Chương 7: Nhớ lại chuyện xưa (2)

Năm giờ rưỡi chiều, trong căn phòng cuối dãy khu nhà tập thể dành cho giáo viên, có ba người đang trò chuyện.

Vạn ngồi xếp bằng trên nệm, cô mặc đồ bộ bằng vải cotton thoáng mát, trên áo có in họa tiết chú thỏ và củ cà rốt vô cùng dễ thương. Lúc này Vạn đang nắm lấy cánh tay người phụ nữ ngồi bên cạnh, ra sức lắc tới lắc lui, miệng năn nỉ.

“Đi đi chị, đi ăn với mọi người cho vui. Hông có chị em ăn không thấy ngon đâu.”

Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong phòng, nhìn hai cô cười cười. Góp lời.

“Em đi với bé Vạn đi cho vui. Hôm nay cuối tuần, đi ra ngoài một chút xả trét chứ tối ngày ru rú trong phòng hoài buồn chết.” Ngừng một chút, anh bổ sung thêm.

“Toàn là mấy anh chị em đồng nghiệp không hà, đâu có gì đâu mà em ngại.”

Ngọc Châu hết nhìn thầy Toàn rồi lại nhìn Vạn. Trong lòng thầm thở dài một hơi.

“Để em đi tắm rồi thay đồ.”

Cuối cùng Ngọc Châu đành nhượng bộ, đứng dậy chuẩn bị.

Nghe Ngọc Châu nói vậy Vạn cảm thấy bản thân như vừa đạt được một thành tựu to lớn, liền cao hứng giơ hai tay lên trời hoan hô một tiếng.

Vạn tự hào cũng phải thôi. Còn có thành công nào lớn hơn việc rù quến được bà chị quanh năm suốt tháng chỉ biết cắm đầu làm việc đi ra ngoài chơi?

Trong khi chờ đợi, Vạn kể cho thầy Toàn nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới ruộng. Giọng cười cô lanh lảnh như tiếng chuông, gương mặt tươi vui tựa hoa hướng dương đón mặt trời.

Đối với mấy câu chuyện linh tinh của Vạn, thầy Toàn lại lắng nghe vô cùng nghiêm túc. Thỉnh thoảng anh gật đầu, ứng lời cô. Nụ cười trên môi càng sâu thêm, anh cảm thấy giáo viên trẻ thời nay vui tươi hồn nhiên quá. Chắc là do mấy người các anh đều đã già hết rồi, không còn sung sức hăng say như lớp trẻ nữa.

Hai mươi phút sau, cả nhóm đã ngồi yên ổn trong quán, gọi một phần lẩu bò thập cẩm với mấy món ăn chơi, uống bia trong khi chờ đợi nước lẩu sôi.

Ngoài Ngọc Châu, Vạn cùng thầy Toàn ra, ba người còn lại là thầy Khoa dạy vật lý, thầy Vũ dạy thể dục và cô Đào dạy hóa. Ngoài trừ cô Đào và thầy Vũ ra, bốn người còn lại đều ở trọ trong khu nhà tập thể dành cho giáo viên.

Cả nhóm vừa ngồi xuống đã bắt đầu hỏi han nhau, vừa ăn uống vừa vui vẻ kể chuyện, bầu không khí thoải mái thân thiện dễ lây lan. Trong phút chốc khoảng cách giữa họ như được thu hẹp lại, không chỉ là đồng nghiệp mà còn là bạn bè tụ họp với nhau.

Quán lẩu ngày cuối tuần đã đông khách hơn ngày thứ, lại cộng thêm giờ cao điểm càng thêm phần náo nhiệt. Quán tuy đơn sơ, bàn ghế để lề đường nhưng được cái đồ ăn ngon, nhân viên nhiệt tình, giá cả lại phải chăng nên cực kỳ hút khách.

Tầm chiều tối, khách đã bắt đầu tới lai rai, phục vụ chạy hết bàn này tới bàn khác, bưng ra những đĩa thức ăn ngon lành chiêu đãi thực khách.

Vạn gắp một miếng ba chỉ bò bỏ miệng nhai, thịt vừa dai vừa giòn thấm kĩ vị ngọt của nước dùng, lại ăn thêm một miếng khoai môn bột bột chấm ít sa tế, cô không khỏi mở miệng tấm tắc khen chủ quán nấu khéo.

Nghe cô khen ngợi thầy Toàn đặt ly bia xuống, giới thiệu.

“Quán quen của tụi anh đó, cuối tuần nào anh cùng với ông Vũ, ông Khoa không ra đây lai rai mấy lon.”

“Bữa nào hai chị em rảnh thì cứ nói, tụi anh dắt đi ăn chỗ này chỗ kia cho biết với người ta.”

