- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 111: Mỗi Câu Chuyện Đều Có Kết Cục
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 111: Mỗi Câu Chuyện Đều Có Kết Cục
Sau khi cơn buồn bã qua đi, đại nạn trên đầu bỗng nhiên ập xuống.
Đang là một phu nhân nhàn tản lánh xa việc đời tôi đột nhiên trở thành Tuyên thái hậu gánh vác sáu cung. Đúng là lúc đương thời chưa từng lên ngôi hoàng hậu, sau cùng thì người chiến thắng lại là ta!
Cùng một sắc mặt hoang mang tột độ với tôi là thằng nhóc Quốc Chẩn cũng vừa được phong làm Huệ Vũ Đại Vương.
Tôi nghi ngờ nhìn thằng con mình mới mười ba tuổi miệng còn hôi sữa, lại nhớ tới khi xưa cha tôi đi đánh bại Thát Đát ba lần mới được phong tước Hưng Đạo Đại vương, thầm mắng Huệ Vũ đại vương là cái khỉ gì chứ?
Quốc Chẩn ngồi trên bàn đá đối diện nhìn tôi bóng lưng thẳng tắp, ánh mắt đẹp đẽ có thần, lông mày như điêu khắc, muốn có bao nhiêu chính trực thì có bấy nhiêu, giống như là một bức tượng hoàn hảo được tạc ra từ trên người cha nó vậy. Thằng bé để hai tay xếp lại ngăn nắp trên bàn, hơi hơi cau mày, chất giọng không kìm nén được run run:
"Mẹ...anh cả đúng là... ưu ái cho con quá!"
Tôi chống cằm thở dài:
"Phải gọi là quan gia!"
Thằng bé im lặng không đáp, không khí nhất thời chỉ còn tiếng nghiêm khắc dạy dỗ nho nhỏ của cô ba Huyền Trân với hai cô Trân nhỏ mới vừa lên ba. Tuy hai phe chênh nhau về số người nhưng khí thế của Huyền Trân thì hơn hẳn hai cô Trân cộng lại, vừa nhìn đã phân rõ thắng thua.
Huyền Trân mới sáu tuổi nhưng tính tình thì như bà cụ non suốt ngày thích ra vẻ răn dạy em út, mấy đứa nhỏ vậy mà lại vô cùng sợ hãi bà chị gái của mình, hết sức ngoan ngoãn lễ phép. Nhờ thế tôi cũng an tâm hưởng thụ khoảng thời gian thảnh thơi sau giặc giã. Ấy vậy mà đương không bỗng dưng từ đâu lại nhảy ra ngôi vị Thái hậu quái gỡ này.
Quốc Chẩn nhìn bộ dạng không có tiền đồ của tôi, lại càng thêm lo lắng hỏi:
"Vậy...vậy bây giờ con phải làm gì tiếp theo ạ?"
Tôi còn chưa kịp nói thì Huyền Trân đã phóng tầm mắt sắc lẹm như dao găm sang, chỉ hận cả anh và mẹ mình đều là sắt không thể rèn thành thép, lạnh giọng nói:
"Đây là quan gia ban ơn chứ không phải là trị tội. Mẹ, anh hai, hai người lo lắng như vậy làm gì? Vạn vật đều có chỗ dùng, lúc cần thì người ta tự khắc nói, lúc chưa cần tới thì cứ hưởng thụ đặc ân thôi."
Nghe xong tôi với Quốc Chẩn mới ngây thơ cảm thấy đúng vậy thật. Nhóc Thuyên là đứa hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu em út, những thứ này không phải là mình xứng đáng được nhận hay sao, việc gì phải lo sợ thấp thỏm?
Đa số thời gian mình lại chỉ ở hành cung Thiên Trường, việc vừa hay lại xa không thể đến tay, huống hồ dưới mình còn có con dâu tài giỏi vén khéo lo trong lo ngoài.
