Phút chốc chỉ còn lại một mình Vân Anh trong phòng.
Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, mắt thấy các phòng học liên tiếp nối nhau, giống y như đúc ra từ một khuôn. Trên sân, bức tượng bán thân nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký màu đồng nằm im lìm giữa mấy chậu cây kiểng kiểu dáng lạ mắt, gương mặt ông nghiêm túc, không biết đang ngẫm nghĩ chuyện gì.
Cách đó chừng ba chục bước chân, cột cờ dựng đứng sừng sững, cao đâu đó mười mấy mét. Ngước lên thấy lá quốc kỳ nền đỏ sao vàng treo trên cao đang rủ người, chờ đợi một đợt gió không biết bao giờ mới tới.
Vân Anh lại nằm xuống, mặt hướng vào vách trong, lưng quay ra cửa.
Ký ức mấy tuần trước như đèn kéo quân lần lượt hiện ra.
Thẳng thắn trao đổi, góp ý hay thuyết phục người khác lắng nghe ý kiến của bản thân luôn là chuyện nói dễ hơn làm. Người nói nói là một chuyện, nhưng người nghe hiểu thế nào lại là chuyện khác.
Hơn nữa đâu ai biết thái độ người nghe sẽ như thế nào khi nhận được góp ý. Bởi con người dù ít dù nhiều ai mà không có cái tôi, có lòng tự trọng, chỗ trọng yếu mà tuyệt đối không muốn ai động chạm vào. Không cẩn thận sẽ dễ dẫn tới mất lòng, rồi nảy sinh chán ghét, có thành kiến với đối phương, ngày sau đến nhìn mặt nhau cũng thấy khó khăn.
Ví như chuyện góp ý với cô Hà, Vân Anh cứ ngỡ rằng bản thân đã đủ khéo léo, đủ thận trọng khi góp ý, nhưng đáp lại cô chỉ có gương mặt lạnh lùng cùng ánh mắt sắc như dao của cô giáo.
Dù đã trăm tính ngàn tính, lường trước tình huống, chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đến khi đối mặt rồi mới nhận ra, cô Hà căn bản không hề coi trọng cô, đừng nói chi đến tiếp thu ý kiến cô trình bày.
Vì đã từng trải qua vài năm ở đại học nên đối với lối giảng dạy của cô Hà Vân Anh không cho đây là cố tình “làm khó làm dễ” hay “đày ải” học sinh. Ngược lại cô còn cảm thấy nếu có thể làm quen và vận dụng tốt, các phương pháp này sẽ trở nên vô cùng hữu ích cho các bạn khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Điều Vân Anh cảm thấy chưa hợp lý là cách cô Hà ép học sinh phải ngay lập tức nắm bắt cách học mới ngay. Bản thân Vân Anh cho rằng học cái gì cũng vậy, cần có thời gian để hiểu rõ, sau đó thông qua quá trình luyện tập thường xuyên mới có thể xem là thành thạo.
Miễn cưỡng tiếp thu một lượng lớn kiến thức trong thời gian quá ngắn chỉ phản tác dụng, khiến cho việc học tập càng trở nên khó khăn hơn. Giống như người đang đi xe đạp mà ngay lập tức kêu lên xe máy, trong khi trước đó chưa từng hướng dẫn người đó phải lái xe máy như thế nào.
Sau khi Vân Anh trình bày xong, cô Hà vẫn giữ thái độ trầm mặc, nhất thời cả lớp cũng vì thái độ đó mà không ai dám nói tiếng nào, nín thở hồi hộp chờ phản ứng tiếp theo của cô giáo.
Yên lặng trùm lên không gian lớp học. Dường như có thể nghe thấy tiếng thở khẽ khàng của làn gió, tản ra từ chiếc quạt trần gắn giữa lớp. Vài trang trong quyển sách giáo khoa đang mở lặng lẽ lật qua. Đâu đó có tiếng giảng bài đều đều từ lớp nào vọng tới.
Nắng từ ngoài cửa sổ dội vào, tuy không xuyên qua nổi tấm màn sẫm màu chắn ở giữa nhưng nóng bức vẫn dễ dàng đem người hun lên, khiến cho đám học sinh ngồi trong lớp có mái che mà vẫn cảm thấy nóng rang.
Kim giây đuổi theo kim phút chạy một vòng mới thấy cô Hà từ chỗ ngồi bước xuống. Nhìn khắp lớp một lượt, hỏi.
