- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 21: Đợi chàng ở vạn kiếp
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 21: Đợi chàng ở vạn kiếp
Gần sát ngày Trần Khâm dẫn quân đi tiếp viện, trong người tôi cứ bứt rứt không yên. Mấy hôm rồi vẫn không gặp được anh ta, tôi cũng không thể xông vào lúc quần thần đang bàn việc nước được.
Theo lời nội nhân trong cung Quan Triều, có vẻ mấy hôm nay Trần Khâm mất ăn mất ngủ, ngày thì chấn chỉnh quân binh, đêm lại cùng các bô lão tìm đối sách. Trong lòng tôi tuy còn giận dỗi, nhưng cũng không thể nhắm mắt làm ngơ, bèn thăm dò thì biết được vào giờ Sửu hằng ngày các bô lão sẽ trở về nghỉ, Quan gia cũng sẽ nghỉ ngơi hai canh giờ vào lúc ấy. Nếu muốn gặp anh ta mà không để ai biết chỉ có thời điểm đó là thích hợp.
Ngày mồng bốn, Bột La Hợp Đáp Nhĩ đã phá được ải Chi Lăng, tôi bần thần như ngồi trên đống lửa. Nếu như tình hình này, bọn chúng một là sẽ kéo về Nội Bàng hội quân với Thoát Hoan, hai là sẽ đánh thẳng một đường xuống Phả Lại. Trần Khâm đem thủy quân đi tiếp viện, nhưng trên bộ vẫn chưa có người đứng ra đi thăm dò. Trần Khâm là vua một nước, tôi nghĩ trước khi anh ta xuất binh, hẳn sẽ có tiên phong đi đầu. Nhưng trước mắt nếu tôi muốn đi thì quân lính nên dùng phải xin ở đâu, tôi nghĩ nếu Trần Nhật Duật còn ở đây thì anh ta chắc chắn cho tôi mượn binh, đáng tiếc anh ta đã đi từ lâu rồi. Còn binh lính ở các trang ấp của các anh tôi cũng không ở gần đây.
Nhưng kể cả có thêm lực lượng đi nữa cũng chưa chắc Trần Khâm sẽ đồng ý cho tôi đi.
- Phu nhân, áo của chị...
Tôi nghe Thụy Hương hốt hoảng bước tới thì giật mình, hóa ra góc áo của tôi đã dính lửa cháy xém một mảng, tôi lấy tay dập lửa qua loa, lại kiểm tra nồi canh gà hầm củ sen không bị sao mới khẽ thở phào. Không biết một nồi canh này có lấy lòng được Trần Khâm hay không. Tôi chậc lưỡi, lại quay sang hỏi Thụy Hương:
- Quốc Chẩn đã ngủ rồi chứ?
Thụy Hương gật đầu đáp:
- Đã ngủ lâu rồi ạ!
- Vậy em về trông chừng nó, chị đi có việc. Ở đây cứ để cho chị.
Thụy Hương chần chừ rồi cũng rời khỏi, tôi có chút thất thần nhìn bầu trời sao qua khung cửa sổ, cảm thấy bản thân mình làm mẹ vô trách nhiệm quá.
Cũng sắp tới giờ sửu, tôi để canh vào thố rồi lén lút mò tới cung Quan Triều. Tôi nép mình trong góc tối, đợi các quan đã đi hết, cửa cũng đóng lại ổn thỏa mới rón rén đi ra, định bụng xông vào trực tiếp nói rõ lòng mình. Nghĩ là làm, tôi mở cửa xộc vào, thấy Trần Khâm đang ngồi trên ghế rồng ở giữa, nhìn anh ta nói thẳng:
- Em nghe nói chàng sắp đưa quân đi tiếp viện cho cha em, không biết đã có ai nhận mệnh đi dò đường chưa, nếu chưa em xin chàng cho em dẫn binh ra trận. Khi đất nước lâm nguy kẻ thất phu còn hữu trách, huống chi em đường đường là một phu nhân. Lần này em xin chàng cho em dùng tài hèn sức mọn chia sẻ trọng trách với chàng!