Rốt cuộc cho đến khi việc rơi xuống đầu thì âm thầm mắng con bé một trận vì tội khiến cho mình không kịp chuẩn bị tâm lý, ngày qua ngày chỉ biết sống một cách vô tri.
Việc đầu tiên phải kể đến đó là hôm nọ cha tôi dẫn đoàn ngự đến cung Trùng Quang, Trần Khâm trông thấy thằng con của mình sau bao ngày không gặp mới chợt nhớ ra một việc trọng đại, bèn nói:
"Nhà ta vốn là người hạ lưu, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc."
Câu này ngày xưa anh ta từng nói với tôi một lần, bây giờ nghe lại đương nhiên cảm thấy rất hoài niệm. Còn đang mê man nhớ chuyện xưa bỗng giật mình phát hiện ra thằng nhóc kia từ lúc nào đã không thấy đâu, chỉ để lại chiếc ghế chầu vẫn còn vương hơi ấm.
Trong phòng thoáng chốc rơi vào lạnh lẽo, thằng nhóc Quốc Chẩn lúc này vẫn còn ngây ngốc không biết tai họa đang ập xuống đầu, thản nhiên cúi người phụ họa:
"Vâng, phàm là những việc tổ tiên để lại thì vẫn nên cung kính tuân theo, vậy thì mai sau cơ nghiệp mới lâu bền."
Tôi nháy mắt ra hiệu nó mau im miệng, nó vẫn còn chưa biết trời cao đất dày tiếp tục nói:
"Mẹ không khỏe ạ? Vậy con sai người đưa mẹ về cung nghỉ ngơi nhé, chỗ này chốc nữa phải làm việc hơi tế nhị, mẹ là nữ quyến ở lại cũng không tiện."
Đúng rồi đứa con chính trực của ta, lát nữa để xem con làm thế nào tự đưa đầu vào miệng cọp. Anh cả ưu ái con lắm, nhưng đừng quên cả cha con cũng rất yêu mến con.
Tôi vừa mới từ trên sập đứng lên đã nghe Trần Khâm ở bên cạnh lạnh giọng hỏi:
"Quan gia đâu rồi?"
Bên dưới có nội nhân quỳ thưa:
"Quan gia đã về cung Trùng Hoa rồi ạ!"
Không gian ngưng đọng một lát, tôi đứng bên cạnh nghe Trần Khâm hít sâu một hơi, nén giận hỏi:
"Quan gia đã trốn rồi chăng?"
Đúng rồi, với tính tình không khiến người ta bớt lo của nó thì có thể như vậy thật đấy. Có điều hiện giờ người ta đã là quan gia, cho dù là sợ đau bỏ trốn thì đám quần thần bên dưới cũng vô phương hặc tội, chỉ biết cúi đầu im thin thít, không gian yên ắng đến nỗi có thể nghe rõ tiếng mồ hôi nhỏ giọt xuống sàn nhà.
Một lúc lâu, vị Thượng hoàng bên kia cũng nguôi nguôi giận, bất đắc dĩ nói:
"Thợ xăm cũng tới cửa cung rồi, vậy Quốc Chẩn qua xăm đi!"
Lúc này kẻ chính trực Quốc Chẩn mới ngớ người hiểu được mấy cái nháy mắt kỳ lạ của tôi, cho dù trong lòng khổ não vẫn không hề tỏ ra ngoài sắc mặt.
Chỉ là tôi dù sao cũng là mẹ nó, nuôi nó ngần ấy năm làm sao không hiểu rõ bụng dạ con mình, dù chắp tay tạ ơn nhưng hai bàn tay Quốc Chẩn vẫn không nén được run lên lẩy bẩy.
Mấy đứa trẻ này dù sao chưa từng trải qua những việc đau đớn về thể xác, phản ứng như vậy âu cũng là việc thường tình. Mỗi việc thằng nhóc Thuyên trốn tránh việc của tổ tiên về sau cũng trở thành tiền lệ.
