Chương 4: Ghé chơi nhà bạn (2)

Tám giờ sáng, Ngọc Châu chạy xe bon bon trên một con đường đầy nắng, hai bên nhà cửa san sát nối tiếp nhau. Đường xá buổi sáng tuy đông đúc, xe chạy chậm nhưng không tới mức kẹt cứng không nhúc nhích gì được.

Người từ xa đến chơi nghe dân địa phương gọi Cái Mơn đều nghĩ đó là địa danh có tên tuổi hẳn hoi trên bản đồ. Nhưng họ sẽ phải một phen ngạc nhiên bởi khi đến đây rõ ràng có thể tìm thấy chợ Cái Mơn, cầu Cái Mơn, rạch Cái Mơn nhưng không có cái xã, huyện hay tỉnh nào tên Cái Mơn trên bản đồ. Bởi vì Cái Mơn là do người dân gọi riết thành quen, chứ trên bản đồ người ta ghi địa phương này là xã Vĩnh Thành.

Nghe nói ngày xưa vùng này cây cối tươi tốt sum xuê. Mà hễ nơi nào cây sinh trưởng tốt ắt có nhiều loài hoa, mà đã có hoa thì nhất định sẽ có ong bướm. Người Khmer gọi con ong là kh’mân, sau này người Việt đọc trại thành Cái Mơn.

Trường Trương Vĩnh Ký nằm ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Từ đó men theo đường số 57, qua cầu Cái Mơn Nhỏ đi một hồi thì tới xã Long Phước.

Chạy thêm một đoạn trên đường chính sau đó đánh tay lái rẽ vào phụ cận. Tuy nói là đường nhánh tách ra từ trục chính nhưng công tác xây dựng vẫn được đảm bảo. Bề rộng mặt đường gần ba mét, tráng xi măng bằng phẳng. Hai bên đường nhà cửa không cất cao, đa số làm bằng gạch chắc chắn. Càng vào sâu càng thưa thớt dần, cách vài chục mét mới thấy mái nhà ẩn hiện dưới bóng cây.

Buổi sáng trời trong vắt không một gợn mây, mát mẻ dễ chịu. Ánh nắng nhàn nhạt phủ lên tán cây xanh rì hai bên đường, dát vàng dòng kênh bên cạnh, lại rắc lên thảm hoa vàng mọc dại kế hàng rào.

Một con gà mái lông óng ánh thong dong dạo bước, sau lưng nó bầy con ba bốn đứa lông tơ vàng mềm mại chạy theo. Nghe tiếng động, con gà mái hốt hoảng lủi vô dưới bụi bông trang xuề xòa de ra đường, không quên dẫn theo bầy con núp lùm, phóng cặp mắt tò mò lên nhìn chiếc xe máy vừa mới xuất hiện đã vội vã biến mất.

Ngọc Châu dựa theo trí nhớ, vòng vèo một hồi. Cuối cùng cũng dừng lại trước một căn nhà phía trước bao quanh bởi hàng rào hoa trang đỏ. Cổng chào kiểu mái vòm, đầy ắp những chùm hoa giấy màu hồng đậm.

Con chó nằm sưởi nắng trước cửa nhà nghe hơi người lạ thì chạy ra sủa inh ỏi. Ngọc Châu thấy nó hung hăng sủa mà ái ngại trong lòng, nhất thời không biết phải làm sao.

“Mày sủa gì mà sủa dữ vậy Tồ?”

Giọng một người phụ nữ lanh lảnh từ trong nhà vọng ra. Cô đi từ nhà trong ra bậc thềm ngoài, xỏ đôi dép lê vô, vừa thò đầu ra thấy rõ mặt người ngoài cửa liền kinh hô lên. “Khách quý tới nhà!” Đoạn vồn vã mời người kia vào, không quên đuổi con chó đi chỗ khác.

Con chó không cam lòng ngoắc ngoắc đuôi dưới chân người đó lấy lòng. Lát sau lại thấy người ta chẳng ngó ngàng gì tới mình thì bày ra bộ dạng buồn rầu, cúp đuôi xuống lủi vào trong.

Ngọc Châu thấy người phụ nữ đi ra thì mừng ra mặt. Cùng người kia dắt xe đi vào khoảng sân trống trước nhà.

Ngọc Châu đi chuyến này không có tính trước. Nghĩ tới ghé thăm mà đi tay không cũng ngại nên lúc qua ngang chợ cô ghé vào mua ít bánh trái. Vừa dựng chân chống xe xuống cô với lấy cái bọc mũ máng ở hông xe đưa sang. Trong đó có mấy cái bánh bông lan với năm bọc bánh chuối bánh da nước dừa. Người phụ nữ tay đón lấy cái bọc, miệng xoắn xuýt bảo bạn bè với nhau qua chơi mà còn bày đặt quà cáp làm gì cho tốn kém.

“Hai đứa mình đúng không có duyên. Tối qua tui nhắn tin không thấy bà trả lời trả vốn. Sáng nay bà nhắn lại thì tui bận chuyện ở ngoài vườn, đâu có đem điện thoại theo.”

“Nãy vô đọc tin nhắn mới hay. Ngồi hồi cái thấy bà vô tới rồi. Mốt mà muốn vô chơi thì báo với tui trước cỡ một hai ngày, để tui còn biết đường mà lần. Ở trong vườn vậy chớ cũng không có rảnh đâu, công lên chuyện xuống nhiều lắm… ” Người phụ nữ nói một thôi một hồi, không chừa chỗ nào để Ngọc Châu xen vào.

