- 🏠 Home
- Bách Hợp
- Thanh Xuân
- Nếu Gặp Lại Cô Lần Nữa
- Chương 2: Lửng lơ (1)
Nếu Gặp Lại Cô Lần Nữa
Chương 2: Lửng lơ (1)
Trong cõi mơ, người mơ là chân thực duy nhất.
Vậy trong cõi thực có thời khắc nào lại tựa như giấc mơ chăng?
Giữa cuộc đời mơ mơ thực thực, nhiều chuyện cho tới cuối cùng vẫn không cách nào phân rõ trắng đen. Thế nhưng dù trong hoàn cảnh cùng cực nhất, sâu thẳm trong tâm mỗi người, mãi mãi sẽ luôn hướng về phía ánh sáng.
.
.
.
Bến Tre, ngày 2 tháng 6 năm 2021
Ngọc Châu chầm chậm rũ mi, nơi đáy mắt chỉ còn đọng lại một vầng trăng cô quạnh. Người đối diện nói gì, thời khắc này cô sớm đã không nghe rõ, chỉ biết giọng nói ấy càng ngày càng nhỏ dần, mỗi lúc một xa thêm.
Thế rồi mọi âm thanh im bặt.
Ngay đến tiếng hít thở cũng không cách nghe thấy được.
Ở nơi không gian và thời gian không tồn tại, yên lặng trở nên tất cả.
Ngọc Châu cảm thấy người nhẹ bẫng như thể cô chính là không khí. Trôi lềnh bềnh giữa một khoảng không tối tăm. Không rõ không gian lớn nhỏ cao thấp thế nào, không rõ trời hiện tại là sáng hay tối, lại càng không rõ rõ thời gian đã trôi qua bao lâu.
Có ai ở đây không hay chỉ mình cô?
Ngọc Châu không biết. Cũng không cần biết. Bởi vì không có gì quan trọng nữa một khi người ta đã buông xuống tất cả để nên một với lặng thinh.
Một loại cảm giác quen thuộc như thể cô đã từng là điều ấy trước đây. Tuy nhiên Ngọc Châu không thể nhớ chính xác khi ấy là lúc nào và ở đâu. Kí ức cô có chút mơ hồ, như thể bị che lấp bởi tầng tầng lớp lớp sương mù dày đặc.
Không biết đã qua bao lâu cho tới khi xuất hiện một luồng ánh sáng.
Luồng ánh sáng đặc biệt chói mắt, làm bừng lên không gian mới vừa nãy còn tối tăm mờ mịt. Cuối cùng nó nuốt chửng cả người cô. Ngọc Châu không kịp nhìn thấy gì khác ngoại trừ vệt sáng chợt lóe lên kia.
Đến khi mắt cô điều tiết lại đã thấy bản thân đứng giữa một gian phòng.
Gian phòng nhìn qua tuy cũ kỹ nhưng khá sạch sẽ, ngăn nắp. Lớp sơn trên tường xỉn màu, đôi chỗ bong tróc tạo thành những mảng loang lỗ chỗ như áo vá. Chính giữa phòng đặt một chiếc giường đơn, sát vách bày mấy cái ghế cao bằng mũ bạc màu. Đối diện mấy cái ghế là một chiếc bàn. Mặt bàn cao ngang eo, được đóng bằng một loại gỗ có màu nâu sáng, lớp sơn bóng trên bề mặt qua thời gian sử dụng đã phai nhạt đi ít nhiều
Một người phụ nữ trẻ tuổi nằm trên giường, nửa thân dưới phủ một tấm mền mỏng. Trán cô ướt đẫm mồ hôi, hơi thở có phần nặng nhọc. Gương mặt tuy mệt mỏi nhưng trong ánh mắt lấp lánh không thể che giấu đi niềm vui sướиɠ. Cạnh bên cô một người phụ nữ trung niên nét mặt hiền từ. Trong tay bà cẩn trọng ôm một bọc vải.
Ngọc Châu nghe thấy tiếng oa oa phát ra từ trong bọc vải ấy.
Người phụ nữ trẻ tuổi trông có vẻ mệt mỏi, cô dường như định nằm xuống nghỉ ngơi nhưng khi nghe thấy tiếng khóc lại như không đành lòng. Thế là cô rướn người dậy, đoạn dang hai cánh tay về phía người kia.
