinh con mà lời ra tiếng vào, nói nặng nói nhẹ. Tuy là bóng gió sau lưng nhưng cô nghe mà cảm thấy xót, thấy thương cho bạn mình quá.

“Vợ chồng ở chung lâu ngày dài tháng cãi cọ là chuyện bình thường.” Ngừng lại một chút như thế cân nhắc lựa lời cho phù hợp, sau Yến mới bổ sung.

“Tui cũng không biết khuyên bà cái gì. Đều là người lớn hết rồi. Đã ổng chịu xuống một nước thì bà cân nhắc coi sao. ”

Cùng là phụ nữ nên cô hiểu. Sống đâu thể chỉ biết có bản thân mà còn phải nhìn mặt người đời. Tuân theo sắp đặt của xã hội mà hành xử. Nhỏ đi học, lớn lên có người yêu, lấy chồng, sanh con đẻ cái. Sau lại lo cho chồng con được cơm no áo ấm. Năm qua tháng qua đi, lẩn quẩn đến tuổi xế chiều. Về già hai vợ chồng nương tựa vào nhau sống qua ngày. Thỉnh thoảng con cái đi làm xa quay về thăm nom.

Một đời người giống như vở kịch đã được viết sẵn. Con người chỉ có thể thuận theo. Thuận theo mới dễ sống, mới không bị soi mói, không phải nghĩ nhiều, bớt dằn vặt bản thân. Chỉ có những kẻ cố tình đi nghịch lại mới sứt đầu mẻ trán, kết cục không có gì tốt đẹp.

Đôi khi có những trường hợp xui rủi như bạn cô, vốn ăn ở hiền lành mà không hiểu sao vẫn như con cá mắc cạn, nằm vẫy vùng hồi lâu vẫn không cách nào trở về với làn nước xanh mát.

Yến cảm thấy bản thân còn may, có một mụn con, gia đình nhờ vậy cũng coi như êm ấm. Chí ít cô còn có mặt mũi đứng trước hai họ với ông bà tổ tiên, hoàn thành phận sự người phụ nữ, vì chồng vì con mà sống, cũng coi như xong một đời người.

Ngọc Châu nghe cô nói cũng không đáp lại. Hai người bất giác không biết nên nói gì nữa, không hẹn mà cùng nhìn ra ngoài khoảng sân trước nhà.

Bên ngoài vắng lặng, thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy ngang qua. Đâu đó tiếng chó sủa văng vẳng vọng lại.

Đang là giữa trưa, trời nóng hừng hực, nếu không ngủ trưa thì người ta cũng chui rúc ở trong nhà, nằm dưới bóng râm hay đu đưa trên võng. Chẳng ai dại gì mà đưa đầu ra giữa cái thời tiết khắc nghiệt thế này.

Đang mơ mơ màng màng Yến nghĩ tới vườn sầu riêng sau nhà.

Sầu riêng chính vụ từ tháng ba tới tháng bảy, mà giờ đang vào giữa tháng tám. Sầu vừa mới đứt lứa gần tháng nay. Yến tiếc hùi hụi. Chẳng mấy khi cô bạn quý hóa ghé thăm mà nhà không có gì ngon để đãi.

“Chuyện đâu còn có đó. Tui tin ông trời phù hộ người tốt, sớm tai qua nạn khỏi.” Yến an ủi Ngọc Châu, cô nghĩ mãi cũng không biết nói gì hơn. Chỉ biết động viên mấy câu, dù cô nói chuyện không hay, nhưng kể vài chuyện vui khích lệ bạn mình không phải không thể.

Ngọc Châu khẽ ừ một tiếng, so với lúc sáng hiện tại trông cô có phần yên tĩnh hơn. Lẳng lặng nghe Yến kể chuyện gia đình, chuyện chòm xóm.

Yến kể chuyện đến say sưa, cố tình nhấn nhá, vừa nói vừa cười, Ngọc Châu nghe dù không biết vui chỗ nào nhưng cũng cười theo.

Cô biết Yến cũng chỉ muốn cô vui vẻ hơn mà thôi. Nhưng tâm trạng đâu theo ý người, nói vui là nó vui ngay được. Nhưng ngại bạn lo lắng cho mình, cô đành cùng Yến diễn cho xong một vở này.

