- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 110: Những Việc Cần Làm
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 110: Những Việc Cần Làm
Tháng hai Trần Khâm lại cất quân thân chinh đi đánh Ai Lao, lần này tôi không còn đứng ngồi không yên đòi theo nữa, ngược lại rất bình tĩnh đưa tiễn chàng ra trận. Vị quan gia nhà tôi đã cứng cáp như một gốc cổ thụ có thể che mưa tránh gió cho tôi và con dân mình.
Nửa tháng sau anh thắng trận trở về, trên người nhiều thêm một vết thương nhưng thần sắc tươi tỉnh đắc chí, vừa tan triều là sà vào người tôi ôm hôn một hồi, sau đó thì hỏi han các con một lượt.
Tôi miễn cưỡng cười gượng nói hết thảy đều ổn. Ôi chao, tôi làm sao có thể thú thật với anh ta là trong khi anh ta đang sống chết ở chiến trường thì thằng con quý tử của anh ta thường xuyên trốn nhà ra cung chơi với bọn công tử lêu lổng kia chứ. Dù tôi có khi sai người giam lỏng nó lại trong cung, bằng cách nào đó nó vẫn có thể trốn ra ngoài.
Tôi thường âm thầm oán thán với Phạm Ngũ Lão thứ võ công anh ta dạy là cái gì, có phải là công phu leo trèo hay không, ngày trước tại sao lại giấu nghề với tôi chứ?
Phạm Ngũ Lão nói võ công là tự do phát huy, phu nhân ngày đó không phải vào cung ra cung như đi chợ hay sao, trong nhà ngoài chiến trận có nơi nào là không có dấu chân của phu nhân đâu.
Thay vì oán trách thần, phu nhân nên giáo dục lại tư tưởng của con trẻ đã.
Trời ạ, con trẻ dù sao cũng mười bốn tuổi rồi, đang trong độ tuổi nổi loạn liệu anh nói nó sẽ nghe sao? Kể ra tôi còn có thể nghiêm khắc trách mắng, chị Trinh thì sao, giống như một túi nước mắt vậy. Tôi hoang mang cảm thấy người phụ nữ năm xưa cản voi chắn hổ đã đi đâu mất rồi.
Xui xẻo đúng lúc Trần Khâm trở về cũng là ngày thằng nhóc Thuyên ôm cái đầu u một cục về cung, nó vừa mở cửa phòng đã bắt gặp ngay ánh mắt của ông già nhà mình đang nhìn chăm chăm.
Ông già hỏi cớ gì mà ra nông nỗi đó, nó lại bảo là do chơi đuổi bắt với bọn ngoài phố, chúng đuổi rát quá, lại vừa đuổi vừa ném khiến nó chạy thục mạng. Lúc chạy cũng không biết là kẻ nào ném đá trúng đầu.
Ông già đang cầm quyển bài tập vài ba chữ hổ lốn của nó trên tay, tiện thể vỗ lên đầu nó, mắng:
"Chúng nó ném anh thì anh chỉ biết cắm đầu cắm cổ bỏ chạy hay sao? Còn không biết ném lại?"
"Được...được luôn ạ?" – Thằng nhóc lắp bắp.
Trần Khâm quay mặt đằng hắng mấy tiếng, lại lườm nó:
"Thật là không biết phép tắc gì!"
Trần Khâm phản ứng như thế cũng là lẽ hiển nhiên, từ trước đến nay anh ta còn chưa để mình chịu thiệt trước ai bao giờ, đến nay thằng con mình lại chẳng có chút gì giống mình thì hỏi sao không bực cho được.
Cũng may dù sao thằng nhóc Thuyên cũng mang vài phần nể phục cộng với sợ hãi đối với Trần Khâm, nạn trốn nhà đi phá làng phá xóm tạm thời được dập tắt.
Cũng trong năm đó Thượng hoàng băng. Tôi biết thế sự tre già măng mọc, Trần Khâm lại càng là kẻ giống như hiểu thấu hồng trần, trải qua hai cuộc chiến sống còn sinh tử chỉ như một giấc mộng phù vân. Thượng hoàng băng theo như anh ta nói thì chính là trở về với liệt tổ.
Trần Khâm thực thi một loạt các cải cách mới như việc đưa quan văn đi trấn nhậm các châu để ngăn chặn việc có quá nhiều quan võ do chinh chiến lâu ngày, vừa phong quan cho người tài nhưng cũng hạn chế số quan lại trong nước.
