Vào một ngày chớm thu tôi cùng Nhật Duật đi xe ngựa ra hoàng thành, dừng trước một phủ đệ đã hoang tàn xơ xác. Tôi bất chợt nhớ đến năm ấy lúc mới đến đây, lúc đi ngang qua hoàng thành uy nghiêm tĩnh mịch trong giấc ngủ chập chờn chỉ nghe tiếng xe ngựa lộc cộc hòa vào tiếng mưa thu rả rích và mùi hoa sữa thoang thoảng đưa hương. Lúc ấy tôi cũng không nghĩ đến sẽ có ngày này.
Trần Nhật Duật cẩn thận đỡ tôi xuống xe, bây giờ tôi không thể tùy tiện bay nhảy như ngày xưa được nữa, chợt nhiên cảm thấy lạ lẫm vô cùng. Trời chớm thu se lạnh, Trần Khâm bắt tôi mặc thêm một lớp áo khoác dày dặn mới cho tôi đi. Tôi nhìn Trần Nhật Duật cười nói:
"Chú Văn học rộng hiểu nhiều, lúc sinh đứa bé này ra thì nhờ chú đặt cho nó một cái tên thật oai nhé!"
Anh ta cũng cười cười nhìn tôi, nhưng nụ cười lại có vẻ ảm đạm.
Hai người chúng tôi bước vào cổng, lính canh nhìn thấy ông hoàng sáu thì cung kính mở cửa cho vào. Tuy tôi chưa từng bước chân vào đây nhưng nhìn phủ đệ rộng lớn, vẻ hoang tàn hiện tại không giấu nổi nét uy nghiêm của xa xưa, như có thể nhìn thấy được ngay trước mắt cảnh tôi tớ lũ lượt theo đoàn.
Bây giờ mọi thứ hết thảy đều tối giản, chỉ có mỗi Mạc Đĩnh Chi ra cửa đón chúng tôi. Thằng bé mặc một bộ quần áo tối màu, nay trông đã chững chạc hơn trước nhiều lắm, có lẽ xảy ra nhiều biến cố khiến nó như già hơn tuổi. Nhưng sau tất cả, nó vẫn còn chịu ở lại nơi đây bầu bạn cùng thầy thì đã là trọn tình trọn nghĩa rồi.
Mạc Đĩnh Chi đứng trước cửa phòng, nhẹ giọng gọi vào:
"Thầy ơi, có thầy sáu và chị đến thăm ạ!"
Nghe anh ta đồng ý mấy người chúng tôi mới nối gót theo nhau vào. Trong phòng có mùi trầm hương nhàn nhạt, chàng trai áo trắng ngồi chống cằm bên cửa sổ, trông anh ta vẫn giống như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, khoé môi vẫn chứa ý cười nhưng lại đầy vẻ lạnh lùng xa cách. Trên người anh ta vẫn mang một khí phách tối cao, không giận mà uy khiến người ta chỉ vừa gặp là nảy sinh cảm giác sùng bái cúi đầu. Nhưng hiện giờ người này lại thiếu đi phần sinh khí, giống như một bức tranh tuyệt đẹp nhưng lại không có hồn.
Trần Ích Tắc nhìn thấy chúng tôi thì xoay người qua ngồi lại ngay ngắn trên sập, anh ta ung dung mỉm cười bảo:
"Chỗ ta không trà không rượu, hãy mau ngồi xuống ôn lại chuyện xưa." – Nói xong lại quay sang Mạc Đĩnh Chi đang đứng bên cạnh, trách – "Cô ấy đã là Tuyên phu nhân, đứa trẻ này thật không có phép tắc gì cả."
Tôi ngồi xuống ghế nhỏ, cũng cười với anh ta:
"Anh Năm cứ gọi tôi như trước."
Trần Ích Tắc đáp:
Ngày đó vì không biết phu nhân nên mới ăn nói bừa bãi, bây giờ đã biết rồi sao lại làm như không biết được?"
Mạc Đĩnh Chi cúi đầu thưa vâng.
Trần Nhật Duật có chút bất đắc dĩ lên tiếng chất vấn, giọng nói có chút khổ sở:
"Từ khi nào vậy?"
Ích Tắc không có vẻ gì nao núng, anh ta vẫn điềm đạm giống như trên đời này chẳng có việc gì làm nhọc lòng được anh ta, mỗi một cái nhấc tay đều vô cùng thong thả, toát ra vẻ hào môn quý khí từ trong xương cốt. Cho dù Trần Ích Tắc nay đã ngã ngựa, quyền và thế chẳng còn lại gì ngoài cái tước Chiêu Quốc Vương chẳng còn chút giá trị, nhưng trên khóe môi anh ta vẫn mang nụ cười không bao giờ tắt.
"Bây giờ chú hỏi chuyện đó thì có ích gì đâu, chuyện đã rồi, anh không muốn liên lụy đến chú. Nhật Duật, chú là đứa mà anh thương nhất."
