Chương 8: Quan tâm (2)

Đọng trên mặt bàn học bằng gỗ nâu, vô số giọt nắng vàng tỏa sáng lấp lánh. Vài chú chim tò mò sà xuống từ nhành cây, nhảy lò cò ngoài hành lang vắng, ngẩng đầu ngó lên dãy cửa sổ trước phòng học.

Những ô cửa sổ vuông nằm lặng yên, viền khung sơn xanh, mặt kính trong suốt, khẽ nghiêng mình hứng bóng mây bay. Trong lớp, rèm cửa mỏng màu lục e ấp nép mình trong góc, thỉnh thoảng lại vì cơn gió tinh nghịch luồn qua mà tung nhẹ váy lên không.

Hết tiết năm Giang đúng giờ ra về. Mười phút sau khi Ngọc Châu bước vào gian phòng của lớp 10A7, chỉ còn mình Vân Anh ngồi đợi. Khuỷu tay cô chống lên mặt bàn, lòng bàn tay áp má, làm điểm tựa cho đầu, ánh mắt đặt ngoài cửa sổ.

Sau cuộc trò chuyện với Giang, đầu óc Vân Anh không còn ở trong lớp, đã sớm du ngoạn tới phương trời xa xôi nào đó.

Từ hôm tình cờ nghe được cuộc đối thoại của giữa vợ chồng cô Châu, Vân Anh hết nghĩ trái lại nghĩ phải, cứ cảm thấy chồng cô nhìn quen quen, như thể đã từng gặp ở đâu rồi. Sáng hôm sau lúc gà còn chưa gáy Vân Anh đã dậy, lăn lộn một hồi ngủ lại không được dành vác bộ mặt nửa tỉnh nửa mê xuống phòng khách kiếm nước uống.

Khi bước vào phòng mới phát hiện thì ra có người còn thức sớm hơn cô. Ông Duy, ba Vân Anh như mọi hôm dậy rất sớm, lúc này đang chăm chú theo dõi chương trình thời sự trên tivi. Tuy bình thường Vân Anh không mấy mặn mà với các chương trình thời sự nhưng lúc đó cô cũng không có chuyện gì làm, liền ngồi xuống coi chung với ba.

Sáng đài truyền hình Bến Tre chiếu lại chương trình Chuyển động xứ dừa tối hôm trước.

Trên màn hình xuất hiện cảnh một khu dân cư lụp xụp, nhà cửa xây cất tạm bợ bằng mấy tấm tôn cũ kỹ. Sau đó chuyển sang cảnh một nhóm đàn ông ăn mặc lịch sự, áo sơ mi quần tây nghiêm chỉnh chụm lại cùng xem một tấm bản đồ cỡ đại. Họ vừa bàn luận với nhau vừa chỉ tay trên bản đồ rồi lại hướng mắt sang khu dân cư trước mặt.

Ngoài hình ảnh chiếu trên màn hình còn có nội dung thuyết minh kèm theo nhưng một phần do người đọc đọc khá nhanh, một phần do Vân Anh mới sáng sớm còn chưa tỉnh ngủ nên nghe câu được câu không. Cũng không biết hôm đó bản tin nói vấn đề gì. Cô chỉ nhớ duy nhất một cảnh, đó là đoạn phỏng vấn giữa phóng viên với nhà đầu tư.

Nhìn người đàn ông vẻ ngoài thành đạt giỏi giang đang nghiêm túc trả lời các câu hỏi của phóng viên, Vân Anh mới vỡ lẽ ra, hèn chi thấy mặt chồng cô Châu quen như vậy.

Lê Văn Hoàng.

Hiện nắm giữ chức vụ giám đốc công ty bất động sản Khải Hoàng. Là một trong những công ty kinh doanh bất động sản khá có danh tiếng ở tỉnh Bến Tre. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ mua bán, chuyển nhượng và làm các giấy tờ thủ tục pháp lý liên quan tới nhà đất.

Trước kia tên tuổi không được mấy ai biết tới. Đối tượng khách hàng nhỏ lẻ, chủ yếu là nông dân, tiểu thương hoặc các hộ gia đình. Tuy nhiên vài năm gần đây tình hình làm ăn của công ty phất lên như diều gặp gió, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đều đến tay.

“Lớp trưởng.” Ngọc Châu gọi. Nhưng người nọ lại như thể không nghe thấy, mắt nhìn xa xăm không biết đang nghĩ gì. Cô kiên nhẫn gọi thêm lần nữa, giọng lớn hơn trước.