Lại như một bữa nọ vào tiết đoan ngọ tôi theo Trần Khâm về triều, nói chuyện với con dâu về việc trong cung suốt cả canh giờ, sau đó mới thấy vẻ hậm hực của anh ta quay trở lại.
Tôi cho Chiêu Hiền lui ra, cởi đi lớp áo bào nóng bức bên ngoài của Trần Khâm, lại lấy quạt nan ngồi trên sập quạt mát cho xua đi mồ hôi mới lựa lời hỏi:
"Sao Thanh Phúc vừa mới sang chỗ quan gia chưa lâu mà đã trở lại rồi?"
Trần Khâm uống một hớp trà nguội, còn chưa nuốt xuống cổ đã kêu lên "đắng quá!".
Tôi ngạc nhiên liền cầm lấy uống thử một ngụm, cảm thấy ngoài để lâu nên nguội ra thì mùi vị vẫn như ngày trước, nào có đắng như lời anh ta nói đâu.
Lúc này mới biết hoá ra không phải do tay nghề mình trở nên vụng về mà là do khẩu vị của Trần Khâm đã thay đổi.
Anh ta ăn hai miếng lê nhuận giọng, lúc này mới hằn hộc nói:
"Quan gia đúng là không làm cho người ta bớt lo."
"Quan gia? Quan gia đã nói gì phật ý chàng ư?" – Tôi thắc mắc.
Trần Khâm hừ một tiếng, đáp:
"Rượu xương bồ ngon lắm, tôi còn chưa gặp được mặt mũi nó ra làm sao đâu!"
Hoá ra là bị cho leo cây?
Việc này kể ra thì rất dài. Ông vua cha về cung đột xuất ăn tết, ông vua con thì chẳng hay biết gì, uống say cùng chúng bạn một trận thoả thích đến mức say quắc cần câu.
Đám nội nhân vào lay gọi, thằng nhóc đó thế mà lại chẳng thể nào dậy nổi. Về việc này ngày xưa từ lúc thằng nhóc bốn tuổi tôi đã nhận ra năng lực tiềm tàng của nó, cũng may là Trần Khâm không biết việc thằng nhóc khi ấy vẫn hay uống trộm rượu của tôi, nếu không thì anh ta có thể hay không sẽ nói rằng chính tôi là người điểm mắt cho rồng?
Kể ra nhân chứng duy nhất là chị Trinh cũng đã về trời rồi.
Lúc này Trần Khâm hết sức bực tức trong lòng, bèn lấy sổ sách triều đình ra xem thì ôi thôi, từ trên xuống dưới gi gỉ gì gi những chức tước to nhỏ đủ cả, thậm chí có những tước mà anh ta mới nghe qua lần đầu.
Trần Khâm chậc lưỡi mấy tiếng, lại than:
"Một nước bé bằng bàn tay mà ban chầu nhiều thế này, thì ăn hết của dân à?"
Trần Khâm nói xong, chớp mắt đã bước ra gọi người đến ban chỉ dụ:
"Tất cả các quan từ ngũ phẩm trở lên, sớm mai phải về Thiên Trường điểm mục!"
Tôi thở dài, vừa mới về cung ngồi chưa nóng chỗ đã phải sửa soạn hành lý đi tiếp, cái thân già của tôi không biết chịu đựng nỗi cha con họ giày vò hay không.
Đang than thở, lại nghe giọng Trần Khâm nói bên tai:
"Đã làm vua một nước mà còn không nên thân, chuyến này nếu còn không sửa đổi thì tôi sẽ phế nó!"
Trong lòng tôi phát hoảng, lúc này mới sực nhớ tới câu "ăn cơm chúa, múa suốt ngày", bèn lê cái thân già lén lút sai Huyền Trân đi báo tin, nói rằng quan gia mau mau dâng biểu trần tình với Thượng hoàng đi, Thượng hoàng đã có ý phế truất quan gia rồi đấy thay.
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 111: Mỗi Câu Chuyện Đều Có Kết Cục