Mẹ cô từng nói con cái là của trời cho, là nó chọn thông qua mình để tới nhân gian. Không phải chuyện có thể cưỡng cầu, ép buộc mà thành được.

Nói thì nói cái gì mà không được.

Lấy chồng rồi mới hiểu có nhiều chuyện không thể theo ý mình, dù ngang trái vẫn phải nhẫn nhịn. Vợ chồng cô tuy không sống cùng với ba mẹ chồng, nhưng mỗi lần về thăm cô đều cảm thấy ánh mắt họ nhìn mình đầy ẩn ý.

Ba mẹ chồng có nỗi lo riêng của họ, bởi hai người chỉ có một đứa con trai, tưởng rằng lấy vợ xong sẽ có cháu ẵm bồng. Quái ác thay cô con dâu trăm chọn ngàn chọn, cái gì cũng tốt lại không thể mang thai.

Hi vọng càng lớn thất vọng lại càng nhiều. Thay vì tiếp nhận sự thật, ba mẹ chồng lại muốn cô thử nhiều cách hơn. Họ tin với nền y học ngày nay kiểu nào người ta cũng có cách chữa được.

Trước ánh mắt chứa đầy kỳ vọng cùng áp lực, cô nào có thể nói không.

Nhưng nhiều năm nhiều tháng qua đi, lòng cô rệu rã đến mức chẳng còn thiết tha gì nữa.

Ngọc Châu mệt mỏi, nhưng cô không thể nói ra. Bởi cô không cần thêm những lời khuyên sáo rỗng, không cần ai đó cố tình tỏ ra thương hại, tức giận hay thậm chí tranh đấu vì cô.

Cô muốn gì ư? Chính cô cũng không biết.

Ngọc Châu nhìn Yến, trong lòng nghĩ nếu có thể dễ dàng chấp nhận những gì số mệnh đã an bài như cô ấy, có thể cuộc đời cô đã không lắm rắc rối như hiện tại. Chỉ cần Ngọc Châu chịu cúi đầu, lùi một bước, trời có thể hay không sóng yên biển lặng?

Ngọc Châu lắc đầu, đem ý nghĩ vừa mới chớm kia đẩy ra khỏi đầu.

Kết quả quá rõ ràng. Tới mức không có gì để bàn cãi.

Ngọc Châu tạm biệt Yến, nói có dịp cô sẽ lại ghé chơi. Yến nhìn cô cười cười, nói hứa rồi thì không được cho cô leo cây. Sau đó tiễn bạn ra tận cổng.

Cô nhìn mãi theo bóng lưng đơn bạc đang ngày một xa dần.

Trên đỉnh đầu mây đen kéo đến vây kín bầu trời, gió thổi ù ù trên ngọn cây, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Yến không khỏi thờ dài một tiếng, lại trở vào trong nhà, chuẩn bị cơm nước cử chiều.

Ngọc Châu về đến bãi gửi xe thì mưa mới lắt rắt rớt hột, vừa bước vào phòng thì trời trút nước ầm ầm sau lưng. Mái tôn phía trên đầu vang rền âm thanh nổ lốp bốp như tiếng chảo dầu mỗi khi chiên cá.

Ngọc Châu thầm nghĩ may mà về kịp, mưa lớn vầy mà còn ở ngoài đường dù mặc áo mưa cũng ướt như thường. Sau khi thay sang một bộ đồ mặc nhà thoải mái, cô leo lên giường nằm nghỉ ngơi. Khi Ngọc Châu nhắm mắt lại, không hiểu sao lại nghe thấy giọng nói vui vẻ của Vân Anh sáng nay.

“Khi nào cô cảm thấy mệt thì cứ đi ra ngoài đường, kiếm đồ ăn ngon, ngắm cảnh đẹp hoặc là kiếm bạn chí cốt tán chuyện là thấy đời đẹp lên liền. ”

Ngọc Châu bất giác mỉm cười.

Chuyện tối hôm qua theo nước mưa mà trôi đi hết. Cơn buồn ngủ ập đến như một lẽ tự nhiên. Khẽ khép mí mắt, Ngọc Châu mặc cho tiếng mưa ì đùng ngoài cửa, hơi thở dần trở nên đều đều. Bình yên rơi vào giấc ngủ.

………….

Chú thích của tác giả:

Bốn câu trong lời đề chương này chép lại từ bài thơ Những người bạn của cuộc đời, tác giả Nguyễn Hồi Lữ.