Vạn gật gật đầu, cô mới về trường không lâu, bình thường toàn ở phòng tự nấu ăn hoặc đi ăn mấy quán gần chợ thôi chứ đâu có dịp ăn mấy món cần đông đông người kiểu này. Mà công nhận quán coi bình dân vậy chứ nấu ngon hết nấc, nêm nếm vừa miệng, Vạn ăn hoài ăn mãi mà không thấy ngán.

Dù đồ ăn nấu ngon cỡ nào thì Ngọc Châu cũng không gấp được mấy đũa, cô vừa lấy cái mui vớt mấy cọng rau cùng cà rốt từ trong nồi lẩu ra vừa chuyện trò với cô Đào ngồi cạnh bên.

“Này là chị khuyên em thôi, nghe hay không nghe tùy em.”

Nói xong Đào cầm ly trà đá lên nhấp một ngụm.

“Em mới về trường nên không biết. Cách dạy của chị Hà đó giờ vậy rồi, mấy đứa học sinh theo kịp, theo không kịp gì đó chỉ không cần biết. Đứa nào muốn học cổ thì phải tự bơi, tự mày mò, tự học lấy. Chứ chị Hà không thích dạy kiểu ở trên ghi ở dưới chép đâu. Bài là phải tự làm, phát hiện đứa nào chép bài bạn, gian đối một cái là chị chửi sáng nhà sáng cửa.”

Cô Đào thở dài, kể lại.

“Hồi trước cũng có học sinh phản ánh, thầy Tuấn từng góp ý, mà chỉ đâu có chịu nghe ai. Tính chỉ nóng lắm, nhiều khi nói chuyện với chỉ chị còn sợ, nói chi tới mấy đứa nhỏ.”

Ngọc Châu nhìn vẻ mặt cam chịu của cô Đào, hỏi.

“Nhưng như vậy rồi chuyện học hành của mấy đứa biết tính sao? Học sinh đi học mà không hiểu bài, không làm bài tập được, sau này biết đường đâu mà thi cử?”

“Thì đứa nào chịu cách dạy của chỉ thì học cực kỳ giỏi, đứa nào không chịu được thì rớt lại phía sau.” Cô Đào nhún vai, đáp lời Ngọc Châu.

“Nói em nghe chứ đội tuyển học sinh giỏi hóa của trường mình do chị Hà ra đề tuyển rồi rèn không đó. Mà mấy đứa đó giỏi cực kỳ, năm nào cũng có đứa đạt giải.”

Sau đó cô Đào không tiếp tục chủ đề này nữa, cùng các đồng nghiệp khác vừa ăn lẩu vừa cười nói, bỏ mấy chuyện công tác trường lớp nhức đầu phía sau lưng.

Ngọc Châu nhìn những người đàn ông mặt mày đỏ gay, hẳn là đã nốc tới ly bia thứ năm thứ sáu gì rồi, nói với nhau bằng cái chất giọng lè nhè không rõ âm tiết. Họ quàng tay bá vai nhau, kể lại chuyện xưa tích cũ không biết từ hồi đời nào, thỉnh thoảng lại thở ra dăm ba câu than trách mà bình thường luôn phải kiềm nén ở trong lòng.

Có lẽ người ta thích uống say bởi vì khi say có làm ra chuyện gì cũng không có ai chấp nhất. Sáng hôm sau tỉnh lại chỉ cần cười một tiếng, bảo tại hôm qua say quá, có gì không phải xin bỏ qua cho.

Say xỉn không biết từ lúc nào trở thành lối tránh thoát cho những kẻ không dám đối diện với cuộc sống, những kẻ tìm vui trong cái cuộc đời bạc bẽo, những kẻ khi đêm về lòng cô đơn mà không biết tỏ cùng ai. Chỉ còn biết mượn rượu giải sầu, cho quên hết sự đời cùng cảm giác bức bách ẩn sâu trong đó.

Đèn sáng trưng đến chói mắt, người người ồn ả ngược xuôi, nhốn nháo như cái chợ.

Ngọc Châu không thường đến những quán ăn đông đúc, nhất là quán nhậu bởi cô không thích bầu không khí nơi đây. Đồ ăn ngon hay không cô không biết. Trước mắt nhìn thấy những lon bia lộn xộn, ngổn ngang dưới đất, chén dĩa quăng lung tung trên bàn, người tới người đi như con thoi là cô đã thấy mệt rồi, còn đâu tâm trạng để ăn với uống.

Khi chất cồn thấm vào, người đã lơ mơ nửa tỉnh nửa mê nhưng vẫn kiên quyết bản thân còn uống được, còn tỉnh táo lắm, lại cầm ly bia đầy ắp, sủi bọt trắng xóa lên. Hò dô một tiếng thật lớn, thật có lực, như cái khí chất mạnh mẽ của người đàn ông xưa nay.

Nốc ừng ực chất lỏng màu vàng óng, hương men nồng hòa cùng nước đá lạnh đổ đầy dạ dày, bốc lên tận óc, khiến tinh thần như được lên dây cót, cực kỳ sáng khoái.

