Chương 5: Ăn chè (2)

Năm phút sau, cả hai yên vị ở quán chè bà Tám Mai.

Gọi là bà Tám Mai bởi nhà bà có trồng mai, cũng có bán mai.

Mà ở cái xứ này ai không trồng cây con làm giống thì cũng trồng cây lớn làm kiểng. Không bán cây ăn trái cho dân làm vườn thì cũng bán hoa cỏ cho mấy cô mấy thím chưng trong nhà, trang trí trước sân.

Có người chọn làm ruộng, có người lại chọn làm vườn. Nhìn tới nhìn lui mới thấy nguyên cái xứ này ai cũng mê, cũng ham cây ham trái lắm. Nghề cha truyền cho con, năm này nối năm kia, lâu dần thành làng nghề lúc nào không hay. Giờ kêu chung là vườn trái cây Cái Mơn, nghe đâu năm nào cũng cung cấp cho thị trường hàng triệu giống cây trồng, cây kiểng cùng đủ thứ loại trái cây ngọt lành.

Tự nhiên Ngàn thèm chè ngang, mà cô nghĩ tới nghĩ lui không lẽ đi ăn chè một mình. Ăn một mình cũng được đó mà đâu có vui bằng ăn với bạn. Nghĩ vậy đù trời đang nắng chang chang cô vẫn gọi Vân Anh rủ đi ăn cùng.

Nếu không phải tiệm chè cách nhà Vân Anh có năm phút đạp xe cô cũng không thèm đi. Bản thân cô ít ăn ngọt, đối với chè bánh này nọ ít khi đυ.ng tới. Nhưng Ngàn đã năn nỉ đến vậy cô cũng xiêu lòng, cuối cùng chiều theo cô bạn.

Ngàn ngồi chưa kịp nóng chỗ, chè bà Tám Mai còn chưa bưng ra tới đã bắt đầu bô lô ba la.

“Trời ơi, muốn điên cái đầu tui luôn rồi bà.” Ngàn than thở.

“Sao vậy bà?” Vân Anh ngồi bên này mù mờ, không rõ đầu đuôi tai nheo sự việc.

“Còn sao nữa? Bà cô chủ nhiệm mới đúng đày luôn, mới vô học có hai tuần đã bày ra đủ thứ chuyện trên đời bắt làm.”

“Nào là soạn bài trước buổi học, chép bài, làm bài tập nộp cho cổ kiểm, trả bài đầu giờ, đã vậy tiết nào cũng phải lên bảng làm bài tập… ” Ngàn duỗi bàn tay năm ngón ra, đếm đếm. Cuối cùng thấy một bàn tay không đủ lại giơ bàn tay kia ra đếm tiếp.

Càng nghĩ càng uất ức. Học văn gì mà còn nhức đầu hơn giải đề toán. Đâu phải cô vô trường chỉ để học có mỗi một môn văn? Còn toán lý hóa sinh sử địa tiếng anh nữa chi? Đó là chưa kể tới mấy môn râu ria như công nghệ, thể dục và giáo dục công dân. Hên là không phải môn nào cũng vậy, nếu không cô cầm chắc một vé lưu ban lớp mười rồi.

“Mấy bữa trước còn gửi đề cương. Mà cái đề cương gì mà dài sáu trang A4 có hơn. Một nùi chữ! Đọc còn hông nổi huống chi nhớ nội dung để mốt kiểm tra.”

“Mới có hai tuần mà tui muốn sống hổng nổi với bả rồi.”

Ngàn kể khổ xong thì làm mặt rầu rĩ.

Thấy mà tội.

Trước giờ cô với môn Văn không có quan hệ chị em bạn dì. Người ta nói con gái tâm hồn bay bổng viết văn hay chứ không biết sao tới cô luôn mấp mé đội sổ môn này. Ngàn âm thầm cảm thương cho số phận dở văn, mười năm rồi mà khá không nổi. Nghĩ tới có lần Nhiên đọc văn của cô xong cười hô hố cô liền đập cho cậu ta một trận cái tội vô duyên.

Người ta viết bài cảm nghĩ nhớ quê buồn miên man vậy mà cậu ta nỡ nào cười! Mà đâu phải cười nhỏ cười duyên gì mà là ngoác cái mồm ra mà cười, cười đến chảy nước mắt! Ngàn bữa đó tức sôi máu. Cô rượt Nhiên chạy có cờ.