Người phụ nữ trung niên thấy thế liền hiểu ý. Bà khẽ mỉm cười, bế bọc vải qua.
Người phụ nữ trẻ đón lấy bọc vải một cách đầy trang trọng và kính cẩn như nhận báu vật. Đầu ngón tay thon dài khẽ chạm vào làn da non nớt đỏ hỏn của đứa trẻ. Giây phút đó nét mặt cô trở nên dịu dàng tựa làn nước biển những ngày trời trong xanh. Trong ánh mắt ngàn vạn vì sao lấp lánh cũng không so bằng. Khóe môi cô cong lên vẽ ra một nụ cười trìu mến.
Trong khoảnh khắc, cả thế giới tan chảy chỉ để lại một khối mềm mại, ấm nóng chảy vào l*иg ngực Ngọc Châu. Dường như cô nghe thấy tiếng tim mình từng nhịp lại từng nhịp hòa cùng với hơi thở yếu ớt, mỏng manh kia.
Ngọc Châu nhìn người phụ nữ trẻ vẻ mặt hạnh phúc ôm đứa trẻ trong lòng, hết vỗ về lại ngâm nga hát ru bằng chất giọng trong veo mà cô đã ngỡ không bao giờ có thể nghe lại.
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày, năm canh chày thức đủ năm canh
Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi là con hời
Con hỡi con hời, hỡi con!
Được bao bọc trong vòng tay ấm áp, tiếp xúc da thịt ấm nóng cùng vỗ về bởi lời ru êm ái, ngọt ngào của người mẹ. Kết hợp cùng với chất giọng ngân nga trầm bổng mang âm hưởng dân ca Nam Bộ đặc trưng. Đứa trẻ dường như cảm thấy an tâm hơn, nó thôi không quấy khóc nữa. Khẽ cựa mình một cái, ngoan ngoãn ở trong vòng tay mẹ tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn.
Lòng dâng lên niềm xúc cảm mãnh liệt, Ngọc Châu khẽ cúi xuống, không kiềm nén được mà vòng tay ôm người phụ nữ kia vào lòng. Mong muốn đem hết thảy tình cảm của mình choàng lên như thể choàng một tấm khăn, tận lực đem ấm áp trên thân truyền đến thân người nọ.
“Mẹ …” Ngọc Châu khẽ khàng gọi. Âm thanh từ miệng thoát ra ngoài, lan tràn trong không gian, rồi cứ thế nhẹ nhàng tan biến như bọt biển.
Không có tiếng đáp lại.
Dù cho cô đang đứng trước mặt, dù cho cô đem người ôm vào lòng, mẹ cũng không cách nào nhận ra, càng không cách nào đáp lời cô.
Trong lòng Ngọc Châu hiểu rất rõ.
Thế nhưng kể cả như vậy đi nữa cũng không làm sao ngăn được trái tim trong l*иg ngực run rẩy bởi niềm hạnh phúc ngọt ngào được đoàn tụ cùng người thân..
Bỗng từ xa vọng lại tiếng giày nện trên nền gạch. Ngọc Châu vừa xoay người hướng nơi phát ra thanh âm thì thấy một người chậm rãi đi tới. Bộ dáng người đó bình thản, giống đi tản bộ trước sân nhà mình.
Trái tim Ngọc Châu chững lại nửa nhịp khi khoảng cách giữa cô và người chỉ còn cách độ ba bước chân. Mắt cô mở to, ngước lên nhìn người kia chằm chằm.
Trên gương mặt trái xoan đầy vẻ ngạc nhiên, không thể tin nổi.
Khung cảnh đột ngột thay đổi.
Bảng đen chữ nhật treo trên vách tường cạnh cửa ra vào, phấn đỏ theo tay người viết rơi rớt bụi. Nét chữ lúc thanh lúc đậm, hữu lực nhưng vẫn giữ được vẻ phóng khoáng. Phút chốc từ “Quê hương” theo kiểu chữ in hoa hiện ra chính giữa bảng một cách trang trọng.
Phòng học không lớn. Dưới bục giảng kê chừng hai chục cái bàn loại hai người ngồi, dàn thành hai dãy ngay hàng thẳng lối. Dưới sàn nhà lát gạch tàu họa tiết hình khối cơ bản. Trên trần đơn độc một cái quạt bám đầy bụi bặm. Âm thanh máy móc lâu ngày không được tra đầu, mỗi khi bật lên liền nghe thấy tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt.