Vân Anh giật mình, ngước lên, vừa hay bắt gặp ánh mắt trong veo, lóng lánh nước, phản chiếu bóng hình cô trong đó.

“Nhớ anh nào mà tôi gọi nãy giờ không hay không biết luôn ta?” Ngọc Châu cười, thấy bộ dạng ngơ ngác của Vân Anh đột nhiên nổi hứng chọc ghẹo.

Vân Anh cười gượng, không biết nên đáp lại thế nào. Không lẽ nói nãy giờ đang nghĩ tới chồng cô? Nói ra sợ cô hết hồn. Vì thế cô nửa thật nửa giả đáp.

“Dạ đang nhớ tới một anh, vừa cao ráo, vừa đẹp trai, nhà còn giàu nữa.”

Ngọc Châu khẽ lắc đầu, giơ tay ra búng vành tai Vân Anh một cái, tuy nhẹ hều nhưng dường như lại làm em bất ngờ, quay qua nhìn cô, mặt đầy vẻ khó hiểu. Ngọc Châu cười, thản nhiên như không.

“Lo học đi cô nương, yêu sớm khổ lắm. ”

Vân Anh lựa chọn không đáp, từ chối cho ý kiến chuyện “yêu sớm” của bản thân. Cô lấy trong hộc bàn ra quyển sổ cùng với cây bút, im lặng chờ cô Châu bắt đầu.

Ngọc Châu đặt túi xách lên mặt bàn, ngồi xuống chỗ mà Giang mới vừa ngồi ban nãy, mặt đối mặt Vân Anh.

Ở khoảng cách gần, Ngọc Châu lần đầu tiên có cơ hội tỷ mỷ quan sát cô gái trẻ tuổi trước mặt. Mái tóc đen nhánh buộc đuôi ngựa gọn gàng, áo dài trắng điểm họa tiết hoa nhỏ tiệp màu, quần ống rộng đen tuyền, lấp ló dưới chân đôi bata trắng đã chuyển sang màu ngà qua thời gian sử dụng. Nét mặt bình lặng, không biểu lộ cảm xúc.

Trong đôi mắt em phảng phất cảm giác khó có thể miêu tả rõ, sâu tựa màn đêm, nửa điểm cũng không giống nét non nớt hồn nhiên của một thiếu nữ tuổi mười sáu.

Từ bề ngoài cho đến cách nói chuyện tuy mộc mạc nhưng dường như ẩn chứa nét tinh tế, dịu dàng trong đó. Nhất thời Ngọc Châu không nói rõ ấn tượng này từ đâu mà có. Cô mơ hồ cảm thấy ở Vân Anh có gì đó là lạ. Nhưng loại nghi ngờ này chỉ mỏng như sương, trong giây lát đã mờ nhạt rồi tan đi nhanh như khi đến.

“Nãy em kêu Giang về trước rồi vì bạn có người nhà đợi rước, không ở lại lâu được.”

“Chuyện mấy bạn phản ánh cô Hà em nghe Giang nói rồi. Không biết cô có ý kiến gì không?”

Thấy cô Châu từ lúc ngồi xuống vẫn chưa nói gì, Vân Anh không hối thúc cô, chờ một lúc mới chậm rãi mở lời.

Ngọc Châu khẽ lắc đầu, bất đắc dĩ nói.

“Cô suy nghĩ vụ này mấy ngày nay, hôm qua mới hỏi cô Đào, nghe cổ nói trước giờ cô Hà đã dạy vậy rồi, ai học được thì học, không học được thì thôi.”

Không phải Ngọc Châu không nghĩ cách giúp các em mà chính cô cũng lực bất tòng tâm. Từ thái độ của cô Đào có thể nhìn ra, cô Hà không phải kiểu người dễ thay đổi suy nghĩ.

Càng nghĩ Ngọc Châu càng phiền lòng, cảm thấy tình huống lần này thật nan giải. Đây không phải chuyện mà mình cô quyết định được. Nếu cô Hà ngay cả đồng nghiệp lâu năm góp ý còn không muốn nghe, thì một giáo viên mới về trường không chút quen biết như cô cho dù đứng ra góp ý vài câu cũng không giúp ích gì mấy.

Vân Anh gật đầu, nói tiếp.

“Như vậy tạm thời cứ để em nói chuyện với cô Hà thử xem. Tuy chưa chắc cô chịu nghe nhưng vẫn đỡ hơn không làm gì.”

