Trước mắt tôi là gương mặt quen thuộc, quanh mũi tôi là mùi hương quen thuộc, bên tai tôi cũng là giọng nói quen thuộc, quen thuộc đến độ nhiều lúc trong giấc ngủ chập chờn vẫn còn mơ tới.
Vậy mà hôm nay người đã ở trước mặt, tôi như một người phàm dạo chơi trước cửa tiên, nửa thực nửa mơ không ngừng thổn thức.
"Em mừng vì chàng hôm nay vẫn đứng đây chờ em, và không quên nhiệm vụ của mình với đất nước."
Kể từ lúc nghe tin Quốc Tảng đưa tôi trở về Trần Khâm đã cưỡi ngựa ngày đêm không nghỉ. Tôi đã nghe cha tôi kể lại ngày tôi bị Thoát Hoan cướp đi, Trần Khâm dù là một vị vua cũng không nén nổi cảm xúc điên dại.
Cha tôi trách:
"Là một vị vua không phải chuyện gì cũng có thể làm theo ý mình. Nay xã tắc đang lâm nguy, cho dù nó có chết nơi đất khách quê người thì kẻ làm chồng làm cha như chúng ta phải biết biến đau thương thành sức mạnh chứ không phải ngồi đó bi lụy khóc than."
Tôi ngồi tựa vào vai Trần Khâm, bật cười:
"Lúc đó chàng nói sao?"
Trần Khâm tỉnh bơ đáp:
"Tôi nói, "vương không phải cha ruột em ấy nhưng tôi là chồng em ấy"!"
Tôi càng cười lớn hơn, anh ta là kẻ đầu tiên dám chọc tới cha vợ đấy.
Nhưng cuối cùng Trần Khâm cũng phải thỏa hiệp trước sự đoàn kết của quần thần, cũng may Trần Khâm là kẻ biết nghĩ cho đại cuộc. Chuyện sau đó đến tai Quốc Tảng, anh ta vượt cung cấm tìm đến Trần Khâm, phong thái tự tin nói rằng nhất định sẽ đưa được tôi trở về, nhưng anh ta cứ vậy đi suốt hơn một năm.
Trong thời gian qua Trần Khâm không ngừng củng cố binh lực đất nước, lại nghiêm khắc truyền dạy tất cả cho Thái tôn. Tôi không biết anh ta muốn làm gì nhưng cũng may hôm nay tôi đã trở về được, không phải lo vì mình mà xảy ra những điều không đáng có nữa.
Tôi xoay người nằm lên ngực Trần Khâm, mặt đối mặt với anh ta, thở dài:
"Chàng nói bậy rồi, đó thật sự là cha ruột em!"
Trần Khâm cau mày nhìn tôi, lặng người một lát mới nói:
"Vậy có nhỏ máu nghiệm thân chưa?"
"Vớ vẩn!" – Tôi xì một tiếng đáp.
Trần Khâm không nói, tôi lại hỏi:
"Vậy chàng yêu Tĩnh hay là Linh Lan hơn?"
Anh ta đáp:
"Cả hai!"
"Ơ thế thì chàng là kẻ một dạ hai lòng à?"
Anh ta nắm đôi gò má của tôi véo mạnh, hừ một tiếng:
"Vậy em yêu Trần Khâm hay Thanh Phúc?"
Tôi: "..."
Trần Khâm dù ngày xưa hay bây giờ vẫn luôn là một kẻ hết sức ranh ma, tuy nói tôi tính tình hoạt bát hiếu động nhưng chưa hề ở trước mặt anh ấy chiếm được chút lợi nào. Đừng nói là tôi, ngay cả các anh tôi đều bị anh ta bày mưu tính kế hết ráo, bởi thế anh tư Quốc Hiện có vẻ rất thù. Sở dĩ tôi về hôm qua mà đến tối nay Trần Khâm mới có mặt ở phủ đệ là do tên Quốc Hiện đứng giữa bày mưu tính kế.