Tôi nói xong còn quỳ xuống cúi đầu thể hiện quyết tâm.
Trần Khâm chau mày, có vẻ không có kiên nhẫn nói:
- Em mau trở về đi, đừng nói xằng nữa!
Tôi ngẩng mặt lên định phản bác anh ta, còn chưa nói gì thì đã nghe bên tai tiếng cười khẽ"
- Sao lại nói xằng, ta nghe thấy rất được đó chứ!
Tim tôi đánh thót một cái. Ban nãy mãi suy nghĩ đi vào, trong cung Quan Triều tuy đèn đóm vẫn chưa tắt hết, nhưng dưới trời khuya vẫn không thể tỏ như ban ngày, tôi không phát hiện ra bên phải vẫn còn có người đang ngồi đó. Tôi nheo mắt nhìn kỹ, thì thấy hóa ra là Thượng hoàng đang ngồi trên sập uống trà, lúc tôi nhìn sang, trên môi người vẫn nở nụ cười nhàn nhạt. Tôi ngại quá lại càng cúi thấp đầu hơn nữa. Lúc này tôi ước mình có thuật độn thổ, độn một phát về tới Quân Hoa cung cho xong.
Dường như thấy không khí có chút ngại ngùng, thượng hoàng lại nói:
- Ồ, có canh gà nữa à, đúng lúc ta đang đói.
Vừa nói xong thì có nội hầu đem thố canh mà tôi đã mang đến đem đi hâm lại, mặt tôi nhăn như khỉ ăn ớt lén lút liếc nhìn Trần Khâm, anh ta cũng nhìn tôi nhún vai tỏ ý không liên quan, rồi lại lớn giọng nói:
- Ta không đồng ý, em hãy trở về đi. Em là đàn bà, không tiện ra chiến trường đâu.
Tôi nghe anh ta nói, trong người liền thấy bức xúc, bèn không chừa mặt mũi cho anh ta, cãi:
- Làm sao mà đàn bà lại không tiện, ngày xưa Trưng Thị, Triệu Thị, Lê Chân, không phải đều là đàn bà hết hay sao? Họ làm được tại sao em lại không làm được? Võ nghệ em có, lòng căm thù giặc em cũng có, vậy em thua họ điểm nào? Khẩn cầu bệ hạ suy xét lại cho em được báo đền nợ nước.
Thượng hoàng bên cạnh cũng cười hỏi:
- Đúng rồi con nói đi, rốt cuộc Tuyên phu nhân có điểm nào không được?
Trần Khâm chưng hửng một lát, giống như không lường trước được Thượng hoàng sẽ lên tiếng bênh vực tôi. Anh ta giống như suy tính một lát, bèn nói:
- Cho dù như vậy, cũng không thể để một người chưa có kinh nghiệm gì ra trận được, huống hồ hiện giờ lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn, ta không thể mạo hiểm để quân binh tổn hao thêm nữa.
Thượng hoàng không đợi tôi phản bác đã chậm rãi bước tới đỡ tôi dậy, người ôn hòa nói với Trần Khâm:
- Nếu con bé Tĩnh đã nói thế thì hẳn là đã quyết tâm rồi, không phải Quan gia vẫn đang lựa chọn người đi tiên phong sao, một người có quyết tâm và tin tưởng bản thân như thế chính là lựa chọn tốt nhất. Còn về binh lính, thì chẳng phải có kẻ đã tự mình chiêu mộ binh mã đến đây cầu xin ư, vừa hay cả hai đứa đều là người mới cả, giúp đỡ nhau nói không chừng chẳng kẻ nào địch nổi ấy chứ.
Tôi sửng sốt lập tức quay mặt sang trái, thì thấy có kẻ đã quỳ ở đấy từ lúc nào, có lẽ là trước khi tôi xông vào đây, vậy mà từ nãy giờ tôi không hề hay biết.