Đôi khi Hoàng trở về nhà trong tình trạng say bê bết, vừa về tới nhà đã lăn kềnh ra ghế sô pha, miệng liên tục kêu nhức đầu. Những lúc đó Ngọc Châu luôn đảm nhận vai trò ở bên chăm sóc anh. Cho đến khi Hoàng yên ổn rơi vào giấc ngủ, cô mới cảm thấy yên tâm.

Những ngày sau khi cô không ở bên anh nữa, anh đã làm thế nào để vượt qua?

Ngọc Châu nhận ra, cô vẫn còn quan tâm Hoàng nhiều lắm. Thỉnh thoảng sẽ ngẫu nhiên nghĩ tới anh, đoán xem anh lúc đó đang làm gì, lo anh có phải vì công việc mà bỏ bê chuyện cơm nước hay không, lại lo anh đi nhậu với đối tác về bị nhức đầu không có ai kề cận trông nom.

Thế nhưng hơn ai hết Ngọc Châu hiểu rằng, sự quan tâm của cô dành cho anh không có nghĩa là hôn nhân giữa các cô có thể hàn gắn lại được.

Cái tát của Hoàng mấy ngày trước đã triệt để đem tia hi vọng cuối cùng dập tắt. Nghĩa vợ chồng nhiều năm vẫn còn đó, nhưng tình đã sớm héo tàn từ lâu.

Tám giờ tối, Vạn và Ngọc Châu sánh bước bên nhau trên dãy hành lang dẫn về phòng. Ngọc Châu không uống bia nhưng Vạn có uống hai lon, lúc này đã ngà ngà say.

Cô cười tít mắt, dựa vào vai Ngọc Châu, tay níu lấy cánh tay cô, líu lo nói cười.

Ngọc Châu sợ Vạn đứng không vững, cố tình đi chậm lại. Một bên để cô dựa vào người mình, một tay vòng ra sau lưng đỡ lấy eo.

Về tới phòng Vạn nằm dài trên nệm như con cá ướp muối, miệng kêu nhức đầu, nhờ Ngọc Châu lấy cho viên thuốc. Nhìn cảnh tượng quen thuộc này, Ngọc Châu không khỏi thở dài, nhưng vẫn tìm thuốc đưa cô.

Nửa săn sóc nửa dỗ dành một hồi thì Vạn mới chịu đi ngủ. Ngọc Châu nhìn đồng hồ, thấy vẫn còn tầm hơn nửa tiếng nửa mới tới mười giờ, bèn lấy bài tập viết của học sinh ra chấm điểm, viết lời phê.

Nhiều đêm trước đây, cô làm việc tới tận khuya, tự hỏi khi nào thì Hoàng sẽ về nhà.

Công việc của anh bận rộn cỡ nào cô cũng biết, nhưng đôi khi cô lại cảm thấy anh cố tình mượn công việc để tránh né cô. Kể từ khi biết cô không thể mang thai, số ngày anh ở nhà vốn đã ít lại càng ít hơn.

Ngọc Châu không hiểu, hỏi anh lại không nói, chỉ tức giận nói cô rảnh rỗi rồi nghĩ nhiều.

Là cô nghĩ nhiều, nhưng vì sao những đêm đợi, ngày chờ ngày một dài thêm? Trong căn nhà rộng lớn dường như chỉ có hai người dưng đang sống với nhau.

Nhà cao cửa rộng, quần áo đẹp, của ngon vật lạ để làm gì khi một chút tình cảm cũng không nghe thấy được, dù cho đã cố gắng giữ im lặng tới nhường nào. Ngoài tiếng đêm dài thở than ra còn có tiếng nào khác nữa đâu. Thật là.

Mong người chẳng thấy người đâu

Nửa vui chưa trọn, nửa sầu đầy vơi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi?

Đường trần ai vẽ ngược xuôi khó cầu…

Ngọc Châu khẽ thở dài, đêm không ngủ nhớ lại chuyện xưa. Tới giờ cô vẫn không rõ anh là ai, người đã dịu dàng nồng ấm nắm lấy tay cô hay kẻ đã lạnh lùng siết chặt bàn tay ấy đến mức đau điếng?

Đêm nay trăng tuy sáng nhưng mây đen che trời. Ánh sáng không cách gì chiếu xuống nhân gian, dù hiện diện ở đó nhưng không ai nhìn thấy được. Trông xa ngóng gần chỉ thấy một màu tối tăm, tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau.

Bất chợt một tia sáng rạch ngang trời, âm thanh trầm đυ.c vang lên ngay sau đó. Gió thốc từng cơn đem mấy cái lá dừa lật ngược lên, cây cỏ run rẩy trước uy lực cường đại, ngả nghiêng theo từng đợt gió tới.

Dường như có một cơn bão sắp tới gần.