“Đây là ý kiến chung của tất cả các em?” Giọng cô nhẹ nhàng. Gương mặt ẩn sau lớp kính dày khó mà nhìn ra biểu cảm.
Thoạt nghe như thể cô Hà hỏi ý kiến chung chung thôi nhưng lúc này đám học sinh lại cảm thấy như thể bà hàng xóm lấy cớ sang nhà chơi, vừa ngồi xuống đã nói bóng nói gió, vu oan cho tụi nó nửa đêm lén lút trèo vô vườn bả bẻ trộm ổi.
Không có tiếng trả lời. Hay nói đúng hơn không đứa nào dám trả lời.
Bầu không khí càng yên tĩnh bao nhiêu càng làm đám học sinh ngột ngạt bấy nhiêu. Ai nấy đều cúi gầm mặt xuống, chuyên tâm quan sát mặt bàn phía trước. Trên đó có mấy vết rạn, mấy chỗ xước đều nhìn thấy rõ hết. Nhưng nét mặt cô Hà thế nào thì ngoại trừ người duy nhất đang đứng ra không người nào biết được.
Từ lúc thấy cô Hà im im, rồi đến cái bầu không khí ngưng trọng này Vân Anh đã có dự cảm chẳng lành, mà rất nhanh cái dự cảm ấy đã ứng nghiệm thành sự thật.
“Vậy là ý kiến của cá nhân em?” cô Hà hướng cô, hỏi.
“Dạ… là ý kiến riêng của bản thân em.” Vân Anh ngập ngừng trong giây lát, cuối cùng vẫn gật đầu xác nhận.
Nghe cô chất vấn một cái đã đủ hù cả đám biến thành bộ dạng ngoan ngoãn, hiền lành như cỏ cây bên lề đường. Vân Anh vô cùng bất đắc dĩ, trả lời một câu không thật lòng. Coi như bản thân lỡ chọc trúng tổ ong vò vẽ, không cần thiết phải lôi thêm ai vào làm chi cho khổ thân.
Cô Hà nhíu mày, như thể suy nghĩ gì đó, sau lại nhìn Vân Anh, chậm rãi nói.
“Em nói tôi giảng bài nhanh nhưng bình thường mấy em có chịu học bài, làm bài gì đâu. Suốt ngày toàn thấy ăn chơi la cà ngoài đường ngoài xá.” Giọng cô trầm trầm, kể tội đám học trò.
“Thi không được rồi đổ thừa tôi. Mấy em học hành như vậy chỉ tốn tiền của, công sức cha mẹ các em cực khổ nuôi các em ăn học thôi chứ chẳng làm được trò trống gì! Tôi nói thật. Dạy thì dạy mấy người vậy chứ tôi cũng biết có đứa nào quan tâm tới bài vở gì đâu.”
Nghĩ mà buồn cho các bậc cha mẹ ngày nay. Nuôi con có dễ dàng gì mà mười đứa hết bảy đứa học hành thì không lo, ăn chơi thì ở đâu cũng thấy mặt. Cha mẹ ở nhà làm lụng chắt chiu từng đồng từng cắc mà chúng nó có ngó ngàng gì tới đâu. Suốt ngày ngoài chuyện ăn cũng chỉ có mỗi chuyện học mà làm cũng không xong.
Cơn tức giận dồn nén đã lâu nay như van nước được mở khóa, tuôn ra xối xả.
“Sau này ra đường người ta hỏi ai dạy mấy em đừng có nói tên tôi. Tôi không dám nhận. Vì tôi có dạy được anh chị cái gì đâu. Suốt buổi tôi giảng bài có thấy ai nghe đâu mà biết tôi giảng nhanh giảng chậm? Không nghe giảng rồi lại quay ra nói không hiểu, nói cô dạy nhanh quá em theo không kịp. Sao mấy em không coi lại bản thân mấy em đi rồi hẵng nói người ta?”
Cô Hà nói một hơi, giọng càng nói càng lớn, xả ra bức xúc trong lòng.
Ngừng lại một chút, cô thở ra một hơi, mới tiếp.
“Bài tập tôi cho về cũng không thấy làm, rồi lên lớp than khó giải không được. Mấy em có cố gắng giải đâu mà được. Tôi nói mấy em nghe, mấy bài này chỉ toàn cơ bản thôi. Mà tôi cũng đã giảng qua cách làm rồi. Cũng đâu phải nói một lần. Giảng đi giảng lại muốn mòn giày mòn dép luôn rồi mà tới khi tôi hỏi lại các em ngơ ngác nói không biết.”