Đây là một thiếu niên mắt ngọc mày ngài, chừng mười bảy mười tám tuổi, gương mặt tuy trông non choẹt nhưng lại toát ra một loại khí chất rất ngông, tuy thế nhưng lại ẩn chứa vẻ thâm trầm giống như già trước tuổi. Tôi nhìn quanh quất một vòng, thấy không còn ai nữa mới thở phào một hơi. Đúng là đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Cậu thiếu niên nghe Thượng hoàng nói thế thì vội lạy tạ. Xong lại quay sang nói với Trần Khâm, thái độ có vẻ gợi đòn:
- Thần cảm thấy bệ hạ nói thế có điều không phải, nếu nói về bậc nữ nhi cầm kiếm bình thiên hạ, thì mẹ thần không phải là một ví dụ hay sao? Mẹ thần từ nhỏ đã được rèn luyện võ công, uy danh không kém gì nam tướng, được giao cho làm tướng ở các đội quân. Sau lại lập công, được phong làm Hồng Đức Trang Duệ Vũ Thắng Công chúa. Tuy Tuyên phu nhân và thần vẫn còn trẻ, nhưng từ trước đến nay người tài đều không đợi tuổi, thần cũng không dám xin bệ hạ một binh một tướng nào, dưới trướng chỉ có hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, vũ khí và thuyền chiến đều tự tay sắm sửa, chỉ mong phá được giặc mạnh, báo được ơn vua!
Ôi thiếu niên này nói hay như hát, tuy chưa biết khả năng thằng nhóc này tới đâu nhưng nghe cậu ta nói mấy lời này là đủ thấy đây không phải kẻ tầm thường. Ít nhất cũng là một kẻ có gốc gác, hậu sinh khả úy đây.
Thượng hoàng cười lớn, lại nói:
- Sao có thể?
Tôi không nhiều lời với cậu ta, bèn châm lửa đốt hết những hình nộm kia, lúc này Trần Quốc Toản mới ngớ ra, biết bản thân bị lừa. Tôi lại nói to với cậu ta:
- Thừ người ra làm gì, trên bộ tôi đã xử lý xong, mau để tôi lên thuyền về Vạn Kiếp nào.
Trần Quốc Toản đúng là có chút không cam lòng, tôi nhìn cậu ta làm mặt lạnh với tôi, châm chọc nói:
- Với cái tính này của chú, đừng nói là chạm trán quân địch, chỉ sợ chưa được ra giao chiến thì đã bị người ta tính hết đường đi nước bước rồi. Kẻ cầm quân phải giữ cái đầu lạnh, đừng động một chút là biểu lộ hết cảm xúc ra.
Tôi thấy Trần Quốc Toản đỏ mặt, nghĩ mình chắc nói hơi quá, ai ngờ cậu ta lại cúi đầu với tôi, ấp úng nói:
- Cảm ơn chị!
Tôi cứ nghĩ cậu ta sẽ phản bác, không ngờ tiếp thu nhanh thật. Đúng là trẻ nhỏ dễ dạy.
Tôi chia tay với Trần Quốc Toản ở bến sông, lại tiếp tục vượt rừng lên núi Phả Lại hội quân với cha tôi, thầm nghĩ lúc này có lẽ viện binh của Trần Khâm đã lên đường đến đây rồi, chỉ cần cầm chân được Thoát Hoan đợi viện binh đến là có thể hợp lực chống được đợt địch càn quét ồ ạt. Năm trăm gia nô của Trần Quốc Toản ngỏ ý muốn cùng tôi vào sinh ra tử, tôi nhìn Trần Quốc Toản, thấy thằng nhóc ấy gật đầu mới lên ngựa. Đúng là có phong thái của kẻ giàu sang, vung tay một cái là tặng không một nửa binh lực.
Nếu đã như vậy, tôi liền lớn giọng hô:
- Nếu như các anh đã bằng lòng theo tôi, thì chúng ta sống chết có nhau. Từ bây giờ tôi vinh thì mọi người vinh, tôi nhục thì mọi người nhục. Chúng ta lấy Hoài Văn hầu làm tên, từ nay gọi là Hoài Văn quân nhé!
Trần Quốc Toản nhìn tôi, mắt long lên ánh nước, chắc cậu ta xúc động lắm. Dù sao uống nước nhớ nguồn, tôi cũng không muốn bọn họ quên đi gốc gác. Tôi vỗ vai Trần Quốc Toản, nói:
- Cố lên, Quan gia và Thượng hoàng rất mong gặp lại một Quốc Toản trưởng thành!
