Chương 7: Nhớ lại chuyện xưa (1)

Quá khứ chẳng khác nào viên thuốc độc bọc đường.

Bên ngoài ngọt ngào bên trong đắng chát.

Người mới liếʍ qua lớp ngoài thì cho rằng vớ được món ăn ngon. Họ không ngừng ôm chặt lấy lớp vỏ mang tên “thời vàng son”, cảm thấy hồi đó chuyện gì cũng tốt đẹp. Rồi nhìn lại cuộc sống hiện tại mà than vãn, tiếc nuối.

Chỉ có những ai ngậm lâu trong miệng rồi mới vỡ lẽ ra, bên trong lớp vỏ ngọt ngào ấy chỉ toàn là đắng chát. Quá khứ giống như bóng ma, thời thời khắc khắc bám lấy tâm trí người không buông. Càng giữ lâu trong lòng chừng nào lại càng cảm thấy mệt mỏi chừng ấy.

Kể cả hiện tại có tốt đẹp đến mấy, có hạnh phúc nhường nào. Một lúc nào đó, trong một buổi hoàng hôn hay giữa đêm khuya thanh vắng. Người lại không cách nào cưỡng lại cơn thèm thuồng, muốn nếm hương vị ngọt xen lẫn đắng kia thêm lần nữa.

Dẫu biết là không nên, nhưng như kẻ trầm mê trong cơn nghiện, dường như quá khứ luôn ẩn hiện, ngấm ngầm ở khắp mọi nơi, từng chút một ăn mòn tâm tư, day dẳng như loài kí sinh sống nương nhờ nơi vật chủ.

Người ta từng biết, quá khứ ta từng khắc cốt ghi tâm khác gì mây khói, lúc tỏ lúc mờ ở nơi bóng tối cùng ánh sáng khiêu vũ, giữa một nền trời có vầng trăng đơn độc cùng những vì sao nhấp nháy bao quanh.

Kể cả khi đã ở gần sát bên người, dường như tay chỉ có thể bắt lấy một khoảng trống không. Lòng lại tự hỏi, liệu người có từng tồn tại hay tất cả chỉ là ảo ảnh do ta tưởng tượng ra mà thôi?

.

.

.

Bến Tre, ngày 11 tháng 11 năm 2020

Tiếng chuông báo hiệu hết tiết vừa vang lên cũng là lúc Vạn đứng dậy, rời khỏi lớp, như thể cô chỉ chờ có thế. Trở về khu nhà tập thể, Vạn vừa bước qua ngạch cửa liền nhìn thấy một người ngồi trên nệm, chăm chú gấp quần áo, chất thành một chồng gọn gàng.

“Lát mình đi ăn hủ tiếu hải sản chỗ bà Ba Chỉ nha chị, mấy nay tự nhiên em thèm món đó ghê.”

Vạn vừa nói vừa bỏ túi xách trên bàn, xong cô lăn lên giường, mặc kệ bộ áo dài vải phi bóng màu hồng cánh sen trên người có bị nhăn hay không.

Ngọc Châu không nhìn Vạn, chỉ nhẹ nhàng gật đầu.

“Ừm, đợi chị xếp đồ xong rồi mình đi. Em thay đồ sẵn đi.”

Vạn dạ một tiếng, xong vẫn nằm chình ình không nhúc nhích. Sáng đứng dạy có mấy tiết mà về tới phòng một cái là rêm mình rêm mẩy hết trơn.

Ai nói nghề giáo viên nhàn? Cô thấy không nhàn chút nào hết! Cực muốn chết mà lương không có bao nhiêu. Được cái so với mấy nghề bấp bênh lên xuống theo biến động kinh tế thị trường thì tính ra làm giáo viên vẫn ổn định hơn.

Vạn không phải người ôm chí hướng lớn lao gì, cô chỉ mong cuộc sống của bản thân sau này mỗi ngày đều yên ả, bình lặng như bao người bình thường khác. Dành dụm được chút ít tiền, có một tấm chồng tốt, mua miếng đất vừa vừa, cất căn nhà để sau này có chỗ cho con cái ở.

Nhắc tới chồng Vạn lại nhớ tới anh người yêu ở xa lắc xa lơ, tuốt trên Sài Gòn. Giờ này chắc hắn đang nghỉ trưa rồi, nghĩ thế cô bò ra khỏi nệm, lấy điện thoại cất trong túi xách ra gửi cho hắn cái tin.

Yêu xa nó vậy đó, nhiều khi nhớ người kia muốn chết mà chỉ có thể nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại, nghe giọng nhau qua cái loa rè rè, lắm lúc chập chờn, mất kết nối do sóng yếu.