Thuở nhỏ có lần Trần Khâm tặng tôi chiếc áo ấm, dạo đó tôi theo cha đi tận vùng Thiên Quan, nên nửa tháng sau mới trở về. Ai ngờ vừa mới bước vào thì các anh tôi kẻ bó chân người ôm tay đủ cả. Rốt cuộc tôi bị bốn người anh mình lạnh nhạt suốt một tuần thì chị Trinh mới chịu kể với tôi, chị ta cũng thù lung lắm.
Hoá ra trong lúc tôi không có nhà thì Trần Khâm đem áo đến quý phủ, hai ngày sau các anh tôi lên kinh đi học thì quăng cái áo trước mặt Trần Khâm, tiện thể quăng một bức thư mà theo lời Quốc Hiện nói là thư xin lỗi.
Đên bây giờ tôi vẫn không thể quên được bài thơ con cóc đó, bất giác đọc:
"Cái áo trông khá đẹp
Nhưng chẳng hợp với ta
Chắc là hàng giảm giá
Chàng nên mang về nhà"
Trần Khâm đang uống nước, nghe tôi đọc xong thì không tự chủ bị sặc một trận.
Tôi ôm bụng cười ha hả, lại hỏi:
"Thế rốt cuộc tại sao chàng biết là bọn họ lừa?"
Trần Khâm nhếch môi đáp:
"Vì chữ em rất xấu!"
Tôi bĩu môi nhìn anh ta, nhưng lại bàng hoàng nhận ra hình như mình đã hiểu rõ vấn đề rồi.
"Thì ra lần đó chàng bắt em chép thơ là để..."
Trần Khâm lúc này mới thở dài nói:
"Ừm, cái nét chữ như gà bới đó của em chẳng lẫn đi đâu được, nhưng tôi chỉ ngờ ngợ thôi. Sau đó tôi cố tình đưa em về phủ Tô, ai ngờ được dịp ăn may thật. Nhưng kể cả như vậy, trừ khi là em tự mình nhớ ra."
Xem ra Trần Khâm cũng không bất ngờ lắm với kết quả này.
Thật ra lần đó thương tích của đám anh trai cũng không phải do Trần Khâm ra tay, anh ta chỉ bày kế để đám người này chọc giận thái phó, cụ thể là mấy cái lá mắc mèo.
Thuở đó đám anh trai nhà tôi trừ Quốc Tảng ra còn lại đều nghịch như quỷ, rốt cuộc tội lỗi đổ lên đầu, còn Trần Khâm chỉ bàng quan ngồi nhìn long hổ đấu.
Thái phó không quản đường sá xa xôi đến Vạn Kiếp khởi binh vấn tội, đương nhiên cái đám anh trai của tôi trước sức mạnh áp đảo bị mẹ tôi đánh đập một trận ra trò. Muốn kêu oan ư, trước tiên sửa cái thái độ học hành trước đi đã. Vì thế kể cả anh ba vô tội cũng bị vạ lây, mông bị dính mấy roi rướm máu.
Chị Trinh là người trực tiếp chứng kiến nỗi bất công như trời biển đó, đương nhiên cũng giận lung.
Ký ức ùa về, tôi bỗng cảm thấy trên đời không còn niềm vui gì có thể sánh hơn được nữa. Trước đây ký ức tôi chỉ là một mảng trắng xoá, bây giờ chìm đắm trong sắc màu của tuổi trẻ mà Trần Khâm, anh ta là thứ màu sắc rực rỡ nhất.
Trần Khâm ở vương phủ đến ngày thứ ba thì phải trở về Thăng Long lo việc nước. Tôi bỗng trộm nghĩ ngày xưa lúc lấy nhau cũng chưa từng có ngày lại mặt đàng hoàng, hôm nay xem như bù đắp vậy.
Đứa con rể quý như anh ta dù sao cũng không được lòng nhà vợ cho lắm, liền tranh thủ té đi càng sớm càng tốt. Tôi nhìn những ánh mắt như lang hổ rình mồi của đám anh trai mình, cũng thấy thương cho kẻ thân cô thế cô như Trần Khâm. Cũng may anh ta là vua một nước, không đến nỗi phải chịu thiệt thòi như Phạm Ngũ Lão ngày xưa, trộm nghĩ làm rể nhà này đúng là không dễ dàng.