Cô Hà hít vào một hơi, cố kìm nén cơn giận dữ đang bốc lên ngùn ngụt. Không nhắc tới thì thôi, nhắc tới rồi bao nhiêu chuyện bực dọc bấy lâu nay kéo tới ầm ầm. Có nói cả ngày cũng không hết chuyện.
“Mấy em thử nhìn coi, nếu là mấy em mấy em có tức hay không?”
Lại nhìn Vân Anh, hỏi.
“Đợt kiểm tra một tiết trước em được mấy điểm?”
“Dạ … 7 điểm.” Dù chưa kịp hiểu ẩn ý trong câu hỏi này, nhưng cô chỉ có thể thành thật đáp.
“Đó, em coi em đi. Thân là lớp trưởng mà học hành vậy coi được hay không. Về nhà ba má hỏi con học hành sao rồi em tính nói thế nào? Bình thường tôi không nói mấy anh chị lại nghĩ tôi hiền, tôi sợ mấy anh chị, rồi muốn làm gì thì làm. Đợi tôi làm dữ lên, la cho mấy câu mới chịu nghe lời đúng không?”
“Còn mấy cái góp ý mà em nói, nếu thực sự hay như vậy sao điểm số của bản thân em lại không thấy có tiến bộ? Từ đầu năm tới giờ chắc cũng loanh quanh con số sáu bảy làm tới. Vậy những gì em nói chỉ là nói suông cho đã miệng vậy thôi chứ đâu có tính thực tiễn gì!”
Cô Hà nói một tràng dài, đầy đủ lý lẽ chỉ ra những lời Vân Anh trình bày nãy giờ chỉ là chuyện hão huyền. Nói thì ai nói mà không được? Người nào làm được nói ra người ta mới tin. Còn cái hạng nói miệng thì thiếu gì? Đây ngoài đường ra kia kìa, có lấy thúng lấy bao đựng cũng chưa hết.
Bởi tồn tại mấy người như vậy mà cái xã hội này loạn. Chẳng biết tin ai, bởi ai cũng nói hay ho văn vẻ, mà có biết đâu trong ruột chẳng có gì. Chỉ toàn dạng thùng rỗng kêu to, khác nào căn nhà vẽ trên giấy, đẹp cách mấy cũng chẳng ở được.
“Nay đã sẵn vầy thì tôi nói luôn. Tôi thấy em từ hồi đầu năm vô học tới giờ hay lo ra, làm bài tập cũng bài làm bài không. Học hành không đàng hoàng như vậy cuối năm coi chừng ở lại lớp như chơi. Đừng tưởng học cấp ba rồi không có chuyện ở lại lớp. Có hết đó.”
Im lặng một lúc, mới tiếp.
“Tôi không phải không cho các em có ý kiến nhưng loại ý kiến sai tè le với thiếu suy nghĩ như thế này thì thôi sau này đừng nói nữa làm gì.”
“Không phải cái gì cũng đem ra phát biểu được, gặp cô còn đỡ chứ thử hỏi mấy giáo viên khác người ta nghĩ thế nào. Em nói vậy nhiều người người ta tự ái, họ nghĩ em chê họ dạy dở. Nếu em nghĩ mình hay mình giỏi rồi còn cần học hành gì nữa. Em mà giỏi vậy thì đâu phải ngày nào cũng tới trưởng để học đúng không? ”
Nói tới nói lui cô Hà cuối cùng vẫn thông cảm cho học sinh, cô hiểu thanh thiếu niên mới lớn nên suy nghĩ chưa được chín chắn, đôi khi phát biểu mà không suy nghĩ cũng có thể hiểu và thông cảm được. Chứ học sinh mà dám “sửa” giáo viên như cô, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì ghi sổ đầu bài, báo phụ huynh như chơi.
“Bây giờ mấy em không hiểu, giận cô nói thẳng nhưng sau này mấy em ngẫm lại sẽ thấy quý những lời cô nói hôm nay.”
Cô Hà lắc đầu, nghĩ trứng mà đòi khôn hơn vịt, mới có nhúm tuổi đầu, chưa biết được bao nhiêu đã học đòi ra vẻ, tỏ thái độ ta đây. Sau này ra đời bị đời vùi dập rồi mới biết thì ra bản thân chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc, là con kiến ở dưới chân. Lúc đó mới bắt đầu hối hận thì đã quá muộn rồi.