Một lớp học bình dân có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Tuy nhiên kỳ lạ là quang cảnh trước mắt chẳng khác nào được tạc ra từ trong ký ức Ngọc Châu, chính xác tới từng chi tiết.
Trên bục giảng người thầy năm xưa đứng đó. Tuổi già không làm mất đi phong thái mà còn tôn thêm dáng vẻ thong dong, trang nhã nơi thầy. Mái tóc hoa râm cắt ngắn, cặp kính gọng tròn dày cộm che nửa khuôn mặt, đuôi mắt nhăn nheo đối lập hoàn toàn với ánh mắt sáng trong như sao trời. Lưng thầy thẳng tắp, giọng nói trầm ấm diễn giải nội dung bài đọc.
“Quê hương là gì?” Thầy bỗng cất giọng hỏi. Rồi cũng chẳng đợi ai trả lời, tự mình đọc mấy câu thơ.
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữa bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu.
“Quê hương là gì?”
“Là nơi mà ông bà tổ tiên, cha mẹ ta sinh ra và lớn lên. Là đất đai màu mỡ dưới chân, là bầu trời rộng lớn ở trên đầu. Là những truyền thống văn hóa vừa giản dị lại vừa thân thuộc gắn liền với đời sống chúng ta mỗi ngày.”
“Có câu ca dao thế này.”
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai
“Các em có thấy không, tình yêu quê hương đất nước có lẽ là tình cảm chân thành, đẹp đẽ và bền lâu nhất trong lòng mỗi người.” Thầy nhẹ nhàng giảng giải, lại như cảm khái lòng mình. Giọng thầy trầm trầm, êm đềm chẳng khác nào dòng sông quê hương trong lời thơ.
Ngọc Châu nghe mà bồi hồi, từng hồi ức như cơn sóng không ngừng vỗ vào bờ, mang những kỉ niệm đã thành dĩ vãng lần nữa dâng trở lại, rõ mồn một như mới ngày hôm qua. Năm Ngọc Châu học cấp hai thầy Kiệt được phân công giảng dạy môn ngữ văn lớp cô. Ngay từ lần đầu tiên cô đã ấn tượng sâu sắc bởi phong cách giải thích thơ văn giản dị lại vô cùng thu hút nơi thầy.
Bởi vì say mê những bài giảng của thầy cô bắt đầu đem lòng yêu thích văn học. Nhiều năm nhiều tháng sau này cũng vì ngưỡng mộ người thầy năm ấy mà cô ấp ủ giấc mơ trở thành giáo viên dạy văn. Có điều sau khi thực sự đạt thành ước mơ rồi lại không có cơ hội nói cho thầy biết. Bởi vì trước khi cô kịp thông báo thầy đã bất ngờ qua đời trong một cơn đột quỵ.
Ngẩn ngơ đứng giữa sân trường hồi lâu mới phát hiện hình bóng người xưa đã không còn nữa. Chớp mắt một cái vậy mà đã gần hai mươi năm. Ngày đó lời thầy giảng thế nào cô vốn đã không còn nhớ rõ nữa. Chỉ biết ấn tượng trong lòng đến giờ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Trong lời giảng của thầy không chỉ có tình cảm đối với văn học, lòng thương mến đối với nghề giáo mà còn là tình yêu sâu đậm đối với quê hương đất nước.
Mười năm theo nghề giáo chính là mười năm nỗ lực không ngừng nghỉ. Có trời mới biết cô đã cố gắng đến nhường nào. Những lúc tưởng như không thể vượt qua được, cô lại thấy loáng thoáng bóng lưng thẳng tắp cùng ánh mắt dịu dàng của người thầy năm ấy.
Ngọc Châu nở nụ cười, trang trọng hướng người trước mặt, nói.
“Thầy có thấy không, giờ em đã trở thành một giáo viên giống như thầy năm đó.” Cô hơi cúi đầu khi nói ra lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng. Lúc ngẩng lên thầy Kiệt đã không còn ở đó nữa.