Vạn không thể tưởng tượng vào thời mà điện thoại còn chưa phổ biến thì những người yêu xa đã phải trải qua những khó khăn gì chỉ để biết tin tức về nhau.

Nhưng hiện tại những khó khăn đó không quan trọng đối với cô, yêu đương đâu có làm cô no bụng được, muốn no thì phải ăn vào mới có sức yêu đương chứ!

Mười hai giờ mười phút, Ngọc Châu và Vạn ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn bốn chỗ. Trên bàn bày một dĩa rau sống đủ loại, một cái mâm lớn cỡ vòng tay người ôm. Bên trên gồm hộp đựng muỗng đũa, chén nhỏ để nước chấm và mấy cái hũ gia vị đựng ớt, chanh, sa tế, nước mắm.

Bà Ba Chỉ vừa đặt hai cái tô bốc khói nghi ngút xuống bàn vừa cười xởi lởi, hỏi thăm.

“Hai cô giáo chiều nay có tiết dạy không?”

Vạn gật đầu tỏ ý cám ơn bà, tay cầm lấy đôi đũa để sẵn trên bàn, nhanh miệng đáp.

“Buổi chiều con có hai tiết lúc ba giờ.”

Bà Ba Chỉ cười hiền, nói.

“Vậy hai cô ăn nhiều vô để chiều còn có sức dạy tiếp. Nay cô Ba khuyến mãi cho mỗi cô giáo thêm con tôm luộc đó.” Sau đó bà quay sang đối với Ngọc Châu.

“Nhất là cô giáo này nhen, thấy con ốm hơn bữa hổm rồi đó.”

Ngọc Châu nghe xong cười cười, không đáp. Vạn ngồi một bên lại cực lực gật đầu hùa theo bà Ba Chỉ, kêu chị thấy chưa, đâu phải có mình em thấy chị ốm mà chị cãi, ra đường gặp ai người ta cũng quở hết.

Vạn cùng bà Ba Chỉ nói được thêm mấy câu khi khách bàn bên kêu tính tiền. Bà Ba Chỉ hô nghe rồi xong quay qua nói với Vạn và Ngọc Châu.

“Vậy thôi hai cô giáo ăn ngon miệng nhen.” Nói xong bà nhanh nhẹn chạy qua bàn kế bên tươi cười phục vụ khách.

Quán bà Ba Chỉ nằm gần chợ Cái Mơn, dọn hàng bán từ sáng cho khi hết khách mới thôi, tuy giá hơi nhỉnh hơn mấy chỗ khác nhưng được sạch sẽ. Hủ tiếu hải sản ở đây là món ruột của Vạn, lần nào thèm cô cũng chạy ra đây ăn.

Vạn đem muỗng nhúng ngập, múc nước lèo lên húp. Vị ngọt thanh ập đến ngay lập tức kí©h thí©ɧ vị giác, khiến cô không thể chờ được, ngay sau đó phải gắp ngay một đũa bánh hủ tiếu kèm với khoanh mực bỏ vào miệng.

Cô không thích ăn rau sống lắm nên không cho vào. Cứ thế hết đũa này tới đũa khác đem tô hủ tiếu đầy ắp trước mặt xử lý sạch sẽ.

Trái ngược với bộ dáng ăn ngon miệng của Vạn, Ngọc Châu nhìn tô hủ tiếu trước mặt một hồi mà không muốn động muỗng đũa. Lúc ở phòng cô cảm thấy đói thật nhưng ra tới đây ngồi nhìn đồ ăn xong bụng tự nhiên no luôn rồi.

Thế nhưng đồ ăn tới trước mặt rồi không lẽ ngồi nhìn mãi. Nghĩ đi nghĩ lại đành bấm bụng, bắt chước Vạn múc một muỗng canh ăn vào.

Tô hủ tiếu miền Tây màu sắc bắt mắt, rau giá đầy ú ụ, trong làn nước trong khe, những sợi hủ tiếu dài thòn cuộn tròn lại nhìn như vỏ sò. Mấy con tôm mực cùng ít thịt bằm trên bề mặt không những tạo nên sự bắt mắt mà còn làm cho món ăn trở nên ngon hơn. Bên cạnh món chính, sẽ là một thiếu sót khi thưởng thức mà không có chén nước mắm sa tế cùng lát chanh tươi đặt cạnh bên.

Ngọc Châu gấp một đũa sợi hủ tiếu lên, cẩn thận thổi mấy hơi cho bớt nóng rồi mới cho vào miệng. Vị ngọt của nước dùng hầm từ xương, nêm vừa tới lan toả ra, cảm giác âm ấm chảy vào cuống họng. Sợi hủ tiếu làm từ bột gạo trăng trắng, dai dai, ăn kèm với con tôm luộc hồng hồng đã được nhúng vào chén nước mắm sa tế.