Cô cầm cây bút bi bên cạnh lên, từng dòng chữ nắn nót viết bằng mực xanh xuất hiện trên giấy. Vân Anh nhanh chóng tóm tắt lại các trọng điểm bản thân sẽ dùng để thuyết phục cô Hà. Sau đó đưa qua cho cô Châu xem, hỏi xem cô cảm thấy cần bổ sung hay góp ý thêm gì nữa không.

Trước thái độ bình thản của Vân Anh, Ngọc Châu có chút ngạc nhiên. Tuy cho rằng khả năng Vân Anh có thể thay đổi chủ kiến của cô Hà rất thấp, nhưng như em nói, thà cố gắng nghĩ cách rồi làm vẫn đỡ hơn không làm gì hết. Vì thế cô mau chóng ổn định tâm tình, nghiêm túc cùng Vân Anh thảo luận, điều chỉnh, bổ sung nội dung trên giấy.

Mấy chục phút trôi qua, cả hai coi như đã cơ bản thống nhất các điểm chính.

Vân Anh đem tập vở, giấy bút cất vào cặp. Khi cô cầm quyển sách đọc dở lúc sáng chuẩn bị bỏ vào thì nghe cô Châu hỏi.

“Quyển sách em đang cầm có phải quyển mấy bữa trước em mượn ở thư viện không?”

Vân Anh miệng đáp dạ đúng rồi, tay đưa sách qua. Ngọc Châu đón lấy, nhìn kỹ thấy đúng là quyển cô đưa em mượn tuần trước.

Bìa sách đơn giản. Phía góc trên để hình một chùm hoa vàng rũ cánh. Nổi bần bật trên nền xanh nước biển. Góc dưới bên trái đề tựa Nắng trong vườn, phông chữ chỗ thon cao, chỗ tròn bầu, giống như cây leo rủ lá trên giàn, tên tác giả Thạch Lam nằm gọn gàng trên đầu tựa sách.

“Giờ đổi bìa rồi nhìn lạ.”

“Hồi còn đi học cô thích truyện Hai đứa trẻ lắm. Mà lúc đó không có điều kiện mua cả tập truyện về đọc. Sau này lên Sài Gòn học, lúc đi họp nhóm ở thư viện mới vô tình thấy rồi mượn về.” Ngọc Châu hoài niệm, nhớ lại chuyện trước đây.

“Hồi đó đọc truyện cô cảm thấy ấn tượng nhất điều gì?” Vân Anh đột nhiên hỏi.

Ngọc Châu suy nghĩ một hồi, đọc đã lâu rồi nên cô cũng không nhớ quá rõ cốt truyện.

“Cả câu chuyện được viết rất hay, giàu cảm xúc. Nhưng nếu nói là ấn tượng nhất chắc là cách tác giả thông qua nhân vật Liên để bày tỏ cảm xúc trong lòng mình.”

Trong bài thơ Trẻ con, Bác Hồ viết.

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng.

Học hành, giáo dục đã không,

Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.

Vậy mới nói vận mệnh đâu có chừa một ai, trẻ con trong thời chiến loạn cũng phải tự mình bươn chải, kiếm đường mà sống. Như cô bé Liên trong truyện mới có mười mấy tuổi đầu đã phải cùng đứa em bươn chải ở chợ. Mà cái chợ đó trong lời văn miêu tả nghe sao mà nghèo nàn, tiêu điều xơ xác quá. Cuộc sống người ở đó cơ cực, khốn khó vô cùng. Tuy biết bế tắc nhưng người ta cứ quay quắt mãi không tìm ra lối thoát.

Lại nghĩ tới thời nay ăn sung mặc sướиɠ, đứa trẻ nào cũng được đi học, có ước mơ có tương lai chờ đón. So với thế hệ đi trước phải nói điều kiện sống đã được cải thiện nhiều.

Tuy đâu đó cũng còn nhiều bất cập trong xã hội nhưng thời đại nào mà không có vấn đề của riêng nó. Người sống ở thời nào thì lo chuyện thời đó. Lấy chuyện trước mắt làm trọng, thấy điểm nào chưa tốt chưa hay thì dần dần sửa chữa, cải thiện. Đường tuy dài nhưng đi hoài cũng tới nơi. Núi tuy cao nhưng leo mãi thế nào cũng đυ.ng đỉnh.

Nhiều khi gặp khó chưa kịp cố gắng đã vội quẳng tay chèo rồi thì cho dù là cái sông nhỏ cũng không cách nào bơi qua được. Mà nếu đã không thể tiến tới phía trước tức là đã tự đẩy lui mình về phía sau rồi.