Sự thật thường mất lòng, đã vậy thì cứ mít lòng trước, đặng lòng sau. Thà bây giờ ngồi trên ghế nhà trường để cô khuyên răn còn hơn ra đời ngông cuồng, thiếu hiểu biết, để người ta lường gạt, phải trả giá đắt.
Năm tháng của cuộc đời đâu có cách nào lấy lại được, một khi trôi là trôi tuồn tuột qua luôn. Hối hận hay tiếc nuối chỉ là làm chuyện tốn thời gian. Mà thời gian thì đâu có chờ ai bao giờ. Nhiều người tới khi nhắm mắt xuôi tay rồi mà vẫn còn chưa sáng mắt ra. Cứ tưởng có tiền có của, có chức quyền, cầm bằng cấp cao mà nghĩ bản thân hơn người, nhìn đời bằng nửa con mắt, không coi ai ra gì.
Tiền của trong tay những kẻ đó thì họ cũng chỉ biết đem đi làm đủ thứ chuyện tào lào. Không thì mang đi thỏa mãn bản thân trong thú vui chơi bời, hút chích, cờ bạc, mại da^ʍ chứ có làm được gì tốt đẹp cho xã hội đâu.
“Tôi nói các em nghe, chuyện học là chuyện cả đời người. Không phải chỉ học ở trường mà xong đâu.” Giọng cô Hà đầy cảm khái. Sau đó quay sang Vân Anh.
“Còn em.”
“Từ bữa nay trở đi học môn tôi em đứng học cho nhớ. ”
“Mấy em còn lại cô cũng nhắc chung luôn, học hành cho đàng hoàng, sắp thi tới nơi rồi. Giờ mở tập mở sách ra học bài mới.”
Từ chuyện lần đó tới nay đã được hai tuần rồi, Vân Anh cũng không muốn nói tới nói lui. Người đã không muốn nghe mà còn ráng khuyên can khác nào đem nước đổ lá môn, chỉ tổ khiến bản thân trong mắt họ trở nên phiền toái hơn mà thôi.
Dù không nói gì nữa nhưng hai tuần nay cô vẫn kiên trì chờ đợi, tìm thời cơ thích hợp.
Từ thái độ lần trước của cô Hà, Vân Anh kết luận cô Hà không phải không thể khuyên được, chỉ là cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn mà thôi.
Chiều hôm nay Vân Anh vẫn như mọi khi thẳng lưng, đứng như cột cờ nghe giảng. Tuy không biết mấy lần trước cô Hà nhìn chỗ nào thấy cô lo ra thế nhưng lần này cô lo ra thật.
Cũng vì bụng cô từ sáng đến giờ cứ chốc chốc lại đau âm ỉ. Ngày dâu rụng có những người chỉ đau hơi hơi, không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường nhật. Lại có những người như cô mấy ngày này mệt mỏi vô cùng. Tay chân bủn rủn, yếu nhớt như cọng bún thiu, làm gì cũng không nổi, toàn muốn nằm dài ra mà thôi. Tuy vẫn học được nhưng đứng suốt bốn mươi lăm phút coi bộ không khả thi lắm.
Từ đầu tiết tới giờ mới đứng chưa được mười phút cô đã cảm thấy đầu váng mắt hoa, chân không có lực, chỉ còn cách miễn cưỡng chống tay xuống mặt bàn trụ lại. Cảm thấy tình thế không ổn mới đành bấm bụng giơ tay xin phép cho ngồi một bữa với lý do mệt trong người.
Ai dè cô Hà không những không cho ngồi mà còn nghi ngờ cô giả bệnh, kiếm cớ trốn phạt, bắt cô ra ngoài hành lang đứng. Nắng hai giờ chiều so với nắng mười hai giờ trưa chỉ có hơn chứ không kém, cô đứng không biết được bao lâu, tới khi cảm thấy cơ thể ngày càng nóng, hầm hập khó chịu vô cùng. Chân mất cảm giác, đầu óc mơ mơ màng màng.
Sau đó chuyện gì xảy ra Vân Anh cũng không biết. Lúc mở mắt đã thấy bản thân nằm trong phòng y tế rồi.
Giữ lâu một tư thế Vân Anh cảm thấy vai hơi mỏi, vì thế cô xoay người, nằm ngửa ra, mắt nhìn lên trần nhà trắng bóc trên đầu, tai nghe loáng thoáng phòng kế bên có tiếng nói. Vân Anh đem toàn bộ sự tập trung đặt lên nội dung cuộc trò chuyện kia.