Tô chè vừa kịp lúc bưng ra không là Vân Anh còn nghe Ngàn than thân trách phận dài dài. Chè thưng nước cốt dừa, thơm thơm béo béo. Trong cái làn nước trắng đυ.c ấy chìm nổi đủ thứ món hấp dẫn chẳng khác nào kho báu ẩn giấu giữa lòng đại dương. Nào là khoai lang, khoai mì, rong biển, hạt sen, đậu xanh, bột báng, …. Tuy mỗi loại tính chất, hương vị khác nhau nhưng ăn chung với nhau cảm thấy vô cùng hòa hợp.

Vân Anh cầm muỗng, đảo nhẹ một vòng. Sau đó cô múc miếng khoai mì kèm với ít nước cốt dừa cho vào miệng nhai. Khoai mì dẻo vừa vào tới miệng đã vỡ ra, vị beo béo của khoai cùng vị béo của nước dừa quyện làm một, đọng lại nơi đầu lưỡi.

Bên kia Vân Anh mới ăn có hai ba muỗng chè thì bên này Ngàn như hổ đói múc lấy múc để. Cô ăn cái véo hết trơn tô chè, đoạn thở hì ra thỏa mãn xoa xoa cái bụng. Vân Anh thấy một màn này chỉ còn cách nhìn cô lắc đầu bó tay.

Ngàn no rồi như cục pin được sạc đầy, tiếp tục bật đài phát thanh hơn tám chục đài lên, nói tiếp.

“Bà biết cái bà mà ngồi bàn đối diện bà, kế cửa sổ, xích mé dưới ấy.” Ngàn nhíu mày, ra vẻ như đang cố hồi tưởng lại, sau đó cô mô tả đại khái vị trí ngồi của người kia cho Vân Anh nghe.

“Phải cái bà cao cao, hay cột tóc có cái nơ màu vàng không?” Vân Anh nghĩ một hồi mới hỏi lại.

“Đúng đúng.” Ngàn gật đầu lia lịa. “Tui không nhớ tên bả”.

Hỏi Vân Anh quả nhiên là lựa chọn sáng suốt, nói sơ sơ cái biết liền. Ai như ông Nhiên đầu óc chậm chạp, nói có mấy câu mà nửa ngày cũng chưa hiểu.

Nghĩ tới Nhiên Ngàn bĩu môi, ra chiều ghét bỏ.

Tự động bỏ qua tâm tình lúc nắng lúc mưa của Ngàn, Vân Anh hỏi cô.

“Nhỏ tên Giang, bữa đầu tiên bà còn khen da bả trắng, nhớ không lầm bà còn tính hỏi người ta có xài mỹ phẩm dưỡng da hay không mà sao da trắng quá vậy. Sao mới mấy bữa mà bà quên mất rồi?”

Hỏi cho có vậy thôi chứ tánh hay quên của Ngàn cô rành quá rồi. Chỉ là không hiểu tự nhiên Ngàn nhắc tới người ta làm gì.

Quả nhiên Ngàn tỏ vẻ ngạc nhiên, còn hỏi lại có hả, sao cô không nhớ gì hết trơn. Sau lại nghĩ không nhớ cũng bình thường thôi. Tuy nhập học cũng lâu lâu rồi nhưng mà trong lớp tới tận bốn chục đứa, tức là có tới bốn chục cái mặt để nhớ tên. Mà ngày thường ngoài mấy đứa ngồi gần bàn với quen biết từ hồi cấp hai ra cô cũng đâu nói chuyện với mấy bạn mới. Sao biết tên tụi nó được?

“Tại bữa trước tui về, ra tới cổng trường cái gặp bả. Tui thấy bả cũng vừa mới từ lớp đi ra cổng. Bả ra tới một cái là đã có người đứng đó đợi sẵn chờ rước về.”

“Đi có người đưa về có người đón. Công nhận sướиɠ gì đâu.” Ngàn nói, giọng không giấu được ghen tỵ.

“Còn tui với bà đạp xe muốn còng lưng. Tui còn đỡ chớ chỗ bà xa thấy mồ.” Ngàn cảm thán một câu, cùng bằng tuổi với nhau mà sao cuộc đời các cô khác nhau nhiều quá.