Nói xong, tôi cùng Hoài Văn quân thúc ngựa rời khỏi. Trần Quốc Toản sẽ ở đây đợi họp mặt với Trần Khâm, chỉ hy vọng cậu ta bình an tới lúc đó. Quốc Toản này thật khiến người ta phải lo. Ngựa tôi phóng sâu vào đường rừng, ngoảnh lại vẫn thấy Trần Quốc Toản mặc giáp minh quang đứng đó, trên đầu là lá cờ thêu sáu chữ vàng tung bay.
Nửa ngày băng rừng, đến lúc áp sát được doanh trại của cha tôi thì trời đã tối mịt. Tôi cho binh lính xuống ngựa nghỉ ngơi, còn mình thì một mình tiến vào doanh trại, trước mắt nói rõ tình hình cho cha đã, tôi sợ Hoài Văn quân bất ngờ xông vào sẽ khiến hai bên có sự hiểu lầm.
Ai ngờ kẻ gác trại vừa thấy tôi đã kề dao lên cổ, Hoài Văn quân ở phía xa đã tuốt gươm, sẵn sàng xông vào. Tôi ra dấu cho họ dừng lại, còn mình thì vẫn bình tĩnh nói:
- Hãy vào báo với Quốc công, có cô ba Tĩnh đưa quân do thám đến!
Kẻ đó nghe tôi nói thì bật cười:
- Cô ba Tĩnh làm phu nhân ở kinh thành, có lý nào lại lẩn khuất nơi rừng núi này. Rõ ràng là gian tế! Để ta đem ngươi giao cho Phạm gia tướng lãnh thưởng.
Trong lòng tôi nghĩ thầm, Phạm gia tướng mà anh ta nói chính là Phạm Ngũ Lão chăng, nếu vậy cũng được, chỉ cần là người quen thì họ nhận ra tôi ngay ấy mà. Nhưng tôi chưa kịp mở cờ trong bụng, thì anh ta lại nói:
- Cũng không cần phiền phức vậy, trực tiếp chém đầu đem đi được rồi!
- Hàm hồ! – Tôi tức giận quát – Còn chưa biết rõ tôi là ai mà đã vội kết luận, kẻ như anh làm binh chỉ khiến cho đại cục thêm rối rắm. Hãy mau gọi cấp trên của anh ra đây, bất cứ ai cũng đều có thể nhận ra tôi!
Viên lính kia cũng không để vào tai lời tôi nói, cười ha hả đáp:
- Ai biết cô có mưu đồ gì, cấp trên của ta cô muốn gặp là gặp hay sao?
Tôi không dây dưa với anh ta nữa, liền nhanh như chớp tránh khỏi thanh kiếm đặt ngay cổ, chiếm lấy thế thượng phong, ai ngờ trong doanh quân lính ào ào xông ra, dàn thành vòng vây lấy tôi. Tôi nhíu mày thở dài một cái, thật là đau đầu, chỉ e nếu mình trở thành bại tướng của quân Nguyên, còn chưa bị bọn chúng gϊếŧ chết, quay đầu bỏ chạy về phía quân ta cũng bị hiểu lầm là gian tế rồi, thật là một tên không hiểu lý lẽ.
Hoài Văn quân đang nấp ở đằng sau tôi lúc này cũng không chịu nỗi nữa, đều nhất tề xông lên, tôi vừa kêu dừng lại thì hai bên đã nổ ra ác chiến. Lúc này thì khả năng xấu nhất tôi nghĩ tới cũng đã xảy ra, tôi chỉ biết vừa chống đỡ vừa hét lên với quân binh là không được tổn thương người mình.
Đánh một hồi quả nhiên đã có vài kẻ nắm giữ quyền hành ra mặt, trong số đó có một cô gái mặc giáp, tôi vừa trông thấy bóng dáng quen thuộc, vội kêu lên:
- Chị Anh Nguyên, là em đây!