Có lần tôi nghe tin anh ta lại còn chỉ đích danh An Phủ Sứ Diễn Châu về phạt trượng do người này nhũng nhiễu dân lành. Tôi vừa thở dài vừa chải tóc cho anh ta, cười nói:
"Vừa qua tam tuần, cũng đâu phải là một ông lão sáu mươi, cớ gì càng ngày lại càng nghiêm khắc."
Anh ta cũng cười tươi rói đáp lời:
"Đánh xong một trận cũng cho anh ta trở về, bây giờ tương truyền câu "An Phủ Diễn Châu trong tựa nước", em nói kẻ được hời không phải anh ta sao?"
Tôi ôm cổ anh, giống như ngày xưa cọ gò má mình vào anh, cảm thấy người đàn ông này trước giờ cho dù là tàn nhẫn nghiêm khắc với ai chăng nữa, đối với mình vẫn hết sức dịu dàng chiều chuộng.
Mùa xuân năm đó tôi cùng Trần Khâm ngồi thuyền đi khắp đất trời Đại Việt, chỉ thấy dân chúng ấm no mùa màng phơi phới, chợ búa thuyền bè nhộn nhịp khác hẳn với cảnh đói kém những ngày vừa đuổi được quân xâm lăng. Những chỗ nhà cửa, cầu đường bị đốt phá ngày trước đều được khang trang xây dựng lại.
Trần Khâm đắc ý cười với tôi, tôi cũng khen mấy lời phụ hoạ, thành ra khung cảnh cực kỳ đầm ấm.
Năm ngoái tôi nghe tin nhà Nguyên lại rục rịch định cất quân sang đánh nước ta, sau đó giặc giã nổi lên không ngừng nghỉ, dân chúng lầm than đói khổ oán than khắp nơi.
Lòng tôi thầm mắng ông già Hốt Tất Liệt này sống dai thế nhỉ, từng tuổi này rồi còn chưa chịu yên thân, suốt ngày đòi đánh tây dẹp đông gây nên nghiệp chướng. Trần Khâm lại nói, chưa chắc là có thể đánh được.
Kết quả ngần ấy năm trôi qua Đại Việt vẫn quốc thái dân an, còn ông già hiếu chiến nọ thì bệnh nặng vài bận rồi cũng chịu buông tay giã từ trần thế.
Giặc giã đã vãn, cuối cùng thì cũng tới bước đầu trao lại quyền hành, dù tôi cảm thấy Trần Khâm vẫn còn trẻ và thằng nhóc Thuyên lại còn trẻ nốt, nhưng Trần Khâm tựa hồ không quan tâm lắm vấn đề đó, anh ta rất lạc quan phân trần:
"Đất nước thì thanh bình, bốn phương chúng dân đều an cư lạc nghiệp. Tất cả những việc gì cần làm ta đã làm hết cho nó rồi, đây là lúc thích hợp nhất để trữ quân bắt đầu làm quen dần với việc nước."
Lúc Trần Khâm nói câu đó nhóc Thuyên mười sáu tuổi chỉ mới được lập làm hoàng thái tử. Đời người dài chẳng tày gang, mới ngày nào gặp mặt thằng nhóc đó nó chỉ mới bốn tuổi còn đứng tới đùi tôi, bây giờ thoắt cái đã ở ngay trước mặt tôi rồi còn muốn cao hơn cả tôi nữa, lúc này tôi mới chấp nhận là mình đã già.
Phụ nữ qua ba mươi tuổi ấy mà, không chịu nhận mình già thì là nói dối, dù ông trời có ưu ái thì cũng không thể bì được lúc đang xuân.
Thằng nhóc Thuyên môi hồng răng trắng, vai rộng như dãy núi Tràng Kênh, tóc đen óng như màu mực Tùng Yên thượng hạng, mày mắt toát ra vẽ lãng tử của chàng trai đang độ xuân thì. Đương lúc này Trần Khâm lại vươn tay bắt nó ngược trở lại vào chốn cung cấm.
Thằng nhóc nhác trông thấy bản thân sắp sửa bị chôn vùi thanh xuân tươi đẹp, buồn bã ủ rũ một hồi, rất có cảm giác "đêm qua rót đọi dầu đầy, than thân với bóng, bóng rày chẳng thương".