Tuy Vân Anh không đáp lại, nhưng bản thân cô không cho là đúng. Nhà cô cách trường ba mươi phút đạp xe, theo cô không quá xa. Thế nhưng chuyện xa hay gần có lẽ phụ thuộc nhiều vào cảm quan của mỗi người. Ngàn nói xa, cô nói không xa. Chuyện mang ra tranh luận có khi tới chiều cũng không có kết quả.

Nếu nói nhà xa thì phải kể tới mấy đứa nhà ở miệt dưới, ở trong kinh, tối ngày nội đạp xe ra tới trường cầu một đến hai tiếng đồng hồ. Thậm chí có mấy đứa nhà xa hơn đi có khi hai ba tiếng mới tới trường là bình thường. Tới chỗ một cái mồ hôi mồ kê nhễ nhại khắp người, còn sức đâu mà học với chả hành.

Bởi thế nên nhiều đứa chịu đâu có nổi, mà ba mẹ cũng xót con. Cho nên hễ thấy ở gần trường mà có nhiều nhà trọ sẽ hiểu ngay do quy luật cung cầu sinh ra.

Nhu cầu lại phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng người và giải pháp của người đó khi đối mặt với hoàn cảnh. Chẳng hạn người nào nhà cách trường không quá xa vẫn sẽ cố gắng mỗi ngày mỗi về, bởi nghĩ rằng ở nhà mình nói gì thì nói vẫn sướиɠ hơn. Còn như cảm thấy xa quá, nhắm không đi về mỗi ngày được, sẽ dứt khoát chọn ở lại gần trường cho khỏe cái thân. Cuối mỗi tuần hẳn về một lần.

Trường cấp ba cô học là trường huyện, học sinh trong trường là tổ hợp học sinh từ các xã lân cận đổ về. Bao nhiêu đó con người tụ lại một chỗ thế nên ở Cái Mơn từ sáng tới tối không thiếu những gương mặt trẻ tuổi. Khi thì ngoài đường, lúc trong hàng quán, tụm ba tụm bảy cười cười nói nói. Nhìn riết cũng quen, bình thường không thấy gì, tới mấy tháng hè lại cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó vốn đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt nơi đây.

Đang nghĩ ngợi miên man Vân Anh thấy trời đột nhiên tối sầm. Chừng một phút sau mưa bắt đầu đổ xuống. Không phải mưa phùn mưa ngâu nhẹ nhàng mà là một mưa giông, sấm chớp đùng đùng, gió thổi thiếu điều muốn bay cái nóc nhà.

Mưa tạt vô tội vạ vào chỗ Ngàn với Vân Anh ngồi, hai đứa vội vàng lủi vô sát mé trong trú mưa.

Bà Tám Mai từ lúc thấy trời đen thui đã đứng ngồi không yên. Tới lúc mưa đổ xuống bà trở tay không kịp, chạy lăn xăn gom mấy bộ bàn ghế mũ lại để thôi gió thổi bay mất.

Vân Anh với Ngàn cũng tranh thủ phụ bà một tay. Lát sau dưới hiên nhà có thêm hai đứa đầu tóc, vai áo âm ẩm nước mưa và một chồng bàn cùng hai chồng ghế mũ xanh đỏ.

Bà Tám Mai cảm ơn hai cô rối rít, sau đó lấy cho tụi nó bình nước lá dứa cùng với hai cái ly mủ nhỏ.

Ngàn ngồi nhìn mưa, mắt cô không biết là thấy mưa hay thấy cái gì ở tận đâu đâu mà mơ màng. Vân Anh tự rót cho mình một ly nước lá dứa, nhấp một ngụm, cảm nhận hương thơm nhẹ nhàng của lá dứa dâng lên trong mũi, dòng nước mát lạnh theo cuống họng chảy xuống, chầm chậm rót vào dạ dày.

Cô nhớ về khoảng thời gian còn ở trên Sài Gòn. Hôm đó đang đi ngoài đường thì gặp mưa lớn. Dự báo thời tiết nói là do áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền. Những ngày đó mưa mà đổ xuống một cái rồi là đổ từ sáng tới chiều cũng chưa tạnh.