Một lúc sau cô từ từ ngồi dậy, lấy điện thoại từ trong chiếc cặp xách đặt bên chân giường, mở danh bạ thực hiện một cuộc gọi. Sau khi cúp máy, cô lững thừng từng bước đi qua phòng kế bên, không đợi ai mời mà cứ thản nhiên bước vào phòng, cũng không thèm để ý tới ba người ngồi trong đó đồng loạt đổ dồn ánh mắt về phía cô, mặt lộ vẻ ngạc nhiên.
Vân Anh hướng Ngọc Châu, hỏi.
“Ba mẹ em bận không tới rước được, cô chở em về nhà được không cô?”
Ngọc Châu nhìn Vân Anh sắc mặt nhợt nhạt, đứng muốn không vững, chỉ có thể đáp ứng. Cô quay sang hai người còn lại, lễ phép nói.
“Vậy em xin phép đi trước, anh với chị cứ tiếp tục nói chuyện tiếp đi, có gì ngày mai nói lại với em là được.”
Thầy Tuấn nghe thế gật đầu, từ chỗ ngồi đứng dậy.
“Thôi em tranh thủ đưa bạn về nghỉ ngơi sớm đi, sức khỏe quan trọng hơn. Chuyện bữa nay tạm thời dừng lại ở đây. Ngày sau nói tiếp.”
Đi ngang qua Vân Anh thầy cố tình đi chậm lại, quan sát cô một chút, lại nói.
“Trăm phần trăm thiếu máu rồi, về nhà nhớ ăn uống bồi bổ vô mới mau khỏe lại được.” Thầy Tuấn mỉm cười, vỗ vai Vân Anh một cái động viên cô.
Trước khi rời khỏi, Vân Anh kín đáo quan sát sắc mặt cô Hà một chút, sau đó mới đuổi theo bước chân cô Châu đi ra ngoài.
Đứng ở cổng trường, Vân Anh ngẩng đầu nhìn áng mây trôi trên không trung, trong lòng không biết nghĩ gì. Vừa nãy nghe loáng thoáng có tiếng cự cãi nhau, Vân Anh cũng không quản nhiều, kiếm cớ cắt ngang cuộc họp giữa các thầy cô.
Giờ thành ra cô Châu đưa cô về nhà, đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, né rắc rối này lại gặp phiền phức khác.
Trước khi Vân Anh bước vào phòng họp đã gọi điện về cho mẹ cô, nói hôm nay bản thân không khỏe, cô chủ nhiệm đúng lúc rảnh nên giúp đưa về nhà. Lại dặn mẹ thuyết phục cô giáo ở lại dùng cơm chiều với gia đình mình.
Bà Lý, mẹ Vân Anh nghe vậy đầu tiên lo lắng, hỏi han tình trạng sức khỏe cô, sau nghe nói không có việc gì mới tạm yên tâm. Bà nói mẹ vừa nấu cơm xong, đợi cô giáo chở con về tới là có cơm ăn liền, khỏi chờ đợi.
Lúc Ngọc Châu chạy xe ra tới cổng trường, nhìn thấy một bóng lưng đơn độc đứng đó.
Cổng trường rộng mở sau lưng em, nhìn ra mặt đường. Bên ngoài xe cộ, người qua kẻ lại không ngớt. Đâu đó văng vẳng tiếng trẻ con cười giòn tan. Trên cành bàng bên kia đường đậu mấy chú chim se sẻ rộn rã, nhảy tới nhảy lui, líu ríu lít rít không ngớt.
Nắng đem thân em cùng cảnh vật nhuộm trong sắc vàng rực rỡ. Mặt trời buổi hoàng hôn gần nhân gian hơn bao giờ hết, to lớn, sáng chói, nửa ẩn nửa hiện trong mây. Ngọc Châu đột nhiên có cảm giác chỉ cần cô rời mắt đi một giây, giây kế tiếp người trước mặt sẽ tan biến trong ánh dương, hóa thành tia sáng bay lên trời cao.
Như thể phát hiện ra Ngọc Châu đã tới, Vân Anh quay đầu, đuôi mắt em cong cong, mỉm cười nhìn cô. Không phải lần đầu tiên cô thấy em cười, chỉ là nụ cười ấy chưa bao giờ đẹp đến thế. Trong khoảnh khắc dường như có làn gió mát lành thổi qua, đem cảm giác mệt mỏi, rã rời vì phiền muộn trong trái tim Ngọc Châu xua đi hết.