Sau khi đánh mấy trận, cục diện hiện tại chính là Vạn Kiếp trở thành cứ điểm chính của Thoát Hoan, với sự hội quân của thủy binh Ô Mã Nhi cùng với nhánh quân đã tách ra từ trước, hết thảy đều thu về một mối. Chính Trần Ích Tắc là kẻ được mang danh để hộ tống về triều đình.
Không, quân Thát vẫn còn một cánh đang nằm lại ở Phú Lương vì bị Trần Nhật Duật chặn đánh, hiện tại vẫn còn đang giằng co chưa rõ sống chết, chờ đợi Thoát Hoan cử binh đến giải vây. Nhưng cho dù là Trần Nhật Duật, thì với khí thế này của chúng, đến ngày chúng vươn tay tới kinh thành thì ắt hẳn Trần Nhật Duật cũng sẽ bị cô lập mà thôi.
Lúc này cha tôi đang đóng ở bờ sông Đuống truyền tin về, rằng Thoát Hoan đã bố trí cả quân bộ và quân thủy dày đặc khắp các ngả sông, lại dựa vào thế núi Chí Linh và Phả Lại mà xây dựng thành gỗ và kho lương rất kỳ công. Thế nên Trần Khâm vừa về đến đã cử tướng đem Thánh Dực quân đến viện trợ.
Trừ khi là trí nhớ quá kém, còn nếu không, Thoát Hoan ở Vạn Kiếp giống như con hổ thỏa sức vùng vẫy trong khu rừng. Thoát Hoan so ra còn rành rẽ từng ngóc ngách ở đấy hơn là tôi nữa, dù sao thì cũng là kẻ từng lăn lộn tranh đoạt sự sống trong cái chết ngần ấy năm. Anh ta đi nước cờ này quả thật là không thể chê vào đâu được.
Lần này đánh sang Đại Việt, ngoài Trần Ích Tắc ra, liệu có.. An Tư không nhỉ?
Thực tế tuy nói lần này là ta cố gắng giành thế chủ động, từ mặt trận trong nước đến chủ động tin tức bên ngoài, nhưng đứng trước một đội quân thiện chiến từng đánh tây dẹp đông cũng là không thể chủ quan được. Người ta ít nhiều gì dám mang quân đi đánh thì cũng có mấy phần nắm chắc, kết quả mấy trận phủ đầu đều giành thắng lợi trước quân ta, sĩ khí hừng hực ban đầu lại tiêu tan đi một phần. Cũng may truyền thống dân tộc trước giờ yêu nước từ trong xương tủy, tướng ta cũng toàn kẻ cứng cỏi chưa từng biết chùng bước là gì.
Lần này đã có kinh nghiệm, Trần Thì Kiến cùng mấy phụ tá làm công tác sơ tán kinh thành hết sức nhanh chóng, không uổng từng ấy năm ăn cơm mặc áo của triều đình. Anh ta làm người không tệ, lại thêm bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường, đến nay vợ con đuề huề, rất ra dáng một người chủ gia đình. Mà Trần Khâm đối với anh ta vô cùng ưu ái, trước là phụ tá đắc lực đi theo bên mình, nay tuy không thường xuyên túc trực bên cạnh, nhưng có việc vẫn vô cùng trọng dụng, phàm là việc gì đều luôn nghĩ tới anh ta trước tiên.
Riêng tôi lại cảm thấy thế đạo này lại đúng với bốn chữ "chủ nào tớ đó", Trần Thì Kiến hành xử nhiều lúc khiến tôi không thể nào mà hiểu được. Giống như ngày trước anh ta mở miệng ra trổ tài bói toán cho tôi, nói tôi có số giàu sang phú quý, lại còn có số phận sẽ ở kinh thành. Sau này dù đúng thật là như thế, nhưng tôi lại không tin tưởng được, liệu là anh ta tự mình bói ra thật, hay là do Trần Khâm ở phía sau động tay động chân.
Sau này khi đánh với quân Thát vào những năm trước, có lần Trần Khâm lại sai anh ta bói toán, được quẻ Dự biến sáng quẻ Chấn là tốt. Mùa hạ năm sau, quả nhiên quân Thát đại bại, đúng y như lời đoán của anh ta. Tôi lại ngẫm nghĩ một phen, nếu lúc ấy Trần Thì Kiến đoán là quân ta thua, liệu anh ta có bị đổ cho cái tội mê hoặc quân vương, làm nhục chí quần thần không nhỉ. Vẫn là đoán thắng mới tốt, cho dù không biết trước là thắng hay bại, trước mắt cứ cho binh lính thêm niềm tin, sĩ khí ắt hẳn tăng vọt. Ngược lại nếu như chưa đánh đã sợ, làm gì cũng e dè không dám quyết, thì dù có thắng cũng thành thua.
Kể từ dạo đó uy tín trong chốn quan trường của Trần Thì Kiến càng thêm tăng vọt, vốn là một người trẻ tuổi chẳng hề có gốc gác, phải dựa vào phủ Hưng Đạo tiến cử vào làm quan mà nay lại được quan gia trọng dụng làm An phủ sứ một lộ lớn, nổi tiếng thanh liêm, có tài đoán quẻ, lại chưa từng phạm phải cái sai nào. Loại người thông minh thức thời như là anh ta, cho dù đôi lúc hành xử có chút lạ lùng, nhưng sợ là vẫn còn tiến xa lắm.
Đến năm nay Trần Thì Kiến cũng đã trổ tài rồi, anh ta gieo được quẻ Quán biến sang quẻ Hoán, rồi đoán: "Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan". Dù tôi không tin tưởng lắm mấy trò trông qua có vẻ cao siêu này, nhưng vốn những thứ mà các cụ đã để lại, ắt hẳn cũng được thử qua nhiều lần mới đúc kết lại để truyền cho con cháu đời sau, tốt xấu gì những thứ đi vào sách vở cũng đều có lý do của nó.