Ngọc Châu nói tiếp.

“Cái hay của truyện là lúc đọc vào có cảm giác như đang có mặt trong cái xóm huyện nghèo lúc chiều tà, khi trời tối đồng hành cùng hai chị em dọn hàng ra bán.”

Vân Anh gật đầu đồng tình. Công nhận truyện nào Thạch Lam viết cũng hay, nội dung tuy đơn giản đến mức dường như không có chuyện gì để kể. Thế mà thông qua cách viết dùng nội tâm của chính nhân vật để miêu tả, cuộc sống đời thường như hiện ra trước mắt cô, vừa gần gũi lại vừa chân thực.

“Dù truyện ngắn thôi nhưng các nhân vật được miêu tả sống động, mỗi người mỗi nét riêng.” Vân Anh bổ sung thêm.

Ngọc Châu khẽ ừ một tiếng. Cô tiếp tục phân tích.

“Không biết em có chú ý không nhưng không chỉ con người mà ngay cả khung cảnh cái xóm huyện nghèo cũng được tác giả khắc họa rất chi tiết.”

“Chẳng hạn như tác giả đã dùng góc nhìn của cô bé Liên để nói lên cảm giác mệt mỏi chán chường của cuộc sống người dân thời đó, quanh quẩn tới lui mãi có bao nhiêu chuyện.”

Hai đứa trẻ được viết trong bối cảnh làng quê ở miền Bắc vào những năm 1945. Khi đó có hai sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống người dân là cuộc cách mạng tháng Tám và chiến tranh Đông Dương chống Pháp.

Trong thời chiến được mấy ai sống bình yên vui vẻ? Ra đường nhìn đâu đâu cũng thấy cảnh lam lũ nghèo khó. Người ăn không đủ no, kẻ áo không đủ mặc, nhiều mảnh đời bất hạnh, đời sống cực khổ lầm than.

Người thời bây giờ đọc truyện nhưng dù sao cũng không tận mắt chứng kiến, không thật sự sống trong cái thời như thế nên họ nhìn không ra, không thấu cái khổ khi xưa cũng là điều dễ hiểu. Có khác gì thời nay, tuy cảnh khổ cảnh nghèo vẫn còn đó nhưng khuất mặt khuất mày rồi cũng coi như không thấy.

Hơn nữa cái nghèo bây giờ cũng đâu có giống như hồi xưa. Cái nghèo đói ăn, khát nước không nhà không cửa sao nhiều bằng những người nghèo tình, nghèo nghĩa, nghèo thời gian, nghèo sức khỏe.

Nhìn quanh quất một hồi mới thấy lắm người nghèo mà lại lầm tưởng mình có của ăn của để. Mãi lo chìm đắm trong thú vui nhân gian mà đâu có hay trong túi có khi một đồng cũng không dính lại được. Của tiền trôi theo cái lỗ thủng oái ăm rơi ra ngoài hồi nào không hay. Tới khi phát hiện ra vội vàng vòng lại đường cũ lần mò hồi lâu nhưng không cách nào tìm lại được. Lúc đó có đứng giữa đường ngẩn ngơ tiếc nuối thì đã trễ rồi.

Nhắc với văn thơ, Ngọc Châu như người bắt được vàng, nói mãi không thấy điểm kết thúc.

Vân Anh nghe cô Châu huyên thuyên một hồi, cười cười hỏi.

“Cô phân tích hay ghê. Sao nghe y chang cô giáo dạy văn lớp em giảng bài vậy?”

Ngọc Châu bật cười. Nói hôm nay gan lớn hén, dám chọc cô giáo luôn.

Vân Anh lắc đầu, giơ hai tay lên đầu hàng, nói.

“Không dám, thôi giờ cô tha cho em đi, chiều em còn hai tiết văn nữa. Để dành tới đó rồi cô muốn giảng tới tối tới khuya em cũng ráng ngồi nghe cô giảng nữa.” Vân Anh ỷ cô Châu hiền nên thật sự không sợ chết, tiếp tục giỡn dai.

Giữa hai cô trò sớm đã không nhìn đâu ra khoảng cách. Không biết từ lúc nào cuộc trò chuyện đã trở nên sôi nổi, nếu có ai vô tình đi ngang qua sẽ nghe loáng thoáng thấy tiếng cười vui vẻ vọng ra từ gian phòng học cuối hành lang.