Nghĩ một hồi lại thương cho chị Trinh, nếu như biết tôi sẽ sống sót quay trở về thì phải chăng chị Trinh đã không phải vì tôi mà trả món nợ ân tình đó. Mặc dù chị áy náy bởi tôi vì cứu chị mà gặp họa vong thân, nhưng tôi cũng không cần chị dùng hạnh phúc đời mình để đánh đổi.
Hai người chúng tôi ngồi thuyền xuôi dòng sông Đuống về kinh, đến bến Bình Than thì bâng quơ nghe Trần Khâm kể về cuộc hội nghị năm đó có Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi mới mười lăm mười sáu nhưng lại muốn dự họp cùng các bô lão. Anh ta thấy Quốc Toản tuổi còn trẻ nên không cho vào chầu, nhưng trọng vì tuổi trẻ mà biết yêu dân yêu nước nên ban cho quả cam quý, ấy vậy mà Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không hay.
Tôi nói:
"Hoài Văn Hầu tuy còn trẻ nhưng chí lớn, biết đâu đưa ra được ý hay thì sao?"
Trần Khâm cười bảo tôi:
"Tuy vậy nhưng khoảng cách tuổi tác là một cái gì đó rất ràng buộc, tôi có thể chấp nhận nhưng các bô lão thì làm sao chấp nhận được một đứa trẻ ranh đứng ngang hàng với mình chứ?"
Tôi thiết nghĩ ngày xưa Thoát Hoan cũng là kẻ mười ba tuổi xông vào tập kích phủ Hưng Đạo đấy mà.
Tôi ngồi trên mui thuyền đón gió Nam từng chút kể cho Trần Khâm về những chuyện mình đã trải qua trong hai năm qua, đương nhiên lược bỏ ba ngàn chữ nhưng Trần Khâm vẫn cau chặt đôi mày. Dù sao đã qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai, những chuyện đó tôi cũng không còn canh cánh nữa.
À, nhưng anh ta thì lại rất canh cánh.
Bỗng dưng sóng nổi lớn một cái, tôi mất thăng bằng ngã nhào vào lòng Trần Khâm. Anh ta bỗng cười gian, mỉa mai nhìn tôi nói:
"Có gì về cung rồi tính, giữa thanh thiên bạch nhật mà em gấp gáp quá thể."
Tôi nhíu mày, trong lòng liền dằn xuống ý niệm mưu sát vua giữa chốn thưa người này.
Hóa ra phía xa xa có chiếc thuyền lớn chở than củi đi ngang, thuyền đi nhanh nên tạo ra sóng lớn.
Ôi kẻ này lại dám vượt mặt thuyền vua à? Tôi liếc Trần Khâm, anh ta cũng ngầm hiểu ý tôi bèn cho quân hầu đi nhanh hết tốc lực. Tôi ôm bụng cười, trộm nghĩ vị quan gia này cũng thật biết chơi.
Nhưng đúng là núi này cao có núi khác cao hơn, chiếc thuyền trông qua có vẻ đẹp mắt của bọn tôi lại không địch nỗi với thuyền chở than của kẻ đó. Tôi nghĩ một kẻ lái thuyền giỏi như thế hẳn cũng có chút tài năng, bèn đứng trên mui thuyền trông ra. Người lái thuyền là một người đàn ông dáng dong dỏng cao, đội nón lá, mặc áo ngắn, không thể nhìn rõ mặt. Tôi kéo áo Trần Khâm, chỉ về hướng đó hỏi:
"Kẻ này ta gặp chưa nhỉ, cảm thấy có chút quen mắt."
Trần Khâm nhìn theo hướng tôi chỉ, ngẫm nghĩ một hồi chợt bừng tỉnh:
"Nhân Huệ Vương, là Nhân Huệ Vương."