Dù đã một thời gian dài không gặp nhưng Yến hiện tại so với trong trí nhớ của cô vẫn giống y như đúc.

Chân chất, thật thà, nhiệt tình như bản chất của người miền Tây xưa nay.

Ngẫm cuộc đời cô và Yến có nhiều cái trùng hợp, dây mơ rễ má thế nào cuối cùng lại cùng nhau gắn bó với xứ dừa. Năm đó cả hai vừa là hàng xóm vừa là bạn học cùng lớp, nhà cách nhau có mấy căn nên lúc nào cũng như hình với bóng, thân thiết vô cùng.

Sau khi ra trường bởi vì hoàn cảnh mà mỗi người mỗi ngả.

Yến sau khi tốt nghiệp không học lên nữa mà bắt đầu đi làm phụ giúp gia đình. Vài năm sau cô lấy chồng, rồi theo chồng về ở bên Bến Tre. Lúc đó Ngọc Châu vẫn đang công tác ở tỉnh nhà Đồng Tháp. Ngoại trừ thỉnh thoảng gặp nhau dịp lễ tết thì hai cô chẳng mấy khi liên lạc với nhau.

Sau này Ngọc Châu lại chuyển công tác về trường Trương Vĩnh Ký. Mà trường lại chỉ cách nhà Yến tầm ba mươi phút chạy xe máy. Cho nên hai cô mới có cơ hội gặp mặt ôn lại chuyện cũ.

Hai người ngồi trong phòng khách, trò chuyện rôm rả như thể khoảng cách thời gian không hề tồn tại. Đột nhiên Yến nhìn Ngọc Châu từ trên xuống dưới, sau mới phán một câu.

“Tui để ý thấy bà ốm hơn hồi đó nhiều à nhen. Bộ dạo này bà tính giữ eo để mặc áo dài hay gì?”

“Bình thường đã ốm sẵn rồi, còn phấn đấu ốm thêm nữa là nhìn bà y chang mấy cây sậy luôn.”

Yến cười ha hả chọc ghẹo, Ngọc Châu cũng cười cười hùa theo cô bạn. Cô nghĩ có lẽ dạo gần đây một phần là do ăn uống thất thường, một phần là do có cô lo nghĩ quá nhiều chuyện, vì vậy trông ốm hơn lúc trước. Ốm tới nỗi bị cô bạn quở cho.

Hai người nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Thời gian qua mau, chẳng mấy chốc đã hơn mười giờ.

Yến nằng nặc mời Ngọc Châu ở lại ăn cơm. Lâu lắm cả hai mới có dịp gặp lại. Hồi trước mỗi người một nơi ít gặp không nói, bây giờ hai đứa ở chung một cái huyện, tới lui thuận tiện hơn trước nhiều mà cũng đâu thể như hồi thời đi học, muốn gặp là gặp được liền.

Trở thành người lớn là một cảm giác lạ lùng. Bình thường không để ý thì thôi, đến khi ngoảnh lại nhìn mới thấy con người ta so với ngày xưa khác đi nhiều quá. Đến tiếng chào nhau cũng tiếc rẻ, cũng không có thì giờ. Đành mỗi người tự lầm lũi, hướng người người đi hướng mình mình đi. Giả vờ như không quen không biết để khỏi phí hoài thì giờ của nhau.

Nhớ hồi đó đám bạn học đông lắm, lớp tới ba bốn chục đứa, sáp lại một cái là um xùm như cái chợ. Lúc tốt nghiệp còn khóc sướt mướt kêu sau này mỗi năm nhất định phải họp lớp.

Giờ thử hỏi còn liên lạc được với mấy người?

Nghĩ lại mà buồn. Yến tiếc cái thời học trò vô ưu ngày đó, nhưng mà tiếc thì tiếc vậy thôi chứ cũng đành chịu.

Ai mà không lớn, ai mà không già.

Lâu ngày gặp lại bạn cũ cô vui lắm, cảm thấy như thể lần nữa quay lại thời học sinh vậy đó. Kéo bạn ở lại là để cho cái giấc mơ đẹp đẽ dài thêm chút nào hay chút ấy mà thôi.

Yến năn nỉ ỉ ôi một hồi Ngọc Châu cuối cùng vẫn mềm lòng, gật đầu đồng ý.

Dù Yến nói khách tới nhà sao xuống bếp được nhưng Ngọc Châu đâu có chịu. Cuối cùng trước sự ngoan cố của cô bạn Yến đành chịu thua. Cả hai người ở dưới bếp lặt lặt thái thái một hồi cơm nước cũng xong xuôi.

Chồng Yến hôm nay đi đám cưới nhà bà con ông cậu nào đấy, nghe nói nhà trai ở tuốt bên Sóc Trăng lận, đi một chuyến từ sáng tới chiều mới có về. Ba mẹ chồng từ sáng sớm đã đi qua nhà hàng xóm phụ hái trái cây. Theo lệ thường sẽ ăn cơm trưa ở bển luôn, nghỉ ngơi chút rồi chiều làm tiếp. Yến nhận nhiệm vụ giữ nhà, nấu cơm cho con ăn thành ra từ sáng đến trưa chỉ có hai người các cô ở nhà tán dóc.