Chị Anh Nguyên nghe tiếng tôi thì ngay lập tức hô tất cả dừng tay rồi tuốt gươm xông vào cuộc hỗn chiến, đến lúc này cả hai bên mới chịu dừng tay, tôi thở phào một hơi, cũng may là không có thương tổn gì nghiêm trọng. Chị Anh Nguyên kiểm tra tôi một vòng, mới tức giận lên tiếng hỏi:
- Là kẻ nào có mắt như mù dám động thủ với Tuyên phu nhân?
Quân lính tự dàn ra hai bên, chừa lại kẻ ban nãy làm khó tôi đang lúng túng cúi thấp người. Chị Anh Nguyên hỏi lại một lần nữa, thấy anh ta gật đầu xác nhận mới dõng dạc nói:
- Kẻ này mạo phạm bề trên, đem đi xử theo quân pháp!
Tôi cản chị Anh Nguyên lại, lắc đầu nói với chị:
- Hay là thôi đi, mặc dù anh ta hơi cố chấp nhưng trong tình hình hiện nay đúng là không thể lơi lỏng được, em dẫn quân đến đây giờ này cũng có điểm đáng ngờ, không trách được anh ta.
Chị Anh Nguyên chau mày nhìn tôi, thắc mắc hỏi:
- Đội quân này là thế nào, sao bọn chị không nghe tin tức gì thế?
Tôi nhỏ giọng đáp:
- Quan gia sắp tự mình dẫn quân đến tiếp viện, em sợ trên đường có mai phục, nên đã xin đi do thám trước. Đây là Hoài Văn quân của Trần Quốc Toản, hai chúng em mỗi người một nửa chia ra hai đường thủy bộ đến đây.
- Ồ, lạ nhỉ, tên nhãi Quốc Toản này trước giờ rất keo kiệt, vậy mà ra tay hào phóng thế à? Còn tên Trần Khâm lụy tình kia nỡ để em đi tiên phong hay sao?
Tôi lấy tay che miệng chị lại, ngó nghiêng xung quanh rồi nói:
- Ở đây tai vách mạch dừng, chị dám gọi quan gia tùy tiện vậy hả?
Chị Anh Nguyên gãi đầu, lại an bày ổn thỏa cho Hoài Văn Quân rồi cho mọi người giải tán, sau đấy cũng đưa tôi đến doanh trướng của cha. Dọc đường đi, tôi thắc mắc hỏi chị:
- Bình thường ở đây cũng canh gác cẩn mật đến vậy sao, muốn một thân một mình vào trong thưa chuyện cũng không được? Vậy nếu có người của ta ở nơi khác đến đây, đều sẽ bị coi là nội gián hay sao ạ?
Chị Anh Nguyên ngẫm nghĩ, đáp lời tôi:
- Cũng không hẳn, bình thường lính gác cũng không đến nỗi cực đoan như thế. Nhưng bên phía quân Thát có một ả nữ tướng đầy mưu kế, bọn ta đánh nhau đã lâu như vậy, còn chưa gặp được một sợi tóc của Thoát Hoan. Ngày trước ở Nội Bàng nhất cử nhất động của ta đều bị ả nhìn thấu, tuy nói lực lượng của ta ở Nội Bàng khá mỏng, nhưng cũng không thể phủ nhận khả năng của ả ta. Lần đó mặc dù cha đã cho lui binh, nhưng vẫn có một tướng là Đoàn Thai cố chấp dẫn binh lính dưới trướng mình định lợi dụng rừng cây để mai phục, không ngờ lại bị ả đó đoán trúng, cha vì tiếp ứng cho đội quân đó, suýt nữa thì rút lui không kịp.
Tôi cũng giật mình hỏi:
- Vậy sau đó thì sao, cha không sao chứ chị?
Chị Anh Nguyên lại nói:
- Chuyện lần đó đúng là phải nhờ Phạm Hữu Thế, thủy quân của ta đã tan cả, vốn dĩ cha định rút quân theo đường núi, nhưng một gia tướng khác của cha là Dã Tượng lại khẳng định chắc nịch rằng Phạm Hữu Thế không thấy cha nhất định sẽ không dời thuyền. Đến Bãi Tân quả nhiên thấy anh ta vẫn một mình đứng đó. Hây da, nhắc tới lại làm người ta thấy cảm động, mà em gặp anh ta chưa nhỉ?