Tối đó tôi ngồi bế Huyền Trân mới chợp mắt được một lát, mơ mơ màng màng đã nghe tiếng trống hiệu, biết là có sự không ổn liền ngay lập tức tỉnh táo hẳn, quả nhiên Trần Khâm vẫn chưa trở về. Tôi mặc dù không đến nỗi phải mặc giáp đeo gươm nhưng cũng nhanh chóng thay một bộ áo ngắn, lại tiện tay với lấy con dao găm giắt bên hông, ôm Huyền Trân bước ra bên ngoài.
Lúc này đèn đuốc đã đốt sáng rực cả một khoảng sân, Thụy Hương dắt tay Quốc Chẩn cũng thu dọn đồ đạc ổn thỏa đang đứng đợi tôi phía trước, có mấy binh sĩ cấm vệ quân đã đứng đợi sẵn phía trước cửa cung. Bấy giờ tôi mới biết hóa ra là do cha tôi phó thác cho Phạm Ngũ Lão đưa một toán quân tinh nhuệ trở về hộ tống bọn chúng tôi lên thuyền ra biển đi ngược lên để tránh thế giặc mạnh.
Tình hình này không phải là chưa từng trải qua, trước đây không biết bao nhiêu lần vua tôi phải lên thuyền đánh lạc hướng địch, nhưng trong trạng thái gấp rút bị động đến độ này thì quả thật là chưa từng xảy ra. Phạm Ngũ Lão một đường đánh trở về, gặp qua không biết bao nhiêu là gian khổ, nếu nói là gặp cướp gặp thổ phỉ thì chi bằng nói chính là lũ gian tế mà Thoát Hoan đã cho trà trộn vào.
Lúc tới nơi chỉ nói được mấy câu ngắn gọn, rằng chúng đã đánh vào các vị trí bảo vệ trên sông Đuống, cha tôi phải vừa đánh vừa rút lui về kinh thành.
Hiện tại thủy binh của cha tôi vừa về đến nơi, mà bên kia bờ sông Nhị Hà quân Thát cũng đã bao vây hò hét, cũng may trước đó Phạm Ngũ Lão đã về tới, vừa gấp rút dọn đường vừa chuẩn bị thuyền cho mấy người bọn tôi rút lui an toàn theo một hướng khác.
Tuy không nghe nói, nhưng theo tôi suy đoán thì có lẽ lúc này ngay cả đội quân của Trần Nhật Duật e cũng rơi vào cảnh thất bại rồi, thế nên Thoát Hoan mới có đủ tự tin mà hoành hành ngang dọc như thế.
Trong lúc di chuyển ra chiến thuyền, nghe đâu là cha tôi đã sai người giả vờ đi cầu hòa, tình thế mới có vẻ êm xuôi như thế. Tôi có chút thắc mắc, trước đây không phải là cũng từng xảy ra cơ sự này hay sao, Thoát Hoan sẽ lần nữa tin tưởng chứ? À, tôi lại quên mất hiện giờ bên cạnh anh ta lại chính là kẻ lòng đầy mưu kế Trần Ích Tắc.
Nếu nói Thoát Hoan là kẻ âm hiểm mưu mô, nhưng chưa chắc có thể sánh ngang với Trần Ích Tắc, lại nghĩ với ba tấc lưỡi của anh ta, Thoát Hoan sẽ tin sái cổ cũng nên. Cho dù là lưỡng lự, có lẽ cũng đủ để bọn tôi rút lui an toàn rồi. Đương nhiên việc này chỉ là do tôi suy đoán lung tung, việc bên trại giặc vốn là thứ khó lường mà bất cứ ai cũng không thể đoán được, có thể là một giây trước anh có thể sống, một giây sau cổ của anh đã đứt lìa.
Rồng rắn kéo nhau ra bãi thuyền đã thấy cha tôi kính cẩn đứng ở đấy, dưới ánh đuốc lập lòe chỉ thấy bóng dáng người gầy gò nhưng rắn chắc, vẻ mặt đen rám nắng, giống như những ngày gần đây chịu không ít khổ cực. Tôi bỗng thấy xót xa trong lòng, đáng ra với tuổi này người đã được sống an nhàn ở quê nhà, nhưng đám ngoại xâm lại phiền hà như thế. Mẹ tôi bước đến gần cha tôi, giữa hai người giống như có một sợi dây kết nối vô hình, chỉ cần nhìn một cái là hiểu được tất cả những gì muốn nói.
Đến lúc lên thuyền bỗng nhiên nghe đùng đoàng mấy tiếng, Trần Khâm đỡ lấy tôi vào trong khoang, nhỏ giọng hỏi:
- Đã bắt đầu rồi sao?
Cha tôi gật đầu, lại chau mày đáp:
- Có vẻ là hơi sớm. – Nói xong thì quay sang ra lệnh nhổ neo – Mau đi thôi!
Kế hoạch ban đầu là nghị hòa, sau đó đợi Quan gia và Thượng hoàng rút lui ổn thỏa thì Chiêu Minh vương sẽ sai quân vừa bắn đá đánh lạc hướng địch, vừa chia ra nhiều tốp vào trại địch đánh phá lương thực rồi rút lui. Đường lui đều chuẩn bị sẵn, cho dù là gặp truy binh thì cũng khó lòng mà nắm thóp được quân ta. Nhưng theo như cha tôi nói thì có vẻ tên Thoát Hoan này đã nghi ngờ, còn việc quân ta đánh nhau sớm hơn dự định với chúng, chỉ sợ là trong lúc thương lượng đã có cảnh đổ máu.