"Dừng!" – Trần Nhật Duật gằn giọng – "Hai ta là anh em cùng một mẹ sinh ra, nếu anh thật sự muốn như vậy thì anh đã không làm thế rồi. Hoặc chí ít anh đã nói mọi chuyện với tôi chứ không để đến khi tất cả đã không còn gì để cứu vãn mới nói mấy lời vô nghĩa đó."
Trần Ích Tắc chậm rãi đứng dậy bước tới cạnh Nhật Duật, anh ta vỗ vai đứa em trai của mình, ánh mắt trìu mến:
"Làm sao anh có thể làm bẩn lòng trung như trời biển của chú? Giống như hôm nọ khi hay tin Đặng Dương tạo phản, chú đã không ngại ngần đem quân đi cứu viện dù thừa biết đó là người của anh. Anh không hề trách chú, giữa hai ta dù không chung chí hướng nhưng sự thật chú là em của anh không hề thay đổi."
"Nhưng tại sao anh lại làm vậy?" – Tôi hỏi – "Tôi tin anh không phải loại người tham quyền lực giàu sang. Anh dùng người tài cho đất nước, không quan trọng giàu nghèo, chứng tỏ anh không phải kẻ thấy lợi quên nghĩa."
Trần Ích Tắc lại cười lớn, giống như vừa được nghe một điều buồn cười nhất thiên hạ. Anh ta trả lời tôi:
"Phu nhân ngây thơ quá, những kẻ tưởng chừng như vô tâm mới là kẻ có dã tâm nhất. Chỉ khi phu nhân rơi vào hoàn cảnh như ta mới hiểu cảm giác của ta như thế nào."
Trần Ích Tắc dừng lại một chút, giống như đang hồi tưởng về quá khứ ngày xưa, hiếm hoi lắm mới nghe anh ta buông ra tiếng thở dài. Anh ta lại nói, chất giọng ảo não:
"Ngày đó lúc tiên đế còn sống đã yêu thương ta hết mực. Ta chuyên tâm học hành, không thứ gì là không muốn học, không việc gì là không làm, cứ nghĩ trong đám anh em kẻ nào giỏi giang nhất sẽ được nối ngôi. Anh cả do hoàng hậu sinh ra, ngay từ khi lọt lòng đã được chỉ đích danh làm thái tử. Còn ta, chỉ vì là con thứ mà kẻ cha coi trọng nhất như ta phải chấp nhận thoái lui."
Lần này đến lượt tôi cười với Trần Ích Tắc, bởi vì anh ta nói ra một chuyện hết sức nực cười.
"Nếu nói như anh vậy chẳng phải thiên hạ sẽ vì tranh đoạt ngôi báu mà đại loạn sao? Nếu như Thượng hoàng là hôn quân, nếu như quan gia bạo ngược thì tôi chấp nhận anh tạo phản. Còn đằng này, anh có chắc rằng khi mình có được ngôi báu sẽ làm được như họ hay không?"
Trần Ích Tắc ngồi xuống sập gỗ, nhẹ giọng hỏi tôi:
"Phu nhân đang có mang đúng không?"
Thấy tôi sững lại, anh ta liền cười nói:
"Hiện giờ quan gia yêu quý phu nhân hết mực, nếu như phu nhân lại sinh ra một hoàng nam tài giỏi, liệu phu nhân có dòm ngó ngôi báu hay không? Ta nghe nói thái tôn ham chơi, nhưng nếu chỉ vì nó là thái tôn mà ngồi được vào ngôi báu, liệu phu nhân có tránh khỏi ấm ức? Đến lúc đó, thật muốn biết suy nghĩ của phu nhân thế nào."
Tôi lại bật cười, Trần Ích Tắc, anh đang muốn thao túng tâm lý tôi sao?
"Anh năm, anh đừng suy bụng ta ra bụng người nữa, cho dù sau này quan gia truyền ngôi cho ai thì đó là quyết định của chàng, tôi sẽ hết lòng tin tưởng, hết lòng phò trợ cho minh quân. Đừng nói là tôi, cho dù là con tôi nếu như có ý nghĩ không đúng mực đó thì chính tôi sẽ vì nghĩa diệt thân, nhất định không để nó lại đi vào vết xe đổ của anh."
Cả Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật đều nhìn tôi, cái nhìn y hệt đêm đầu tiên bọn tôi gặp nhau, lúc tôi khảng khái buông ra lời mắng mỏ tên Đỗ Thiên Hư ngông cuồng. Tôi lại cảm thấy có làn gió nhè nhẹ, đầu mũi tôi lại như ngửi được mùi dạ lý hương thơm ngát đã từ lâu rồi không bắt gặp, như lại khiến khứu giác tôi một lần nữa lâng lâng.
Tôi lấy ra con dao găm mà Đặng phi đã giao phó trả lại cho Trần Ích Tắc, chỉ thấy ánh mắt anh ta tối sầm lại, phút chốc như trút đi hết sức lực của anh ta. Tôi nghe anh ta nhỏ giọng than:
"Thì ra em ấy đã bội bạc với ta.."