Tôi trầm ngâm:
- Hình như chỉ gặp cái bóng anh ta dưới nước thôi! – Tôi chợt nhớ ra, bèn hỏi chị Anh Nguyên – Ban nãy có nghe binh sĩ đó nhắc về Phạm gia tướng, chắc là Phạm Hữu Thế nhỉ?
Chị Anh Nguyên gật đầu, tôi lại tiếp tục hỏi:
- Vậy còn Phạm Ngũ Lão?
- Phạm Ngũ Lão đã làm tướng quân rồi.
Tôi nhìn chị Anh Nguyên đỏ mặt, trong lòng cười trộm. Sau cuộc chiến này có lẽ cũng nên có một cái đám cưới cho chị rồi. Nếu như Phạm Ngũ Lão tận dụng được cơ hội lần này, chắc chắn tiền đồ không thể đoán được.
Tôi mừng mừng tủi tủi gặp lại cha, không cần hỏi chỉ cần nhìn qua bộ giáp dính đầy máu khô trên người tôi là cha có thể đoán được tôi đã trải qua những gì trên đường. Cha ôm lấy tôi không ngừng vỗ vai tôi, xúc động nói:
- Từ lúc con còn nhỏ ta đã biết sẽ có ngày này. Con của ta không làm ta thất vọng!
Mắt tôi cũng long lên ánh nước, được sát cánh cùng cha trên chiến trận, tôi còn mong mỏi nào hơn.
Theo lời cha thì tôi được biết mẹ và nữ quyến trong nhà đã chia nhau ra sơ tán dân chúng ở Vạn Kiếp, hiện giờ chắc là đang trên đường vào kinh thành hội họp. Trong lòng tôi dù an tâm phần nào nhưng cũng thấy có chút tiếc nuối vì đã trở về đến đây nhưng vẫn không thể gặp lại mẹ.
Tối đó tôi nằm trằn trọc trong quân doanh mãi không ngủ được, chẳng biết Trần Khâm hiện tại đang làm gì, vẫn đang hội bàn việc quân hay đã đi nghỉ, anh có đến không, hay sẽ cử người dẫn viện binh đến. Chỉ mới vài ngày không gặp là đã cảm thấy nhung nhớ, chẳng biết chinh chiến trường kỳ sẽ còn khao khát được gặp nhau thế nào. Lại bất chợt nghĩ đến những người dân vô tội vì chiến tranh mà gia đình ly tán, thậm chí mất đi người thân, trong lòng lại lần nữa dâng lên một nỗi xúc động nghẹn ngào.
Các anh tôi hiện tại cũng đang tập hợp quân binh từ các trang ấp lân cận miệt mài trở về, cộng thêm các lực lượng tàn binh thua trận ở những trận đấu trước cũng hội tụ về Vạn Kiếp. Buổi sớm tôi và chị Anh Nguyên đứng trên đồi cao, nhìn quân binh từng toán lũ lượt kéo về đại doanh, kẻ hăng hái người mệt mỏi, kẻ lành lặn người bị thương đều đủ cả, tôi biết đã có không ít người đã da ngựa bọc thây. Đúng là lúc này nếu như Trần Khâm không đưa thêm viện binh tới, chỉ sợ lòng quân rệu rã, cho dù ban đầu họ có quyết tâm đến nhường nào.
Bỗng nhiên từ phía xa xa có một đoàn quân ùn ùn kéo đến, nối đuôi nhau dài tới chân trời, lá cờ vàng thêu chữ Trần tung bay trong gió, tôi gần như ngay lập tức phóng lên ngựa phi như bay về đại doanh, bỏ đằng sau tiếng chị Anh Nguyên bảo tôi đợi. Tôi không biết mình bị làm sao, nhưng ngay lúc này, cái tôi mong đợi chính là gương mặt quen thuộc đã khắc sâu vào trong trí nhớ kia, dù tôi biết có lẽ gương mặt ấy sẽ tiều tụy đi nhiều.