Đoàn thuyền ban đầu chậm rãi rời khỏi bến cảng, sau lại từ từ tăng tốc, dự định ra khỏi cửa biển sẽ vòng lên Tháp Sơn. Nơi đó có sẵn lương thảo thuốc men, viện binh đã lập đồn chờ sẵn. Có điều người tính lại không bằng trời tính, vừa gần tới cửa biển thì trời cũng tờ mờ sáng, trong ánh dương rạng lên nơi đằng đông, ngoảnh lại bỗng thấy cờ giặc tung bay lấp ló phía sau. Tôi vén mành nhìn ra, toàn bộ chiến thuyền của chúng trông như một bầy ngạc ngư ngẩng đầu lên từ dưới đầm lầy, nhe răng há miệng lộ ra mấy cái nanh nhọn hoắc.
Lúc này mới ước chừng nếu có Trần Khánh Dư ở đây lại hay, với tài năng của anh ta thì việc tạo ra một cuộc đua quy mô lớn như thế này không phải là không có khả năng khiến cho địch thủ bị bỏ xa mất hút. Đáng tiếc là bọ Thát này quá âm hiểm, bọn chúng ấy vậy mà lái thuyền không một ngọn đuốc, không một tiếng ồn, cứ thế như con hổ dữ rình mồi, cả đêm vẫn đang âm thầm tiến sát. Còn chúng tôi, hây da, vẫn chủ quan chẳng chút phòng bị nào.
Nhưng rõ ràng việc bị đuổi theo thế này không nằm trong dự liệu, ai ngờ tên Thoát Hoan kia lại đánh hơi được nhanh như thế nhỉ, nhiều lần trông thấy anh ta bị dắt mũi, lại cứ tưởng đâu là anh ta ngu ngốc thật.
Trong lòng tôi âm thầm nói lời xin lỗi với Thoát Hoan, ngoài miệng lại cảm khái:
- Thoát Hoan này, quăng một cục xương ra nói không chừng anh ta còn chạy lại đớp!
Trần Khâm ở bên cạnh cũng nghe ra ý châm chọc của tôi, liền nhếch môi:
- Sao, ngày đó ai nói Thoát Hoan là tri kỷ vào sinh ra tử với nhau ngần ấy năm, bây giờ lúc trở mặt lại quay sang ví người ta là chó rồi?
Tôi cười hì hì:
- Trên đời ấy mà, không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Trần Khâm chỉ cười không đáp, nhưng trông khóe miệng hơi giương lên, ngầm tỏ vẻ hài lòng. Đàn ông mà, trêu chọc mấy câu vừa ý thì lại vui vẻ ngay.
Lúc này có kẻ hớt hải chạy vào khoang trong cấp báo:
- Bẩm, giặc Thát đã giương buồm sắp đuổi tới nơi, Quốc công nói mọi người hãy chuẩn bị sang thuyền nhỏ vào Thanh Hóa, Quốc công sẽ dẫn thuyền lớn vòng lên Tháp Sơn đánh lạc hướng địch. Ngay tại ngã rẽ lập tức chia ra.
Trong khoang lại rơi vào không khí nhốn nháo, thượng hoàng liền lên tiếng ra lệnh, phân ra ai ở ai đi. Tuy nói là chia ra làm hai, nhưng cốt yếu vẫn là an nguy của Quan gia và Thượng hoàng được đặt lên trên hết.
Trên thuyền cũng không được tính là nhiều người, ngoài những vị tai to mặt lớn trong tông thất cùng với gia quyến và những kẻ thân tín theo hầu, còn lại trong kinh thì theo đường tắt di tản sang những vùng lân cận. Trong số những tông thất đó đa phần là thề thốt hi sinh bản thân để bảo vệ vua, cũng không ít người bằng mặt nhưng không bằng lòng, một số người còn tuyệt vọng khóc thút thít. Tôi lại cảm thấy ở trên thuyền nhỏ ngoài có tác dụng dễ dàng ẩn nấp do thuyền lớn dễ thu hút sự chú ý của địch thì so ra thuyền lớn lại có vẻ an toàn hơn. Đi ra cái vùng biển mênh mông này, bể sâu sóng cả, đúng là rất nhiều thứ khó nói.
Rốt cuộc sang thuyền nhỏ thì chỉ gồm những kẻ trong hoàng tộc và trẻ con, duy chỉ có mẹ tôi là kiên quyết cùng cha ở trên thuyền lớn. Tôi đứng nhìn Phạm Ngũ Lão lần lượt đưa mọi người xuống thuyền, bỗng thấy chần chừ:
- Hay để em ở lại thuyền lớn giúp cha...
Không hiểu sao trong lòng lại có cảm giác bất an lo lắng, cũng không phải là cha tôi chưa từng làm mấy việc cứu vua như thế này, chẳng phải đều bình an quay về, lập nên chiến công hiển hách hay sao?
Trong lúc đợi mọi người xuống thuyền, tôi cứ liên tục ngoái đầu nhìn cha mẹ, cõi lòng dấy lên đau xót và khó xử. Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, không ngờ cha mẹ lại phải làm nhiệm vụ chiêu dụ địch để đổi lấy an toàn cho mấy kẻ chúng tôi, Trần Khâm là vua thì không nói, vốn dĩ anh ta bắt buộc phải bình an, bảo vệ anh ta là nghĩa vụ của tất cả mọi người, nhưng còn tôi..
Trần Khâm đứng dưới mũi thuyền nhỏ chìa tay với tôi, cau mày nói:
- Đi thôi, có em hay không cũng không có khác biệt gì lớn.
Lúc này thuyền của giặc Thát đã đuổi sắp tới, tên bắn rào rào sang như mưa, tuy khoảng cách còn xa tít nhưng sức sát thương lại không thể coi thường.
Đang còn đứng khựng ở đó, phía sau bỗng nhiên có lực đẩy khiến tôi ngã nhào về phía trước. Trần Khâm nhanh tay bắt được tôi, tôi quay mặt lên nhìn chỉ thấy gương mặt mẹ tươi cười nhìn mình vẫy tay, sau đó là tiếng hô vang dội của cha tôi cất lên, con thuyền lớn trước mặt rẽ sóng quay đầu chạy đi xa tít.