Vân Anh tính mưa lớn quá, cố gắng đi tiếp cũng nguy hiểm nên mới cho xe chạy rề rề kiếm chỗ tấp vào. May mắn gặp hàng hiên nhà kia trống liền lủi vô.

Chỗ cô trú là một tiệm bán đồ điện. Chủ tiệm là một ông già tầm sáu mươi, tóc muối tiêu, mặc áo thun ba lỗ trắng, ngồi trên ghế mủ con cùng khách trú tán gẫu.

Trong tiếng mưa ồn ã Vân Anh không nghe rõ bọn họ nói với nhau những gì. Cô lặng lẽ dựng xe nép vào một góc, cởϊ áσ mưa ra máng ở tay cầm, áo mưa ướt nhẹp mà quần áo cô cũng không khá khẩm gì hơn.

Chủ tiệm cùng khách trú mưa tán hươu tán vượn, nói đến vô cùng hăng say. Không biết làm sao lại vô tình nhìn qua Vân Anh. Ông nói gì đó với mấy người kia, sau đó đi vô nhà trong.

Lúc ông trở ra trên tay nhiều thêm một cái khăn bông.

Ông già đưa khăn cho Vân Anh, giọng ông ồm ồm, kêu cô cầm rồi lau đỡ đi để thôi bệnh vào người mệt lắm.

Vân Anh ngạc nhiên nhìn cái khăn trên tay ông trong giây lát. Sau đó nhận lấy rồi nói cảm ơn.

Người miền Tây, người Sài Gòn hay ở đâu thì tình người vẫn mãi vẹn nguyên, người với người đối xử với nhau bằng tấm lòng. Lẽ đời vốn luôn đơn giản, gặp người hoạn nạn khó khăn thì đưa tay ra giúp đỡ, công xá không nhiều nhưng tình người lại đầy ắp.

Trên đầu trời vẫn mưa như trút nước, không khí tuy lạnh nhưng trong lòng Vân Anh lại ấm áp dễ chịu vô cùng. Bà Tám Mai đã vào nhà từ lúc nào, ngoài cái quán lề đường đơn sơ chỉ còn lại hai cô gái trẻ ngồi nhìn mưa rơi. Tuy vậy tâm trí mỗi người sớm đã theo cơn gió bay tới tận đâu đâu.

Mưa chán chê rồi cũng tới lúc tạnh. Vân Anh và Ngàn tranh thủ dắt xe ra về. Dọc đường Ngàn ghé tiệm tạp hóa mua ít bánh trái chia cho mấy đứa em. Lúc ra khỏi cửa cô bất giác ngó lên, nhìn sắc trời âm u, mây xám xịt vần vũ. Ngó xuống đồng hồ thấy mới có năm giờ rưỡi. Vậy mà thấy tối thui tối thích cứ tưởng đâu bảy tám giờ tối không.

Ngàn nhớ trong mấy thước phim quay cảnh ở Sài Gòn trên truyền hình. Khi sắc trời càng tối đường phố dường như càng sáng rực lên, lung linh trong ánh đèn. Ở thành phố vui hơn nhiều, trời mưa trời nắng gì cũng đi chơi được. Chứ không có mới năm giờ thấy mưa gió quá mà hàng quán muốn dẹp sạch đóng cửa nghỉ sớm như dưới quê. Mà nghĩ cho dù chủ quán có cố gắng bán đi chăng nữa, sẽ có mấy người chịu lạnh, đội mưa đội gió ra ngoài đường?

Trời kiểu này chắc chỉ có mấy quán bán đồ nóng như lẩu, hủ tiếu, phở, bánh canh... là làm ăn được. Ngàn lắc đầu, tự nhiên nghĩ tới đồ ăn làm chi, chưa gì cô đã thấy đói nữa rồi. Hồi chiều ăn tô chè chỉ đủ nhét kẽ răng, đâu có thấm tháp gì.

Trên đường về nhà, Ngàn thấy mấy đứa nhóc tiểu học đuổi bắt nhau trên đường. Cô nghĩ tới mấy đứa em nheo nhóc ở nhà, bất giác cảm thấy mệt nhoài.

Làm chị lớn trước giờ đâu có dễ. Nhất là khi có một bầy em ba bốn đứa em mà đứa nào cũng đang tuổi ăn tuổi lớn. Cha mẹ cô làm quần quật cả ngày lo chi phí sinh hoạt cho cả gia đình cũng chỉ vừa đủ, không có dư.