Đến nơi thì cùng lúc đội quân của anh Quốc Hiện cũng đã đến, tôi nhảy xuống ngựa chạy đến bên cha, thấy chủ tướng của viện quân triều đình ấy vậy mà lại là một chàng trai trẻ tuổi có gương mặt xa lạ. Tôi có chút thất vọng, cũng đúng, có lẽ Trần Khâm đã đóng quân ở bến Bình Than rồi, tôi từ trước đã liệu được việc đó, nhưng rốt cuộc vẫn có một chút hy vọng được gặp lại người. Chị Anh Nguyên cũng đến bên cạnh, nói nhỏ vào tai tôi:
- Đây là Trần Bình Trọng, đối thủ của anh tư đấy!
Lúc này tôi mới để ý tới ánh mắt anh Quốc Hiện nhìn Trần Bình Trọng, đúng là có chút đố kỵ thoáng qua. Tôi sực nhớ ra người này ngày xưa là kẻ đánh cờ không bao giờ qua nổi anh tư, nhưng trong lần nọ Trần Thì Kiến đoán một phát anh ta liền thắng. Khi ấy còn nghĩ Trần Thì Kiến là một kẻ miệng quạ, nhưng hiện tại nhìn thấy phong thái quân tử đĩnh đạc của người này, lại trong một thời gian không dài trở thành tướng lĩnh nắm viện binh do Trần Khâm phái đến, tôi nghĩ anh ta cũng không phải là một người tầm thường.
Trần Bình Trọng xuống ngựa hành lễ với cha tôi, cùng lúc này Quốc Nghiễn, Quốc Uất và Quốc Tảng cũng lần lượt đưa quân trở lại. Tôi bỗng nhiên thấy hoài niệm, đâu ai nghĩ tới những vương tử ham chơi, dám yêu dám hận của ngày xưa bây giờ đều là những vị tướng nắm giữ đội quân của riêng mình đâu.
Trần Quốc Uất bỏ qua màn chào hỏi, anh ta nghi hoặc nhìn Trần Bình Trọng, hấp tấp chạy đến bên cạnh chị Anh Nguyên, nhỏ giọng hỏi:
- Này, cô gái kia sẽ không đến chứ?
Chị Anh Nguyên chau mày suy nghĩ một lát thì như hiểu ra, tủm tỉm cười bảo:
- Thụy Hữu ấy à, không thấy. Anh nhớ chị ta sao?
Trần Quốc Uất lấy tay vuốt ngựa, thở phào:
- Không thấy là tốt, không thấy là tốt!
Tôi bật cười, kề vai anh ta nói:
- E là anh vui mừng quá sớm rồi, quan gia có lẽ đang đóng quân ở Bình Than, cách đây cũng không xa. Mà với tình hình hiện tại ngày hợp quân cũng không còn xa đâu, anh cũng biết Thượng tướng thái sư cũng nắm giữ một lượng lớn binh quyền mà, ngày anh gặp lại chị Thụy Hữu có vẻ không còn xa nữa.
Quốc Uất lúc này đúng là khóc không ra nước mắt, tôi như thấy được một tòa thành sụp đổ trước mặt anh. Tôi vô tình đưa mắt nhìn Quốc Tảng, thấy anh đứng khoanh tay nhìn mấy người bọn tôi cười cười, trên tay đeo một đôi bọc cổ tay màu ngọc. Nếu như không nhầm, đôi bọc cổ tay này là năm đó chị An Hoa đã may cho anh ta, chợt nhớ tới ngày đó chính mình cũng nguyện làm cho người mình yêu một đôi, năm dài tháng rộng vốn đã quên mất việc nọ. Bản thân tôi thì chưa làm được gì cho Trần Khâm, lại còn khiến anh không ít lần bận tâm vì mình.
Tôi híp mắt cười với Quốc Tảng, chỉ vào cổ tay mình, anh ta có vẻ hiểu ra, liền đỏ mặt giả vờ ho khan quay sang chỗ khác. Có lẽ trong lòng Quốc Tảng cũng không còn chấp niệm nữa, tôi thấy mừng cho anh ta.