Đám người của chị Anh Nguyên cũng đau xót nhìn tôi, khẽ an ủi:
- Yên tâm đi, tất cả mọi người đều sẽ an toàn.
Đó cũng là thứ duy nhất mà tôi mong muốn.
Phạm Hữu Thế lái thuyền nhỏ đưa mấy người bọn tôi đi ngược hướng với cha, thoắt cái bóng dáng của cha mẹ tôi chỉ còn giống như những chấm nhỏ thanh mảnh trên giấy mật hương chỉ. Lúc này bỗng nhiên có tiếng hô hào báo động cứu giá, lại không kịp chặn được mấy mũi tên xé gió lao về, rốt cuộc kẻ được cứu giá lại đỡ giúp tôi một mũi tên sắp sửa xuyên qua lưng, lấy đi của người kia không ít máu thịt trên cánh tay trái.
Cả thuyền thêm một trận nhốn nháo, tôi hoảng hốt nhìn Trần Khâm, anh ta lại nhanh chóng lôi mình vào khoang thuyền, lúc an ổn rồi mới rút mũi tên ra, không hề nhăn mày lấy một cái, dùng vải sạch quấn lại.
Đáy lòng tôi bỗng dâng lên nỗi căm tức, vén màn nhìn ra bên ngoài liền cảm thấy bạo gan hơn. Tôi đoạt lấy cung tên của một binh lính, Trần Khâm lại nắm chặt tay tôi. Dù sao anh ta chỉ bị thương tay trái nên vẫn còn sức lực giữ lấy tôi ở lại, nhưng đáng tiếc là bởi vì chỉ còn có một tay nên không thể ra ngoài sát cánh cùng tôi. Tôi gạt tay anh ra, chỉ dùng ánh mắt kiên cường nhìn anh, Trần Khâm lúc này bèn thở dài bất lực, cũng không cố gắng giữ tôi lại nữa.
Cẩn thận bước ra bên ngoài, hình như tên vẫn còn bắn xối xả, đoàn thuyền của chúng áng chừng năm mươi chiếc, trên mỗi thuyền lại không có nhiều người, binh lính mang theo phần lớn ở trong khoang chèo, ở bên trên là đội xạ thủ không ngừng bắn tới. Tuy chúng tôi là thuyền nhỏ đi nhanh, nhưng nếu với tình hình này, chỉ e bọn chúng sẽ nắm được đường đi nước bước, sau đó đại quân đuổi theo thì sẽ thật gay go.
Bên ta ấy vậy mà chỉ có năm chiếc thuyền vừa, lấy một địch mười, liệu có đường thắng hay không?
Phạm Hữu Thế đứng ở đầu tàu chỉ huy, thỉnh thoảng chém bay vài mũi tên phóng tới, anh ta vốn là thân tín của cha tôi, là một người cực kỳ giỏi bơi lội và thuỷ chiến. Phạm Ngũ Lão lại đứng ở phía đuôi thuyền, anh ta hình như cũng cùng suy nghĩ với tôi, nhác trông bóng dáng tôi lấp ló bên mạn phải, anh ta cười ha hả, lớn giọng nói:
- Cũng không uổng công ngày trước luôn khen ngợi em.
Tôi nhếch môi nhìn anh ta, đáp:
- Không chỉ là ngày trước đâu, hôm nay tôi lại càng khiến anh phải luôn miệng tán dương!
Ngày trước Phạm Ngũ Lão tuy chỉ dạy tôi phân nửa thời gian, nhưng những gì anh ta truyền thụ lại khác hoàn toàn với anh Quốc Tảng. Nếu như Quốc Tảng thiên về những thứ táo bạo mạo hiểm, gặp chiêu phá chiêu thì Phạm Ngũ Lão lại dạy theo cách chậm rãi mà an toàn, tính toán kỹ lưỡng. Bởi thế trên chiến trường, chưa từng thấy anh ta phạm phải sai lầm nào dẫn đến thất bại. Còn Quốc Tảng, có lẽ giờ này đang đánh nhau với Thoát Hoan ở kinh đô.
Tên đã tra vào cung, Phạm Ngũ Lão bèn lệnh cho thuyền bơi chậm lại, dàn hàng trước mặt chúng.
Ước chừng còn cách địch tầm hai trăm bước, mũi tên của anh ta liền vυ"t một phát lao đi. Trong tích tắc tôi bỗng thấy một kẻ đứng trên mũi thuyền té lộn cổ xuống nước. Tức thì xạ thủ trên mấy chiếc thuyền khác như có lệnh được bắn cũng đồng loạt cất cao dây cung, thuyền xa thì dùng cung, thuyền gần thì dùng nỏ, thoắt cái xác giặc rơi xuống khắp nơi, nhuốm dòng nước đi qua thành một màu đỏ ối.
Giống như bất ngờ vì chúng tôi dám cho thuyền đi chậm lại để trả đũa, bọn Thát liền có vẻ nhao nhao lên lại tiếp tục điên cuồng bắn trả, khiến không ít binh lính bên ta cũng rơi xuống nước.
Trong lòng tôi thầm mắng Phạm Ngũ Lão bắn tên mà không ra hiệu, tức thì nhân lúc chúng đang cuống cuồng, bắn một lúc năm bảy phát, lại trượt hai phát do gió thổi mạnh. Phạm Ngũ Lão mỗi lần bắn ra ba mũi tên, ấy vậy mà không mảy may trượt một phát, khiến bọn chúng kẻ trúng tên rơi xuống, kẻ bị ngã trúng rơi xuống, ồn ào cả mặt sông, tốc độ đuổi bắt nhờ thế cũng chậm đi rất nhiều. Lúc này Phạm Ngũ Lão mới thôi nhíu mày, khẽ thả lỏng nói:
- Sao thế, sống an nhàn bao năm nên ngón nghề không thạo nữa à?