"Nếu như chị ấy không bội bạc với anh, chị ấy sẽ bội bạc với đất nước này."
Tôi nghe thấy tiếng dao rơi "cạch" một tiếng xuống nền gạch. Lúc định rời khỏi thì nghe giọng của Trần Ích Tắc vang lên bên tai:
"Đĩnh Chi là một đứa trẻ có tài, nếu như theo ta thì thật phí phạm cho nó quá, chi bằng Nhật Duật hãy đưa nó về nuôi dạy đi. Gia đình nó đã có một vết nhơ rồi, ta không muốn tiếp tục liên lụy nó nữa."
Tôi quay sang thì thấy Mạc Đĩnh Chi ôm lấy chân Trần Ích Tắc, nước mắt vòng quanh. Từ ban nãy đến giờ nó vẫn đứng bên cạnh không lên tiếng, nay nghe Trần Ích Tắc nói vậy thì khóc thút thít bảo:
"Lúc bái người làm thầy con đã thề mãi mãi bên cạnh chăm lo cho người, một ngày làm thầy trọn đời làm thầy, dù người có sa cơ lỡ bước thế nào con cũng sẽ không rời bỏ. Hãy cho Đĩnh Chi ở lại chăm sóc người."
Chưa kịp nói, Trần Nhật Duật đã lên tiếng trước:
"Anh học cao hiểu rộng hơn tôi rất nhiều lần, Đĩnh Chi đi theo anh là thích hợp nhất. Nếu như anh muốn tốt cho nó thì cứ hết lòng mà rèn giũa. Đến một lúc thích hợp khi Đĩnh Chi đã đủ chững chạc, tôi sẽ tiến cử nó lên làm quan. Quan gia trọng người tài, sẽ không hỏi đến xuất thân của nó đâu."
Tôi và Trần Nhật Duật bái biệt anh ta, lần tạm biệt này không biết bao giờ mới gặp lại được. Cố nhân khó khăn lắm mới lại gặp nhau, không ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh oái ăm này.
Tôi và Nhật Duật ngồi lặng im trong xe ngựa, bên ngoài tiếng mưa thu cứ rả rích đổ lên mái hiên mãi không thôi, tôi lặng yên ngó anh ta, thấy áo của anh ta có chút mỏng manh, không biết đã lạnh trong lòng rồi thì bên ngoài có cảm thấy lạnh không nữa.
Cả hai chúng tôi cứ lặng im như vậy suốt quãng đường, tôi biết Trần Nhật Duật lúc này không muốn nói gì cả, chính tôi cũng không biết phải nói gì để an ủi anh ta. Có lẽ cảm giác của Trần Nhật Duật không chỉ là bi thương mà còn xen lẫn cả thất vọng tràn trề. Tôi chống cằm tựa cửa sổ ngắm mưa nhưng chỉ thấy trắng xóa một màu, tiếng xe ngựa lộc cộc quyện vào tiếng mưa rơi trên mái ngói lưu ly như một bản nhạc buồn da diết.
Đến Cấm thành, từ xa xa tôi đã nhác trông thấy bóng dáng Trần Khâm che ô đứng dưới làn mưa, ánh mắt anh ta nhìn về phía tôi dịu dàng đến kỳ lạ. Tà áo của anh đã bị mưa tạt ướt một mảng, trông buồn cười mà cũng thấy thương thương. Trước đây Quốc Tảng cũng có lần nhìn tôi từ xa dưới làn mưa rả rích như thế, nhưng cảm giác lúc ấy tôi chỉ thấy thương cảm và ray rứt, nhưng lần này đối với Trần Khâm lại thấy thật ngọt ngào. Giống như vĩnh viễn có một người đứng chờ tôi bên cổng thành như vậy, dù gió ào ạt, dù mưa mịt mù.
Xe ngựa của Trần Nhật Duật dừng lại trước cổng Cấm thành, Trần Khâm cẩn thận đỡ tôi xuống. Anh ta bất chợt mỉm cười với tôi, tôi cũng nhìn anh ta bật cười. Có lẽ đây chính là điều hạnh phúc nhất của đời người, khi người ấy vì ta mà mỉm cười, và ta cũng cười khi thấy được người ấy.
Trần Nhật Duật cũng xuống xe bái biệt với Trần Khâm, tôi nhìn anh ta an ủi:
- Chú Văn không cần phải canh cánh trong lòng nữa, cứ để mọi chuyện đi theo quỹ đạo của nó đi.
Trần Nhật Duật cũng mỉm cười với tôi:
- Hy vọng mọi chuyện được như lời phu nhân nói!
Tôi đứng nép mình trong l*иg ngực ấm áp của Trần Khâm, nhìn cỗ xe ngựa của Trần Nhật Duật đi xa dần, khuất dạng trong màn mưa thu thăm thẳm.