Thằng nhóc Thuyên mười sáu tuổi thì con bé Duyệt cũng vừa lên bảy, Trần Khâm nhân tiện lập nó làm thái tử phi, ban cho một bà hầu già trong cung về phủ Tiết độ sứ để dạy phép tắc.
Tuy là còn chưa đến tuổi có thể vào cung làm vợ người ta nhưng lệ cũ hai nhà trước giờ vẫn vậy, mà ngó khắp dòng dõi đằng ngoại thì chỉ có con bé Duyệt là thích hợp nhất thôi.
Đương nhiên trữ quân trước tiên phải có con nối dõi, trọng trách này giao lại cho Chiêu Hiền quận chúa. Vị này là con gái duy nhất của Trần Bình Trọng khi xưa, đang độ trăng rằm, mày mắt như vẽ.
Tuy thằng nhóc Thuyên từ nhỏ đã luôn nói mình một dạ chung tình với cô nhóc đã thấy mặt từ lúc mới sinh ra, nhưng đàn ông ba vợ bốn nàng hầu, làm sao bắt một chàng trai đương lúc tuổi trẻ sung mãn chờ đợi chứ. Tôi tuy nội tâm âm thầm không đồng ý, nhưng cũng chẳng có lý do để bài xích, dù sao bản thân mình chẳng phải chính cung gì.
Cũng may là Chiêu Hiền được Bảo Nghĩa vương phi nuôi dạy rất tốt, chị ta ở góa kể từ lúc Chiêu Hiền tám tuổi, lấy việc dạy con làm niềm vui.
Chiêu Hiền sống trong tình yêu thương của mọi người nên hình thành nên tính cách phóng khoáng, làm việc không câu nệ, kính già yêu trẻ, khiến cho hết thảy người trên kẻ dưới trong cung vô cùng mát lòng mát dạ. Kể cả thằng bé Quốc Chẩn nhà tôi cũng một tiếng chị dâu, hai tiếng chị dâu, suýt thì quên mất chị dâu nhỏ hơn nó bốn tuổi vẫn còn học hành cực khổ ở phủ Tiết độ sứ kia kìa.
Cuộc sống thoải mái chốn thâm cung khiến tôi quên mất đã từng có rất nhiều câu chuyện bi thảm xảy ra trong hoàn cảnh này, dù sao tụi nhỏ cũng là những đứa trẻ mà tôi hết dạ thương yêu, đương nhiên không thể để xảy ra sơ xuất.
Đứa trẻ Chiêu Hiền rất lanh lợi khôn ngoan, mà con bé Duyệt tính tình lại giống chị An Hoa như tạc. Sống hòa hợp thì tốt, nếu như xảy ra mâu thuẫn không chắc được là con bé Duyệt có chịu ấm ức không. Tôi buồn thu sầu đông một hồi, ngược lại thằng nhóc Thuyên dưới bàn tay săn sóc che chở của vợ hiền lại ngày ngày sống rất thoải mái.
Quý Tỵ, Trùng Hưng năm thứ chín.
Mùa xuân, tháng ba, ngày mồng chín, Trần Khâm nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. Trần Thuyên lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất.
Đại xá, tự xưng là Anh Hoàng, tôn Thượng hoàng làm Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái Thượng Hoàng Đế, tôn Bảo Thánh hoàng hậu làm Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu.
Kể từ khi mẹ tôi mất chị Trinh cũng bệnh mãi không lui, cuối cùng đợi được tới ngày thằng nhóc lên ngôi cao cửu ngũ, trong năm đó chị cũng buông tay giã từ cõi đời. Trong lúc hấp hối chị mới kể cho tôi nghe về chàng trai đã liều mạng cứu chị năm Thoát Hoan tập kích phủ đệ Vạn Kiếp. Kể từ lúc đó, trong lòng chị đã sớm như quả phụ để tang.
Chị nắm tay tôi thủ thỉ, làm vợ của quan gia tốt lắm, dù sao ngoại trừ một lần đêm tân hôn trong lòng chị cũng không chịu cảnh dằn vặt đến độ đó thêm một lần nào nữa. Đức lang quân của chị vẫn còn ở trên trời đợi chị, cuối cùng thì cũng có thể nhắm mắt xuôi tay không màng gì nữa.
Bệnh tật mấy năm qua, gắng gượng đến ngày hôm nay đã mệt mỏi lắm rồi.
Đến lúc này tôi mới xem như có thể hiểu rõ nguồn cơn.
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 110: Những Việc Cần Làm