Tôi có chút đỏ mặt, được thôi, chính tôi như thế còn vợ anh thì thế nào, chẳng phải là hăng hái chăm chồng dạy con đến mức mập mạp béo tốt ra, đến múa kiếm còn không nổi hay sao? Có điều lại không thể phủ nhận được bản thân mắt kém tinh hơn xưa nhiều rồi, người có tuổi rồi, sức lực cũng không còn được như trước nữa.
Bởi vì lính ở trên mạn thuyền bị tên bắn quá nửa nên đám lính chèo thuyền cũng bất giác bơi chậm hơn, thấy tình thế đã ổn, mưa tên bên chúng cũng chỉ còn bắn sang rải rác, Phạm Hữu Thế liền ra lệnh cho lính chèo thuyền của ta bất giác chèo nhanh hơn, đi qua một khúc cua đã thành công làm mất dấu bọn chúng. Tuy vậy cũng không hề thả lỏng, năm chiến thuyền vẫn lao nhanh trên mặt biển mênh mông như những con cá buồm.
Tôi mang tâm trạng ỉu xìu chui vào trong khoang thì thấy Trần Khâm vẫn đang mặt cau mày có, đến lúc gặp tôi toàn vẹn trở vào anh ta mới thả lỏng một chút, mỉa mai nói:
- Thế nào rồi, đã vừa lòng em chưa?
Tôi xì một tiếng, lại trông thấy con nhóc Huyền Trân đang nằm trong vòng tay của Thuỵ Hương thì tâm trạng mới đỡ hơn, ngay lập tức ôm nó thơm mấy cái. Mấy đứa trẻ này mới bao nhiêu tuổi đầu, mà đứa nào đứa nấy đều lăn lộn chịu khổ, tương lai ắt hẳn chẳng có ai là kẻ tầm thường.
Vào Thanh Hoá không lâu, bỗng dưng có một vài hạm đội thuyền tìm được vào nơi vua ngự. Hoá ra đây là những đội thuỷ quân khi trước cha tôi sắp xếp để chặn thuyền giặc đuổi theo, lại không ngờ tất thảy đều thất bại, co cụm lại tìm cơ hội để tiếp ứng. Nói về vấn đề đánh trực diện thì đám người này không cản được khí thế như thác lũ của giặc, nhưng nói về do thám hay hóng chuyện thì lại khiến người ta không thể chê vào đâu.
Hóa ra hôm đó thật sự là do trong lúc giảng hòa, một tướng là Trần Ngạc trúng tên chết, sau đó cả hai bắt đầu rơi vào cảnh người chết ta sống. Bởi vì bất đắc dĩ đánh sớm hơn dự định nên Ô Mã Nhi đã gần như ngay lập tức phát hiện ra thuyền chiến của ta ngược sông ra biển, bèn tự mình dẫn một hạm đội gấp rút đuổi theo, một đường dẹp bằng sạch những cứ điểm ở Chương Dương, Hàm Tử và Tây Kết.
Sau đó một vị tướng là Nguyễn Khoái cầm quân Thánh Dực đã đứng ra tập hợp lại tàn binh, âm thầm đi theo chiến thuyền của chúng, lại lợi dụng lúc chúng đuổi theo cha tôi ở phía sau tung tin đồn nhảm, nói rằng ở phía Thanh Hóa có một đạo quân lớn đang mai phục. Ô Mã Nhi cho người đi thám thính, quả nhiên là tin sái cổ, thuyền đã đuổi được nửa đường vội quay đầu trở về. Nhân lúc đó, Nguyễn Khoái lần theo tung tích tìm đến được đây.
Thật ra ý này vốn không phải là của Nguyễn Khoái, bên cạnh ông già có một cậu quân sư vô cùng trẻ tuổi trạc mười sáu mười bảy, lại vừa lúc cùng tuổi với Mạc Đĩnh Chi tên là Trương Hán Siêu.
Mạc Đĩnh Chi hiện tại đang đi theo chú sáu làm quân sư quạt mo, mặc dù có vẻ chú ấy không cần tới lắm. Nhưng dù sao hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu, vậy là ông chú sáu nhân tiện đưa Mạc Đĩnh Chi đi cùng nam chí bắc, vào sinh ra tử mấy phen sớm đã tôi luyện thằng nhóc nhút nhát ngày nào trở nên gan dạ bản lĩnh, thầy sáu đương nhiên rất hài lòng, mà thầy năm ở bên kia chiến tuyến có lẽ còn hài lòng hơn.
Nhưng Trương Hán Siêu lại khác với Mạc Đĩnh Chi ở chỗ, nếu như thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi trời sinh xấu xí, thì Trương Hán Siêu lại có dáng vẻ thư sinh nho nhã, mặt trắng môi hồng, dù thế nhưng lại tỏ ra là kẻ có tính tình cương nghị. Trương Hán Siêu này nghe đâu là học trò giỏi nhất trong phủ của Trần Ích Tắc, thường thay thầy của cậu ta dạy dỗ học trò. Sau khi học đường của Trần Ích Tắc vắng vẻ, cậu ta theo cha tôi làm cố vấn, được cha tôi tin dùng.
Lần này cha tôi cử cậu ta đi chung với Nguyễn Khoái, theo lời của cậu ta là:
- Nguyễn tướng trời sinh dũng mãnh, có tôi chỉ như thêu hoa trên gấm. Nhưng vì Quốc công tin tưởng sai đi, tôi cũng không thể phụ tấm lòng ngài.
Vào tai tôi chính là Nguyễn Khoái có dũng nhưng ít mưu, chỉ sợ gặp những lúc khó nghĩ lại đưa ra sai lầm, vì thế cha tôi đành rứt ruột giao mưu sĩ của mình cho ông ta, hy vọng đưa ra được những quyết định sáng suốt. Nhưng đấy dù sao cũng là do tôi nghĩ, Nguyễn Khoái sống từng ấy năm, đến nay cũng trạc năm mươi tuổi, lại được tín nhiệm giao cho Thánh Dực quân thì cũng không phải kẻ tầm thường, dù vốn dĩ Thánh Dực quân là đội quân đáng ra nên đi theo Trần Khâm lúc nước sôi lửa bỏng. Nói về ông già Nguyễn Khoái này thì nổi tiếng nhất chính là truyền kỳ về việc sức khỏe hơn người, từng dùng tay bẻ sừng trâu.
Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó, lúc đuổi theo chiến thuyền của cha tôi, khi Ô Mã Nhi bị bỏ lại ở Long Hưng, gã đã cho người đập phá Chiêu Lăng của tiên đế.
- Làm sao mà chúng biết? – Tôi hoảng hốt hỏi.
Trương Hán Siêu căm giận đáp:
- Ô Mã Nhi có từng nghe qua, sau đó sai người đi dò hỏi. Quan gia yên tâm, những kẻ hèn nhát tiết lộ, tôi đã cho người đi trừng phạt rồi. Sau đó thằng khốn Ô Mã còn thách thức nữa, đúng là phường đầu trộm đuôi cướp.
Nguyên văn của Ô Mã Nhi là câu "Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước".
Tôi nhìn thấy trán Trần Khâm nổi gân xanh, tay nắm thành quyền đập mạnh xuống bàn làm nước trong chén sóng sánh như muốn trào ra ngoài. Việc như thế thì ai mà không giận nổi chứ, cũng may là Thượng hoàng không có mặt ở đây, nếu không chẳng biết là người sẽ nóng giận thế nào, sợ lại làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Kể từ khi Thái hậu mất, Thượng hoàng yếu hơn trước rất nhiều.
Tên Ô Mã Nhi này, đập phá mồ mả ba đời nhà hắn cũng chưa rửa được hận.
Trần Khâm cho Trương Hán Siêu trở về, lại dặn dò không ai được bép xép cho Thượng hoàng nghe chuyện này. Tôi nhìn vẻ mặt anh hết phẫn nộ rồi lại lộ ra vẻ chán nản, có lẽ đang cảm thấy bất lực vì bản thân chỉ có thể trốn chạy mà vẫn chưa thể tự tay chém kẻ kia ra làm ngàn mảnh.
Tôi khoác áo choàng cho anh, nhẹ giọng nói:
- Việc gì ban đầu mà không gặp chút gian nan, như bây giờ đã tốt hơn năm đó rất nhiều rồi. Hiện giờ chúng đang khinh ta, làm việc ắt sẽ chủ quan hơn, khi địch như thế chúng mới dễ dàng thua cuộc.
Trần Khâm dần bình tĩnh lại, trong mắt giống như xẹt qua một tia quyết tâm.
Nói chung trong lúc đóng quân ở Thanh Hóa cũng không được rảnh rỗi, Trần Khâm cho binh lính xẻ gỗ làm thuyền, thuyền to hai tầng, thuyền nhỏ bọc sắt ở đầu cốt để đâm thủng thuyền địch, thuyền nhẹ, thuyền lửa đều đủ cả, rốt cuộc chỉ trong thời gian ngắn đã tạo nên một hạm đội thuyền hoành tráng.
Trong lúc này ở Thanh Hoá chỉ đón những trận tấn công nhỏ lẻ của địch ở những đồn trại nhỏ nằm rải rác, thực chất những trận đánh này chỉ là những trận nghi binh nhằm đánh lạc hướng chúng mà thôi. Cho dù quân Thát liên tục thắng nhưng cũng mấy lần vồ hụt, chúng lại lâm vào tình trạng hoang mang, dần nản chí rút trở về.
Đương lúc này truyền về hai tin một tốt một xấu, Trần Khâm hỏi tôi muốn nghe tin nào trước. Tôi bế con bé Huyền Trân, thấy nó liên tục phun bong bóng nước, cái miệng nhỏ chu chu làm xấu, bèn đáp:
- Tin xấu trước đi vậy!
Trần Khâm bật cười, đây là nụ cười có vẻ hiếm hoi của anh ta mấy ngày hôm nay. Nhớ ngày tôi mới gặp lại anh ta sau bao năm dài xa cách, gương mặt của anh trắng trẻo đẹp đẽ, làn da căng bóng hồng hào mang nét trẻ trung, lại giống như vẫn còn vương chút trẻ con nơi đầu mày cuối mắt. Ngày còn nhỏ Trần Khâm đẹp như tạc tượng, đứng cạnh anh ta giống như tắm trong cái nắng tháng ba, cả người lúc nào cũng toả ra thứ ánh sáng chói mắt, làm tôi ít khi dám nhìn thẳng. Tôi cũng là vì có chút ghen tức với gương mặt này, nên có đôi lần cố ý ra vẻ với anh ta, thằng bé Quốc Chẩn ngày nay tuy giống, nhưng nói thật lòng thì không bằng.
Hiện tại tuổi cũng lớn rồi, chút trẻ con khi ấy bay biến, gương mặt trở nên sắc cạnh, khi cười cũng hằn lên một đường rãnh nam tính, lại trông phong độ và cuốn hút theo một cách riêng.
- Tin xấu là kinh thành đã thất thủ, chú sáu thì rút về phía Bắc, chú ba cũng rút khỏi thành.
Nói xong thì không khỏi buông tiếng thở dài.
Đúng là đoán không sai, Trần Nhật Duật đã sớm bại trận. Còn kinh thành, chuyện mất thành là chuyện sớm muộn, dù sao trong thành là thế cô lập, dễ thủ nhưng khó công, thủ không tốt còn dễ dàng rơi vào hiểm cảnh. Lại nói với cảnh mèo vờn chuột như lúc này, không loại trừ ý định của cha tôi là muốn câu thời gian cho đến khi bọn chúng lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như lần trước. Hiện tại đã là tháng hai, nắng đã gắt hơn rất nhiều.