Dù ban đầu mỗi người đều ôm nỗi lo riêng của mình nhưng đến giờ khắc này cả Vân Anh và Ngọc Châu đều tạm thời gạt nỗi lo lắng của bản thân sang bên, chuyên tâm dành thời gian cho người còn lại.

Hai người cứ thế càng nói càng đi xa, liên miên không dứt.

Dù sao trong những cuộc đối thoại, nhất là những cuộc đối thoại dài hơi đâu bao giờ người ta nói chỉ một lời. Đang kể chuyện này lại nhảy sang chuyện nọ cũng là lẽ thường tình. Mỗi người tham gia cảm thấy chỗ nào thích hợp thì đưa ý kiến mình vào, nối tiếp đoạn chuyện dang dở phía trước, thành ra một chuỗi câu chuyện kéo dài không có hồi kết.

Cánh đàn ông mỗi lần nghe tới đàn bà con gái tán chuyện đều làm ra vẻ mặt kinh hãi. Không biết họ nói cái gì mà ba bốn tiếng đồng hồ vẫn chưa hết chuyện. Lại càm ràm mấy bà mấy cô mà tụ lại một cái là y chang cái chợ chồm hổm, họp từ sáng sớm tới tối mịt vẫn chưa thấy vãng.

Miệng thì nói vậy chứ họ quên mất lúc nhậu nhẹt với bạn bè, lối xóm họ nói cũng đâu có kém chi ai!

Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Vân Anh ấn tượng nhất hình ảnh đoàn tàu. Giữa cái chán chê mệt nhoài cùng bế tắc của người dân nơi đây, hình ảnh đoàn tàu đi về Hà Nội chẳng khác nào ánh đuốc đẹp đẽ, diễm lệ.

Tuy chỉ lướt qua trong chốc lát nhưng lại sáng chói như niềm hi vọng về tương lai tốt đẹp, cho người ta cái gì đó để vịn vào, tiếp tục kiên cường sống tiếp.

Nhớ có một đoạn gần cuối truyện viết thế này.

“Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.”

Tuy yêu thích câu chuyện nhưng Vân Anh phải thừa nhận so với những người từng sống trong thời đại đó, những thứ cô thấy được qua lời văn chẳng khác gì vài ba mảnh ghép vụn vặt. Có thể miễn cưỡng chấp vá lại để hình dung nhưng nếu để thật sự hiểu đến mức thấu đáo, toàn vẹn lại khó lòng.

Bối cảnh truyện xây dựng dựa trên hồi ức của chính tác giả về một miền Bắc xa xưa. Và cũng xa lạ với những người trẻ tuổi như Vân Anh.

Thời cô sinh ra hòa bình lập lại đã nhiều năm. Không bị đe dọa bởi bom đạn, tiếng máy bay ầm ì trên đầu mỗi ngày, không có cảnh mỗi đêm giật mình thức dậy chạy xuống boongke tránh bom như lời mẹ cô kể. Cũng không thấy đoàn xe tăng nối đuôi nhau ngoài đường, lính đi tuần tra, người chết vì đạn lạc như trong lời ba cô.

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, những hình ảnh ấy đã sớm lặng lẽ lùi về quá khứ, trở thành những câu chuyện cũ kỹ trong lời kể của mấy ông già bên ấm trà.

Nhắc về quá khứ để biết đã từng có một thời như thế, nhưng con người vẫn luôn sống trong hiện tại và nhìn về tương lai. Chỉ có như vậy cuộc sống mới đúng nghĩa là cuộc sống của mình, tuy không biết có tốt đẹp hơn hay không nhưng vẫn hơn suốt ngày chìm đắm trong bóng ma vàng son của quá khứ, tuy oai phong lẫm liệt cỡ nào cũng không thể đổi lấy một tấc gấm son cho đời.

Nhắc tới miền Bắc Vân Anh không nghĩ tới các công trình mang tính biểu tượng như Hồ Gươm, phố cổ hay Văn Miếu mà lại nghĩ tới mấy bông hoa đào trước tiên.

Hoa đào hồng hồng, cánh hoa nho nhỏ, chen lấn nhau, mọc thành từng chùm. Quan trọng hơn hết là trong Nam không có loại hoa này bởi hoa chỉ hợp với khí trời lạnh, đem vào miền Nam cho dù miễn cưỡng sống được cũng chỉ ra lá mà thôi.

Tầm này ngoài miền Bắc trời se se lạnh, hoa rục rịch chuẩn bị nở. Vài tháng tới trời rét căm căm. Mùa xuân tới cũng là mùa hoa rộ. Khi đó không chỉ hoa đào mà còn trăm vạn loài hoa khác cùng thi nhau khoe sắc.