Trước mắt cô một nhóm gần hai mươi người nhìn chăm chú lên bục phát biểu giữa hội trường. Ngọc Châu nghe bên tai vang lên giọng nói quen thuộc. Lần theo hướng âm thanh phát ra cô thấy một người đàn ông trung niên dáng người tầm thước, áo sơ mi kẻ sọc, quần tây nâu phẳng phiu. Ông mỉm cười phúc hậu giới thiệu với nhóm người phía dưới giáo viên mới về trường thực tập.
Đứng cạnh ông là một cô gái trẻ trung độ hơn hai mươi. Tóc ngắn ngang vai, mặc áo dài màu thiên thanh, gương mặt dù đã tận lực che giấu nhưng trông có vẻ khá bồn chồn. Vừa nghe người đàn ông giới thiệu xong cô luống cuống cúi đầu chào, lí nhí nói trong quá trình công tác mong mọi người giúp đỡ.
Tiếng vỗ tay không ngớt vang vọng khắp phòng. Ngọc Châu nhìn cô gái trẻ kín đáo hít sâu một hơi, từ trên bục bước xuống. Trong giây lát, ánh mắt hai người chạm nhau. Dường như có luồng điện chạy dọc sống lưng, một đợt hồi ức tràn vào tâm trí cô, khơi gợi lại những kỷ niệm vẫn tưởng đã bị vùi lấp dưới lớp bụi thời gian.
Ngày mới chân ướt chân ráo về trường, nắng vàng rực rỡ giăng khắp lối. Hàng phượng vĩ ưỡn tấm thân cao lớn, lặng lẽ nghiêng mình rũ làn tóc xanh, để mặc cho cơn gió qua lại đùa nghịch. Vài ba gốc bàng to bằng hai người ôm, điềm nhiên giang rộng cánh tay như cái ô phủ bóng xuống mát sân trường. Trong bồn bông gần đó, những bông hoa cúc trắng tinh, hoa mười giờ đỏ hồng đã nở tự bao giờ, tươi thắm sắc sỡ tắm mình trong ánh nắng.
Ngọc Châu bước đi giữa khung cảnh quen thuộc nhưng cảm giác lạ lẫm trong lòng không cách nào xua tan. Bảng đen phấn trắng vẫn còn đây nhưng người đã từ lâu không còn lui tới nữa. Bước chân ngày nào cũng nghe thấy giờ chỉ đọng lại một khoảng vắng lặng. Viên phấn vừa chạm đất đã gãy làm đôi, mỗi nửa lăn một hướng.
Đời người có mấy lần mười năm? Thoáng chốc gặp gỡ, lại phải vội vàng rời đi.
Trước mắt cô cảnh sắc cứ thỉnh thoảng lại thay đổi. Từ đồng lúa xanh rì đến chợ búa tấp nập. Từ vườn cây mát rượi xum xuê cành lá đến khu dân cư đông đúc nhộn nhịp người qua kẻ lại.
Cô bước đi trong vô định.
Hồi ức như mây như sóng biến hóa xung quanh. Sau mỗi bước chân người lại nhẹ đi mấy phần. Chẳng biết lúc nào rồi sẽ tan biến đi mất.
Đi đâu? Ngang qua miền kí ức để tìm về một nơi.
Một nơi ngọt ngào tựa lời ru hiền từ của người mẹ. Nên thơ như giọng ngâm của người thầy. Giòn tan như nụ cười thoải mái của đồng bạn. Và trong vắt chẳng khác nào ánh mắt của trẻ thơ.
Một nơi như thế có thực tồn tại hay chỉ có thể tìm thấy trong giấc mơ?
Nếu như không thể đi tới bằng tàu xe thì chắc hẳn chỉ có thể từ trong trái tim của mỗi người mở ra một con đường.
Từng có người nói rằng tồn tại một nơi ngự trên đỉnh vinh quang nhất của mọi vinh quang. Một nơi mà ai ai cũng muốn tìm về dù lòng họ lắm lúc cũng không rõ phương hướng. Giống như những nhà thám hiểm, trước khi bắt đầu hành trình họ tự nhủ với bản thân nhất định sẽ là người đầu tiên khám phá ra điều bí ẩn.
Thế rồi từng người một cứ thế rời đi.
Họ tìm trong bao lâu không ai biết. Chỉ biết những ai tới nơi đó rồi sẽ không bao giờ trở về nữa.
- 🏠 Home
- Bách Hợp
- Thanh Xuân
- Nếu Gặp Lại Cô Lần Nữa
- Chương 2: Lửng lơ (1)