Cha tôi kiểm lại quân số, thấy cũng đã hơn hai mươi vạn, hai mươi vạn tuy không ít, nhưng đối với quân Thát thì quả thật là không hề nhiều. Nhất là trong thời điểm những ngày bọn chúng im hơi lặng tiếng như thế này, ắt hẳn là đã tính toán kỹ lưỡng, chúng tôi tập hợp binh lực, bọn chúng cũng chẳng khác hơn.
Nhưng chúng tôi vốn không hề nao núng, ngay từ đầu mục tiêu mà cha tôi đưa ra là lấy ít địch nhiều, tuy bọn chúng có lợi thế về số lượng, nhưng ở đây là nhà chúng tôi, Đại Việt là một nơi có địa hình sông núi phức tạp, không phải là thảo nguyên rộng lớn như ở Mông Cổ, kỵ binh cũng không thể phát huy được hết sức mạnh của mình. Cha tôi đứng trước tấm bản đồ núi Phả Lại, tính toán một lát, bình thản nói:
- Trận này đánh chủ yếu thăm dò thực lực của bọn chúng, chỉ cần giữ mình là được. Ta muốn dựa vào địa thế vùng này triệt tiêu một phần binh lực và sĩ khí của chúng thôi! Phía sau ta còn có thủy quân của bệ hạ, nếu thấy bất ổn lập tức lui về Bình Than họp binh với bệ hạ lui về kinh thành, không được háo thắng mà ảnh hưởng đến lâu dài.
Trần Bình Trọng chắp tay nói:
- Lần này bệ hạ đích thân ra trận, sợ là quân Nguyên như hổ đói rình mồi, sớm đã dò la được chỗ đóng quân. Nếu như bọn chúng cùng lúc tấn công từ hai hướng, mạc tướng e trở tay không kịp.
Tôi bèn trấn an Trần Bình Trọng:
- Quân Thát chủ yếu là kỵ binh, bệ hạ nắm giữ thủy binh, bọn chúng muốn vượt sông cũng không phải một sớm một chiều, cho dù đóng thuyền vượt sông cũng không đáng lo ngại. Như Quốc công đã nói, phần lớn chúng sẽ tập trung đổ bộ về Vạn Kiếp, chúng ta cứ vừa đánh vừa lui thôi. Càng kéo dài, bọn chúng sẽ càng gấp rút, ta càng có lợi.
Phạm Hữu Thế gật đầu:
- Về việc này tướng quân cứ yên tâm, đội thủy binh do chính tay ta thao luyện không phải chỉ có danh, bọn họ là những thợ lặn cừ khôi, từ sớm đã đến Bình Than giúp sức cho bệ hạ.
Phạm Ngũ Lão cũng phụ họa với tôi:
- Ngay từ đầu Hốt Tất Liệt muốn lấy đông đánh nhanh thắng nhanh, chắc chắn là e sợ thủy thổ Đại Việt không hợp với quân Mông Cổ. Quân lương có hạn, bọn chúng cũng không thể liên tục từ phương Bắc vận chuyển sang đây, ngay từ đầu chúng ta cũng đã đốt hết lương thực hoa màu, chúng ta cầm chân chúng một thời gian nữa, lòng quân ảnh hưởng, rất dễ thất bại.
- Tốt, vậy trận tiếp theo đánh thế nào? – Chị Anh Nguyên hỏi.
Trần Quốc Tảng tiếp lời:
- Núi Phả Lại hiểm yếu chắn giữa hai quân, bọn chúng muốn ồ ạt xông lên không phải chuyện dễ, chắc chắn sẽ không thể cùng lúc triển khai sức mạnh cả đội quân. Ta cứ nấp trong rừng đánh du kích, cho đội tượng binh dùng đất đá từ triền núi ném xuống, lên bao nhiêu ta diệt bấy nhiêu. Cho dù không thể diệt gọn, nhưng cũng phải để lại tổn thất cho chúng.
Mọi người đồng lòng như một, tất cả đều nín thở chờ đợi một cuộc tập kích có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 21: Đợi chàng ở vạn kiếp