Trông vẻ mặt nhăn mày nhó của anh ta, tôi bất chợt nhếch môi:
- Thở dài cái gì, không phải ý của anh là cho chú sáu phân tán ra để chặn đường liên lạc của chúng về Nguyên hay sao? Còn chú ba ra khỏi thành, ngày đêm có lúc nào để cho Thoát Hoan yên ổn. Vừa bị cô lập trong thành không liên lạc được về nước, lại vừa bị quấy rối ngày đêm, Thoát Hoan không khéo lại phát điên mất.
TruyenHDTrần Khâm ngạc nhiên nhìn tôi:
- Làm sao em lại biết được?
Tôi dùng tay xoa nắn hai bên má của anh ta, mím môi:
- Chàng đang gạt trẻ con hay sao, suy nghĩ viết hết lên mặt rồi – Lại hối thúc – Vậy còn tin tốt?
Nét mặt Trần Khâm lúc này mới trở lại bình thường, mang thêm chút phấn khích kể lại:
- Lần này Nhân Huệ vương và Hoài Văn quân lập công lớn rồi, lần đó anh ta ở lại Vân Đồn, có lẽ là biết được thuyền lương của địch vẫn còn theo phía sau, bèn lâu ngày dài tháng chờ đợi mà không hề rút quân. Quả nhiên lúc đoàn thuyền lương của chúng nặng nề đi ngang, thuỷ quân của Nhân Huệ Vương ngay lập tức chặn đánh, khiến bọn chúng trở tay không kịp, chết đuối rất nhiều. Đến khi chạy trối chết vào bờ, ngược lại còn gặp phải tập kích ác liệt hơn, rốt cuộc lại ném phần lớn lương thực xuống biển cho thuyền nhẹ lại, đào thoát ngược ra biển, chẳng rõ sống chết ra sao, có điều phần lớn binh lính áp tải lương khô đều chết, mà cỏ khô lương thảo đều không cánh mà bay.
Thật ra căn nguyên là Ô Mã Nhi được giao cầm quân thủy mở đường cho đoàn thuyền lương theo sau. Sau khi đánh lui được quân ta, chắc chắn một điều là Ô Mã Nhi cho rằng thế quân ta yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào trong để hội binh với Thoát Hoan và dốc lòng truy đuổi Trần Khâm và hoàng thất. Nhưng xui xẻo là gã không đoán được hành động của kẻ âm hiểm Khánh Dư, anh ta lại không sợ chạy mà lì lợm ở lại đợi bắt miếng mồi ngon phía sau, đó mới là thứ thật sự mà Trần Khánh Dư thèm thuồng.
Trần Khánh Dư chơi chiêu này quá độc, mà Ô Mã Nhi lại quá ngu ngốc, tôi tự hỏi cái gã đó không phải làm gà mái mẹ đi trước để bảo vệ gà con hay sao? Rốt cuộc gà mẹ lại quá mải mê kiếm mồi, đàn con lại từng con từng con bị diều hâu tha đi mất. Nếu tôi mà là người chỉ huy đoàn thuyền lương đó, ắt hẳn sẽ chỉ tay vào mặt họ Ô kia mà mắng:
- Anh sống có lương tâm hay không, đầu óc của anh không phải chỉ dùng để trưng hay sao hả? Không có cơm của tôi thì binh lính của anh sống thế nào, không có cỏ của tôi thì ngựa của anh ăn lá cây để chạy chắc? Tôi mặc kệ, anh cứ chờ mà chết đói đi.
Sau đó mặc kệ sống chết của gã kia.
Các cụ có câu, không sợ đối thủ mạnh như hổ, chỉ sợ đồng đội ngu như bò. Đích xác là chỉ họ Ô.
Nhưng đó là trong trường hợp đoàn thuyền lương có thể chống chọi được với bão lũ vùng biển Đông, thẳng một đường trở về phương Bắc chứ không xui xẻo bị lạc trên biển.
Trần Khâm nói xong, lại tiếp tục bình phẩm:
- Chiến thắng lần này lại có ý nghĩa rất lớn, càng thiếu lương càng túng quẫn, càng dễ đưa ra quyết định sai lầm, quân binh ra trận cũng không thể ôm cái bụng đói đi đánh nhau. Khánh Dư thật sự là đóng góp không nhỏ. Ngay cả Thượng hoàng cũng nguôi giận rồi, không trách phạt anh ta nữa.
Đúng là tất cả thất bại từ trước tới nay gộp lại đều không bằng niềm vui của trận đánh này. Việc bị mất quân lương đối với Thoát Hoan giống như trời đang khô hạn còn ném tới một mồi lửa, từng bước ép anh ta vào đường cùng. Thấy tôi trầm ngâm không đáp, Trần Khâm lại nảy ra ý trêu chọc, cười hỏi tôi:
- Em nói xem, nếu như ta cố ý để lộ tin tức này cho Thoát Hoan, hắn sẽ thế nào?
Tôi ngẫm nghĩ, bèn đáp:
- Có lẽ là... anh ta sẽ không tin đâu.
- Vậy sao..?
Trần Khâm bâng quơ đáp, lại chống cằm ngồi mông lung nhìn vào khoảng không, ánh đèn dầu lay lắt nhảy múa trên gương mặt đầy những nét mỏi mệt. Mấy ngày hôm nay thường bận đến đầu tắt mặt tối, mãi cho tới khi truyền về tin chiến thắng mới khiến Trần Khâm thả lỏng mà tâm sự vài câu với tôi, thuận tiện gọi mấy đứa nhóc kiểm tra một lượt. May mắn là bọn chúng tuy không có điều kiện học hành đàng hoàng như trước, nhưng vẫn không quên ôn luyện, Trần Khâm lại rất hài lòng, mà người thầy bất đắc dĩ là Trương Hán Siêu, cũng vô tình nhận được vài câu khen ngợi.