Thịt tôm vừa mới chạm đầu lưỡi, vị cay nồng đã ngay lập tức xông lên hai cánh mũi. Cảm giác mềm mịn theo phía sau, tan ra trong miệng.

Để trung hòa vị, giảm độ cay, Ngọc Châu lại ăn thêm một ít rau giá. Rau sống cùng giá trụng giòn giòn, ngọt ngọt. Quyện cùng các nguyên liệu khác tạo nên mùi vị đặc trưng của món hủ tiếu hải sản.

Giữa trưa buồn ngủ mà ăn một tô hủ tiếu vào thấy người tỉnh táo hẳn ra. Dù thời tiết nóng bức, ăn đồ nóng vào toát mồ hôi nhưng cảm giác ngon miệng không hề vì thế mà giảm đi phần nào.

Sau khi trả tiền xong, Ngọc Châu chở Vạn về trường, sau đó lại vòng trở ra đường lớn, đi tới cửa hàng mua ít đồ dùng.

Gần một giờ trưa, trời ui ui không nắng không mưa. Cô chạy trên con đường uốn lượn men theo bờ sông. Đi ngang qua công viên, Ngọc Châu lơ đãng nhìn quang cảnh vắng lặng, không một bóng người.

Cô cho xe tấp vào lề, bước lên từng bậc thang được lát bởi các khối gạch chắc chắn, thong thả dạo xung quanh một vòng.

Dù hiện tại trời không quá nắng nhưng cũng chẳng đủ sức rù quến ai ra đây giờ này. Chiều tối thì khác, trời mát mẻ, gió hiu hiu từ sông thổi vào, nắng dìu dịu mới là thời điểm lý tưởng để người dân khu vực lân cận tụ tập. Ai dù bận rộn cách mấy cũng ráng tranh thủ ra đây hít chút khí trời trong lành.

Bởi vậy buổi chiều ngoài công viên lúc nào cũng đông vui, mỗi người mỗi việc. Mấy ông mấy bà rỗi rãi vừa đi bộ tập thể dục vừa tán chuyện, thanh niên trai tráng người thì chạy bộ hùng hục, người thì chơi bóng chuyền, đá cầu. Các em trẻ nhỏ tốp thì cười giỡn, tốp chơi bóng đá, đuổi bắt, ồn ả một góc sông.

Ngọc Châu tìm thấy một cái ghế đá cũ kỹ, được đặt dưới gốc bàng to lớn, tán rộng nằm giữa lòng công viên, cạnh bên đài phun nước im lìm.

Cô ngồi xuống, lắng nghe thanh âm của những hồi ức thì thầm bên tai.

Hồi đó mới gặp nhau, cô với Hoàng cũng như bao nhiêu thanh niên mới biết yêu lần đầu, dù cho đã ngồi kế bên nhau mà cứ rụt rè, không dám nói chuyện.

Vào một ngày nắng nhàn nhạt, anh lái chiếc xe máy đèo cô phía sau, men theo con đường uốn khúc quanh co, mãi miết tiến về phía trước. Cả cô và anh đều không biết, con đường này sẽ dẫn tương lai của bọn họ đi về phương hướng nào.

Nắng chiều đổ xuống người anh, nhuộm sắc vàng lên bờ vai, mái tóc.

Hoàng im lặng đã lâu, kể từ lúc cả hai cùng nhau rong ruổi trên những cung đường vòng quanh, ôm lấy mảnh đất quê thân thuộc. Sau lưng anh, Ngọc Châu bắt đầu cảm thấy mệt, dường như con đường họ đang đi mãi mà không tìm thấy đích đến.

Như người bộ hành cần nghỉ ngơi lấy sức sau chuyến hành trình dài, Ngọc Châu tựa đầu lên tấm lưng vững chãi của Hoàng, trong giây phút gần gũi, cô ngửi thấy mùi nắng còn vương trên áo anh.

Hoàng thoáng giật mình, như thể anh không ngờ cô sẽ làm vậy, nhưng ngay sau đó anh hiểu ý dựng thẳng người lên để cô tựa đầu thoải mái hơn.

Hai người các cô giữ như thế một lúc lâu, không ai nói với ai câu nào, dường như đều đang tận hưởng khoảnh khắc bình yên bên nhau.

Đột nhiên Hoàng thả chậm tốc độ, anh nhẹ nhàng đưa tay trái ra phía sau nắm lấy bàn tay cô đặt lên đùi mình. Bàn tay to lớn của anh bao lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô bên trong.

Cảm giác vừa ấm áp lại vừa an toàn.

Lần này tới phiên Ngọc Châu giật mình, nhưng cô vẫn để yên tay mình trong tay anh. Trên khóe môi bất giác nở một nụ cười, nhẹ nhàng như làn gió thoảng.