- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 63: Trống Trận Vang, Tập Hợp
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 63: Trống Trận Vang, Tập Hợp
Hoài Văn quân đang nấp ở đằng sau tôi lúc này không chịu nỗi đều nhất tề xông lên, tôi vừa kêu dừng lại thì hai bên đã nổ ra ác chiến.
Đánh một hồi quả nhiên đã có vài kẻ nắm giữ quyền hành ra mặt, trong số đó có một cô gái mặc giáp, tôi vừa trông thấy bóng dáng quen thuộc vội kêu lên:
"Chị Anh Nguyên, là em đây!"
Chị Anh Nguyên nghe tiếng tôi thì ngay lập tức hô tất cả dừng tay rồi tuốt gươm xông vào cuộc hỗn chiến, tôi thở phào một hơi, cũng may là không có thương tổn gì nghiêm trọng. Chị Anh Nguyên tức giận lên tiếng hỏi:
"Là kẻ nào có mắt như mù?"
Quân lính tự dàn ra hai bên, chừa lại kẻ ban nãy làm khó tôi đang lúng túng cúi thấp người. Chị Anh Nguyên hỏi lại một lần nữa, thấy anh ta gật đầu xác nhận mới dõng dạc nói:
"Kẻ này mạo phạm bề trên, đem đi xử theo quân pháp!"
Tôi cản chị Anh Nguyên, lắc đầu nói với chị:
"Hay là thôi đi, trong tình hình hiện nay đúng là không thể lơi lỏng được, em dẫn quân đến đây giờ này cũng không trách được anh ta."
Chị Anh Nguyên chau mày nhìn tôi, thắc mắc hỏi:
"Đội quân này là thế nào, sao bọn chị không nghe tin tức gì thế?"
Tôi nhỏ giọng đáp:
"Quan gia tự mình dẫn quân đến tiếp viện, em sợ trên đường có mai phục nên đã xin đi do thám trước. Đây là Hoài Văn quân của Trần Quốc Toản, hai chúng em mỗi người một nửa chia ra hai đường thủy bộ đến đây."
"Ồ, tên nhãi Quốc Toản này trước giờ rất keo kiệt vậy mà ra tay hào phóng thế à? Còn tên Thanh Phúc kia nỡ để em đi tiên phong hay sao?"
Tôi lấy tay che miệng chị lại, ngó nghiêng xung quanh rồi nói:
"Ở đây tai vách mạch dừng, chị dám gọi quan gia tùy tiện vậy hả?"
Chị Anh Nguyên gãi đầu, lại an bày ổn thỏa cho Hoài Văn Quân rồi cho mọi người giải tán, sau đấy cũng đưa tôi đến doanh trướng của cha.
Dọc đường đi, tôi thắc mắc hỏi chị:
"Bình thường ở đây canh gác cẩn mật đến vậy sao, muốn một thân một mình vào trong thưa chuyện cũng không được? Vậy nếu có người của ta ở nơi khác đến đây đều sẽ bị coi là nội gián hay sao ạ?"
Chị Anh Nguyên ngẫm nghĩ, đáp lời tôi:
"Bình thường lính gác cũng không đến nỗi cực đoan như thế. Nhưng bên phía quân Thát có một ả nữ tướng đầy mưu kế, bọn ta đánh nhau đã lâu còn chưa gặp được một sợi tóc của Thoát Hoan. Ngày trước ở Nội Bàng nhất cử nhất động của ta đều bị ả nhìn thấu, tuy nói lực lượng của ta ở Nội Bàng khá mỏng nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng của ả ta."
Lại thở dài:
"Lần đó mặc dù cha đã cho lui binh nhưng vẫn có một tướng là Đoàn Thai cố chấp dẫn binh lính dưới trướng mình định lợi dụng rừng cây để mai phục, không ngờ lại bị ả đó đoán trúng, cha vì tiếp ứng cho đội quân đó suýt nữa thì rút lui không kịp."