Lúc này nhóc con Huyền Trân cũng ngủ khì khì trong lòng tôi, con bé này vô cùng ngoan ngoãn, còn ít khóc hơn hẳn Quốc Chẩn ngày bé. Tôi đặt nó xuống chiếu, lại xoay người nhẹ nhàng xoa bóp bả vai của Trần Khâm, cất giọng mềm mại giống như rót mật vào tai anh ta:
- Nếu là quan gia, cho dù tin hay không tin, chàng cũng sẽ cho người kiểm chứng đúng chứ?
Trần Khâm ngẩn ra một lát rồi bật cười, bỗng nhiên kéo tôi ngồi lên đùi mình, lại lấy tay nhéo chóp mũi của tôi, nhỏ giọng mắng yêu:
- Em thật là, cái đồ ranh ma!
- Quan gia quá khen, các cụ luôn nói nồi nào thì úp vung nấy!
Trần Khâm lại càng cười lớn, suýt chút thì làm nhóc con đang ngủ giật mình. Tôi lườm anh ta, anh ta lại còn kéo tôi vào lòng hôn lên mặt tôi mấy cái. Tôi nhìn cánh tay trái của anh vẫn còn quấn một lớp băng trắng nhưng lại ôm tôi chặt chẽ có lực, gần như sát sao không một kẻ hở, chợt thấy ấm áp trong lòng.
Lúc này tôi bỗng nhiên cảm thấy mình giống như là Tô Đát Kỷ, cái kẻ yêu nghiệt hại người kia, lúc ở bên Trụ Vương thì bày mưu tính kế hãm hại tình cũ của mình là Bá Ấp Khảo. Ôi cái thời đại này, thật khiến người ta không thể nào chống lại được cảnh toan tính thiệt hơn.
Tôi múc một bát cháo hạt kê để lên án, chốc chốc lại giục Trần Khâm ăn, ăn xong thì như mẹ hiền giục anh ta đi ngủ, mấy hôm nay chưa ngày nào kẻ khổ mệnh này có được một giấc ngủ đàng hoàng.
Gió cuối xuân thổi mơn man qua cửa sổ, phớt trên gò má tôi hồng hồng. Kể từ khi sinh xong con bé Huyền Trân, cả người mình lại phổng phao hơn lúc trước, nước da thêm vẻ trắng ngần, tùy ý nặn cũng rơi ra một nhúm thịt, ấy vậy mà lại khiến Trần Khâm càng thêm si mê. Tôi lại cảm thấy vẻ đẹp trí tuệ mới là thứ có thể trường tồn, nhưng đa phần con người ta thường không xem trọng đến.
Trần Khâm bỗng nhiên chăm chú nhìn tôi, nắm lấy bàn tay tôi xoa xoa, lại khẽ mỉm cười nói:
- Cảm ơn em!
Không khí yên ắng dịu nhẹ, chỉ nghe tiếng tí tách của ngọn lửa cháy trên tim đèn, tuy mang chút tịch mịch nhưng lại rất tự nhiên. Tôi cũng chẳng biết anh ta cảm ơn mình vì cái gì, nhưng được một vị quan gia mang ơn, cảm giác thật ra cũng không tệ, dù vậy trên miệng lại qua loa bảo:
- Vợ chồng không cần phải nói tiếng cảm ơn.
Sau ngày hôm đó Trần Khâm thả một vài tù binh bắt được vào trại cố tình báo tin cho Thoát Hoan, không biết là anh ta tin hay không tin, cũng không biết Trần Ích Tắc có kề tai thổi gió điều gì hay không mà Thoát Hoan lại thật sự sai Ô Mã Nhi đi ngược ra biển để kiểm chứng. Có thể đúng như tôi đoán là anh ta thật sự không tin, Ô Mã Nhi đi chuyến này nói không chừng để chờ đón đoàn thuyền lương mà Thoát Hoan vẫn cho là còn tồn tại.
Thế mới nói đôi khi người cận kề bên cạnh ta lại là kẻ quyết định việc có thể thành hay bại, kể từ khi có Trần Ích Tắc thổi gió bên tai, những hành động của Thoát Hoan bỗng chốc trở nên thiếu chính xác hơn rất nhiều.
Đến lúc này mà không hành động thì đúng là kẻ ngốc, cha tôi đóng ở Tháp Sơn bấy lâu tay chân hẳn đã ngứa ngáy lắm rồi, nhất là với cái kẻ đê hèn dám xâm phạm đến hương linh người đã mất. Tiên đế ở trên cao, cũng chỉ đợi ngày họ Ô đi ngang qua để nhấn hắn chìm tàu.
Tàu của Ô Mã Nhi ấy vậy mà lại không dễ chìm, tuy chủ động cướp được hơn ba trăm chiến thuyền và gϊếŧ được không ít binh lính, nhưng bọn chúng lại quá hung hãn, chống trả quyết liệt khiến quân ta cũng chịu một phần tổn thất. Giao chiến hồi lâu, lại thấy sức chiến đấu của chúng vẫn còn mạnh nên cha tôi không cố gắng gượng vô ích nữa, đem chiến lợi phẩm chậm rãi rút dần, mà họ Ô thấy cha tôi bắc cho mình cái thang bèn cũng thuận tiện leo xuống, một đường thẳng tiến theo hướng lúc trước đoàn thuyền lương của bọn chúng đi qua.
Trận này nói thắng thì không thắng, mà nói thua thì lại càng không phải, chỉ là nhân tiện làm chúng tiêu hao không biết bao nhiêu là tài nguyên. Nhưng ngẫm lại cha tôi không cố để thắng không phải là không có lý do, dù sao thuyền lương của chúng đã đổ sông đổ biển từ lâu, để cho Ô Mã Nhi đi một chuyến không công, chờ đợi mỏi mòn, lại cùng lúc tách gã ra khỏi Thoát Hoan, chịu sóng gió ngoài biển thì hơn hẳn việc lao đầu vào cuộc chiến không hồi kết làm hao binh tổn sức. Đánh nhau ấy mà, còn gì tốt hơn việc để chúng tự mình chết dần chết mòn.