Bản thân cô cũng xài tiết kiệm, nhưng tiết kiệm cũng có chừng mực nào thôi. Sống mà muốn sắm đồ, muốn ăn cái này cái kia mà cứ phải suy đi tính lại cô không chịu nổi. Dè sẻn quá làm gì cũng có được thêm mấy đồng mấy cắc đâu.

Ở nhà mấy anh chị em cô muốn ăn, muốn uống gì trong khả năng cha mẹ cô đều cố gắng đáp ứng hết. Tuy không giàu có nhưng được cái vui vẻ, đứa nào đứa nấy lớn lên khỏe mạnh.

Dẫu vậy đôi khi nhìn con nhà người ta có cha mẹ đưa rước, được đi học thêm, được đi chơi đây chơi đó cô cũng có chút ghen tỵ, cũng ao ước được như người ta.

Giữa dòng người vội vã ngược xuôi, mỗi người ôm trong lòng mộng tưởng của riêng mình. Từng ngày từng ngày nỗ lực biến mơ ước thành hiện thực. Bước chân họ vội vã, như thể đi càng nhanh thì khoảng cách giữa họ và tương lai tươi đẹp kia càng gần.

Mới mưa xong, ngoài đường vừa lạnh vừa ẩm thấp. Gió thổi từng cơn mang hơi nước quấn vào người đi đường.

Những người mặc áo khoác dày dặn đâu thèm để ý tới lạnh lẽo, bởi lòng họ còn mải miết suy tính đủ thứ chuyện thiệt hơn chốn trần gian.

Những người quên mang áo khoác mẫn cảm với cái lạnh hơn. Họ giật nảy mình, vô thức thu vai, tất cả những gì họ nghĩ lúc này là phải mau mau quay về nhà để kiếm tìm chút ấm áp.

Người không áo mà cũng chẳng có nhà ngơ ngác ngó quanh, không biết phải làm sao. Cuối cùng họ chọn cách chui tạm vào gầm cầu nào đó, lấy manh chiếu rách hay cái mền cũ đắp đỡ lên người, coi như cũng an ổn qua một đợt lạnh.

Con người luôn bận rộn với chuyện của mình, có mấy ai từng ngừng lại, dù chỉ trong chốc lát, chỉ để cảm nhận vẻ đẹp tinh tế trong mỗi hơi thở của đất trời sau cơn mưa?

Trời mỗi lúc một tối. Bóng tối phủ xuống đường phố một màu đặc quánh. Phảng phất dưới ngọn đèn đường hắt sáng xuống lòng sông, bóng người qua kẻ lại mơ hồ in trên mặt nước, uốn éo thành những hình thù kỳ lạ.

Ngàn ỷ bản thân quen đường quen xá, đạp xe như bay, luồn lách qua mấy con hẻm, trái phải một hồi thì tới nơi.

Căn nhà nhỏ hiện ra trước mắt, ngoài cửa sáng đèn. Trong con hẻm chật hẹp, xung quanh dày đặc bóng tối, ánh sáng từ ngọn đèn càng tỏ ra lẻ loi, đơn độc.

Ngàn mới vừa dựng xe trước sân thì thằng Hòa em cô chạy ra la làng.

“Chị hai về!”

Thấy thằng em chạy ù từ nhà trong ra đón, Ngàn mỉm cười. Cô duỗi tay đem cặp má hồng hào, mềm mại của thằng nhỏ xoa tới xoa lui. Đoạn cô dắt tay em vào nhà. Hai chị em vừa đi vừa líu lo không thôi. Sau lưng họ bóng tối vẫn lặng yên đứng ngoài cửa, dõi mắt trông theo.

Trời lại bắt đầu rục rịch mưa tiếp, gió thổi vù vù, đem mấy chiếc lá khô đảo quanh trước hiên nhà. Trong căn nhà nhỏ ấm áp kia, cả gia đình quây quần bên mâm cơm vừa dọn ra còn nóng hôi hổi, rôm rả trò chuyện. Tiếng cười đùa hòa cùng với tiếng mưa rơi lất phất, nhẹ như bân đậu trên chiếc lá, khẽ mỉm cười lấp lánh niềm vui.