Tôi giật mình hỏi:
"Vậy sau đó thì sao, cha không sao chứ ạ?"
Chị Anh Nguyên lại nói:
"Chuyện lần đó phải nhờ Phạm Hữu Thế, thủy quân của ta đã tan cả, vốn dĩ cha định rút quân theo đường núi nhưng một gia tướng khác của cha là Dã Tượng lại khẳng định chắc nịch rằng Phạm Hữu Thế không thấy cha nhất định sẽ không dời thuyền. Đến Bãi Tân quả nhiên thấy anh ta vẫn một mình đứng đó."
Tôi trầm ngâm:
"Hình như em đã từng gặp cái bóng của anh ta dưới nước!" – Tôi chợt nhớ ra, bèn hỏi chị Anh Nguyên – "Ban nãy có nghe binh sĩ đó nhắc về Phạm gia tướng, chắc là Phạm Hữu Thế nhỉ?"
Chị Anh Nguyên gật đầu, tôi lại tiếp tục hỏi:
"Vậy còn Ngũ Lão?"
"Anh Ngũ Lão của em đã làm tướng quân rồi."
Tôi nhìn chị Anh Nguyên đỏ mặt thì trong lòng cười trộm. Nếu như Phạm Ngũ Lão tận dụng được cơ hội lần này, chắc chắn tương lai có thể đoán được.
Tôi mừng mừng tủi tủi gặp lại cha, chỉ cần nhìn qua bộ giáp dính đầy máu khô trên người tôi là cha có thể đoán được tôi đã trải qua những gì trên đường. Cha ôm lấy tôi không ngừng vỗ vai tôi, xúc động nói:
"Từ lúc con còn nhỏ cha đã biết sẽ có ngày này. Con của cha không làm cha thất vọng!"
Mắt tôi cũng long lên ánh nước, được sát cánh cùng cha trên chiến trận tôi còn mong mỏi nào hơn.
Theo lời cha thì tôi được biết mẹ và nữ quyến trong nhà đã chia nhau ra sơ tán dân chúng ở Vạn Kiếp, hiện giờ chắc là đang trên đường vào kinh thành hội họp. Mẹ tôi cũng ở phía sau dẫn đầu công tác hậu phương.
Tối đó tôi nằm trằn trọc trong quân doanh mãi không ngủ được, chẳng biết Trần Khâm hiện tại đang làm gì, vẫn đang hội bàn việc quân hay đã đi nghỉ. Chỉ mới vài ngày không gặp là đã cảm thấy nhung nhớ, chẳng biết chinh chiến trường kỳ sẽ còn khao khát được gặp nhau thế nào.
Các anh tôi đang tập hợp quân binh từ các trang ấp lân cận miệt mài trở về, cộng thêm các lực lượng tàn binh thua trận ở những trận đấu trước cũng hội tụ về Vạn Kiếp.
Buổi sớm tôi và chị Anh Nguyên đứng trên đồi cao, nhìn quân binh từng toán lũ lượt kéo về đại doanh, kẻ hăng hái người mệt mỏi, kẻ lành lặn người bị thương đều đủ cả, tôi biết đã có không ít người đã da ngựa bọc thây. Đúng là lúc này nếu như Trần Khâm không đưa thêm viện binh tới chỉ sợ lòng quân rệu rã, cho dù ban đầu họ có quyết tâm đến nhường nào.
Bỗng nhiên từ phía xa xa có một đoàn quân ùn ùn kéo đến nối đuôi nhau dài tới chân trời, lá cờ vàng thêu chữ Trần tung bay trong gió. Tôi gần như ngay lập tức phóng lên ngựa phi như bay về đại doanh, bỏ đằng sau tiếng chị Anh Nguyên bảo tôi đợi.