Mới nghĩ thôi lòng cô đã ngập tràn chờ mong.

“Vài tháng nữa là tới tết rồi, tới đó ngoài miền Bắc hoa đào nở đẹp lắm.” Vân Anh bâng quơ nói, ánh mắt đặt ngoài cửa sổ. Ngọc Châu gật đầu, tiếp lời.

“Trong miền Nam mình thì có hoa mai, tết tới đi đâu cũng thấy nở vàng rực.”

Nhắc tới tết Ngọc Châu cảm thấy có chút mong chờ. Tuy còn khoảng ba tháng hơn nhưng thời gian trôi qua nhanh lắm, quay qua quay lại chưa kịp làm gì tết đã tới kế bên lúc nào không hay.

Bên ngoài phòng học, mặt trời đã nằm yên trên đỉnh đầu được một lúc, mây lưa thưa chỗ này chỗ kia không hứng hết ánh nắng. Để cho hằng hà sa số những sợi vàng mảnh như tơ thả rơi mình xuống mặt đất. Vương trên mái tóc, làn da, quần áo người đi đường, áo lên đó chất màu óng ánh sắc cầu vồng.

Sau này tuy không còn ai nhớ rõ nội dung cuộc trò chuyện hôm đó thế nào. Nhưng cả Vân Anh và Ngọc Châu đều đồng ý rằng trong một khoảnh khắc dường như họ đã quên mất thời gian, quên mất bản thân mình. Thứ duy nhất tồn tại là niềm vui giản đơn của sự sẻ chia, được nghe và lắng nghe một cách chân thành.

Lúc Ngọc Châu kiểm tra đồng hồ đeo tay mới nhận ra đã sắp hết giờ nghỉ trưa. Buổi chiều cô còn có tiết dạy, cần tranh thủ quay về phòng lấy giáo án và tài liệu cần thiết. Vân Anh cũng có tiết học nên cô định xuống căn tin ăn trưa, xong lại quay trở lên lớp.

Ngọc Châu đem túi xách đeo lên vai, khi chân vừa bước qua ngưỡng cửa, dường như chợt nhớ ra điều gì, cô quay đầu, dặn dò người phía sau.

“Nếu em gặp khó khăn thì nói cho cô biết nhé. Cô không hứa chuyện gì cũng giúp được, nhưng sẽ lắng nghe em.”

Khi cô giáo nói những lời đó, ánh mắt đầy vẻ trìu mến và dịu dàng. Khiến cho Vân Anh như nhìn thấy ảo giác, hồi ức đã ngủ yên dưới lớp bụi thời gian đột nhiên trở nên vô cùng sống động trước mắt.

Im lặng vài giây, cô khẽ nói.

“Cô sẽ nghiêm túc nghe em nói, cho dù nó có khó tin tới đâu đúng không?”

Vân Anh không dám chắc, nhưng cô muốn đánh cược một lần, nói sự thật cho cô giáo biết.

Ngọc Châu nhìn Vân Anh, vừa mở miệng định trả lời thì tiếng chuông điện thoại trong túi xách vang lên. Cô tiếp nhận cuộc gọi. Đầu dây bên kia giọng nói trầm trầm của ba cô truyền sang, ông tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi đến hỏi thăm tình hình con gái gần đây. Sau lại còn dặn dò Ngọc Châu cố gắng làm việc, chú ý sức khỏe, có việc gì thì gọi về báo cho gia đình biết.

Khi Ngọc Châu trả lời cùng hỏi thăm ba cô xong xuôi quay lại đã không thấy bóng dáng Vân Anh đâu. Cô cũng không mấy để tâm, lại đem điện thoại cất vào, xuống cầu thang, rời đi.

………….

Chú thích của tác giả:

- Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Ông nổi tiếng với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc nhưng không kém phần lãng mạn. Bài thơ Thoi tơ in trong tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940.

- Thạch Lam (1910 – 1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân, quê ở Hà Nội. Lúc nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại, phố huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương. Các tác phẩm của ông đa phần là truyện ngắn, kể về cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm cùng cảm xúc của các nhân vật. Nắng trong vườn xuất bản 1938, gồm 12 truyện ngắn.

- Hồ Chí Minh (1890 – 1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quan điểm sáng tác của Bác Hồ xem văn chương là hoạt động cách mạng và công cụ hỗ trợ chiến đấu. Bài thơ Trẻ thơ đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 106, 21/9/1941.