Tôi không biết mình bị làm sao, nhưng ngay lúc này cái tôi mong đợi chính là gương mặt quen thuộc đã khắc sâu vào trong trí nhớ kia dù tôi biết có lẽ gương mặt ấy sẽ tiều tụy đi nhiều.
Đến nơi thì cùng lúc đội quân của anh Quốc Hiện cũng đã đến, tôi nhảy xuống ngựa chạy đến bên cha, thấy chủ tướng của viện quân triều đình ấy vậy mà lại là một chàng trai trẻ tuổi có gương mặt xa lạ. Tôi có chút thất vọng, có lẽ Trần Khâm đã đóng quân ở bến Bình Than rồi.
Chị Anh Nguyên đến bên cạnh nói nhỏ vào tai tôi:
"Đây là Trần Bình Trọng, đối thủ của anh tư đấy!"
Lúc này tôi mới để ý tới ánh mắt anh Quốc Hiện nhìn Trần Bình Trọng đúng là có vẻ đố kỵ thoáng qua. Tôi sực nhớ ra người này ngày xưa là kẻ đánh cờ không bao giờ qua nổi anh tư, nhưng trong lần nọ Trần Thì Kiến đoán một phát anh ta liền thắng.
Khi ấy còn nghĩ Trần Thì Kiến là một kẻ miệng quạ nhưng giờ nhìn thấy phong thái quân tử đĩnh đạc của người này, lại trong một thời gian không dài trở thành tướng lĩnh nắm viện binh do Trần Khâm phái đến, tôi nghĩ anh ta cũng không phải là một kẻ tầm thường.
Trần Bình Trọng xuống ngựa hành lễ với cha tôi, cùng lúc này Quốc Nghiễn, Quốc Uất và Quốc Tảng cũng lần lượt đưa quân trở lại. Anh hai Quốc Uất bỏ qua màn chào hỏi nghi hoặc nhìn Trần Bình Trọng, hấp tấp chạy đến bên cạnh chị Anh Nguyên nhỏ giọng hỏi:
"Này, cô gái kia sẽ không đến chứ?"
Chị Anh Nguyên chau mày suy nghĩ một lát thì như hiểu ra, tủm tỉm cười bảo:
"Anh đoán xem?"
Tôi bật cười, kề vai anh ta nói:
"Quan gia có lẽ đang đóng quân ở Bình Than, mà với tình hình hiện giờ ngày hợp quân cũng không còn xa lắm đâu, anh biết thái sư cũng nắm giữ một lượng lớn binh quyền mà."
Quốc Uất lúc này đúng là khóc không ra nước mắt, tôi như thấy được một tòa thành sụp đổ trước mặt anh. Tôi vô tình đưa mắt nhìn Quốc Tảng, thấy anh đứng khoanh tay nhìn mấy người bọn tôi cười cười, trên tay đeo một đôi bọc cổ tay màu ngọc.
Tôi híp mắt cười với Quốc Tảng chỉ vào cổ tay mình, anh ta có vẻ hiểu ra liền đỏ mặt giả vờ ho khan quay sang chỗ khác. Có lẽ trong lòng Quốc Tảng cũng không còn chấp niệm nữa, tôi thấy mừng cho anh.
Quân số hiện giờ đã hơn hai mươi vạn, hai mươi vạn tuy không ít nhưng đối với quân Thát thì quả thật là không hề nhiều. Nhất là trong thời điểm những ngày bọn chúng im hơi lặng tiếng như thế này ắt hẳn là đã tính toán kỹ lưỡng, chúng tôi tập hợp binh lực bọn chúng cũng chẳng khác hơn.
Nhưng chúng tôi vốn không hề nao núng, ngay từ đầu mục tiêu mà cha tôi đưa ra là lấy ít địch nhiều. Đại Việt là một nơi có địa hình sông núi phức tạp chứ không phải là thảo nguyên rộng lớn như ở Mông Cổ, kỵ binh cũng không thể phát huy được hết sức mạnh của mình.
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 63: Trống Trận Vang, Tập Hợp